"TÌM BẠN TRI
ÂM"
(Huy Phương)
Ngày 21 tháng 6 vừa qua, truyền
thông Mỹ vừa loan tin cô nữ sinh Katherine
Lester, 16 tuổi, “tìm bạn tri âm” qua
website đã phải lòng anh chàng người
Palestine Abdulad Jinzawi, 20 tuổi. Cô định lên máy bay sang Jesuralem, nhưng
đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ giữ
lại vì lý do an ninh. Nguồn
tin cho biết có 87 triệu người vào trang
Myspace.com để tìm bạn, trong đó có
tới 20 triệu là tuổi choai choai như cô nữ
sinh người Mỹ kể trên.
Tại Úc đã có 4,5
triệu người độc thân đã
tìm đến việc hẹn hò qua internet:
Match.com và RSVP, mỗi website có hơn hai triệu
thành viên, và những thành viên
này, ngày nay đã có đôi
thành vợ thành chồng. Giám đốc
điều hành những website này đã cho
biết số người tìm bạn tăng rất
nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tuổi
kết hôn của một người bình thường
là từ 27 đến 29 tuổi, nhưng trong tuổi
này, người ta lại quá bận rộn với
những công việc sinh kế hằng ngày,
ngoài thương trường hay trong công sở,
nên ít có cơ hội giao tiếp với
người khác phái để tìm hiểu và
dẫn nhau tới hôn nhân. Vì vậy
internet là cơ hội dễ dàng để những
người này vào, trao đổi, tìm hiểu
và cuối cùng đồng ý một chỗ hẹn
hò. Trong nhiều năm qua, nhiều tội
ác đã xẩy ra vì trao đổi trên
internet, nhưng đó chỉ là con số nhỏ,
nhu cầu trao đổi tìm bạn, tìm người
để đi đến hôn nhân trên internet vẫn
cần thiết.
Phụ nữ thường ở thế thụ động,
nhưng internet chính là nơi để cho
quý bà quý cô chủ động khi
đưa hồ sơ mình lên net và sẵn
sàng liên lạc với đối tượng
nào mà họ thấy thích.
Ngày xưa, cách đây nửa thế kỷ,
lúc chưa có internet, và ngay cả bây giờ
tại trong và ngoài nước, đối với
một số đông còn ít xử dụng tới
internet, thì những dòng chữ trên báo vẫn
còn quý giá để người ta có
cơ hội trao đổi, tìm hiểu và chọn
một người tri kỷ hay là một người
tình. Kết quả đi đến hôn nhân,
đương nhiên cũng có thể có,
nhưng với bản tính người Á
Đông, không ai muốn tiết lộ rằng
mình lấy chồng hay lấy vợ là do mục
“tìm bạn tri âm” trên báo
chí.
Tôi nghĩ tờ Thẩm Mỹ là tờ
báo đầu tiên ở Saigon, cũng có thể
là ở Việt Nam mở ra mục Tìm Bạn Tri
Âm, để làm nhịp cầu cho người ta
tìm đến nhau bằng thư từ gởi theo lối
cổ điển là qua bưu điện. Cho đến
nửa thế kỷ sau, ở quê nhà hay ở hải
ngoại, tìm bạn vẫn là một nhu cầu cần
thiết cho những tâm hồn cô đơn, mặc
dầu tiết mục đã đổi qua nhiều
tên khác nhau: “Tìm Bạn Tri Kỷ”,
“Tìm Nhau Qua Lá Thư Hồng”, “Kết
Bạn Thư Tín”...
Ngày trước, không biết có bao
nhiêu người trưởng thành phải cần
đến mục Tìm Bạn Tri Âm để kiếm
cho được một người tri kỷ trong
cái quãng đời trống vắng của họ,
nhưng cái bọn học sinh trung học chúng
tôi thời ấy thằng nào cũng sung sướng
có được một vài lá thư xanh
xanh từ Saigon, Nha Trang hay từ Vạn Tượng, Nam
Vang hồi âm. Vài tuần trước đó,
bọn chúng tôi đã cố nắn nót
viết một bức thư trên giấy
pelure xanh để gởi tới địa chỉ một
cô nàng nào đó trên báo Thẩm
Mỹ, rồi ngày ngày ngóng chờ người
phát thư đi qua nhà gọi tên. Lẽ cố
nhiên không bao giờ dám để cho ông bố
nghiêm khắc của mình biết chuyện,
vì không lo học mà “tìm bạn tri
âm”, cũng như không dám khoe với bạn
bè. Về phía con gái thì những cô
thiếu nữ con nhà giàu, đẹp đẽ,
nết na, đã không thiếu những anh
chàng đeo đuổi, có khi chưa học xong
trung học, đã có người đưa xe hoa
tới rước, cần gì phải mất công
đi tìm người trong mộng qua tờ báo. Về
phía con trai, thì những anh chàng có
“3 chữ gi..” thời ấy là những
chàng “học... giỏi, nhà... giàu, đẹp...giai”
thì đâu cần đi tìm những người
chưa biết mặt biết tên, như những
chàng trai mơ mộng khác:
“Chưa biết tên nàng, biết
tuổi nàng,
mà sầu trong
dạ đã mang mang”...
(Huy Cận)
Đất nước chúng ta, qua chiến tranh,
ly biệt, đổi đời, con người gặp phải
những hoàn cảnh đổ vỡ, ngang trái,
nhiều người phải chịu cảnh cô
đơn, nên trên mặt báo những mục
tìm bạn tri âm, tri kỷ lúc nào cũng
đông khách. Cũng có những trường
hợp nam tìm nam, nữ tìm nữ, những thiếu
phụ một lần đổ vỡ, những gái lỡ
thời “chưa một lần kết hôn”, muốn
tìm bạn trai “để sống nốt cuộc
đời còn lại bên nhau”.
Năm 1975, sau khi bỏ nước ra đi, thi sĩ
Cao Tần đã chán nản, đau xót
kêu lên: “ta làm gì cho hết nửa
đời sau?”. Thì đây
là câu giải đáp trong mục
“Tìm Bạn...” của một nam nhân 52 tuổi
“thích dạo biển, dạo sông lúc
hoàng hôn”: “ta dìu nhau đi cho hết
1/3 cuộc đời còn lại”, hay là của
một single mom 50 tuổi : “nửa
cuộc đời còn lại trao hết cho anh!” (nửa
cuộc đời còn lại này chúng ta phải
hiểu tính từ 50 đến chẵn 100 tuổi, vậy
ai là người có lòng, xin đừng ngần
ngại nữa !)
Không chỉ những thanh niên,
thiếu nữ trung niên, dang dở cuộc đời,
chính tuổi già đơn lẻ cũng cần
tìm nơi nương tựa cuối đời. Không thiếu những ông cụ
lục tuần, hay sắp sửa bước tới tuổi
“cổ lai hy”, cũng có những lời nhắn
tha thiết “tìm một bạn gái khoảng
50 tuổi nhưng vẫn còn say yêu.” !
Trên những dòng rao người ta tìm
thấy một nền văn chương rất là
mùi mẫn, ai oán làm xúc động lòng
người, như bài thơ sau đây, vần
điệu rất vững vàng:
“Sáu mươi
xuân lẻ, vẫn đơn côi
Khuya sớm cày
thuê trả nợ đời.
Đất khách tào khang
đà gẫy đổ
Quê nhà đơn độc, lệ
đầy vơi.
Trần gian, nhi nữ
ai tri kỷ
Chắp nối
tơ duyên, trọn kiếp người”.
Khó mà tìm
được trên các tờ báo tây hay
trên internet, một dòng tìm bạn sang cả,
đầy tính văn học như vậy, vì mỗi
người Việt Nam là một thi sĩ. Điều
đó thật không ngoa.
Bây giờ không
phải chỉ ở hải ngoại tìm nhau, mà
thấy nhiều cô gái ở Việt Nam, dư bằng
cấp nhưng nuôi giấc mơ “đi lấy chồng
xa”, mơ đi Mỹ, hèn chi con gái danh
giá của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn
Dũng lấy Việt kiều Mỹ cũng phải. Qua lời
rao chúng ta thấy: Đại Học Ngoại
Thương, Cử nhân Đại Học Tổng Hợp,
Cao Đẳng Nha Khoa, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học,
đang học Tiến sĩ, giáo sư Đại Học
Saigon- đăng báo ở đây để
tìm chồng như lời rao sau đây:
-“Tốt nghiệp
đại học Anh Văn, ngoan hiền, mơ Mỹ Quốc.
Thư đầu nhờ người bác ở Quận
Cam chuyển”, -“Cao Đẳng Nha Khoa Saigon, hiền
ngoan, muốn làm quen với các anh có quốc
tịch Mỹ, thật lòng muốn về Việt Nam
cưới vợ”.
Các cô gái tại
quốc nội tìm chồng, không phải trường
hợp từng người, mà có những lời
rao từng “chùm”, như “chùm
thơ”, “chùm tư tưởng” theo
ngôn ngữ trong nước: “Sáu cô
gái, người miền trung, đang đi học tại
Nha Trang, Saigon. Cha mẹ đang ở tỉnh X. Muốn
tìm bạn trai, bên này, hợp ý, sẽ
tiến tới hôn nhân...”
Đang đi học xa
nhà, mà đã muốn tìm chồng, đề
nghị cha mẹ gọi về ... đét đít.
Cũng có người
ở hải ngoại đăng báo tìm chồng
cho “một chùm” con cháu như sau: “Mình
mới về Việt Nam thăm nhà, có ba đứa
cháu tuổi từ 18 đến 22, hiền ngoan,
thùy mị, đang học đại học muốn
tìm bạn trai ở Mỹ, không phân biệt
giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, miễn
là có quốc tịch.”
Năm 1975, nhà nước
Cộng Sản đã để cho chảy máu chất
xám. Trí thức khoa bảng ùn ùn xuống
tàu vượt biển vì không ưa chế
độ Cộng Sản, bây giờ vì mơ Mỹ,
nhiều cô tốt ghiệp đại học tại
Việt Nam lại muốn bỏ nước ra đi theo
con đường... tìm chồng. Không khéo lại
xẩy ra một cuộc thất thoát chất xám
thứ hai.
Ở Mỹ này người
ta bắt đầu sợ mập, nên trong lời rao
cô nào cũng cẩn thận ghi hai tiếng
“không mập”, còn đàn ông
thì lại sợ bị chê lùn, nên anh
nào cũng không quên nhắc hai tiếng
“cao ráo”. Một anh chàng lại ghi trong lời
rao: “Nam, mong tìm dược một nàng
không ngoài 54, dáng gầy gầy...”.
Những lời rao
trên các trang tìm bạn, hay cả trên
internet chưa chắc đã là những lời
nói thật, có lẽ mọi người đều
giảm cái xấu của mình đi một
tí và tăng cái tốt của mình
thêm lên. Chuyện xưa kể rằng, có một
cô gái chẳng may bị vá môi, khi chụp
ảnh gởi cho bạn, cô ngậm một
đoá hoa hồng, trông “romantic” hết
ý ! Phía chàng trai, trời bắt có
cái lưng gù, chàng gởi cho nàng một
bức ảnh đang ngồi trên lưng ngựa
đang phi, trông hùng dũng biết bao ! Thế
mà trên một mục rao tìm bạn, một
cô nàng đã dám ghi rõ “dữ
và xấu, nên bị chồng bỏ, muốn
tìm người thích bị ăn hiếp...”
Có lẽ vì vậy,
mà nhiều lời nhắn nhe đã vừa cảnh
cáo, vừa năn nỉ : “xin đừng
đùa giỡn mà tội nghiệp !”
Khi người đời
còn có nhu cầu, thì những mục tìm
bạn trên báo chí hay qua mạng vẫn
còn cần thiết. Nhiều người lúc nhỏ
đi học, ra trường đi làm, chạy theo nghề
nghiệp hay có người còn phải lo bổn
phận cho gia đình, như nhân vật
“Người Anh Cả” trong tác phẩm của
Lê Văn Trương, chưa bao giờ nghĩ tới
hạnh phúc của cá nhân mình. Lúc
nhìn lại, thì ngày tháng quá quạnh
hiu mà tình cảnh quá cô độc. Mỗi
người mỗi cảnh, “đoạn trường
ai có qua cầu mới hay !” Phải chăng
hình phạt dành cho một người tù
là sự cô độc, vậy xin những ai
đang còn cô đơn khuya sớm một
mình, nếu không chịu nổi sự trống vắng,
quạnh hiu xin đừng ngần ngại, vì “lời
nhắn không quá 45 chữ, thư làm quen xin
dán sẵn tem, kèm theo chi phiếu $5.00, xin gởi
về...”
Xin các bạn
yên tâm: “sẽ hồi âm, dù thư
đến trễ...”
HUY PHƯƠNG
(Bai Chuyen)