“Tại sao cây táo lại nở hoa”...
(Trần Nhã Thụy)
TT - Sài
Gòn những chiều mưa dài và nhiều
hôm “bổ sung” dông gió. Đường
về nhà với nỗi ám ảnh kẹt xe ngập
nước lặp lại trong cảm giác tê dại
không thốt thành lời. Nhiều khuya trở giấc
nằm nghe mưa gió thổi thốc trên mái
nhà, rất khó ngủ trở lại, những
ý nghĩ rời rạc không biết chắp
vào đâu.
Những buổi
sáng cà phê một mình. Người bạn
thường hay ngồi cà phê để cùng
“nhớ nhà châm điếu thuốc”
đã tạ từ thành phố, trở lại
quê nhà. Đến và đi. Cuộc hội ngộ
đầm ấm và chia tay bùi ngùi. Nhưng
biết làm sao được khi trong căn thể mỗi
người, ai cũng ao ước khát thèm
được quay trở về những ngày
tháng thanh bình giản dị. Trở về, để
bảo toàn đời sống nội tâm, để
được là mình ở mức độ thuần
khiết có thể, không cần gì, không
để trở thành gì. Sống lành mạnh
và vui vẻ.
Nhưng, một cuộc
sống như thế, đâu phải ai cũng có
suất và cũng đâu thể thực hiện bằng
cách duy ý chí. Mưu sinh chẳng bao giờ
là nhẹ gánh. Mà cuộc sống, với
tính chất bất an thường trực và
ngày càng đẩy mạnh lên cao khiến cho
ta không khỏi hoang mang lo sợ. Thử làm
công việc điểm báo một tuần sẽ
thấy: “hiệp sĩ” bị xã hội
đen chém, cô gái trẻ chết oan do
bác sĩ vô cảm, xe “điên”
tông chết người, cán đinh tử nạn,
giảng viên gạ tình sinh viên, con chém bố
...
Đấy là
đời sống dân sinh xã hội. Còn ở
đời sống văn hóa văn nghệ thì
đạo văn, mua danh, chạy giải thưởng ...
hầu như ở đâu cũng có. Hám danh
và hám lợi. Giả dối và lừa đảo
lòng vòng. Dường như khó tìm thấy
sự kính nhường, lễ độ, chân
thành và sự tự học, hiếu học, cống
hiến. Hết nhìn thấy cảnh cầu chức
tước ở đền Hùng, lại thấy cảnh
cầu thi đỗ ở Văn Miếu mà không
khỏi buồn. Không chỉ là thấy có một
cái gì đang mất đi, mà còn thấy
có cái gì đang vụn rã, không thể
vãn hồi.
Lại thêm một
người bạn nữa rời bỏ thành phố
này, rời hẳn đất nước này.
Không một lời chào từ biệt. Có lẽ
đã quá mệt mỏi, đã quá
chán nhìn mặt nhau, hay là coi như chẳng
có gì nghiêm trọng? Có khi coi như
là không quen biết nhau còn hay hơn?
Nhưng bạn
đi rồi bỗng dưng mình lại nhớ
cái câu bạn hay giăng trên status (trạng
thái): Nếu cuộc đời này toàn chuyện
xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa ... Lần
đầu thấy câu trên status mình rất
vui, khen bạn nghĩ ra câu hay thế. Nhưng bạn
bảo đấy là nhạc của Trần Tiến
mà. À, thì ra đấy là bài Chim sẻ
tóc xù của Trần Tiến, nhưng lời
thơ là của Lưu Quang Vũ (bài Phố ta,
1970).
Bây giờ
thì mình ngồi lật tập thơ Lưu Quang Vũ
để đọc lại bài Phố ta:
Phố của ta
Phố nghèo của
ta
Những giọt
nước sa
Trên cành
thánh thót
Lũ trẻ
lên gác thượng
Thổi bay cao bao
bong bóng xà phòng.
Em chờ anh
trước cổng
Con chim sẻ của
anh
Con chim sẻ
tóc xù
Con chim sẻ của
phố ta
Đừng buồn
nữa nhá
Bác thợ mộc
nói sai rồi
Nếu cuộc
đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây
táo lại nở hoa
Sao rãnh nước
trong veo đến thế?
Phố mà
mình đang sống cũng có thể coi là
“chuẩn” phố nghèo. Chỉ tiếc
là không có cây táo nào, cũng
như không có rãnh nước trong veo, mà
chỉ có mấy cây cột điện xiêu vẹo
dây nhợ lòng thòng và mấy con
đường sập cống úng nước đục
ngầu. Nhưng thơ của Lưu Quang Vũ thật tuyệt:
Nếu cuộc
đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao
cây táo lại nở hoa ...
Dẫu biết
cây táo nở hoa thì có liên quan
gì tới cuộc đời này có xấu xa
hay không nhưng vẫn thấy thích và chợt
thấy nhẹ lòng mình. Thôi thì hãy
nhìn cây táo nở hoa, ngắm rãnh nước
trong veo (trong thơ, hay là trong tâm hồn mình)
để thấy đời không chỉ là xấu
xa.
TRẦN NHÃ THỤY
(Diễm
Xưa sưu tầm
và chuyển)