Đứa con dị chủng
(Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn)
Ghi chú: Tác giả đã
góp một số bài viết đặc biệt về
chuyện đời tị nạn, và được
đề cử vào danh sách chung kết Viết Về
Nước Mỹ 2011. Bút hiệu gồm 2 người:
Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối,
viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch
Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một
cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc
trong một công ty Energy tại thành phố Houston.
Dưới đây là bài viết mới nhất
của ông:
- bài do bạn BáTrần giới
thiệu -
Lúc
gần đây báo chí và các
đài TV Việt ngữ bán tán xôn xao về
ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt.
Tôi thật sự cảm động muốn khóc,
không phải vì ông là người có
tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay
làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi
không mang ông về Đức, chắc hôm nay
ông cũng đã là kẻ lang thang đầu
đường xó chợ ở một nơi nào
đó trên đất nước Việt Nam.
Bạn tôi muốn kể cho quý
vị nghe về một đứa trẻ bụi đời,
lang thang đầu đường xó chợ trên
đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang
về chăm sóc, dậy dỗ đã trở
nên người hữu dụng.
Tôi
lượm được thằng Michael ở bên xa lộ
45 South Trên đường từ Houston đi Clear Lake.
Dạo đó vào khoảng năm 1982, tôi mới
ra trường và bắt được một job
thơm phức làm cho cơ quan NASA ở Houston trong
Mision Control Center, do một ông bạn học cùng lớp
giới thiệu. Cuộc đời tôi gặp bao
nhiêu là may mắn bất ngờ, đúng
là trời cho. Cho nên tôi vẫn nhớ ơn
ông Trời, cố gắng học làm người
tử tế, dù có chịu thiệt thòi một
chút cũng cam lòng.
Số
là hôm đó tôi đi làm trễ, vừa
từ xa lộ rẽ vô NASA road 1, thấy một thằng
nhóc đi bộ lang thang bên lề đường,
vai mang túi sắc to tướng, kiểu túi sắc
quân đội, như ngày xưa tôi nhận
được khi mới vào trường Võ Bị.
Nhóc đưa ngón tay cái lên ngoắc ngoắc
xin quá giang. Tôi vội dừng xe lại hỏi:
-Mầy
muốn quá giang hả?
-Yes,
Sir!
Hắn
vội vã quăng cái “sắc” quần
áo ra sau xe truck, với tay mở cửa và nhảy
phóc lên ngồi cạnh tôi. Mùi mồ
hôi bốc lên nồng nặc. Không chịu nổi,
tôi phải quay vội cửa kiếng xe xuống.
Tôi hỏi chàng “Trẻ Tuổi Bụi Đời”:
-Mày
muốn đi đâu?
-Đi
đâu cũng được!
-Nhà
mày ở đâu?
-Tôi
không có nhà, mới từ OMAHA quá giang xe
xuống đây.
Tôi
nghĩ trong bụng:’Gặp thứ thiệt rồi”.
-Tao phải
đi làm bây giờ, thôi tao thả mày xuống
Clear Lake Park, ở đó có đủ cả
phòng vệ sinh và chỗ che mưa nắng đến
trưa tao kiếm cái gì cho mày ăn.
Bà
xã tôi hay cằn nhằn về vụ cho mấy
tay “bụi đời” quá giang xe. Kể ra
thì cũng nguy hiểm, chẳng may gặp anh
chàng khùng nào đó coi mạng người
như cỏ rác, vậy là giống như trứng
giao cho ác! Nhưng tôi quan niệm khác, sống
chết có số, ngày xưa lúc còn
xông pha trận mạc, mình đâu có
tránh đạn được, toàn là đạn
tránh mình thôi. Cho nên mỗi khi lái xe
một mình, gặp người xin quá giang, nếu
thuận tiện tôi vẫn “dzớt” như
thường. Kể như đền ơn những người
từng cho tôi quá giang hồi mới chân ướt
chân ráo bước chân đến đất
Mỹ này. Hồi đó, mỗi ngày đi
làm phải lội bộ hàng mấy cây số
trên đường đầy tuyết. Nếu gặp
xe nào cho quá giang thôi mừng hết lớn.
Từ
sở làm đến hồ Clear Lake chỉ mất
vài phút lái xe, tôi vẫn hay ra đó
ăn trưa, dỡn với mấy con chim hải âu bằng
cách liệng lên cao một miếng bánh
mì sandwitch thế là cả đám nhào xuống
kiếm mồi, bu lại chung quanh, tôi chỉ vung tay ra
cũng túm được một chú. Đôi
khi buồn ngủ quá bèn đánh một giấc
như “Những Ngày Xưa Thân Ái”.
Buổi
trưa tôi mua 2 phần ăn rồi lái xe đi kiếm
“Chàng Bụi Đời”. Đậu xe
vào parking, nhìn ra mấy bàn picnic sát bờ
hồ, thằng nhóc ngồi đó đang chăm
chú xem cuốn album cũ nát. Thấy tôi đến,
nhóc vội đứng lên chào và rất
mừng rỡ, có lẽ vì túi đồ
ăn khá lớn tôi mang đến. Hắn
đưa cho tôi cuốn album và giải thích:
-Tôi
thấy sau kiếng xe của ông có gián
cái huy hiệu nhảy dù, chắc ông là
người Việt Nam?
-Sao
mày biết?
-Ba
tôi cũng từng chiến đấu ở ViệtNam,
trên mũ cũng có cái huy hiệu giống
như cái ông gián sau xe. Đây ông xem
có đúng không?
Hắn
vừa nói vừa chỉ vào tấm hình chụp
một chàng lính Mỹ mặt non choẹt,
trên dưới 25 tuổi, đầu đội mũ
đỏ của lính nhảy dù ViêtNam thời
xưa, cổ áo mang hai bông mai vàng
đàng hoàng. Nếu không có cái mặt
Mỹ ai dám bảo không phải là lính
nhảy dù VN?
Tôi
nhìn tấm hình thấy quen quen, đúng
là thằng Doug Salvatore, Trung Úy trong ban Cố Vấn
của tiểu đoàn tôi. Sở dĩ tôi nhớ
tên anh ta vì hắn hiền khô it nói, rất
thích đội chiếc mũ đỏ nhẩy
dù lệch hẳn qua một bên, gặp ai trong tiểu
đoàn bất kể cấp bậc, cũng dơ tay
chào miệng lẩm nhẩm “hảy đù
kú gắn” . Ai cũng cười hiểu rằng
hắn muốn nói “Nhảy Dù cố gắng”,
Doug cũng cười theo. Hắn hiền khô it
nói, nhưng mỗi khi nhờ gì hắn đều
giúp đỡ tận tình, từ việc gọi
hải pháo, phi vụ oanh kich, máy bay tải
thương đến xin vật liệu xây cất
doanh trại. Mấy chiếc xe của tiểu
đoàn hết bình điện muốn nổ
máy, kêu hắn đến là xong ngay, đẩy
xe chạy băng băng một chút xíu, thả
chân số là nổ máy liền. Hắn
có thêm một biệt danh khác là
“cargo 5 tấn”, ý nói mạnh như xe vận
tải 5 tấn. Thỉnh thoảng hắn còn mua tặng
tôi cả đồ trong PX nữa. Lính trong tiểu
đoàn gọi hắn là “Đất”. Biệt
danh đó cũng gần giống với tên thiệt.
Mỗi lần gọi “Đất” hắn chỉ
nhe răng ra cười. Sau này biết được
ý nghĩa của chữ “Đất” hăn
càng thích thú hơn, Một lần tôi hỏi
hắn, sao tên của bạn là Salvatore, hơi giống
như Salvadore vậy, thế bạn có phải gốc
Nam Mỹ không? Hắn nói chẳng có liên
quan gì cả, tổ tiên hắn đến từ
Tây Ban Nha.
Hắn
đã cứu tiểu đoàn tôi nhiều lần
trong các cuộc hành quân thời “Mùa
Hè Đỏ Lửa” nhờ xin được kịp
thời những phi vụ yểm trợ vũ bão từ
đệ thất hạm đội hay từ căn cứ
Utapao bên Thái Lan.
Trong
trận giải cứu An-Lộc, tuyến phòng thủ
của đại đội bị chọc thủng.
Tôi bị một mảnh cối vào bụng, cắt
hết nửa lá gan, máu ra lênh láng. Thằng
Đất một tay bắn M16, một tay kéo tôi
vào gốc cây cao xu. Hắn xin trực thăng tải
thương vào bênh viện dã chiến Mỹ,
nếu không tôi chắc đã đi luôn rồi.
Tôi mang ơn cứu tử của Đất từ
ngày ấy. Sau trận An Lộc, hắn về Mỹ.
Tôi mất liên lạc với hắn từ
ngày tan hàng. Bây giờ lại gặp con hắn
ở đây, đúng là số Trời.
Tôi mừng rỡ ôm lấy thằng bé, hỏi
cuống quýt:
Tao
là bạn của Doug, ba mày bây giờ ở
đâu?
Hắn
rớm nước mắt:
-Ba
tôi chết cách nay 5,6 năm rồi.
-Kể
tao nghe đi, sao vậy?
-Ổng
bị đụng xe trên xa lộ bởi một người
say rượu, chết ngay tai chỗ.
-Má
mày đâu mà để mày đi lang thang
như vầy?
-Má
tôi có chồng khác, tôi không thể sống
với cha ghẻ nên bỏ nhà ra đi.
-Mầy
đi má mầy có biết không?
-Cả
nhà còn ngủ, nào ai biết.
-Mầy
còn nhớ số phone nhà không.
-Tôi
có đây, nhưng giá nào tôi cũng
không về đâu.
-Tao
đâu có nói là bắt mầy về
nhà, chỉ là gọi cho má mày yên
tâm thôi, để bả khỏi báo cảnh
sát, mầy hiểu không?
-Dạ
hiểu.
-Thôi
được rồi, quăng đồ đạc
lên xe rồi đi theo tao.
Tôi
dẫn thằng bé lại Motel 6 và book cho nó
một đêm, thủng thẳng tính kế
giúp đỡ. Dù sao nó cũng là con của
ngươì bạn đã có ơn cứu mạng
với tôi, tôi quyết tâm cứu lại con bạn.
Có
câu của Phật dạy “xây 7 cái
gì gì đó, cũng không bằng cứu
cho một người”
Dù
xây chín vạn phù đồ,
Không
bằng làm phước cứu cho một người
(cadao)
Biết
đâu cha nó đã dẫn nó lại cho
tôi? Tôi dặn thằng bé, tắm rửa sạch
sẽ, thay quần áo đàng hoàng, chờ
tôi sẽ tới đón nó trong vòng 2 tiếng
đồng hồ nữa.Tôi lái xe về sở,
nói chuyện hoàn cảnh của thằng
nhóc với xếp và mấy người bạn
làm cùng nhóm, xin xếp cho nghỉ vài
ngày để giúp đỡ nó. Mỗi
người khuyên một câu, đại khái
nói tôi phải cẩn thận với mấy đứa
trẻ bụi đời. Chúng nó có cả
ngàn chuyện rắc rối, hút sách,
đánh lộn, cướp giựt, có khi nó
còn thưa ngược lại là mình lới
dụng làm chuyện bậy bạ v…v…Tôi
đã quyết tâm cứu nó nên bỏ
ngoài tai tất cả những lời khuyên
chân thành đó. Tôi chở thằng
nhóc vào sở và giới thiệu với mọi
người, đồng thời gọi điên thoại
cho mẹ nó, cho biết nó đang đứng cạnh
tôi và muốn nói chuyện với bà.
Tôi
tránh ra một nơi để hai mẹ con nói
chuyện được tự nhiên. Một lúc
sau trở lại, nhóc nói mẹ nó muốn
đươc tiếp chuyện tôi. Bả ngỏ
ý trao toàn quyền cho tôi và cầu xin
tôi giúp cháu, bởi vì đời sống
trong nhà bà như ở địa ngục, cha ghẻ
con ghẻ không ngày nào là không
gây gỗ nhau. Tôi chấp nhận lời khẩn cầu
của bà, yêu cầu bà viết cho tôi tờ
giấy, giao thằng Mike cho tôi, hứa không kiện
tung gì cả và phải có thị thực chữ
ký đàng hoàng. Tôi cho bà địa
chỉ nhà tôi, số điện thoại sở
và phone nhà, cần gì cứ gọi cho
tôi biết. Tôi nghĩ, có thể sẽ gặp
rất nhiều rắc rôi sau này, nhưng chấp
nhận vậy. Xưa kia tôi đã từng chấp
nhận biết bao rủi ro nguy hiểm khi ra trận,
bây giờ có chút đỉnh nhằm nhò
gì?
Tôi
phân vân không biết có nên nói thiệt
với bà xã không? Chắc phải nói rồi,
nhưng dẫn nó về nhà chắc là bả
không thể nào chấp nhận được.Đành
phải gởi thằng nhỏ lại bà chị. Chị
có một quán ăn VN. Khi còn ở quê
nhà, chị cũng mở nhà hàng nho nhỏ,
từng nuôi nhiều tay anh chị trong quán cho
nên du đãng không đứa nào giám
phá phách hay đòi đóng hụi chết!.
Tính tình chị phóng khoáng cởi mở,
mấy đứa du thủ du thực đều nể mặt.
Buổi
chiều, tôi dẫn thằng nhóc lại nhà
hàng, kêu cho nó một dĩa cơm đồ
biển thật to, thằng nhóc chỉ ăn một
loáng là hết sạch, như thể đã
nhịn ăn cả tháng rồi. Dặn nó ăn
xong cứ ngồi đó. Đợi vãn
khách, tôi gặp chị, nói rõ hoàn cảnh
của nó xin chị mở rộng tay cứu giúp
nó, chỉ có chị mới giúp được
nó thôi. Xin chị cho nó một chỗ ở tạm,
còn mọi thứ khác tôi sẽ lo. Chị
hơi lưỡng lự một chút, thở dài:
-Thôi
được, sau khi đóng cửa tiêm, cậu
chở nó về nhà, chúng ta sẽ nói
chuyện với nó.
Tôi
mừng rỡ quá xá, cám ơn chị rối
rít, tôi quay đi để che giòng lệ
tuôn trào, chị lúc nào cũng quan
tâm và che chở bao bọc tôi. Cha mẹ mất
sớm, chị săn sóc và nuôi nấng tôi
như mẹ, lúc nhỏ tôi vẫn sống với
chị cho đến khi nhập quân ngũ. Những lần
bị thương thập tử nhất sinh chị vẫn
là người bên cạnh tôi. Lớn lên
mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc đời,
tôi đều chạy đến chị. Thật
là Ông Trời đã cho tôi một bà
chị để thay thế mẹ. Chị góa chồng
từ năm 1970, ở vậy nuôi ba đứa con
trai. Tôi và gia đình chị đã may mắn
thoát được trong những giờ phút cuối
cùng của miền nam, nhưng đứa con thứ
nhì của chị đã ra đi vĩnh viễn
trên đường vượt biên, trong lúc
con tàu còn lênh đênh trên đại
dương. Qua Mỹ, hai chị em xin được việc
làm trong một nhà hàng tàu. Chị phụ
nấu bếp, còn tôi làm chân “chạy
bàn”. Chị bắt tôi phải đi học,
chỉ cho làm cuối tuần thôi. Nhiều khi thấy
chị vất vả quá, tôi xin chị cho tôi
nghỉ học để phụ giúp gia đình
nhưng chị cương quyết từ chối. Chị
nhắc nhở tôi đó là bổn phận của
chị đã được cha mẹ giao phó
trước khi nhắm mắt, phải lo cho tôi ăn
học đến nơi đến chốn, thành gia
thất đàng hoàng, nếu không sau này
làm sao nhìn mặt các người nơi suối
vàng. Mỗi năm, vào ngày dỗ cha mẹ.
chị bắt tôi phải thề trước vong linh
các người là không được bỏ
học dù bất cứ hòan cảnh nào, cho
nên tôi cố gắng học, vật lộn với
tiếng anh tiếng u, những phương trình đại
số và toán giải tích. Những thứ
đó chỉ còn lờ mờ trong trí
óc cằn cỗi của tôi sau bao nhiêu năm
lăn lộn ngoài chiến trường. Nhiều khi
làm bài không kịp phải ngủ đêm
ngay tại trường trong các phòng học.
Có lần mệt mỏi quá, tôi đã ngủ
gục khi lái xe về nhà, rõ ràng
tôi đã thắng xe lại khi đến
đèn đỏ, thế mà vẫn tông
vào đít xe trước mặt. Báo hại
phải năn nỉ chủ xe rồi bỏ tiền
túi ra thường. Đã bao lần tôi muốn
bỏ cuộc nhưng tôi tự nhủ “Nhảy
dù cố gắng!” nhưng phần lớn vẫn
là không muốn phụ lòng mong ước của
chị. Ngày tôi ra trường, khi nhìn thấy
tôi được gọi tên lên lãnh bằng,
chị là người la to nhất hơn cả mấy
đứa nhóc. Chị xung sướng hơn cả
tôi, tôi ra trường, nhưng mảnh bằng
là của chị, công lao là của chị.
Hai chị em ôm nhau chụp hình kỷ niệm
mà nước mắt chị ướt trên ngực
áo tôi. “Thế là tâm nguyện của
chị đã thành, chỉ còn việc cưới
vợ cho cậu nữa là xong” chị nói với
tôi như thế trong buổi tiệc ăn mừng.
Tôi đã già đầu rồi, bao nhiêu
năm chiến trận, đã từng chỉ huy
hơn một đại đội nhảy dù, thế
mà chị vẫn nghĩ tôi còn con nít.
Trở
lại chuyện thằng nhóc, 10 giờ tối, tiem bắt
đầu dọn dẹp đóng cửa. Tôi dẫn
nhóc lại giới thiệu với chị và xin
phép chị chở thằng nhóc về nhà
trước.
Tôi
cắt nghĩa qua loa về phong tục tập quán của
người Việt, kính trọng người lớn
tuổi hơn mình, nhất là người
già cả, thế nào là tiên học lễ
hậu học văn, kính trên nhường dưới.
Những
điều căn bản đạo đức của
người Việt không tìm thấy trong sách
giáo khoa ở trên đất Mỹ này.
Nhóc hứa với tôi từ nay sẽ chăm chỉ
học hành không la cà hút sách nữa.
Nghe vậy tôi cũng yên lòng. Tôi thấy
thương nó như chính con tôi vậy.
Buổi
tối, cả nhà quây quần trong phòng family
room. Thằng nhỏ được mang ra trình diện:
-Đây
là Mike, còn đây là bà Ánh, hai
người con của Bà là Dũng và
Trí.
Cả
nhà bắt tay nhau và nói lời chúc tụng
xã giao. Bà chị tôi dặn thằng Mike:
-Từ
nay con gọi ta là Má Ba, mặc dù tên của
ta là Ánh, ta đã nhận con là con, ta sẽ
đối sử với con như hai đứa con của
ta, con có chịu không?
Thằng
nhóc nói lý nhí:
- Yes Má Ba.
-Con bao nhiêu tuổi?
-Dạ 13.
-Thằng Trí 16 là anh Hai, Thằng
Mike ta đặt tên VN là Mai là anh Ba, thằng
Dũng trẻ nhất 12 tuổi là Út cũng gọi
là thằng Tư nghe chưa. Tất cả đều
dạ ran, Thằng Mike chẳng hiểu đầu
đuôi ra sao tôi phải cắt nghĩa cho nó
hiểu.
- Con lớn nhất của Má Ba nick
name goi là Number two, nó được gọi
là number three, trên thằng Tư một bực. Nó
thắc mắc sao không có number one. Má Ba trả
lời đó là luật lệ. Còn luật nữa
là ở nhà chỉ nói tiêng Việt
thôi. Bắt Đầu từ ngày mai, thằng Mai
cũng phải nói tiêng Việt. Má Ba cho một
đặc ân, trong mấy tháng đầu, nếu
thằng Mai không biết tiếng Việt cho phép
thằng Hai và thằng út nhắc nhở.
Chị tôi nói tiếp:
-Ngày mai cậu Út dẫn thằng
Mai đi xin học, về nhà phải học và
làm bài tới 9 giờ tối, sau đó muốn
coi TV hay làm gì khác tùy ý, 10 giờ tối
phải đi ngủ. Chủ nhật phải đi lễ
sớm, thằng Mai phải ghi danh học Việt Ngữ ở
trường Nhà Thờ như hai đứa kia. Thằng
Út lên dọn phòng cho thằng Mai ngủ.
Tôi cười nói với chị:
- Toàn là “phải”
này “phải” kia y như bà “xếp”
của em vậy. Thằng Mai “phải” nghe lời
Má Ba nghe chưa!
Nhóc vội vàng trả lời:
“Yes, Sir!”
Chị lườm tôi:
-Mấy đứa này phải dặn
kỹ càng như vậy mới được,
còn không vào lỗ tai này ra lỗ tai kia mất
cậu ơi!
Hướng về thằng Mai chị
tôi hỏi:
-Sao mày bụi đời.
Thằng Mai rớm nước mắt, ngập
ngừng một lúc mới thốt nên lời:
-Má Ba ơi, con rất cô
đơn và buồn khổ, lớn lên không
cha. Cha ghẻ của con là một người cọc
cằn, khó tánh và nghiện rượu, trong
nhà cãi lộn xảy ra hàng ngày. Tất
cả giận giữ của mẹ và cha ghẻ đều
đổ lên đầu con. Cuối cùng con phải
bỏ nhà ra đi.
-Rồi mày ở đâu, làm
sao mà sống?
-Con phải ngủ dưới gầm cầu
hay trốn vào mấy căn nhà bỏ trống. Ăn
cắp đồ, lục thùng rác hay bán cần
sa ma túy để kiếm sống.
Chị xoa đầu thằng nhóc
và khuyến khích nó rồi dẫn tôi
đến thắp nhang bàn thờ cha mẹ, hứa sẽ
chăm nuôi thằng Mai như con chị. Chị
nói với tôi có lẽ Chúa mang thằng
Mai cho chị, để an ủi chị những lúc
thương nhớ thằng con đã bỏ chị ra
đi. Thế là chị lại có ba đứa
con như xưa. Tôi thấy chị lau vội hai giọt
nước mắt vừa lăn trên má.
*
Bà chị tôi áp dụng luật
lệ giang hồ và rất nghiêm khắc với mấy
đứa con. Anh rể tôi qua đời từ khi mấy
đứa còn rất nhỏ. Anh là một Phật
tử thuần thành, vẫn hay đi Chùa vào
những dịp lễ lớn. Chị là con chiên của
Chúa, hai người khác đạo nhưng vẫn
sống với nhau hòa thuận, đạo ai nấy
giữ, mấy đứa con thì vừa cho đi
nhà thờ vừa cho đi chùa. Sau khi anh mất
chị ở vậy, làm ăn vất vả để
nuôi con ăn học. Qua Mỹ, Tôi và chị
đi làm công một thời gian, hai chị em
để giành được một số vốn nhỏ
rồi mở tiệm ăn VietNam. Bạn bè Mỹ của
mấy đứa cháu đến nhà chơi phải
nói tiếng Việt và ăn đồ ăn ViêtNam.
Có lần chi giải thích với mấy đứa
con:
-Chúng mày tới nhà bạn
phải nói tiếng Mỹ, tiếng của cha mẹ
chúng nó phải không? Ăn đồ ăn của
cha mẹ chúng nó phải không? Vậy
thì chúng nó cũng phải nói tiếng
Việt và ăn đồ ăn của tao, thế mới
công bình chứ.
Mấy đứa con hết ý
luôn.
Mấy đứa nhóc Mỹ ăn
đồ ăn VN riết rồi đâm ghiền,
món gì cũng không từ, nước mắm,
mắm tôm cũng mê luôn. Chúng gọi mắm
tôm là mắm “con chuột”.
Chỉ một thời gian ngắn, thằng
Mai đã có thể nói chuyện thông
thường hằng ngày bằng tiếng Việt. Nó
lớn lên trong tình thương gia đình của
chị tôi, nó rất hãnh diện có một
mái nhà ấm cúng và một người
mẹ thương yêu chăm sóc cho nó . Ngày
thường cả ba đứa nhỏ đều đi học.
Ngày Chủ Nhật, sáng đi lễ nhà thờ
rồi theo học lớp Việt ngữ tại
đó, chiều đi lên chùa học võ
VOVINAM và họp Hướng Đạo. Ngày
này qua tháng nọ, thằng Mai đã
thành một đứa nhỏ Việt Nam từ
cách ăn nói lễ phép, đi thưa về
trình hẳn hoi, biết khoanh tay chào người
lớn tuổi, biết cầm hai tay dâng đồ
ăn cho Má Ba, biết quỳ lạy trước
bàn thờ cha mẹ tôi. Ngày Tết cũng biết
mừng tuổi chị tôi, biết cầm cờ
vàng đi biểu tình ngày quốc hận. Nó
hòa đồng với tụi nhóc VN chẳng
khó khăn gì. Gặp người Việt họ
vẫn tưởng Mai là đứa con lai, ai cũng
khen ngoan và lễ phép, có đâu ngờ rằng
nó là thằng Mỹ con chính hiệu con nai
vàng! Nếu mấy đứa con nít Việt Nam lớn
lên trên đất Hoa Kỳ bị gọi là
“Chuối” , ngoài da vàng, nhưng trong
đầu óc đã Mỹ hóa hoàn
toàn! Thì phải gọi thằng Mai là
bánh bao, ngoài thì trắng trong thì hầm
bà lằng đủ thứ.
Mai và thằng út học chung một
lớp, đi đâu cũng có nhau, anh em rất
thân thiết. Nó hay săn sóc hỏi thăm sức
khỏe chị tôi, bắt chước thằng
Út rót nước mời chị mỗi khi chị
đi làm về, đôi khi còn nấu những
món ăn nhà quê của người bản xứ
mời chị ăn. Má con càng ngày càng
thắm thiết. Chị cũng rất thương
nó, có khi còn hơn cả mấy đứa
con ruột của chị. Chị vẫn hay than thở với
tôi “Tội nghiệp thằng Mai, có mẹ cũng
như không.”