SU'U TÂ`M 11

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | LINKS | TIN .. TH̉'I SU'. | TIN .. TH̉'I SU'. [tt] | LU'U Ư | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | CHUYÊ.N KHÓ TIN | CHUYÊ.N CÔ? | CHIUYÊ.N CÔ? [tt] | CHUYÊ.N CÔ? 1 | CHUYÊ.N CÔ? 2 | CHUYÊ.N CÔ? 3

BÀI VIÊ'T [tt]

 

Những Nụ Cười Trong Văn Chương Bình Dân

(Huỳnh Văn Phú)

 

 

Tôi biết một người thuộc lòng nhiều ca dao nhất, có thể nói một cách "cường điệu" là chứa đầy bụng. Người đó là mẹ của hai đứa con tôi. Trước kia, tôi không hề biết khả năng này của bả vì suốt thời gian  đó, là một người lính thuộc đơn vị Tổng Trừ Bị, tôi phải theo đơn vị đi hành quân liên miên, dăm bảy tháng mới về nhà vài ngày rồi lại đi. Ngày 30-4-75 "bể đĩa", tôi vào tù Cộng Sản trong nhiều năm dài. Lại xa nhau biền biệt. Khi ra khỏi tù, trở về với đời sống gia đình, tôi mới khám phá ra cái "sense of humor" và khả năng "thuộc quá nhiều ca dao" của bả.

 

Bất cứ trường hợp nào, bả cũng có thể phụ họa vào câu chuyện bằng một câu ca dao thích hợp. Tôi ngạc nhiên lắm, không hiểu bả sưu tầm từ hồi nào, ở đâu mà chứa đầy bụng như thế. Bả thường chê tôi rằng, tôi chả biết gì về văn chương thi phú, chỉ nhớ ba cái chuyện tiếu lâm là tài thôi. Mà bả nói cũng đúng, cái "bộ nhớ" trong óc tôi thật kỳ cục. Chuyện tiếu lâm, chỉ cần nghe qua một lần là tôi nhớ ngay, nhớ kỹ, còn mọi chuyện khác chẳng bao giờ nhớ rõ đầu đuôi. Vì vậy, những câu ca dao tôi trích dẫn trong bài viết này là do bà nhà Bắc kỳ của tôi đọc cho chép.  Tôi còn nhớ, lúc vào trường Võ Bị, tôi đã phải chịu đựng giai đoạn huấn nhục của Tân Khóa Sinh trong hai tháng đầu tiên. Tôi đã bị các sinh viên "hung thần" khóa đàn anh phạt bắt đứng lên ghế cười 12 kiểu. Họ gán cho tôi cái tội là đã cười tình, cười ruồi, cười giao duyên với niên trưởng. Tôi không nhớ tôi đã cười những kiểu gì nhưng tôi đã cười đúng 12 lần. Không thể mệnh danh cho những cái cười ấy được vì lệnh ban ra bảo cười thì cười, vậy thôi. Tuy thế, hồi đó bạn bè cùng khóa phục tôi lắm, cho rằng tôi đã cười rất điệu nghệ. Bây giờ, đọc văn chương bình dân tôi mới thấy đủ cả các kiểu cười. Xin ghi ra đây với lời bàn rất "tầm ruồng" của tôi. Bởi vì nhiều khi ca dao nói một ý mà tôi thì "Mao Tôn Cương" một ý, nhưng trên hết là tôi muốn thay đổi không khí, tìm hiểu xem dân gian ta bày tỏ mọi trạng thái tình cảm của họ trước những tình huống trong đời sống hàng ngày ra sao. Cũng xin nói rõ là tôi bàn trong chiều hướng cho "vui cửa vui nhà" thôi.

 

Bây giờ, ta thử hình dung ra một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần. Nàng bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu và miệng thì nở một nu cười tươi như hoa hồng mới nở. Nhìn người đẹp như thế chàng phải mê mệt ngay. Chàng mê là do trái tim chàng đập rộn   chứ đâu có trời đất nào bắt chàng phải yêu mê mệt nàng. Đổ lỗi cho việc đem lòng yêu thương một người con gái là do trời xúi biểu là một sự "bán cái" cực kỳ kỳ cục. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nụ cười của nàng. Nếu nàng không cười, chưa chắc chàng đã chết lên chết xuống đâu :

 

Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu

Thấy miệng em cười, trời biểu anh thương

 

Đó là chỉ mới nói đến nụ cười thôi chứ chưa đề cập đến cười kiểu gì, có bao nhiêu kiểu ? Ta thử điểm qua những kiểu cười của các nàng được mô tả trong những vần ca dao xem sao. Tôi thấy dân gian ít đề cập đến nụ cười của phe đực rựa mà phần lớn là nụ cười của các nàng. Chàng mê nàng vì nụ cười thì còn có lý chứ nói nàng mê chàng vì chàng cười có duyên là chuyện tầm phào, không thể có trên cõi đời ô trược này.

 

Trước hết là Cười Khúc Khích.

 

Nụ cười này mô tả một niềm vui, một sự đùa giỡn hơn là khoái trá. Câu ca dao cho thấy một anh chàng nào đó đang ở rể, ban ngày phải làm việc cực khổ như cày ruộng, cấy lúa, bổ củi vv... Tối đến nằm chèo queo một mình ở phòng ngoài, lắng nghe tiếng cười  khúc khích của mấy chị em ở phòng trong mà ngẩn ngơ. Và nếu hiểu một cách "sai quấy" để mao tôn cương thêm thì có thể hiểu rằng, có thể có một chàng nào đó chạy "hai máy". Máy "Honda" thì ở phòng trong cười khúc khích vì sung sướng được chồng yêu thương, còn máy "Toyota" ở phòng ngoài buồn bã vì số phận, không được đoái hoài nên ngẩn ngơ :

 

Phòng trong sớm mở tối gài

Ai cười khúc khích để phòng ngoài ngẩn ngơ.

 

Cười Trừ.

 

Tôi vẫn tin rằng chúng ta đã nhiều lần bắt gặp nụ cười này. Cho mượn tiền, đòi không trả, chỉ thấy miệng nở một nụ cười trừ. Nụ cười ấykhông thể nào phát ra thành tiếng được. Cái miệng chỉ nhe ra cho thấy hàm răng rồi đóng lại ngay. Cười trừ thường xuất hiện trên những khuôn mặt đau khổ một cách vờ vịt, để xin một sự thông cảm nào đó và cũng có thể bày tỏ một sự "xét lại", "hãy đợi đấy", "nhẩn nha chờ xem" nhưng có lẽ thích hợp nhất cho nụ cười trừ là lúc chàng đi làm về mệt, hoặc đã lén lút đi làm "công quả" ở chỗ nào khác rồi, bà xã đòi đóng thuế "nghĩa vụ", vì đã hết xí quách nên chàng đành phải nở một nụ cười trừ :

 

Bắp non xao xác trổ cờ

Thương nhau xin chớ nhởn nhơ cười trừ

 

Cười Gượng.

 

Cười gượng khác với gượng cười. Gượng cười mô tả một thái độ có tính cách đau khổ, chẳng hạn một anh chàng bị bồ đá , bạn bè biết được đến hỏi chuyện nên phải gượng cười. Còn cười gượng là cười gượng gạo chứ thật ra là "quê" lắm, quê một cục lận. Cười cho qua, cho đỡ ngượng ngùng thế thôi. Ví dụ như chàng đang hùng dũng sẵn sàng gửi ông "đại sứ" tiến chiếm mục tiêu nhưng bỗng dưng chàng xụi lơ. Thế là chàng đành phải cười gượng. Trường hợp con nhím bị lầm trong câu chuyện dưới đây cho thấy chàng nhím ta phải cười gượng cho đỡ quê :"Một con nhím từ trên cành cây, thấy một cái bàn chải dưới gốc cây, tưởng rằng đó là con nhím cái, bèn tuột nhanh xuống, leo lên cái bàn chải ... Khi nhận ra đó là cái bàn chải, nhím ta bèn cười gượng và chữa thẹn : Ở đời ai lại chẳng có lúc không bị lầm !". Nhưng nếu nụ cười gượng ấy nở trên môi một thiếu nữ sắc nước hương trời thì những chàng "ga lăng" nhà ta, hẳn sẽ phải chua xót lòng:

 

Phất phơ ngọn cỏ gió lùa

Thấy em cười gượng, anh chua xót lòng

 

Cười Gằn.

 

Hình như ít có người đàn ông nào cười gằn với đàn bà trừ trường hợp bị phụ tình dẫn đến hận thù. Cười gằn ngầm mang trong đó sự đe dọa. Hàm răng nghiến lại, môi hơi bạnh ra và xệ  xuống một chút, ra cái điều là hãy coi chừng ta. Nàng phải bỏ của chạy lấy người vì sợ cái sự Tác Zăng nổi giận của chàng. Ở xứ Mỹ này, chàng dám xách súng bắn như chơi và nếu là nàng thì nàng sẵn sàng "cắt, đốt, cột" không thương xót. Thôi thì đành "gài số de" vậy để tránh di họa về sau :

 

Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn

Nghe em cất tiếng cười gằn, anh trở bước thối lui.

 

Cười Vô Duyên.

 

Có một quy luật bất biến là khi một người vô duyên thì không cách nào nụ cười của họ có duyên được. Đã nói là vô duyên thì mọi cử chỉ, lời nói, thái độ, cách ứng xử đều vô duyên ráo. Xin kể một trường hợp vô duyên mà tôi đã gặp phải. Thủa còn đi học, tôi theo tán một cô gái. Trông cô cũng mát mắt, nhan sắc trên trung bình. Tôi bèn thả dê. Dăm điều ba chuyện một hồi, tôi đánh bạo ngỏ ý "ga lăng" muốn đưa cô về nhà. Tôi nói với cô :

- Tôi xin phép được đưa cô về nhà, cô có cho tôi được cái hân hạnh ấy không ?

Cô ta cười và trả lời một câu khiến tôi chưng hửng :

- Đưa thì đưa chứ ăn thua mẹ gì !

 

Lần khác, tôi mở máy tán một cô quê quán ở Lái Thiêu Tôi hỏi :

- Quê cô ở Lái Thiêu, chắc là nhà cô có vườn măng cụt chứ ạ ?

Cô trả lời gọn bâng và rất tự nhiên với một nụ cười :

- Gì chớ măng cụt thì thiếu cha gì !

 

Cả hai nàng đều “đối xử” với tôi một cách vô duyên như thế, có thể vì hai cô thấy cái bản mặt của tôi "xuống cấp" quá cỡ, hoặc trông có vẻ "dê" quá chăng ? Dù sao, gặp phải trường hợp như thế, tôi thà xách xe không chạy chứ không dám rớ tới. Quý vị nam nhi chi chí ứng xử ra sao trước những người đẹp ăn nói rất "lựu đạn" này ? Đó cũng là trường hợp mà ca dao nhận định rằng, thà chịu cảnh gông xiềng còn hơn là có một cô vợ vô duyên :

 

Thà rằng chịu cảnh gông xiềng

Còn hơn có vợ, cười vô duyên tối ngày.

 

Cười Bả Lả.

 

Cái chữ bả lả này nghe hơi lạ. Âm thanh diễn tả một sự cười cầu tài, cười cho qua quít, không bày tỏ một chút thành thực nào. Bả lả còn ẩn trong đó một chút lả lơi và nhất định là phải có ý đồ. Người đối diện nghe nụ cười ấy phải nghi ngờ và đặt dấu hỏi ngay :

 

Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ

Em cười bả lả, anh ngờ duyên em

 

Cười Lãng Nhách.

 

Chúng ta thấy khi các nàng bị thả dê thường phản ứng bằng câu nói : "Cái anh này lãnh nhách". Hay "Cái đồ lãng nhách". Đó là nói, chứ còn cười lãng nhách là cười thế nào nhỉ ? Tôi hình dung ra một nụ cười vô cùng nhạt thếch, nhạt như nước ốc. Nụ cười ấy không diễn tả được tình ý gì cả. Đành phải gài số de, một đi không trở lại :

 

Tưởng đâu bến đã gặp thuyền

Thấy em cười lãng nhách, anh liền lui ghe.

 

Cười Đẩy Đưa.

 

Cười đẩy đưa là cười cho qua truông chứ lòng không mong muốn cùng đi chung một chuyến tàu. Cự tuyệt thẳng thừng thì e đau lòng chàng mà mình thì tỏ ra tàn nhẫn quá, đành phải nở một nụ cười để đưa nhẹ chàng qua bên kia bến sông :

 

Đứng xa kêu bớ em Mười

Thương hay không thương, xin nói thiệt chớ đừng cười đẩy đưa.

 

Cười Hớn Hở.

 

Mấy câu ca dao dưới đây mô tả niềm vui, sự hớn hở của một bà vợ. Mới xem qua thì có vẻ như nàng vui lắm mới cười hớn hở nhưng thật ra không phải thế. Đây là nụ cười rất chết người của những nàng thuộc "chủng tộc Bắc kỳ", thấy vậy mà không phải vậy, đừng có tưởng bở mà chết không toàn thây :

 

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì ?

Thưa anh, anh giận em chi ?      

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho              

 

Cười Lỏn Lẻn.

 

Cười lỏn lẻn có vẻ như là cười mắc cỡ, cười hỗ thẹn. Nói theo ngôn ngữ của dân bụi đời là cười "chịu đèn" :

 

Con quạ nó núp vườn chuối

Anh thấy em cười lỏn lẻn với ai ?

 

Cười Toét Te.

 

Đàn bà con gái mà cười toét te là hỏng. Thử tưởng tượng một nàng miệng rộng, cười đưa cả răng và lợi ra thì nụ cười ấy xấu đến mức nào. Đó là chưa kể chẳng may nàng hô răng nữa thì quả là một sự bất hạnh. Cái hàm răng hô được thiên hạ ví von là mái hiên nhà che nắng che mưa. Đã vậy chưa nói đã cười rồi. Bạn có thể thương một cô nàng như thế không ?

 

Thôi thôi tình đã buông lơi

Chưa chi em đã vội cười toét te.

 

Cười Hữu Ý.

 

Có những cô gái khi cười, đôi mắt của cô cũng cười theo. Các cô nàng này có thể dẫm lên hàng trăm quả tim của những chàng có máu dê mà bước. Nói là cười hữu ý, thật ra là nhờ vào đôi mắt của cô bộc lộ tình ý hơn là ở nụ cười. Ai bảo rằng chỉ cần nhìn duy nhất vào miệng cô cười thôi mà biết cô ta muốn cái gì, người đó là kẻ nói phét nặng ký : 

 

Bông cúc nở trước sân, con buớm vàng nhận nhụy

Thấy miệng em cười hữu ý anh thương.

 

Cười Hiền.

 

Cời hiền tức là cười không dữ. Dứt khoát là các Sư Tử Hà Đông hay các nàng Hoạn Thư không thể nào có được những nụ cười này. Xét cho cùng, một người con gái dù không đẹp lắm nhưng nếu hiền lành, diụ dàng, đôn hậu thì rồi ra vẫn sẽ có một cuộc đời tình ái xuôi chèo mát mái :

 

Tóc em dài em cài hoa thiên lý

Thấy miệng em cười hiền, anh để ý anh thương

 

Cười Có Nghĩa.

 

Tôi thật sự không hiểu nổi người làm ra câu ca dao này mô tả một cô nàng có cái miệng cười có nghĩa là cười kiểu gì ? Cười mang một ý nghĩa nào đó thì có thể hiểu được chứ nụ cười không cho ta thấy được cái sự ăn ở, đối xử có nghĩa có nghì ra sao. Cô nào bà nào có tài thử biểu diễn một màn cười có nghĩa cho kẻ hèn này xem nó ra mần răng. Đối với mấy anh dê cụ thì chỉ cần cô có cục duyên ngầm là chàng ta có thể quên mần bỏ ăn rồi :

 

Thấy em có cục duyên ngầm

Miệng cười có nghĩa, anh quên mần bỏ ăn

 

Cười Ẩn Ý.

 

Hoàn toàn đồng ý cái vụ cười ẩn ý này. Nụ cười của nàng biểu lộ, bày tỏ một thái độ .. nhưng điều đáng nói là anh chàng rất thông minh, chỉ cần nhìn nàng cười thôi mà biết tình hình "ta và địch", biết "what's going on" để đỡ lo lắng trong lòng :

 

Con kiến vàng bò ngang đám bí

Thấy miệng em cười ẩn ý anh đỡ lo

 

 

Cười Mím Chi.

 

Có lẽ nụ cười này được đề cập đến nhiều nhất trong văn chương, nhất là trong những đoạn văn đối thoại. Các nàng thôn nữ Phà Ca thường biểu lộ cái duyên ngầm của mình qua những nụ cười mím chi khiến các trai làng mê mệt. Ngoài ra cũng còn có điệu cười mím chi khác thay vì làm cho người ta thương lại khiến cho người ta sợ. Đó là nụ cười "mím chi cọp":

 

Cóc nghiến răng còn động lòng trời

Anh mê em vì em có nụ cười mím chi.

 

 

Cười Dòn.

 

Cười Dòn là cười khoái trá, cười thích thú. Dân gian ví nụ cười ấy dòn như bắp rang, còn lính tráng thì ví như súng đại liên nổ. Tôi vẫn không thể nào mê nổi cô nàng nào đó có nụ cười dòn tan được. Ai mê thì mê, cho tôi xin đứng ngoài :

 

Ngó lên đầu tóc em tròn

Hàm răng em trắng, miệng cười dòn anh mê

 

Cười Nụ.

 

Có thể nói một trong những nụ cười khiến cho các chàng thấy lòng xao xuyến ngẩn ngơ nhiều nhất là cười nụ. Thử hình dung một cô nàng có má lúm đồng tiền nở nụ cười như đóa hồng vừa hé nụ, nụ cười không thành tiếng này khiến cho ta không biết được là nàng cười trăng, cười gió hay nàng cười tình với ta :

 

Cười nụ hay là cười tình

Cười trăng cười gió hay mình cười ta ?

 

 

Cười Nửa Miệng.

 

Nụ cười này nếu phải mô tả thì có lẽ cũng từa tựa như cái nhếch mép. Tâm trạng của những người có nụ cười nửa miệng là có thể phật ý hay không hài lòng lắm về một chuyện gì đó. Tuy nhiên, đối với người phụ nữ Việt nam, từ ngàn xưa, vốn đã quen chịu đựng cảnh "chồng chúa vợ tôi" cho nên chỉ cần chàng cười nửa miệng thôi cũng đủ làm cho thiếp vui lắm rồi :

 

Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi

Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui lòng

 

Cười Tình.

 

Đây là nụ cười đáng đồng tiền bát gạo nhất. Cuộc sống lứa đôi của "ta và địch" có hạnh phúc hay không cũng là nhờ nụ cười tình của nàng. Chàng đang đói mà nhìn thấy nàng cười tình với mình, chàng cũng thấy no. Đúng là nụ cười "thần kỳ" có thể dẫn đến màn yêu thương ra rít sau đó.

 

Phần tôi, vốn nòi tình cho nên ai cười tình với tôi, tôi cũng đều mê tuốt luốt cho dù có phải lết, phải bò. Tôi đã thấy tác dụng rất rõ ràng của nụ cười tình tại nhà của một ông bạn  tôi. Ông đang “Tạc Zăng nổi giận” chuyện gì đó, quát tháo ầm ĩ nhưng khi phu nhân của ông ỏn ẻn nở một nụ cười tình với ông thì nét mặt ông tươi tỉnh lại ngay :

 

Ra đường gặp chuyện bực mình

Về nhà gặp vợ cười tình cũng no.

 

Cười Lạt.

 

Đây là nụ cười tệ hại nhất. Khổ thay, kiểu cười duy nhất không mấy hấp dẫn này lại dành cho các chàng chứ không phải các nàng. Cái gì xấu xí, tệ hại thì cứ đổ riệt cho cánh đàn ông. Dẫu sao, anh chàng có nụ cười lạt ấy chắc là xấu trai và vô duyên không để đâu cho hết. Tán gái mà cười kiểu đó thì bảo đảm chàng ta sẽ tối ngày xách xe không chạy mút chỉ cà tha. Chàng cười lạt đến nỗi cô nàng nghe xong phải vào nhà lấy muối ra ăn. đủ biết cái cười ấy thê thảm tới mức nào :

 

Chiều chiều ra đứng vườn cà

Thấy anh cười lạt, em vô nhà em hốt muối em ăn.

 

 

 

Cần phải khẳng định một chân lý bất biến với thời gian và không gian là, nụ cười bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Không cần nói chi đâu cho xa, bạn thử lật xem bất cứ cuốn catalog quảng cáo thời trang nào, bạn cũng đều thấy các kiều nữ miệng luôn luôn nở nụ cười, không cười kiểu này thì cũng cười kiểu nọ, nhất là cười tình. Tôi chẳng thấy cô nào có nét mặt "nghiêm và buồn" cả. Ngoài ra, dân tộc tính của một dân tộc biểu hiện qua cách cười của dân tộc đó. Riêng dân tộc Việt Nam ta thì cái triết lý sống có thể tóm gọn trong câu ca dao dưới đây :

 

Thứ nhất là đạo làm người

Dù no dù đói cho tươi mặt mày.

 

 

 

 

Huỳnh Văn Phú

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter