KHUÊ
(Tiểu Thu)
Thơ Thơ vừa mặc
cái robe mới mua hôm thứ bảy tuần trước vừa
ngắm nghía hình ảnh người thiếu phụ phản
chiếu trong tấm gương lớn, tỏ vẻ hài
lòng. Chiếc robe màu đen, dài phủ đầu gối,
để lộ cặp chân trắng ngần. Thứ bảy
tuần rồi đi shopping với Nga ở Rockland Center,
ngang qua tiệm BCBG Nga lôi Thơ Thơ vào, mặc cho nàng dẫy
nẫy:
- Thôi mi ơi, tiệm này mắc
thấy mồ. Lương ta ba cọc ba đồng ..
Nga cắt ngang:
- Tuần này nó hạ 70%. Vô
đi. Ta thấy một cái robe màu đen rất hợp với
mi. Mặc hôm party tuần tới là có khối chàng .. xỉu!
Vừa nói Nga vừa nháy mắt
với Thơ Thơ. Thơ nguýt cô bạn vàng một cái sát
rạt:
-Vớ vẩn! Ai mà thèm bà
già háp này chớ!
Nga cười bí mật:
- Ha! Vậy mà có người
.. Nói tới đây cảm thấy mình lỡ lời, Nga
đánh trống lãng bằng cách reo lên:
- Đây rồi. May quá
"Nó" chưa bị chôm đi mất!
Nga lôi chiếc áo đầm
treo tuốt trong góc đưa cho Thơ Thơ. Chiếc áo cắt
khéo, cổ trễ vừa phải và những lằn xếp
chéo trước ngực đầy nghệ thuật.
Thơ Thơ thấy chiếc áo thật đẹp. Nhìn giá
cũng phải chăng, nên sau khi thử nàng đã trả
tiền lấy chiếc áo.
Nga tuyên bố tổ chức
party để chào đón ông anh họ từ Pháp qua chơi.
Vốn không có tính tò mò nên Thơ Thơ cũng không hỏi
gì nhiều về ông ấy. Chỉ biết ông ta đến
tuổi sắp về hưu, có bằng Tiến sĩ và dạy
ở một trường Đại Học tại Paris.
Có gia đình nhưng đã ly dị và tên là Tú. Nga khen ông anh
này hết mình. Đến nỗi Thơ Thơ phải kêu:
- Thôi, khen quá coi chừng té
hen đó mi. Ta phải thấy tận mắt mới tin. Mi
là hay tô màu téc-ni-cô-lo lắm!
Nga chỉ cười mím
chi:
- Ờ, mai mốt gặp
anh của ta rồi, nhớ đừng có bị coup de
foudre đó nha. Lúc đó chỉ sợ có người năn
nỉ tui nói .. tốt dùm hổng chừng!
- Thôi, cho em xin hai chữ bình
an. Từ ngày thoát khỏi ách "đô hộ" của
lão Nguyên, em sống rất thoải mái. Có điên mới
đeo gông vào cổ lần nữa ..! Nga chỉ cười
cười, không trả lời.
.. Thơ Thơ ngắm mình
trong gương một lần nữa. Mái tóc cắt
đơn sơ úp vào cổ, màu son hồng fuchsia khiến
nàng trẻ ra cả chục tuổi. Tối nay Thơ
đeo nữ trang hạt trai trắng càng tôn thêm nét quý phái.
Dù đã qua tuổi năm mươi từ lâu, nhưng nhờ
tập thể dục đều đặn nên thân hình nàng
vẫn còn thon gọn trong chiếc robe bằng soie màu
đen sang trọng. Cầm chiếc ví soirée màu bạc, mang
đôi giày cùng tông, Thơ Thơ cảm thấy đầy
tự tin.
Đến nơi đã thấy
xe hơi đậu kín hêt trước cửa nhà Lệ Nga,
Thơ Thơ phải đậu xe ở con đường
ngang hông và đi bộ đến nhà Nga. Bước vào
phòng khách đã thấy bạn bè quen thuộc đứng
đầy. Thơ Thơ mỉm cười, gật đầu
chào tổng quát. Ánh mắt cánh đàn ông nhìn nàng toát đầy
vẻ ngưỡng mộ, nhưng cánh đàn bà không dấu
nổi sự e dè! Thơ Thơ biết, từ khi li dị
Nguyên, nhiều người đã không còn nhìn nàng với ánh
mắt như xưa. Những lời mời dự party
cũng thưa dần. Có vẻ như, nơi những
người đàn bà độc thân nói chung, có cái gì đó
khiến cho các bà vợ không yên tâm. Chỉ có Lệ Nga là không
thay đổi. Nhờ bờ vai của bạn mà suốt
những tháng đầu chia tay với Nguyên, Thơ Thơ
đã có nơi nương tựa tinh thần vững chắc.
Bất cứ lúc nào nàng cũng có thể gọi cho Nga. Có những
đêm không ngủ được, đầu óc căng thẳng
tột độ, những ý nghĩ đen tối bắt
đầu nhen nhúm, Thơ Thơ vội vàng gọi cho bạn
và Lệ Nga đã yên lặng lắng nghe, lòng đầy
thương cảm và xẻ chia. Tiếng nức nở của
Thơ Thơ nhiều lần khiến Lệ Nga cũng
rơi nước mắt âm thầm. May mà Sĩ, chồng
Nga, thông cảm cho hoàn cảnh của Thơ Thơ. Nàng
đang trải qua thời kỳ đen tối nhất cuộc
đời của một người đàn bà. Mất con
và li dị chồng. Vì thế Sĩ không hề cằn nhằn
khi thấy vợ bỏ nhiều thời giờ an ủi,
chăm nom cho Thơ. Đứa con trai duy nhất của vợ
chồng Thơ đã qua đời năm hai mươi
lăm tuổi, trong một tai nạn xe mô tô. Biết con
trai có niềm đam mê nguy hiểm, nhưng Nguyên chiều
con, không hề ngăn cản.
Sau cái chết của con,
Nguyên suy sụp dần rồi đâm ra nghiện rượu.
Chuyện ly dị sẽ không xẩy ra nếu như Nguyên
không theo bạn bè đi Casino và càng ngày càng lún sâu vào trò
chơi đen đỏ. Bao nhiêu tiền dành dụm cho tuổi
già cũng lần lượt đội nón ra đi, mặc
cho Thơ Thơ năn nỉ, khóc lóc .. Có là thánh nàng cũng
không thể chịu đựng nổi ông chồng vừa
nghiện rượu, vừa nghiện cờ bạc. Thế
rồi một ngày .. xấu trời, Nguyên nhận
được lá đơn ly dị của Thơ Thơ.
Nàng dửng dưng, chai đá trước những lời
hứa hẹn, thề thốt thứ một trăm lẻ
.. của chồng. Cuối cùng Nguyên đành đầu hàng,
đặt bút ký vào lá đơn. Không có sự tranh giành, kiện
tụng nào xảy ra. Hai người chia tay êm thắm trong
sự đớn đau, hối tiếc. Hối tiếc một
hạnh phúc đã qua. Hình ảnh gia đình ba người
đầm ấm, vui vẻ ngày nào đã trôi vào dĩ vãng.
Như một giòng suối chảy xuôi và mất hút vào vô tận
..
May mà Thơ còn có Lệ Nga.
Hai người quen nhau từ lúc cùng ở nội trú Régina
Pacis. Thơ học Luật và Lệ Nga học Dược.
Phòng hai cô sát cạnh nhau, cùng tuổi nên hai người dễ
thân thiết. Lệ Nga từ Đà Lạt xuống và
Thơ Thơ từ Cao Lãnh lên. Ba má Lệ Nga quê Sài Gòn
nhưng lên Đà Lạt lập nghiệp lúc cô bé còn nhỏ
xíu. Suốt bốn năm học, rất nhiều lần
Thơ Thơ lên Đà Lạt nghỉ mát và Lệ Nga về
Cao Lãnh nghỉ hè. Cả hai có với nhau biết bao kỷ
niệm đẹp tuyệt vời của thời con gái
ngây thơ. Chính Thơ Thơ đã là phù dâu cho Lệ Nga
trong ngày cưới. Sĩ, chồng Nga là Bác sĩ Quân y. Sau
đó Lệ Nga cho mướn bằng Dược sĩ và
theo chồng đổi ra Quy Nhơn. Vợ chồng cô chỉ
về Sài Gòn dự đám cưới của Thơ Thơ
với Nguyên. Sau đó thì Nguyên cũng đổi đi làm
Phó Tỉnh Trưởng một tỉnh miền Cao nguyên xa
xôi. Hai cô chỉ còn gặp nhau qua những cơ hội hiếm
hoi. Đất nước giặc giã điêu linh biết
làm sao bây giờ?
Cho đến tháng Tư Bảy
Lăm, cả hai tình cờ gặp nhau trên đảo Guam.
Ôi! không lời nào có thể diễn tả được
cái cảm giác hạnh phúc của hai cô bạn chí thân khi gặp
lại nhau trong một hoàn cảnh oan khiên như thế. Cả
hai oà lên khóc trước ánh mắt ngạc nhiên của những
người tị nạn. Những giọt nước mắt
xót xa lẫn vui mừng .. Khi phái đoàn Canada đến phỏng
vấn, hai gia đình ghi tên và chỉ một tuần sau là họ
có mặt tại thành phố Montréal. Rồi những ngày
cơ cực cũng dần qua. Sĩ cày cục thi lấy
lại bằng bác sĩ, Lệ Nga cũng lấy được
bằng dược sĩ. Cả hai đều đi làm
chăm chỉ nên đời sống thật dư dả,
thoải mái. Nguyên học ra Kỹ sư cơ khí, có việc
làm tốt. Phần Thơ Thơ, thấy nghề computer dễ
tìm việc nên nàng ghi tên học. Sau khi yên ổn rồi
Thơ Thơ mới sinh cu Nhật. Vì nhau không tróc, Thơ bị
làm băng suýt chết. Bác sĩ cuối cùng phải cắt
bỏ tử cung. Biết vợ không thể sinh nở thêm
nữa, bao nhiêu tình thương Nguyên dồn cả vào thằng
con trai duy nhất. Cả hai cưng con như châu báu. Thế
mà định mệnh lại bắt nó lìa cha bỏ mẹ
mà ra đi ở độ tuổi tươi đẹp nhất,
như trái còn xanh mơn mởn trên cành .. chợt rụng và
một gia đình tan vỡ! ..
- Thơ Thơ. Tiếng Lệ
Nga phát ra từ ngưỡng cửa phòng đọc sách. Vô
đây ta giới thiệu với mi một người.
Thơ Thơ tiến về
phía bạn, vừa cười vừa hỏi:
- Làm gì mà bí mật dữ vậy
..
Nhưng nụ cười
trên môi nàng vụt tắt. Thay vào đó là một sự ngạc
nhiên tột độ. Thơ Thơ tự hỏi mình
đanh tỉnh hay mơ. Người đàn ông trong bộ
complet màu kem, dáng dấp sang trọng đứng giữa
phòng có phải là ..? Quay sang định hỏi Lệ Nga,
nhưng nàng ta đã biến tự hồi nào, sau khi kín
đáo khép cửa phòng lại. Giờ thì chỉ có hai
người đối diện nhau. Một cảm giác
mơ hồ vừa xa lạ vừa thân thiết xâm chiếm
Thơ Thơ. Nàng không thốt được lời nào, chỉ
nhìn đăm đăm người đối diện. Cặp
mắt to, vẫn còn tinh anh sau cặp kính trắng, mái tóc
hơi quăn có nhiều sợi bạc hai bên thái
dương và chiếc cằm chẻ đôi. Chỉ có một
người có đôi mắt này và chiếc cằm này .. Lần
cuối cùng nàng thấy người ấy trong tấm ảnh
treo trên vách nhà của Nguyệt. Năm đó nàng mười
sáu tuổi.
Người đàn ông tiến
lại gần, cặp mắt đắm đuối nhìn
sâu vào mắt Thơ Thơ, giọng êm như ru:
- Thơ Thơ. Còn nhận
ra anh không?
Thơ Thơ đáp khẽ, giọng
có chút nghẹn ngào:
- Anh Khuê! Phải anh Khuê
không?
Người đàn ông cúi xuống
cầm hai bàn tay đang run rẩy của Thơ Thơ, siết
nhẹ, giọng đầy chợt trầm xuống:
- Anh đây. Anh Khuê đây ..
Sự xúc động mãnh liệt khiến đôi chân Thơ Thơ hầu
như mềm nhũn. Người đàn ông tên Khuê vội
vòng tay ngang lưng, dìu Thơ Thơ ngồi xuống chiếc
ghế bành bọc nhung đỏ gần đó. Sau khi an vị,
Khuê đứng lên nói:
- Để anh ra ngoài lấy
cho em ly rượu.
Nhưng Thơ đã vội
vàng nắm tay chàng kéo ngồi xuống. Nàng không muốn xa rời
Khuê dù chỉ vài phút. Đã mất nhau gần nửa thế
kỷ rồi vẫn chưa đủ sao? Từ năm
Thơ lên chín và Khuê là một cậu bé mười hai tuổi.
- Không cần đâu. Khuê ngồi
đây với em. Trời ơi, Thơ đang tỉnh hay
đang mơ đây? Anh Khuê .. Anh Khuê! Thơ không bao giờ
ngờ có ngày được gặp lại anh.
Khuê không trả lời, chàng
vòng tay ôm Thơ Thơ thật chặt và bất ngờ
đặt lên môi nàng một chiếc hôn nóng bỏng. Chàng cắn
nhẹ lên bờ môi đang căng mọng của Thơ
Thơ rồi nói, giọng mơ màng:
- Em có tưởng tượng
được là anh ao ước giây phút này suốt cả
cuộc đời của anh không Thơ Thơ. Từ khi
theo ba má nuôi lên Sài Gòn, rồi sang Thụy Sĩ, Pháp và cho
đến ngày hôm nay .. chưa bao giờ anh quên được
Thơ Thơ cũng như những ngày tháng hai đứa
mình sống hồn nhiên như cây cỏ ở Tân An. Anh
đã có một tuổi thơ thật cơ cực, nghèo
nàn. Nếu như không có cô tiên bé nhỏ tên Thơ Thơ bên
cạnh, thì những ngày sống trong gia đình cậu hai của
anh càng đau khổ biết bao nhiêu! Anh đã bị bắt
làm việc như một người ở đợ, bị
sự hà hiếp của mấy đứa con cậu Hai, bị
bà mợ đánh đập, bỏ đói .. nhưng bù lại
anh có Thơ Thơ. Cô tiên đã băng bó những vết
thương thể xác và xoa dịu những vết
thương tinh thần cho thằng bé mồ côi khốn khổ.
Em nghĩ là anh có thể quên được sao? Ngàn lần
không. Anh đã nhớ, đã nghĩ đến em hằng
ngày. Liên miên từ năm nọ sang năm kia. Những khi gặp
khó khăn, buồn chán .. anh chỉ cần nghĩ đến
nụ cười rạng rỡ, trong như pha lê, cặp
mắt đen huyền ngây thơ, lấp lánh khi gặp chuyện
vui và nét mặt phụng phịu, cặp môi cong lên thật
dễ thương khi gặp chuyện không vừa ý của
Thơ là trong anh lại tràn đầy sức mạnh để
vượt qua.
Khuê nói xong, móc chiếc ví con
trong túi quần, lấy ra một tấm ảnh đen trắng
đã úa vàng. Trong hình là hai cô nhỏ độ tuổi
mười lăm, mười sáu. Mái tóc dài xõa ngang lưng,
nụ cười tươi như hoa và một trong hai cô
là Thơ Thơ! Nàng kêu lên kinh ngạc:
- Ơ! Đây là tấm hình
em chụp với Nguyệt khi hai đứa còn học ở
Cao Lãnh. Sao anh có được?
- Lần đó, trước
khi đi du học bên Thụy Sĩ, anh đã về Cao Lãnh
thăm và từ giã gia đình cậu Hai. Đáng tiếc là
em đi vắng. Nguyệt khoe anh tấm ảnh hai cô chụp
chung. Anh viện cớ muốn giữ kỹ niệm với
Nguyệt nên xin tấm ảnh và nó đã theo anh cho đến
ngày nay. So với người trong ảnh, Thơ Thơ
không khác gì mấy. Chỉ có mái tóc ngắn hơn và người
thật trước mặt anh bây giờ .. đẹp và
quyến rũ hơn xưa!
Thơ Thơ mắc cỡ:
- Xí! Anh chỉ sạo! Em bây
giờ già xọm. Anh đâu có biết em đã trải qua
biết bao nhiêu đau khổ với ..
Khuê cắt ngang:
- Anh biết! Anh biết. Lệ
Nga đã kể cho anh nghe hết rồi.
Thơ Thơ chợt nhớ
ra:
- À, nói tới nhỏ này. Em
phải la nó một trận mới được. Tụi
em chơi với nhau mấy chục năm. Nó chỉ nói là
có một ông anh ở Paris tên Marcel Tú! Như vậy nghĩa
là sao?
Khuê cười:
- À, cái này không phải lỗi
của Nga. Để anh kể cho Thơ nghe. Em biết là
má sanh anh xong, chỉ hai tháng sau là mất vì bịnh sản hậu.
Từ đó anh sống với gia đình cậu Hai và bà ngoại.
Lúc nhỏ bà ngoại chăm sóc cho anh tử tế,
nhưng khi anh sáu tuổi thì bà mất. Từ đó anh mới
bị cậu mợ ngược đãi.
Thơ Thơ cắt ngang:
- Đúng rồi. Má em kể,
cô ba Huê má của anh tuy nhà nghèo nhưng đẹp lắm.
Tóc dài da trắng. Trong làng biết bao nhiêu người
đeo đuổi mà cô không ưng. Năm cô mười chín
tuổi thì gặp ba anh. Nghe nói ông là con nhà giàu trên Sàigòn, vì
lý do gì đó chạy theo kháng chiến. Một hôm ông về
làng làm công tác dân vận, gặp và thương cô thôn nữ
xinh đẹp tên Huê. Nàng cũng thương anh chàng công tử
Sài Thành thắm thiết, nên dù gặp sự chống đối
quyết liệt của gia đình bên đàng trai, cô Ba vẫn
quyết định trao thân gởi phận cho chàng công tử
hào hoa. Họ chỉ làm một bữa cơm đơn
sơ ra mắt ông bà. Ông anh Hai, tuy không bằng lòng nhưng
vì nể mẹ nên cũng đành chấp nhận. Ông ta
nghĩ con em lấy một chàng trai nào đó trong làng,
tương lai còn tốt hơn là lấy anh chàng công tử
cha căng chú kiết, chỉ có cái mã đẹp trai này. Khi
cô ba Huê sinh anh ra, dượng ba từ trong đồng lén về
thăm, bị lính ở đồn ngoài đồn rình bắn
chết. Hình như có người ghen ghét báo tin rằng thế
nào ba anh cũng mò về thăm vợ con. Họ đã rình
3 ngày liền. Xác dượng ba được ông nội
em cho chôn trong đất gia đình em, gần ngoài lộ mới.
Cô ba đau khổ quá nên hai tháng sau cũng qua đời. Má
em nói gia đình bên nội anh thật là tệ. Khi nghe tin, chỉ
cho người con gái lớn xuống Cao Lãnh. Sau khi làm lễ
cúng kiến trước mộ người em xong là bà ta trở
về Sài Gòn, sau khi cho mẹ anh một món tiền nho nhỏ.
Rồi từ đó về sau không có tin tức gì nữa mặc
cho anh sống cực khổ với gia đình cậu Hai.
À, mà sao anh lại tên Tú?
Khuê kể tiếp, giọng
ngậm ngùi:
- Thơ còn nhớ không,
khi anh được mười
hai tuổi. Một hôm có cặp vợ chồng và một bà
đứng tuổi thật sang trọng từ Sàigòn xuống
Cao Lãnh kiếm nhà cậu Hai. Thì ra đó là vợ chồng
chú Út và cô Hai của anh. Gia đình bên nội, ngoài cô thứ
hai không chồng, còn cô Tư và chú Út. Vợ chồng chú Út lấy
nhau mười năm mà không có con. Một hôm cả nhà họp
mặt đám giỗ ông nội, cô Hai mới nhắc đến
ba anh. Hình như cô ấy có ý ân hận đã không nhìn nhận
thằng cháu đích tôn là anh. Họ tin tưởng chú Út lấy
vợ thế nào cũng sinh con nối giõi tông đường.
Có ngờ đâu! Khi sự việc xảy ra chú anh còn quá trẻ
nên không để ý. Giờ nghe nhắc lại chú mới hỏi
phăng tới và vợ chồng chú quyết định xuống
Cao Lãnh tìm anh để nhận làm con nuôi. Lúc gặp mặt,
thấy anh giống hệt ba anh, cô Hai đã ôm anh khóc mùi mẫn. Chú Út cũng cảm
động rưng rưng nước mắt. Anh tuy không hiểu
gì lắm, thấy họ khóc anh cũng khóc theo. Đúng là
tình máu mủ thật thiêng liêng phải không em? Gia đình
bên nội anh rất giàu. Chú Út anh là Luật sư. Ông đã
làm giấy khai sinh nhận anh làm con. Họ muốn đổi
tên khác, nhưng anh nhất định đòi giữ tên Khuê,
chú Út đành đặt là Nguyễn Khuê Tú. Từ đó về
sau mọi người đều gọi anh là Tú. Thơ biết
không, sở dĩ cậu Hai bằng lòng cho anh về bên nội là vì chú Út đưa ra một món
tiền rất lớn, gọi là đền ơn công lao cậu
mợ đã nuôi nấng anh trong suốt bấy nhiêu năm.
Cậu mợ mừng húm nhận lời ngay. Họ đón
anh đi ngay hôm ấy, có lẽ sợ cậu mợ đổi
ý. Anh chạy đến nhà từ giã Thơ, nhưng em
đi thăm ông bà ngoại trên Đốc Vàng. Xa em, anh
đã nhớ và khóc thầm mỗi đêm hàng mấy tháng trời
mới hơi nguôi ngoai. Tuy nhiên hình ảnh em thì choán đầy
trái tim của anh, không chừa chỗ cho người con gái
nào khác.
- Em cũng vậy. Thơ
Thơ xen vô. Ở nhà ngoại về, hay tin anh đi rồi
em khóc quá chừng. Em buồn rũ rượi không thiết
chơi nhà chòi, nhảy giây, đánh chuyền hay bất cứ trò gì tụi con Hải
rủ. Đến nỗi, con Hải còn chọc em "Tụi
bây coi con Thơ kìa. Nó nhớ thằng Khuê, giống như
thằng Khuê là chồng nó vậy đó .." Em vừa tức
vừa mắc cở, xông tới nắm cái đuôi ngựa
của nó kéo một cái thật mạnh. Con nhỏ té lăn cù xuống đất,
khóc một trận như mưa.
Nghe Thơ kể, Khuê bật
cười, hai tay ôm mặt Thơ Thơ, hôn tới tấp
lên má, lên môi, lên cặp mắt
nhắm hờ của nàng, thì thầm:
- Thơ là tình yêu duy nhất
của anh! Chưa bao giờ anh ngừng yêu em.
Thơ Thơ ngạt thở,
né tránh những chiếc hôn nóng bỏng của Khuê, cười
rúc rích :
- Coi kìa, để em thở
với chứ. Coi chừng Lệ Nga đi vào bắt gặp
thì quê lắm đó.
Vừa nhắc Tào Tháo thì Tào
Tháo tới liền. Lệ Nga mở cửa bước vào:
- Sao, hai anh chị tâm tình
xong chưa? Bên ngoài bắt đầu nhập tiệc rồi
đó. Ngạc nhiên không Thơ Thơ?
Thơ hừ một tiếng,
xỉ ngón tay trỏ vào trán Lệ Nga:
- Ta còn chưa hạch tội
nhà ngươi. Bao nhiêu năm nay không hé môi cho ta biết ông
anh mi chính là anh Khuê ..
Lệ Nga giơ hai tay lên trời
phân bua:
- Thượng đế chứng
giám nỗi oan của con! Ta có biết anh Tú có tên là Khuê bao giờ
đâu? Hồi nào tới giờ mọi người đều
gọi ông ấy là Tú. Anh phải làm chứng cho em đó nha
anh Tú! Ủa mà tên Khuê từ đâu nhảy ra vậy? Em bị
tẩu hỏa nhập ma rồi anh Tú ơi!
Khuê và Thơ Thơ bật
cười trước vẻ mặt ngớ ra của Lệ
Nga. Khuê nói:
- Thôi chúng ta ra ngoài đi.
Chuyện này anh sẽ kể cho Nga nghe sau. Vừa nói Khuê vừa
nắm tay Thơ Thơ kéo ra ngoài. Lệ Nga nhìn theo, lắc
đầu tỏ vẻ bất lực, nhưng trong lòng
tràn ngập niềm vui!
Suốt buổi tối, Khuê
không rời Thơ Thơ nửa bước. Họ đã
nhảy với nhau những bài slow mùi mẫn, những bản
tango tình tứ, luân vũ lả lướt .. Thơ Thơ
cảm thấy nàng đã thực sự hồi sinh. Khi Khuê
bước lên bục hát tặng Thơ Thơ bài "Niệm
Khúc Cuối" thì mắt nàng nhòa lệ:
Dù
cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc
đời
Dù
cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù
có gió, có gió lạnh đầy
Có
tuyết buồn lầy, có lá buồn gầy
Dù
sao, dù sao đi nữa xin vẫn yêu em ..
Giọng Khuê ấp áp, tựa
tấm chăn len êm ái phủ lên tâm hồn đang băng
giá của Thơ Thơ. Nàng cảm thấy lòng mình mềm
đi, mềm đi, lãng đãng khói sương .. Khuê hướng
vào góc tối, nơi Thơ Thơ đang ngồi, ánh mắt
đắm đuối như muốn nói lên ngàn lời tha
thiết. Thơ nhìn chàng đứng đó mà vẫn tưởng
như một cơn mơ. Nàng thầm van vái giấc mơ
đừng bao giờ tàn và nàng đừng bao giờ tỉnh
giấc. Tiếng vỗ tay rào rào kéo Thơ Thơ trở về
thực tại. Khuê đi xuống, ngồi vào chiếc ghế
bên cạnh Thơ Thơ, ghé tai nàng thì thào:
- Em thích bản nhạc này
không?
- Bắt đầu từ
đây, với em, Niệm Khúc Cuối là bản nhạc hay
nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên! Thơ Thơ
trả lời, ranh mãnh nhưng chân thành.
- Anh đã để hết
tâm tình của mình vào trong bản nhạc. Thơ có hiểu
ý anh không?
Thơ không trả lời.
Nàng đứng lên ra hiệu cho Khuê đi theo mình. Cả hai
đi ra khu vườn phía sau nhà. Đang giữa mùa hạ
nên hoa nở tưng bừng rực rỡ. Lệ Nga rất
yêu hoa. Vừa sang Xuân là nàng bắt đầu trồng. Có
nhiều loại hoa rất lạ. Từ khi chia tay Nguyên,
Thơ bán nhà và mua một condo ở cho tiện. Một mình
trong căn nhà rộng lớn càng thấy trống trải,
cô đơn. Thơ dắt tay Khuê đến ngồi trên
chiếc băng đá dưới vòm dây clématis đang trổ
hoa màu tím hồng lộng lẫy. Nàng nói khẽ, như sợ
phá tan cái tĩnh lặng của đêm trường:
- Khi nào buồn, em đến
đây để ngắm hoa, ngắm bướm và nghe tiếng
chim hót. Tâm hồn cảm thấy bình yên lạ lùng. Ban
đêm em còn nhìn thấy những vì sao lấp lánh trên cao ..
À, em quên hỏi vì sao anh biết em ở đây?
- Hôm vợ chồng Lệ
Nga qua Paris thăm ba má anh, tình cờ anh thấy hình em đứng
chụp chung với cô ấy. Anh hỏi tên thì đích thị
là Thơ Thơ của anh. Em có biết anh đã mất ngủ
bao nhiêu đêm hay không? Khi biết em đã li dị, anh cám
ơn Thượng Đế còn cho anh cơ hội tìm lại
được mối tình thơ ngây của anh. Anh nói với
Lệ Nga em là cô bạn thân thiết nhất của anh thuở
nhỏ. Anh dặn Nga không được tiết lộ tí
gì về anh để dành cho em sự ngạc nhiên. Cuối
cùng không thể chờ đợi lâu hơn, anh đã bay
sang đây để gặp em. Thơ Thơ, em chưa trả
lời câu hỏi của anh lúc nãy. Khuê nhẹ nhàng nhắc
nhở, mắt ánh lên vẻ đợi chờ và lo lắng.
Thơ nhìn chàng mĩm cười,
cặp mắt long lanh:
- Khuê, anh có nhớ không.
Năm em lên bảy tuổi. Một lần tắm sông với
bọn con Hải, thằng Lân .. chiếc hors-bord của ông
Quận từ ngoài sông Cái chạy vào, những lượn
sóng lớn lan thật mau. Mấy đứa kia nhanh chân chạy
hết lên bờ. Chỉ có em còn lên chưa kịp, bị
sóng đánh sắp chìm. Nếu không có anh tình cờ đi
ngang nhảy xuống kéo em lên, thì giờ này đâu còn
Thơ Thơ ngồi đây với anh nữa phải không?
Từ đó, đối với em, Khuê là người con
trai quan trọng và đáng yêu nhất trong đời. Em nghĩ
đó chưa phải là tình yêu trai gái mà là lòng biết
ơn, lòng ngưỡng mộ đối với ân nhân của
mình. Em đã bất chấp những lời chế nhạo
của tụi bạn, cứ đeo theo anh như hình với
bóng. Bên anh, em cảm thấy được an toàn. Nhớ
lại tức cười ghê!
- Ạ! hèn nào có món gì ngon cô
bé Thơ Thơ cũng chia cho anh. Nhớ nhất là lần
Thơ đem cho anh mấy trái nho khô. Trời ơi, sao mà nó
ngon không thể tả. Anh chỉ dám cắn mỗi lần
một chút xíu. Ngậm trong miệng để "nghe"
tất cả sự ngọt ngào, thơm tho của nó rồi
mới dám nuốt!
Thơ cười, giọng
trong veo:
- Ừ. Ngày còn nhỏ ăn
thứ gì cũng ngon hả anh. Bác Tư em ở Sàigòn thỉnh
thoảng về thăm ông bà nội. Lần nào bác cũng
đem những thứ hàng nhập cảng hiếm quý về
biếu ông bà. Mà ông thì cưng em nhất nhà, nên lúc nào em
cũng được ông cho. Em ăn một nửa còn một
nửa để dành cho Khuê. Anh Thiên em theo dụ khị em
cũng không cho. Có lần em bị anh ấy cốc lên đầu
một cái đau điếng. Em vừa khóc vừa chạy
mét ông nội. Anh Thiên bị ông nội xách ba ton rượt
chạy có cờ.
- Hèn chi anh bị nó đổ
nguyên bình mực vô cuốn vở. Về nhà còn bị cậu
anh đánh một trận nên thân. Nhà anh nghèo đâu có tiền
mua tập vở mới. May nhờ anh học giỏi nên
được thầy cho anh cuốn vở khác để
viết bài.
- Không ngờ ông Thiên lại
nhỏ mọn như vậy. Mà anh thông minh thật, làm quần
quật suốt ngày mà vẫn đứng đầu lớp.
Hèn chi ông Thiên không ganh tức!
Thơ Thơ tựa đầu
vào vai Khuê, mắt nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu
trời nhung đen, giọng ngậm ngùi:
- Em còn nhớ một buổi
chiều, ăn cơm xong em đem trái xoài thanh ca chín vàng qua
tìm anh. Không thấy anh trong nhà, con Nguyệt kéo em ra sau hè chỉ
cho em xem anh đang bị bà mợ phạt quỳ. Quỳ
và không được ăn cơm vì tội kho nồi cá
linh bị khét. Anh quỳ mà hai tay không ngừng đập
muỗi đang bu quanh. Anh đang đói, được
trái xoài bèn ăn ngấu nghiến. Em thấy vậy chạy
về nhà, lén xuống bếp bới một chén cơm nguội,
rưới nước cá kho còn lại hồi chiều. Vậy
mà anh đã ăn ngon lành.
- Thơ Thơ, nói thật,
đó là chén cơm ngon nhất trong đời anh. Sau này ở
với ba má nuôi trên Sàigòn, dù ăn sơn hào hải vị
ngon đến đâu anh cũng không thấy ngon bằng
chén cơm chan nước cá kho chiều hôm đó. Một
chén cơm chan đầy tình nghĩa. Ân tình của Thơ
Thơ ban cho anh.
Thơ Thơ ngồi thẳng
lên nhìn Khuê, cười một cách thú vị:
- Khuê còn nhớ cái lần
hai đứa mình leo lên cây xoài gần chùa Phước Lâm Tự
không. Hái đầy túi, khi nhảy xuống đất em bị
trặc chân. Khuê phải cõng em từ đó về đến
nhà. Nằm trên chiếc lưng tuy êm ái nhưng đầy mồ
hôi, con nhỏ mới tám tuổi đầu đã có ước
muốn được anh cõng trên lưng như vậy mãi
mãi. Đó có phải là tình yêu không anh? Sau này khi nhớ đến
anh, em vẫn tự hỏi.
Khuê cảm động, giọng
hơi nghẹn ngào:
- Nếu biết vậy,
ngày đó anh không cõng Thơ về nhà mà cõng đi hoài, đi
mãi đến chân trời góc biển nào cũng được
..Và bây giờ Thơ có còn muốn anh cõng đi mãi .. đi
hoài .. suốt đời nữa hay không?
Thơ Thơ không trả lời
ngay, cắn môi cố nén tiếng cười:
- Khuê, anh còn nhớ khi anh
cõng em về gần tới nhà thì gặp tụi thằng
Lân, thằng Hiển, thằng Tín đang chơi tán u, thấy
anh cõng Thơ trên lưng, tụi nó đã nói gì không?
Khuê bồi hồi nhớ lại
cảnh tượng một thằng bé đi chân đất
cõng đứa con gái trên lưng. Thằng bé mồ hôi mồ
kê nhễ nhại. Nó cắn răng bước, vì hai bàn
chân đi đất cấn đá xanh đau điếng.
Thằng Tín thấy hai đứa thì la lên "Tụi bây
coi vợ chồng thằng Khuê, con Thơ kìa!" và cả
ba đứa phá lên cười, lêu lêu chọc quê. Khuê cúi
đầu bước thẳng, nhưng Thơ Thơ tức
quá òa lên khóc nức nở. Con bé úp mặt lên lưng, nước
mắt thấm qua áo cậu bé Khuê nóng hổi. Số là hồi
hè, trường có tổ chức văn nghệ cuối
năm. Trong hoạt cảnh cho bài hát Vợ Chồng Quê do
Khuê trình diễn, cậu bé đã chọn Thơ Thơ
đóng vai cô vợ. Tụi thằng Tín tức lắm, có dịp
là trêu ghẹo ngay .. Chuyện mà Thơ không biết là ngày
hôm sau lỗ mũi thằng
Tín bị Khuê cho ăn trầu, vì tội đã làm Thơ
Thơ khóc! Chàng dịu dàng nắm hai bàn tay Thơ Thơ
đưa lên môi, mắt đắm đuối nhìn vào mắt
nàng, nói khẽ khàng:
- "Vợ chồng thằng
Khuê - con Thơ"! Đúng là định mệnh đã se
duyên cho chúng mình từ hồi còn bé, chỉ là bắt mình phải
lạc nhau một thời gian. Giờ tìm lại được,
em nghĩ thế nào hở Thơ Thơ?
Thơ cười, giọng
bỡn cợt nhưng đầy hạnh phúc:
- Em còn nghĩ gì nữa khi
đã trót mang tiếng là "Vợ thằng Khuê" ngay từ
lúc mới lên tám? Chắc là đành chịu mang "danh hiệu"
này trọn cuộc đời! Thôi chúng mình vào nhà đi anh.
Em bắt đầu thấy lạnh rồi đó.
Khuê kéo Thơ Thơ sát vào
mình, ghé tai nàng nói nhỏ, trước khi đặt nụ
hôn nồng nàn lên cặp môi đang hé mở:
- Xin tuân lịnh .. Vợ thằng
Khuê!
Có một ánh sao băng trên nền
trời đen thăm thẳm, lấp lánh muôn vạn vì sao
đêm. Sương bắt đầu rơi rơi trên cỏ
cây hoa lá đang im lìm say ngủ ..
Tiểu
Thu
Mùa
Hạ 2012
(Trịnh
Cuối
Huôn sưu
tầm
và chuyển)