TÌNH YÊU
(Mặc
Bích)
Từ ngày ôm ấy, nhà
Hương có thêm một khuôn mặt mới. Đối với
tất cả mọi người trong nhà, trừ
Hương và cậu con trai lớn, khuôn mặt mới này
cũng chỉ như một món đồ vừa được
mua về ở tiệm, bầy đó, lấp một khoảng
trống nào đó mà thôi. Ai vậy? Một chú két có màu xanh lá
cây với những đường viền đỏ cam,
vàng rực rỡ với đôi mắt sáng quắc tròn xoe,
cái mỏ dài ngoằng hơi khoằm khoằm và một bên
bàn chân bị khuyết tật!
- Tại sao con lại mua một
con két có tật như vậy hả Duy?
Đứa con trai lớn của
Hương nhún vai cười:
- Có sao đâu mẹ? Nó vẫn
đứng, vẫn bay bình thường như mọi con
két khác trong khi nó đẹp nhất trong lồng mà lại rẻ
và biết nói sẵn nữa, con khỏi phải
"train" nó!
Nàng vẫn cứ thắc mắc
về một bên ngón chân bị cụt đến gần 2
đốt của con két tên Joshua mà Duy vừa mua về.
Hương giao hẹn với con trai:
- Con chơi, con phải
"take care" nó đó!
- Mẹ đừng lo! Con lo
cho nó mà!
- Tại sao con biết là nó
biết nói sẵn? Nó nói tiếng gì?
- Chủ nó là một bà Mỹ,
vậy chắc nó chỉ biết tiếng Mỹ!
Duy lại nhìn mẹ cười,
nụ cười của cậu thanh niên mới lớn thật
tươi và thật dễ mến.
- Bà ta già phải vào nursing
home nên mới gửi tiệm bán. Con mua rẻ lắm!
Hương không nói gì mà chỉ
lo con két làm bẩn nhà. Duy nhốt Joshua trong phòng ngủ và
căn dặn mẹ cùng mọi người trong nhà đừng
mở cửa phòng sợ Joshua bay mất. Nhốt nó vào lồng
thì nó không chịu, nó sẽ chết! Hương than thầm
trong bụng:
- Tại sao nó không chơi
con gì khác cho sạch sẽ, dễ trông coi!. Nên ngay từ
phút đầu Joshua có mang lại sự chú ý của
Hương nhưng thiện cảm thì không! Nhưng chiều
con, nàng cũng không cằn nhằn thêm.
Bắt đầu từ
ngày đó trở đi trong nhà nàng lại có một "tù
nhân" là con két xanh tên Joshua. Cửa phòng Duy lúc nào cũng
khép trừ lúc có ai trong phòng. Cả nhà cũng chẳng mấy
khi thấy mặt con Joshua, nên nó có đó mà cũng như
không có. Thỉnh thoảng Hương mới thấy nó kêu
chứ chưa hề thấy Joshua nói! Nhiều lần nàng
định hỏi con xem con két đã nói những gì rồi
thương hại Duy lại thôi.
Một hôm, Hương mở
cửa vào phòng Duy. Con Joshua đang đứng trên thanh gỗ
ngang. Đó là một loại chuồng chim nhưng trống
cả bốn phía và chỉ đơn sơ có một thanh
ngang làm chỗ đứng suốt ngày đêm cho Joshua, hai
đầu một bên là thức ăn, một bên là nước
uống. Bên dưới có một khay tròn lớn đựng
cát để hứng mọi thứ chất dơ do Joshua
thải ra. Thấy nàng bỗng nhiên Joshua xòe rộng hai cánh,
vươn người lên nhún nhẩy và huýt gió.
Duy la lên:
- Mẹ thấy không, nó huýt
gió đấy! Hễ thấy đàn bà, con gái là nó huýt gió! Nó
thích mẹ đấy!
Hương phì cười,
nghĩ bụng "Nói thì không nói mà chỉ huýt gió!". Nàng
đến gần, ngắm nghía chú két. Một mối thiện
cảm nào đó nẩy sinh. Nàng nghiêng đầu nhìn nó. Nó cũng
ngoẹo đầu nhìn Hương như muốn nói một
cái gì? Hương bắt đầu chú ý đến sự
có mặt của Joshua trong nhà. Từ hôm ấy, mỗi tối,
nàng đều vào phòng Duy, ngồi bệt xuống thảm,
gần chỗ con Joshua, và thử dậy nó nói vài chữ tiếng
.. Việt.
Vài tháng trôi đi, một chữ
tiếng Anh Joshua cũng không nói chứ đừng hòng gì
đến nửa chữ tiếng Việt! Nhưng cứ
mỗi lần thấy Hương là nó huýt sáo và vươn
cánh làm đẹp. Nàng cũng thấy vui vui và dần dà quên
mất đến chuyện là con két này không biết nói và
đành chấp nhận nó như thế!
Duy đi mua một lô sách về
nghiên cứu và tuyên bố với mẹ:
- Joshua chắc bị
"shock" nặng nên nó không nói nữa!
Và rồi câu chuyện của
chú két xanh Joshua tưởng chỉ có vậy!
Cho đến một hôm,
Hương đến tiệm Pet Shop, nơi mà Duy đã mua
con két, để mua thức ăn cho Joshua. Bà chủ tiệm
là người Việt, rất niềm nở khi thấy
người đồng hương. Bà ta chỉ dẫn cặn
kẽ loại thức ăn nào hợp cho két, nuôi dưỡng
ra sao ..
Trong câu chuyện trao đổi,
Hương chợt hỏi:
- Thường những con
bà bán ra mà có giấy tờ khai sinh, bà có lưu lại bản
nào không?.
- Có chứ ạ! Chúng tôi còn
giữ lại tên và địa chỉ người bán,
người mua, đủ hết.
- Cháu trai của tôi mua một
con két ở đây tên Joshua, chân nó hơi có tật ..
Bà chủ tiệm nói ngay
không đợi Hương nói thêm:
- Joshua! Tôi nhớ chứ! Một
bà già Mỹ đã nhờ tôi bán khi bà ta phải vào nursing
home. À! Cậu đó là con bà đấy ư?
- Vâng, đúng đấy! Bà
có trí nhớ tốt quá!
- Cậu con bà có thích con
Joshua không?
- Chúng tôi quý nó lắm .. có
điều sao nó chẳng biết nói gì cả?
- Có trường hợp
như vậy xảy ra khi con vật bị sống xa chủ
nhân của nó. Nhưng nhiều khi chỉ một thời
gian nó quen với môi trường mới lại nói như
két ngay ấy mà!
Hương chép miệng:
- Cả hơn một
năm rồi, đâu thấy nó nói gì đâu! Nó chỉ biết
huýt sáo và kêu thôi!
Bà chủ tiệm nhún vai,
không biết phải trả lời thế nào trước
sự than phiền của người khách.
Hương trả tiền
đi ra, nhưng nghĩ sao nàng lại quay trở lại
tìm người chủ tiệm:
- Bà có địa chỉ của
bà cụ già trong nursing home, chủ trước của Joshua
không?
- Có chứ, để tôi lấy!
Trừ phi bà ấy chết hay đổi chỗ thì chịu
thua!
Bà ta tìm một lúc rồi mặt
tươi lên, hí hoáy viết vào tờ giấy đưa
cho Hương:
- Chúc bà may mắn!
Cầm tờ giấy trong
tay Hương không biết mình sẽ làm gì? Vào gặp và
thăm bà lão, nói chuyện về con két tên Joshua hay
đưa Joshua vào thăm chủ cũ? Để làm gì?
Nàng cũng chẳng hiểu tại sao những ý nghĩ
đó lại đến trong đầu và rồi cứ lẩn
quẩn ngày này sang ngày khác.
Một ngày Chủ Nhật
cuối tuần, Hương và Joshua tìm đường vào
nursing home mang tên là Pine Haven. Chưa bao giờ đặt
chân vào một nursing home nào cả nên Hương cũng
hơi tò mò. Nơi đây dù không xa nhà thương Memorial bao
nhiêu nhưng nằm khuất trong một con đường
cụt yên tĩnh rộng rãi, nhiều cây cối bao bọc
chung quanh, có cả vườn cảnh cho người
đi dạo tạo một cảm giác thật an bình.
Hương nhìn xuống tờ
giấy, lẩm nhẩm tên bà lão:
"Alice Park! Alice ..
Park!"
Joshua đậu trên vai
Hương có vẻ thích thú khi được ra ngoài. Nó kêu
những tiếng trong cổ họng nhịp theo với
bước chân Hương tiến dần vào khuôn viên nursing
home. Một vài người già ngồi trên xe lăn, phía sau
có y tá đẩy. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt
Hương là những khuôn mặt già nua bệnh hoạn bạc
thếch theo với thời gian. Những khuôn mặt trắng
nhờ nhờ với làn da trắng xanh không còn sinh khí hay những
gương mặt da màu đã sạm lại và teo tóp.
Những đôi mắt u uẩn
hay những cái nhìn mông lung vào một cõi nào xa xăm như
thể tất cả đang sống trong một thế
giơi riêng biệt mà những ngôn từ, động tác cử
động cũng theo một cách thế khác. Nhịp sống
nơi đây chắc chắn không giống như nhịp sống
bên ngoài kia.
Người nữ tiếp
viên ngồi ngay cửa vào ngửng lên nhìn Hương mỉm cười chào hỏi.
Hương hỏi ngay:
- Tôi muốn vào thăm bà
Alice Park. Chẳng hay bà ấy ở phòng số bao nhiêu hả
cô?
Cô gái cắm cúi giở sổ
tìm rồi nhoẻn miệng cười thật xinh:
- Dẫy A. Phòng số 210. Bà
đi thẳng vào trong rồi quẹo trái, đến gần
cuối hành lang là đúng chỗ đấy.
- Cám ơn cô nhé!
Cô gái nở nụ cười
thay cho lời nói. Joshua bỗng huýt gió vang dội làm cả
Hương lẫn cô gái phải bật cười.
- Nó tên gì vậy bà?
- Joshua!
- Hi Joshua! Hi!
Joshua chỉ nhìn cô gái và tiếp
tục huýt sáo một cách thích thú. Cô ta còn giơ tay vẫy vẫy
nó. Hương lại nhớ đến lời Duy bảo:"Nó
thích đàn bà, con gái mẹ à!". Mà có lẽ thế thật!
Nàng và Joshua theo lời chỉ
dẫn của cô gái. Bên trong cũng đẹp đẽ, sạch
sẽ nhưng thoang thoảng mùi hôi, mùi khai quyện lấy
mùi thuốc sát trùng. Dọc hành lang, bóng những cô y tá lên xuống
nườm nượp. Đi ngang những căn phòng mở
rộng cửa, Hương nhìn thấy những khổ ải
của thân phận con người mà bệnh hoạn là một
trong những thứ làm biến đổi người ta
nhanh nhất.
Không giống nhà
thương, mỗi phòng được trang trí một cách
khác theo với ý thích của người bệnh hay người
thân. Hương đi rất chậm để quan sát.
Đầu giường những người bệnh hầu
như đều có hình ảnh của một cuộc đời
bên ngoài kia mà đã có một lần họ đã sống
qua. Chút kỷ niệm hay chỉ là một nhắc nhở về
mối liên hệ sao đó để người bệnh
đỡ thấy lẻ loi, cô độc chăng?
Rẽ sang mé trái,
Hương thấy ít y tá hơn và mùi hôi cũng giảm
đi nhiều, hầu như không thấy mấy.
Hương lẩm nhẩm trong đầu tìm số 210.
"À! Đây rồi!", nàng nhủ thầm. Phòng số
210 cũng không khác những phòng kia bao nhiêu và theo bảng tên
ở ngoài thì bà Alice Park nằm bên mé trong, sau tấm màn kéo
màu xanh nhạt. Giường bên ngoài không thấy người
dù rất nhiều đồ đạc. Hương vào bên
trong.
Đằng sau tấm màn, một
bà lão tóc trắng phau, uốn quăn thưa thớt,
đang ngồi dựa xoãi chân trên một xe lăn. Hai bàn
tay bà trắng bệch và trong suốt với nhiều
đường gân xanh tím chằng chịt. Cả hai bàn tay
bám lấy hai thành xe lăn. Nghe tiếng động bà ta
nhìn lên. Đôi mắt nhỏ xíu bỗng mở to lộ hai
tròng con ngươi màu xanh đá nhạt lờ mờ
như được dấu sau một bức phim mỏng.
Cái miệng mỏng dính không còn thấy rõ mầu môi bỗng
hơi há ra. Mắt bà ta như dán chặt vào con két trên vai
Hương. Đôi bàn tay bà lão đang bám lấy thành xe
lăn bỗng buông ra và run rẩy, giật liên hồi.
Tất cả những biến
chuyển đó chỉ xảy ra trong vòng vài giây ngắn ngủi
của thời gian đang cô đọng trong căn phòng chật
hẹp mà Hương là người nhìn thấy rõ nhất.
Nàng chưa kịp lên tiếng chào hay hỏi han xem bà lão có
đúng là bà Alice Park hay không, nhưng Joshua đã nhanh hơn
nàng. Nó bay sà đến đậu vào lòng bà ta và chợt kêu
lên:
- Love ya, Mama! Love ya, Mama!
Từ tiếng kêu đột
ngột. Không! Phải nói là tiếng nói đột ngột
thoát ra từ Joshua chợt như một tiếng ngân, mà sự
vang dội cũng như cái tha thiết kéo dài run rẩy
trong cái sẽ sàng làm cho sự tĩnh lặng đọng
trong căn phòng chợt vỡ tan. Những đường
nét cứng nhắc mỏi mệt trên khuôn mặt già nua của
bà lão dường như hồi sinh theo với cái nhếch
mép, há miệng mà những tiếng nói vẫn còn bị nhốt
kín sâu thẳm trong tận cùng cổ họng, hay trong sâu thẳm
của trái tim héo hon? Từng thớ thịt trên mặt bà
lão giật nhẹ, đôi mắt cố mở to nhìn Joshua.
Môi bà lão run run mà vẫn không tạo nên được một
âm thanh nào. Chỉ có đôi mắt chớp khẽ. Riềm
mi dưới đã ngả sang màu xám bạc chợt đậm
màu hơn theo với giòng nước mắt đang từ
từ lăn xuống.
Joshua hai chân bấu vào áo bà
lão, vươn cổ, dùng mỏ ngoạm vào áo bà ta để
trèo lên cho gần với khuôn mặt bà lão. Nó lại kêu lên,
vẫn cái giọng đó:
- Love ya, Mama! Love ya, Mama!
Joshua love ya!
Không hiểu trong tiếng
kêu thống thiết kỳ lạ đó có gì mà Hương
thấy lồng ngực mình thắt lại. Bởi vì nàng
không chỉ nhìn thấy, chỉ nghe, mà còn cảm nhận
được cái tình yêu giữa Joshua và chủ cũ của
nó như phút chốc nàng biến thành bà lão ngồi trên xe
lăn kia, cũng chẩy nước mắt đón nhận
lời nói yêu thương và cũng thấy lòng rạt rào
những cảm xúc kỳ dị. Làm như thế gian này chỉ
có một tình yêu và cả hai thực sự thuộc về
nhau, như một nửa mảnh đời này tìm lại
đúng nửa mảnh đời kia và ráp lại khít khao
thành một khối duy nhất, không có gì có thể chia lìa.
Joshua ở trong bà lão và ngược lại. Bà lão nhìn trong
Joshua và thấy tình yêu của mình. Bà ta lắp bắp
đôi môi nhưng không thành tiếng. Khuôn mặt bà lão bỗng
tươi nhuận hẳn lên. Tình yêu, sự hiện diện
của Joshua đã mang lại mạch sống cho bà. Và tình
yêu đó tràn ngập căn phòng nhỏ. Joshua và bà Alice không
còn biết đến sự có mặt của Hương.
Joshua vùi cái mỏ cứng nhắc
của nó vào cổ bà lão, mắt nó lim dim như tận
hưởng một sự trao gửi thiêng liêng nào đó mà
chỉ có nó và người nhận hiểu được.
Mãi, bà lão mới tìm lại được tiếng nói của
mình. Giọng bà ta yếu ớt và thanh tao khi đưa hai
tay vuốt ve Joshua:
- I love you too. Joshua! Mama love
you!
Con Joshua kêu lên những tiếng
nho nhỏ trong cổ họng và cứ để yên cho bàn
tay bà lão vuốt trên từng mảng lông của nó. Những
ngón tay nhăn nheo, xương xẩu kia như một cây
đũa thần làm Joshua biến đổi hẳn. Nó
không còn là con két xanh đứng hai chân trên thanh ngang suốt
ngày cú rũ trong căn phòng đóng kín cửa. Nó không còn là
tên tù bị giam lỏng trong bốn bức tường kín ở
nhà Hương. Joshua lại nói với bà lão:
- He hurt me!
Bà ta sờ lần trên ngón
chân khuyết tật của Joshua như thương cảm
rồi ôm Joshua vào lòng:
- My poor baby! He's gone! He'll not
hurt you anymore. Not anymore baby! He's gone, baby! Do you miss me, Joshua?
Joshua lập lại y hệt
như vậy:
- Do you miss me, Joshua?
Bà lão bật cười:
- No! Do you miss me, Mama?
Nó lại lập lại vẫn
với giọng lảnh lót:
- No! Do you miss me, Mama?
Tự dưng Hương cũng
cười theo. Lúc ấy bà lão mới để ý đến
sự có mặt của nàng trong phòng. Tay vẫn ôm Joshua, bà
ta nheo mắt nhìn Hương:
- Cô mang Joshua đến
đây?
Câu hỏi này thay cho câu hỏi:
"Cô là chủ mới của Joshua?". Có lẽ bà Alice vẫn
xem như chỉ có bà là chủ của Joshua. Và bất cứ
ai đó đến sau bà chỉ là người thay bà săn
sóc nó mà thôi. Hương thấy ngay điều này nên nàng chỉ
mỉm cười và đáp gọn:
- Vâng!
Hương cũng chẳng
tự giới thiệu mình là ai mà bà lão cũng chẳng hỏi
tại sao nàng lại biết tìm đến đây. Tự
dưng nàng cảm thấy như sự có mặt của
mình ở đây là thừa thãi nên
Hương lẳng lặng bước ra ngoài khi thấy
bà Alice lại quay sang Joshua thầm thì những gì nàng nghe
không rõ.
Nàng đi dọc theo hành lang
ra ngoài đến sân sau. Chẳng ai hỏi gì mà cũng chẳng
ai để ý đến ai. Hương tìm một băng
ghế dưới gốc cây. Bây giờ đã là tháng Mười.
Trời đã dịu hơn. Nắng vẫn rực rỡ
như những ngày hè nhưng sao lại mát hơn? Có lẽ
mùa Thu đã đến ở đâu đó và đang bứt
dần những chiếc lá ra khỏi cành. Một đành
đoạn chia ly tất nhiên! Nàng dựa lưng vào băng
ghế nhìn những chiếc lá khô lao xao trên đỉnh
đầu rồi lìa cành. Có những chiếc lá còn tiếc
nuối, bay lượn vài vòng trước khi rơi chạm
mặt đất, có chiếc rơi thật nhanh chúi đầu
lao xuống, có chiếc vẫn run rẩy, không chịu lìa
cây. Và những chiếc lá còn lại trên cây đang nhìn lên trời
xanh trên kia hay nhìn xuống mặt đất để tiếc
thương thay cho những chiếc lá đã bỏ đi
trước? Nhưng có một điều chắc chắn
những chiếc lá còn lại trên những tàng cây kia nhìn thấy
được nỗi ngậm ngùi trong nàng ở ánh mắt
không còn trong nữa. Cuộc đời, con người, và
những tương quan trong đời sống, tình yêu, nỗi
chết, rồi cũng chỉ như thế thôi!
Và rồi, Hương lại
nghĩ đến hình ảnh trong căn phòng nhỏ sau
lưng nàng: Joshua và bà Alice. Bà lão còn bao nhiêu thời gian để
nói câu:"I love you too! Joshua!", còn bao nhiêu thời gian nữa
để ngập chìm trong yêu thương ấy?
Joshua? Thời gian của con
két xanh với những riềm vàng, đỏ, cam rực rỡ,
là bao xa? Nhưng có lẽ chắc chắn lúc này, cả bà
lão và con Joshua đều chỉ biết đến cái hạnh
phúc trân quý tìm lại được nhau, có nhau, cho dù thời
gian đang trôi qua và ngày mai, ngày hôm sau nữa và những ngày
kế tiếp có còn đến nữa hay không!
Nàng ngồi giữa cảnh
trời bao la trong vắt trên cao kia trong những suy tưởng
miên man. Thời gian qua bao lâu rồi? Hương nhìn đồng
hồ: "2:30 chiều!". Nàng đã ở chỗ này lâu
đến thế kia à? Đã đến lúc phải
đưa Joshua trở về. Joshua phải trở về
căn phòng của Duy và trở lại làm tù nhân trong một
nơi chốn với đầy đủ thức ăn,
nước uống, chỉ thiếu bàn tay của bà Alice!
Khi Hương trở lại
căn phòng số 210, cảnh tượng âu yếm lúc
trước không còn nữa. Joshua đang đậu trên
thành giường, còn bà Alice nằm trên giường với
bao nhiêu dây nhợ gắn vào người: nào là dây truyền
thuốc, dây truyền thức ăn. Trông bà ta có vẻ mệt
mỏi. Cô y tá da mầu có nụ cười xinh tươi
nhìn Hương rồi hỏi: "Cô quen thế nào với
bà Alice?"
Hương chỉ con Joshua:
- Qua con két này!
- Thật à?
Câu hỏi tuy ngắn, gọn
nhưng bao hàm nhiều câu hỏi khác nữa. Hương phải
giải thích sơ sơ:
- Bà ta là chủ trước
của nó. Tôi đưa nó đến thăm chủ cũ.
Vậy thôi!
- Cô tử tế quá!
Lần đầu tiên từ
lúc gặp gỡ Hương thấy bà Alice nhìn nàng lâu
hơn. Ánh mắt dịu xuống.
Hương đến gần
Joshua và gọi, nàng làm như nó hiểu: "Joshua! Đến
lúc phải đi về ..
Hình như nó biết nên cứ
chần chờ. Mấy cái móng bấu chặt xuống thành
giường, trừ ngón khuyết tật. Hương
đến gần, nó càng nhích đi xa, mấy cái móng vẫn
quặp chặt như một câu trả lời rõ ràng.
Hương không biết phải làm sao! Joshua không huýt sáo
như mỗi lần Hương gọi nó nữa! Như
đọc được tất cả những ý nghĩ
trong đầu của cả Hương và con Joshua, bà Alice
gọi nó:
- Joshua!
- Mama!
Cô y tá thích thú kêu lên:
- Ồ nó nói được!
- Go home, Joshua! Go home!
Nó lặp lại lời bà
Alice:
- Go home! Go home!
Nhưng vẫn không nhúc
nhích, Joshua lại kêu lên:
- Love ya, Mama! Go home!
Bà lão nhấc khẽ cánh tay
đầy dây nhợ và xòe lòng bàn tay trắng bệch. Joshua
bay lại, đậu trong lòng bàn tay bà lão. Nó dụi cái mỏ
vào lòng bàn tay bà. Hương thấy bà ta nhắm mắt lại,
không phải để đón nhận tình yêu như trước
đây nhưng như một sự cam chịu hay một sự
chống trả rất âm thầm nào đó. Bà lão lại nói
với Joshua bằng một giọng thật nhỏ,
như chỉ để cho mình nó nghe và hiểu:
- Go home, baby! You can not stay
here .. I have no home now! Go, baby! .. Go ..
Hương chợt thấy
mi mắt nàng nặng trĩu. Quay sang người y tá,
Hương hỏi một câu hỏi mà trong thâm tâm nàng cho rằng
đây chỉ là một câu hỏi cầu may:
- Nó ở lại với bà cụ
được không cô?
Cô y tá lắc đầu:
- Ở đây toàn là người
bệnh, luật không cho phép người bệnh nuôi thú vật
trong này.
Hương lặng im.
Và Joshua. Hình như hiểu
được tất cả những gì bà Alice nói gọn
trong vài chữ đó, hay chỉ là những cảm nhận
thiêng liêng giữa Joshua và bà Alice. Chỉ giữa con két xanh
và bà lão. Nó bay lên và đậu vào vai Hương nhưng vẫn
kêu lên: "Love ya Mama!"
- I love you too, Joshua!
Mở mắt ra, nhìn
Hương, bà lão ngập ngừng nói:
- Cám ơn cô .. đã mang
Joshua đến đây .. Thỉnh thoảng nếu
được gặp nó thì .. vui lắm.
Hương đến gần,
nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà Alice và nhẹ
nhàng nói:
- Mỗi tuần tôi sẽ
mang Joshua vào thăm bà!
Bà Alice chợt nhắm mắt
lại. Bà ta ngập ngừng:
- Cám ơn cô .. cám ơn cô
nhiều lắm!
Nàng đi ra và không nỡ
quay lại nhìn căn phòng nhỏ có bà lão gầy gò với
bao dây nhợ quanh người đang nằm đếm thời
gian.
Có tiếng thổn thức
mơ hồ không biết là của ai? Của bà lão? Của
Joshua? Hay của chính Hương?
MẶC BÍCH
(Kim
Loan Nguyen sưu tầm, Hong Ha và Peter Huynh chuyển)