NGÀY CON RA TRƯỜNG
(Nguyên Nhung)
Hôm nay là
ngày con ra trường. Một ngày vào cuối
tháng Năm vừa bước sang hè, trời nắng
nhưng cơn gió mát cuối Xuân phả
vào lòng mẹ một niềm vui ấm áp.
Khuôn viên trường Đại Học phấp phới
những chiếc áo thụng và mũ đen
trên mái tóc xanh của những người
sinh viên trẻ, rất trẻ. Tất cả chỉ
ngoài tuổi đôi mươi, nét mặt
sáng ngời những ước vọng tương
lai, dù đây chỉ là bước đầu
thành đạt của sự học dài thăm
thẳm.
Con mừng bao
nhiêu thì bố mẹ còn mừng hơn con nữa,
vì ít ra trong giây phút này mẹ
đã nhìn thấy con thành người. Sau
bài nói chuyện của các giáo sư,
và bài phát biểu cảm tưởng của
một sinh viên đại diện, các sinh viên
được giải danh dự của từng ngành
đứng dậy, mẹ đã nhìn thấy con.
Một niềm hãnh diện dâng lên trong
lòng tất cả các bậc làm cha mẹ, niềm
vui không phải chỉ riêng cho gia đình ta,
mà là niềm vui của tất cả những
người đang có mặt trong hội trường.
Nhìn khuôn
mặt tươi vui của con, giữa đám sinh
viên tốt nghiệp cùng ngành, có quốc
tịch khác nhau từ các quốc gia khác
nhau, nhưng trong sự học thì đã thống
nhất một niềm hãnh diện chung, đó
là những con người sẽ giúp ích cho
nhân loại mai sau. Ở đây, mẹ không
còn nhìn thấy ranh giới của con người
trên màu da, nhưng những khuôn mặt Á
Đông trong bảng danh dự của Trường,
đã khiến mẹ không khỏi tự hào
vì con là một người Việt Nam, mà
trong hoàn cảnh rất khó khăn để
hòa nhập vào xã hội và văn
hóa xứ người, con đã phải cố gắng
không ngừng.
* * *
Nhìn con ra
trường mẹ lại nhớ đến ngày
nào, thuở con mới năm tuổi, lần đầu
tiên mẹ đưa con đến trường.
Hình ảnh ấy không phải chỉ của
riêng con đâu, mà cũng là của bố,
của mẹ. Hồi mẹ còn nhỏ, bà ngoại
con cũng dắt mẹ đi học, vào một
ngày đầu thu tháng chín ở quê
hương, trên con đường đất
cát, có những con chuồn chuồn lượn
đôi cánh mỏng trên cánh đồng cỏ
may. Mẹ đi học khi trên tay còn nắm chặt
những bông hoa trinh nữ màu tím nhạt bẻ
dọc đường, những chiếc hoa xinh xinh,
tròn tròn như hình cái bông vụ,
đồng quê miền Nam thường mọc đầy
những cây hoa mắc cở.
Không đứa
trẻ con nào lại thích đi học để
bỏ quên những chú bướm vàng
ngoài khu vườn đầy cỏ dại và
lá reo. Mẹ cũng thế, khi đi thì mẹ
vui vì thấy có nhiều bạn trong lớp,
nhưng lúc bà ngoại con ra về, mẹ đứng
tần ngần trước cửa lớp nhìn theo
mà không dám khóc. Ông thầy già
đưa mẹ vào chỗ ngồi, cuốn vở mới
tinh chưa có một chữ nào trong đó.
Chỉ ít lâu sau, góc bìa bị quăn lại
và những trang vở lem đầy vết mực
tím, khi ấy mẹ đã tập đánh vần
và tập viết những chữ i, chữ tờ nguyệch
ngoạc đầy cuốn vở.
Con cũng thế.
Cậu bé năm tuổi khi đi học vỡ
lòng, chỉ là một lớp học nghèo
nàn, đơn sơ trong một xóm đông
đúc người lao động. Buổi sáng mặt
trời vừa lên, mẹ đã đánh thức
con dậy đi học. Cậu bé còn ngái ngủ,
phụng phịu mãi chưa chịu dậy
đánh răng rửa mặt, và con đã
dùng dằng khi bị mẹ nắm chặt tay
đưa tới lớp học.
Cũng chỉ
có mẹ đưa con đi học, như ngày
xưa bà ngoại con cũng một mình
đưa mẹ đi học. Cuộc đời mỗi
con người có những hoàn cảnh giống
nhau, vì ông ngoại con mất sớm, còn con
vì hoàn cảnh đất nước, bố cũng
không có nhà để đưa con tới
trường. Sự vắng mặt của bố trong
nhà, tuy có thiếu thốn cho con nhưng
đã có mẹ đảm đương tất
cả, vì vậy chỉ có mẹ là
hình ảnh gắn bó với con nhiều hơn cả
trong những ngày thơ ấu.
Con có nhớ
không nhỉ? Lúc con mới hai, ba tuổi, mẹ phải
bỏ con ở nhà để đi tìm miếng
ăn cho cả nhà. Con đã có bà
chăm sóc, hay có khi chỉ anh em tha thẩn
chơi với nhau. Con ngồi ở chiếc bàn
cơm chờ mẹ về vì bụng con đã
đói. Khi thấy bóng mẹ, con mừng rỡ
chạy ra lục lọi trong chiếc giỏ thức
ăn, để mong một chút quà trẻ con. Một
vài củ khoai, chiếc bánh ít nhân dừa,
hay chén chè đậu đỏ bánh lọt.
Con mừng lắm, thỏ thẻ những lời kể lể
không ăn khớp với nhau, con giơ cho mẹ xem chỗ
kiến cắn, hay mách mẹ những chuyện lặt
vặt trong nhà. Thế giới của trẻ thơ
chỉ có vậy, những món quà đơn
sơ đem về nhà cho con cũng chỉ có vậy,
sao con mừng rỡ thế không biết. Và con
bé bỏng đã ôm chầm lấy mẹ,
hôn lấy hôn để lên khuôn mặt
còn ướt những giọt mồ hôi.
Lớp học
đầu đời của con chỉ là một lớp
mẫu giáo nghèo nàn , thiếu tiện nghi nhất
thế giới. Sau này mẹ con mình có dịp
qua xứ người, đưa em con đi học, mẹ
không khỏi nhớ lại lớp học của con,
hay của mẹ ngày xưa. Đó là một
căn nhà lợp tôn trong một hẻm sâu, nền
xi măng, nóng hầm hập, may mà có
bóng mát của tàng cây vú sữa
trước sân, khiến cái nắng dịu đi
đôi chút. Có khi con cũng đã
nhìn theo những chiếc bóng nắng nhảy
múa trên khoảng sân đó, như một
món đồ chơi ngày thơ ấu. Giống
như mẹ hồi còn thơ, cũng hay nhìn những
chiếc bóng nắng rung rinh, dưới bụi
trúc mọc bên góc sân nhà, để
tưởng tượng về hình dáng mảnh
mai của các bà tiên trong cổ tích.
Vào mùa
mưa, trời miền Nam thường có những
cơn giông tới bất ngờ, những hạt
mưa dội ầm ầm lên mái tôn, khiến
những đứa nhút nhát đã òa
lên khóc. Cô giáo con rất trẻ,
hình như vừa mới tốt nghiệp trung học,
đôi mắt còn đen nhánh với một bờ
tóc xõa ngang vai, thế mà cô đã biết
dỗ trẻ con. Hôm mẹ đưa con đến lớp
ngày đầu tiên, con đã vùng vằng
và chạy theo túm chặt lấy áo mẹ,
khiến cô giáo phải dỗ mãi con mới
chịu lên bàn ngồi với một đám
bạn bằng tuổi. Chỉ ít lâu thôi khi
đã quen , hôm nào con đi học về cũng
kể chuyện cô giáo, và con đã
ngây thơ nói với mẹ rằng, khi lớn
lên con sẽ lấy cô giáo làm vợ.
Khuôn mặt của
con và những câu nói ngây thơ hồi con
còn nhỏ, mẹ cứ nhớ mãi trong lòng.
Từ đấy mẹ suy ra, chắc là với
bà ngoại của con cũng vậy, dù mẹ
có khôn lớn đến đâu, vẫn chỉ
là hình ảnh dễ yêu của đứa con
gái út ít trong lòng bà mà
thôi. Bây giờ mẹ cũng hay lẩm cẩm kể
con nghe những chuyện ngày thơ, con có bao giờ
cảm động không? Và trong tương lai, khi
con lập gia đình, sẽ có những đứa
con, có bao giờ con sẽ đọc cho chúng
nó nghe một câu thơ bằng ngôn ngữ xứ
người:
" When you were 6
years old, your mother walked you to school. You thanked her by screaming:
" I am not going ."
Mẹ tạm dịch
như thế này:
"
Năm con lên sáu tuổi,
Mẹ
đưa con tới trường,
Con giậm
chân khóc lóc
" Ở
nhà với mẹ thôi."
Có thể chuyện
ấy sẽ xảy ra, như những chuyện khác của
xứ Mỹ. Mẹ không hiểu được con nghĩ
gì, nhưng riêng mẹ, mỗi lần nắm tay bất
cứ đứa con nào đến trường, mẹ
cũng cứ nghe lâng lâng trong lòng một nỗi
buồn vui lẫn lộn, khi nhớ lại đoạn
văn của nhà văn Thanh Tịnh, trong cuốn Quốc
Văn Giáo Khoa Thư mẹ học ngày xưa:
" Buổi
sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy
sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi
âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con
đường làng dài và hẹp. Con
đường này tôi đã quen đi lại
lắm lần, nhưng lần này tự nhiên
tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi
đều thay đổi, vì chính lòng
tôi đang có sự thay đổi lớn . . .
."
Đoạn văn
này đã trở thành một áng văn
bất hủ, cho nhiều thế hệ sau này. Bất
cứ ở đâu, trong nền văn hóa của
mỗi quốc gia, người ta đều có những
áng văn kể lại cảm xúc lần đầu
tiên theo mẹ đi học, trong những ngày
thơ ấu.
Khung cảnh của
mái trường xưa cũng gắn bó với
những kỷ niệm của dĩ vãng, như
ngôi trường của mẹ con mình, có
khác nhau tùy hoàn cảnh sống, nhưng lại
tương hợp đến lạ lùng. Những
bông hoa trinh nữ mẹ hái theo khi tới lớp
, đã trở thành những kỷ niệm bất
diệt trong đời. Còn con thì sao ? Con còn
nhớ không cái lớp học nghèo nàn nằm
dưới tàng cây vú sữa, trước mặt
là một dòng sông nhỏ, có hàng dừa
lả nghiêng soi bóng nước. Khi nghĩ về
mái trường thuở còn thơ, thường
trong ký ức vẫn mang theo hình ảnh của cảnh
vật xung quanh, đó là linh hồn của quê
hương đó con ạ.
Trường học
ở xứ người, mẹ đã nhìn thấy
những đứa trẻ con bụ bẫm, xinh đẹp
trong một lớp học đầy đủ tiện
nghi. Lắm khi mẹ tự hỏi, có cái gì
để nhớ khi những đứa bé ấy lớn
lên không con nhỉ? Như dĩ vãng của mẹ,
lớp học là căn nhà lá đơn sơ
và ông thầy già gõ nhịp chiếc roi
mây trên mặt bàn, hòa theo tiếng ê
a của đám học trò nhỏ. Như dĩ
vãng của con, là lớp học bên một bờ
sông, nghe gió xào xạc trong những tàu
lá dừa và quả vú sữa chín
óng ả trên tàng cây râm mát. Vậy
thì trong căn phòng đóng kín cửa,
đầy đủ những tiện nghi, máy lạnh
cho mùa hè và máy sưởi cho mùa
đông, em con sẽ mang theo nỗi nhớ nào
vào đời khi khôn lớn?
Con đừng bảo
mẹ lẩm cẩm và suốt đời ngồi
hoài niệm dĩ vãng . Hay đừng bắt
chước để trả lời mẹ, như những
câu thơ sau đây:
" When you were 21
years old, your mother suggested certain careers for your future. You thanked
her by saying :" I don't want to be like you ."
"
Năm con hai mốt tuổi,
Sắp
bước chân vào đời,
Mẹ
băn khoăn có hỏi,
Nhưng
con đã trả lời:
"
Nay mỗi thời mỗi đổi,
Ngày
xưa khác biệt rồi . . . "
Đúng, "
con hơn cha là nhà có phước ". Mẹ
hoàn toàn đồng ý với con, và
có thể nói tất cả cha mẹ Việt Nam
đều hãnh diện khi có những người
con thành đạt, sự hiểu biết rộng lớn
hơn những gì cha mẹ mong đợi. Mẹ sung sướng
và hạnh phúc lắm khi thấy con nên
người, nhưng mẹ vẫn trân trọng những
gì nhỏ bé nhất của dĩ vãng,
vì nó là cái nền vững chắc nhất
để con dựng một căn nhà cho tương
lai.
* * *
Thời gian sống
ở quê nhà, gia đình mình thật chật
vật vì sinh kế. Chiến tranh đã tiêu
diệt sức sống của một dân tộc, cho từng
gia đình và cả cá nhân nữa con ạ.
Ngày con sinh ra
cũng chỉ có mình mẹ, nếu con hỏi tại
sao thì mẹ cũng không muốn trả lời
đâu. Lịch sử đã sang trang, nỗi buồn
nào rồi cũng qua, sự buồn tủi của dĩ
vãng ám ảnh những con người trưởng
thành đã quá đủ. Mẹ cũng
như người khác, bất lực trong mọi
tình huống xảy tới áp đặt lên
thân phận người dân trong một đất
nước chiến tranh, rồi sau khi hết chiến
tranh lại tiếp nối bao nhiêu nỗi buồn
như một thứ định mệnh đã đặt
để, sau này khi khôn lớn, tự con sẽ
lý giải được câu hỏi của
ngày thơ.
Tuy nhiên ,
dù khó khăn bao nhiêu, bố mẹ vẫn cố
gắng cho các con tới trường. Con người
không thể thành người nếu không
có được một mái trường
làm cái nôi của đời mình. Lịch
sử dẫu có làm sao thì đến một
ngày cũng sẽ được sáng tỏ. Bố
mẹ đã lớn lên trong chiến tranh,
đã hiểu chiến tranh là con vật kinh tởm
giết người tập thể, cho nên không muốn
các con lại làm cái vòng quay để
lao đầu vào chỗ chết. Đã có những
ngày thời đi học, đôi mắt rưng
rưng mẹ nhìn theo chuyến xe tang qua phố,
người vợ lính vật vã giữa những
đứa con thơ. Đã có rất nhiều
đêm, mẹ hồi hộp nghe ngóng tiếng
đại bác rít lên ngang bầu trời, rồi
ầm ầm xoáy xuống một nơi nào
đó. Chết chóc, mất mát xảy ra hằng
ngày. Bây giờ con đã trưởng
thành, thế giới vẫn chưa hề yên ổn,
chắc con có nghĩ ngợi và kinh tởm cho chiến
tranh và tội ác, con sẽ thông cảm cho bố
mẹ, những nạn nhân của một cuộc chiến.
Khi con theo bố mẹ
tới Hoa Kỳ, con đã mười bảy tuổi,
chưa tốt nghiệp xong chương trình Trung Học
ở quê nhà. Lúc đi, con chỉ mang theo một
số kiến thức rất nhỏ bé và hạn
hẹp, mọi người đã lo lắng khi nghĩ
tới tương lai của con. Tuổi mười bảy,
thời kỳ phức tạp nhất về tâm
lý và sinh lý, dễ nổi loạn và cũng
dễ thất vọng, khi hầu như con không hề
có một chút hành trang nào để hội
nhập vào xã hội mới.
Sống thiếu
thốn đã lâu, vật chất đã
là mối ám ảnh để các con đạt
tới trước khi biết giá trị của sự
học. Con thèm thuồng mọi thứ nhu cầu
văn minh của xứ người, mẹ biết chứ.
Chiếc xe để đi học, một giàn nhạc
để nghe những bài tình ca khi trống vắng,
một vài bộ quần áo đắt tiền
để tham gia sinh hoạt với bạn bè, và
chính những quyến rũ vật chất
đó làm bố mẹ e ngại, khi nghĩ về
tương lai của con.
Con đến
trường với bao nhiêu chán nản khi ngồi
nghe thầy cô giảng bài như "vịt nghe sấm".
Con phải làm một bài "essay" tả cảnh
trời mưa mà không biết làm sao để
tả trời mưa, dù vốn liếng tâm hồn
con có sẵn, nhưng con không đủ ngôn ngữ
để diễn đạt. Mẹ nhớ hôm đầu
tiên con đi học, mẹ vẫn nhắc con ăn mặc
tề chỉnh như một cậu học sinh trung học
ở quê nhà, vì nhìn trang phục biết
tư cách. Tuy đàng hoàng, trông con vẫn
như một anh nhà quê ra tỉnh, giữa bao thứ
quần áo lố lăng của bạn bè trong lớp
học. Buổi học đầu tiên và những
ngày sau đó, con chán nản vì mái
trường ở đây không làm con cảm
thấy ấm áp như mái trường ở
quê nhà. Con về nhà kể cho mẹ nghe những
sinh hoạt trong lớp học. Giờ ra chơi, mấy nữ
sinh lấy son phấn ra trang điểm ngay giữa lớp
học, các cặp tình nhân tuổi học
trò kéo nhau ra đứng đầy trên
hành lang . Và chúng hôn nhau mùi mẫn .
. .
Mẹ hiểu lắm,
thông cảm cho sự ngỡ ngàng của con khi bắt
đầu hội nhập vào xã hội mới,
ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn
khác biệt. Có lẽ con đang nhớ về
quê hương, những con đường vào
mùa hè đầy hoa phượng đỏ.
Có lẽ con nhớ những tà áo trắng
bay bay mỗi buổi sáng khi con tới trường,
hay có khi con còn nhớ, vẻ khép nép dịu
dàng của cô bạn nhỏ cùng lớp.
Những ngày
đầu ở xứ Mỹ, bố mẹ thấy
được cả nỗi cô đơn của con,
khi lạc lõng giữa các bạn xứ người
và cũng lạc loài ngay với những bạn
cùng giòng giống như mình. Con mặc cảm
tự ty, con buồn rầu vì nhớ khung cảnh cũng
như bạn bè ở quê hương. Bố mẹ
phải khuyến khích con hằng ngày, vì
người ta không thể nào thành công nếu
không cố gắng. Hằng ngày, mẹ nhìn
con vật lộn với những cuốn sách để
tự học thêm căn bản về văn phạm,
cũng như tự điển Anh Việt của các
giáo sư ngôn ngữ học như Lê bá
Kông, Nguyễn đình Hòa, bố mẹ hiểu
con cố tranh đấu bằng cách tự học,
để vượt qua sự trở ngại vì
cách biệt ngôn ngữ.
Cuối tuần,
con bắt chước những người bạn trẻ,
tìm một việc làm thêm để tăng
thêm kinh tế cho gia đình, và để mua
những thứ nho nhỏ, rẻ tiền mà con
chưa có. Công việc thì không thiếu,
đã có những chỗ làm dành cho
người mới sang, với đồng lương rẻ
mạt và bóc lột sức lao động. Hai
ngày cuối tuần thay vì con được nghỉ
ngơi như các bạn đồng tuổi khác,
thì con lại phải dậy từ sáng sớm
để đi làm. Xứ này ai cũng quen với
cảnh vừa làm vừa học, nhưng bố mẹ
cũng rất ngại cho con vì con chưa có
căn bản, lại không chú tâm vào việc
học, có thể vì thế mà không thể
có con đường tốt đẹp cho
tương laị
Con đã học
được bài học đầu tiên, và
thấm thía câu "đồng tiền
lương thiện là đồng tiền phải
đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt".
Theo tinh thần Á Đông, và theo cách sống
của gia đình, con biết đóng góp với
cha mẹ những gì con có để mau ổn
định kinh tế gia đình. Rồi nghĩ đến
bạn bè anh em bên kia, nhân ngày Lễ Tết,
con cũng biết gửi về tặng chút quà
nhỏ cho bà con nghèo và bè bạn. Ai cũng
khen con ngoan và cảm động vì tinh thần:
"Lá lành đùm lá rách, lá
rách đùm lá nát" của con, chứ
có ai biết rằng con phải làm việc cực
khổ như thế nào, để có những
đồng tiền ấy.
Khi phải
làm việc lao động cật lực để
đổi lấy đồng tiền, con đã thấm
thía vô cùng và nghĩ tới sự học,
vì chỉ có sự học mới giải
thoát cho con không phải làm những công
việc lao động tay chân mệt rã rời
như vậy. Sáng, trời mùa đông mưa
giầm hay gió bấc, trời mùa xuân
mát mẻ hay xanh tươi, con đã từng
nói với mẹ là suốt ngày con không
nhìn thấy ánh mặt trời, vì công việc
luôn tay luôn chân không một phút
ngưng nghỉ. Tối, con về nhà vào lúc
phố đã lên đèn, cơ thể
còn đang sức mà đã thấy ủ
ê khi nhìn những trang sách con phải học.
Học mà không hiểu được bao
nhiêu. Dưới ngọn đèn đêm, với
cuốn tự điển làm bạn, con mầy
mò làm những bài "home-work", để
sáng hôm sau lại dậy từ tờ mờ
sáng, đón xe bus tới trường.
Vì sự học
là cần thiết, bố mẹ không muốn con
đi làm để kiếm tiền như những học
sinh khác. Mẹ cắt nghĩa cho con hiểu, gia
đình ta đã từng có một thời
gian dài mười bảy năm, sống lây lất
trong sự thiếu thốn và khó khăn cả về
tinh thần cũng như vật chất. Mười bảy
năm còn chịu đựng nổi, huống gì
giờ này cuộc sống dù sao cũng dễ thở
hơn nhiều, ít là cũng có tự do
để chọn lựa một cơ hội cho
tương lai, ít là cũng được
hít thở những giây phút thoải mái
cho tâm hồn.
Con đã thấu
hiểu được ý nghĩa của sự học
, cũng biết rằng cơ hội đến với tuổi
trẻ dễ dàng hơn cho một người
đã trưởng thành, nếu con không chụp
lấy, sẽ ân hận cả đời. Chỉ một
thời gian thôi, con đã tiến lên theo kịp
bạn bè, mỗi lần có dịp vào trường
, bố mẹ đều rất vui, khi nghe các thầy
cô nhìn con với ánh mắt trìu mến
kèm theo những lời khen ngợi. Con đã cố
gắng suốt mấy năm ở bậc Trung học,
và đã đoạt đủ điểm để
được nhận vào trường Đại học,
bắt đầu tranh đua với các bạn người
bản xứ và từ các nước tới theo
học.
Những ngày
con mới vào Đại học, tới trường
bằng chiếc xe tàng, mùa hè không
máy lạnh và mùa đông chiếc xe khục
khặc như một người lao phổi. Nhưng con cũng
không vì thế mà mặc cảm, hay chạy
theo vật chất để mải miết đi tìm
một việc làm mà xao lãng việc học.
Một giờ học trong giảng đường, con phải
học lại nhiều giờ trong thư viện, tra
tìm trong những cuốn sách dầy cộm để
có thể hiểu nổi một bài học.
Khó khăn và mệt mỏi quá con nhỉ,
khi mỗi ngày con chỉ trở về nhà
vào lúc nửa đêm, với một vầng
trăng khuya soi trước hàng hiên căn phố
cũ, hay những đêm mưa chiếc xe ì ạch
vượt qua nhiều đoạn đường ướt
át. Mẹ hiểu rằng con đã trưởng
thành trong tư tưởng, khi biết nghĩ rằng
khi cơ hội mở cửa, mà không biết
bước vào, sẽ thật khó khăn cho con trong
tương lai. Dẫu sau này bằng con đường
khác, con có thể có nhiều tiền bạc
và danh vọng trong tay, nhưng sự học không
phải dễ dàng để có được.
Ngày con ra
trường sau gần năm năm "dùi mài
kinh sử "trên ngưỡng cửa Đại học,
bố mẹ cảm động biết bao. Nhìn con chững
chạc trong chiếc áo đen thùng thình với
sợi giây vàng quàng trên cổ áo,
bên cạnh là nụ cười hớn hở của
cô bạn học, cũng là người yêu của
con, đã từng chia xẻ với con bao buồn vui
suốt những tháng năm vật lộn với
sách vở. Mẹ biết con rất hãnh diện ,
có phải chăng đó là niềm hãnh
diện của một người học sinh nghèo,
đã phải phấn đấu rất nhiều với
cám dỗ vật chất, với khác biệt
ngôn ngữ, với hoàn cảnh khó khăn của
gia đình để vươn lên, đích
thực trở thành người có ích cho
xã hội.
Mai sau, dù con sẽ
vững chãi trên đường đời,
có thể con sẽ có một chỗ đứng
khá thành công trong xã hội , con sẽ lập
gia đình với người con yêu, sẽ cho bố
mẹ những đứa cháu xinh. Nhưng lúc
nào mẹ cũng mong mỏi rằng, con vẫn giữ
trong lòng một tâm hồn Việt Nam, để
đừng khó chịu khi thấy mẹ vẫn
băn khoăn lo lắng cho con như khi còn thơ
bé, để trả lời mẹ rằng: "Things
are different now!".
Mẹ biết, tất
cả đã có thể khác biệt, nhưng
tâm hồn một người Việt Nam thì xin
con cố gìn giữ lấy, như giữ trong
lòng một quê hương, dẫu sống trong một
xứ sở có rất nhiều khác biệt về
bản sắc dân tộc, con nhé!
Viết cho con ngày ra trường
Nguyên Nhung
(Trầm Vân sưu tầm
và chuyển)