MÙA
XUÂN LÁ KHÔ
(Tác
giả Đoàn Xuân Thu)
Chiều nào, lúc 3 giờ rưỡi
là lo chạy xe đến trường để rước
đứa cháu nội gái tan học về, người viết
luôn gặp một anh bạn già đã đến trước
chờ con. Lâu dần .. rồi quen.
Người viết ham vui, cưới
vợ sớm, nên lên chức sớm .. đến rước
cháu nội. Còn anh bạn già nầy,
tuổi cũng gần bằng người viết,
nhưng chắc hổng ham vui gì cho mấy .. nên mãi tới
năm 35 tuổi, ảnh mới cưới vợ. Chị
nhà lại thuộc "tuýp" người không mắn
đẻ nên mãi gần chục năm sau, ráng hết sức
mới móc được trong túi ra cho ảnh được
một nàng công chúa. Thôi cưng hết biết!
Và khi nàng công chúa nầy đi học
mẫu giáo chung với cháu nội của người viết
thì ảnh đã quá .. quá .. bên kia nửa chừng xuân, trên
năm chục rồi còn gì nữa. Cha già con mọn nên ai thấy
cũng thương. Ai biểu trầm đò chi cho nó trễ!
Anh chỉ buồn bã trả lời:
"Tại chiến tranh mà! Đâu ai muốn. Chỉ sợ
ra trận lỡ có bề gì thì con dại cái mang vành khăn
tang trắng!"
Đám học trò nhỏ híu ríu rít
theo chân cô giáo từ trong lớp ra, để vào phòng họp
ngồi, đứng .. chờ phụ huynh tới rước.
Thấy ông, bà hay cha, mẹ đến, cháu vội chào cô giáo, kiểu Úc, bằng cách
"high-five" rồi theo người rước ra xe. Tuổi
thơ là mùa xuân lá rất non xanh.
Người viết làm ông; còn ảnh
là cha nhưng rước cháu, rước con đều tay
bồng, tay bế như nhau mặc dù nó hơi nặng rồi
đó nha! Tay xách cặp, nón. Năm tới cháu vô lớp một,
chắc ông bồng hết nổi rồi thì để ông nội
cõng vậy. Rồi lớp Hai, lớp Ba, ông càng già, cháu càng
lớn, cõng hổng nổi nữa thì mình dắt. Đúng là
tuổi già .. Mùa xuân lá khô.
Chiều nay đến hơi sơm
sớm, ảnh bắt tay, "Chúc mừng Năm mới"
"Happy New Year" làm mình sực nhớ. Ờ hé! Sắp
hết Tháng Chạp rồi. Mùa xuân đã "dông". Ngày
dãn ra; đêm thun lại. Mùa hè đổ lửa Úc sắp
đến. Những hàng cây hôm qua còn xanh lá .. mà bữa nay những
mảng lá xanh đã cháy vàng trong nắng đỏ. Học
kỳ 4, học kỳ cuối cùng của niên học chấm
dứt, học trò sẽ được nghỉ ăn Tết
Tây 4 tuần, bắt đầu vào ngày 18 Tháng Chạp 2014 tới
29 Tháng Giêng năm 2015 thì đi học lại, vào niên khóa mới.
Mãi cho tới 19 Tháng Hai năm 2015 thì người Việt xa
quê như tụi mình mới ăn Tết .. xa quê.
Cuối năm các hội đoàn
như hội cựu học sinh, hội cao niên .. thường
hay tổ chức tiệc tất niên ở nhà hàng, mình cũng
lò dò đến .. để ráng tìm vui. Bà con xúm lại hỏi:
"Năm nay có về Việt Nam ăn Tết không?"
Câu hỏi nầy mình nghe năm ngoái, rồi năm nay và chắc
lại là năm tới. Câu trả lời là không? Quê cũ
còn đâu nữa mà về. Nhà xưa tanh bành trong đạn
lửa, thành phố xưa chúng đập tanh bành, rồi cất
lại .. cho giống Singapore. Về chi nữa cho thêm
đau lòng mình lắm lắm!
Nhớ năm rồi, may mắn
được hai đứa con trai, dâu, cháu nội dắt
hai vợ chồng người viết đi Sunshine, ăn
"yum cha" nhà hàng Tàu để mừng Năm mới của Việt Nam?!
Vợ chồng, con cái, cháu chắt
ngồi đầy một bàn. Rôm rả, vui quá chừng chừng!
Ăn xong, tính móc bóp ra trả
tiền như mọi khi. Hai đứa con trai xúm vô cản:
"Ba à! Để cho tụi con tính bữa nay. Mấy ngày
khác thì phần của Ba. Hi hi."
Ngày vui, nhưng đêm, khi mấy nhỏ
đã vọt xe về ngủ, (dẫu Tết Việt Nam)
để sáng mai đi làm. Lại cô đơn! Già khó ngủ!
Một mình rót một ly rượu đỏ. Ngồi
tư lự cho tới nửa đêm để tiễn biệt
một ngày năm cũ. Hẹn năm tới. Vâng Tết
quê người buồn như vậy dù đã ráng hết sức
để tìm vui.
Còn quê mình xưa, Tết là những
ngày vui lắm. Dẫu đất nước vẫn còn chìm
trong cơn đạn lửa. Tết, ngày đầu
năm lại là ngày đoàn tụ, dẫu đi năm sông
bảy suối, chín núi ngàn đèo cũng lặn lội về
thăm.
Tây thì khác, Giáng Sinh mới là ngày
đoàn tụ gia đình, ăn bữa cơm chung gồm
ông bà cha mẹ và con cháu trở về quần tụ dù mỗi
đứa một nơi, tha phương cầu thực. Tết
Tây, tụi nó xúm nhau ra ngoài city để xem đốt pháo
bông đêm Giao Thừa. Đếm ngược đồng
hồ, bụp, cả bầu trời xanh vàng tím đỏ,
rồi hai đứa "hun" nhau.
o O
o
Giờ nầy đêm nay, cuối
năm, ngồi một mình trước ly rượu nầy
một mình con lại nhớ về quê cũ giờ đã
xa hàng ngàn dặm biển, con lại nhớ đến Ba,
nhớ Má, nhớ nhà xưa biết bao nhiêu mà nói. Những
mùa khác, đêm đêm con cũng mơ, cũng nhớ về
quê cũ nhưng năm cùng tháng tận con lại còn nhớ
ác liệt hơn nữa? Kỷ niệm xưa .. tràn về như sóng.
Nhớ hồi xưa nhà mình trong hẻm
chợ Hai Mươi gần Ngã Tư đường Phan
Thanh Giản và đường Cao Thắng. Con đi học
trường tiểu học Bàn Cờ trong Cư Xá Đô
Thành, lớp Nhì tức lớp Bốn bây giờ. Một bữa,
cô giáo cho bài tập vẽ một bông hoa cúc. Hồi nhỏ,
con nghĩ ba cái gì cũng biết,
cái gì ba cũng làm được. Con nít ở thành nhà cửa
san sát, không có được một khoảng đất trống
nho nhỏ nào để trồng cây, trồng bông, trồng
hoa, thì làm sao có diễm phúc để biết bông cúc mặt
tròn, mặt méo ra sao mà vẽ. Con nhờ ba vẽ giùm. Vô lớp
cô giáo cho Ba một điểm. Thiệt cô của con không có
con mắt thẩm mỹ chút nào.
Rồi lên lớp Nhứt, tức lớp
Năm bây giờ, ba nộp đơn cho con thi vào Đệ
Thất. Hai tuần sau kỳ thi, ba dắt con tới cổng
trường Petrus Ký gần bùng binh Ngã Bảy Cộng Hòa,
dò xem kết quả đậu rớt ra sao? Con được
56 điểm đậu hạng 176. Cái thằng đậu
hạng chót chỉ được 45 điểm nghĩa là
con của ba giỏi hơn con của người ta
được 11 điểm. Còn cái thằng đậu thủ
khoa được 81 điểm. Tên nó là Âu Dương
Khoát nhưng không có bà con, dây mơ rễ má gì với Tây
Độc Âu Dương Phong. Cái Trung tâm luyện thi Đệ
Thất của nó, đậu chiếc xe Renault thời Bành
Tổ, bắc ống loa trước cửa trường,
la rùm, quảng cáo cho mấy đứa lỡ thi rớt
năm nay, năm tới nhớ tới học nhe bây. Cái hay
là cậu học trò đậu thủ khoa nầy phải
thi tới lần thứ ba mới chiếm được
bảng Trạng Nguyên. Mới thấy hồi xưa chỉ
thi tuyển vào lớp Đệ Thất thôi mà đã trần
ai khoai củ!
Ba dò thấy số báo danh của con
mình trên bảng vàng, mừng quá, bèn móc túi ra cho con mười
đồng, rồi dẫn con về đường Cao Thắng,
trước cửa rạp hát bóng Đại Đồng
để ăn hủ tiếu bò vò viên. Ôi! Tô hủ tiếu
con ăn thời thơ dại đã lâu sao nhớ tới
thuở bạc đầu.
Chú Tiều tay không bốc bò vò viên
thường và bò vò viên gân bỏ vào nồi nước súp
đang sôi sùng sục trên bếp. Bò viên trụng trong nồi
nước lèo nóng dần lên, cắn vào còn xì khói, mới thấy
hết cái vị ngon, giòn hết xẩy. Chén tương
đen tương đỏ được rắc thêm một
chút ớt sa tế cay nồng ở phía trên. Những miếng
cải bắc thảo muối rắc lên mặt tô hủ
tiếu bò viên với ngò gai xắt nhuyễn. Tô hủ tiếu
bò viên nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Cầm đũa
lên "lua" hủ tiếu, lấy muỗng múc bò vò viên,
cắn nghe cái xực! (Người Triều Châu phản
Thanh phục Minh không được, quang gánh chạy về
phương Nam chỉ mang theo hủ tiếu bò vò viên mà sống
hùng, sống mạnh, sống "phẻ re" cho đến
tận bây giờ. Ôi cái miền Nam dễ thương của
cha con mình đã dang tay đón biết bao nhiêu người
cùng khốn mà cuối cùng, cay nghiệt thay, là cha con mình
không còn sống nổi nữa .. phải bỏ nước
ra đi!)
Mười một tuổi, mười
hai tuổi, sức đang lớn, ăn nhiều, ăn mạnh.
Một tô hủ tiếu bò vò viên chưa đã miệng, còn
thòm thèm, dù mồ hôi từ chân tóc đã tươm ra đầy
lên mặt, rồi chảy từng giọt, từng giọt
một trên má. Ngon quá là ngon mà!
Ba kêu thêm cho con một tô gân, lòng bò,
lá sách, tổ ong .. cùng bò viên. Con cũng tự nhiên, cắm
đầu quất láng. Cái lạ là Ba không ăn gì hết
chỉ ngồi gần con và uống một cái xây chừng.
Ăn xong, ba trả tiền. Trên
đường về nhà cho má hay là con thi đậu. Cả
hai cha con mình cười hỉ hả. Năm chục
năm sau con đã tìm được câu trả lời tại
sao ba lại không cùng ăn với con? Câu trả lời rất
đơn giản là nhà mình nghèo không có đủ tiền
để trả.
Rồi lớn lên con ráng vào đại
học, ngưng ngang giữa chừng vì Mùa Hè đỏ lửa
nổ ra. Rồi giầy sô áo trận. Chiều cuối
năm nào, dù bận hành quân, cũng mong (dù không bao giờ
có), được đi phép, trở về nhà mình đoàn tụ.
Con đã xa má, xa ba, xa mấy em, xa người yêu để
đi trong mùa xuân lá khô. Đi trong vùng hành quân vùng xa xôi đá
sỏi biết buồn. Đi giữa lạnh sang đông
.. Để hy vọng: Rồi có một ngày. Sẽ một
ngày chinh chiến tàn .. Trả súng đạn này. Khi sạch
nợ sông núi rồi Anh trở về quê, trở về quê.
Tìm tuổi thơ mất năm nao .. Nhưng một mùa xuân hòa bình chỉ
là ảo vọng.
Rồi mất miền Nam, ba và con
lưu lạc quê người. Đã hai mươi mùa Xuân
quê nhà con xa. Và hai mươi mùa lá khô ở Úc mà ngày quay trở
về sao thấy vẫn còn xa! Ước vọng gia
đình ta có Ba; bay trở về quê cũ thăm lại Má
đã nằm yên dưới ba tấc đất ở ngã
ba Hòa Tịnh, Mỹ Tho đã vỡ tan.
"Mộ má
nhìn ra lộ Đông Dương. Như trông như ngóng
người thương trở về. Người
thương nay đã trở về. Dẫu tro than vẫn
câu thề ngày xanh! Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành. Tàu
Tây kia liệt máy; anh mới đành xa em."
Mười lăm năm trước,
khi ba trở bệnh nặng ở Adelaide, từ Melbourne, trời
sụp tối, con ra nhà ga "Southern Cross" đi xe lửa
suốt đêm về thăm ba kẻo không còn kịp nữa.
Đêm sau, Chủ Nhựt, lúc từ
giã Ba, con quay trở về nhà để Thứ Hai đi
làm; con móc trong túi ra hai trăm đô nói: "Ba giữ để
uống cà phê."
Hồi xưa, Ba cho con thì cả hai
cha con mình đều cười. Bây giờ, con cho lại
Ba thì cả hai cha con mình đều khóc.
Con bây giờ, chiều cuối
năm viễn xứ, như là chiếc lá khô .. Nhớ nhà
xưa, nhớ Ba, nhớ Má .. Có giọt lệ nào ứa ra
từ chiếc lá khô trong quê người cuối năm chiều
lửa đỏ.
ĐOÀN
XUÂN THU - Melbourne
(Rose
KD sưu tầm và chuyển)