Mỗi
lần lái xe đi làm (ca đêm), hễ thấy
đường sá vẫn còn đặc lừ xe cộ,
bỗng dưng tôi lại nhớ đến chuyện
Người Xưa "đốt đuốc chơi
đêm" !
Dĩ nhiên tôi
không đến nỗi mê muội mà ví von "xe cộ
vẫn còn đặc lừ" là những người
đi ăn, đi chơi, đi hưởng thụ
cuộc đời cho đến "đã điếu,
đã đời" mới thôi. Thìcũng y chang như tôi, đâu có đi ăn
đi chơi gì đâu, mà cũng ra đường giờ
này nè !!!
Tôi đang
tội nghiệp cho cái đời thợ của tôi đó
chăng ? Tôi đang tội nghiệp cho những
người đầu tắt mặt tối trong những
hãng xưởng, ở ngay trên một đất
nước phồn thịnh nhất thế giới đó
chăng ? Không. Tôi chỉ muốn cho các bạn tôi, học
trò tôi, vẫn còn ở cái xứ mà nhiều chỗ vẫn
còn "bùn lầy nước đọng", "nắng
bụi mưa sình", thiếu điện, thiếu
nước, thiếu nhà thương, trạm xá, thiếu
trường học (mỗi lần muốn đi
đến trường phải lội hàng mấy cây
số đường bờ, đường bụi,
đường hố, đường hầm; nhiều
khi chèo ghe đi đò ..) biết rằng: nước
Mỹ này "thấy vậy chớ không phải
vậy". Và kiếm cái ăn, cái mặc, cái ở, thì
chả đơn giản, đang giỡn một tí ti nào
đâu ! Cũng "đổ mồ hôi, sôi nước
mắt" và cái xác thì rã rời vì những quần quật,
tất bật ở chỗ làm ! Thèm được đánh
một giấc no nê vào cái lúc mà mọi người khác
đang thảnh thơi đi vào cơn mộng. Thèm
đến chết đi được, mà có bao giờ
được thỏa thuê cho.
- Ngày .. tháng .. năm ..
Một chục mặt
trời lửa
Rọi vào
trái tim đờ
Nghìn hoa mơ
bỏng rộp
Khét cháy
vạn lời thơ
Mùa hè ơi ..
qua đi
Nám đen
mộng hồ điệp
Mùa hè ơi ..
qua đi
Còn gì đâu
.. tống biệt !
Thiệt
giống in trái mít. Dập. Bầm. Nuỗng từ trong ra
ngoài. Mèn đéc ơi. Già sọm, già chát, già nẫu thì thôi
luôn. Toàn thân trâu bải hoải, bời rời, bèo nhèo,
nhầu nát, nát nhầu. (Còn chữ nào hay hơn nữa hông
ta ?) Hình như chưa có chữ nào nói tới cái vụ
đau như dần thì phải ? Ờ. Đau như
dần. Như bị đánh tả tơi, tơi tả. Ai
đánh ? Thì đồng đô-la nó đánh chứ ai !
Ừ. Mà ai
biểu mình nhậy cảm với thời tiết quá chi :
2 đêm nay hễ gần đi làm là trời đổ
mưa. Lâm râm .. Lắc rắc .. (chi vậy hổng
biết). Mà cũng có thể đã mưa từ chiều,
nên người cứ ơn ớn, dù trời nóng, oi
bức dễ sợ.
Ừ.
Mà ai biểu khi làm việc thì "sung", thì "hết
mình', cứ "xả láng sáng nghỉ sớm" . Nên
về tới nhà mới thấy hết "pin",
hết dầu, hết nhớt !!! (Cũng không phải
để "kiếm điểm" với ai, mà bởi
vì khi đã ngồi vào chỗ làm, thì có khác nào đã
bước vào một cỗ máy vận hành, liên lỉ, không
ngơi .. Công việc nó "cuốn" mình theo. Thói quen nó
"quấn" mình vào quĩ đạo của các thao tác
nhuần nhuyễn. Mình lắc lư như lên đồng,
mình luôn tay luôn chân trong con tàu thời gian vô hình tướng,
mà kết quả việc làm thì hiện ra ràng ràng trong máy
computer thẩm định năng suất cần lao
chẳng sai chạy một li một lai .. Muốn dừng
lại giữa chừng cũng đâu có được,
khi mình chỉ là một "bộ phận" nhỏ nhít
của hệ thống làm việc "dây chuyền"
hết sức tinh vi, hiện đại !!! Và dĩ nhiên là
"hại điện" cho từng "hữu thể
nhân sinh" không biết bao nhiêu mà nói: con người
bị máy móc hóa, bị "vô-cảm hóa", bị
điều kiện hóa và dần dần không còn khả
năng sáng tạo, không còn khả năng thương yêu và
cảm thông [chỉ ích kỷ lo cho nhu cầu cần
thiết ăn uống ngủ nghỉ của bản thân là
trước cái đã mà]!!!)
- Ngày .. tháng
..năm ..
Tội
nghiệp quá những con mắt bì bì không thể chống
lên nổi dù có dùng "cột chống trời". Ôi
những khuôn mặt ngái ngủ, lờ đờ,
đồng thiếp. Những đôi mắt Mỹ
trắng, Mỹ đen, Spanish, Ấn Độ, Pakistan,
Việt, Tàu, Thái .. Và cơn buồn ngủ không ranh
giới, không kỳ thị, không màu cờ, không chủng
tộc, không đảng phái, không tín ngưỡng, không
bằng cấp, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Rõ ràng hình
xác thì ngồi đó, làm việc đó, quờ quờ,
quạng quạng, mà cái hồn, cái vía ở đâu ? Đâu
có ai biết. Chỉ thấy mơ mơ, màng màng, mộng mộng,
mị mị .. Tất thảy đều là những cái
"nửa" lạ lùng: Nửa tỉnh, nửa mê.
Nửa chập chà, chập chờn. Nửa dật dờ,
nửa đờ đẫn. Nửa u u, mê mê .. Hình như
lúc ấy, trời có sập, đất có lở, bom nguyên
tử có nổ tung cũng không ai thèm quan tâm .. Mà nói cho cùng
đâu ai "có mặt" trăm phần trăm đâu mà
"ke" với lại chả "ke" (care) !!!
Dẫu
biết lắm:"Life is a chain of moments of enjoyment, It's NOT
only survival". Nhưng làm sao tận hưởng (enjoyment)
được, khi cái xác chỉ còn mỗi những nhu
cầu của bản năng để được
sống còn (survival): Chỉ thèm được ngủ. Thèm
được nằm ình xuống. Thèm được sãi
chân sãi tay ! Vì làm ca đêm có nghĩa là sống rất
phản tự nhiên, hết sức trái luật Âm
Dương: Đêm là để ngủ nghê.Ngày là để hoạt
động. Đàng này có một số đời thợ,
kiếp ngựa trâu, thân cò vạc phải kiếm sống
về đêm: Phải tất bật khi nhà nhà khép cửa.
Phải mở mắt khi người người ngủ
ngon. Phải lao động khi người người
ngơi nghỉ. Dĩ nhiên. Lại cái điệp khúc
"rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng
nuốt cay thế nào" (ND): Nếu không kham nổi
sự khó nhọc này, cứ đi tìm job khác. Đâu có ai ép
bạn đâu !!!
- Ngày
- Ngày .. tháng .. năm ..
Mỗi lần hàng về từphi trường (những bao
thư đầy những cuồn phim đủ loại:
màu, đen trắng, APS, 110 .. do khách hàng từ 52 tiểu
bang gửi đến, từ Canada cũng có, yêu cầu
rửa hình 3x5, 4x6, phóng to, cho vào CD, chuyển vào Internet, làm
thành Slide .. v .. v ..), nhìn những bọc vàng, xanh, to nhỏ
đó .. chả hiểu sao mình lại nhớ ngay
đến hình ảnh tàu chở cá tôm cặp bến ở
Xóm Biển Rạch Giá ngày nào (trước năm 1970) ..
Những đôi mắt chờ đợi sáng lên, long lanh
niềm vui (ít nhiều tùy theo số lượng tôm cá
vơi đầy). Ôi cái sướng rân của bầy
trẻ nhỏ sắp được quà bánh .. Cái
cười móm mém của các bà nội, bà ngoại khi sẽ
được húp sì sụp bát canh chua chả cá bùi bùi,
thơm mùi khóm, cà chua, bạc hà, giá, đậu bắp, ngò om ..
.. Người chồng thì rạng rỡ biết
mấy dù mặt mũi râu tóc bơ phờ, biết sẽ
được "đền bù hậu hĩ" sau
những ngày nhớ vợ, xa con, quần quật trên sóng nước
lênh đênh. Cả nhà sẽ lại được đi
coi phim Ấn Độ, coi cải lương, sẽ
được khóc cười hả hê vì những cảnh
đời trên sân khấu sao cũng in hịt đời
mình. Người vợ có thể sẽ được
đôi bông tai, cà rá, sợi dây chuyền bằng vàng y
hằng mơ ước, làm tươi rói thêm khuôn mặt
duyên dáng, mặn mà. Đôi bông ấy, cà rá ấy, sợi dây
chuyền ấy cũngchính
là dấn vốn xoay trở nếu mai này "đầu
sóng, ngọn gió" không thuận hướng xuôi chiều
.. (Chứ hổng phải chỉ là một thứ
"xa xỉ" của mấy bà thôi đâu nhen quí ông !!!)
Ở đây. Số lượng những bọc
đựng bì thư to nhỏ, chất nghễu nghện
hay xẹp lép, xếp ve, sẽ là quyết định cho
cái Pay-Check nặng trĩu hay nhẹ hều. Và những cái
Bills trăm thứ bà chằng sẽ được trang
trải thênh thang hay dồn đống nát lòng. Có khác gì nhau
đâu. Rạch Giá hay Greenbelt. VN hay Mỹ Quốc.
"Muốn ăn thì phải lăn vô bếp" !!! Mà cái
bếp cuộc đời càng hiện đại thì càng
trầy vi tróc vẩy những người muốn có cái
ăn.
- Ngày .. tháng .. năm ..
Chả nhẽ mình lại dễ chịu
đến thế cơ à ? Không cất tiếng than sao
đời cực quá, "châm" quá ? Không rên lên ư
ử như mấy cái bà đồng nghiệp dài giọng
ai oán hoặc chửi thề thô tục ? Hay là mình vốn
biết có khóc lóc ỉ ôi đi nữa thì cũng phải
đem "gửi" mấy chục ký lô thịt ở
đó, 12 tiếng một ngày, từ đêm khuya đến
trưa hôm sau mới mắt nhắm mắt mở
"tự rinh" mình về ăn ăn uống uống,
tắm tắm rửa rửa rồi chui ngay vào
giường nằm thù lù một đống. Nhiều
bữa mệt quá thiếp ngay đi chả còn biết
trời trăng mây nước là gì. Nhiều bữa lăn
qua trở lại, xoay tới xoay lui, con mắt cứ
mở thao láo, mà cái bụng thì mê man mệt-lả-cò-bợ
cũng chả ngủ được cho. Biết làm sao.
Ngay cả cái xác mình nó còn dở quẻ hành hạ mình, thì
còn nói được ai hở giời cao, đất
dầy. Và nếu cứ coi mình là cái thứ công nhân "cho
thuê" sức lao động như nhà thơ sau đây thì
cũng có "đáng đời" không ???
Ta đi buổi sáng mù
sương
Cũng màu sữa đục khó thương
khi về
Ta mù như mắt đèn xe
Cõi thân tơi tả cho thuê
từng ngày
(HÀ HUYỀN CHI)
- Ngày
- Ngày .. tháng .. năm ..
Khi cầm cái Gift Card 100 đô của bà Supervisor
dành tặng mấy người làm 10 năm ở DPI này,
mình mới chạnh lòng mà biết mình xa quê đã trên 10
năm có lẻ rồi. Trên 10 năm làm thân
chùm-gởi-giả rồi:
Thân ta như loài chùm gởi
giả
Bám rễ quê người nhớ đất
quê Cha
Nhớ những cơn mưa
rạt rào tình Mẹ
Nhớ cội nguồn xưa
bóng mát hiền hòa
(LÊ NGUYÊN HẠNH)
Hơn 10 năm "Gặm nỗi buồn
tha hương":
Ta ngồi như tượng
sống
Hóa thân từ tang thương
Ta ngồi nguyên một
đống
Gặm nỗi buồn tha
hương
(HÀ HUYỀN CHI)
Chỉ khác một điều với tác giả
HHC là mình đâu có bao giờ được "ngồi
nguyên một đống" đâu. Phải lăng
xăng, phải tất tả đi tìm sống ngay khi
vừa được đưa về "định
cư" ở MD này. Sau hơn 2 năm làm ở cái lò bát
quái, bị tai nạn tưởng đã "theo ông theo
bà" (PV 21), ai
ngờ vẫn còn "đuổi ruồi"
được, nên lại lóp nga lóp ngóp mò vô đây làm,
từ bấy đến nay ..
Khi mới vào đây làm, người ngợm mình
chưa được "hoàn hồn" cho lắm. Nên
cứ phải thay đổi vị trí lung tung beng. Mình
vẫn nhớ Bà Leader D. cái lưng thẳng thớm hơn
bây giờ nhiều. Bà M.A. (phụ tá Leader) chưa bị
Stroke, thường hay nhuộm tóc điệu đàng, tánh
tình "khó ưa" dữ dằn lắm. Bây giờ, tóc
bà cứ để bạc trắng phau phau, nụ
cười nhe nướu răng của bà nom vui ghê nơi
và dễ thương chi lạ. Thì ra sau cơn "thập
tử nhất sinh", bà đã thay tâm đổi tính
kỳ diệu làm sao.
Đã có 4 đời Manager, 3 đời
Supervisor, các Leader cũng có người đi kẻ ở
nhiều trong cái phân xưởng (Department) MI này. Từ ca
ngày, MI cũng bị chuyển xuống ca đêm luôn từ
khi bà Manager mới đến "nhậm chức". Có
một số công nhân chết vì bệnh dù chưa tới
tuổi 50. Có một số người Spanish không
được ở Mỹ nữa vì đã hết thời
hạn của "Working Permit". Một số bị sa
thải vì "nghỉ" (off) quá độ, có kẻ
bị bắt quả tang "chôm" tiền (trong các bao
thư của khách hàng) nên cũng phải ..
"thăng".
Phải nói lén về bà Manager mới này
một chút mới được. Như ông bà mình
thường hay bảo rằng: "Đừng chơi nhà
thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn" .. Bà Manager
của tôi vừa lé (lé kim thôi), vừa lùn, vậy mới ác
chiến ! Bà là người Mỹ trắng, mà có chiều
cao rất "khiêm tốn" như người Châu Á
mới ngộ. Bà không nói năng the thé, rất dịu dàng,
vừa đủ nghe và cũng vừa đủ độ
"đau đầu". Bà không phê phán ai lung tung, nhưng
khi bà "mời" ai vào văn phòng là dứt khoát có
chuyện: khăn gói quả mướp ra đi tìm job khác
nhá ! Ai cũng "hãi" bà lắm. Vì đôi mắt lé
của bà nhìn lướt qua một cái, là biết ở
đâu có trục trặc ngay, thế là bà tới nói nhỏ
gì đó với bà Supervisor, để bà Supervisor tự giải
quyết hoặc bà này sẽ đi bỏ nhỏ cùng các
Leader trực thuộc .. Bà quả là giỏi. Bà nghiên
cứu kỹ lưỡng trước khi ra một
quyết định, nên không ai bắt bẻ bà
được. Bà rất ít khi cười, nên đa số
không ai dám dễ ngươi, đùa cợt. Cũng thấy
bà cô đơn làm sao, vì rõ ràng bà ta được
"sợ" nhiều hơn là được
"quí". Nhưng công việc thì cứ chạy re re, và
rất ư là đẹp lòng "thượng cấp"
!!!
- Ngày
- Ngày .. tháng
.. năm ..
Từ
cuối thế kỷ 20 người ta đã đồn
đãi "ì xèo" về nạn tận thế. Nhưng
cho đến đầu thế kỷ 21, "thế" vẫn
chưa hề thấy "tận" ! Chỉ có con
người thì "chết chùm", chết đống,
chết tập thểvì
nạn rớt máy bay, xe lửa lật, vì chiến tranh
ở Trung Đông, vì bị khủng bố bằng bombing
suicide ở Iran, ở Afghanistan, ở Nga, ở Thụy
Sĩ, ở Nhật, ở Indonesia, ở London, bằng máy
bay đâm vào Twin Towers (NY), vào Ngũ Giác Đài (DC), bằng
hỏa hoạn, đất lở, đất chuồi (CA),
bằng thiên tai Tsunami (7 nước nghèo Châu Á), mới
nhất là New Orleans, Mississippi, bị tơi tả vì Katrina
trong tháng 7 âm lịch, (tháng mệnh danh là tháng "cô
hồn" !), còn bão Rita thì chưa biết sẽ tác hại
ra sao với người Houston (Texas) ???
Những
tổn thất về "của" cứ
được ước tính bằng hàng triệu, hàng
tỉ Dollars. Nhưng những tổn thất về
"người" (một thứ của quí vô giá) thì tính
toán sao đây ??? Những con số, những hình ảnh
về các thây người nguyên vẹn sình chương,
hoặc chỉ còn cái tay, cái xương .. nhà tan cửa nát,
sự an bình bị khánh tận tột cùng, đoàn người
lang thang lưới thưới tìm phương tỵ nạn,
ngửa tay xin cứu trợ .. có ám ảnh ta bao nhiêu ngày
tháng, rồi cũng phôi phai ! Không muốn quên, mà tất
cả cũng bị chìm trong những công việc thuờng
nhật ngập đầu, ngập cổ. Chỉ tội
cho thân nhân những người đã yên ổn ở cõi nào
đó, họ thì vẫn còn đây, vẫn còn nguyên nỗi
đau mất mát, nỗi khổ "ái biệt ly" ..
(Những nỗi khổ mà hơn 2500 năm trước,
đức Phật đã thấy rồi, đã biết
rồi, đã vạch đường, chỉ lối thoát rồi:
Cầu bất đắc, Ái biệt ly, Oán tắng hội,
Ngũ ấm xí thạnh khổ, Sinh lão bịnh tử
khổ ..). Nhưng chúng sinh như chúng ta, người phàm mắt
thịt như chúng ta dù có "trăm nghe không bằng
một thấy, trăm thấy không bằng một ..
cảm-nhận-tự-thân !"
Ta để
tang đời ta
Như
người, như hồn ma
Quẩn quanh
đường địa ngục
Tìm bóng ngày hôm
qua ..
(LÊ NGUYÊN
HẠNH)
Ngày
hôm qua không còn. Ngày mai chưa tới. Chỉ có ngày hôm nay,
đối với tôi, đối với một số
người, cuộc chiến đấu để
được tồn sinh, quả là trăm cay nghìn
đắng nếu .. nếu ..
.. ..
Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng, chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc
lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng
cũng qua đi
Giữa thế giới mong manh nhiều
biến đổi
ANH YÊU EM và ANH TỒN TẠI
.. ..
(L.Q.V.)
Cám ơn
biết bao những EM, những "Tố của Hoàng"
(VHC), những "Thương Thương của Hàn
Mặc Tử", những "Áo lụa Hà Đông"
(NS), những "May mà có em đời còn dễ
thương" (VHĐ),
những "KA
của N_9" , những "Bởi có em, anh ở
lại đây" (NM) ..
Cám ơn các
"Nàng" hay "Chàng" trong Cõi tình đã là những
chiếc Lá Dâu Xanh cho kiếp Tằm Nghệ Sĩ muôn
đời nhả tơ:
Cảm ơn
chiếc lá-dâu-xanh
Cho
tằm-nghệ-sĩ âm thầm nhả tơ
Cảm ơn
những đóa tình thơ
Nở từ
khởi thủy đến bờ vô chung
Tạ ơn
nhau, những tấm lòng !
Vâng. Xin
cảm tạ lời khẳng định "TA YÊU NHAU
và TA TỒN TẠI" (LQV). Xin cảm tạ lời
hẹn "Hết kiếp này mình yêu kiếp khác"
biết mấy hồn nhiên:
Bởi có
nhau, mình bởi vì nhau
Bởi có nhau
cùng những ngọt ngào
Hết kiếp này, mình
yêu kiếp khác
Cùng thăng
hoa như thuở ban đầu
(Nhạc và
lời NGHIÊU MINH)
Thế thì có
sá gì đâu những Ca đêm .. Mùa Hè .. Thế thì có sá gì
đâu những gian khổ tất yếu. Phải không
hỡi tôi, hỡi bạn, hỡi cái kiếp "Thiên
thượng phù vân như bạch y, Tu du hốt biến vi
thương cẩu", (trên
trời mây nổi như áo trắng, bỗng chốc
biến hình thành chó xanh). Thì "Bức tranh vân cẩu vẽ
người tang thương" mà. Đây có phải là Thiên
Đường, Cực Lạc đâu mà !!!