NGÀY
MẸ RA TRƯỜNG
(Trần
Bang Thạch)
Chị Martha Philips gom các sách vở bút
giấy bỏ tất cả vào chiếc túi
đeo lưng để sẵn sàng cho buổi học
ngày mai. Trước khi rời cái computer chị Martha
không quên đánh cái e-mail nhắc cậu em Steven ở Seattle gởi gấp
cho chị các tài
liệu của Bộ xã hội địa
phương để chị hoàn tất bài viết
về việc săn sóc người già trên
toàn nước Mỹ. Đây là bài viết
cuối cùng trước khi chị ra trường
mươi ngày tới. Mọi chuyện cần thiết
cho mình chị Martha coi như đã tạm xong. Chị
xuống bếp ghi vội mấy lời cho anh Ken, chồng
chị : thức ăn trưa đã sẵn trong tủ
lạnh, nhớ tưới mấy bụi hồng trước
nhà, độ nầy nắng gắt lắm, nhớ
đến nhà trẻ rước Michelle trước 5
giờ, đưa thằng Jeff đi tập dã cầu
lúc 6 giờ. Đừng quên nhắc thằng Jeff
và thằng Scott học và làm bài. Chắc hơn 10 giờ
đêm em mới về được vì còn
phải đến thư viện sau giờ học.
Chúc cưng ngủ ngon. Yêu cưng thật nhiều.
Đại khái những lời nhắn là như
vậy, gần như mỗi ngày, từ 4 năm nay.
Trước khi lên giường nằm, chị
vào phòng các con kéo thẳng cánh tay,
đôi chân hay đắp lại tấm chăn cho
mấy đứa nhỏ. Tội nghiệp, bốn đứa
từ Michelle nhỏ nhất 2 tuổi, đến thằng
Jeff 7 tuổI, thằng Scott 10 tuổi và thằng Jon lớn
nhất 18 tuổi dồn cứng căn phòng vốn đã nhỏ,
càng ngày càng nhỏ hơn thêm với tầm
lớn của từng đứa con. Không cần nhìn đồng
hồ chị Martha cũng biết bây giờ
đã gần 2 giờ
sáng. Từ bốn năm nay, nghĩa là từ
ngày chị Martha quyết định trở lại
trường học sau hai mươi năm bỏ dở,
đêm nào cũng như đêm ấy, ít
khi chị đi ngủ trước 2 giờ, và
luôn thức trước 5 giờ sáng để bắt
đầu những công việc của một
ngày mới: chuẩn bị phần ăn trưa cho cả
nhà, đánh thức cả 4 đứa con để
đi học và đi nhà trẻ. Ba tiếng đồng
hồ để ngủ mỗi đêm, chị Martha thấy
đã quá nhiều. Biết bao nhiêu công việc
chị Martha phải làm , cả ngày lẫn
đêm. Anh chồng Ken thì đi làm lao động
từ 8 giờ tối tới 8 giờ sáng, về
nhà chỉ có ngủ và đưa rước
các con. Chị Martha thường trêu chồng
là “ông quản gia ngủ ngày”.
Hơn một tuần nữa là chị Martha ra
trường với cấp bằng y tá. Bốn
năm học sắp chấm dứt. Chuyện như mới
hôm qua. Một buổi sáng hôm nào
đó của hơn 4 năm trước thằng con lớn
Jon, lúc đó 14 tuổi, trong khi chờ xe buýt nhà trường
ngừng trước cửa nhà, nó hỏi mẹ
:
- Tại sao hồi đó mẹ bỏ học giữa
chừng vậy mẹ? Mẹ không thích học hả
mẹ?
- À.. à ..Ừ ... ừ . . ,
Câu hỏi thật bất ngờ. Chị Martha
chưa kịp trả lời rõ ràng cho thằng
con thì chiếc xe buýt màu vàng đã
trờ tới. Thằng Jon vội phóng lên xe,
còn chị Martha thì thấy tim mình nhói
đau. Ngay lúc đó chị Martha nghĩ rằng
chiếc buýt đến thật đúng lúc
để chị khỏi phải trả lời câu hỏi
của con. Chị thấy như mình vừa thoát
nạn. Chị Martha chưa lần nào, chưa lần
nào dám nói với các con về việc bỏ
học sớm của mình, làm như đó
là một vết thương còn mưng mủ,
động đến là rướm máu. Nhưng
hôm ấy, chị Martha thấy xấu hổ với thằng
con và với chính mình. Nên sau khi
đã đưa Michelle đến nhà trẻ, một
mình trên đường lái xe đi làm,
Chị Martha bỗng nghĩ tới một câu hỏi
khác của Jon, hay của bất cứ người
nào : Làm cách nào mà một người
đã bỏ học từ năm 17 tuổi, con
đùm con đề, nghèo rớt mùng tơi,
đã gần bốn mươi mà có thể
tiếp tục việc học? Câu hỏi ngộ nghĩnh
đó tới trong đầu chị rồi cũng nằm
im ở đó. Nào chồng nào con nào
cơm ăn áo mặc .. . càng ngày càng
đè nặng cái đầu, mệt cái
óc, cong cái lưng, mòn cái chí. Cho
đến một hôm, cũng hơn bốn năm
trước, vào mùa Giáng Sinh, thằng Scott,
lúc ấy 6 tuổi, vừa chỉ tay sang nhà hàng
xóm vừa nhăn mày hỏi mẹ:
- Ông già Santa xấu lắm mẹ à. Chắc
ông ấy cho rằng thằng bé nhà kia giỏi
và ngoan hơn con, phải không mẹ?
Chị Martha biết con chị muốn nói
gì. Chị biết trên cây Giáng Sinh
nhà chị chỉ có mấy món đồ
chơi xoàng xĩnh, không cử động,
không phát ra tiếng nói, tuy mới mua nhưng
rẻ tiền; còn dưới cây Giáng Sinh
nhà hàng xóm
thì cả một thế giới thần kỳ
được thu nhỏ
với nhà cao cửa rộng, với xe hơi xe
hỏa tàu bay tàu ngầm . .. thằng bé chỉ
ấn cái nút vàng là xe hơi lăn
bánh, ấn cái nút xanh là con bò rống
lên e e, kéo cái cần về trái là cửa
nhà mở toang .. .Chị Martha nhớ là chị
đã không trả lời con, chị đã
lái câu chuyện sang ngõ khác, vì
lúc ấy trong đầu chị, nằm dưới
các lớp áo cơm con cái chồng vợ
là câu hỏi chị thấy cần phải đặt
cho chính chị nếu chị muốn làm một
sự thay đổi, đồng thời cũng để
giải oan cho Cụ Santa râu bạc: Tại sao các
con ta không thể có được những thứ
ấy nhỉ ? Các con
ta đều ngoan kia mà !
Ý nghĩ đó bỗng đưa chị
Martha trở về những mùa Giáng Sinh cũ, trở
về một thị trấn cũ ở cực bắc
Texas, trở về cái thời gian của hai
mươi mấy năm trước. Ở cái thị
trấn quạnh quẽ đó, trong những năm
tháng đìu hiu đó, Martha Philips sống
như một viên sỏi, ngày ngày cố
lăn lên mấy bậc tam cấp để vào cổng
trường, rồi thẫn thờ lăn vào lớp
học. Dù không muốn, sau tiếng chuông tan
trường, viên sỏi vẫn phải lăn về
căn nhà nhỏ nằm bên sườn đồi
để khi thì thấy người cha mặt đỏ
lừ, mắt như thiếu đôi đồng tử,
còn hơi thở thì nặc nồng mùi bia rượu,
khi thì thấy mẹ ngồi khóc rấm rứt
phía sau nhà. Dáng mẹ mỏng như một
tờ giấy nhầu dán lên nền trời
màu lục. Cha thì cứ ngày ngày say
sưa. Mẹ thì vẫn là tờ giấy
nát nhầu vì khổ sở với chồng con,
vì hết cơn bệnh nầy đến cơn bệnh
khác. Chuyện gì phải đến, đã
đến : Cha mẹ ly dị lúc Martha vừa mới
xong tiểu học. Rồi năm bảy lần mẹ
tái giá, viên sỏi Martha lăn hết trường
nầy đến trường khác, hết tỉnh
thành nầy đến thành phố khác.
Viên sỏi cảm thấy đuối hơi với
người dưng cảnh lạ, với những người
cha ghẻ, với những căn bệnh tâm thần của
mẹ. Viên sỏi Martha một hôm đã
lăn ra khỏi cổng trường, không hẹn
ngày trở lại, để rơi vào những
góc đời buồn vui cười khóc.
Viên sỏi rồi chắc phải lần hồi
lăn xuống vực nếu người cha ruột bỗng
một hôm không chợt nhớ đứa con gái
của mình đang sống cùn mằn tại một
thị trấn xa. Về với cha, Martha tưởng rằng
mình sẽ có một đời sống khác,
sẽ có những bước chân mới liến
thoắng trước một cổng trường đầy
hoa cỏ tinh khôi. Nhưng dòng đời vẫn
nhiều sóng gió, đường đời vẫn
đầy chông gai, người nữ sinh 17 tuổi
thêm một lần nữa phải rời ghế
nhà trường khi vừa mới lên lớp 12.
Ngay lúc đó và những năm sau
đó chị Martha thấy chuyện đi học
ngàn lần khó hơn chuyện chị trả nợ
xe nhà , chuyện chị lấy chồng, rồi sanh
con đẻ cái. Đúng là cái khó
nó bó cái khôn!
Hai mươi năm chị Martha có nghĩ
gì đến chuyện trở lại học
đường đâu, mặc dầu ngày
ngày chị thấy chồng con eo sèo túng thiếu,
mặc dầu đôi lần chị có tự
ân hận là đã bỏ trường bỏ
lớp quá sớm, chuyện nầy có thể
làm cho các con chị bắt chước thì nguy
to. “Tại sao mẹ bỏ học giữa chừng?”.
Câu hỏi bất chợt của thằng Jon hơn 4
năm trước đã làm chị Martha suy nghĩ.
Ánh mắt đỏ hoe của thằng Scott khi
nhìn cây Giáng sinh nhà người cũng
hơn 4 năm trước đã làm viên sỏi
cùn mằn Martha bật dậy và thẳng bước
trở lại trường. Chị Martha đã
thành tay lực sĩ chạy đường trường,
chạy cho nhanh để bắt kịp khoảng thời
gian hai mươi năm đánh mất. Chị Martha
đã trở thành tay giác đấu cừ
khôi giữa đấu trường : trong 3 tháng
chị đã lấy cái bằng tốt nghiệp
trung học GED , rồi vào đại học ngay
mùa hè năm đó. Người phụ bếp
Martha sau 8 tiếng dầu sôi lửa bổng ở tiệm
ăn McDonald là người nữ sinh viên cần
cù năng động tại trường, là
người mẹ tháo vát của 4 đứa con
nhỏ, là người nội tướng trong căn
chung cư tầm thường 2 phòng ngủ. Bốn
năm sắp sửa trôi qua trong đời của
người nữ sinh viên 42 tuổi đó với
điểm trung bình 4 chấm. Ngoài thành
tích học tập và tích cực trong
các hoạt động của hội đồng sinh
viên nhà trường, chị Martha còn xuất
sắc qua những bài viết về các vấn
đề xã hội lớn
của nước Mỹ. Chị Martha là người
sinh viên đầu tiên của Đai học Lama
được bình chọn
là một trong 20 phần trăm sinh viên giỏi
toàn Hoa Kỳ.
xXXx
Nhìn từ
bên trong, đại thính đường Đại
học Lama như cái lồng chim khổng lồ
úp lên nền gạch trải thảm màu huyết
dụ. Trên sân khấu, các giáo sư mũ
áo chỉnh tề ngồi hướng mặt về
phía dưới hội trường. Hàng
ngàn ghế nệm bọc
da màu đỏ xếp theo hình trôn ốc chạy
từ nền lên gần đụng trần nhà.
Cha mẹ, anh em, bà con thân quyến các tân
khoa đã ngồi gần kín các hàng ghế
vòng quanh sân khấu. Cả một vòng cung
đầy màu sắc. Giữa thính đường,
phía trước sân
khấu là hàng mấy trăm ghế da
màu vàng hoàng yến, làm nổi bật
chiếc áo thụng đen trên mình và
cái nón đen trên đầu mỗi tân
khoa. Ngay gần sát sân
khấu, trên hàng ghế đầu tiên,
người đàn ông và 4 đứa con
ăn mặc áo quần bình thường là
hình ảnh hoàn toàn khác biệt với
khối mũ áo đen tuyền trên các
dãy ghế phía sau. Từ lâu nhà trường
có tục lệ dành hàng ghế đầu
tiên cho gia đình sinh viên thủ khoa của
khóa tốt nghiệp; người thủ khoa nầy cũng
là người sẽ đọc bài phát biểu
đại diện toàn khóa.
Các thủ tục
bình thường của buổi lễ đã
được tiến hành trong mươi phút vừa
qua. Sau lời giới thiệu vô cùng trịnh trọng
nhưng không giấu vẻ tự hào của vị
giáo sư viện trưởng, là phần
phát biểu của người nữ sinh viên thủ
khoa. Chị nói với hàng ngàn người
đang có mặt, đang chăm chú nghe, mà
như nói với chính mình, như nói với
người chồng và 4 đứa con đang ngồi
ở hàng ghế danh dự phía dưới.
Đôi khi chị như nói với những người
không có mặt bên trong chiếc lồng chim khổng
lồ nầy, những người vì lẽ nầy lẽ
nọ đã không chu toàn bổn phận
làm cha mẹ để con cái lêu lỏng, ham
chơi, bỏ học. Một lần chị Martha
đã rơi nước mắt khi nhắc tới
người mẹ trong căn nhà nhỏ bên sườn
đồi đã khổ sở với người chồng
say rượu, với bệnh tật triền miên,
đã không còn hơi sức để răn
dạy đứa con gái duy nhất của
bà. Có lúc chị
ngậm ngùi nhắc lại niềm mơ ước
quà Giáng sinh của mấy đứa con chị.
Bài đã viết sẵn nhưng chẳng hề
được liếc qua suốt hơn nửa giờ chị phát biểu. Chị
có nhiều thứ để nói quá, nhiều
hơn những gì chị đã sửa soạn
trước.
". . . Tôi
cảm ơn Giáo sư Viện trưởng
đã nói nhiều lời tốt đẹp về
tôi, nhưng tôi thấy việc tôi tốt nghiệp
chỉ là chuyện bình thường. Bốn
năm qua tôi chỉ làm công việc mà
hàng triệu triệu người trên quả
địa cầu nầy đã làm từ
ngàn năm nay. Có khác một chút là
tôi đã cật lực trả món nợ
mà tôi đã vay từ hai mươi năm
trước. Có vay thì phải trả, chuyện
thật bình thường. Chuyện không bình
thường là những chuyện tôi xin kể hầu
quí vị sau đây. Sáng nay, trước khi
đến hội trường nầy, tôi có
nhìn lướt một chút trên mạng lưới.
Tôi biết được tại tiểu bang Main
bà cụ Lena Smith, 82 tuổi, nhận bằng tốt
nghiệp đại học tuần qua, bà nói
bà sợ không còn đủ thời gian để
lấy bằng tiến sĩ nhưng bằng Cao học
thì chắc còn kịp. Cũng tuần qua chị
Carmen Riviera ở Kentucky tốt nghiệp cử nhân truyền
thông mặc dầu chị ngồi xe lăn từ nhỏ
và chỉ xử dụng được bàn tay
trái. Trở về tiểu bang ta, chắc giờ nầy
tại đại thính đường trường
Khoa Học thuộc Viện Đại học Texas ở
Austin với gần 3000 tân khoa, anh
sinh viên thủ khoa vật lý học gốc
Việt Nam tên Scott Vinh Nguyễn có lẽ cũng
đang đọc bài diễn văn tốt nghiệp
và chắc cũng có lúc nhìn xuống
hàng ghế đầu dưới sân khấu để thấy nét vui
mừng và hãnh diện trên nét mặt, trong
ánh mắt của cha
mẹ và anh chị. Chuyện tốt nghiệp,
dù là thủ khoa, cũng là chuyện thường;
chuyện bất thường là người sinh
viên họ Nguyễn nầy trong những tháng
hè giữa hai niên học đã "tầm
sư học đạo", anh đã đến
Geneva,Thụy Sĩ làm việc tại một phòng
thí nghiệm Vật Lý lớn nhất Âu
châu để cùng với 1700 nhà khoa học
toàn cầu kiện toàn những phát kiến
mới, anh đã đến Đại học Colorado ở Boulder làm việc
với mấy nhà khoa học giải Nobel lừng danh
Hoa Kỳ trong ngành vật lý nguyên tử.
Người chuẩn sinh viên ban tiến sĩ Vật
Lý nguyên tử của Đại Học Harvard
đó năm nay mới ngoài hai mươi tuổi.
Còn tại thành phố ta, chuyện thần kỳ
trong học đường cũng không thiếu. Một
gia đình họ Nguyễn khác, một
thương gia ở Houston, gốc người Cần
Thơ, cùng một lúc đón mừng tin vui:
hai cô con gái duy nhất của họ đã
cùng tốt nghiệp Y khoa bác sĩ. Hai
mươi hai năm trước những thuyền
nhân nầy đến đây với hai bàn tay
trắng, con cái họ chưa biết một chữ
Anh nào.
Để kết
thúc bài nói lan man nầy, tôi xin kể hầu
quí vị thêm một chuyện học hành
độc đáo khác . Đó là chuyện
anh Louis Durden. Anh Louis là người nghiện rượu
nặng, đã từng đôi lần ghi danh rồi
bỏ học từ năm đầu đại học, từng
vào tù ra khám, sống vô gia cư, sống
đói nghèo kham khổ dưới gầm cầu
Buffalo Bayou gần Đại học Houston - Downtown. Anh Louis
sống lất lây cùng với ruồi muỗi
dưới gầm cầu, hàng ngày nghe tiếng
sinh viên cười nói, tiếng giày dép
lao xao trên cầu. Nhưng đó là chuyện
của 6 năm về trước. Hôm qua, thứ bảy,
tại đại thính phòng Astroarena, với
ánh mắt đầy hãnh diện và yêu
thương của người vợ mới cưới,
anh Louis Burden, 48 tuổi, đón nhận văn bằng
cử nhân khoa học từ trường UH-Downtown. Anh
nói: Không thể tưởng tượng nỗi
cuộc sống ổ chuột dưới gầm cầu.
Hôm nay tôi đã có những bước
thênh thang trên cùng chiếc cầu ấy để
đi vào lớp học. Và để thênh
thang bước vào đời.
Nào, hỡi
các bạn tân khoa , chúng ta hãy thênh
thang bước về hướng mặt trời."
Trần Bang Thạch
Mùa Tốt nghiệp 2000, gởi
BảoVinh của Ba Mẹ.
(Trầm
Vân sưu tầm và chuyển)