PHÙ VÂN (tt)

Home | PHÙ VÂN 8 | PHÙ VÂN 37 | PHÙ VÂN 41 | PHÙ VÂN 42 | PHÙ VÂN 43 | PHÙ VÂN 44 | PHÙ VÂN 45 | PHÙ VÂN 46 | PHÙ VÂN 47 | PHÙ VÂN 48 | PHÙ VÂN 49 | PHÙ VÂN 50 | PHÙ VÂN 51 | PHÙ VÂN 52 | PHÙ VÂN 53 | PHÙ VÂN 54 | PHÙ VÂN 55 | PHÙ VÂN 56 | PHÙ VÂN 57 | PHÙ VÂN 58 | PHÙ VÂN 59 | PHÙ VÂN 60 | PHÙ VÂN 61 | PHÙ VÂN 62 | PHÙ VÂN 63 | PHÙ VÂN 64 | PHÙ VÂN 65 | PHÙ VÂN 66 | PHÙ VÂN 67 | PHÙ VÂN 68 | PHÙ VÂN 69

ganhgongdoicat_vn.jpg

BỆNH "MÊ"

 

CƠN MÊ

 

 

Ba mươi năm lẻ đá mòn

Niềm đau trang sử vẫn còn trơ trơ

Ba mươi năm nát hồn thơ

Có nghe chăng mảnh dư đồ giẫy đau

(NHƯỢC THU)

 

.. Nước Tần có nhà họ Bàng, lúc nhỏ thông minh khôn ngoan sớm, lớn lên tự nhiên mắc phải bệnh mê: nghe hát cho là khóc, trông trắng cho là đen, ngửi thơm cho là thúi, ăn ngọt cho là đắng. Tính hạnh anh ta dở mà cứ cho là phải; bao nhiêu điều anh ta nghĩ đến, không cái gì là không đảo ngược sai lầm cả. Cha anh ta nghe lời người chỉ dẫn, đưa anh ta qua nước Lỗ để nhờ bậc quân tử nước Lỗ (tức Đức Khổng Tử) chữa cho. Nhưng khi qua nước Trần, ông Lão Đam bàn:"Nhà ngươi há đã biết được chứng mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai cũng ù ờ về phải trái, mờ mịt về lợi hại. Kẻ mắc phải bệnh mê như con nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả. Thiên hạ ai cũng mê cả, thì còn ai làm khổ cho ai ? Trong khi thiên hạ  đang mê, mà ngươi lại muốn chữa bệnh mê cho con nhà ngươi, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất. Ngay như ta đây, giảng giải cho ngươi nghe về chứng mê, vị tất ta được tỉnh; huống chi bậc quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê, thì chữa sao được bệnh mê của con nhà ngươi. Tốt hơn, cha con cùng trở về ngay cho khỏi nhọc công tốn tiền" (LIỆT TỬ)

 

Đọc đoạn này, tôi cứ thắc mắc mãi, chả hiểu Đức Khổng Tử có nghe lời "nhận xét" đầy phỉ báng, bôi bác của Ngài Lão Tử -một người sống đồng thời với Khổng Khâu, sáng lập Đạo Giáo đối lập với học thuyết Nho Gia như nước với lửa, như mâu với thuẫn, như trắng với đen- không ? Nếu có thì phản ứng của Ngài như thế nào hỡi vị "Vạn Thế Sư Biểu" ???

 

"Khổng Tử (551 trước CN), người nhà Châu, nước Lỗ, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Thân phụ tên (Khổng) Thúc Lương Ngột, đã có hai vợ rồi. Nay già mà không có con trai, mới cưới bà họ Nhan, tên Trưng Tại. Bà Nhan Thị lên cầu tự núi Ni Khâu, nên chừng sanh ra ngài, lấy tên núi mà đặt tên Khâu, tự Trọng Ni (Ni Hồi).

 

Tục truyền trước khi sanh ngài, bà Nhan Thị thấy một con kỳ lân tới trước mặt bà, nhả tờ ngọc thơ: "Con của Thủy Tinh, nối nhà Châu đã suy, mà làm vua không ngôi".

 

Lúc sanh ngài, thì bà Nhan Thị vào ở trong hang đá, núi Nam Sơn, tục gọi đất Không Tạng, nghe trên trời có âm nhạc và có tiếng nói:"Trời cảm lòng cầu nguyện cho sanh ra con thánh".

 

Lại cũng khi gần sanh ngài, hang đá nứt, ở trong có một ngọn suối nước trong chảy ra. Bà Nhan Thị lấy nước suối đó tắm cho ngài. Tắm xong, suối liền khô.

 

Tướng của ngài cũng lạ hơn người. Môi trâu, tay cọp, vai (chim) uyên, lưng rùa, miệng rộng, sơn đình giữa thì thấp còn bốn phía thì cao. Mình dài chín thước sáu tấc. Ngài học rộng, thấy xa. Ngài góp các lời lẽ văn chương của tiên thánh đem dạy thiên hạ, gọi là Nho Giáo.

 

Vua nước Lỗ dùng ngài làm quan Tư-khấu (coi việc hình án) song chẳng bao lâu vua đắm mê nữ nhạc, ngài cản ngăn không được, bèn từ chức, đi châu lưu các nước chư hầu như Tề, Vệ, Trần, Sở, Tống .. mong đem đạo của ngài để cứu đời. Nhưng than ôi ! đến đâu cũng không ai tín dụng. Mãi đến già, ngài trở về nước Lỗ, mở trường dạy học ở Hạnh Đàn .. Học trò ngài có tới ba ngàn. Vào bực cao hiền có 72 người ..

 

..  Như ta lấy tư tưởng kim thời mà luận về đạo đức Khổng Tử, thì Khổng Tử thiệt là người học rộng, thấy xa. Sánh với đời đó thì ngài trổi hơn muôn ngàn người vậy. Nhưng tại ngài sanh nhằm thời loạn, ai ai trong chư hầu cũng muốn làm bá làm vua, không còn tùng phục quyền hèn yếu của Châu-trào, cho nên dầu ngài có giữ theo cang thường luân lý, ngài dạy, mà có mấy ai chịu nghe theo. Bởi vậy, tuy ngài dạy được ba ngàn người học trò, mà sánh với nhơn số nước Trung-nguyên bốn năm trăm triệu người, thì ba ngàn đệ tử của ngài lúc bấy giờ có thấm tháp vào đâu. Thành thử ngài đi Đông qua Tây, lên Bắc xuống Nam, mà rốt cuộc không một ai dùng ngài." (DIÊN HƯƠNG)

 

*

.. ..

Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm

Người hiền khô mang gông cùm

Kẻ mộng du lên bạo chúa

Người ngồi khóc trên sân chùa

 

Người hùng xưa nay giầu sang

Một thằng bé đứng trần truồng !

Nhìn người qua buôn và bán,

Kẻ gian ác đi nghênh ngang !

.. ..

Hai mươi năm, những nụ hoa cho người hái

Những thể xác cho ai đày

Một thầy cô trong nhà chứa

Gặp trò xưa bỗng khóc òa

.. ..

Hai mươi năm, triệu người đi trong cuộc sống

Mà thể xác như không hồn ..

.. ..

(Nhạc PHAN VĂN HƯNG, Lời NAM DAO)

kiepngheo_nguviahe.jpg
(Hình cu?a SU'U TÂ`M LIÊN MA.NG)

.. Thời gian trôi qua. Nhưng thời gian chảy theo nhiều giòng khác nhau. Giống như một con sông, một giòng bên trong của thời gian chảy nhanh tại một vài nơi,  chảy chậm tại một vài nơi khác, và có lẽ đôi khi đứng lặng yên tuyệt vọng với một số người .. (Tác giả ?)

 

Chả hiểu sao, dạo này tôi hay nghe những bản nhạc xưa, những bài ca mới; hay lục lọi lại những bài viết cũ, những chuyện hôm qua, hôm nay, những câu văn, câu thơ (của người, của mình) chép tứ lung tung trong những quyển tập nom có vẻ cẩn thận, hay trong những cuốn sổ tay long bìa, sứt gáy, hoặc trên những tờ giấy tạp nham đủ loại, đủ cỡ, cất vào bao ny lông, trong hộp cạc-tông, ngay cả trong những thẩu đựng bánh (ăn sạch nhẵn rồi) có nắp đậy hẳn hoi .. Nhiều khi vớ bở, vì chỉ cần vài ba câu ráp nối là có thể thành một bài .. để có thể trình làng trình xóm "góp vui"  . Nhiều khi chả biết của ai đây, chắc không phải của mình rồi (vì "chí tuệ" quá xá mờ). Nhiều khi ngồi thộn mặt ra khi đọc được những giòng quá buồn như vầy:

 

.. Nay thiên hạ ai cũng ù ờ về phải trái, mờ mịt về lợi hại .. Trong khi thiên hạ đang mê, mà ngươi lại muốn chữa bệnh mê cho con nhà ngươi, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất ..

 

.. Sanh nhằm thời loạn, ai ai trong chư hầu cũng muốn làm bá làm vua .. ngài dạy, mà có mấy ai chịu nghe theo ..(DH)

 

Lại nghe câu nhạc thoáng nghe qua đã buồn, đến khi thấy sao giống y đời mình thì lại càng thêm tủi: "Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì" (TCS) .. Thì cái thân mình đó, suốt một thuở xuân xanh đã đầy những vết thương dư luận, theo mình đến suốt một đời. Chưa có dịp giải oan xưa, thì lại được bồi thêm những nhát dao mới với luận chứng cũ xì, cũ xịt "không có lửa sao có khói" !!!

 

Thì "nhân gian chưa từng độ lượng" (TCS). Thì "họ đóng đinh chúa Giê Su, bắn chết thánh Gandhi, chém đầu Thomas More, và đầu độc Socrate" (NT). Thì "Người hiền khô mang gông cùm .. kẻ mộng du lên bạo chúa .. kẻ gian ác đi nghênh ngang". Thì  "Người hiền lương dẫu còn sống, phải cật lưng trong thiên đường, những vết nhăn trên vừng trán, và hòn than nung trong lòng .." (ND).

 

Cho nên cái tôi con sâu, cái kiến này, làm sao thoát khỏi đôi tay nhân gian phũ phàng đó hầu đạt được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi:

.. ..

Ta mê mải chợ đời

Lựa tìm bong bóng nước

Vớt hoài bao mơ ước

Hạnh phúc vẫn mù khơi

.. ..

Ta về từ rệu rã

Dựng lại một dư hương

Ước gì thôi nghiệt ngã

Không còn nữa chiến trường

 

Chiến trường trong tâm mình vẫn chưa nguôi giằng co Thiện Ác. Chiến trường âm ỉ giữa bạn bè mình, mỗi người mỗi hướng. Chiến trường giữa người dân mình cùng màu máu đỏ da vàng, cùng con Rồng cháu Tiên, nhưng tâm ý chẳng "đồng". Ai cũng muốn "thà làm đầu gà hơn làm đuôi trâu" nên mấy ai chịu nhường ai trong cái chuồng "chủ quan, thiên kiến" chật hẹp, đôi khi nặng trĩu hơn Ngũ Hành Sơn trấn trên lưng con khỉ đột Tôn Ngộ Không suốt 500 năm, mong chờ người cứu độ.

 

Để lại cho con hai tiếng đồng bào

Một bọc trăm con, trăm búa, nghìn dao

Đâm lén anh em, đạp lên đồng chí

Đồng bào ta ơi, nhục đến khi nào ?

(HÀ HUYỀN CHI)

 

Ai cũng biết, thân phận người Việt Nam hiện nay ở trong nước thì "được" làm-chủ cái nghèo, làm-chủ cái đói, làm-chủ cái nhục, trong khi đày-tớ-nhân-dân thì "bị" giàu, "bị" no, "bị" vinh thân phì gia ..

 

Gả thân xứ khách hàng hàng gái

Bán sức quê người lớp lớp trai

Chính lúc dân đen điêu đứng phận

Là khi Đảng đỏ nhởn nhơ "ngai"

(Vntvnd)

 

.. thành phố ruộng đồng

bấu lấy tim tôi

thành nhịp thở

ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh

cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng

chảy máu

tiếng kêu

(THANH TÂM TUYỀN)

Người Việt ở ngoài nước được thừa thãi tự do, tự do đến độ nhiều khi tấn công kẻ thù chính (Cộng Sản) thì ít hoặc kém hiệu qu

Người Việt ở ngoài nước được thừa thãi tự do, tự do đến độ nhiều khi tấn công kẻ thù chính (Cộng Sản)  thì ít, hoặc kém hiệu quả. Mà nhục mạ bạn thì nhiều (đội nón cối, gắn đuôi hồ ly cho kẻ khác, tố người này là Việt Gian, cho kẻ kia là nằm vùng .. vv .. vv .. !!!). Đài phát thanh, báo chí, nhất là trong cõi chợ trời Internet (trên các diễn đàn on line) là những nơi mà "mặt trận miền .. tự do, chả bao giờ .. yên tĩnh" !!! Có chăng là sự im hơi lặng tiếng tạm bợ để mài dũa cho chữ nghĩa nhọn lễu hơn, bén ngót hơn, để đâm đối phương cho chết tốt đi thì mới hả hê mối hận này (mối hận vì "đầu gà mày" đẹp mã hơn, gáy hay ho hơn "đầu gà tao") !!!

 

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

 

Hai câu thơ trên của Cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, được "chôm" nhiều nhất để "sao chép" cái khẩu khí có thật của một bậc sĩ phu thời Pháp thuộc, dùng thơ văn làm vũ khí để "đâm" những kẻ rước ngoại bang về giày mả tổ. Câu thơ quá hay, quá hào sảng, ngất ngưởng một trời chí khí. Nhưng khi được đàn hậu sinh "copy", rồi "paste" vô PC của mình, vô "thơ thẩn" của mình thì cẩn thận nhé. Miệng tác giả nói ra thì tuyệt hảo, vì hoàn cảnh, thân thế của tác giả có những giới hạn tất yếu (đôi mắt mù lòa, sức cùng lực tận) nên "thế phải thế, thế thời phải thế". Không thể vẫy vùng ngang dọc được, không thể dùng súng dùng gươm được, ông dùng ngòi bút. Quá đúng. Niềm tự hào của ông cũng đáng quí luôn:"Dầu đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ", (lại đi thờ toàn là những tên đọc méo cả mồm, cả miệng: Các Mác, Ăng-Ghen, Xì-ta-lin, Mao Xếnh Xáng ..)

 

Về phần hậu sinh như chúng ta, xem lại mà coi, còn con mắt mà lòng có "thấy" được như ông hay không ??? Hay chỉ biết "nhơi lại" rồi tưởng mình cũng "hết sức ngon lành". Thử nghe một "phản biện" hai câu trên của một bạn đọc xem có ớ người ra, á khẩu hết một tăng như tôi không nào:"Đúng. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà thật. Nhưng cũng chả có chết thằng nào (dù Tây, Tàu, VC). Nó vẫn sống nhăn răng, nó vẫn đè đầu cưỡi cổ dân đen, thì có phải đúng là "Dã tràng xe cát biển đông, Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì" hay không ???". (Sao cái câu này giống câu của Lão Đam đối chọi với Khổng Phu Tử từ xửa xừa xưa thế nhỉ: "Ngay như ta đây, giảng giải cho ngươi nghe về chứng mê, vị tất ta được tỉnh; huống chi bậc quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê, thì chữa sao được bệnh mê của con nhà ngươi. Tốt hơn, cha con cùng trở về ngay cho khỏi nhọc công tốn tiền").

 

Người nào càng thành khẩn với chính mình, thành khẩn với sứ mệnh dùng ngòi bút "đâm mấy thằng gian" chừng nào, thì càng nhìn lại mình, nhìn lại việc viết lách của mình chừng nấy:

 

Mấy chục năm qua, viết đã nhiều

Xem chừng hiệu quả chẳng bao nhiêu

.. ..

Đàn gẩy tai trâu, tay mỏi rã

Muối quăng mặt biển, nước tiêu vèo

 

Trong khi đối thủ thì càng ngày càng tệ hại hơn:

 

Những tên Việt Cộng càng ăn bẩn

Cả lũ tham quan vẫn đớp liều

(THÁI CUỒNG)

 

Còn những kẻ a dua, "ăn có" chút lợi lộc đớn hèn thì nhan nhản như bầy ruồi xanh:

 

Người chạy quanh theo thời thế,

Ruồi nhặng xanh bu lối về

(NAM DAO)

 

Lại có tác giả, nhìn quanh, ngóng tìm người cùng mình "nằm gai nếm mật" chỉ thấy toàn những phường chính trị xa-lông "lộng ngôn, giả ngữ":

 

Tìm hoài chưa thấy một ai

Để về nếm mật nằm gai cùng người

 

Ai ai cũng tự xưng trời

Thực hành chưa thấy, chỉ lời lộng ngôn

(Ý NGA)

 

Tuy có những lúc bi quan, nhưng khi nhìn ra bát ngát địa cầu, bao la thế giới, vẫn còn biết bao tri kỷ, cùng hướng, chung lòng thì ai mà dấu được niềm vui:

 

Mừng thay thế giới vẫn còn

Bạn bè tri kỷ tâm hồn rất thơ

Đã thơ lại chẳng hững hờ

Vì thương dân Việt phất cờ tự do

Viết lời tranh đấu thơm tho

Đọc pho hùng sử biết lo san hà

(Ý NGA)

 

Thế nên dù giữa đêm đen đằng đẵng, vẫn vọng lên tiếng kêu tha thiết vì nước, vì dân:

 

Ai người đồng sức lòng chung

Cạn ta thề nguyện vỡ bùng gươm thiêng

Cứu dân cứu nước tật nguyền

Rạng đời Lạc Việt, dựng nguyên Việt Thường

(NGUYỄN LẠC VIỆT)

 

.. Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ ra một cách rành mạch, là chưa bao giờ được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có. (KHÁI HƯNG) 

 

.. Ai biết hiện nay có bao nhiêu bọc than đen nhất, rách  nhất đang sống thảm não ở quê hương ? Những cựu chiến binh của ta mù mắt, cụt chân tay, những thương phế binh không có một đồng để sống  ? Ai biết đến họ ? Ai nhớ đến họ ? Ai thương họ, đừng hỏi ai kính trọng họ, ai biết công họ, lại càng đừng hỏi ai biết ơn họ. (CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG)

 

.. ..

tôi chờ đợi

phổi đầy lửa cháy

môi đầy thẹn thùng

vục xuống nhục nhằn tổ quốc

(THANH TÂM TUYỀN)

 

*

kiepngheo_moirac.jpg
(Hình cu?a SU'U TÂ`M LIÊN MA.NG)

Cái khao khát đến khắc khoải của tôi hiện giờ (mà chắc chắn vô cùng vô vọng) là làm sao mà được gặp lại chú bé hay dùng "cờ la

Cái khao khát đến khắc khoải của tôi hiện giờ (mà chắc chắn vô cùng vô vọng) là làm sao mà được gặp lại chú bé hay dùng "cờ lau tập trận" ngày ấu thơ. Làm sao mà được gặp lại trang tuấn kiệt Đinh Bộ Lĩnh, người có công dẹp loạn "Thập Nhị Sứ Quân". Làm sao được gặp Vạn Thắng Vương, để hỏi Ngài cách thức nào Ngài gom được những vị Sứ Quân (những cái "đầu gà" oai phong lẫm liệt cỡ Từ Hải "Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà") đem về dưới trướng, để cùng nhau trên dưới một lòng giữ an bờ cõi, mang ấm no hạnh phúc về cho muôn dân Đại Cồ Việt xa xưa ???

 

Ôi. "Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, Quê nhà một góc nhớ mênh mông" (TRÀ LŨ).

 

Tôi gọi tên Người suốt bốn mùa

Tiếng chim nhớ tổ chuỗi ngày thơ

Tiếng mưa nhớ đất, sông mơ biển

Tiếng gọi khát khao của đợi chờ

(Vntvnd)


Đợi chờ ngày đồng bào tôi, quê hương tôi, đất nước tôi thoát khỏi cơn mê dài hơn 30 năm có lẻ ..

 

Ba mươi năm lẻ đá mòn

Niềm đau trang sử vẫn còn trơ trơ

Ba mươi năm nát hồn thơ

Có nghe chăng mảnh dư đồ giẫy đau

(NHƯỢC THU)

 




Lại một tháng tư

-2006-

* Chân thành CẢM TẠ quí THI, VĂN, NHẠC SĨ có Thơ, Văn, Nhạc được trích đăng trong bài

 

 

* Chân thành CẢM TẠ quí THI, VĂN, NHẠC SĨ có Thơ, Văn, Nhạc được trích đăng trong bài.

 

* Xin mời bạn đọc xem 3 BÀI THƠ CÙNG CHỦ ĐỀ với PHÙ VÂN 54 như sau:

 

MÊ LỘ (Vntvnd),
EM ƠI ĐỜI TỰA CƠN MÊ (Nhược Thu),
DỰ BÁO, DỰ ĐOÁN (Phạm Chung)

 

 

website counter