SU'U TÂ`M 19

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | LINKS | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | CU'Ò'I CHÚT CHO'I | THÚ VI. | CHÚ Ý | CHÚ Ý [tt] | CHUYÊ.N CO^? | CHUYÊ.N CÔ? [tt] | CHUYÊ.N CÔ? 1 | CHUYÊ.N CÔ? 2 | TÀI TÌNH | TÊ'U

TA.P GHI 36

 

Năm Thìn Nói Chuyện Rồng

(Phạm Hương)

 

Năm Nhâm Thìn, sưu tầm một vài câu ca dao, tục ngữ nói chuyện Rồng để góp vui trong 3 ngày tết.

 

Rồng là linh vật có tên trong bộ 12 con giáp, với tên gọi là Thìn. Khác với 11 linh vật kia, có thể là vật nuôi trong nhà hay vật hoang dã mà mọi người ai cũng biết, nhưng còn Rồng thì chẳng ai nhìn thấy dung nhan bao giờ. Đó là sản phẩm của sự tưởng tượng, chỉ hiện diện trong các huyền sử, huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, cổ tích, chuyện dân gian mà thôi, nhưng hình ảnh con rồng lại rất thân quen với mọi người Việt Nam.

 

Nói về Rồng, đầu tiên phải nói đến đó là: Rồng là cội nguồn, tổ tiên của dân tộc Việt Nam chúng ta. Là Người Việt Nam ai cũng biết dân tộc ta ra đời bằng truyền thuyết Rồng - Tiên. Cha là Lạc Long Quân (gốc Rồng), kết hôn với mẹ là Âu Cơ (Tiên Nữ), rồi sinh ra trong bọc trăm trứng, nở trăm con. Dân tộc ta xem như giống Rồng Tiên. Không biết có phải từ nguồn gốc này hay không, mà đất nước Việt Nam ta có hình dáng cong cong chữ S, như con Rồng nằm uốn, ôm trọn, gìn giữ bờ cỏi non sông đất nước. Trên hình dáng con Rồng đó xuất hiện nhiều địa danh gắn với rồng, như: Thăng Long, (Vua Lý Công Uẩn nằm thấy giấc mộng Rồng bay đã cùng triều thần và toàn dân dựng nên một thủ đô Thăng Long ngàn năm văn hiến của dân tộc); hay như Vịnh Hạ Long (kỳ quan thế giới) và nhiều địa danh khác mang tên long, như: Long An, Long Khánh, Vĩnh Long, Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Hải, Long Biên .. Đặc biệt trên đất nước chúng ta có con sông Cửu Long. Đây là con sông lớn từ cao nguyên xứ Tây Tạng, có chiều dài hơn 4000 cây số, chạy qua các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Có hai nhánh đổ về Việt Nam là: Tiền Giang và Hậu Giang, hai con sông này có 9 nhánh đổ ra biển, có tên gọi là sông Cửu Long (tức 9 con Rồng).

Rồng, đối với người Việt Nam ta không những là biểu tượng của sự tôn kính, là bản mệnh của vua, là đại diện cho quyền lực, sức mạnh thống trị, mà dân gian cũng có thể dùng hình tượng rồng để bày tỏ sự linh thiêng cao quý của mình. Do vậy, rồng được khắc chạm khắp các lăng tẩm, đình chùa, am miếu hoặc những nơi thờ phụng khác. Chỉ khác biệt là rồng tượng trưng cho vua, mỗi chân có 5 móng, rồng của các quan 4 móng, dân chúng chạm khắc trong các đình chùa, miếu đền chỉ được làm hình con rồng 3 móng. Vì là con vật được tượng trưng cho cao quí, sang trọng, quyền năng và nhân hậu nên các vua tự xem mình là rồng, những gì thuộc về nhà vua đều thêm chữ long vào: long bào (áo vua); long nhan (mặt vua); long xa (xe vua đi); long sàng (giường nằm của vua); long án (bàn viết của vua); long kỷ (ghế của vua); long thuyền hay long châu (thuyền của vua); long nhi (con vua) .. Từ xưa cho tới nay, trong các đám cưới trên vách, bên bàn tiệc, trên lễ vật thường có hình ảnh rồng- phượng chan hòa, đó là biểu tượng của sự giao duyên và hạnh phúc lứa đôi mọi người mong muốn.

 

Trong kho tàng ca dao, tục-ngữ, thành ngữ rồng là biểu tượng của sự cao quý, lý tưởng, may mắn, tốt đẹp, đồng thời còn có biểu hiện của sự sang hèn, tốt xấu, may mắn: "Làm trai lấy được vợ hiền, như cầm đồng tiền mua được của ngon. Phận gái lấy được chồng khôn, xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng". Trong cuộc hôn nhân đó, phận gái 12 bến nước, biết bến nào trong, đục chỉ dựa vào may rủi mà thôi. Nhưng nếu lấy được người chồng khôn thì có thể làm thay đổi cuộc đời. Đây là niềm hạnh phúc nhất đối với người con gái đi lấy chồng. "Rồng bay phượng múa" thể hiện sự xuất chúng, tài ba của người có chữ viết đẹp, nét chữ lả lướt, bay lượn, uốn khúc. "Cá chép hóa rồng" để nhắc nhở người đời, nếu chăm chỉ học hành, chịu thương chịu khó, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên thì nhất định một ngày nào đó sẽ thành đạt; tuy nhiên, cũng có nhiều người không cần nỗ lực phấn đấu cũng vươn lên tột đỉnh vinh quang !!!

 

Thật là vinh hạnh khi "Rồng đến nhà tôm" chỉ một kẻ nghèo hèn, chức vụ nhỏ bé, khi vinh dự được người giàu sang, quyền quý thương tình chiếu cố đến tận nhà thăm viếng mình. Nhưng đây thật sự là một nét văn hóa giao tiếp, bày tỏ sự nhún nhường của chủ nhà đối với khách, thể hiện được lòng hiếu khách, cung cách giao tế nho nhã, lịch thiệp của người xưa. Những người nói hay nhưng làm thì dở; nói huyên thuyên, thao thao bất tuyệt, nói đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng lại biếng nhác, làm việc thì không không ra đầu ra đuôi, người ta ví "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Lúc đầu thì hô hào hoành tráng, càng về sau làm không ra gì "Đầu rồng, đuôi tôm". "Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình": Rồng vàng là rồng quý, mà phải đi tắm nước đục ở ao tù thì thật là điều bất đắc dĩ, cũng như vậy người khôn ngoan mà phải chung sống, ở chung, làm việc chung với kẻ ngu đần thì thật là hết sức bực mình. "Trong lưng chẳng có một đồng, lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe". Đồng tiền là rất quan trọng, tiền thể hiện địa vị trong xã hội, có tiền mua tiên cũng được, không tiền thì dù có hô hào lớn tiếng thì cũng không ai nghe. "Ăn như rồng cuốn" ví những người ăn nhiều, ăn vội vã, ăn không coi nồi, trái với "ăn như mèo" là ăn ít, ăn từ tốn. Hầu hết các cô gái, những người phụ nữ đều ăn như mèo, không dám "ăn như rồng cuốn", vì để giữ eo thon. "Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi, nay tui hỏi thiệt: mình thương tui không mình" ? thể hiện tình cảm ái ân. Phụng giao đuôi thì rõ rồi, còn Rồng giao đầu thì .. linh vật, đến sự giao hoan cũng khác.

 

Năm Nhâm Thìn nhắc nhở chúng ta hãy sống xứng đáng với danh hiệu là "con Rồng cháu Tiên". Nói phải đi đôi với làm, làm đến nơi đến chốn, đừng có "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Mọi người hãy tỏ lòng nhân ái, bao dung đối xử với nhau, để được tràn đầy vui tươi, hạnh phúc.

 

Xuân Nhâm Thìn năm 2012, kính chúc mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức như Rồng thăng vậy./.

 

 

PHM HƯƠNG

 

(P.H-T sưu tm @ Internet)

 

 

website counter