SU'U TÂ`M 11

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | LINKS | TIN .. TH̉'I SU'. | TIN .. TH̉'I SU'. [tt] | LU'U Ư | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | CHUYÊ.N KHÓ TIN | CHUYÊ.N CÔ? | CHIUYÊ.N CÔ? [tt] | CHUYÊ.N CÔ? 1 | CHUYÊ.N CÔ? 2 | CHUYÊ.N CÔ? 3

TA.P GHI 32

 

Phở

(Ấu Chi)

 

Tác giả lần đầu Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết -được chuyển tới bằng email- Ấu Chi là cư dân California. Tiệm Phở nằm kế khu vực hãng xưởng gồm nhiều sắc dân. Khách thưởng thức món phở không chỉ là một chàng gốc Việt mà còn là anh bạn Nhật, ông già Tàu và chàng trai Mỹ chính gốc Texas. Tô phở với mỗi người được thưởng thức theo một kiểu cách riêng. Mong Ấu Chi tiếp tục viết thêm và bổ túc sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

***

Buổi sáng trôi qua thật nhanh chóng, bận bịu với những cú điện thoại của khách hàng gần xa,  chàng quên bẳng mất là đã quá giờ ăn trưa.

- Hey, guys, fuh ?

Giọng rủ rê của anh bạn người Nhật, Tani, khiến chàng bỗng thấy kiến bò bụng. Ừ, thì lại phở vậy. Chỉ mới lần thứ ba trong tuần thôi mà. Đã ngán chi. Chàng nháy mắt với ông bạn già người Tàu, Chen, ngồi phía sau bàn mình, rủ đi cùng. Ông Chen cười đồng ý, vươn vai đứng dậy:

 - Okay, foe !

Ông già Chen này, chàng cứ bày cách phát âm hoài, ông vẫn không nói đúng được cái món khoái khẩu của mình.

Bộ ba tản bộ tà tà vòng sau khu đậu xe của hãng. Buổi trưa yên ả, có thoáng mát lạnh của một mùa thu đang nhẹ nhàng bước tới, lấp ló đâu đó vài đốm nâu vàng ở những vòm lá ven đường.  Thu nơi đây không rõ ràng đậm nét như mùa thu ở miền Đông nước Mỹ. Muốn thưởng thức hương vị thu vàng đúng nghĩa Cung Tiến, phải chịu khó lái xe đến nơi có những gốc sồi già, để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên của vàng lá khô, và xào xạc tiếng thu, thật gần theo từng bước chân đi.

Băng qua con lộ nhỏ sau bãi đậu xe là thấy ngay một khu thương mại bỏ túi. Khu phố vỏn vẹn  chỉ tám cửa hiệu - ngoài một tiệm tạp hóa nhỏ, trạm xăng Arco, tiệm donut Yummy, còn lại là các quán ăn đủ sắc màu quốc tế, Mỹ,  Mễ,  Ý, Tàu và một quán phở Việt - nằm giữa Mesa Taco    Bigboy Burger. Từ mười một giờ sáng đã thấy nườm nượp khách ra vào, lắm hôm lại thấy một hàng dài trước quán phở, không những chỉ phe ta da vàng, mà cả trắng đỏ nâu đen, đủ cỡ đủ kiểu, cũng kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ. Giờ cao điểm ở đây đúng vào giữa trưa, thực khách phần đông đến từ các hãng xưởng chung quanh, khổ nỗi khu đậu xe rất ư là khiêm tốn, lắm khi không đủ chỗ. Có vài người đánh liều đậu vào chỗ dành cho người khuyết  tật, đến khi  phủ phê no bụng ra lại gặp ngay một tờ giấy phạt, thật là một bữa ăn trưa nhớ đời, tính ra tròm trèm cũng vài trăm đô cho một tô phở.

Phở với chàng có nhiều kỷ niệm đẹp, lấy được vợ cũng từ cái duyên với phở mà ra. Thưở còn sinh viên tay trắng, chàng thường xuyên thăm viếng một tiệm phở kế bên trường. Tiệm nhỏ chỉ  năm bàn chuyên phở bò phở gà, giá cả bình dân - hai đô một tô kèm luôn ly trà nóng. Phở trưa phở chiều hoài cũng chán, một hôm chàng bỗng thèm một món không có tên trong thực đơn,  lý luận rằng nhà bếp hẳn có gà có gừng có nước mắm thì cái món chàng thèm ắt phải có. Chàng bèn dõng dạc gọi một dĩa gà luộc chấm mắm gừng, lòng tơ tưởng đến món gà luộc lá chanh của bếp mẹ ngày xưa. Ấy vậy mà nhà hàng vẫn ráng chiều anh khách quen, dọn cho dĩa mắm gừng và mấy cái đùi gà chặt khúc, thiếu vắng mùi lá chanh, chỉ có mùi hồi vương vấn !  Cũng tạm giải cơn ghiền...

Đang thưởng thức ngon lành, bỗng chàng nghe có tiếng cười khúc khích ở bàn sau, và bàn tay ai đó khều áo chàng nhè nhẹ, một giọng Bắc thanh tao duyên dáng:

- Này có thích ăn gà tôi chỉ cho một trại nuôi gà gần đây, gà tươi thịt dai, ngon hơn đây nhiều.

Chàng quay lại nhìn. Gặp ngay một nụ cười  hóm hỉnh, cái má lúm đồng tiền sâu ngoắm, và  đôi mắt to đen lém lỉnh. Chao ơi, bỗng dưng tinh tú quay cuồng, chàng luống cuống không còn nhớ mình đã nói gì làm gì. Hình như chàng hỏi số điện thoại trại gà thì phải, hay điện thoại của nàng ... Bút chì nguệch ngoạch vội vàng mấy con số trên tờ napkin. Mái tóc dài buông lơi giản dị. Và đôi mắt, ừ đôi mắt đã theo chàng suốt mấy đêm không ngủ. Hình như nàng có nói tên.  Bồng thì phải. Có lẽ nào, dáng hoa tha thướt như thế, nếu Hồng thì thích hợp hơn chứ. Chàng xao xuyến nhớ đôi môi nhỏ chúm chím, và giọng nàng thầm thì - Bồng. Ừ nhỉ, đúng rồi. Bồng. Chao ơi là đôi mắt ... Dẫu tên nàng có vô lý đến đâu, dẫu là Vô Diệm họ Chung, thì cũng phải một lần gặp lại. Và chàng nhất định gọi, cầu trời khẩn Phật không phải số trại gà, trời thương (hay nàng thương !), đúng phóc số nhà nàng.

Ba nàng tiếp điện thoại, và khi chàng xin được phép nói chuyện với cô Bồng, thì ông hỏi:

- Cậu quen biết họ hàng thế nào với bà nhà tôi ?

Bồng là tên cúng cơm của mẹ nàng. Chao ơi, đôi mắt to đen lém lỉnh ấy...

Chàng vốn dân Nam Kỳ giá sống nên chi nói năng hiền lành cứ như thóc với khoai, không biết sao lại vượt qua được cái ải phỏng vấn của ba nàng. Dường như họ có thảo luận về phở thì phải - phở Bắc, phở Nam, phở quê nhà, phở quê người. Cảm ơn ông Tơ bà Nguyệt, cảm ơn phở ! Thế là từ đó mối tình Bắc duyên Nam cứ theo thời gian tiến triển tốt đẹp, chàng được cảm tình của gia đình nàng - kể cả cô Bồng. Và ngày lành tháng tốt - có hai chữ HQ âu yếm lả lướt ở một góc thiệp hồng -  chú rể Trần Đình Hồi, cô dâu Vũ Phương Quế - đúng là thiên duyên tiền định (hay phở định !).

Mấy năm đầu lúc còn ở thành phố cũ, mỗi năm vào ngày kỷ niệm cưới nhau, cả hai lại ghé vào tiệm phở gần trường đại học ngày nào. Hương vị bát phở vẫn ngạt ngào, thực đơn mỗi năm có phần phong phú hơn, có thêm bún thịt nướng, cơm tấm và ... gà luộc chấm mắm gừng ! Sau này gia đình chàng trôi nổi theo công việc, có dịp dừng chân ở nhiều thành phố trên đất Mỹ, dẫu thử qua nhiều tiệm phở khác nhau, sao chàng vẫn nhớ hương vị phở của cái tiệm năm bàn, vỏn vẹn hai món phở bò gà, của cái thưở ban đầu lưu luyến ấy.

 

Tiệm phở gần hãng chàng làm hiện tại, thực đơn rất ư là phong phú, để thích ứng với các khẩu vị khác nhau của những khách hàng ở xứ Hợp Chủng Quốc này. Tani, anh bạn Nhật, rất trung thành với món phở đồ biển (tôm/cua giả), không ăn rau quế giá sống chung với phở, tương hoisin thì cho vào đen kịt, xì xụp húp nước phở tới cạn đáy bát mới thôi. Ông Chen thường thì phở bò viên, gặp bữa mồng một ngày rằm thì gọi món phở chay (đậu hũ và rau cải). Hôm nào có anh bạn Mike nhập bọn, thì anh chàng Mỹ chính gốc vùng cao bồi Texas này luôn gọi món phở chín nạm, số 4 trên thực đơn. Mike không dùng tương đen với phở, mà lại rưới tương lên dĩa giá sống rau quế, thêm múi chanh vắt vào, thành ngay món salad khai vị.

Mike trẻ nhất trong nhóm, ra trường được chừng vài năm, tròm trèm mới ngoài ba bó. Đại đăng khoa bên này coi bộ dễ hơn tiểu đăng khoa, anh chàng cứ hẹn hò vi vút mỗi tuần mà vẫn còn mồ côi vợ. Có lần anh thắc mắc về món phở số 11 trên tờ thực đơn rất dài ấy - phở ngầu pín.  Thì được ông già Tàu  giải thích sơ về lục phủ ngũ tạng của con bò, và rằng người Á Châu có quan niệm ăn gì bổ đó, ví dụ ăn óc bổ óc, ăn gan bổ gan ...

Mike cười thú vị, hóm hỉnh bảo rằng:

- À Viagra ! Món này dành cho ông đấy.

Lao động tay chân ở Cali thường nhờ vào sức lực của nước láng giềng Mễ Tây Cơ, nên chi các tiệm phở phần đông phụ bếp toàn các anh chị Xì. Làm bếp Việt thử đồ Việt lâu ngày, đâm ra nghiện mùi nước mắm lơ là mùi taco, họ rủ thêm cả gia đình bà con bạn bè đến để thưởng thức phở, món ngon xứ người vừa rẻ vừa bổ. Có lẽ vì nhu cầu của nhiều thực khách ngoại quốc, một số  tiệm phở bên này đã chế biến thêm nhiều món phở đặc biệt, điển hình như  món phở tôm, phở thịt nướng. Và Kimchi, món dưa cải muối cay quốc hồn quốc túy của Đại Hàn cũng có sẵn trong bếp, để chiều theo khẩu vị của khách Hàn Quốc - một tô phở tái ăn kèm với một dĩa Kimchi - là chuyện thường tình trong quán phở Việt ở đất Cali.

Ngày còn ở Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rún của chàng là một quận lỵ nhỏ, thưở nhỏ chàng không mê phở lắm, vì lẽ món quà ngon bổ này không có mặt ở đó - một vùng rặt toàn dân Nam Kỳ giá sống. Muốn thưởng thức hương vị phở, chàng phải lái chiếc xe đạp cà tàng từ quận ra tới thành, hàng phở gần nhất khoảng hơn nửa tiếng đạp xe, kế bên cái rạp hát duy nhất của thành phố. Hàng phở chỉ mở từ năm giờ chiều tới lúc bán hết thì thôi. Trong suốt thời niên thiếu chàng ăn phở chỉ đôi ba lần, lần phim Love Story có Ali MacGraw tóc dài quyến rũ, lần phim Dr. Zhivago với nàng Lara kiều mỵ, và lần phim Nữ Hoàng Ai Cập với Elizabeth Taylor và đôi mắt tím tuyệt vời. (Ấy, quên mất, vẫn chưa tuyệt vời bằng đôi mắt to đen lém lỉnh của nữ hoàng lòng chàng bây giờ !).

Chàng còn nhớ cái nồi phở to nghi ngút ám khói đen thui ấy, dăm ba cái bàn nhỏ và mấy chiếc ghế đẩu, với cặp vợ chồng người Bắc hoạt bát, luân phiên tiếp khách. Chỉ mỗi một món phở bò duy nhất. Ông chồng thái thịt, bà vợ ra phở - nhịp nhàng, thoăn thoắt. Lâu lâu ông chồng lại hét lên một tiếng "Phở", trong tinh thần cạnh tranh vui vẻ, để đối đáp lại ông Tàu chuyên món hủ tíu bên kia đường, cứ mỗi năm mười phút lại lên giọng - "Tíu mại dzô!". Ông Tàu tốt giọng thật, nhưng mùi phở phưng phức thơm vẫn là một cách hữu hiệu nhất để chiêu gọi thực khách, hàng phở những lần chàng viếng bao giờ cũng đông đảo hơn so với hàng hủ tíu. Bát phở đơn giản, màu nước ngà ngà nâu, có loang loáng mỡ vàng ánh, một nhánh hành, vài lát thịt, dăm nhánh húng quế ngò gai. Ấy vậy mà ngon. Khi được khách khen, bà vợ cười khiêm nhượng bảo:

- Phở gia truyền từ đời ông Cố tôi đấy ! Hầm những tám tiếng mới được vậy.

Có lẽ ông bà chưa bao giờ tưởng tượng ra một viễn ảnh phở trong lon đồ hộp, hay phở viên cô đặc, chỉ cần mười phút là đã có ngay một bát phở nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn. Và có lẽ ông bà cũng không ngờ rằng có một ngày cái bát phở gia truyền đó lại đi thật xa tới những vùng đất lạ mà ông bà chưa từng nghe tới ấy.

Cái món quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt đã bước những bước rất dài, mạnh tiến vào thị trường ăn uống quốc tế, không những chỉ riêng nước Mỹ, mà cả các nước Âu Á khác như  Đức, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản, Đại Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Phi luật Tân, v.v.. Riêng tại Hoa Kỳ, các tiệm phở đã có mặt trên nhiều tiểu bang, hương vị phở ngạt ngào đã làm ấm lòng dân bản xứ nhiều nơi, thậm chí cả những vùng hẻo lánh dân số lèo tèo vài ngàn người,  ở các bang xa xôi như Alaska, Idaho, Iowa, Maine, Montana, Wyoming, chẳng hạn.

California, tiểu bang đông người Việt nhất, thì khỏi phải nói rồi, con số tiệm phở hẳn đã lên trên  hàng sáu bảy trăm tiệm. Phương cách nấu phở thì người mình dường như ai cũng biết sơ qua, ăn thua là ở nồi nước, vật liệu đại khái cũng chỉ ngần ấy món -  xương bò, gừng, hành, quế, hồi, tiêu, muối, đường, nước mắm, v.v... Mà lạ thay mỗi tiệm mỗi mùi vị khác nhau. Đặt tên cho tiệm có lẽ cũng là một chuyện nhiêu khê, để đỡ phiền toái các tiệm phở ta hay có chiêu bài lấy số làm tên. Rải rác trên các bang - từ số 1 cho đến số 2009 -  hy vọng mỗi người sẽ tìm ra được một số hên cho riêng mình, với một tô phở thật vừa miệng.

Và biết đâu rằng một ngày thật gần nay mai, khi mở cuốn tự điển Mỹ ra, bên cạnh taco và sushi, chúng ta lại thấy thêm một danh từ mới đi vào lòng văn hóa nước Mỹ: "Pho [fuh]  a Vietnamese rice noodle soup, with a variety of toppings of your choice - beef, chicken, and others".

 

 

Ấu Chi

(Bai Chuyen)

 

 

website counter