PHÙ VÂN (tt)

Home | PHÙ VÂN 8 | PHÙ VÂN 37 | PHÙ VÂN 41 | PHÙ VÂN 42 | PHÙ VÂN 43 | PHÙ VÂN 44 | PHÙ VÂN 45 | PHÙ VÂN 46 | PHÙ VÂN 47 | PHÙ VÂN 48 | PHÙ VÂN 49 | PHÙ VÂN 50 | PHÙ VÂN 51 | PHÙ VÂN 52 | PHÙ VÂN 53 | PHÙ VÂN 54 | PHÙ VÂN 55 | PHÙ VÂN 56 | PHÙ VÂN 57 | PHÙ VÂN 58 | PHÙ VÂN 59 | PHÙ VÂN 60 | PHÙ VÂN 61 | PHÙ VÂN 62 | PHÙ VÂN 63 | PHÙ VÂN 64 | PHÙ VÂN 65 | PHÙ VÂN 66 | PHÙ VÂN 67 | PHÙ VÂN 68 | PHÙ VÂN 69

PHÙ VÂN 69

THỔN THỨC DỊU DÀNG

 

 

ÁM ẢNH DỊU DÀNG !!!

 

 

. một

 

Nhắm mắt lại. Vẫn thấy. Mở mắt ra. Vẫn nghe. Lái xe đi làm. Vẫn êm đềm phía trước. (Không. Phía trong. Trong nào ? - Trong trí nhớ, hay trong tim cũng vậy thôi mờ !). Cũng không thể ngờ, từng tuổi này mà còn có nỗi thổn thức quá đỗi dịu dàng ..  !!! (Hay nói theo kiểu của nhà thơ Nguyễn Duy, thì rõ ràng là một cơn "ám ảnh thẩm mỹ" mướt mượt tơ trời đâu-la-miên ...)

 

Tình theo chữ thở trăm lời

Hồn theo tình mở một trời nguyệt hoa ..

(LUÂN HOÁN)

 

Rõ ràng là đẹp .. Ðẹp từ tóc vàng Tây Phương kề tóc đen Châu Á. Ðẹp má đỏ môi son. Ðẹp đôi mắt lánh đen. Ðẹp cái nhìn xanh biếc. Ðẹp một chiếc bông màu vàng lóng la lóng lánh, lủng liểng "điệu" một bên tai. Ðẹp từ bờ vai tròn "gái hai con ngó mòn con mắt". Ðẹp từ cách nâng niu, vờn khảy đàn "ghi-ta" âu yếm mà rất "nghề" .. Ðẹp chất giọng êm ả, ngọt như mía lùi, bùi như khoai nướng trong than hừng. Ðẹp tài hoa nghệ sĩ diễn tả rất đạt cái hồn bài thơ - mối tình học trò say đắm nồng nàn, thầm lặng. Ðẹp phong thái thư sinh (dù người ca đương độ tam .. tuần ?). Ðẹp từng chữ, từng lời mộc mạc mà tình tứ dễ thương. Và nhất là đẹp từng dấu nhạc chắp cánh cho hồn thơ bay. Bay .. du dương. Bay .. vướng víu. Bay .. lâng lâng . Bay từ hiện tại cỗi cằn về quá khứ mướt xanh bóng lá. Từ tuổi chiều bóng xế về buổi bình minh chói lọi ánh xuân tươi. Ôi tuổi trẻ ngọc ngà. Ôi ái tình son trẻ .. 

 

Làm thơ tình em đọc

Cô học trò trường tôi

Thơ vương rồi mùi tóc

Ai đi về ngược xuôi

 

Người đi về cô độc

Nên lòng buồn xa xôi

Nên đêm về tôi thức

Pha mực viết thư tình

(Thơ TRỊNH BỬU HOÀI, nhạc TRÚC HỒ)

 

Ðâu phải lần đầu tôi nghe bài này. Cũng không phải tôi chưa biết bản nhạc "trữ tình" da diết nhẹ nhàng hiếm quí ở hải ngoại này (Châu Mỹ là cái nôi của những loại nhạc kích động, rậm rật và đôi khi không thiếu phần dâm dật). Nhưng hình như tôi bị "điếc lòi" những lần trước hay sao đó, nên chỉ đến lần này, lần này thôi, với đôi nhạc sĩ - ca sĩ có "lý lịch của một chuyện thần thoại" (Ngọc Lễ & Phương Thảo) và Delena, mỗi người ôm một cây đàn, nắn phím, so dây, cất giọng chim oanh, chim yến, cất giọng trầm, giọng bổng nhung tơ, bè phối hòa điệu du dương trong DVD Asia 54 , thì tôi mới thật sự .. thổn tha, thổn thức, tương tư như một thời mới lớn, chơm chớp cánh mi ngoan nhìn thấy người ở cuối sông Tương đang thủ thỉ tâm tình ..

 

Em đi về áo mỏng

Quyện mùa xuân theo sau

Hồn tôi chim én nhỏ

Âm thầm bay theo em

 

Làm thơ tình em giữ

Cô học trò trường tôi

Yêu em không hề nói

Tiếc tôi có một đời ..

(Thơ TRỊNH BỬU HOÀI, nhạc TRÚC HỒ)

 

Bài thơ đưa ta về cái thuở của "tình yêu thứ nhất" một thời trung học, trong trắng, lãng mạn và dĩ nhiên không hề có tí ti táo bạo, sỗ sàng. Cái chừng mực, cái e ấp của "không hề nói", của "âm thầm bay theo em", của "đêm về thức pha mực viết thư" làm ai không chạnh lòng nhớ lại cái thuở nào .. của chính chúng ta :

 

Em biết, trời ơi ! .. những buổi chiều

Nghe trong im lặng nẩy mầm "Yêu"

Những đêm tay nắm tay ngồi học

Càng học bao nhiêu quên bấy nhiêu

(VŨ HOÀNG CHƯƠNG)

 

Nhà thơ họ Vũ còn được tay nắm tay người yêu ngồi học, chớ người yêu của tác giả Trịnh Bửu Hoài này, có thể chỉ dám đứng xa xa mà ngó, bởi vì Nàng là học trò, còn Chàng là Thầy Giáo hay sao ấy nhỉ ? (Thì tác giả giới thiệu rõ ràng, đối tượng để "đọc", để "chuộng", để "giữ" thơ tình của "ổng" là "Cô học trò trường tôi" mà lại !)

 

Tôi vốn khô như ngói, hổng có biết "làm thơ tình cho ai đọc" hết ráo, nhất là làm thơ tình cho học trò đọc thì "í dạ" hổng có dám đâu . Chuyện "Vòng tay học trò" của Nguyễn Thị Hoàng một dạo ngày xưa đã làm các cô giáo trẻ như tôi hồi mới ra trường phải "làm mặt rô" dài dài đặng "yên thân" với lũ học trò cấp ba (lớn chồng ngồng, nhiều đứa tướng tá bặm trợn, mặt mũi còn già khằn khú đế hơn cả các cô giáo thành phố về miền quê dạy học, có đứa còn có con rồi nữa chớ). Riêng mấy thầy giáo .. bị "dính chấu" với mấy tà áo trắng, với "em mắt ướt, tóc dài sợi nhỏ" làm "ngẩn ngơ bối rối một đời" (như TỪ KẾ TƯỜNG) thì ôi thôi thiếu gì, vẫn không có bị ai "lên án, lên yến" gì hết ráo à nhen. Chớ cô giáo mà "bợ" học trò thì cũng hơi .. hiếm và rất "dị" ở VN. Có thể là .. tại, bị, bởi, rằng, thì, là, mà .. ???

- hai

. hai

 

Tôi không rành về nhạc lý cho lắm, nhưng khi cô ca sĩ gốc Mỹ rặt (Delena), hoặc có nửa phần máu Mỹ của cha (Phương Thảo) mà xuống câu .. "xề" tân nhạc (chấm dứt đoạn chủ âm để bắt đầu đi vào điệp khúc) "Tiếc tôi có một đời" nhẹ hẫng .. tôi chới với xót xa, nuối tiếc, tiếc nuối, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn .. cả mấy ngày ròng.

 

"Chỉ một điều tôi muốn, Em hiểu một điều thôi". Ðiều gì ? Tác giả không hề nói huỵch tẹc ra mà úp úp mở mở "ẩn dụ" và nhạc sĩ Trúc Hồ cất cao khúc "kết" rộn ràng: "Hỡi người môi chín đỏ, Như tình tôi biết không .. Hỡi người môi chín đỏ, Như tình tôi biết không .. Như tình tôi biết không .. Không biết. Không biết. Không .. Không .. Tôi la thầm "loạn cả lên" như vậy mà cứ trào nước mắt vì hạnh phúc gì đâu. Biết chứ, biết chứ Chàng, tình Chàng "chín đỏ" như môi Nàng quá ngon .. Nên các bác Nam-Nhi-Chi-Chí-Ða-Tình nào .. chả mang "bệnh ghiền" như ri:

 

Tiếc rằng chỉ một trái tim.

Viết hoài không hết cái ghiền yêu em

(LUÂN HOÁN)

 

(Ngộ ghê nhen. Bác Hoài thì tiếc vì có một đời - quá ngắn ! Còn Bác Hoán thì tiếc vì chỉ có một trái tim - quá ít ! Nhưng lý do để tiếc thì cũng bởi một chữ YÊU viết hoa bự tổ chảng mà ra !!!)

 

Ủa mà sao tác giả họ Trịnh lại "tiếc" là chỉ có một đời "ngắn củn" này thôi vậy cà ??? Bộ hổng có kiếp sau nữa ha ???

 

- Ông Nguyễn Công Trứ có nói đó mà: "Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo".

- Trong Chinh Phụ Ngâm (Ðặng Trần Côn & Ðoàn Thị Ðiểm), Nàng Chinh Phụ đã "gởi gió cho mây ngàn bay" đến Người Chinh Phu "ngoài cõi xa mưa gió" mà rằng: "Thiếp xin muôn kiếp sau này, Như chim liền cánh, như cây liền cành".

- Một kiếp cho là trăm năm, vậy thì muôn năm là bao nhiêu kiếp nhỉ, hỡi nhà thơ Xuân Diệu: "Nằm đêm anh cứ thương em, Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm, Thế này cho hết trăm năm, Ðến muôn năm vẫn âm thầm yêu em".

- Nhạc sĩ Nghiêu Minh thì cứ mãi hẹn hò: "Bởi có nhau, mình bởi vì nhau, Bởi có nhau cùng những ngọt ngào, Hết kiếp này, mình yêu kiếp khác, Cùng thăng hoa như thuở ban đầu".

- Nhà thơ Hà Huyền Chi lại đầy nghi nghi, hoặc hoặc: "Ta nghi ngờ trời đất, Có hay không luân hồi, Ðời này ta đánh mất, Kiếp sau chắc gì vui ?"

- Còn trong dân gian vẫn đâu có thiếu những điều ước hẹn "hồn nhiên": "Kiếp này cùng hẹn ăn thề, Kiếp sau xách gói ta về với nhau" (Ca Dao) 

 

Như vậy, có khi nào các Bác Thi Nhân cảm thấy "ớn ợn" khi ngồi pha mực viết thư tình cho em đọc dài dài không ? (Ở thời đại Internet này thì không còn cái màn "pha mực viết" nữa mà gõ ki-bo [keyboards] cong xương sống, cóng xương sườn luôn). Nội cái kiếp này làm thơ "không công" cho em đọc cũng chưa đủ "oải chè đậu" sao ta ? Chưa kể bị văng bẩn vì cái tội làm thơ "tình yêu, tình ma, ủy mị, yếu hèn" .. (Nếu đây là sự phê phán của phe "bên kia nội địa" thì dễ hiểu thôi vì ta Chính, họ Tà, do đó khác biệt là phải phép rồi. Ðàng này từ phía gà nhà bôi mặt đá nhau mới là "hổng giống con giáp nào". Có nhiều khi mình chống Cộng mà "ngộ độc Cộng Sản" đậm đà hổng hay. Ràng ràng là cái chuyện "chửi bới" những người làm thơ tình. Chỉ chuyên bốc thơm loại thơ "hô khẩu hiệu" với loại thơ "khẩu khí dỏm" vung trời luôn. Lậm còn hơn cán .. búa, cán liềm làm "thợ thơ" theo đường lối chỉ đạo sâu sát của Ðảng Cộng .. nhiều .. rất rất nhiều .. !!!)

 

Bởi vậy thấm thía làm sao khi một người làm thơ trẻ đã viết rằng: "Cái hiện tại đã bị tha hóa bởi chính trị và đang gây ra tình trạng nhiễm độc thê thảm, làm tê liệt không chỉ mọi hình thái cái đẹp, mà còn hủy diệt mọi khả năng tiềm ẩn trong tính lương thiện và sáng suốt nơi con người" (NGUYỄN QUỐC CHÁNH).

 

Dưới cái kính lúp "chính trị", những vi trùng, vi khuẩn hận thù thâm căn cố đế cứ lúc nha lúc nhúc bò trên mặt mọi người, mọi sinh hoạt không "giống" với phe mình, đảng mình, phía mình, nhóm mình, địa phương mình, tổ chức mình .. Ai cũng là kẻ "địch" tất tần tật dù cũng chống Cộng như điên (hải ngoại). Bởi vậy mà nhà văn Huy Phương đã phải chua chát rằng "hiện tượng chống Cộng thì ít mà CHỐNG NHAU thì nhiều" (* A ha ! Cộng Sản đây rồi *)

 

Còn quốc nội thì lúc nào cũng "gáy te te" là có nhân quyền, là chế độ nhân dân làm chủ, cán bộ chỉ là đày tớ thôi. Nhưng thử nói thật một chút xíu, đòi hỏi công bằng một chút xíu là bị "bịt miệng" giữa tòa, là bị nhốt tù "mút chỉ cà tha" hoặc bị "đi bán muối oan ức, ức oan" như bài viết của Dương Thu Hương về những cái "lệnh mồm" thủ tiêu người chống đối theo "phương thức châu Á" hữu hiệu vô song (* Bức tường của các huyễn tưởng *)

 

Chả khác gì một câu chuyện cổ, có một anh chồng hủi, khi đứa con nào vừa sanh ra, anh ta tìm tòi, lục lọi săm soi coi nó có dấu vết cùi hủi như mình không. Nếu không, anh ta đem đứa nhỏ  thả trôi sông !!! (Thì dĩ nhiên đâu có "nhân đạo" khỉ mốc gì đâu, chỉ có cái tính "giai cấp, bè đảng" cùi hủi ghẻ lở phong ngứa đầy dẫy như rứa mà thôi hè !!!).

. ba

 

 Cảm ơn người, cảm ơn đời

Cảm ơn chữ nghĩa mỉm cười bao dung

(LUÂN HOÁN)

 

Tác giả Thơ Văn thì cám ơn chữ nghĩa, còn độc giả và khán giả như tôi cũng xin được góp đôi lời:

 

Cám ơn biết bao những EM, những "Tố của Hoàng" (Vũ Hoàng Chương), những "Thương Thương của Hàn Mặc Tử", những "Áo lụa Hà Đông" (Nguyên Sa), những "May mà có em đời còn dễ thương" (Vũ Hữu Ðịnh), những "KA của N_9" , những "Bởi có em, anh ở lại đây" (NM) ..

 

Cám ơn các "Nàng" hay "Chàng" trong Cõi tình đã là những chiếc Lá Dâu Xanh cho kiếp Tằm Nghệ Sĩ muôn đời nhả tơ:

 

Cảm ơn chiếc lá-dâu-xanh

Cho tằm-nghệ-sĩ âm thầm nhả tơ

Cảm ơn những đóa tình thơ

Nở từ khởi thủy đến bờ vô chung

 

Tạ ơn nhau, những tấm lòng !

(PHẠM HỒNG TRẦN)

 

Khi viết đoạn cuối Phù Vân 47 (Ca Ðêm .. Mùa Hè) tôi chỉ kịp cảm tạ các tác giả THƠ như trên, mà tôi quên béng đi những NHẠC SĨ đã làm cho lời thơ bay bổng, thấm sâu vào tâm hồn người (có người đã dùng chữ hết sức "văn chương bác học" là "cuộc hôn phối giữa Thi Ca và Âm Nhạc"). Quả như vậy thật. Nhờ những cuộc hôn nhân hạnh phúc tràn trề này (Thơ-Nhạc) mà ta có những tác phẩm để đời: Màu Tím Hoa Sim (Hữu Loan), Ngậm Ngùi (Huy Cận), Ðưa em tìm động hoa vàng (Phạm Thiên Thư), Còn một chút gì để nhớ (Vũ Hữu Ðịnh) .. sau khi được Phạm Duy phổ  nhạc (xin nhấn mạnh Phạm Duy trong dấu ngoặc của một thời cổ tích thôi đấy), thì được phổ biến rộng khắp, và được công chúng đón nhận không phân biệt đối tượng người nghe (nông thôn, thành thị, lao động, trí thức ..). Cũng thế với Lệ đá (Thơ Hà Huyền Chi-Nhạc Trần Trịnh), Áo lụa Hà Ðông (Thơ Nguyên Sa - Nhạc Ngô Thụy Miên), Màu Kỷ Niệm (Thơ Nguyên Sa - Nhạc Phạm Ðình Chương) ..

 

Nơi đây, cũng xin mạo muội được cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ vừa làm cho bài thơ của Trịnh Bửu Hoài đi vào .. ám-ảnh-tôi hết sức dịu dàng !!! Và cũng rất cảm tạ ca sĩ, đàn sĩ, âm thanh, ánh sáng, sân khấu diễm lệ .. đã "chở" tôi về những ngày xưa áo trắng tinh khôi, rỡ ràng tình tự con người ..

 

"Gia tài quê hương của chúng ta đã bị xâu xé gần hết, chúng ta chỉ còn lại một di sản quí báu : TÌNH TỰ CON NGƯỜI. Tình tự con người bất chấp mọi tương tranh, chia cắt, vùi dập, thủ đoạn .. sáng ngời trong đêm tối kéo dài từ 20 năm nay (ghi chú: tác giả viết "lời bạt" này vào khoảng 1968 ..), nó là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn còn biết hướng về nhau, những con tim còn biết xôn xao mơ ước. Nó làm thành một thế giới trên thế giới của tham vọng và hận thù .." (DƯƠNG KIỀN)

 

Xin cám ơn tất cả

Người dưng cùng kẻ thù

Tôi sẽ thành xác lá

Gió cuốn vào thiên thu

(HÀ HUYỀN CHI)

 

 

Cuối cùng thì ai mà không trở về với cát bụi. Luật thiên nhiên vô thường mà. Nhưng .. còn một chút gì "gởi tặng" mai sau hay không chứ nhỉ ???????????????????

 

 

 

 

 

 

Cuối tháng 05/07

 

 

 

website counter