Nhà Tình Thương
(Đàm
Hà Phú)
.. ..
Ông ở ngay trước nhà
tôi, kịch đối diện. Người ta gọi ông là
ông Hai. Ông xuất thân trong xóm nhưng bỏ đi một thời
gian lâu rồi. Nghe nói ông có khoảng hơn ba bà vợ và khoảng
gấp đôi chừng đó đứa con, nhưng trong xóm
chỉ biết ông một mình, những bà vợ và những
đứa con ở đâu đó nơi ông đã đi qua,
đâu đó trong quãng đời lang bạt của ông.
Về già ông về ở cùng một
người em nghiện rượu ở cái chòi lá cất
tạm bợ trên miếng đất còn trống trong xóm,
người em chết đi ông vẫn tiếp tục ở
đó và nhang khói. Vì ông là cư dân lâu đời của xóm
nên phường xét hoàn cảnh và chi tiền xây cho ông một
căn nhà tình thương trên mảnh đất đó, vậy
là cuối đời ông lại có căn nhà, tuy nhỏ vẫn
khang trang hơn cái chòi lá ngày nào.
Ông Hai lúc hiền thì thiệt
hiền, trong xóm ai cần gì ông cũng lăn vô giúp, chưa
kêu đã tới, cho tiền ông không lấy, mời cơm
thì ông ăn, ông hay đi lòng vòng chọc mấy đứa
con nít cho chúng cười, con nít cả xóm thường tụ
tập ở nhà ông, có đứa ăn ngủ luôn ở
đó. Ông Hai lúc dữ thì cũng thiệt dữ, nhà nào
để con nít khóc lâu quá ông cũng qua la, thằng nào chạy
xe nhanh trong hẻm ông xách cây ra rượt, đêm rảnh
ông đi lòng vòng canh ăn trộm, nhắc chừng mấy
nhà quên đóng cửa hay khóa xe. Người ta quen với
ông Hai đến nỗi bữa nào vắng tiếng chắc
lưỡi chọc mấy đứa con nít của ông là
nghe buồn buồn.
Căn nhà ông không bao giờ "neo
đơn", lúc nào cũng có ít nhất một đứa
con của ông từ đâu đó về ở chung, cơm
nước cho ông, trong xóm biết được ba đứa,
còn vài đứa nữa thỉnh thoảng ghé chơi, làm ly
rượu rồi cho ông ít tiền. Những đứa con
của ông tính nết khác nhau, chúng ít học và lăn lóc ra
đời, làm đủ thứ nghề để sinh nhai,
có đứa cũng ưa rượu chè, nhưng tất
thảy chúng đều giống nhau ở một điểm:
chúng cực kỳ lễ phép và luôn giúp đỡ người khác một cách tận tâm, cả xóm đều thương chúng.
Một lần cách đây mấy
năm, ông Hai thấy một đôi vợ chồng trẻ
từ Vĩnh Long chở theo một đứa con trai nhỏ
bằng xe máy lên Sài Gòn lang thang tìm chỗ trọ, thấy họ
vất vả lại lễ phép nên ông thương, ông
đem họ về nhà, nhận là con, xưng tía, vậy là
đại gia đình ông lại có thêm một gia đình nhỏ,
sống lung nhúc trong một căn nhà cấp bốn nhỏ
xíu, phía trước có gắn tấm biển: Nhà Tình
Thương. Gia đình nhỏ kia ở với ông
được mấy năm, sanh thêm một thằng con
trai nữa, đặt tên là thằng Lộc, có mấy
đứa nhỏ trong nhà như chộn rộn thêm, bữa
ăn nào nhà ông cũng tỏa mùi thơm phức, mùi tình
thương.
Ba má Lộc cũng như mấy
đứa con ông, cũng lễ phép, cũng luôn giúp đỡ
người khác một cách tận tình, chúng đối
đãi với ông nhất mực kính trọng, người
ngoài nhìn vào tưởng tía con thiệt. Cả hai đều
siêng năng, làm ngày làm đêm, nhận đồ về nhà
làm thêm nên sau mấy năm ở đậu nhà ông cũng
dư được trăm triệu, mới xin phép ông Hai
lên Bình Chánh mua cái nhà nhỏ ra riêng. Bữa nhà nó đi, cả
xóm phụ vô giúp, mỗi người cho ít món đồ về
nhà mới. Ông Hai nhìn theo mấy đứa nhỏ mắt
lưng tròng.
Hôm qua thằng Lộc điện
thoại về, nói nhà mới không mát bằng nhà nội, hỏi
ông nội ăn cơm chưa, con muốn về ngủ với
ông nội. Có vậy thôi mà ông cười hoài, nước mắt
chảy trên khuôn mặt nhăn nheo thời gian, lẩm bẩm
: cha mày, ruột rà gì đâu mà
kêu nội nội ngọt ngay.
Đàm
Hà
Phú
(Xíu Muội
Rạch
Giá sưu
tầm
và chuyển)