Vùng Sáng Của Cuộc Đời
(Anthony Hưng Cao)
Một
ngày cuối tháng 9-1988, có chàng học
trò 19 tuổi, cùng gia đình gốc quân
y VNCH định cư tại vùng Little Saigon theo diện
bảo lãnh đoàn tụ. Chỉ sau 7 năm vừa
làm vừa học, anh học trò nghèo tốt
nghiệp bác sĩ nha khoạ Đó là trường
hợp bác sĩ Anthony Hưng Cao, hiện hành nghề
tại Costa Mesa. Ngoài nghề nghiệp y khoa, ông còn là người
viết văn, soạn nhạc. Năm 2008, ông nhận
giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. CD
đầu tay của ông mang tên "Phượng
Đỏ Mùa Đông" hiện đang phát
hành khắp nơi. Bài gần nhất của Anthony
là "My Life," tự truyện. Sau đây
là bài viết mới nhất, một chuyện
có thật trong mùa tạ ơn 2009.
***
Khi người bệnh
nhân cuối cùng vừa rời khỏi phòng mạch,
tôi đang thu xếp đồ đạc để
chuẩn bị ra về thì cô thư ký của
văn phòng gọi tôi:
- Bác sĩ, có
điện thoại từ pharmacy.
"Chắc
bên pharmacy sợ có bệnh nhân nào bị
phản ứng với thuốc tôi ghi trên toa,
nên mớI gọi lại đây". Tôi nghĩ thầm trong bụng
trong khi bước đến chỗ đặt điện
thoại.
- Hello, tôi
là Bác sĩ C. đây.
Phía bên
đầu dây là giọng của một cô
Dược sĩ trẻ mà tôi ước độ
khoảng chừng chưa quá ba mươi tuổi.
- Chào Bác
sĩ C. Tôi là Nancy gọi từ pharmacy - Giọng
cô gái vang lên trong trẻo - Chúng tôi
có nhận một toa thuốc do Bác sĩ ghi.
Có phải ông Trung N. là bệnh nhân của
Bác sĩ không ?
Từ khi mua phòng mạch ở
thành phố Costa Mesa, một thành phố nhỏ
tuy nằm không xa khu Little Saigon, nhưng bệnh
nhân tôi gặp không có nhiều người
Việt Nam, mà phần lớn là người Mỹ
và Mễ. Tôi nhớ gần hết tên những
người bệnh nhân Việt Nam. Cái tên
Trung N. không xa lạ gì, nhất là khi tôi
mới gặp anh ta vào buổi sáng hôm nay.
- Đúng rồi,
Trung N. là bệnh nhân của tôi. Có
gì không cô ? Tôi hỏi lại vì
đã đọc được vẻ gì
khác thường trong giọng nói của cô
Dược sĩ.
Nói đến
nghề Dược sĩ, tôi rất phục họ về
tài đọc chữ "rồng bay phượng
múa" hay "gà bươi" từ các
toa thuốc của các Bác sĩ. Rất hiếm
khi họ phải gọi cho Bác sĩ vì đọc
không ra. Chữ viết tay của tôi cũng
không đến nỗi nào, nên tôi
không nghĩ cô Dược sĩ gọi tôi
vì đọc không rõ.
- Bác sĩ C.
à, Bác sĩ có nhớ viết liều lượng
bao nhiêu cho bệnh nhân này không ?
- Cô chờ
tôi một chút - Tôi ra dấu cho cô thư
ký đưa tôi xem hồ sơ của Trung N. -
Đây rồi, 20 viên thuốc Vicodin, thưa
cô.
Giọng của
côDược sĩ bỗng trở nên cứng rắn:
- Tôi cũng
nghĩ như vậỵ Nhưng khi ông Trung N.
đưa cho chúng tôi toa thuốc, tôi thấy
ghi số 200 viên.
- Trời ! Tôi
kêu lên thảng thốt, tuy đây không phải
là lần đầu tiên tôi gặp tình
huống này.
Trước
đây cũng có mấy lần bệnh nhân tự
tăng số 20 thành 28 hoặc sửa số 20
thành 30. Rút kinh nghiệm, tôi thường viết
ra số lượng bằng chữ trong dấu ngoặc
sau con số tôi viết, nhưng đôi khi vì
vội hoặc quên, tôi cũng bỏ sót
như trường hợp cái toa thuốc này.
- Bác sĩ
có muốn chúng tôi gọi cảnh sát
đến làm biên bản không ? Cô Dược
sĩ hỏi.
Tôi vốn
không thích những người cố tình
đánh lừa Bác sĩ bằng cách sửa
đổi toa thuốc như vậy. Họ thường
là những người đã nghiện thuốc.
Tôi đã từng gặp những bệnh nhân
loại này. Họ đi từ Nha sĩ này đến
Nha sĩ khác chỉ để xin thuốc. Qua
cách nói chuyện và diện mạo bên
ngoài của họ, tôi có thể đoán
khá chính xác thành phần này.
Nhưng đối với Trung, tôi nhớ hình
như anh ta không phải là loại người
như vậy.
Tôi lật vội
hồ sơ của Trung để xem tôi có ghi toa
thuốc nào cho anh ta trước đây hay
không. Tôi chỉ thấy một vài toa thuốc
trụ sinh và thuốc chống đau thông thường.
Sáng hôm nay là lần đầu tiên anh ta
xin thuốc chống đau loại mạnh hơn.
- Bác sĩ cho
em thuốc nào mạnh hơn những lần trước.
Em chỉ sợ bị đau, ngủ không được
vì mấy hôm nay em thường hay bị mất
ngủ - Trung cất giọng nài nỉ.
Thường
thì tôi ít khi xiêu lòng, nhất là
khi biết vài cái trám răng thông thường
như tôi vừa mới làm xong cho Trung thì
không thể làm cho anh ta đau đến "mất
ngủ". Tuy nhiên, nhìn vẻ mặt bơ phờ,
cặp mắt đỏ ngầu, mệt mỏi vì thiếu
ngủ của Trung làm tôi bỗng thấy tội
nghiệp.
- Bộ lúc
này gần Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh
nên anh phải làm việc thêm giờ hả ?
Tôi tò mò hỏi. Trung chỉ gật đầu
mà không đáp.
Trung thường
đến phòng mạch của tôi trong bộ
đồng phục của nhân viên Bưu điện,
nên lần đầu khi mới gặp Trung, tôi biết
ngay anh ta làm nghề gì mà không cần phải
hỏi. Trung thuộc loại người ít nói.
Mỗi lần hẹn đến khám răng, anh ta
đến rất đúng giờ, hoàn toàn
không phải loại người theo câu châm
ngôn "không
ăn đậu không phải là Mễ, không
đi trễ không phải Việt Nam".
Tôi để ý thấy Trung thường ngồi
kiên nhẫn ở một góc phòng đợi,
lặng lẽ giở đọc những trang tạp
chí và ít khi trò chuyện với bệnh
nhân nào khác trong phòng chờ. Đến
lượt mình, Trung chỉ gật đầu
chào hỏi xã giao và trả lời khi
tôi hỏi anh ta, chứ không nói gì
thêm như một số bệnh nhân khác. Họ
chỉ chịu ngừng nói khi tôi giơ ống
chích lên. Những lúc có thời gian,
tôi thường trò chuyện với bệnh
nhân, một phần để hiểu rõ hơn về
họ, mặt khác để họ cảm thấy thoải
mái, đỡ lo sợ hơn, nhất là khi
bước chân vào văn phòng nha sĩ. Trung
thì trái lại, khuôn mặt lúc nào cũng
thoáng vẻ ưu tư, dường như anh có
một cuộc sống nội tâm rất khép
kín. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ anh ta
vướng vào con đường nghiện ngập
thuốc.
- Thế nào
Bác sĩ, ông có muốn chúng tôi gọi
cảnh sát không ? Giọng cô Dược sĩ
chợt vang lên, thúc giục.
- Thôi, cô cứ
bảo bệnh nhân đến đây gặp
tôi.
Gác máy
điện thoại, tôi
nhìn đồng hồ. Đã hơn 7 giờ
tối. Cuối tháng Mười, trời đã
vào Thu nên bắt đầu tối sớm. Khu
parking phía bên dưới đã bắt đầu
thưa thớt xe. Hai cô phụ tá và cô
thư ký đến chào để ra về. Giờ
này chắc vợ tôi và hai cháu nhỏ
đang phụ mẹ để chuẩn bị bữa
cơm tối chờ tôi về. Ánh đèn từ
phía dưới chỗ đậu xe hắt lên in
bóng hàng cây cột tạo thành những
vệt đen chạy dài trên dãy hành lang
vắng bên ngoài. Không gian im vắng đến
độ tôi có thể nghe tiếng tích tắc
của chiếc đồng hồ treo trên tường.
Chợt có tiếng chân bước vội về
phía phòng mạch. Tôi ngẩng đầu
nhìn ra và thấy bóng dáng Trung đang
đứng thập thò ngoài cửa. Tôi ngoắc
tay ra hiệu cho anh ta bước vào. Mới gặp
Trung buổi sáng cách đây có chừng
6-7 tiếng đồng hồ mà tôi thấy Trung
thật phờ phạc. Chiếc áo đồng phục
của Bưu điện xốc xếch. Tóc Trung rối
bù. Cắp mắt dường như thêm lờ
đờ, mệt mỏi hơn lúc ban sáng.
- Chào Bác
sĩ - Trung cất giọng run run.
Tôi cầm tờ
toa thuốc mà pharmacy vừa fax qua cho tôi ra trước
mặt Trung và hỏi:
- Có phải
anh sửa lại số lượng thuốc tôi viết
trên toa không ? Anh có biết anh làm như vậy
là hại cho anh và cho cả tôi không ? Anh
có biết hậu quả của việc anh làm
không ?
Tôi nói một
hơi, cố dằn cơn bực tức đang dâng
lên trong lòng. Trung chỉ cúi gầm mặt xuống,
hai bàn tay run run đan vào nhau. Tôi chỉ nghe
Trung lí nhí nói nhỏ:
- Em xin lỗi
Bác sĩ ...
- Anh có biết
tôi có thể gọi cảnh sát tới để
làm biên bản không ?
Trung chợt ngẩng đầu lên
khi nghe hai chữ "cảnh sát". Trung nhìn
tôi với ánh mắt van lơn. Lòng tôi chợt
chùng xuống khi tôi bắt gặp ánh mắt
ấy. Tôi nói tiếp bằng một giọng nhẹ
nhàng hơn:
- Tôi muốn giúp đỡ anh,
nhưng anh phải cho tôi biết sự thật.
Tôi nhìn thẳng vào mắt
Trung, rồi hỏi tiếp:
- Có phải anh sửa toa thuốc
vì anh đã nghiện thuốc phải không ?
Trung gật đầu một cách
ngượng ngập, ánh mắt sợ hãi
nhìn xung quanh thật nhanh dường như anh lo sợ
sẽ có người thứ ba nào bắt gặp
sự thú nhận của anh ta.
- Trung có nói chuyện này với
ai chưa ? Bác sĩ gia đình hay người
thân chẳng hạn ?
Tôi đổi cách xưng
hô và cảm thấy như Trung có vẻ bớt
căng thẳng hơn lúc đầu. Trung lắc
đầu, trả lời một cách mệt mỏi.
- Dạ, có một vài Bác
sĩ phát hiện em lạm dụng thuốc. Khi họ
không cho toa nữa thì em đổi qua Bác sĩ
khác. Nhiều khi kẹt quá, em lái xe qua
bên Mễ để mua thuốc chui. Em bị chứng đau
xương sống từ sau lần vượt biên. Trong
chuyến đi đó, thấy mấy cô gái
trên tàu bị bọn cướp biển hãm
hiếp nên em cùng mấy thanh niên khác
trên tàu ra tay chống lại với bọn
chúng để cứu mấy cô gái. Không
ngờ em bị một tên đập một thanh sắt
từ sau lưng tới, làm em ngã xuống bất
tỉnh. Khi qua Mỹ, em có cố gắng đi chữa
trị nhưng vẫn không khỏi. Năm ngoái,
Bưu điện lại cắt nhân viên do thiếu
hụt ngân sách nên em lo sợ bị thất
nghiệp, cộng với cơn đau thỉnh thoảng
tái phát nên em bắt đầu dùng thuốc
chống đau nhức. Lâu dần thành quen. Em dấu
không cho vợ con em biết vì sợ gia
đình sẽ tan vỡ ...
Tôi thấy Trung thật tội nghiệp,
anh đứng nói chuyện với tôi như muốn
thổ lộ hết những tâm sự chất chứa
trong lòng bị đè nén bấy lâu nay.
- Nhưng Trung à, anh không thể
tiếp tục như vậy được. Tôi
đã gặp nhiều trường hợp mà
lúc đầu họ chỉ dùng thuốc để
mong tạm quên đi những đau đớn về
thể xác và tâm hồn. Dần dà, họ
bắt đầu nghiện thuốc lúc nào
không hay và không thể kềm chế
được. Người nghiện sẽ tìm đủ
mọi cách để có thuốc vì những
lúc lên cơn nghiện, họ sẽ không
còn lý trí tỉnh táo để phán
xét hành động của minh nữa. Chưa kể
những hậu quả tai hại gây ra cho gia
đình, xã hội ...
- Em có cố tự bỏ một
vài lần, nhưng khó lắm, Bác sĩ
ơi ! Trung than thở.
- Từ bỏ cơn nghiện ngập
đòi hỏi nhiều ý chí và lòng
kiên nhẫn lắm, Trung à. Nhất là một
người trẻ như Trung. Trung phải đến nhờ
một nơi chuyên nghiệp để giúp đỡ.
Phải nghĩ nó như một căn bệnh, chứ
không phải là một thói hư, tật xấu
để chú tâm chữa trị. Trung phải từ
bỏ những ý nghĩ mặc cảm và
đương đầu với sự thật. Trung
nhìn kìa ...
Tôi chỉ cho Trung những vệt
đèn sáng tối trên dãy hành lang, rồi
nói tiếp:
- Ai cũng sẽ có những khoảng
sáng và tối như vậy trong cuộc đời.
Có nhiều người, nhất là những
người nghiện thuốc sẽ sống thu mình
trong bóng tối với những mặc cảm tội
lỗi. Làm thế nào họ có đủ nghị
lực và can đảm bước ra khỏi
bóng tối đó để tìm thấy
vùng sáng của cuộc đời, đó mới
là điều quan trọng trước tiên. Anh
Trung, tôi tin anh còn trẻ để có đủ
nghị lực và can đảm để
đương đầu với sự thật. Hãy
nghĩ đến hiện tại của anh, tương
lai của anh và gia đình anh nữa. Anh Trung,
chúng ta sẽ cùng nhau bỏ qua chuyện này
với điều kiện anh hứa với tôi
là anh phải đi đến Trung tâm điều
trị cho những người nghiện thuốc càng
sớm càng tốt. Tôi có biết một vị
Bác sĩ chuyên về ngành này. Tôi sẽ
cho anh địa chỉ để anh đến
đó. Anh có hứa với tôi không ?
Trung chợt nắm lấy bàn tay tôi,
siết thật chặt và ngước nhìn
tôi với đôi mắt rươm rướm
nước.
- Cám ơn Bác sĩ. Em hứa.
Tôi tiễn Trung ra cửa. Trời
bên ngoài đã tối hẳn. Ánh
đèn từ khu parking chiếu qua dãy cột
trên hành lang giờ đây càng thêm
rõ với những vệt sáng tối xen kẽ
nhau. Tôi biết Trung đang phải bước qua những
vùng sáng tối lẫn lộn trong cuộc đời
mình. Lòng tôi cũng đang dâng lên những
cảm xúc buồn vui qua câu chuyện vừa rồi
với Trung.
Tôi buồn khi biết lý do tại
sao một con người bình thường như Trung
lại có thể bị đẩy vào một ngả
rẽ như vậy trong cuộc đời. Đã bao
nhiêu năm trôi qua, nhưng những hệ lụy
của những lần vượt biển hãi
hùng vẫn còn theo đuổi, ám ảnh,
thay đổi hay làm hại cuộc đời của
biết bao con người hiền lành, vô tội
như Trung. Tôi vui vì đã kềm chế
được nỗi tức giận trong lòng để
không gọi cảnh sát đến can thiệp
và cho Trung có cơ hội để làm lại
cuộc đời. Dù sao, tôi cũng hơi lo trong
lòng không biết Trung có "ngựa quen
đường cũ" bằng cách rời bỏ
phòng mạch của tôi để tìm
cách lường gạt một Bác sĩ hay Nha sĩ
nào khác không ?
Phòng mạch những ngày cuối
năm thật bận rộn với những bệnh
nhân tranh thủ đi khám răng trước khi hết
bảo hiểm trong năm. Những công việc ngập
đầu trong phòng mạch làm tôi không
có thời gian gọi hỏi thăm vị Bác sĩ
chuyên khoa về chữa trị bệnh nhân nghiện
thuốc xem Trung có đến đó hay không.
Một buổi tối gần cuối
tháng Mười Một, trong khi tôi đang chuẩn
bị để về nhà thì có một
người bước vào. Tôi thoáng ngạc
nhiên đến suýt nữa đã không nhận
ra người đứng trước mặt tôi
là Trung, nếu không có chiếc áo của
nhân viên Bưu điện anh mặc trên
người. Trung trông khỏe mạnh, tươi vui
hơn so với dáng vẻ mệt mỏi, bơ phờ
mà lần cuối cùng tôi gặp anh hơn một
năm về trước.
- Chào Bác sĩ. Bác sĩ
có khỏe không ? Bác sĩ có còn nhớ
em không ?
- Chào anh Trung. Tôi còn nhớ
chứ - Tôi vui vẻ đáp lại.
- Bác sĩ có thời gian
không ? Bác sĩ cho em nói chuyện ít
phút với Bác sĩ được không ?
- Được chứ - Tôi mời
Trung vào phòng riêng.
Sau khi ngồi xuống ghế, Trung
rút trong túi ra tấm thiệp nhỏ, rồi
trân trọng cầm hai tay đưa cho tôi. Tôi
ngạc nhiên hỏi:
- Thiệp gì vậy anh Trung ?
- Dạ, tấm thiệp nhân Lễ
Tạ Ơn. Em muốn cám ơn Bác sĩ năm
rồi đã giúp em làm lại cuộc đời
- Trung nuốt vội nước bọt như cố dằn
cơn xúc động, rồi nói tiếp:
- Nhờ Bác sĩ mà em mới
đến Trung tâm điều trị. Trước
lúc gặp Bác sĩ cũng có người
phát hiện em sửa toa thuốc như vậy,
nhưng họ mắng chửi em rất thậm tệ. Không
có ai cho em một lời khuyên chân tình
như Bác sĩ, dù em và Bác sĩ quen
nhau không lâu. Thú thật với Bác sĩ,
đêm hôm đó em đã nghĩ đến
ý định tự tử nếu Bác sĩ gọi
cảnh sát vì em không chịu nỗi sự nhục
nhã, khinh bỉ của vợ con. May mà Bác sĩ
đã cho em cơ hội, đã khuyên em đi
chữa trị thay vì trách mắng, xua đuổi
như bao người khác ...
Giọng Trung nghẹn lại.
Đôi mắt rưng rưng. Tôi cũng cảm thấy
cổ họng mình nghèn nghẹn. Tôi chỉ
biết bước tới vỗ nhẹ lên vai Trung
và nói vài lời cám ơn Trung
đã tặng tôi tấm thiệp.
Trung về rồi, tôi vẫn ngồi
lại một mình trong phòng, hồi tưởng
những điều Trung vừa tâm sự.
Tôi muốn gửi lời cảm tạ
đến Ơn Trên đã giúp tôi
có một hành động đúng để
cứu giúp một cuộc đời và hứa với
lòng mình sẽ ghi lại câu chuyện cho nhiều
người khác có dịp đọc.
Phía dưới bãi đậu
xe, vẫn còn đông đúc những chiếc
xe của những người đi mua quà tặng cho
nhau nhân ngày Lễ Tạ Ơn. Không biết
hôm nay khu shopping có mở thêm đèn
không, nhưng hình như tôi thấy cả một
vùng sáng rực ở bên ngoài. Tôi rất
vui vì biết Trung đã tìm được
vùng sáng của cuộc đời cho mình.
Qua câu chuyện có thật
này, tôi ước mong những người lỡ
không may vướng vào hoàn cảnh nghiện
thuốc như anh Trung sẽ có thêm nghị lực
và can đảm bước ra khỏi bóng tối
của mặc cảm tội lỗi và sợ hãi
để tìm đến những nơi chữa trị
thích hợp.
Vùng sáng của cuộc đời
ngoài kia đang chờ đón các bạn.
Anthony Hưng Cao
- Thanksgiving 2009
-
(Bai Chuyen)