SU'U TÂ`M 12

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | LINKS | SÚ'C KHO?E | SÚ'C KHO?E [tt] | CU'Ò'I CHÚT CHO'I | CU'Ò'I CHÚT CHO'I [tt] | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | PHIM | Tin NÓNG !!! | CÂ?N THÂ.N | 9 NGU'Ò'I .. 10 Ý | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4

VA(N 8

 

 

Gió lay hoa mận

(Vương Hà)

 

          Buổi chiều định mệnh, lão Nhân bắt gặp một cô gái nằm gục trong rừng, mặt bệch như sáp. Thoạt đầu lão hoảng, tưởng gặp người chết nên định vùng bỏ chạy. Khi phát hiện cô còn thở, lão mới dám định thần nhìn kỹ. Cô gái rất trẻ, chỗ vùng bụng vồng lên lùm lùm. Rõ là người đang mang bầu. Lòng lão Nhân rối bời, đời lão chưa gặp phải trường hợp như vậy bao giờ. Tiếng kêu líu ríu của lũ chim chiều gọi nhau về tổ khiến lão tĩnh tâm hơn. Lão tháo bầu đựng nước đeo bên hông, đổ từng chút, từng chút vào miệng cô gái. Mắt cô mở ti hí, lờ đờ nhìn xung quanh, rồi lại nhắm lại. 

 

          Cứu một mạng người bằng xây bảy toà tháp. Lão không được học chữ nhưng đạo lý này lão biết. Lão xốc cô gái lên lưng. Cô khá nặng, ngón chân lão toẽ ra, bám vào đất đi cho vững. Vất vả lắm, lão mới cõng cô gái đến được chỗ buộc ngựa. Lão định vắt cô gái úp sấp lên lưng ngựa. Không được. Lão sợ ảnh hưởng cái thai. Vậy là lão lại cõng. Còn con ngựa, lão buộc dây vào cổ tay, dắt theo.

 

           Lão Nhân không nhớ mình đã nghỉ bao lần dọc đường trước khi về đến nhà. Nhà lão chiều ngang sáu bước, chiều dọc bốn bước, lão sống độc thân nên cũng chỉ cần có thế. 

 

          Đặt cô gái nằm lên giường, lão Nhân nấu vội nồi cháo loãng. Cháo chín, lão thổi nguội rồi cạy miệng cô gái bón từng thìa một. Tay lão vụng, lóng ngóng khiến cháo chỉ vào miệng được một phần ba, phần còn lại chảy xuống cổ cô gái. Lão vừa bón, vừa phải lấy khăn lau. Lão bón cháo mà như đánh vật. Xong bát cháo, cô gái vẫn thiêm thiếp, không cử động. Lão ngồi bên cạnh, khấn trời, khấn đất phù hộ cho cô được sống. Đêm. Lão ngủ dưới đất, chiếc giường duy nhất dành cho cô gái. Thỉnh thoảng lão lại sờ chân cô xem còn ấm không. Lão sợ cô chết.

 

          Sáng hôm sau. Cô gái tỉnh. Cô cố ngồi dậy và lần ra khỏi giường. Mọi thứ xung quanh lạ hoắc. ánh mắt cô dừng chỗ lão Nhân.

 

          Lão Nhân mừng rỡ:

          - Trời đất còn biết thương người ! Vậy là sống rồi.

          Cô gái nhìn lão chằm chằm.

          Lão hỏi:

          - Cháu nhà ở đâu, sao lạc đến đây ?

          Cô gái im lặng.

          - Đừng sợ ! Ta không phải người xấu. Là người xấu thì ta đã không cứu cháu - Lão tưởng cô sợ nên trấn an.

          Đột nhiên cô gái quỳ xuống, nước mắt dàn dụa.

          Lão Nhân bối rối, đỡ cô gái.

          - Cháu đứng lên đi, có chuyện gì từ từ kể.

          Cô gái nghẹn ngào, thốt kể từng lời ngắt quãng:

          - Cháu tên là Thương ...

 

          Lão Nhân lặng người nghe. Câu chuyện buồn quá. Hoá ra Thương đã bị lừa và bán ra nước ngoài làm gái bán dâm, ngày phải tiếp hàng chục gã đàn ông. Sau đó chủ nhà chứa bán Thương cho người thiểu số sống giáp biên giới Việt Nam. Thương phải làm vợ chung cho đám đàn ông trong nhà, và cô đã trốn khi có cơ hội. Thà chết nếu trốn mà lạc trong rừng, còn hơn ở lại để bị đoạ đầy thân xác. Trước khi trốn, Thương đã mang thai.

 

          - Ông ơi ! Đừng đuổi cháu đi, xin cho cháu ở lại. Bây giờ cháu chẳng còn mặt mũi nào về quê. Cháu mà về, phải chịu cảnh khinh miệt, chắc không sống nổi - Giọng Thương nghe cứa xót như tiếng mọt nghiến gỗ.

          Lão Nhân thở dài.

          - Cháu muốn ở lại ta không cản, muốn đi ta không giữ. Nhưng cháu nên biết ... sống nơi đây nhọc nhằn, cơ cực lắm.

          Thương nói với lão:

          - Còn khổ nhục nào hơn nỗi khổ nhục cháu đã trải qua ? - Cô hạ thấp giọng, như để chỉ đủ mình nghe - Nhà cháu ở quê cũng nghèo lắm.

          Lão Nhân lại nói tiếp, nhưng theo cách riêng của lão:

          - Sống ở bản Tẹo khốn (khổ), khổ, khổ đến nỗi không khổ. Cháu sống được không ?

          Khổ đến nỗi không khổ ? Thương nghe, không buồn cười mà thấy có lý. Ừ ! Có thể người ta quá khổ rồi thì sẽ không thấy khổ, sợ khổ nữa.

          Thương nhất quyết:

          - Cháu sẽ ở lại, dù khổ đến mấy !

 

           Lão Nhân làm thêm chiếc giường. Gọi là giường nhưng lão chỉ việc ra vườn chặt chạc cây mận chôn xuống đất làm chân rồi trải giát tre lên. Vườn nhà lão mận mọc vô ối, cây nào cũng phủ rêu mốc thếch, già cổ. Một thứ mận chua, chịu hạn dẻo dai, đến mùa hoa phủ kín thân cành bất chấp tiết trời khắc nghiệt. Mận mọc chen với đá. Không thể khác, bởi quanh khu vực bản Tẹo chỗ nào cũng đá, tầng tầng, lớp lớp nhọn như chông. Thương nhìn, ngậm ngùi: "Dân ở đây chắc nghèo lắm, quê mình cũng nghèo nhưng còn khá hơn đây" ..

 

          Thương nghĩ không sai. Bản Tẹo đất rộng, người thưa, cuộc sống khắc nghiệt, quanh năm thừa đá, thiếu nước. Nơi đây không chỉ lắm muỗi, lắm bọ chó mà còn rất nhiều ruồi vàng. Ruồi vàng cắn còn sợ hơn ong đốt, nốt ruồi cắn rỉ nước vàng cả tháng. Sống ở đây là cả cuộc chiến mưu sinh, không có những phút giây nhàn nhã nghỉ ngơi. Nghỉ là đói.

 

          Mang thai, Thương lúc nào cũng thèm ăn. Trái mận chua cô cắn cứ ngọt lịm như đường. Vườn mận nhà lão Nhân thừa để Thương ăn suốt đời, suốt kiếp. Nhưng mận không thể thay cơm, mà chỉ làm dịu cơn thèm trong chốc lát. Thương luôn ước được ăn bữa cơm có thịt, cá. Cơn thèm  chao đảo cả trong giấc ngủ. Nhưng cô chỉ dám ước thầm. Nói ra lại làm khổ lão Nhân.

 

          Không người thân, nên lão Nhân coi Thương như con ruột. Lão không cho Thương động chân tay vào việc nặng. Đàn bà bụng mang dạ chửa đụng việc nặng dễ hỏng thai. Nhà thêm người, lão phải làm việc cố hơn mọi ngày để kiếm tiền. Mình lão ăn rau rừng, cơm độn thế nào cũng được. Nhưng còn Thương và cái thai trong bụng. Cần phải có tiền để mua các thứ. Lão đã rất cố gắng, vậy mà tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu. Túng tiền. Lão vắt óc, tính đến chuyện bán con ngựa ky cóp cả đời mới mua được. Bán ngựa, lão tiếc đứt ruột. Nhưng lão nghĩ kỹ rồi, ngựa không quý trọng bằng người. Vả lại, lão cũng đã già, sống còn được bao lâu. lão mà chết, ngựa thành ngựa hoang.

 

          Lão Nhân đem ngựa xuống chợ bán. Không hiểu lái ngựa biết lão cần tiền nên bắt chẹt hay tại lão quá thật thà mà con ngựa chỉ bán được hơn nửa giá trị. Có được món tiền, lão mua đồ cho Thương, cho cả đứa cháu chưa chào đời. Không còn ngựa, lão thay ngựa cõng đồ trên lưng. Đường xa, đồ nặng, mồ hôi thấm cả vào những bộ áo quần trẻ sơ sinh.

 

          Tiết trời giục hoa nở. Thương trở dạ. Lão Nhân cuống cuồng đi nhờ bà đỡ. Chuyện đàn bà sinh nở, lão chẳng có chút nào hiểu biết. Lão không dám bước vào nhà, cứ như người thừa, đứng quanh quẩn bên gốc mận già, chờ đợi. Tiếng Thương rên vì đau vọng ra bên ngoài đều đều. Thế rồi trong căn nhà tồi tàn của lão bất chợt im lặng, như không có người. Lão Nhân lo lắng. Nhưng đó là khoảng im lặng để chuẩn bị bùng nổ. Đến lúc lão Nhân sốt ruột gần như không chịu nổi nữa sự im lặng tù túng, ngột ngạt đó thì tất cả vỡ oà. Tiếng con trẻ sơ sinh khóc oa oa, lao vút qua ngọn cây mận già, bay theo mười hai bà mụ để đến báo với đấng tạo hoá rằng trần gian nay có thêm một thiên thần nhỏ. Lão Nhân bấu chặt ngón tay vào gốc cây, lòng lâng lâng như được tặng quà quý. Lão ho khan để che giấu điều gì đó rất khó tả. Có thể gọi cái khó tả ấy là niềm vui.

 

          Nhưng lão chưa kịp vui thì bà đỡ đã gọi thất thanh.

          - Lão Nhân ơi ! Vào đây ngay !

          Lão linh cảm chuyện không hay. Nguy rồi ! "Người chửa, cửa mả".      

          Mặt Thương trắng bệch còn hơn lần lão gặp trong rừng.

          Lão gọi mà như gầm:

          - Con gái ơi !

          Bà đỡ kéo tay lão.

          - Đừng thế nữa. Nó bị băng huyết. Lão nhanh đi gọi người giúp đưa ra bệnh viện. May còn cứu được.

          Miệng lão đắng như ngậm củ Hoàng Liên. Lão chạy lồng khắp bản. Chạy như ngựa phi nước đại.

 

          Người bản Tẹo bỏ dở mọi việc để giúp lão. Mẹ con Thương được đặt nằm trên chiếc võng buộc gá bằng chăn chiên. Người bản Tẹo thay nhau khiêng, đi như chạy, đi không nghỉ. Đường đến bệnh viện quá xa. Người bản Tẹo thở phì phò, nước bọt bắn ra hai bên mép.

 

          Đến nơi, mẹ con Thương được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Người bản Tẹo kẻ đứng người ngồi, nhưng mắt đều nhìn về phía căn phòng đó.

 

          Không rõ thời gian trôi bao lâu. Cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ báo tin:

          - Đứa trẻ không sao cả. Còn người mẹ chúng tôi đã cầm được máu. Nhưng cô ấy mất máu quá nhiều, nếu không được tiếp kịp thời thì rất khó đảm bảo tính mạng. Bệnh viện chúng tôi lại hết máu dự trữ.

          Người bản Tẹo liền cùng níu cánh tay bác sỹ, rồi đồng thanh:

          - Mạng người quý giá. Lẽ nào thấy chết không cứu. Bác sỹ hãy lấy máu của chúng tôi !

 

          Bác sỹ nhìn người bản Tẹo. Người bản Tẹo da vàng, mặt gầy, mắt lồi, gân xanh nổi, chân tay khẳng khiu như cành khô. Bác sỹ ái ngại. Người bản Tẹo biết bác sỹ đang nghĩ gì.

 

          Họ tiếp tục khẩn cầu.

          - Đồng ý đi bác sỹ ! Người bản Tẹo chúng tôi trông thế thôi nhưng khoẻ lắm, đủ sức hiến máu. Cứu người là quan trọng, bác sỹ không phải ngại.

          Bác sỹ xúc động:

          - Được ! Bệnh viện hứa sẽ hết sức cứu chữa cho cô ấy. Bây giờ, ai là thanh niên lập tức theo tôi đi thử máu.

          Thương được cứu sống. Huyết mạch trong cô giờ chứa cả máu người bản Tẹo. Đứa con bú sữa cô, là được truyền cả máu của người bản Tẹo.

 

          Có con, Thương thấy thêm yêu cuộc sống, yêu mọi thứ xung quanh. Đứa con, báu vật đời người, đã trao cho cô thứ tình cảm mới, tình mẫu tử. Nhìn dáng đỏ hoàng hôn cô tưởng tượng hoa hồng, nhìn màu xanh đồi núi cô tưởng tượng gấm vóc. Thấy Thương vui trở lại, lão Nhân mừng nhưng buồn nghĩ xa xôi: Mẹ con nó chỉ là con chim đến đậu tạm bản Tẹo, rồi lúc nào đó lại sẽ theo gió bay đi, tìm về nơi tổ cũ.

 

          Mới chớm vào thu, sương dở ương sớm có, sớm không, nhưng cũng đủ ẩm để người bản Tẹo gieo cải ngọt. Cải ngọt tựa như người bản Tẹo, sống bám vào đá, nhưng vẫn mơn mởn, hắt xanh lên cả nền trời.

 

          Đứa con của Thương được ăn dặm bằng canh cải ngọt.   

 

          Rồi mùa cải ngọt cũng hết, con chim đậu tạm muốn trở về chốn cũ.

 

          Ngập ngừng mãi Thương mới đủ can đảm thốt lời:

          - Bố ơi ! Bố cho phép con đưa cháu về quê.

 

          Thương nói mà mặt cúi gằm xuống đất, mắt chẳng dám nhìn thẳng lão Nhân. Lão nén tiếng thở dài. Lão biết, trước sau chuyện này cũng đến, nhưng lão mong nó xảy ra càng muộn càng tốt. Lão đã quen với tiếng con trẻ khóc trong nhà, quen gót chân hồng bé xíu đạp vào ngực, quen đôi mắt đen láy, lanh lợi chăm chú theo dõi tìm hiểu thế giới xung quanh của nó. Thương đưa con đi, lão buồn hụt hẫng. Nhưng lão không thể giữ Thương lại được. Con chim đã đến lúc trở về tổ của nó.

 

          Lão Nhân làm cơm chia tay. Thương ngăn vì không muốn lão vất vả thêm. Lão giải thích: "Cũng là làm lý để cảm ơn nghĩa cứu mạng của người bản Tẹo".

 

          Bản Tẹo chiều nay không nhà nào khơi bếp củi, tất cả được mời đến nhà lão Nhân ăn tối. Bữa cơm được dọn dưới gốc cây mận, dưới trăng. Đuốc nứa cắm xung quanh, sáng như đêm hội. Bát ăn, chén uống được tiện từ thân tre, thân vầu. Thức ăn bày trên lá chuối. Nhiều món ngon quá ! Tính ra, bữa ăn này đủ cho lão Nhân sống cả năm. Cổ họng Thương nghẹn, nuốt không nổi. Lão Nhân đã vì mẹ con Thương quá nhiều. Thương nợ lão Nhân, nợ người bản Tẹo.

 

          Tinh mơ hôm sau, khi sương còn đắp chăn cho bầu trời, chim còn ngái ngủ chưa cất tiếng, lão Nhân lếch thếch đưa mẹ con Thương ra thị trấn. Lối mòn quanh co ướt nhẹp sương. Thương địu con đi trước. Lão Nhân làm con ngựa thồ đồ trên lưng đi phía sau. Suốt quãng đường, Thương và lão Nhân đều lầm lũi, im lặng.

 

          Trước khi xe chuyển bánh, Thương nói gọn một câu:

          - Con sẽ trở lại đón bố !

          Lão Nhân cười, nụ cười méo xệch.

          - Không cần đâu con ạ ! Ta sinh ra tại bản Tẹo, cũng sẽ chết tại bản Tẹo thôi.

 

          Mận chín nẫu rụng. Quạ về kêu ngọn cây. Một thời gian ngắn sau, lão Nhân qua đời. Lão nằm ngửa trên chiếc giường có chân làm từ chạc cây mận, tay bắt chéo trên ngực, thanh thản như ngủ, môi héo phảng phất nụ cười. Đám tang lão không hề có tiếng khóc. Chỉ có người than: Nếu lão Nhân không vắt kiệt sức nuôi người dưng thì chắc còn sống được lâu hơn nữa.

 

          Vườn mận già cổ bỏ hoang.

 

*  *  *

 

          Mười mùa xuân, hạ, thu, đông qua đi. Người bản Tẹo hầu như đã quên toàn bộ chuyện về lão Nhân và mẹ con cô gái. Mộ của lão Nhân giờ mọc đầy lau lách, như mộ vô chủ, quanh năm không một nén hương. Trẻ chăn trâu thường hay qua, vẫn ngỡ đó chỉ là mô đất nhỏ.

 

          Một ngày đẹp trời, hây hẩy gió xuân, hoa mận nở trắng như tuyết phủ đầy những mảnh vườn bản Tẹo, có một chiếc xe hơi sang trọng men theo con đường gập ghềnh đi vào bản. Xe dừng lại trước nền ngôi nhà cũ của lão Nhân. Từ trên xe bước xuống một người phụ nữ và một đứa trẻ chừng chục tuổi. Khi nhìn thấy cảnh nền cũ cỏ hoang, không dấu hơi người, gương mặt người phụ nữ thật sự thất vọng, đôi bàn tay xoắn chặt vào nhau. Trong phút chốc, không gian lặng im. Cái lặng im đó như sợi dây, trói siết vào tim người phụ nữ. Cô đưa hai tay ấp lên ngực như cố cởi chiếc nút buộc vô hình.

 

          Người phụ nữ dắt con đứng giữa cỏ hoang, giữa mận dại, ngắm nhìn từng chỗ rất kỹ, mong tìm hình ảnh của mười năm trước.

          - Bố Nhân ơi ! Con Thương về tìm Bố đây ! - Cô nói bằng lời trái tim.

 

          Mười năm chờ đợi. Con chim đã bay trở lại. Vâng. Người phụ nữ đó chính là Thương. Gió lay hoa mận. Cành hoa trắng sà xuống, chạm vào má Thương. Thương ngắt một bông cho vào miệng. Cô khẽ nhấm. Vị hoa mận không đắng, không ngọt, chỉ hơi chát, theo nước bọt trôi xuống cổ họng.

 

          Thương nói với con:

          - Tẹo ơi ! Nhà ông ngoại là chỗ này đấy. Con vẫn thắc mắc sao mẹ hay gọi con với cái tên Tẹo xấu xí. Giờ chắc con đã hiểu, Tẹo là bản Tẹo chứ không phải là tí tẹo đâu.

          - Ơ mẹ ! - Bé Tẹo ngạc nhiên - Con vẫn được nghe bà ngoại kể là ông ngoại chưa từng một lần bước chân ra khỏi làng cơ mà ?

          Thương xoa đầu con.

           - Đúng thế đấy ! Nhưng con là một đứa bé may mắn vì có hai ông ngoại ! Một ông ngoại đã sinh ra mẹ, còn một ông ngoại nuôi hai mẹ con ta.

 

          Người bản Tẹo đưa mẹ con Thương thăm mộ lão Nhân. Họ men theo lối nhỏ chênh vênh dẫn lên đồi. Lòng Thương cũng chơi vơi, chênh vênh như con đường nhỏ.

 

          Đến nơi rồi. Mộ lão Nhân đây ư ? Thương quỳ trước mộ. Cô thẫn thờ, đầu óc mông lung. Lòng người buồn nên cảnh sắc cũng man mác buồn. Nắng xuân dường như không phải thứ nắng tươi tắn, rực rỡ, mà nhuốm màu vàng sậm gợi nỗi buồn bao chùm  cảnh vật. Gió đồi hun hút. Cỏ lau cong mình uốn cần câu, đung đưa. Chúng vừa trải qua mùa đông, chưa kịp hồi sinh, khô khong úa, lại càng khơi dậy màu vàng buồn đẫm.

 

          Thương thắp hương, thầm thì:

          - Bố ơi ! Mọi thứ đã quá muộn, con không còn kịp đền ơn tái sinh. Nhưng Bố hãy yên lòng nơi chín suối, trên thế gian này vẫn có một người con luôn nhớ về Bố.

 

          Khói hương bay theo những lời thì thầm.

 

          Bé Tẹo chợt reo:

          - Mẹ ơi, nhìn kìa !

 

          Thương nhìn theo hướng cánh tay bé Tẹo. Một đàn bướm  hàng ngàn con bay đến. Muôn màu, muôn vẻ. Chúng bay đan vào nhau tạo thành chiếc cầu vồng bướm lung linh. Thương từng nghe nói: Cầu vồng là chiếc cầu nối để người khuất về thăm người sống. Thương nghĩ: Chắc hồn Bố linh thiêng, nghe được lời con nên mới xuất hiện chiếc cầu vồng bướm kỳ lạ.

 

          Tàn tuần hương, Thương dắt con về. Đi được một đoạn, cô còn ngoảnh lại nhìn ngôi mộ. Cô thấy hình ảnh lão Nhân đứng đó, bàn tay vẫy giữa muôn cánh bướm, môi mỉm cười. Trông lão chẳng hề già đi chút nào. Nắng xuân lúc này dường như lại vàng tươi rực rỡ.

 

          Thương cùng con gái ở lại bản Tẹo thêm mấy ngày. Cô xót xa. Cái nghèo bản Tẹo không khác mười năm trước là mấy: Vẫn những cơn khát nước kinh niên vào mùa khô; vẫn lớp học mẫu giáo được dựng bằng gianh, tre, nứa, xập xệ đến mức không tin nổi; ... chỉ có hoa mận là nở trắng xoá. Thương ra thị trấn mua rất nhiều quần áo, đồ chơi và kẹo chia cho con trẻ trong bản.

 

          Những ngày ở lại, Thương thuê người xây mộ cho lão Nhân. Chưa bao giờ dân bản Tẹo nhìn thấy một ngôi mộ được xây đẹp đến thế. Họ lại có chuyện để kháo nhau: "Không ngờ, đời lão Nhân sau cùng thật có hậu".

 

          Mẹ con Thương tạm biệt bản Tẹo. Hoa mận vẫn trắng phau dù đã bắt đầu lác đác kết trái non. Trên con đường trở về, đất trời lồng lộng gió xuân, cỏ cây mơ giấc mơ màu xanh. Bản Tẹo khuất dần rồi xa hẳn. Nhưng chỉ là tạm xa thôi. Thương biết, mình còn nặng lòng với mảnh đất nơi này lắm.

 

 

VƯƠNG HÀ

 

(Phạm Hồng-Trần nhặt được trên Net)

 

 

website counter