THÔNG ĐIỆP
SỢ HÃI
(Tuấn Khanh/RFA)
Câu chuyện cậu bé Ahmed Mohamed bị bắt
vì chiếc đồng hồ điện tử tự chế
của mình, đã có một kết cục dường
như sáng sủa hơn khi được tổng thống
Mỹ Obama gửi lời mời vào Nhà trắng để
giới thiệu sản phẩm của mình. Kịch bản
giải quyết khủng hoảng của ông Obama thật sự
khéo léo và kịp thời trước khi những điều
xấu nhất có thể bùng nổ. Nhưng cũng từ
đó, bất kỳ ai cũng có thể thấy thông điệp
của sợ hãi đang tràn ngập cả thế giới
này, không chừa một điều gì.
Ngày 16/9, trên tất cả các trang tin tức,
hầu như ai cũng thấy được gương
mặt ngạc nhiên và sợ hãi của em học sinh người
Mỹ gốc Trung Đông khi bị cô giáo hiểu lầm
chiếc đồng hồ điện tử tự chế
của em là bom hẹn giờ. Cha của em, ông Mohamed Elhassan
Mohamed nói với báo giới rằng "Ngày 11/9 đã biến
tất cả những ai có họ hay được đặt
tên là Mohamed trở thành kẻ sai lầm". Tờ Gawker
ngay trong ngày đó cũng có bài viết, cho biết trong cùng
khoảng thời gian, có 7 học sinh ở đủ các
nơi, từ North Carolina cho đến Florida mang đồng
hồ điện tử tự ráp đến trường
nhưng không hề gặp bất kỳ khó khăn gì,
đơn giản vì các em không mang họ Mohamed.
Phản ứng của ông Obama nhanh đến
chừng nào, người ta lại cảm nhận
được sự sợ hãi của ông lớn đến
chừng đó, về một viễn cảnh nước Mỹ
sẽ xung đột và nội loạn từ câu chuyện
này. Người ta giải quyết mọi chuyện thật
nhanh vì nỗi sợ hãi âm ỉ trong tim mình, nên cũng
đã biến các thầy cô giáo ở trường trung học
MacArthur thành vật hy sinh, như những kẻ tệ hại,
mắc sai lầm với chính học sinh của mình.
Nhưng đừng quên, các thầy cô giáo tội
nghiệp ở trường trung học đó cũng sợ
hãi, vì trách nhiệm mang nặng với hàng trăm học
sinh khác đang ở trong ngôi trường của họ,
nên đã phản ứng bằng cách cầu viện cảnh
sát, cho một trường hợp mà họ không có kinh nghiệm
gì ngoài những suy nghĩ mà thế giới thật luôn báo động, và bị
sự sợ hãi chiếm hữu.
Thế giới của chúng ta đang đầy
sợ hãi như vậy đó. Con người không tin vào con người. Con
người sẵn sàng thô bạo hay chà đạp con
người chỉ vì sự sợ hãi của bản thân
mình. Không chỉ riêng nước Mỹ mà bất cứ
nơi đâu cũng vậy. Việt Nam cũng chắc chắn
không là ngoại lệ.
Đã bao lâu rồi chúng ta không còn nhớ sự
thanh thản và vô hoài nghi với đời sống? Rất
nhiều người đi ngang những người ăn
xin nơi đô thị, do dự thương hại vì không
biết mình có bị rơi vào một mẻ lừa hay
không? Có bao nhiêu người gọi một thằng bé
đánh giày ở vỉa hè nhưng không căn vặn về
giá cả, không lo lắng mình có thể gặp phải kẻ
vòi vĩnh tiền bạc?
Chỉ vì sợ hãi lối nhận xét ngang
ngược về trang phục của phụ huynh, mà một
nhà trường có thể đuổi học đứa trẻ.
Cách phản ứng đầy quyền lực và vô văn
hoá đó cũng có thể nhìn thấy tận sâu thẳm của
nó là sự sợ hãi và tham vọng khép kín sự kiện.
Với các nhà nước độc tài trên
thế giới, người ta cũng nhìn thấy sự sợ
hãi bất tận trước dòng chảy của sự sống.
Dù họ được trang bị cảnh sát, quân đội,
vệ binh
.. Và trấn
áp liên tục bằng bạo lực lên chính nhân dân họ,
thì đó của là một số
liệu hiển hiện về mức độ sợ hãi cho sự
tồn vong của chính họ. Bắc Triều Tiên là một
điển hình cho hình thái toàn trị sợ hãi đó. Cuba
đổi mới hiện nay cũng là sự thức tỉnh
từ sợ hãi. Tháng 3/2014, Raul Castro nói với báo chí trong rằng
"thay đổi là cơ hội cuối cùng của chúng
ta", nếu đó không phải là một thông điệp
vọng lên từ đáy sợ hãi, thì là gì?
Trên các trang mạng Việt Nam, rất dễ
tìm thấy, người ta dặn dò nhau đừng giúp ai ở
đoạn đường ấy, vì có thể bị
đưa vào kịch bản cướp giật, trấn lột.
Hoặc đừng đi lối đó, có thể sẽ mất
tiền cho những kẻ vô lương tâm .. v.v bên cạnh
những lời báo động, thường
là những bình luận tức giận và nguyền rủa rất
nặng nề. Sự sợ hãi dừng như cũng kích
thích và thúc đẩy phần dữ tợn và bạo lực
nhất của con người.
Chỉ vài năm trước đây thôi,
chuyện trừng phạt kẻ cắp thường không
diễn ra đáng sợ như lúc này. Người ta giới
thiệu - một cách lạnh lùng - những hình ảnh một
người bị tâm thần ăn cắp vặt bị
đánh hội đồng đến máu me bê bết, chỉ
còn đủ sức quỳ sụp xuống thẫn thờ.
Hoặc mới đây, một cụ già khó khăn đi trộm
gà bị đánh, trói và bắt quỳ với con gà buộc
phải ngậm nơi miệng. Bao vây cụ là những
người trẻ tuổi, có thể gọi cụ bằng
ông. Người Việt sợ hãi cho tiền của, sợ
hãi sự bất an của xã hội nên trút giận vào những
gì mà họ có thể chà đạp được. Thậm
chí miền Nam giàu có sản vật, miếng ăn
được mời, thức uống được cho
cũng đang dần khép lại, mở ra một khung cảnh
mới đầy sợ hãi và bạo lực.
Những con đường dẫn đến
Hungary đầy người tỵ nạn đáng
thương và sợ hãi hôm qua, thì giờ đây đã trở
thành nơi bạo động vì họ không còn được
chấp nhận nữa. Từ nỗi sợ hãi chạy trốn
khỏi loạn lạc, những người tỵ nạn
biến nỗi sợ hãi vì không được chấp nhận
của họ thành bạo lực, thành một cuộc chiến.
Hình ảnh này nhắc cho chúng ta nhớ về những
điều rất gần là hàng trăm ngàn công nhân Việt
Nam tội nghiệp đang sống nghèo khó, bữa ăn bị
đánh tráo bằng những tạp phẩm tồi tệ.
Sự bất an và sợ hãi về tương lai của họ
luôn có khả năng dẫn đến giận dữ và bạo
lực.
Đây chỉ là một vài ghi chú của
tôi. Về phần mình, bạn có thể ngồi xuống và
gạch ra những ví dụ của riêng mình về thế
giới này, đang đầy những thông điệp của
sự sợ hãi?
TUẤN KHANH
(Diễm Trinh sưu tầm và chuyển)