SU'U TÂ`M 3

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.PGHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | SLIDESHOW | THO* NHA.C | CHUYÊ.N LA. KHO' TIN

TA.P GHI 6

Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 185 ngày 26-11- 2006

 

Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 185 ngày 26-11- 2006

 

NHỮNG NHÂN VẬT NỔI TIẾNG ÐẾN SÀI GÒN

(Văn Quang)

 

 

Tôi trở lại Sài Gòn vào ngày cuối tuần vừa qua, khi những chộn rộn về hội nghị thượng đỉnh APEC vừa hết. Thành phố đã trở về với nhịp sống bình thường như mọi ngày. Nhưng dư âm còn để lại trong lòng mọi người còn khá sâu sắc

 

Trong tuần từ 17-11 đến 22 -11, từ thành thị tới thôn quê, hầu như mọi nhà, đều mở ti-vi theo dõi hội nghị APEC. Đây là một hiện tượng hiếm thấy. Thông thường người dân thôn quê chỉ mở “đài” xem đá banh, kẹt quá xem mấy cái phim lẩm cẩm của Hàn Quốc có khi cũ rích, rồi đến phim Trung Quốc, dù lem nhem cũng đành phải coi vậy, và liếc qua mấy cái “sô” ca nhạc có những ca sĩ ăn mặc thiếu vải, hát xướng lung tung, nhảy múa loạn xạ mà hầu hết người dân chẳng hiểu họ hò hét cái gì. Kẹt lắm thì coi mấy cái sô “chọc cười theo chủ đề” đôi khi hơi dung tục. Ít có ai mở ti vi để nghe chuyện bàn cãi linh tinh về chính trị.

 

Tuy vậy, tuần vừa qua, cứ buổi tối rảnh rỗi, người dân Việt Nam lại “coi xem tình hình của cái hội nghị APEC nó ra làm sao”. Ngay ở nhà quê, thỉnh thoảng trong câu chuyện ở hàng quán ngoài thị trấn, vài ông chủ vườn, ông chủ tiệm buôn, chỉ hỏi nhau: “Ông Bút (Bush) đến chưa”? Dù ông Bút có tới thì cũng chỉ tới Hà Nội xa tít mù tắp, chẳng ăn nhậu gì đến công việc làm vườn, lên rẫy của họ. Nhưng lạ một điều là ít có người hỏi xem ông Tổng Thống Nga Pu-tin hoặc chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến chưa. Và người ta còn biết đến cả phái đoàn ông Bút có tới hàng ngàn nhà báo cùng mấy ông doanh nghiệp cỡ bự cùng tháp tùng. Mấy ông “tư bản” còn đi cả máy bay riêng, làm cho sân bay Nội Bài chật cứng. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mấy ông chủ vườn lại chú ý đến ông Bút đến thế, cứ làm như… thân lắm vậy.

 

Còn ở thành phố, cũng chỉ có một số ít người quan tâm đến “chính trị chính em” muốn tìm hiểu nội dung và kết quả của những vấn đề lớn lao của APEC. Đó là các doanh nghiệp, hay nói cho đúng hơn là những vị có buôn bán làm ăn với nước ngoài hoặc chuẩn bị cho mình một “tương lai ra biển” thì quan tâm đến cái hội nghị ấy cùng với cái Hiệp Định Thương Mại WTO mà Việt Nam vừa được thò chân vào hoặc cái PNTR mà Tổng Thống Hoa Kỳ chưa thể mang sang làm quà cho Việt Nam nhân cuộc viếng thăm này. Còn việc ra biển để sống huy hoàng hay để chết “bất đắc kỳ tử” lại là chuyện sau này.

 

Tôi không bàn đến những chuyện đã có đầy rẫy trên các trang báo ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ở đây, tôi chỉ nói đến những dư âm còn để lại trong suy nghĩ của một người Sài Gòn.

 

Người dân chú ý tới các phu nhân

Dưới con mắt những người dân, ai cũng hiểu những vị nguyên thủ quốc gia lớn trên thế giới đến VN là để dự Hội Nghị APEC và nhân đó “thăm chính thức Việt Nam”. Hầu hết người dân chú ý đến những tên tuổi hàng ngày nổi bật trên những tin tức thời sự nóng bỏng như Tổng Thống Bush, bà ngoại trưởng Rice, Thủ Tướng Úc, Thủ Tướng Nga, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa, Thủ Tướng Nhật, Thủ Tướng Hàn Quốc… Nhưng những vị này đến để bàn về vấn đề gì thì hầu như không phải chuyện của họ.

 

Những điều đáng chú ý hơn đối với nhiều người dân, lại là những vị phu nhân của các vị Nguyên thủ Quốc gia. Người dân tò mò muốn biết xem bà nào nào đẹp hơn bà nào, và các bà này sẽ làm những gì khi đi bên những ông chồng danh tiếng đó.

 

Ngoài những cuộc viếng thăm có tính cách xã giao, các “phu nhân” còn đi chơi những đâu, ăn những món gì. Bà nào ăn mặc lịch lãm, bà nào dễ thương, bà nào mập, bà nào già, bà nào trẻ… Cứ như người dân ngồi vào bàn của ban giám khảo tuyển lựa hoa hậu hoàn vũ vậy. Các bà, các cô và đôi khi có cả các ông, tha hồ bình luận, tha hồ “chấm điểm” cho từng vị phu nhân. Nhưng hầu hết dường như họ có cảm tình với những vị phu nhân hơn là những nhân vật quan trọng đến dự hội nghị. Nếu có, chỉ là nhìn ngắm những vị nữ chính khách như bà Rice Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bà tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo. Họ cứ cho rằng đó là một người đàn bà tài giỏi mà chẳng cần tìm hiểu xem tài giỏi như thế nào. Họ chỉ nghĩ giản dị: “Không tài giỏi, làm sao ngồi vào được những chiếc ghế quan trọng đó”. Thế là đủ.

 

Đàn bà nào cũng… giống nhau

Trở lại chuyện về các phu nhân, hầu như các cửa hàng vải vóc, tơ lụa, hàng thêu của Việt Nam được nhiều vị ghé thăm nhất. Sau đó là những quán ăn Việt Nam với những món “thuần túy quê hương dân tộc”. Chả giò, nem nướng, bún thang, bì cuốn, bánh đúc..  được mang ra long trọng trình diễn. Món nào cũng được các vị phu nhân khen ngon, làm các anh chị đầu bếp sướng phổng mũi. Song ai cũng biết, đó là lời khen ngoại giao, không lý lại chê dở ? Vậy mà có nhiều người cứ tưởng bở, cứ cho là thật. Cũng như khi ông chủ Micosoft đến thăm một vùng quê, được mấy cô thôn nữ mời xơi một miếng trầu cay, Bill Gates nhìn mà không biết nó là cái thứ quỷ quái gì. Nếu nhai miếng trầu cay “quốc hồn quốc túy” đó vào, ông chủ tập đoàn Microsoft nuốt không trôi, nhổ chẳng đành. Ông ta sẽ phải làm gì ? Nhưng vốn là một người rất thông minh, trong trường hợp này có lẽ nên gọi đó là sự “láu cá”, Bill Gates chọn một miếng cau, bỏ vào mồm nhai cho phải phép. Nhưng riêng cái khoản này không thấy vị quốc khách này khen ngon. Phải nói cho đúng nghĩa là ông ta đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Lần này cũng có một số vị quốc khách được quý cô thôn nữ, đang vận quần jean, áo thun, tuột vội ra, choàng vô cái khăn mỏ quạ, cái áo tứ thân, cái “váy xồi” được “cải tiến” thành cái quần hồng hồng tía tía, bê cơi trầu ra mời quan khách. Trong lúc lộn xộn, chắc đã có nhiều vị phu nhân liệng vội ra đâu đó hoặc nhờ mấy cô đi theo phụ giúp “cầm giùm”.

 

Chưa ăn cháo chửi chưa phải là người biết Hà Nội

Theo dõi những vị phu nhân đi mua sắm, đi “ăn quà vặt”, người dân nhà quê bình luận với một vẻ thú vị: “Thì ra đàn bào nào cũng giống nhau”. Chỉ còn thiếu điều mấy vị phu nhân đó chưa có vị nào nhẩy vô thẩm mỹ viện sửa mắt sửa mũi nữa thôi.

 

Một anh bạn tôi ở Sài Gòn, ngồi bình loạn trong một quán cà phê bụi, dí dỏm nhận xét:

- Nếu có một vị phu nhân nào dám nhào vô hàng phở gà trên phố Lương Văn Can để được bà chủ hét vào mặt hoặc bén mảng đến những hàng phở nổi tiếng để bưng tô đứng xếp hàng chờ được mua tô phở như thời tem phiếu thì chưa xứng đáng là người “tham quan” Hà Nội. Hoặc có gan hơn thì ghé vô Hàng “cháo chửi” khét tiếng ở đường Lý Quốc Sư  để được vừa ăn cháo vừa nghe chửi mới thật là “người sành điệu”. Nếu chưa thưởng thức cái món “đặc sản bình dân” đó, chưa phải là người biết hết Hà Nội.

 

Ghé bến Sài Gòn   

Có lẽ nhiều bạn đọc đã biết, sau hội nghị APEC, có một số vị nguyên thủ quốc gia đã “ghé bến Sài Gòn”. Trước hết là Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Úc. Ngay khi vừa đặt chân đến Sài Gòn, hai vị đã ghé vào một quán ăn để cùng nhau… thù tạc. Còn tại sao hai vị này lại hẹn nhau “đi ăn mảnh” là chuyện riêng của hai vị đó. Có thể là họ thân thiện với nhau hơn và cũng có thể là họ có những vấn đề riêng cần  thảo luận. Và tại sao hai vị này lại chọn nhà hàng Tib thì cũng chẳng ai biết sự thể nó ra làm sao.

Lại có ông bình loạn: Tôi không nghĩ rằng cả hai vị đã từng nghe hoặc từng hát nhạc của Trịnh Công Sơn, vì quán này là của những người em của Trịnh Công Sơn lập ra kinh doanh ngay từ khi nhạc sĩ họ Trịnh còn sống.

 

Có người nói vì chủ quán đó là một Việt kiều nên hai vị tin tưởng hơn và tất nhiên là có sự “cố vấn” của đoàn tùy tùng. Cũng như năm nào ông bà Clinton đã đến thưởng thức món phở 2000 ở gần chợ Bến Thành và ghé quán Phố Xưa của Như Loan ăn tối, cả hai chủ nhân này đều là Việt kiều. Tất nhiên không giản dị chỉ có thế. Còn những yếu tố an ninh khác, đó là chuyện “bí mật” chẳng ai tiết lộ.

 

Một điều khác tôi có “linh cảm” rằng dường như đối với hai vị nguyên thủ quốc gia này, Sài Gòn vẫn là thành phố thân thiện và “quen biết” hơn. Hà Nội là thành phố của ngoại giao và nghi lễ thì Sài Gòn là nơi các vị này thích đến thăm hơn. Tôi không nhận ra ông Bush có vấn đề gì quan trọng ở TP. Sài Gòn, cho nên cuộc viếng thăm chỉ là một tính cách thân thiện. Nó nhắc nhở đến những gì mà Hoa Kỳ đã từng có mặt ở đây trong những năm tháng chiến tranh. Ý nghĩ này tôi đã lờ mờ cảm thấy ngay từ khi ông bà Clinton đến  Sài Gòn năm xưa.

 

Năm ấy dòng người tự động đứng hai bên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến cửa ngõ Sài Gòn rất dài. Đó là một hành động hoàn toàn tự nguyện chứ không hề có một cuộc vận động ngầm hay vận động nổi nào. Có lẽ rất nhiều người “đi xem mặt vợ chồng ông Clinton” hơn là để đón tiếp một vị Tổng Thống Hoa Kỳ.

 

Là một cư dân của Sài Gòn hồi đó, hòa lẫn trong dòng người “đi xem mặt Tổng Thống Clinton và phu nhân”, tôi thấy rõ sự háo hức cùng những tình cảm ngấm ngầm của mọi người đối với vợ chồng ông bà Clinton, nhất là đối với bà Hillary Rodham Clinton, một người phụ nữ Hoa kỳ rất nổi tiếng. Không phải vì bà là vợ của Tổng thống mà là một người phụ nữ tài năng. Bà luôn chứng tỏ bà không phải là cái bóng của vị nguyên thủ quốc gia một cường quốc mà bà và ông Clinton là hai con người cùng hợp tác, cùng nổi bật trong những ngày “trị vì” ở Nhà Trắng.  Bà không giống như nhiều đệ nhất phu nhân chỉ là cái bóng nhỏ bên cạnh ông chồng danh tiếng. Cho nên, ông  bà Clinton và cô con gái Chelsea đi đến bất cứ nới nào trong thành phố, dòng người cũng “đuổi theo” đến đó, ngay cả khi hai ông bà này ngồi ăn phở trên lầu quán 2000, hàng người đứng dưới đường vẫn nhìn qua cửa sổ trên lầu, chỉ trỏ, trầm trồ thú vị. Trong đó người được chú ý nhiều hơn cả vẫn là bà Hillary.

 

Ông còn nhớ hay ông đã quên ?

Nhân đề cập đến dư âm của những ngày vừa qua, tôi hỏi một số bạn bè về sự đón tiếp Tổng Thống Bush của người dân Sài Gòn để có thể so sánh với cuộc đón tiếp nồng hậu với gia đình ông Clinton. Vợ chồng một người bạn tôi, cụ thể là Đằng Giao và Chu Vị Thủy, gần 7 giờ chiều ngày Tổng Thống Bush đến Sài Gòn, hai anh chị có công việc phải đi qua con đường trước kia là cổng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội, đã thấy hàng đoàn người đứng chờ ở dọc con đường từ Tân Sơn Nhất đến cầu Công Lý. Phần đông họ ngồi trên những chiếc xe gắn máy đậu sát lề đường. Có những cặp vợ chồng còn bế theo cả mấy anh nhóc nghển cổ lên coi. Mặc dù có những nguồn tin cho rằng ông Bush sẽ đến trễ hơn dự định. Song những người dân vẫn kiên trì đứng chờ… không mệt mỏi (nói theo kiểu những vị thích dùng “chữ nghĩa cách mạng” thời nay). Không thể thấu hiểu hết được tâm trạng của người dân Sài Gòn trong cuộc chờ đợi này. Vì tò mò tất nhiên, song còn một thứ khác nữa không thể xác định được ý nghĩa rõ rệt. Ngưỡng mộ tài năng hay xem xét thái độ thân thiện của ông Tổng Thống Mỹ thế nào.

 

Trước khi ông Bush sang VN, có một vị nữ đại biểu của Quốc Hội VN đã “tiên tri” rằng ông Bush sẽ được đón tiếp long trọng, nhưng không thân tình bằng ông Clinton. Tôi thấy điều này có thể đúng với người dân ở Hà Nội, song không đúng với người dân Sài Gòn. Cả cái cách đón tiếp những nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng vậy. Nếu ở Hà Nội thân thiện hơn thì ở Sài Gòn lại mang ý nghĩa ngoại giao nhiều hơn. Sài Gòn và Hà Nội vẫn có những nét khác nhau như thế đấy.

 

Tôi không biết Tổng Thống Bush có cảm tưởng như thế nào khi đến TP. Sài Gòn và ông còn nhớ gì đến những năm tháng chiến tranh và những người “bạn đồng minh” xưa kia của mình hay không. Nếu có chắc ông cũng không nói ra, nếu ông quên thì cũng chỉ là “chuyện đời nó như thế”.  Và thật sự sau chuyến viếng thăm Việt Nam sẽ mang lại cho ông những gì trong những năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Chính sách của chính phủ ông sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống thật sự của người Việt Nam ?

 

Những sự kiện đó đã làm lu mờ ý nghĩa của việc Quốc Hội Mỹ chưa phê chuẩn PNTR với Việt Nam. Nhưng ai cũng hiểu, đó là ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Mỹ sau khi Đảng Dân Chủ nắm đa số tại Hạ Viện. Người ta hoàn toàn hy vọng rằng trước sau gì rồi cái hiệp định PNTR cũng sẽ được thông qua, nhưng sự trì hoãn rõ ràng là một điều không như ý của cá nhân Tổng Thống khi sang thăm VN. Nếu có nó thì uy tín của ông sẽ cao hơn. Song dù thế nào thì Mỹ cũng là một cường quốc kinh tế hiện nay nên ông vẫn được đón tiếp một cách long trọng. Những hoạt động của ông được báo chí và các cơ quan thông tin ở VN đề cập đến nhiều hơn tất cả những vị nguyên thủ quốc gia khác. Người dân cũng tò mò cũng muốn biết nhiều hơn về thái độ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hiện nay và tương lai sẽ ra sao.

 

Cuốn hồi ký của bà Hillary đang gây chấn động

Ngay sau hội nghị APEC, lúc 9 giờ 30 sáng 22-11, tại khách sạn Continental - Sài Gòn, Công ty Trí Việt First News cho trình làng bản dịch tiếng Việt cuốn Hồi ký Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ do First News mua bản quyền của Tập đoàn xuất bản Simon & Schuster và Công ty Fahasa độc quyền phát hành. Đúng là năm “được mùa” của những nhà văn nữ, nữ nội cũng như nữ ngoại, đặc biệt là về thể loại hồi ký (hay tự truyện thì cũng thế). Nhưng tất nhiên giá trị và con người thì khác nhau một trời một vực.

 

Ngay khi về đến Sài Gòn, tôi phóng đi mua cuốn sách. Giá lẻ là 129 ngàn đồng VN (chưa đến 10 USD). Doanh nghiệp VN bây giờ cũng học tập được cái khôn của nước ngoài, thay vì đề giá 130 ngàn cho nó gọn, họ cho giá 129 ngàn để có vẻ rẻ hơn.

Cầm cuốn sách “Hồi Ký Hillary Clinton” bìa cứng nặng trĩu trên tay với cách in ấn công phu qua 820 trang giấy, có vài chục trang hình ảnh của gia đình bà Hillary, tôi hài lòng với cái giá ấy. Gặp đúng hôm về đến Sài Gòn là ngày khu tôi bị cúp điện, tôi đành nằm cầm quạt giấy, cởi trần, khoe thân hình cò hương, nằm dài ra salon đọc miệt mài.

Mặc dầu hôm đó gia đình bà Quốc Phong (tức phu nhân ông Tổng Cóc, chủ báo Kịch Ảnh và nhật báo Tiếng Vang của Sài Gòn xưa) từ nước ngoài về có hẹn với tôi, sau khi đã bò lên tận Lộc Ninh thăm bạn cố tri. Bà quả phụ Quốc Phong từ Pháp về, còn các con như Hồng Vân từ Houston về, Nguyên Ngã từ Thụy Sĩ về, vợ chồng “bé Hà” từ Mỹ về “xum họp” tại Sài Gòn. Tôi mê coi sách nên khất đến buổi chiều họp mặt. Với chúng tôi, mỗi lần gặp mặt cứ như “gặp nhau lần cuối” vậy. Mà đúng thế thật, cách đây mấy năm, khi gia đình ông Quốc Phong về VN, ông Tổng Cóc còn đi ăn đi chơi với chúng tôi. Năm nay thì ông đã ra người thiên cổ không còn có mặt được nữa. Chỉ còn mình bà lọm cọm với lũ con cháu. Sau một chầu cơm “niêu cơm đập”, anh chị em Hồng Vân rủ tôi và Đằng Giao đi nghe nhạc, nhưng tôi lấy cớ là thấm mệt nên đành từ chối, nhưng thật ra là đang đọc dở cuốn sách, không muốn bỏ đi.

Tôi không cần xem đến những lời giới thiệu Mao Tôn Cương và những nhận định của người khác để chi phối nhận xét và cảm xúc thật của tôi. Nếu có, tôi chỉ bị ảnh hưởng bởi lòng khâm phục tài năng, trí tuệ và vẻ quý phái của bà Hillary. Với tôi, bà không đẹp lắm, nhưng vẫn có thể gọi là một người đàn bà đẹp. Từ thời xa xưa tôi vẫn hâm mộ nét đẹp thanh tao, quý phái của nữ tài tử Grace Kelly, sau này trở thành bà hoàng Monaco. Khi bà chết vì tai nạn xe hơi đã làm rơi lệ biết bao nhiêu khán giả, song tất nhiên là tôi không dễ khóc như thế. Tôi chỉ ngậm ngùi luyến tiếc cho đến bây giờ. Từ ngày bà mất cho đến nay chưa có một nữ tài tử điện ảnh hoặc một bà hoàng nào có thể thay thế được nét đẹp sang trọng, quý phái của bà. Nhìn nét đẹp đó, những bậc mày râu, dù “gian” đến cách mấy cũng phải thấy sự kính trọng hơn là sự ham muốn chinh phục tầm thường.

Nhìn tấm hình bà Hillary được in trang trọng trên bìa sách, tôi cứ mường tượng ra hình ảnh Grace Kelly, dù chỉ là một thoáng.

 

Tôi không thể và có lẽ cũng không cần tường trình về nội dung cuốn sách bởi các bạn ở nước ngoài đã đọc từ cả năm nay. Nó đã gây tiếng vang ngay từ khi nhà xuất bản Simon & Schuster đã phải ứng trước cho bà 8 triệu Mỹ kim để viết cuốn hồi ký này. Quả là một trong những kỷ lục thế giới về bản quyền trước khi xuất bản.

 

Sự trân trọng đối với cuốn hồi ký

Ở đây, tôi chỉ tường trình với bạn đọc sự rầm rộ về cuốn sách đó hiện nay ở Việt Nam. Hồi ký Hillary không “ồn ào” kiểu… bình dân như hồi ký hay tự truyện của nữ nghệ sĩ Lê Vân. Nhưng hỏi các hiệu sách, số lượng người mua cũng không hề nhỏ. Số tiền 129 ngàn không phải là lớn đối với những người ham đọc sách ở VN, nhưng có lẽ là cuốn hồi ký đó “kén” độc giả. Bởi nó không phải là loại chuyện hấp dẫn của tình yêu đôi lứa, những ngang trái của những người nổi danh rất gần gũi với người đọc.

Nhưng sự trân trọng của những người mua sách thì tràn đầy. Nó không mang tính cách và ý nghĩa của một “tác phẩm văn học”. Đó là ý nghĩ của tôi khi đọc cuốn sách này. Tôi muốn tìm hiểu xem người đàn bà ấy đã được sống và phải sống trong môi trường như thế nào. Cách hành xử của bà trong mọi mặt của đời sống. Khi là cô sinh viên, khi là bà luật sư, khi là vợ Tổng Thống Hoa Kỳ và khi là là Thượng nghị sĩ. Trong đó tất nhiên là có cả đôi nét những chuyện tình, scandal, cung cách đối phó thật sự với nội tâm chính bà và với “thiên hạ” ra sao. Tôi nghĩ nhiều bạn đọc ở VN cũng tìm hiểu và say mê với nội dung đó. Không chỉ phụ nữ mà nam giới VN cũng sẽ học được ở đó rất nhiều điều từ cách suy nghĩ đến cách sống và cách yêu thương đồng bào mình, cách phụng sự tổ quốc mình. Cái nào có lợi cho đồng bào, cái nào nên từ bỏ, cái nào nên noi theo.  Nếu thấy nó sai thì dứt khoát từ bỏ, nó đúng thì làm đến cùng để đạt được thành công cho chính mình và cho những người xung quanh mình.

 

“Xúi bà Hillary ứng cử”

Hơn 800 trang sách, không thể nói giản dị một lúc mà hết được, không thể xem trong một vài ngày mà thấm được. Cho nên tôi phải có thì giờ đọc tiếp. Tôi cũng không dám “liều mạng phê bình” về tác phẩm này. Chỉ xin nêu lên một hiện tượng văn học đang gây chấn động dư luận ở Việt Nam.

 

Điều đó cũng chứng tỏ rằng tình cảm của người Việt đối với bà Hillary Rodham và với gia đình cựu Tổng Thống Clinton ở VN còn rất đầy. Tôi chưa thấy một người phụ nữ Việt Nam nào trong thời đại hiện nay được mến yêu đến như thế. Tôi cũng như một số bạn bè đã đọc cuốn hồi ký này đều có ý nghĩ rằng bà Hillary rất xứng đáng với cương vị của một Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 2008 sắp tới. Nếu được “xúi” bà ra ứng cử chắc sẽ có nhiều người Việt Nam cũng muốn như vậy và đó cũng là điều tin tưởng của hầu hết những người tôi đã gặp ở Sài Gòn đang đọc cuốn hồi ký của bà. Cách đây vài năm, trong bài tường thuật khi ông bà Clinton đến Sài Gòn lần thứ nhất, tôi cũng đã viết: “Một ngày nào đó bà Hillary trở thành Tổng Thống Mỹ, không có gì là lạ”. Đến nay ý nghĩ đó được khẳng định thêm.

 

Ông Clinton sẽ trở lại Sài Gòn

Lại vừa có tin Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, năm nay 60 tuổi, hiện là Chủ tịch Quỹ Clinton về HIV/AIDS, sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 4 và 5-12. Quỹ này đang có các hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam. Đoàn gồm có ông và 14 nhân viên khác sẽ có cuộc gặp với đại diện một số cơ quan, tổ chức về phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam; thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi các bệnh nhân đang được điều trị theo chương trình của Quỹ Clinton về HIV/AIDS. Trong đó có cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Samuel Berger và Ted Waitt, Chủ tịch Tập đoàn máy tính Gate Way.

 

Lần này trở lại Việt Nam, ông Clinton sẽ không có thảm đỏ đón chào và chắc cũng không có hàng rào tự nguyện đón ông như lần trước. Không phải vì thiếu bà Hillary và cũng không phải vì tình cảm với riêng ông đã nhạt. Có lẽ, ông cũng không mong chờ điều đó. Song tình cảm thì còn nguyên vẹn. Một ngày nào đó ông sẽ lại có thể cùng bà Hillary trở lại Nhà Trắng cộng tác chứ không phải là cái bóng của bà Hillary.

 

Nhiều người có ý nghĩ, nếu bà Hillary đắc cử Tổng Thống Mỹ nhiệm kỳ sắp tới thì tương lai ngoại giao và thương mại giữa VN và Mỹ sẽ khá hơn. Nhưng tôi không nghĩ như thế. Tình cảm là một việc khác hẳn với đường lối của chính phủ Mỹ. Mỹ vẫn là Mỹ và VN vẫn là VN. Tình cảm riêng tư xin vui lòng để ra ngoài.

 

Thêm một cặp nghệ sĩ nổi danh đến Sài Gòn

Rất bất ngờ, cặp tài tử nổi danh Hollywood Brad Pitt và Angelina Jolie cũng đến Sài Gòn ngay sau APEC, dù nó chẳng liên quan gì đến APEC.

 

Sáng 23-11 hai siêu sao này đã đến Sài Gòn bằng đường hàng không từ Campuchia. “Ông bà Smith” đã đặt hàng một công ty du lịch tại TP. Sài Gòn lo liệu cho chuyến đi của mình. Họ đã yêu cầu công ty du lịch sắp xếp cho chiếc Hyundai County 30 chỗ để chở về khách sạn Park Hyatt. Gia đình Brad Pitt ở phòng 901 và dùng tên khác để ghi tên mướn tại khách sạn. Thời gian lưu lại ở VN của họ là 3 ngày.

 

Trước khi đến Việt Nam, Angelina Jolie đã có một chuyến thăm bất ngờ đến Campuchia - quê hương cậu con trai nuôi Maddox của cô. Nói là bất ngờ, vì đây là hoạt động không hề được thông báo. Trước đó, cặp vợ chồng Jolie - Pitt đang ở Mumbai (Ấn Độ) để thực hiện bộ phim A mighty heart (Trái tim quả cảm) trong đó Angelina đóng vai vợ của nhà báo Mỹ Daniel Pearl (bị sát hại ở Pakistan vào năm 2002), còn Pitt là nhà sản xuất của bộ phim này.

 

Cuộc viếng thăm được giữ rất bí mật, nhưng rồi cũng bị tiết lộ làm cánh phóng viên chạy nháo nhào.

Ngay buổi chiều hôm đó, cặp vợ chồng này đã “dung dăng dung dẻ, tay trong tay”, tản bộ ra khu trung tâm Sài Gòn, quanh công viên đối diện Nhà hát. Họ có vẻ thảnh thơi với cảm giác không có ai quấy rầy.

 

Với trang phục rất giản dị, Brad Pitt và Angelina Jolie cũng như bao đôi vợ chồng khác, thong dong giữa đường phố Sài Gòn và tưng tửng đi mua sắm cứ như bao nhiêu “ông Tây Ba Lô” khác. Họ đã yêu cầu thuê một chiếc xe gắn máy để dạo phố Sài Gòn, nhân viên khuyên là đi không quen sẽ rất nguy hiểm, nhưng Brad vui vẻ cười và nói: “Không sao đâu”. Thế là họ thong dong cưỡi chiếc xe gắn máy Nouvo biển số 71K8-3510. (biển số này của Bến Tre).

 

17 giờ, Brad đèo Angelina trên chiếc xe máy đầy vẻ “bụi bặm” và thể thao xuất hiện trên đường Hai Bà Trưng trước bãi đậu xe khách sạn Park Hyatt. Cũng bắt đầu từ đó họ không còn được yên tĩnh nữa. Ngay cả những thanh niên cũng đã nhận ra họ. Brad vui vẻ tiếp chuyện cùng những anh bạn trẻ. Khi được hỏi lý do sang VN, Brad trả lời là trong lúc ở Campuchia, hai vợ chồng đã có ý định thăm thú các nước láng giềng trong khu vực Đông Dương. Rồi cả hai cùng nói: “Rất tuyệt”. Tất nhiên lại là một câu nói kiểu xã giao. Buổi tối, họ chọn một góc thật yên tĩnh trong nhà hàng Temple Club (đường Tôn Thất Thiệp) bao trọn khu ban công.

 

Thăm trẻ mồ côi

Đáng nói hơn cả là “ông bà Smith” bất ngờ ghé thăm Trại mồ côi Tam Bình vào lúc 11 giờ ngày 24-11.

 

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình (Thủ Đức) cho biết: Họ đến bằng chiếc xe màu đen của khách sạn với hai phiên dịch viên đi cùng. “Ông bà Smith” vẫn ăn mặc rất giản dị, quần jean, áo pull. Sau khi thăm hỏi, chăm chú ngắm một số trẻ bị bại não, bại liệt, vợ chồng ngôi sao điện ảnh này tỏ ra xúc động trước hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương của các em. Tiếp theo, họ tặng bánh kẹo và phát đồ chơi cho trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây.

Sau đó, họ vui vẻ chụp ảnh chung với ban giám đốc và nhân viên của trung tâm. Tuy nhiên, khi nhân viên trung tâm xin chụp ảnh chung thì họ từ chối khéo và hứa sẽ gởi những tấm ảnh chụp chung này đến trung tâm.

 

Hơn 12 giờ, giám đốc trung tâm mời “ông bà Smith” dùng bữa cơm trưa thân mật. Họ nhận lời và cùng ăn các món ăn một cách ngon lành với nhân viên ở đây. Họ nói rằng do chuyến đi bất ngờ, không nằm trong kế hoạch nên không chuẩn bị được nhiều quà và hứa sẽ ghé thăm trung tâm lần nữa. Đúng 13 giờ họ rời trung tâm.

 

Hai siêu sao không đến thăm những nơi khác, lại dành thì giờ cho các trẻ em mồ côi. Thái độ đó khiến người dân Sài Gòn rất xúc động và thích thú.

 

 

VĂN QUANG

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)


website counter