SU'U TÂ`M 12

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | LINKS | SÚ'C KHO?E | SÚ'C KHO?E [tt] | CU'Ò'I CHÚT CHO'I | CU'Ò'I CHÚT CHO'I [tt] | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | PHIM | Tin NÓNG !!! | CÂ?N THÂ.N | 9 NGU'Ò'I .. 10 Ý | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4

TA.P GHI 27

banhchung.jpg

 

Đón Xuân - Nhớ Bánh Chưng Xanh !

(Tường Vi)

 

Những ngày gần Tết, bánh chưng được bầy bán mọi nơi, những chiếc bánh gắn liền với những phong tục, cổ truyền trong Tết Nguyên Đán của người Việt Nam.

Nếu mứt kẹo để mời khách ăn với một tách trà thơm, làm quà câu chuyện, thì bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên hay trên bàn ăn ngày Tết. Có người thích ăn với dưa món, củ kiệu, có người thích ăn với cá thu kho giềng, có người thích ăn với đường, có người thích ăn bánh chưng chiên.

Và, cứ mỗi dịp Tết về, lòng tôi lại bồi hồi nhớ đến dì tôi, nhớ đến những chiếc bánh chưng mùi vị thơm ngon đặc biệt của dì.

 

Sau năm 1975.

 

Dì tôi bắt đầu nghĩ cách làm ăn. Bà gói bánh chưng nhỏ, bỏ mối hàng ngày. Bánh của bà nổi tiếng ở đường Yên Đổ - Hai Bà Trưng. Nên vào những dịp Tết, khách đặt bánh rất đông, nhiều khi không dám nhận thêm vì làm không xuể. Phòng khách nhà dì tôi là nơi gói bánh.  Thật rộn rịp.

 

Người ta thường gói bánh chưng với đậu xanh và thịt sống, cho đỡ mất công. Nhưng bánh chưng của dì tôi, làm thật công phu, mất nhiều thì giờ hơn người khác vì đậu xanh được nấu chín đánh tơi, bỏ nhiều tiêu vào trộn đều. Thịt được ram sơ với mắm muối hành tiêu cho đậm đà nhưng không được kỹ quá, sau đó vớt hành bỏ đi. Lá rong được mẹ tôi rửa sạch sẽ với nước, rồi lau khô từng lá và cắt gọn gàng, to nhỏ để riêng, nên bánh không mau thiu. Tính mẹ tôi tỉ mỉ nên làm cái gì cũng phải đâu ra đó. Bà thường chỉ huy nấu nướng khi có tiệc tùng. Rồi bà nắm đậu xanh thành từng viên và cẩn thận cân cho đều nhau.

 

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bốn cô con gái của dì tôi bắt đầu ngồi gói. Cô nào cũng khéo, gói tay nhanh, mà vẫn vuông vắn đều đặn như gói tay khuôn, nhưng lại không độn nhiều lá.  Bánh của dì tôi khi cắt ra thơm phức, nhân rất mướt, thịt không khô, bánh dền không bao giờ bị sống.

 

Suốt cả hơn tuần lễ trước Tết, ngày nào cũng bận rộn từ sáng sớm tới đêm. Thật là cực, nhưng rất vui. Một ngày nấu liên tục mấy nồi. Nồi này vớt ra lại đặt nồi khác lên. Có năm đang nấu, nồi bị bục phải mang đi hàn, thật là khổ. Mãi cho tới sáng 30 mươi, sau khi giao hết bánh cho khách, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, dì tôi mới quay ra nấu nướng, hóa vàng đón ông bà.

 

Trước đó cả tháng, bà đã phơi củ cải để làm dưa món. Món củ cải muối của bà đậm đà, vàng ánh, nhìn cũng thấy muốn ăn rồi. Và mồng một tết năm nào, cũng có một bữa ăn xum họp, đông vui, con cháu chật nhà.

 

Nhà dì tôi ở giữa xóm, từ trong cho tới đầu hẻm, ai cũng biết bà. Bà đi chợ hàng ngày, nên các ông xích lô và các bà bán hàng đều quen mặt. Hết tiền cứ mua thiếu chẳng sao. Các chị bán vé số nếu bán không hết đều kiếm bà nhờ mua hộ. Có một lần bà từ chối nhưng chị bán vé số cứ nài nỉ vì đến giờ xổ số. Chiều dò số, bà trúng độc đắc, không biết là cá cặp mấy.  Người ta đồn ầm cả xóm. “Là thần tài tới kiếm bà.”  Chắc đó là ơn trên phù hộ vì bà khổ cực, một mình nuôi 11 đứa con.

 

Dì tôi thích xem cải lương. Bà là khán giả ái mộ cô đào Thanh Nga và kép Thanh Sang, bà thường dắt con gái thứ nhì của tôi đi xem. Nhưng mỗi khi cầm sách đọc là bà ngủ khò, trái với mẹ tôi có thể đọc sách cả đêm. Suốt cuộc đời bà chỉ lo cho con cháu. Cứ như thế nhiều năm trôi qua ..

 

Tôi được định cư qua Mỹ năm 86. Dì tôi thường viết thư thăm hỏi, báo tin, “Tôi sắp sửa qua gặp chị và các cháu”. Nhưng ngày đó chưa đến, thì tin dì tôi đột ngột qua đời đã tới trước.

 

Dì tôi đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi, không đợi tới ngày hội ngộ. Tôi không bao giờ quên được tiếng cười khanh khách, vô tư, cùng khuôn mặt đẹp phúc hậu giống các bà mệnh phụ ngày xưa của dì. Mắt to, mũi cao, lông mày vòng nguyệt.

 

Đám tang của dì tôi đông không thể tưởng tượng, mọi người đi bộ theo sau quan tài chật cả một đoạn đường dài từ Yên Đổ ra tới Tân Định, Hai Bà Trưng. Mọi người đi qua đều dừng lại để xem đám tang của ai mà đông thế.

 

Một bài hát có câu:

“Vạn người quen có mấy người thân,

Đến khi lìa trần có mấy người đưa.”

 

Nhưng dì tôi đã không cô đơn, có mấy trăm người thân sơ, đưa tiễn dì tôi tới nơi an nghỉ cuối cùng, giống như câu nói. “Khi sống không bằng ai, nhưng khi chết không ai bằng.”  Nhà thờ chật ních người, chưa kể một số đông đứng đầy ngoài sân.

 

Cha chủ tế đã nói: “Tôi không biết bà cụ này lúc sống như thế nào. Nhưng chỉ nhìn số người hiện diện trong thánh lễ hôm nay, cũng đủ nói lên sự thương mến của mọi người, đối với bà".

 

Cha phó tế là một cha ở một họ đạo xóm khác, nhưng nghe nhiều người đồn, có một bà rất là tử tế, phúc đức qua đời, cha tới làm lễ cho. Một người quen cho biết, ông cha này ít khi làm thánh lễ cho ai, dù rất nhiều người mời. Đây cũng là một ơn phước cho dì tôi. Một người đàn bà Việt Nam, một người mẹ suốt đời tận tụy hy sinh cho con cháu.

 

Có nhiều người nghèo trong xóm tới nói cho biết, có thiếu tiền của dì tôi lúc sống. Cậu em của tôi bảo: “Thôi, bây giờ các bác cứ khấn xin mẹ tôi đi, chứ chúng tôi cũng không đòi nữa.” . Lúc đó mới biết bà giúp đỡ rất nhiều người nghèo.

 

Sau khi dì tôi chết chừng 1-2 tháng, gia đình được gọi phỏng vấn. Không biết có phải dì tôi phù hộ hay không ? mà gặp được ông trưởng phái đoàn Mỹ, khi thấy mấy người ở lại, vì đã lập gia đình, có con. Ông ta bảo “Lái xe về chở những người ấy lên đây, tôi sẽ làm hồ sơ cho đi hết.” Thật chưa từng có trường hợp nào như vậy. Và gia đình các con cháu của dì tôi gồm 17 người, đã tới Mỹ thật nhanh.

 

Mùa xuân, Tết đến “Nhìn bánh chưng xanh , chạnh nhớ người xưa.” Chúng tôi đã ăn thử, đặt bánh nhiều chỗ, nhưng cuối cùng vẫn thấy, không đâu ngon bằng bánh của dì tôi. Những chiếc bánh chưng với mùi vị thơm ngon độc đáo, cộng thêm món củ cải muối độc nhất vô nhị của bà, không ai sánh bằng. Nay bánh chưng của dì tôi đã thất truyền, không người kế nghiệp, tiếc thay.

 

Các con của dì tôi, người ở Houston, người ở Cali. Mỗi lần xuân về, vẫn ngậm ngùi, nhớ về những cái Tết xum vầy, đầm ấm bên mẹ ngày xưa.

 

Có tiếng hát đâu đây: “Chiều nay, buồn đứng nhìn về nơi tận cuối trời, chạnh lòng nhớ quê xưa. Buồn ơi, sao tiếc nuối một thời tôi dấu yêu !”

 

Ôi sao nghe buồn thấm thía !

 

 

Tường Vi

 

(Viet Truong sưu tầm và chuyển)

 

 

website counter