Vào Thiên Đàng
(Lưu Thái Dzo)
Tác
giả tên thật Hoàng Huy Năng, sinh năm 1934,
cựu sĩ quan VNCH và cựu tù chính trị,
diện HO 5, định cư tại Houston từ 1992, hiện
là Uỷ Viên Xã Hội Đoàn Liên
Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Kitô
Ngôi Lời Tập Thể ở Houston. Trước
1975, tại Việt Nam, ông đã cộng tác
với nhiều báo quân đội và cho tới
nay đã xuất bản 5 tập thơ và một
tập truyện tại Hoa Kỳ. Với bài viết
“Tổ Ấm Đa Chủng” tác giả
đã nhận giải đặc biệt Viết Về
Nước Mỹ 2009.
***
Gia đình
tôi đến định cư tại Hoa Kỳ từ
ngày 21-03-1991 (HO 5). Tính đến nay
đã trên 18
năm. Tôi còn nhớ trước ngày lên
máy bay vài ngày, linh mục Th. (đã qua
đời), một người thân quen của gia
đình, đến tận nhà, nói với
tôi, nửa đùa nửa thật rằng: "Khi
nào vào Thiên Đàng, xin nhớ đến
tôi cùng !" Lúc bấy giờ, cả
nhà phá lên cười. Tôi nói:
làm sao quên được ? Tuy nhiên không biết
Nước Mỹ có phải là thiên
đàng không ?
Câu nói
trên đây là lời cầu xin của Người
Trộm Lành đề cập trong Thánh Kinh
Tân Ước. Chúa Giêsu bị dân Do
Thái kết án, đóng đinh cùng với
hai tên trộm cướp trên Đồi Golgotha.
Trong cơn hấp hối, tên trộm bên phải
Chúa Giêsu (được gọi là
"Người Trộm Lành"), sau khi mắng
trách tên trộm bên trái (vì tên
này trách Chúa Giêsu không cứu hắn),
đã thốt lời thống hối tội lỗi
mình, đồng thời
kêu xin với Chúa rằng: khi nào về Nước Ngài
(Thiên Đàng), xin Ngài nhớ đến
tôi !
Mười
tám năm trôi qua. Tôi nhớ đến
câu nói trích trong Thánh Kinh Tân Ước
mà cố linh mục Th. đã xử dụng để
nhắn với gia đình tôi năm nào khi
chúng tôi sắp sửa lên đường
đi định cư tại Mỹ. Có lẽ cố
linh mục Th. cũng như những ai chưa đến Mỹ
đều cho rằng Mỹ Quốc là thiên
đàng với ý
nghĩ thông thường và đơn giản
là: một nơi chốn có đầy đủ
mọi thứ làm cho cuộc sống vật chất lẩn
tinh thần tại đó tốt đẹp, thần
tiên ?
Theo Niềm Tin của người Tín Hữu
Công Giáo như tôi, thì Thiên
Đàng (Heaven) là nơi dành để tưởng
thưởng người lành, và ngược lại,
Địa Ngục (Hell) là chốn để trừng
phạt kẻ dữ sau khi con người giã từ
trần thế.
Tôi không biết
ai và từ bao giờ đã nêu lên vấn
đề (dường như có tính cách khẳng
định): "Nước Mỹ là Thiên
Đàng". Có lẽ từ lâu lắm, những di dân đến
Hoa Kỳ từ một số Quốc Gia quá
đói nghèo, hoặc do bọn Cộng Sản cầm
quyền, đã so sánh hai cuộc sống: một,
cơ cực đã qua,với một,sung túc hiện
tại,để cho rằng nước Mỹ là Thiên
Đàng ?
Ngày 21-03-1991,
khi chiếc máy bay chở gia đình tôi đi
định cư tại Mỹ, rời phi trường
Tân Sơn Nhất, nhưng chưa vào không phận
quốc tế, tôi vẫn còn hồi hộp, lo
âu, nghĩ khôn nghĩ
dại ... rằng: mặc dù đang trên đường
"Vào Thiên Đàng", nhưng biết
đâu vì một lý do nào đó, bọn
Việt Cộng bắt máy bay quay về Tân Sơn
Nhất, bỏ cả gia đình hoặc một
mình tôi xuống ... Nếu thế thì
chúng tôi lại tiếp tục ở "Địa
Ngục Trần Gian". May mắn thay, điều bất
hạnh đã không xảy ra. Máy bay
đáp xuống Thái Lan (lúc bấy giờ anh
em HO chưa được đi thẳng qua Mỹ). Cuộc
sống mới của gia đình chúng tôi bắt
đầu từ đó.
Chúng tôi
đến định cư tại thành phố Houston
thuộc Tiểu Bang Texas.
Thời gian đầu,
tất nhiên gặp những khó khăn, trở ngại,
như về ngôn ngữ, khí hậu, việc
làm v.v... Nhưng, không bao lâu sau, cuộc sống
ổn định, rồi dần dà thăng hoa, phần
nhờ sự giúp đỡ của Chính Quyền
Sở Tại, phần được đồng
hương đi trước, nhiệt tình tiếp
tay, hướng dẫn. Về phương diện vật
chất, ngoài cái ăn, cái mặc được
nâng từ "Ăn no, mặc ấm" lên đỉnh
cao "Ăn ngon, mặc đẹp", chúng tôi
có đầy đủ tiện nghi về nhà ở,
chuyển dịch, vui chơi giải trí. Nói về
tiện nghi nhà ở và phương tiện di
chuyển (xe cộ và hệ thống giao thông)
tôi thấy không Quốc Gia nào sánh bằng
Hoa Kỳ.
Năm 2005, tôi
đi hành hương
ở Do Thái (Đất Thánh), Lộ Đức
và Rôma. Tại một
số nơi tôi đến, phần nhiều nhà ở
cũ kỹ, kiến trúc theo lối xưa, tiệm
ăn chật hẹp, không dồi dào tiện nghi.
Đặc biệt về hệ thống giao thông
và xe cộ, tôi thấy ngay ở thành phố
Rôma, chỗ đậu xe hẹp đến nỗi
các xe hơi tuy nhỏ, nhưng phải đậu
sít nhau, khi xuất phát, tài xế rất vất
vả, khó nhọc.
Những khó
khăn trở ngại ban đầu không thể không ảnh
hưởng đến đời sống tinh thần
và tâm linh. Sự lạc lỏng giữa xứ
người xa lạ tăng thêm nỗi buồn nhớ
Quê Hương. Phương tiện chuyển dịch
cũ kỹ, hạn chế, làm giảm bớt
không ít thời lượng sống Đạo, học
Đạo và hành Đạo đối với
Thiên Chúa và tha nhân v.v... Chúng tôi
cố gắng nâng cao đời sống tinh thần
vì nghĩ rằng đây mới là điểm
chính và quan trọng khi nói: nước Mỹ
là Thiên Đàng.
Chúng tôi lấy "Tự Do" và
"Tình Người" làm nền tảng
xây dựng và
phát triển đời sống tinh thần.
Chúng tôi cũng
như bao nhiêu đồng hương khác đến
Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn Cộng Sản.
Nói khác đi, chúng tôi đi tìm tự
do là một bảo vật "Bất ly thân"
mà chúng tôi không thể thiếu, nếu
muốn sống xứng đáng với phẩm
giá con người.
Chúng tôi đã đến bến bờ tự do. Trong
hơn 18 năm, chúng tôi được hưởng
đời sống tinh thần tốt đẹp là nhờ
hai chữ tự do, bởi lẽ nước Mỹ
có tự do thực sự trong mọi lãnh vực,
từ tôn giáo, chính trị, xã hội
đến văn
hóa,thương mại v.v...
Thực vậy,
tôi xin đưa ra vài trường hợp điển
hình để minh chứng. Ngày 12-09-2009, một
cuộc xuống đường quy mô tại Thủ
Đô Washington Hoa Ky trước Tòa Bạch Ốc,
con số lên hơn một triệu người theo tin
WND.com. Công dân đóng thuế biểu
tình kỳ nầy nói lên những điều
họ không bằng lòng đối với
chính sách của Chính Phủ Obama: tiêu
xài tiền quá lố, bành trướng hệ
thống Chính Phủ v.v...
Những người
xuống đường thuộc các thành phần,
trong đó có nhiều thành viên của
TEA Party, Tax Enough Already. Có những biểu ngữ
trên tay như: Our Constitution has termites ! (Hiến
Pháp chúng ta có mối !),Stop the march of socialism, (Hãy ngưng ngay con
đường dẫn tới chủ nghĩa xã
hội), Obamacare makes me sick
(chương trình y tế của Obama làm tôi
phát bệnh) ...
Tin Tổng Thống
Obama được trao giải Nobel Hòa Bình
hôm thứ sáu 09-10-2009 đã kéo theo lời
chỉ trích từ Chủ Tịch Đảng Cộng
Hòa, sự chế diễu từ những trang web của
người bảo thủ và ngay cả những
móng vuốt của một số người
phóng khoáng. Tất cả đều cho rằng
Obama chưa làm được gì đủ để
giải quyết các cuộc chiến ở Iraq và
Afghanistan (Nhận định của Tờ Báo El
Universal ở Mexicô). Giáo Sư Stephen Wayne tại
Đại Học Georgetown nói rằng: Ông giật
mình khi biết rằng Ông Obama đã
được chính thức đề nghị trao giải
thưởng Nobel Hòa Bình lúc Ông ta
là Tổng Thống chưa đầy hai tuần lễ.
Ngoài hai chữ
tự do, chúng tôi phải kể đến
"Tình người bản xứ", đúng
hơn là tình hàng xóm láng giềng
phát triển không lâu sau khi gia đình
chúng tôi "mu" đến Khu làng mang
tên Pheasant Run.
Vào một buổi
sáng khoảng tháng 7 / 2009, tôi có việc
ra phố. Chiếc xe của tôi không nổ
máy để rời khỏi garage. Cần sợi cable
để câu bình điện, nhưng xe tôi
không có. Tôi cuốc bộ đến gõ cửa
3,4 nhà hàng xóm hỏi, nhưng họ nhã
nhặn đáp: Sorry, we don't have. Không chần chờ,
tôi cuốc bộ tiếp, đến một tiệm sửa
xe gần Khu làng khoảng 5 phút lái xe. Chủ
tiệm cho một thợ máy người Mễ lấy
xe chở tôi về nhà, mang theo đồ nghề
cần thiết. Tôi vừa
bước vào cửa
garage thì thấy một
ông Mỹ trắng to lớn đứng bên cạnh chiếc
Toyota của tôi. Ông bảo tôi mở
"Hood" rồi ngồi vào tay lái. Ông xử
dụng "Quick Start" của ông mang theo và
nhanh chóng làm việc ... Trong lúc đó,
chiếc xe của tiệm sửa xe do anh thợ máy
người Mễ lái vẫn đậu trước
cửa garage nhà tôi. Nhờ cái "Quick
Start", xe tôi nổ máy. Tôi bắt chuyện với
cả hai vị ân nhân
(Ông Mỹ Trắng và Ông Mễ), và
cám ơn họ trước khi chia tay. Ông Mỹ trắng tốt
bụng cho tôi biết tên ông là Robert, ở
cách nhà tôi 6 căn. Sở dĩ ông biết
được "Case" của tôi là do mấy
người láng giềng đưa tin: theo chương trình tập
thể dục mỗi buổi sáng, ông đi bộ
ngang qua nhà tôi, tình cờ nghe mấy người
(cũng đi bộ) nói chuyện .Ông bèn hỏi
địa chỉ nơi xảy ra vụ việc. Ông
là một cựu chiến binh đã chiến
đấu tại Việt Nam trước 1975. Ông có nhiều cảm
tình với người Việt, do đó, mặc
dù chưa gặp quen gia đình tôi, ông vẫn vội vã
mang đồ nghề đến giúp đỡ.
Nói đến
Thiên Đàng, chúng ta thường liên
tưởng đến "Hình Ảnh Đối Nghịch".
Đó là Địa Ngục. Miền Bắc Việt
Nam từ 1945, và Miền
Nam sau 30-04-1975,đều có thể coi như là
"Địa Ngục Trần Gian". Bản thân tôi ở
Địa Ngục (các Trại Tù Cộng Sản
từ Nam ra Bắc) từ 1975 đến 1988, được
chứng kiến vô số hình ảnh rất địa
ngục như: "Tù chết trong tù, bị bỏ
quên - Như manh chiếu rách vất bên thềm
- Như con chó ghẻ ngoài vòng loại -
Như cỏ cây rừng, phận ốc sên" ?
Trong gia
đình, người vợ trẻ từ một nữ
sinh chân yếu tay mềm,
bỗng biến thành "Bà Tú
Xương" bất đắc dĩ. Chỉ khác một
điều là không nuôi chồng tại chỗ
(vì chồng đã đi tù Cộng Sản)
mà chỉ nuôi 5 con từ 3 đến 14 tuổi,
nuôi bằng bữa no, bữa đói, nuôi qua
dòng lệ ngày đêm chăn đơn gối
chiếc, và, nhất là, trong vòng vây của
hận thù, dọa nạt, lăng nhục, có khi
sỗ sàng, bờm xơm ... từ phía lũ
người gọi là kẻ chiến thắng.
Ngoài xã hội,
cho đến nay, vẫn
tiếp diễn những vụ đàn áp các
nhà hoạt động dân chủ đối
kháng như phiên
tòa ngày 7-10-2009 tại Hà Nội, Hải
Phòng kết án bất công (từ 2 đến
6 năm tù giam kèm theo những năm quản chế) 9 nhà văn, nhà
báo, trong đó có Ông Nguyễn Xuân
Nghĩa là thành viên trọng yếu của Khối
8406. Trong ngành
giáo dục, vẫn còn những cảnh vô
luân ngoài sức tưởng tượng:
ngày 24-08-2009, thầy Đặng Hữu Dũng
đang giảng dạy tại lớp học trường
Đại Học Nông Lâm, Quận Thủ Đức,
Sài Gòn, bị một thanh niên đội mũ
bảo hiểm tạt át xít, gây thương
tích trầm trọng . Ngày 7-9-2009, công an tỉnh
Hà Giang bắt giam
tên Trầm Đức Xương Hiệu Trưởng
Trường Trung Học Phổ Thông Việt Lâm
(Huyện Vị Xuyên, Tỉnh Hà Giang) về tội
làm ma cô bán trinh học trò.
Một số
"Hình ảnh Địa Ngục VN" như
trên làm nổi bật hình ảnh: "Nước
Mỹ là Thiên Đàng". Dĩ nhiên,
nước Mỹ cũng
đầy dẫy tệ nạn xã hội như
xì ke ma túy v.v...Về vấn đề an ninh, qua
cơ quan truyền thông, báo chí, chúng ta được biết
nhiều vụ cướp
của, giết người, hãm hiếp, bắt
cóc ... do băng đảng xử dụng vũ khí bừa bãi
gây nên, khiến cho người dân lo âu, sợ
hãi. Cuộc sống bất an trong tâm hồn
như thế không
làm mất đi, hay ít ra xóa nhòa
hình ảnh "Nước Mỹ là Thiên
Đàng" sao ?
Dù gì
đi nữa, chúng ta không thể phủ nhận
Hoa Kỳ là một Quốc Gia có tự do thực
sự (nhiều khi đi đến quá trớn).
Bên cạnh đó,
luật pháp được áp dụng
công minh, rõ ràng
để ngăn chận, hạn chế hay sửa chữa
kịp thời những sai phạm, khiếm khuyết. Vì vậy, từ bất
cứ góc nhìn nào, chúng tôi vẫn
coi nước Mỹ như Thiên Đàng hạ giới. Có điều cần nói thêm. "Thiên
Đàng" hiện hữu đấy. Nhưng
không phải đương nhiên mà chúng
tôi có thiên đàng trong cuộc sống.
Những tiện nghi thừa mứa về ăn mặc,
nhà ở, đi lại ... là điều kiện
khách quan tạo nên "Thiên Đàng".
Nhưng cần phải có điều kiện chủ
quan đi kèm. Điều kiện nầy quan trọng
hơn và có tính cách quyết định.
Nói khác đi, chúng tôi phải phấn
đấu, phấn đấu với nghịch cảnh
và cả với bản thân để vươn
lên,vượt thắng mọi thách đố,
khó khăn hầu tạo
được thiên đàng. Để sớm ổn
định cuộc sống mới, chúng tôi phải
học Anh Ngữ, học lái xe, học nghề
..."Có tiền mua tiên cũng được".
Do đó, phải có việc làm. Về
già, ít ra được hưởng SSI, thì
phải tiết kiệm, ăn tiêu chừng mực. Những
ngày nghỉ, ngày lễ, phải tham gia các sinh hoạt
lành mạnh, bổ ích do những Hội Đoàn Chính
Trị, Văn Hóa, Tôn Giáo, Ái Hữu ...
tổ chức, nhằm củng cố, phát triển cuộc
sống tinh thần và tâm linh.
Gia đình anh
Ng.Đ.H., bạn cùng đơn vị Quân Đội
và Trại Tù với tôi, đến định
cư sau gia đình tôi hai năm. Chúng tôi
bất ngờ gặp nhau tại Houston. Anh H. cho biết gia
đình anh từ
Michigan "mu" về Texas hơn 3 năm nay. Anh tỏ
ra bi quan, bất mãn với cuộc sống, dù
đã thay đổi chỗ ở. Bằng một giọng
mỉa mai, chua chát, anh nói: "Ai bảo nước
Mỹ là Thiên Đàng ? Riêng tớ
thì không ... Nói nước Mỹ là Địa
Ngục thì hơi quá, nhưng, theo tớ thì
...".
Anh thở vắn,
than dài, cho tôi biết tiếp là hồi mới
qua, anh có đi làm part time 5 năm, không đủ
tín chỉ để hưởng tiền hưu.
Nhưng với tiền già và tiền các con cho hằng
tháng, cuộc sống của vợ chồng anh rất
sung túc về phương diện vật chất,
nhưng quá tồi tệ về tinh thần. Cô
đơn, buồn chán vô cùng. Suốt
ngày ngồi nhà, hết coi phim Tàu, Nhật,
Đại Hàn, VN, lại nằm, vắt tay lên
trán, suy nghĩ vẩn vơ. Muốn lên phố,
đến Trung Tâm Cao Niên hoặc ra chợ, đi
Nhà Thờ, cũng phải nhờ con, cháu chở
đi. Chúng bận đi làm, đi học. Họa
hoằn mới giúp.
Mà giúp cũng với thái độ gượng
ép, mặt nhăn, mày nhó, không vui vẻ,
cởi mở. Lúc còn tương đối trẻ,
khỏe, phần biếng nhác, phần nhát gan, anh
đã không chịu học lái xe. Bây giờ
coi như què cụt. Tiếng Anh, tiếng Mỹ
thì ù ù cạc cạc ...
Tôi không biết
nói gì hơn là thuật lại câu chuyện
của gia đình chúng tôi cho anh H. nghe, đồng
thời hứa với anh là tôi sẽ
đích thân lái xe chở anh chị đi
Nhà Thờ vào
các Chủ Nhật và Lễ Lớn như
Giáng Sinh, Phục Sinh. Ngoài ra, xin anh chị theo tôi cùng đi tham
gia các buổi sinh hoạt Hội Đoàn như:
Ngày Quốc Hận 30 Tháng 4, Ngày Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng 6, Dịp Tết
Nguyên Đán v.v... Thỉnh thoảng tham dự Ra Mắt
Sách hoặc Trình Diễn Văn Nghệ, Khiêu
Vũ. Khi cần đi chợ, tôi cũng sẵn
sàng lái xe chở anh chị đi. Tôi còn
chỉ các tuyến đường xe buýt cần
thiết để anh xử dụng khi tôi không
đưa đón anh chị được.
Khoảng 6
tháng sau, tôi đến
thăm anh H. Trong câu chuyện tâm tình, anh
khoe rằng: Đời anh
đã và đang lên hương. Hai vợ chồng
già sống an vui, hạnh phúc, không còn buồn
chán như trước. Anh cám ơn sự "Cố Vấn" và
giúp đỡ hữu hiệu của tôi. Anh
nói một cách
nghiêm chỉnh:
"Thiên
Đàng thật sự, theo tín lý của Thiên
Chúa Giáo nói chung, không bị đóng
khung trong không gian và thời gian, đem hạnh
phúc tuyệt đối và vĩnh viễn cho
"Người Lành" sau khi từ giã cõi
trần. Theo định
nghĩa đó thì nước Mỹ không phải
là Thiên Đàng".
Tôi ngắt lời
anh:
"Đúng vậy, nhưng bảo rằng
"Nước Mỹ là Thiên Đàng" cũng
không hoàn toàn sai. Nguyên sự dư thừa
tiện nghi vật chất
đủ chứng minh câu nói nầy.
Trên thực tế, Thiên Đàng đó
có đến hay
không, một phần, tùy chúng ta có muốn
tiếp nhận hay không".
Anh H. và tôi đồng quan điểm. Rằng:
"Nước Mỹ
là Thiên Đàng" theo nghĩa
tương đối.
Câu nói nầy còn vế kế tiếp như sau: "Nước Mỹ không phải là Địa Ngục".
Tôi chạnh nhớ
lời nhắn ân cần, pha chút khôi hài
của cố linh mục Th. khi Ngài đến thăm,
nhân tiện tiễn chân gia đình chúng
tôi đi Mỹ vào tháng 03 năm 1991. Lời
nhắn đó là:
"Khi nào vào Thiên Đàng, xin nhớ
đến tôi (linh mục Th.) cùng !". Chúng
tôi đã "Vào Thiên Đàng", ở
đó 18 năm.
Dù với thời gian bao lâu và trong bất
cứ tình huống nào, chúng tôi không bao giờ quên
Tình Quê Hương, Nghĩa Dân Tộc.
Chúng tôi cầu nguyện và ước mong
Quê Hương thân yêu của chúng ta sớm trở thành
Thiên Đàng, thiết thực hơn, không
còn là "Địa Ngục Trần Gian"
./.
LƯU THÁI DZO
(Bai Chuyen)