Mây Trắng
(Trần Mộng Tú)
Gửi anh chị
Đỗ Hữu Nho và gia đình.
Đánh dấu một năm
cháu Uyển Tiên qua đời
Tôi sửa soạn
đóng hai cánh cửa nhà thiêu để
ra về, thì một người đàn ông
trong nhóm người đi đưa đám tang
quay lại hỏi tôi:
- Khi nào thì lấy tro
được?
- Khoảng 8 giờ sáng
mai,tôi sẽ đến để
làm công việc đó.
Người đàn
ông chào tôi, rồi hấp tấp đi về
phía nghĩa trang theo đám
người đang đi về hướng đó. Sau khi đưa quan tài vào nhà
thiêu, mọi người rủ nhau đi xem nơi hũ
tro sẽ được đặt xuống. Nơi cây cỏ, đất sỏi được
chăm sóc, cắt xén thành một khu vườn
thật đẹp.
Có thác
nước róc rách, vài nhịp cầu gỗ
và những tảng đá để rải
rác;những tảng đá
đã được khắc tên, cho biết
bên dưới có một hũ tro nằm tĩnh lặng,
những tảng đá để trống là
nơi đó chưa có tàn tro nằm xuống.
Đó là một ngôi vườn
quá đắt cho người còn sống mua cho
chính mình, nhưng với người qua đời,
hình như người sống không nỡ đắn
đo với người đã mất. Người sống như thấy mình
có bổn phận làm cho người chết
trên cả những điều cần thiết.
Sáng
hôm sau, tôi tới nơi, thì người
đàn ông đó đã có mặt.
Tôi hỏi, thì được biết ông dậy
thật sớm, rời nhà từ sáu giờ
sáng vì sợ kẹt xe. Tôi
hỏi tiếp:
- Ông liên hệ thế
nào với người qua đời này?
- Tôi là
cha của cô ấy.
Bây
giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ người
cha. Ông khoảng
ngoài sáu mươi, nhưng có lẽ nhiều
tuổi hơn, tôi đoán thế, vì người
Á Đông họ thường trẻ hơn tuổi
thật của họ. Tóc ông hoa râm, hai
con mắt buồn buồn( làm sao
mà vui được). Tôi nói với ông:
- Thật ra
tôi không được phép cho ông
vào, nhưng thôi ông đã đến,
thì vào đây xem tôi làm việc.
Anh ta mở
khóa cánh cổng nhà thiêu, cha nghe tiếng
chìa khóa tra vào ổ, khe khẽ như tiếng
động phát ra từ một cái cuống họng
yếu ớt của con và tiếng kêu lên của
bản lề, khi cánh cửa hẹp mở ra nghe
như tiếng mẹ con hay thở dài. Anh
ta chắc không để ý đến những tiếng
động quen thuộc đó. Cha theo
anh vào hẳn phía trong. Gian buồng
này, ngày hôm qua cha chỉ nhìn được
một phần ở phía trước, nơi đặt
chiếc lò thiêu. "Buồng
không rộng lắm", anh ta nói. Cha đứng
xích qua một bên khi anh ta cầm chiếc cây
dài bằng sắt, móc kéo cái khay trong
lò thiêu ra, có lẽ anh ta sợ cái
cây đó sẽ đụng phải cha. Chiếc khay kim
loại có chiều dài và chiều ngang của
chiếc áo quan được kéo ra. Cha không
còn nhìn thấy chiếc áo quan có
thân xác của con gái cha nằm trong
đó ngày hôm qua nữa, thay vào
đó là một lớp tàn tro dầy khoảng
một gang tay. Ôi, mấy chục
năm con làm người có bao giờ cha thử
đo thân con trưởng thành bằng gang tay mình không nhỉ? Cha
chăm chú nhìn xuống cái mầu xám
tro than lạnh lẽo đó, cố hình dung ra
vóc dáng của con.
Tôi
bắt đầu công việc của mình.
Tôi tôn trọng theo dõi sự
xúc động trên mặt của người cha hiện
diện và sự tĩnh lặng của người
con đã chết. Tôi biết, cả hai đang
quan sát việc làm của tôi. Tôi bắt
đầu gắp những mảnh kim loại lớn của
áo quan như bản lề ra trước, để
vào một nơi, sau đó tôi dùng một
dụng cụ khác bằng nam châm, rà rà
trên mặt phẳng của cả khay tro để
hút nốt những chiếc đinh, những con ốc
mà tôi chưa gắp ra hết.Tôi gạt tất
cả những cái đinh vừa hút được
vào với đống bản lề. Người
cha tiến gần đến cạnh tôi, hai chúng
tôi cùng cúi xuống cái khay đựng cả
tấm hình hài người phụ nữ
đã thành tro bụi.
Anh ta nói chậm
rãi, tiếng anh ta đều đều không cảm
xúc nhưng cũng không lạnh lùng, bằng
những dẫn giải nghề nghiệp của anh ta, cha
biết: áo quan bằng gỗ quý như chiếc
nôi cuối đặt con vào, quần áo lụa
là chọn mãi cho con, chiếc khăn tang quấn
trên vầng trán con để trả hiếu mẹ
cha còn sống, cành hoa hồng thơm ngát
đặt nằm cạnh con, và ruột gan, da thịt
con. Tất cả, đã bốc hơi
trong sức nóng cao độ (1,400-2100.F) nung con trong thời
gian gần hai tiếng.
Bây giờ phần
còn lại chính là tàn tro của
xương cốt. Trong chiếc khay này, cha vẫn
nhìn thấy những mảnh xương chưa tan hẳn,
chúng có mầu trắng xám, trông như
những mảng mây cha thường thấy vào những
buổi chớm thu, chúng trông cũng giống
như những mảnh san hô nhỏ và xốp con
đã nhặt được ở ngoài bãi
biển vào những mùa hè của thời
thơ dại ở quê nhà.
Ôi
con! Ôi mây mùa thu và san
hô mùa hè của cha mẹ.
Tôi cúi xuống
chỉ cho người cha những chấm đỏ
tìm thấy tụ lại trên những mảnh
xương chưa tan hết. Những chấm
này thật hiếm hoi, không ai hiểu tại sao lại
có. Người Á Đông
tin là chỉ ai có một đời sống
thánh thiện, tốt đẹp mới có những
vệt son này lưu lại trên xương. Bổn phận của tôi là nhặt những
mảnh xương này, thận trọng bỏ từng
mảnh xương vào một cái máy xay nhỏ
và tán ra như bột để trộn lẫn
vào phần tro than.
"Với những người bơ
vơ, tôi xin làm người che chở
Với kẻ lữ
hành tôi xin làm người hướng đạo
Xin được là thuyền, là cầu, là lối qua
Cho người muốn đến bờ
bên kia
Mong sao cho đau khổ của mọi
sinh vật
đều hoàn
toàn chấm dứt" (1)
Cha đứng
nhìn anh ta gắp những mảnh xương như
mây mùa thu, như san hô của
biển mùa hè bỏ vào máy, anh ta quay lại
nhìn cha, có ý hỏi cha có muốn giữ
lại một mảnh nào không? Cha
suy nghĩ giữa có và không? Cuối cùng cha không giữ lại mảnh
nào, để cho con đủ nguyên vẹn cốt
xương đi vào lòng đất. Anh ta
xay, như xay cả đất trời hơn bốn
mươi năm tích lũy trong hình hài con
gái của cha, như xay chính xương thịt
của cha, như xay tình yêu thương gia
đình, tình mẫu tử, tình chồng nghĩa
vợ của con. Cuối cùng, anh ta
có được một vốc hạt tinh tuyền
trộn lẫn vào nắm tro than bàng bạc.
Tất cả được trút vào một
cái bao đã có sẵn và tên con
đã được dán vào.
Cha nhớ chồng
con đã tháo chiếc vòng ngọc ở tay con trước khi hỏa thiêu, chiếc
vòng không bao giờ còn tìm thấy cổ
tay nó đã từng ôm ấp. Cha thấy trong
khay có một mảnh nhỏ, không biết
làm bằng gì mà không bị đốt
cháy, có hình dạng như một chiếc
khoen nhỏ, có lẽ đó là một vật
đã gắn trên ngực con, để nhân viên
y tế chuyền thuốc vào thân thể. Cha giữ lại mảnh này giống như
chiếc vòng ngọc. Cả hai thứ
này đã cùng chia sẻ những giờ cuối
với con. Chúng được gìn giữ
như di vật của con để lại cho gia
đình.
Người
cha đó đã ra về, sau khi chứng kiến
công việc làm của tôi.
Ông không hỏi nhiều, và
tôi cũng cắt nghĩa rất ít. Tất cả việc tôi làm đối với
người cha đó là một nghi lễ
thiêng liêng. Trong gian buồng
hoàn toàn im lặng, chỉ có ba chúng
tôi. Tôi chăm chú làm
việc. Cúi nhìn khay tro, tôi không biết
trên mặt ông có nước mắt hay
không, nhưng tôi nghe được tiếng lệ
chẩy róc rách trong lồng ngực ông,
tôi nghe được tiếng cựa mình, tiếng
thì thầm của những mảnh xương
đã cháy thành tro, tôi nghe được
cả tiếng vỗ về của chính tôi cho
nàng, khi tôi chạm tay vào tro than đó. Sau cùng, tôi cẩn trọng đặt
nàng thêm một lần nữa vào trong
cái hũ có gắn sẵn tên nàng.
Tôi nhìn
khuôn mặt người cha lần chót trước
khi chia tay. Tôi thấy mặt
ông tiều tụy và phờ phạc. Tôi biết ông đau khổ lắm.
Tôi muốn gửi đến ông mấy lời:
“Nỗi đau buồn là một vết thương cần được chú ý và hàn gắn. Hàn gắn
nỗi đau buồn có nghĩa
là đối mặt với nó công khai thẳng thắn, bộc
lộ và phóng
thích trọn vẹn nó, chấp nhận nó kéo dài bao lâu
nó cần, để cho vết thương lành
lại. Thường ta
cứ tưởng rằng một khi công nhận
nỗi đau buồn, chắc
ta không thể
nào chịu nổi. Sự thật thì nỗi
đau khổ được
bộc lộ ra sẽ có lúc đi đến
kết thúc. Đau khổ mà
không bộc lộ được sẽ kéo dài bất tận”(2)
Cánh
cửa nhà thiêu đóng lại sau lưng,
người cha lặng lẽ ra về.
Ông lê gót ra chỗ đậu xe, lòng
tràn ngập hình ảnh con, ông ngửa mặt
lên bầu trời, ông thấy từng cụm
mây trắng đang bay tản mác về nơi
vô định, ông đưa bàn tay vuốt mặt
mình.
-Thôi con, mây trắng
bay đi nhé !
Trần Mộng Tú
Ghi
chú: 1 và 2, trích Tạng Thư Sống Chết
của Sogyal Rinpochi – Trí Hải dịch
(Diễm
Trinh sưu tầm và chuyển)