THẤY
(Trần Doãn Nho)
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn
làm ngơ
(Tô Thùy Yên)
Hiu Quạnh lớn ! Giữa đời, có lẽ cũng
không có mấy lúc ta biết đến
cái hiu quạnh lớn như thế. Tô Thùy
Yên cảm nhận được nó khi đứng
trước biển khơi trùng trùng vô hạn.
Riêng tôi, cái hiu quạnh lớn đến
vào những ngày tiếp sau biến cố
30/4/1975. Cuộc sống to lớn mênh mông dường
ấy, rộn ràng dường ấy mà tôi cảm
thấy chỉ có mình mình đối diện
với đất trời quạnh quẽ. Mọi thứ
đều vỡ vụn. Mọi niềm tin đều
như "những viên đá cuội rớt
vào lòng biển khơi", mù tăm mất
dấu. Tin Mỹ, Mỹ bỏ rơi. Tin chính quyền,
chính quyền bỏ chạy. Tin quân đội,
quân đội tan rã. Tin bạn bè, bạn
bè thất tán, ngu ngơ, mỗi người một
ngả. Tin đất nước, đất nước
tàn phai. Chúa bỏ đi, Phật cũng chẳng
thấy. Mênh mang tuyệt vọng. Chung quanh mình
là một hoang vu. Tin ai bây giờ giữa cơn
sóng gió quê hương hung hãn đang
đổ lên số phận từng người ?!
Tin ai ? Ai tin? Câu hỏi đó là nỗi
vật vã triền miên của có lẽ
không chỉ có một mình tôi vào thời
gian đó.
Ai đó đã từng nói: người
ta sống không chỉ bằng bánh mì mà
còn bằng niềm tin. E đúng. Khi mất niềm
tin rồi mới thấy cuộc đời chẳng
có ý nghĩa gì.
Tôi tự hỏi: tin là gì vậy nhỉ ?
Tin,
xét cho cùng, bao giờ cũng là tin vào một
cái gì hay vào một người nào
đó. Tin là đặt tương quan giữa
mình như một chủ thể và một
cái gì khác mình, ở ngoài mình.
Không có niềm tin khơi khơi tự nó.
Khi niềm tin bị lung lay, người ta nói củng
cố niềm tin. Củng cố niềm tin là củng
cố mình mà cũng là củng cố đối
tượng của niềm tin. Đối tượng của
niềm tin có thể là rất cụ thể
và hoàn toàn có cơ sở nhưng cũng
có thể trừu tượng, vô hình vô ảnh.
Đó có thể là một lời nói, một
hình dáng, một điều tưởng tượng
hay một ý niệm. Đối tượng có thể
khách quan mà cũng có thể chủ quan. Ta
tưởng tượng ra một điều và tin
vào nó y như thật. Có người bị
bịnh ung thư, tin rằng mình sẽ hết bệnh.
Và rồi hết bệnh thật. Để giữ niềm
tin lâu bền, đối tượng của nó phải
nhiều lớp, nhiều mặt nạ. Hễ lớp
này bị tróc đi qua kiểm nghiệm của
thực tế, ta sẵn có lớp khác để
dựa vào. Gần gũi, cụ thể thì tin bạn,
tin người thân, tin người tình, tin
lãnh tụ, tin tổ chức. Cao hơn nữa
thì tin vào chủ thuyết, vào luật
pháp, vào nhà nước. Trừu tượng
hơn thì tin vào Phật, vào Chúa,
vào đời sau. Tóm lại, dường như
mọi mưu cầu trong đời sống không
có gì thoát khỏi niềm tin. Đối
tượng thì thay đổi nhưng bản chất
của niềm tin thì vẫn thế. Vẫn là
đặt mình vào một cái gì
không phải là mình. Vì thế, những
sự xấu xa, tệ hại trong cuộc sống thường
xuất phát từ sự vỡ vụn niềm tin. Phản
bội, lọc lừa, đón gió trở cờ
… là những dạng thức của niểm tin bị
tróc gốc.
Đời người, ai cũng trải qua vô số
lần tin và nhiều lần vỡ mộng. Những
chuỗi tin và vỡ mộng tạo thành cái
mà người ta gọi là kinh nghiệm. Kinh
cung chi điểu - con chim bị bắn rồi,
thoát chết giờ thấy cành cây cong cũng
sợ. Không tin nữa. (Nhưng chỉ không tin
cái gì có hình dạng cây cung
thôi). Hồi nhỏ, tôi đã chống chỏi
với cái thể giới đe dọa, đầy hồn
ma bóng quế chung quanh bằng cách niệm Phật
mỗi khi đi trong đêm tối hoặc cắt
hình Phật dán quanh phòng với niềm tin rằng
có Phật thì ma sẽ sợ mà tránh xa.
Lớn lên, niềm tin nhảm nhí ấy mất dần.
Tưởng là hết hẳn khi bước vào
tuổi trưởng thành. Hóa ra không phải.
Hết sợ ma, lại sợ người. Hết sợ
người lại sợ mình. Và phải
tìm kiếm một cái gì để tin tiếp.
Tôi bắt đầu tin vào khoa học, luận
lý, triết lý. Hồi nhỏ, tin Phật để
trừ ma. Lớn lên, tôi tin Phật bằng một
con đường khác trông có vẻ trí
thức hơn qua các công án thiền và
các kinh điển thuộc loại cao cấp. Học
võ vẽ năm, ba chữ là bắt đầu ba
hoa chích chòe về “đốn ngộ”,
“sắc sắc không không”, “chấp
ngã”, vân vân. Không chỉ chừng
đó. Còn nào là cách mạng, vong
thân, biện chứng pháp, nào là hiện
sinh, hư vô, phi lý, vân vân và vân
vân. Lúc này là lúc tin chữ, mê
chữ với ý nghĩ rằng chữ nghĩa
có thể thay đổi thế giới, mang lại hạnh
phúc, chấm dứt bất công trần thế. Chữ
nghĩa trở thành những ám ảnh - hơn thế
nữa, trở thành những thực thể,
đôi khi tưởng như có thể cầm nắm
được, tiêu xài được. Ai
đã từng sống qua những giai đoạn nhiễu
nhương đó (trước 1975), lại không
ít nhiều bị cuốn hút, bị mê hoặc
bởi những cụm từ thời thượng:
cách mạng, vô sản, giai cấp, tổ quốc,
giải phóng, hiện sinh, buồn nôn …
Dường như càng học, càng đọc
thì niềm tin nói chung không mất đi
mà trái lại càng lớn, càng sâu.
Sâu đến độ chúng có vẻ như
không phải là niềm tin nữa mà là
điều có thật. Khi đã tin niềm tin
mình là chân lý thì người ta bắt
đầu xem niềm tin của người khác
là mê tín, trẻ con, nhảm nhí. Chỉ
khi nào những điều tưởng như chân
lý ấy đổ vỡ thì ta mới rõ ra
đó cũng chỉ là những niềm tin.
Hơn thế nữa, chỉ là ảo tưởng.
Tin đậm quá thành mê. Mê quá dứt
ra không được thì thành mê
tín. Mê tín cuồng nhiệt thì thành
cuồng tín. Đặc tính của những
người cuồng tín là chỉ thấy
mình mà không thấy người khác, xem
những gì người khác tin (hay không tin)
là mê tín.
Trong bản chất, niềm tin chứa đựng
tính phi lý. Tertullien nói: “Tôi tin
vì điều ấy phi lý” (credo qui a absurdum
est = I believe because it is absurd”) (1). Điều phi lý
ấy, điều bất khả ấy thực ra,
không xuất phát từ đối tượng của
niềm tin mà lại là bản chất của
chính niềm tin. Khi một niềm tin được
hình thành thì lập tức, đối tượng
của nó được bao bọc bằng một lớp
mặt nạ vững chắc bao gồm cả tình cảm
lẫn luận lý. Nó được vũ trang bằng
mọi thứ, biến thành một quán tính,
là thành trì bảo vệ niềm tin. Một
khi đã như vậy thì thường người
ta chẳng thèm lưu ý đến khái niệm
đúng sai, thiện ác. Trong đời sống
hàng ngày, niềm tin gây ra những biến
tướng như mặc cảm, ngộ nhận,
thành kiến. Những biến tướng này
có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi
niềm tin “gốc” của nó đã bị
vỡ vụn.
Nó tạo ra những yêu, ghét rất
đặc dị:
Khi yêu, yêu cả đường
đi
Khi ghét, ghét cả tông chi họ
hàng.
Khi tôi nói rằng “thằng ấy
ác lắm” thì có nghĩa rằng tôi
tin thằng ấy ác. Khi tôi nói “bà ấy
rất tốt”, nghĩa là tôi tin rằng
bà ấy tốt. Khó mà tìm ra một
phán đoán có tính cách khách
quan. Mỗi người, khi sử dụng lý luận,
đều dựa trên một tiền đề
có sẵn của mình, ấy là niềm tin
vào một cái gì mà mình tích lũy
được rất lâu trước đó.
Thành thử ra, giữa niềm tin và lý luận
có một sự cố kết, nhiều khi chặt chẽ
đến nỗi ta khó thể phân biệt
đâu là cái khách quan của lý luận
và đâu là cái chủ quan của niềm
tin. Từ đó đưa đến những tranh
cãi triền miên không dứt, không tìm
ra giải đáp khiến cho lắm lúc sự
tranh cãi chấm dứt bằng chiến tranh, bạo lực
- nghĩa là phải tiêu diệt đối thủ
để “nó” không còn tranh cãi
được nữa. Cứ thử xem hai người Quốc
Gia và Cộng Sản ngồi cãi nhau hay nghe lập
luận của hai phe chống và ủng hộ cuộc
chiến tranh tại Irag hiện nay (ở Liên Hiệp
Quốc) thì rõ. Bên nào cũng có
lý cả. Mà thực ra bên nào cũng
dưa cái lý ra dựa theo quan điểm mà
mình tin là đúng. Chung quy là anh tin
cái của anh còn tôi thì tôi chỉ
tin cái của tôi.
Phật có cho một thí dụ đầy ấn
tượng. Một hôm Phật đưa một
bàn tay đang nắm chặt lại của mình
trước mắt một đệ tử và bảo
rằng “Ta nói rằng trong bàn tay ta có một
viên ngọc, con có tin không ?”. Người
đệ tử trả lời: “Dạ tin”.
“Vì sao ?”, Phật hỏi “Vì sao con biết Đức Phật
không bao giờ nói dối”, người đệ
tử trả lời. Sau đó, Phật xòe
bàn tay ra. Người đệ tử nhìn thấy
quả thật có một viên ngọc quý nằm
trong đó. Phật lại hỏi: “Bây giờ
con có còn tin nữa không ?”. Người
đệ tử đáp: “Thưa Đức Phật,
không”. “Vì sao ?”, Phật hỏi.
“Vì con đã thấy nó rồi”,
người đệ tử đáp.
Từ thí dụ đó, Phật bảo
“Nhận biết như người ta thấy một
viên ngọc trong bàn tay”.
Thí dụ thật độc đáo.
Và cụ thể. Tôi khoái. Nó như một
tia chớp loé sáng trong đầu óc vốn
đầy luận lý của mình. Khi chưa thấy
viên ngọc, người đệ tử (và cả
chúng ta) tin rằng chắc chắn là có
viên ngọc trong bàn tay, bởi vì Phật
đã nói như vậy. Phân tích kỹ,
ta thấy, người đệ tử không hẳn
tin vào viên ngọc mà tin vào Phật,
người mà ông ta cho rằng không bao giờ
nói dối. Niềm tin, như thế, có tính
cách vòng vo. Nó chạy vòng vòng qua
nhiều trung gian. Tin một người nào
đó, vì thấy người đó
đàng hoàng, ăn nói nhỏ nhẹ, hay
giúp đỡ, giữ lời hứa, không ăn
nói bậy bạ … Đùng một cái,
người đó mưọn tiền không chịu
trả. Thế là hết. Mọi thứ tin cũ
đều tiêu tan. Những tính cách như
“đàng hoàng”, “ăn nói nhỏ
nhẹ”, “hay giúp đỡ”, “giữ
lời hứa”… đều trở thành
vô nghĩa. Khi “thấy” rồi, các trung
gian lập tức biến mất vì thực tình
những trung gian đó chỉ là “trung
gian”, nghĩa là giả, huyễn cả. Trong
thí dụ trên của Phật, thấy viên ngọc
rồi thì ý niệm về bàn tay cũng mất,
ý niệm về Phật đồng thời cũng mất
mà ý niệm về viên ngọc cũng mất
luôn. Y như khi ta qua đến đất Mỹ rồi,
đi chợ Mỹ rồi, ăn đồ Mỹ rồi,
cày trong các hãng xưởng Mỹ rồi, trả
bill Mỹ rồi, hưởng thụ cũng như chịu
đựng “giấc mơ Mỹ” rồi thì
mọi ý niệm về một nước Mỹ tự
do, bình đẳng, giàu có tự nhiên biến
mất. Thấy rồi, đâu cần lý luận,
đâu cần chứng minh.
Giáo lý của đạo Phật được
gọi tóm tắt trong phạn ngữ là
“chi-passika”, nghĩa là “đến để
thấy” chứ không phải để tin.
“Trong các bản kinh văn, những từ ngữ
luôn luôn được dùng để chỉ
những người đã chứng ngộ chân
lý là “dhamma cakkhu”, nghĩa là
“pháp nhãn” (con mắt pháp), không
bụi bặm và không cáu bẩn đã
phát sinh: “Người nào đã thấy
chân lý, đã vượt qua hoài nghi,
người ấy không còn do dự. Với
trí huệ chân chính người ấy thấy
sự vật đúng như sự vật (yathà
bhùtam)” (2).
Trong một hướng tương tự, linh mục
Pierre Teillard de Chardin, đã đặt việc “thấy”
(voir=seeing) là yếu tố hàng đầu trong sự
nghiệp khoa học và tôn giáo của ông
khi nghiên cứu về con người. Trong lời tựa
của một trong những tác phẩm quan trọng nhất
của mình “The Phenomenon of Man” (nguyên bản
tiếng Pháp là “Le phénomène
humain”), ông viết “Tác phẩm này
có thể tóm tắt như một dự
tính là thấy và làm cho nọi người
khác thấy cái gì xảy ra với con người…"Thấy".
Chúng ta có thể nói rằng toàn bộ
đời sống - nếu nó không là tối
hậu thì ít nhất cũng là chính yếu
- nằm ở động từ (thấy) này (…)
Không còn hoài nghi gì nữa, đó
là lý do tại sao lịch sử của thế giới
sống có thể tóm tắt như là sự
thêm vào của những đôi mắt
càng hoàn hảo hơn bên trong một vũ trụ,
ở đó, luôn luôn có thêm những
điều cần được nhìn thấy. Sau hết,
chúng ta đã chẳng phán đoán sự
hoàn hảo của một con vật, hoặc ưu thế
của một sinh vật suy tưởng bằng sự
quán triệt và quyền năng tổng hợp của
cái nhìn của chúng đó sao ? Nỗ lực
nhìn nhiều hơn và tốt hơn chẳng phải
là vấn đề tùy hứng hay tò mò
hay sự phóng túng. Thấy hoặc bị
tiêu diệt chính là điều kiện khiến
cho mọi vật tạo nên vũ trụ, bởi
vì đó là món quà bí nhiệm
của hiện hữu. Và điều này, ở mức
độ cao hơn, chính là thân phận con
người” (3) (Những chữ in nghiêng là
do tôi nhấn mạnh)..
Vậy, thấy
ở đây, chính là nhận ra cái bản
lai diện mục của sự vật. Thấy, chính là cái
nhìn nội tâm, là sự thấu tình
đạt lý. Ở trong Phật giáo, thấy
là một trạng thái sạch không, không
dính, bám, không vướng. Thấy, nói xa hơn, chính là “chứng”, là “ngộ”. Khi thành Phật, thái tử Tất
Đạt Đa thấy hết, thấy suốt toàn
bộ một lần. “Nói đến sự
giác ngộ của chính Ngài, Đức Phật
dạy “Con mắt đã phát sinh, trí thức
đã phát sinh, kiến giải đã
phát sinh, ánh sáng đã phát
sinh”. Luôn luôn đấy là sự thấy
biết qua trí hay huệ (nànađassana), chứ
không phải sự tin tưởng qua đức
tin” (4). Hành vi chứng ngộ, chính là
hành vi thấy, thấy vật thấy người, thấy
mình, thấu đạt cái thể tính
uyên nguyên của sự vật. Thấy, là
“kiến tánh”. Kiến tánh rồi
là không vậy ! Trong một giới hạn
nào đó, không ở đây tức
là không tin, không còn niềm tin nữa.
Ai cũng trải qua nhiều lần tin và nhiều
lần thấy. Thấy được cái này rồi
lại tin vào cái khác, triền miên
không dứt. Khi bế tắc, không thiếu
lúc người ta trở về cái tin cũ, mặc
dầu đã từng “thấy” nó. Chỉ
vì căn cốt của mọi niềm tin là tin
chính mình: chấp ngã. Mê tín bản
thân. Tin một cái gì đó là
vì nó thuộc một phần của tôi,
có lợi cho tôi. Khi tôi không tin cái
đó nữa, tôi vứt nó đi và lấy
một cái khác thay thế vào. Quá
trình được lặp lại: cái
đó là của tôi, thuộc phe tôi. Vậy,
thủy chung hay bội bạc có cái gì giống
nhau: tin mình, mê mình, chỉ biết có mình.
Khi thấy chung thủy không có lợi là
bèn bội bạc. Cái khác là ở chỗ,
đối tượng của nó thay đổi: tin
cái này và không tin cái kia nữa. Mở
rộng ra, cái ngã muốn thu tóm cả thế
giới. Thu hẹp lại, cái ngã co cụm
vào đến từng chi tiết tế vi nhất. Phật
bảo: “Chấp trước vào một điều
gì (một quan điểm nào) và khinh miệt
những điều khác (quan điểm khác) xem
là thua kém - đấy người trí giả
gọi là một xiềng xích” (5). Điều
này không loại trừ giáo lý giải
thoát của chính Phật. Nói một
cách khác, ngay cả chấp trước vào
chính giáo lý giải thoát của Phật
cũng là một xiềng xích. Nói một
cách khác nữa, trên quá trình giải
thoát, người tu hành phải loại bỏ
thành lũy, chướng ngại cuối cùng:
đó là niềm tin vào chính giáo
lý của Phật, tin vào Phật như là
chân lý.
Phần tin nằm trong “Kinh nền tảng Đức
Tin” thường được biết là kinh Phật
thuyết cho người dân Kalama, theo đó:
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó là truyền thuyết.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó thuộc về truyền thống.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó được nhiều người
nhắc đến hay tuyên truyền.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó được ghi lại trong kinh
điển hay sách vở.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó thuộc về lý luận
siêu hình
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó phù hợp với lập
trường của mình.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó được sức mạnh
và quyền uy ủng hộ.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó được căn cứ
trên những dữ kiện hời hợt.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó phù hợp với định
kiến của mình.
- chớ vội tin điều gì chỉ vì
điều đó được các nhà truyền
giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Hết nói ! Chẳng khác gì là một
cách phủ nhận niềm tin ? Có thể. Thực
ra, theo tôi, những lời khuyên đó nhằm
mục đích cảnh giác con người về
tính cách bất trắc của niềm tin.
Luôn luôn đánh giá lại cách tin của
mình. Hay nói cho rốt ráo thì không
nên tin. Tìm cách để thấy.
Chưa thấy mới
cần tin
Thấy rồi
thì hết tin
Theo tôi, đó là thông điệp
đơn giản nhất và có lẽ cũng
là phức tạp nhất mà Phật gửi cho
con người ở mọi thời.
Tiếp nhận thông điệp ấy như thế
nào lại là một việc khác.
TRẦN DOÃN NHO
______________
(1) Dẫn lại theo Carl Jung, Psychological Types, bản
tiếng Anh của H.G.Baynes, Princeton University Press, Princeton,
W.J, 1974, tr. 12-13.
(2) & (4) Con đường thoát khổ, bản
dịch Thích Nữ Trí Hải, tr. 25,
(3) Pierre Taillhard de Chardin, The Phenomenon of Man, bản tiếng
Anh của Wm. Collins Sons & Cọ Ltd., London and Harper &
Row, Publishers, New York
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)