PHÙ VÂN (tt)

Home | PHÙ VÂN 8 | PHÙ VÂN 37 | PHÙ VÂN 41 | PHÙ VÂN 42 | PHÙ VÂN 43 | PHÙ VÂN 44 | PHÙ VÂN 45 | PHÙ VÂN 46 | PHÙ VÂN 47 | PHÙ VÂN 48 | PHÙ VÂN 49 | PHÙ VÂN 50 | PHÙ VÂN 51 | PHÙ VÂN 52 | PHÙ VÂN 53 | PHÙ VÂN 54 | PHÙ VÂN 55 | PHÙ VÂN 56 | PHÙ VÂN 57 | PHÙ VÂN 58 | PHÙ VÂN 59 | PHÙ VÂN 60 | PHÙ VÂN 61 | PHÙ VÂN 62 | PHÙ VÂN 63 | PHÙ VÂN 64 | PHÙ VÂN 65 | PHÙ VÂN 66 | PHÙ VÂN 67 | PHÙ VÂN 68 | PHÙ VÂN 69

aodaiduoinuoc.jpg

THẰNG NAM, CON NỮ

 

THẰNG NAM, CON NỮ.

 

 

.. "Chú bưóm vàng ngày xưa

Nhởn nhơ ngoài cõi nhớ

Có cô bé già nua

Xòe đôi tay xá nợ " ..

 

Khi Con Nữ gởi cho Thằng Nam bài thơ khai bút ngay boong hôm mùng 1 Tết (có 4 câu như trên), nó có xin lỗi Thằng Nam đàng hoàng vì bài thơ đầu năm mới, năm me mà "hổng mấy vui" và có thể làm "hỏng bét" ngày đầu năm của Thằng Nam. Nó đã không bị "rầy" (vì Thằng Nam vốn dân "nịnh đầm" thứ dữ, nếu không, đâu có làm thơ Tinh Huyền [Tình] ngọt như đường cát, mát như đường phèn cho đặng), mà còn được cám ơn, cám huệ rối rít (đúng là dân "ngọt .. đường"). Chỉ có điều tức cười là Thằng Nam hiểu lầm tai hại rằng bài thơ đó Con Nữ làm "tặng" cho Thằng Nam. Hổng dám đâu là hổng dám đâu ! Con Nữ và Thằng Nam đã "ngoéo tay" với nhau rồi, hai đứa chỉ là BẠN thôi mờ, đâu có "nhớ nhung" với lại "nợ nần" gì ở trỏng ông Bạn Dzàng ơi .. (Nói nào ngay, chắc Thằng Nam "giật mình xém té" vì tự dưng nghe Con Nữ phán cho một câu "Xòe đôi tay XÁ NỢ ..", trong khi Thằng Nam đâu có "mắc mớ" gì đến chuyện "lãng nhách" này, nhưng có lẽ cũng bán tín, bán nghi, bèn .. xanh mặt "dỏm" chút xíu !!!)

 

*

Hễ Noel và ngày Tết, ngay hồi xưa còn ở VN lận, Con Nữ đã buồn đứt ruột đứt gan vì "Ổng" lấy vợ trước ngày Noel một ngày. Và những ngày Tết năm đó hay những năm về sau, Con Nữ đã tụng đọc câu ca dao thiếu điều rách bươm mà buồn vẫn cứ buồn, cứ lì lợm "rầu rĩ", cứ dầy cui "hiu hắt"  theo năm năm, tháng tháng, ngày ngày :

 

Thương nhau chẳng lấy được nhau

Con lợn bỏ đói, buồng cau để già ..

 

Cái chuyện "thương" mà "chẳng lấy được nhau" đó nó hằng hà trên báo chí, thơ văn, truyện ngắn, truyện dài, trong cải lương, truyền hình vô tuyến, trong tân nhạc, cổ nhạc .., nên vết thương của Con Nữ cứ vô hình chung không bao giờ được lành lặn, nó cứ bị tươm máu bầm "vô sắc" đều chi, mỗi khi có những "tấn tuồng đời" dang dở, hoặc những câu thơ như "nói dùm" mình:

 

Máu đã khô rồi, thơ cũng khô

Tình ta chết yểu tự bao giờ

Từ nay trong gió - trong mây gió

Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ ..

(HÀN MẶC TỬ)

 

Và bởi vì, thi sĩ đại đa số là đàn ông, là đúng bài bản phong kiến "Nam tôn nữ ti", nên cái chuyện "buồn em", chuyện trách móc mấy Nàng, mấy Cô, mấy Chị "thế này, thế nọ".. cũng nhan nhản như  "cỏ dại". Có phải là "oan" cho quí vị tóc dài, tóc kẹp, tóc vấn khăn, tóc thề, tóc búi, tóc uốn quăn queo .. không nhỉ ???

 

Tình quê tưởng đã ngùi quên

Lại đâm rách mộng, sầu nghiêng sơn hà

Buồn em tưởng cũng thoáng qua

Lại như cỏ dại bao la trên đồng

(HÀ HUYỀN CHI)

 

Chứ riêng Con Nữ nè, "Ổng" đi lấy vợ , ổng làm cho Con Nữ chểnh mảng hết mọi thứ trên đời "Con lợn bỏ đói, buồng cau để già", "Ăn cơm chẳng đặng, ăn trầu ngậm hơi", hoặc cứ "xách cây dù [tưởng tượng] đi lên đi xuống", chạy xe đạp qua nhà "ổng" ngược xuôi, xuôi ngược [hổng biết để mần chi] .. thì có biết nói tiếng nào đâu ! Hay phải đợi đến hơn 30 năm sau, mới biết há mồm ra, cho bay hơi .. nghẹn ngào "xá nợ" !!! Cố quên hết cái thuở "một lần mãn khai":

 

Xuân mãn khai, má hồng

Hoa mãn khai, diễm ảo

Bút mãn khai, thơ nồng

Tình mãn khai, điên đảo

 

Ngay cả khi ổng đã đi về thế giới nào đó rồi, mà Con Nữ cũng còn gân cổ lên gọi "ổng" với vời, nhớ thương "ổng" vời vợi, thì có phải "ba trợn" không cơ chứ !!!

 

Hỡi người xa khuất

Hỡi người mù tăm

Nhớ người dào dạt

Bát ngát trăng rằm

 

Shakespeare đã từng đặt câu hỏi (mà như một khẳng định chẳng hề sai): "Phải chăng định mệnh của những bậc vĩ nhân là không được may mắn như những kẻ tầm thường ?". Do đó nếu khổ đau như một đời Hàn Mặc Tử có làm ta ngậm ngùi, tê điếng đấy:

 

Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi

Một lời run hoi hóp giữa không trung

Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng

Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn

(HÀN MẶC TỬ)

 

Thì cũng là "phải như thế" thôi. Là "mệnh bạc của bậc thiên tài". Là bằng chứng hùng hồn cho thuyết "Tài Mệnh tương đố" của Nho Gia. Là "Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau" (NGUYỄN DU). Chứ Con Nữ đâu có là cái quái gì đâu. Một con số không ngoại khổ. Mà hà cớ gì cũng cứ "đứt ruột", điếng tim hoài từ cái độ "chia phôi":

 

Hôm nay có một nửa trăng thôi

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

Ta nhớ mình xa thương đứt ruột

Gió làm nên tội buổi chia phôi

(HÀN MẶC TỬ)

Viết tới đó thì Con Nữ bị "khựng ngang" đâu chừng

Viết tới đó thì Con Nữ bị "khựng ngang" đâu chừng .. nửa tháng. Vì hình như nó "quê" bởi cái tội "thẳng ruột ngựa" của nó. Bởi cái tật "vạch áo cho người xem lưng" tất tần tật không chừa một vết sẹo. Nhiều khi còn tỉnh bơ móc hết cả ruột gan phèo phổi thận ra. Eo ơi. Nguyên một đống. Bày hàng .. Con Nữ cũng nhiều phen tự dỗ dành nó chớ, để đừng có "ngốc nghếch" mà để cái tâm điên đảo, đảo điên, hà rầm khùng khịu như vậy:

 

Xin đừng thức ngủ chập chờn

Xin đừng nhơi mãi chén buồn mông lung

Xin đừng uống cạn bão bùng

Cho tâm điên đảo cho lòng đảo điên

 

Nhưng rồi Con Nữ cũng lại "Ngựa quen đường cũ", lại lang thang đi tìm hoa thơm cỏ lạ để "mơ tình bất diệt" và lại hồn nhiên "ơn đời" cho Con Nữ được xây đắp cả một lâu đài "lãng mạn" tráng lệ, diễm kiều ngay lúc tuổi chiều, bóng xế:

..

Vay mượn mẹ đất

Bông hoa tuyệt xinh

Giắt vào tim mình

Mơ tình bất diệt

..

Vay mượn chữ yêu

Tri âm lai vãng

Xây lâu đài chiều

Ơn đời lãng mạn ..

..

Cũng đỡ một cái là quay qua quay lại, dợm tới dợm lui, đọc của người này, nhà thơ kia, tác giả nọ. Ai cũng "phơi trải" vẹn nguyên hết à. Ngay cả mấy ông, (cho dù họ đang có Chánh Cung Hoàng Hậu, trong ấm ngoài êm), chứ cũng đau đáu nhớ thương một bóng hình áo trắng, tiếc một thuở "má hồng, mộng xanh" ..

.. ..

Bâng khuâng ở giữa đường vô định

Anh nhớ thương về một nhánh sông

Mơ người xưa tóc dài áo trắng

Cuối phương trời mắt ướt sầu mong

.. ..

Tình mười năm, nhớ tình mười năm

Đâu má môi hồng, đâu mộng xanh

Đâu rồi con đường chiều hanh nắng

In bóng em lồng trong bóng anh

(LÊ NGUYÊN HẠNH)

 

Những chữ "đâu .. đâu .." trong câu "đâu má môi hồng, đâu mộng xanh, đâu rồi con đường chiều .." của tác giả này như "khứa khứa" vào lòng Con Nữ nỗi đau mất mát, vĩnh biệt, chia ly .. Vĩnh biệt tuổi trẻ của chính mình, của người mình yêu, của hết thảy bạn bè đồng trang lứa. Vĩnh biệt giấc mộng xanh của riêng mình, của lứa đôi một thời tríu mến, đắm say. Vĩnh biệt "cái nôi" của ký ức đầy thơ, ắp lẳm nhạc xuân thì .. Con Nữ lại thấy mình trong những câu thơ trên, cũng lại là "Thương nhau chẳng lấy được nhau", cũng lại là "Ái biệt ly, cầu bất đắc ..", lại là "Từ nay trong gió - trong mây gió, Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ" (HMT). Ôi những nỗi khổ trùng trùng điệp điệp, những nỗi khổ đã làm "nước mắt chúng sanh đầy hơn bốn đại dương xanh". Những nỗi khổ khiến một ông Hoàng Tử mấy ngàn năm về trước đã đoạn lìa hoàng cung, bỏ vợ đẹp, con thơ, cắt ái, ly gia, tự nguyện làm tên hành khất, hầu tìm phương để tự cứu mình và "độ" người qua khỏi bờ mê .. Cơn mê mang tên Tình Ái (đầu mối Thập Nhị Nhân Duyên):


Yêu em tình tôi lặng lẽ

Chợt cả đại dương về hóa mưa nguồn

(VIỆT ANH)

 

Cơn mê mang tên Tham, Sân, Si (tam độc), ngay cả Rồng độc, Rắn độc cũng không bằng. Cơn mê mang tên "cô đơn" (độc đạo kỳ thân) trong cuộc lữ để đi đến bến vô cùng. Nào đâu phải chỉ có mấy bà Mẹ trong lúc "khai hoa nở nhụy" mới thấm thía thân phận "mồ côi" khi đối diện với nỗi đau banh da, xé thịt và cái chết chực chờ: "Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình" (Ca dao). Tất cả chúng ta, những hữu thể bất toàn, những "cây sậy biết tư tưởng của Pascal", đều mang cảm thức này, không ít thì nhiều, không lúc lỡ làng thì cũng khi thất vọng, không vào những thuở hàn vi thì cũng nhằm lúc thất thế sa cơ:

 

Đã buồn về trận mưa rào

Lại đau về nỗi ào ào gió đông

Mây trôi nước chảy xuôi giòng

Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình

(NGUYỄN TRÃI)

 

Cái trạng thái "Hai người sao chẳng hết bơ vơ" của Xuân Diệu hình như nó bàng bạc khắp trong các tác giả à nhen:

 

Tình của núi là mây thăm thẳm

Tình của sông là nước chảy dòng

Ta và em núi sông lận đận

Gần như xa và có như không

(N_9)

 

Và có phải cả đời "người này" đi tìm "kẻ kia" suốt kiếp .. trong mưa, trong nắng, trong đêm, trong ngày .. như loài chim trong cõi mộng đi tìm người chỉ có trong mơ ..

 

Tìm nhau trong hoa nở

Tìm nhau trong cơn gió

Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ

 

Tìm nhau khi nắng đổ

Tìm nhau khi trăng tỏ

Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ

(MINH ĐỨC HOÀI TRINH)

 

Sao thế nhỉ ? Bộ câu của thi sĩ Hồ Dzếnh đã trở thành "sấm tiên tri" chắc, cho mấy cái người có trái tim luôn đập nhịp dị thường trong cái cõi bình thường:


Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề ???

 

*

"Không hiểu sao hôm nay tâm hồn tôi như sợi dây đàn chùng

"Không hiểu sao hôm nay tâm hồn tôi như sợi dây đàn chùng. Mặc dầu có rất nhiểu bực bội trong công việc hàng ngày, nhưng tôi vẫn muốn nghe lại những bài nhạc mà người xưa gởi tặng. "Suối mơ .. bên rừng thu vắng" ..; "Mong em còn đâu đó, cho tôi còn tiếng ru" ..


 Phải rồi. Chắc có lẽ vì bóng dáng  người xưa tình cờ tới thăm. Nàng mặc chiếc áo dài màu đọt chuối non mơn mởn. Mái tóc ngắn ngang vai. Nàng cười nhẹ, thoáng qua rồi mất dấu. Nàng đi xa rồi tôi mới mơ hồ tỉnh giấc và nhận biết nàng là ai. Nàng là người xa đến thăm tôi nhiều nhất, nói chuyện với tôi lâu nhất .. trong mơ. Trong đời sống thường hằng, có những việc dù mong mỏi bao nhiêu cũng không được, Nhưng có những chuyện tình cờ không mong mà được. Xin cảm ơn em. Mai mốt nếu có dịp mong em vẫn tới thăm".

 

Đọc những dòng tâm sự "êm ả" hiếm có của Thằng Nam nói về "người xưa" của mình đến thăm trong mơ, lòng Con Nữ tự nhiên "bổi hổi, bồi hồi". Nó cũng chợt nhớ "người xưa" của nó. Và đã nhớ Người thì cũng chính là nhớ cảnh, nhớ tiếng, nhớ quê .. Nhớ tới cái "Không gian như có dây tơ, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu" .. Nhớ "Phất phơ hồn của bông hường, Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng" (XUÂN DIỆU) !!! (Ôi, lại máu bầm vô sắc chả thể nào khô, vì nỗi nhớ là vết thương muôn đời không lành sẹo, suốt kiếp không thể kéo da non !!!)

 

Nhớ quá đi, cái xứ "tứ bề thọ thủy", sông nước mênh mông, nên tình người cũng mênh mông sông nước. Cái xứ có một loại cây bềnh bồng, như dân du mục bô-hê-miên, nhưng không hiên ngang trên lưng tuấn mã, mà phiêu du như bộ lạc "phù trầm", thảnh thơi cỡi lên con sóng hung hăng hoặc ung dung trên lưng con nước thủy triều khi trong, khi đục, lúc đầy, lúc vơi .. Có khi rời rã làm kẻ "độc cô cầu .. an", lúc lại tấp vào nhau thành từng mảng, từng bè, nổi trôi bốn cõi làm nhà, bốn phương tám hướng làm nơi đến và đi. Vừa viễn du vừa nở hoa tim tím. Vừa chuyển di vừa sinh sôi nảy nở lặng thầm phong cách Đông Phương ..

 

Nhớ quá một nơi đầy hoa vừa làm đẹp mắt, vừa cho ngon miệng, được no nê cả lòng. Nào là bông bí vàng rực rỡ trên giàn bầu với lời tha thiết "Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" (Ca Dao). (Có ai đã ăn canh bông bí mà không cảm thấy mát ruột không ?). Lại còn hoa thiên lý nữa, "Tóc em dài em cài hoa thiên lý, miệng em cười anh để ý anh thương" (Ca Dao); hoặc "Anh rót cho khéo nhé, kẻo nhằm vào nhà tôi, Nhà tôi ở cuối thôn đoài, có giàn thiên lý, có người tôi thương" (YÊN THAO); rồi còn bài nhạc ngoại quốc lời Việt: "Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, Giàn thiên lý đã xa tít mù xa ..", (Nâng chén cơm chan đầy canh hoa thiên lý nấu với thịt, với tép, hay chính là được "ăn"  những tình tự yêu thương đằm thắm quê nhà, được "bồi dưỡng" bởi cái ngọt ngào yêu dấu !!!). Rồi có nơi nào như xứ ấy, hơi thở của em, hơi thở của anh, hơi thở của cha, của mẹ, của ông bà tiên tổ đều được ướp mật, tẩm hương:

U minh bốn bề là tràm

Chẳng biết tháng nào hoa nở

Hương thơm dường như suốt mùa

Ướp mật vào hơi em thở

(Tác giả ?)

 

Trời ơi, Con Nữ lại càng không thể nào quên những mùa thu, những mùa-mùa-hoa-cúc, những cổng trường mở ra đón lấy triệu triệu tâm hồn như trang giấy trắng tinh:

 

"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc là lòng tôi lại xao xuyến, bâng khuâng những kỷ niệm của buổi tựu trường.

Hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần. Sao hôm nay bỗng dưng tôi thấy lạ: Tôi đi học ! (THANH TỊNH)

 

Con Nữ "yêu biết bao cái mùa thu có bà mẹ âu yếm nắm tay con đi trên con đường làng quen thuộc, đi trong sương thu và gió lạnh, đi giữa một bầu trời đầy mây bàng bạc và chân dẫm lên những chiếc lá vàng rơi. Bà mẹ âu yếm nắm tay con truyền hơi ấm tình thương, truyền hết mọi khuyến khích, vỗ về thầm lặng. Mẹ dắt tay con đến trường, cho con bước vào một thế giới huyền bí mà cả đời tần tảo lam lũ của mẹ không được phép bước vào: thế giới của kiến thức, của trí tuệ, của ước mơ và dự định vươn tới những vì sao xa, những hành tinh lạ !" (Trích "Thu Quê Ai ?")

 

Mà ở thế kỷ mới này, nơi chốn ấy, nghe đâu những bà mẹ, ông bố Việt Nam lam lũ, đâu phải ai ai cũng được âu yếm nắm lấy tay con, dẫn đưa con bước vào thế giới của kiến thức, của trí tuệ, của ước mơ đâu, vì "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" còn không xuể nữa là. Và chính sách "ngu dân" của các đỉnh cao trí tuệ cầm quyền hiện tại không phải là đóng cửa trường, mà là mở cửa vũ trường, mở cửa những hộp đêm, du hí, ăn chơi, nhậu nhẹt, là mở cửa "những trung tâm bài bạc trá hình" như xổ số cấp quốc gia, cấp thành phố, cấp quận huyện. Thiếu điều nhà nhà đánh số, người người mua vé số, từng đoàn lũ lượt người người bán vé số, (Người bạn về VN thăm thú tình hình kể lại rằng có nơi mỗi ngày xổ số mấy cữ luôn). Một đất nước trông chờ vào sự hên xui may rủi của "tấm vé số" thì làm sao mà khá nổi với đời ! Làm kinh tế mà chỉ trông mong vào "cờ gian bạc lận" thì thảo nào chẳng phải "bán đất" cho ngoại bang !   

 

*

Hôm nay, ở đây, cách xa quê đến nửa bán cầu, giữa ngôn ngữ lạ, xứ người dưng, Con Nữ chợt cảm thấy biết ơn Thằng Nam nhiều lắm, bởi nhờ Thằng Nam siêng năng làm thơ, viết thơ gởi cho nó đọc, khiến nó cũng chịu khó trả lời trả vốn, hồi âm hồi dương (nhiều khi cũng đi đến chỗ "trớt quớt" hoặc "đối thọi" dài dài chứ chẳng phải không, may mắn là cả hai ở xa lắc, xa lơ, trong cõi ảo ảnh internet, nên "thọi" nhau miết mà hổng ai mang thương tích gì ráo), nhưng cũng chính nhờ vậy mà Con Nữ thấy cái chữ, cái nghĩa, cái tiếng-nước-tôi, tiếng-Việt-của-chúng-ta đáng yêu hết biết.  Còn cái khoản "đồng hương" làm Con Nữ ấm áp hẳn ra dù tuổi có xế tà, nhất là khi Con Nữ mãi mãi còn có Bạn Bè  thân thiết:

 

Anh vẫn là hai mươi tuổi

Em mãi là mùa xanh xưa

Giữ trọn tình người cho đẹp

Ta mãi là mùa xanh xưa.

(QUANG DŨNG)

 

 

 

 

Cho Rằm tháng Giêng

2006

website counter