NIỀM VUI CỦA BỐ.
(Nguyễn Thị Thanh
Dương)
Anh Tốt ngồi
trong quầy nhìn ra đám khách hàng
đang lui cui bên những chiếc máy giặt
máy xấy quần áo. Thỉnh thoảng có
người đến đổi tiền xu bỏ
vào máy, hay khiếu nại máy móc trục
trặc gì đó, hay mua xà bông. Ôi,
đi giặt mà không mang theo xà bông, những
kiểu sống cẩu thả, hoang phí như thế
không thiếu gì trong đám dân nghèo,
đã nghèo mà còn “sang” vì
mua xà bông nơi tiệm giặt chắc chắn sẽ
đắt hơn ở chợ. Những khách hàng
kia đủ loại người, đủ kiểu,
nhưng đa số giới bình dân, vì giới
khá giả thì có nhà cửa và dĩ
nhiên có sẵn máy giặt, xấy trong
nhà.
Làm chủ tiệm
giặt bấy lâu nay anh Tốt có nhiều kinh
nghiệm, có khách còn lười đứng
canh máy, họ bỏ đi đâu đó, trả
công anh vài đồng coi chừng giùm, xong việc
anh gấp lại quần áo cho thẳng thớm gọn
ghẽ, lát sau họ chỉ việc đến lấy.
Thế là coi như anh kiếm thêm thu nhập trong
khi đằng nào anh cũng ngồi không.
Nhưng cũng
có người bỏ quần áo giặt trong
máy và … ra đi biền biệt, thành một
đống quần áo vô thừa nhận trong kho của
tiệm. Cho đến giờ anh vẫn không thể
nào giải thích nổi tại sao ? Chẳng lẽ
những người ấy rời tiệm giặt đi
đâu và … bị tai nạn chết toi bất
ngờ hay bị bệnh mất trí nhớ … đột
xuất nên không quay trở lại tiệm giặt
lấy đồ?
Thời buổi
này làm chủ tiệm giặt xấy không
có ăn vì món này đã phổ biến
mọi nơi mọi chốn, ngay trong những khu apartment
người ta cũng có phòng giặt xấy phục
vụ cho cư dân của họ, nên tiệm giặt
xấy chỉ trông chờ vào đám
khách ít ỏi nào đó, hoặc khi họ
cần giặt xấy những món to cồng kềnh
như chăn mền, tấm trải giường,
màn cửa sổ ...v..v.. những thứ không thể
giặt bằng máy ở nhà.
Chiều nay thứ
sáu anh thấy lòng lâng lâng, vì
sáng mai anh sẽ đi San Antonio thăm người
yêu Thu Dần như thường lệ mỗi cuối
tuần, nên anh sẵn sàng chiều khách trong
moị dịch vụ, cho dù khách có khó
tính hay nổi máu ba gai không kiên nhẫn
đợi chờ máy khác, vung chân đá
huỳnh huỵch vào cái máy giặt vô tội
bị hư hỏng bất chợt trong khi chủ tiệm
là anh còn ngồi lù lù gần đấy.
Khách hàng có người lịch sự,
có kẻ vũ phu như thế, anh Tốt chẳng muốn
“dây với hủi” càng to chuyện,
càng rắc rối nên cứ đành nhắm
mắt làm ngơ.
Chuyện tình
của đời anh như một vở kịch, lúc
khép lúc mở, ba chìm bảy nổi.
Ngày xưa anh và Thu Dần yêu nhau, năm
đó anh đang dạy học tại một trường
trung học trong thành phố Sài Gòn, nàng
là em gái một người bạn thân đồng
nghiệp, là cô nữ sinh năm cuối bậc
trung học.
Đã mấy
lần anh dẫn Thu Dần về giới thiệu với
gia đình, chỉ nghe cái tên Thu Dần
là mẹ anh biết ngay cô mang tuổi Dần,
bà quyết liệt phản đối mối
tình này, bắt anh phải chia tay Thu Dần
và đừng bao giờ mơ tưởng có
ngày kết hôn với cô. Mẹ anh nói con
gái tuổi Dần không tốt, nó dữ dằn,
ăn hiếp chồng, lập gia đình với ai chỉ
mang gian nan, nguy hiểm đến cho người ấy, vợ
chồng sẽ nghèo mạt rệp và hoặc vợ
hoặc chồng sẽ chết sớm, bỏ đàn
con thiếu cha hay mất mẹ đều bơ vơ tội
nghiệp.
Mẹ đặt
tên anh là Tốt, mong cuộc đời anh sẽ
tốt tươi, tốt đẹp, tốt lành, tốt
phước.v..v… nên không thể lấy cô
vợ tuổi dần để mang họa vào
thân.
Biết điều
ấy Thu Dần tủi thân và tự ái,
cô tránh mặt anh, cùng lúc mẹ anh một
lòng một dạ … cản trở duyên con
nên mối tình đầu tha thiết của anh
đã tan vỡ. Anh đau khổ lắm, không muốn
mất người yêu nhưng cũng không thể
cãi lời mẹ, vì anh là con trai duy nhất
trong gia đình.
Vài năm sau
anh Tốt lấy vợ, một người con gái
xinh đẹp do mẹ tuyển chọn, mẹ hết lời
ca tụng cô Na là con nhà gia giáo tử tế,
có học lại dịu dàng.
Hai năm sau gia
đình nhỏ của anh đi vượt biên
sang Mỹ với thằng con trai 1 tuổi và cái
thai trong bụng vợ.
Mẹ anh còn ở
lại Việt Nam , nên đâu biết rằng
cô con dâu lý tưởng của mẹ chọn
đã hà hiếp anh thế nào, cô
đanh đá, chua ngoa với anh. Tính anh nhẫn
nhịn, giỏi chịu đựng. Chẳng lẽ anh viết
thư về kể cho mẹ thêm lo buồn lúc tuổi
về già, mà chẳng cứu vãn được
gì, và chỉ vài năm sau khi gia đình
anh định cư ở Mỹ, mẹ anh đã từ
trần sau một cơn bệnh nặng.
Nếu mà mẹ
còn sống thì anh khỏi phải kể, mẹ
anh cũng đuợc biết cô con dâu không phải
tuổi Dần của mẹ cũng sống không thọ,
lìa đời sớm vì bệnh ung thư tử
cung phát hiện quá trễ. Nhưng trước
khi chết cô vẫn chưa quên tật đanh
đá của mình, vẫn lèo lái đời
anh, một buổi chiều chồng ngồi bên giường
bệnh, cô đã ràn rụa nước mắt
nói những lời trăn trối và bắt anh
phải hứa là
… không được lấy vợ cho đến
khi hai con đã trưởng thành khôn lớn.
Anh một thân
gà trống nuôi hai đứa con tuổi vị
thành niên, đứa con trai năm ấy 14 tuổi
và em gái nó mới 13 tuổi. Từ ngày
sang Mỹ anh chịu khó học lại đã tốt
nghiệp bằng kỹ sư nên cuộc sống
không vất vả lắm, cho đến khi thời buổi
kinh tế khó khăn anh bị hãng lay off, anh quay
ra làm kinh doanh, sang lại cái tiệm giặt
này, nhờ ơn trời cũng có khá lợi
tức và anh luôn sống căn cơ tiết kiệm
để nuôi hai con cho đến khi chúng ra
trường, thằng con trai là bác sĩ, và
con gái là kỹ sư như bố.
Suốt 10 năm
trời anh ở vậy nuôi hai con, không phải chỉ
vì lời hứa bị cưỡng ép bởi
người vợ ích kỷ, mà vì chính
anh, anh đã thấy cảnh bạn anh một
bác sĩ, cũng là một người cha độc
thân như anh và hai con cũng chạc tuổi con
anh lúc mới mất mẹ. Ít lâu sau bạn
anh lập gia đình mới, cảnh mẹ ghẻ con
chồng tuy không hà khắc như chuyện cổ
tích trong văn chương Việt Nam, nhưng theo kiểu
thời đại bây giờ cũng lắm trắc trở,
hai con của anh bạn bất hòa với mẹ kế,
chúng học hành chẳng ra gì rồi bỏ
học dở dang đi làm kiếm tiền miễn
là không phải ở chung mái nhà với
bà mẹ kế.
Anh Tốt
không muốn hai con của anh sẽ lâm vào
hoàn cảnh ấy, thà chúng còn bé
tí không biết gì anh đi thêm bước
nữa không sao, ở cái tuổi mới lớn,
tuổi vị thành niên đứa trẻ nào
cũng nhiều tự ái, tâm hồn mong manh dễ
vỡ như thủy tinh, nên anh không vì hạnh
phúc của riêng mình làm tổn
thương những tâm hồn ngây thơ trong trắng
ấy.
Suốt 10 năm
trời không phải con đường anh đi
luôn bình lặng, không có những
sóng gió tình cảm, nhưng anh vì con, mặc
cho người tình không thể chờ đợi,
họ bỏ anh ra đi tìm tình duyên
khác. Cho đến khi bất ngờ năm ngoái
anh tình cờ gặp lại người anh ruột của
Thu Dần, mới biết là Thu Dần hiện cũng
ở Mỹ, chồng Thu Dần là một tay ăn
chơi bay bướm đã li dị vợ mấy
năm nay vì có người tình khác, họ
có một đứa con gái duy nhất đã
lập gia đình và sống ở tiểu bang
khác, Thu Dần cũng cô đơn, cũng lẻ
loi như anh.
Anh liền
liên lạc với Thu Dần, mối tình năm
xưa sống dậy, cả hai quyết định lần
này không thể lỡ duyên nhau. Thu Dần
là kỹ sư đang làm việc cho chính phủ
ở thành phố San Antonio , còn anh đang ôm
cái tiệm giặt lớn nhất trong khu phố của
thành phố Houston này. Không ai có thể từ
bỏ công việc của mình ngay lúc này
để đến với người kia cả.
Khoảng cách
từ Houston đến San Antonio không xa, chỉ hơn
2 giờ lái xe, nhưng vẫn là khoảng cách
dài của sự chờ mong.
Hai con anh nay
đã khôn lớn, chúng hiểu bố
đã hi sinh cho chúng như thế nào.
Ngày từng đứa con tốt nghiệp đại
học ra trường anh đã ôm nó và
sung sướng đến nghẹn ngào nói chỉ
một câu:
- Đây
chính là niềm vui của Bố.
Cả hai đang
có người yêu và một ngày nào
đó sẽ lập gia đình, chúng đều
khuyên anh nên bán cái tiệm giặt để
làm bất cứ công việc gì nhàn hạ
hơn và nhất là không vướng bận
trong kế hoạch về San Antonio sống chung với
người xưa của anh. Hai con anh đã nghe anh kể
về chuyện tình trắc trở của bố với
cô Thu Dần thời còn trẻ, chúng
thương bố càng muốn vun đắp cho mối
tình đầu và bây giờ cũng là mối
tình cuối của bố.
Anh đã rao
bán tiệm giặt trên internet nhưng mấy
tháng nay chẳng có ai nghiêm chỉnh trả
giá muốn mua, chẳng lẽ tiệm giặt đang
đông khách anh lại bán vội vàng với
giá rẻ bèo sao đành?
Nên mỗi thứ
bảy, khi con gái anh ra trông tiệm giặt cho anh,
ngày Chủ Nhật tiệm đóng cửa. Thế
là anh thảnh thơi, lái xe đến San Antonio
thăm Thu Dần .
Họ cứ gặp
rồi chia tay trong khi chờ đợi thu xếp công
việc, hoặc là anh bán được tiệm
giặt hoặc là Thu Dần xin thuyên chuyển
được việc làm về Houston để
được sống bên nhau mãi mãi.
Anh đang suy nghĩ
xem sáng mai sẽ mua vài món quà gì từ
Houston mang cho Thu Dần, thì anh nghe tiếng cell phone reo:
- Anh Tốt hả, em
đây …
- Chào Thu Dần, sao em linh
thế, nãy giờ anh nhớ đến em, đang ngồi
nghĩ vẩn vơ chỉ toàn là em thôi.
Ngày mai mình lại gặp nhau rồi ….
- Em cũng thế, chẳng lẽ
chúng mình cứ là Ngưu Lang Chức Nữ
mãi sao ? Ngày xưa mình lỡ duyên
vì mẹ anh khe khắt, nay chẳng ai ngăn cấm,
ngược lại con anh và con em còn đồng
tình khuyến khích thì ông trời lại
bày ra cảnh ngộ khác.
- Anh cũng mới xuống
giá tiệm giặt rẻ hơn giá thị
trường gần chục ngàn rồi, chắc cũng
sớm bán được thôi, yên chí
đi cô Cọp nhỏ của anh
Anh vẫn âu yếm
gọi Thu Dần là “cô Cọp nhỏ”
bây giờ mẹ đã mất mà dù mẹ
anh còn sống thì cũng không thể nào
cản trở được anh nữa, anh luôn tin
là cô cọp nhỏ của anh hiền lành dễ
thương, Thu Dần sẵn sàng về Houston sống
chung với anh và hai con cho tới khi nào chúng
có gia đình riêng.
- Sắp tới giờ anh
đóng cửa tiệm rồi, không nhận
thêm khách nữa, chỉ còn vài người
khách cuối cùng đang xấy đồ dở dang,
em cứ tha hồ nói chuyện với anh nhé.
Nhưng anh vừa
dứt lời thì bóng một người vừa
đẩy cửa bước vào tiệm giặt, anh
chưa kịp lên tiếng từ chối thì ngạc
nhiên biết bao khi nhận ra đó là Thu Dần,
anh buông cái cell phone trên bàn hấp tấp
đến bên cô:
- Sao em làm anh bất ngờ
thế này! Hôm nay em lại đến thăm anh
…
- Còn làm anh bất
ngờ hơn nữa kìa, em đã xin thuyên
chuyển được việc làm về Houston rồi,
không xa chỗ anh ở là bao nhiêu đâu
nhé. Em đến tận đây để báo
tin mừng cho anh.
Anh Tốt kêu
lên đầy kinh ngạc và vui mừng:
- Trời ơi, Cọp Nhỏ
của anh làm một điều tuyệt vời
hơn cả giấc mơ.
Anh lại hấp
tấp giục cô:
- Vậy em phụ anh xếp lại
cái mớ sổ sách trên bàn giùm anh
trong khi anh đóng cửa tiệm ngay bây giờ,
khách đã xong rồi. Chúng mình sẽ
đi ăn cơm tối nhà hàng trước khi
về nhà bàn chuyện tương lai. Em làm
anh mừng phát điên lên đây này
…
Thu Dần vui vẻ:
- Em sẽ ở
chơi hai ngày dù tuần sau em mới chính thức
nhận công việc mới ở Houston . Hai ngày ở
đây em sẽ làm quen với nhà cửa của
anh, với cuộc sống của anh và hai con, trước khi chúng ta
chính thức lấy nhau.
- Nhà anh có một mảnh
vườn sau rộng lắm, cỏ xanh và cỏ xanh
…
- Ý anh muốn nhắc nhở
em mai mốt về phụ anh cắt cỏ chứ gì
?
- Ai nỡ để người
yêu cắt cỏ, ngày xưa em chẳng từng
ước mơ khi chúng mình lấy nhau, ngôi
nhà sẽ có một mảnh vườn cho em trồng
hoa Ngọc Lan để mỗi khi chiều xuống
đêm về chúng mình nằm bên nhau
trên cỏ, giữa mùi cỏ ngai ngái,
mùi hoa thơm tho …
- Không ngờ anh vẫn nhớ
lâu thế …
Người
khách cuối cùng vừa ra khỏi cửa là
anh Tốt ôm chầm lấy Thu Dần, họ cùng
vui sướng rạo rực, cùng trẻ lại như thời
mới yêu nhau.
Buổi tối anh
Tốt và Thu Dần về nhà, căn nhà
này anh mua từ khi ba bố con dắt díu nhau từ
thành phố khác chuyển vể Houston theo
công việc của anh. Bây giờ những lúc
hai con đi làm vắng nhà, anh thấy căn
nhà trống trải thênh thang, và một
ngày nào đó hai con anh sẽ có gia
đình riêng, căn nhà sẽ càng trống
trải thêm, anh khao khát chờ mong có
hình bóng người đàn bà cho ấm
lòng anh và ấm nhà ấm cửa.
Hai con anh về tới,
nghe anh kể cô Thu Dần sẽ về làm việc
ở Houston , cả hai đều vui mừng không thua
gì anh lúc nãy:
- Thật là tuyệt vời
!
- Con cám ơn cô
Thu Dần đã giải quyết được sự
bế tắc này. Vậy khi nào bố và
cô Thu Dần sẽ tổ chức đám cưới
ra mắt họ hàng và bạn bè ?
Anh Tốt
đáp ngay:
- Bố sẽ coi ngày,
là coi thời tiết mưa nắng thế nào
và coi nhà hàng nào ngon, chứ không phải
coi ngày coi tuổi gì đâu nhé. Bây
giờ cô Thu Dần tuổi Cọp có là .. cọp
dữ dằn trong rừng rậm Châu Phi thì bố
cũng sẽ cưới.
Con trai anh trịnh
trọng và cảm động nói:
- Ngày xưa khi con và
em gái con ra trường bố đều nói
là ngày vui, là niềm vui to lớn nhất
trong cuộc đời bố. Nhưng chưa đủ
đâu, phải có ngày đám cưới
của bố với cô Thu Dần thì niềm vui của
bố mới trọn vẹn.
Con gái anh tiếp
lời anh trai:
- Chúng con cám ơn bố
và chúc mừng bố hạnh phúc từ
bây giờ.
Anh Tốt
tươi cười nhìn sang Thu Dần, cô sinh
vào mùa Thu năm Dần nên cha mẹ đặt
tên là Võ thị Thu Dần, nhờ có chữ
lót là Thu nên cái tên Dần cũng bớt
“hắc ám” đi một tí.
Cô cọp nhỏ
của anh cũng dịu dàng nhìn anh. Muộn
còn hơn không, mối tình của anh Tốt
và Thu Dần sẽ kết thúc tốt đẹp,
tốt tươi và tốt lành như anh từng
mong ước và như cái tên mẹ anh
đã âu yếm đặt cho anh.
Nguyễn Thị Thanh Dương
- Father’s
day, June-20 -2010 -
(Thái Quang Đáng
sưu tầm và chuyển)