SU'U TÂ`M 11

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | SUY NGÂM~ 8 | SUY NGÂM~ 9 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | LINKS | TIN .. TH̉'I SU'. | TIN .. TH̉'I SU'. [tt] | LU'U Ư | THÚ VI. | THÚ VI. [tt] | CHUYÊ.N KHÓ TIN | CHUYÊ.N CÔ? | CHIUYÊ.N CÔ? [tt] | CHUYÊ.N CÔ? 1 | CHUYÊ.N CÔ? 2 | CHUYÊ.N CÔ? 3

TA.P GHI 10

 

Bảy Em Du Học Sinh

(Bồ Tùng Ma)

 

 

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết và mới nhất, năm 2008, ông nhận giải Việt Bút, dành cho những tác giả đã nhận giải và “vượt được chính mình.” Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên “Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ.” Sau đây là bài viết mới nhất  ông góp cho giải thưởng.

 

***

 

Hồi ấy tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm một nghề (?) mà mình rất mù mờ, cảm thấy khó khăn và nhất là không thích: Dịch vụ du học cho sinh viên Việt Nam. Anh họ tôi, giám đốc một dịch vụ du học tại Việt Nam, như đọc được ý nghĩ thầm kín của tôi, nói với tôi qua điện thoại:                                                                          

-Hình như chú có thành kiến về du học sinh.

-Phải, con cháu cựu tù cải tạo trên 21 tuổi bị từ chối dài dài, mà "tụi nó" đi được...

-Tụi nó đi du học, đâu phải đi định cư.

-Qua Mỹ là "một đi không trở lại"

-Chú sợ tụi nó qua ... giải phóng nước Mỹ hả?  Chú tin đi, sau khi qua đó, tụi nó sẽ được Mỹ "giải phóng". Tụi nó rồi cũng sẽ giống như mình thôi.

Tôi hiểu ý anh ấy khi nói "Tụi nó rồi cũng sẽ giống như mình thôi". Anh ấy từng là một công chức Việt Nam Cộng Hòa mà.

Anh họ tôi nói tiếp:

-Nhưng sao qua Mỹ lâu rồi mà chú vẫn chưa bỏ được tánh "tào lao".  Mình làm ăn mà, có tiền là được. Thầy thuốc mong có người bệnh; kẻ bán quan tài muốn có người chết.  Hơi đâu thắc mắc.

Tôi nói:

 -Thôi được. Nhưng phải bắt đầu sao đây ?

-Trước hết chú nên xin cho tụi nó học cao đẳng tức college vì số sinh viên xin học college khá đông. Chú đến các trường college hỏi  sinh viên Việt Nam muốn xin du học thì phải nộp những giấy tờ gì. Chú thử xin cho bảy sinh viên.  Ba em người bắc, 2 nam, 2 nữ: Tuân, Thành, Huệ, Loan. Ba em còn lại người Đà Nẵng, hai nam, một nữ: Đôn, Đức, Liên.  Hai em sau có họ với mình. Tui sẽ fax thông tin của tụi nó cho chú ngay bây giờ. Chú ứng trước chi phí. Ngay chiều nay tui sẽ chuyển tiền qua. Có trường California International University ở gần nhà chú ...

-Ủa ? University đâu phải college.

-Chú cứ xin thử đi !  Có vài sinh viên Việt Nam đang học college tại đây. Chú năng nổ lên một chút thì ta mới có tiền.

 

Sau khi nhận cái fax, tôi "liều" đến California International University thử xem sao. Tôi hồi hộp bước vào cái phòng có ghi hàng  chữ "International Student Office".  Tôi nói với một bà, có vẻ như người gốc Tàu hay Nhật, đang ngồi chăm chú viết cái gì đó:

-Tôi muốn xin cho sinh viên Việt Nam du học.

Bà ta vui vẻ trao cho tôi mấy tờ giấy:

-Ông điền đơn đi.

 

Tôi đọc mẫu đơn, thấy có một số đòi hỏi khó khăn và không sẵn sàng như phải có điểm TOEFL(Điểm thi tiếng Anh cho người ngoại quốc) ít nhất 450 điểm; bản điểm chuyển trực tiếp từ trường cũ; giấy chích ngừa; bảo trợ tài chánh; hình ảnh v.v... Đào đâu ra những món ấy bây giờ. Ông anh họ chỉ cho biết vỏn vẹn có tên họ, ngày tháng năm sinh và địa chỉ của mỗi sinh viên.

Thấy tôi đăm chiêu nhìn mẫu đơn, bà Michiko (Sau này tôi biết bà này tên Michiko, người Mỹ gốc Nhật) nói:

-Chỉ cần điền tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Học tiếng Anh hả ? Vậy thì khỏi cần điểm TOEFL, học bạ. Các món khác nộp sau khi sinh viên trình diện trường cũng được.

Tôi thật thà hỏi:

-Madam này.  Còn phải ký vào đơn nữa. Sinh viên đâu có ở đây mà ký.

-Ông ký thay.

Đúng là "Giơ cao đánh khẽ".  Tôi hỏi:

-Lệ phí thì sao ?

- Đơn 100$, hai tháng tiền học 400$. Nếu bị từ chối cấp visa, tiền học trả lui, tiền đơn không trả lui. Khi có visa, học sinh phải học hai tháng rồi mới chuyển đi trường khác.

 

Sáng hôm sau tôi đến trường nhận giấy tờ.  Mỗi sinh viên được cấp một thư giới thiệu và một mẫu gọi là I-20  tức giấy nhận học, có ghi các thông tin về sinh viên, môn học, ngày trình diện trường, địa chỉ trường v.v...  Tôi ra bưu điện gởi fax nhanh tất cả giấy tờ đó về cho anh tôi.

 

Hơn một tháng sau anh tôi thông báo cả bảy sinh viên đều được cấp visa và sẽ có mặt tại phi trường quốc tế Los Angeles lúc 8 giờ 45 tối ngày 22 tháng 8 năm 1997 bằng chuyến bay số C10008 của hang China Airlines. Anh tôi yêu cầu tôi đón sinh viên tại phi trường, thuê nhà cho họ và hướng dẫn họ trình diện trường. Công việc của tôi chỉ có vậy. Anh tôi nói đã cho các sinh viên xem hình của tôi; còn 7 sinh viên sẽ đợi nhau cùng ra khỏi khu hải quan Mỹ một lần. Do đó hai bên rất dẽ nhận ra nhau.

 

Tôi cùng người cháu đem 2 cái xe van nhỏ lên phi trường quốc tế Los Angeles.  Mãi đến gần 2 giờ sau khi máy bay hạ cánh mới thấy  6 sinh viên ra.  Trông họ là biết ngay người từ  Việt Nam mới đến.

-Chắc 1 người đi sau.

Cháu tôi nói xong thì 6 sinh viên cũng vừa đến bên tôi. Tôi hỏi:

-Hình như còn một em đi sau ?

Cô tên Huệ, lớn tuổi nhất trong bọn và khá đẹp, nói giọng "Bắc Kỳ 75":

-Không, chú ơi ! Loan Hải Phòng mới quen một anh Việt Kiều trên máy bay. Họ ra trước rồi. Nghe nói họ ra cổng chuyển tiếp đi Texas.

Lúc bấy giờ tôi vẫn còn mù mờ về luật lệ Sở Di Trú dành cho du học sinh nên rất phân vân lo lắng về việc Loan đi theo anh Việt Kiều nào đó. Nếu cô ta đi luôn thì sao, tôi có trách nhiệm gì không ? Tôi gọi điện thoại thông báo việc này cho ông anh họ tôi.  Anh tôi cười nói:

-Thây kệ nó ! Mình càng đỡ lo.

 

Thật vậy, hồi ấy du học sinh gọi là F1 student (Du học tự túc dài hạn) qua Mỹ, muốn đi đâu và học đâu cũng được. Thậm chí không học hành gì cả cũng chẳng sao. Rồi sau đó nếu muốn ở lại Mỹ, con đường dễ dàng nhất là kết hôn với một người có quốc tịch Mỹ. Ngoài ra sinh viên du học còn được làm thẻ an sinh xã hội ngay khi đến Mỳ, một loại giấy tờ mà họ rất cần, để lấy bằng làm nghề móng tay, tóc v.v.

 

Sau ngày 11-9-1999 luật lệ nghiêm ngặt hơn một chút. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (Department of Homeland Security) bắt buộc du học sinh phải học tại trường gốc, trường đã cấp thư giới thiệu và I-20. Du học sinh nào muốn học trường khác phải có sự đồng ý chuyển trường của trường gốc. Ai muốn kết hôn, ngoài các văn kiện căn bản, còn phải chứng minh học hành đúng luật lệ như phải xuất trình bản điểm và I-20 còn hiệu lực. Có một số  viên chức phỏng vấn rất dễ dàng, không yêu cầu xuất trình hồ sơ học.  Du học sinh nào muốn kết hôn mà ỷ lại vào sự dễ dàng này, không chịu học hành, khi được phỏng vấn bởi những viên chức khó, sẽ bị từ chối ngay. Bị từ chối một lần, sẽ có thể bị từ chối mãi.

 

Tôi đã làm dịch vụ du học trên 10 năm, chuyên về du học sinh F1.  Tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm với các em. Trong phạm vi nhỏ hẹp của vài trang giấy tôi chỉ nói về nhóm du học sinh đầu tiên. Phần nhiều các em sau này cũng có những biểu hiện của các em trước, chỉ khác một điều:  Vì nguyên nhân khách quan hay chủ quan, các em sau này học hành đàng hoàng hơn, có trình độ hơn.

 

Xin trở lại chuyện 7 sinh viên.  Như đã nói, ngay khi bước chân đến Mỹ một nữ sinh viên đã đi theo một anh ... Việt kiều  mới quen trên máy bay được ... 2 phút khi cùng đứng chờ vào phòng vệ sinh. Em này tên Loan, người  Hải Phòng, năm ấy 23 tuổị  Nghe nói Loan không bao giờ trở lại, nên tôi chỉ thuê nhà cho 6 em còn lại. Nhà có một phòng, hai nữ    phòng ngủ nhỏ; bốn nam ở phòng khách. Tôi cho các em mượn một TV, một  đầu máy VCR và một số đồ đạc cũ. Tôi dự trù sẽ thuê căn nhà này trong một thời gian dài, vì thế nào cũng có thêm du học sinh từ Việt Nam qua thay phiên nhau ở. Sau đó tôi hướng dẫn các em trình diện trường. Tôi rất mãn nguyện về công việc làm của mình.  Nhưng rồi một đêm trong khi đang ngủ ngon tôi nghe tiếng điện thoại reo vào lúc một giờ sáng.

 

-Ghê quá, chú ơi !- Con Liên vừa nói vừa ấm ức khóc.

-Cái gì vậy ?

Đầu giây bên kia có tiếng Đức nói thay Liên:

-Không có gì đâu chú.  Tại vì ... tại vì ...

-Cái gì ? Cứ nói đi.

-Tụi nó thuê phim con heo về xem, gọi mấy đứa con gái ra xem chung. Tụi con gái chạy vào phòng đóng cửa không xem, thằng Thành xô cửa, bắt mấy đứa con gái phải xem. Tụi con gái chửi, Thành tát con Liên một cái.

 

Tôi vội lấy xe đi ra chỗ các em. Ba đứa trai đang đứng ngoài hiên. Mấy đứa con gái không thấy đâu cả, hình như  ở trong phòng. Thằng Thành mặt đỏ gay vì rượu, nằm trên sàn nhà trong khi TV đang chiếu cảnh một cô da ngăm ngăm đang ngồi lắc lư trên mình một anh chàng, miệng la: "O, yes ! O, yes !" Tôi tắt TV, nói với Thành:

-Ở Mỹ mà mầy hành hung người ta như vậy, nhất là đối với phái nữ, cảnh sát bắt mầy ngay. May mà nó gọi tao, không gọi cảnh sát.

-Tại nó hỗn. Người ta bỏ tiền ra thuê phim ,... có lòng tốt mời xem, không xem lại còn chửi - Thành lè nhè nói.

Thằng Tuân từ ngoài đi vào, chỉ mặt thằng Thành, cười nói:

-Tại mầy ngu. Cần gì mời xem. Tao cam đoan Liên và Huệ sẽ hé cửa xem lén. Tụi nó cũng như mình thôi, chỉ khác là thẹn.

Tôi nói:

-Thôi khuya rồi, tất cả đi ngủ đi. Ngày mai chú có cách giải quyết.

 

Sáng hôm sau tôi bàn với vợ tôi cho Liên về ở tạm phòng khách nhà tôi. Huệ, người chung phòng với Liên, mừng ra mặt vì một mình Huệ chiếm một phòng. Liên ở được 3 ngày thì Đức và Đôn cũng xin qua ở. Đức nói:

-Chú cho tụi con tạm ở hơn một tháng nữa thôi, ngủ đâu cũng được, phòng khách, nhà bếp....  Tụi con xin trả tiền sòng phẳng. Tụi con tự túc ăn uống.

-Sao toàn dân Đà Nẵng qua ở nhà tao vậy ? Tụi nó lại tưởng nhầm có sự phân biệt đối xử. Vậy là bên đó chỉ còn dân bắc.

Đức nói:

- Không phải dân Bắc nào cũng như tụi nó đâu. Tụi này kỳ cục lắm chú ơi.  Ở chung với tụi nó trước sau cũng đánh nhau. Tụi nó giành hai cái ghế sô-pha nằm, đồ ăn thức uống ít khi chịu mua. Thằng Tuân, thằng Thành nói con Huệ phải chịu nửa tiền nhà vì có phòng ngủ riêng. Con Huệ không chịu. Tụi nó gây nhau suốt ngày. Ồn ào quá, làm sao mà học.

 

Hai tuần trôi qua, không có gì lạ. Một hôm bà Michiko từ California International University gọi tôi:

-Ông vui lòng nộp thêm bản điểm của những sinh viên ông mới xin hôm qua. Tôi chỉ cần bản điểm thôi. Các văn kiện khác nộp sau cũng được.

-Sao bảy học sinh vừa rồi ...

-Vậy mới phiền. Một vài em trong số đó hầu như ...vô học, hình như không biết cả... tiếng Việt. Bà phụ tá người Việt của tôi nói vậy.

-Bà có thể cho biết tên không ?

-Tuân và Thành

Tôi kể lại chuyện này cho Đôn nghe, hỏi tại sao học lực như vậy mà đi du học được. Đôn cười nói:

- Dạ, du học dĩ nhiên phải có hồ sơ chứng nhận học giỏi, thí dụ học bạ, bằng cấp.  Ở Việt Nam nếu chịu chi thì cái chi mà không có hở chú.

 

Để cho "qua ngày tháng" tôi làm như không biết chuyện học hành bôi bác của Tuân và Thành.  Tôi vẫn xem đám sinh viên của tôi, trong đó có Tuân và Thành, như là ... tương lai của đất nước.  Một ngày nào đó... thành tài, họ sẽ trở về... xây dựng quê hương nghìn lần tươi đẹp hơn. Ý nghĩ của tôi vừa rồi quả thật không sai nếu một ngày nào đó đất nước ta ... mở toàn tiệm làm móng (nail). Các em chịu khó học hành trong hai tháng chỉ vì các em đang ghi danh học làm nail hai tháng, chứ không phải các em sợ bỏ học sẽ bất hợp pháp. Qua  tiếp xúc với bạn bè các em thừa biết dù có bỏ học cũng không sao. Tôi thấy em nào cũng mang theo dụng cụ tập làm móng và đã trải qua một khóa làm móng tại các lớp dạy nghề ở Việt Nam gọi là "Lớp Dạy Nail Cho Người Xuất Cảnh".

 

Trong thời gian hai tháng này có thêm 3  du học sinh đến Mỹ, đa số là nữ. Tôi thuê nhà tại một khu vực khác cho các em ở. Tôi vẫn gắn bó với đám sinh viên cũ nhiều hơn. Tôi xem các em này như  "tác phẩm đầu tay" của tôi.

 

Một hôm Tuân, Thành và Huệ qua thăm tôi. Tôi thấy em nào cũng có vẻ lễ phép, nhỏ nhẹ, trông rất dễ thương. Huệ rụt rè một chút rồi nói:

-Thiếm đâu rồi chú ?

-Đi làm.

-Tụi cháu mời chú đi ăn. Chú muốn ăn gì, ở đâu ?

 

Tôi không dám nhận lời ngaỵ Tôi nhớ lại chuyện kể của ông bác họ tôi hồi bác tập kết ra bắc năm 1954. Bác đến chơi một gia đình tương đối khá giả ở vùng ngoại ô Nam Định nhằm lúc mọi người đang chuẩn bị ăn cơm. Ông chồng vừa cầm đũa vừa nói: "Mời bác xơi cơm ạ". Sẵn bụng đang đói, bác tôi không khách sáo, ngồi xuống cầm chén đũa ăn một cách tự nhiên. Trong bữa cơm bác thấy mặt ai cũng rầu rĩ như đưa đám, chỉ nói chuyện cho có lệ. Sau đó bác kể lại chuyện này cho một người bạn nghe. Ông bạn cười nói: "Anh hiểu nhầm rồi. Người ta nói vậy tức là lịch sự bảo anh ngồi chơi tự nhiên, để người ta ăn cơm, chứ không phải mời anh ăn đâu."

 

Tuy nghĩ vậy nhưng tôi cũng vui vẻ chở ba em đến một tiệm "Tim Sam" của người Tàu. Tôi đang tò mò. Tôi nghĩ có lẽ chúng muốn nhờ tôi cái gì đây. Tôi đã quen được mời như thế này tại Việt Nam sau khi ở Mỹ về.  Hồi ấy nhiều người ở Đà Nẵng tưởng tôi về quê hương để đầu tư kinh doanh, họ không ngờ tôi về chơi chỉ vì ... thất nghiệp.  Phải đề cao cảnh giác !  Ở đâu cũng vậy, nhất là ở Việt Nam, khi ai đó không mấy thân tình mà lại mời bạn đi ăn uống thì thế nào họ cũng có chuyện nhờ vả bạn.  Và khi nhờ vả được rồi thì họ biến luôn. Nếu vì cảm tình bạn muốn gặp lại họ cũng khó, họ có thể tưởng bạn "đòi ăn " nữa. Chắc chắn những kẻ có quyền thế  ở Việt Nam, sau khi "xuống chó" rồi, đã nhiều lần thấm thía nỗi cay đắng phũ phàng này.

 

Quả nhiên lúc bữa ăn sắp xong, Tuân nói:                                                                                         

-Mới đó mà đã hơn một tháng rồi, chú nhỉ.

-Phải, thời gian trôi qua nhanh thật - Tôi nói                                                                                                              

-Visa tụi cháu gần hết hạn, chỉ còn 2 tháng nữa thôi -Thành nói                                                                          

- Tụi cháu muốn nhờ chú gia hạn visa - Huệ nói.                                                                                                      

Tôi nói:                                                                                                                                                                     

-Để làm gì ? À, hiểu rồi. Không bao giờ người ta gia hạn visa cho sinh viên F1 cả. Sinh viên học đúng theo luật lệ quy định là xem như visa còn giá trị. Dù sao chú cũng nghe nói sắp tới người ta sẽ cấp visa có giá trị một năm, không phải 3 tháng như hiện nay.

Ăn xong tôi đến quầy trả tiền, mặc cho ba em nhao nhao lên rằng ba em mời thì ba em trả. Tôi nghĩ: "Tụi hắn đâu có nhờ mình được gì mà bắt tụi hắn trả. Tụi hắn trả, biết đâu tối nay ngủ không được vì tiếc tiền."                          

Điều tôi "nghĩ đùa" cũng chẳng sai bao nhiêu. Nghe Đức nói Tuân, Thành và Huệ "tranh luận" với nhau cả giờ về việc đã vội vã mời tôi đi ăn. "Nhưng chú ấy trả tiền mà" "Biết thế rồi nhưng giả sử chú ấy không trả thì sao ? Chúng ta mới đến đây, tiền nong eo hẹp, cần phải dè xẻn".

 

Chỉ còn có mấy ngày nữa các em rời đi, phần nhiều về với thân nhân hay người quen biết ở các tiểu bang miền đông Hoa Kỳ. Huệ qua gặp tôi. Em rơm rớm nước mắt nói:

-Ở đây thật là vui. Ướt gì được ở mãi.

-Ở Mỹ hay ở Calỉ

-Ở Cali, nghĩa là ở Mỹ. Phải chi ở đây có ai muốn kết hôn với cháu. Chú giới thiệu cho cháu một người đi.

-Có duyên với nhau tự nhiên gặp nhau, yêu thương nhau.

-Nhưng có ai đâu.

-Chú thấy cháu có nhiều bạn trai lui tới mà.

-Nhưng sao ai cũng chỉ muốn .. lui tới như thế thôi, không ai "đặt vấn đề" cả. Không lẽ cháu "đặt vấn đề" trước. Có những thằng trông rất ... quái, từ ngoại hình đến "nội hình" mà cũng chỉ rủ đi khiêu vũ thôi. Cháu tưởng những ngữ ấy thì phải quỳ dưới chân cháu chứ lại ...

-Những ... ngữ ấy thì lại càng không dám "rước" cháu, sợ cháu chỉ muốn mượn họ để ở lại Mỹ. Phải chi cháu xấu hơn. Cháu biết cháu đẹp chớ!

-Theo chú, một người ... đẹp như cháu thì nên .. lựa một người đàn ông như thế nào cho họ an tâm, không sợ bỏ ? Xin lỗi, thí dụ như ... chú, nếu chú kết hôn với cháu thì chú có sợ cháu bỏ không ?

Tôi ngập ngừng một lát rồi nói:

-Mình xem như là chú cháu với nhau, nói chuyện này... bất tiện.

-Có gì mà bất tiện.  Chỉ giả sử thôi. Chú có sợ cháu bỏ không ?

-Sợ chứ. Cháu trẻ hơn chú nhiều, lại đẹp nữa.

-Thế mà ... không, không bao giờ cháu ... bỏ chú.

-Bây giờ thì có thể như vậy, nhưng tương lai thì không. Nhưng ta đưa vấn đề đi hơi xa.

-Theo cháu thì không xa, chúng ta vẫn ở trong vấn đề, không lạc đề.

-Nhưng là vấn đề rất tế nhị.

Tôi nói đến đây thì nghe có tiếng chuông cửa.  Tôi ra mở cửa.  Vợ tôi bước vào, trên tay xách mấy bao đồ ăn.

-Hai chú cháu nói chi mà ..khẩn trương vậy, mặt người nào cũng đăm chiêu, có "sự cố" gì không? - Vợ tôi cười nóị

Tôi giật mình nhưng thấy vẻ thật thà của vợ tôi nên cũng cười:

-Chuyện quan trọng mà. Chuyện kết hôn của Huệ.

-Với ai ? Đẹp như Huệ thì thiếu gì - Vợ tôi nói.

Huệ giúp vợ tôi nấu ăn và ở lại ăn cơm với chúng tôi. Suốt bữa ăn hầu như Huệ không mở miệng.

 

Năm ngày sau tất cả đều lần lượt ra đi, một số  về với thân nhân. Các em gốc miền bắc ít có thân nhân ở Mỹ nên thường đọc báo tìm những tiệm nail bao ăn ở và bao lương, để vừa đi học vừa đi làm. Sau khi ổn định chỗ ăn ở em nào cũng gọi điện thoại thăm tôi, nói là nhớ Cali, nhớ gia đình tôi.  Chỉ được chừng 6, 7 tháng như vậy rồi bặt tin.

 

Quả thật thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Những cây hoa gì trồng bên cạnh Caliornia International University mới hôm nào chỉ có lá xanh, nay đã ra hoa, làm tím cả một góc trường. Rồi chẳng bao lâu, những cây hoa chỉ còn là những cành trơ trụi. Mùa thu  đến rồi lại đi, rồi lại đến. Những hàng cây nhỏ mới trồng hôm nào ở hai bên con đường dẫn đến trường, thoạt nhìn như những chú học sinh bé nhỏ đang sắp hàng đi vào học, nay cũng  sum sê cành lá, làm rợp cả con đường.

 

Đã 6 năm qua tôi không hề được tin tức gì của sáu em sinh viên.  Cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Tôi đã đổi nhà, số điện thoại cũ không còn, mà các em thì mỗi người một nơi, bóng chim tăm cá. Kể cũng lạ, biết bao nhiêu đợt sinh viên đã đến đây, nhưng tôi vẫn cảm thấy giữa tôi và 6 em sinh viên đầu tiên có một mối liên hệ rất đậm đà, dù họ đã không làm tôi mấy hài lòng. Mỗi lần nhớ đến các em tôi không khỏi cảm thấy bâng khuâng, pha lẫn chút bùi ngùi như nhớ lại thời thanh xuân đã mất.  Mãi về sau này tôi mới nghiệm ra rằng chính bóng dáng Huệ và những câu nói của em, dù thật lòng hay không, trước buổi chia tay đã làm tôi có ý nghĩ ấy.  Tôi đã có ý nghĩ ấy rất nhiều lần, cho đến Tết Quý Mùi năm 2003.

 

Chiều mồng 2 Tết tôi đang ngồi với một người bạn trong nhà thì thấy hai người, một phụ nữ Việt và một người đàn ông  Mỹ trắng, đến trước cổng nhà tôi. Tôi ra hỏi họ muốn gặp ai. Người phụ nữ Việt nói:

-Chú ! Nhớ cháu không ?

Tôi hết nhìn người nọ đến người kia, nhưng vẫn chưa nhận được ra ai. Một lát sau tôi bán tín bán nghi hỏi:

-Huệ hả ?

Huệ ôm chầm lấy tôi, rồi chỉ người Mỹ cùng đi theo:

- Dạ, đây là chồng cháu.

Tôi bắt tay chồng Huệ. Huệ hỏi:

-Thiếm có nhà không chú ?

-Thiếm đi thăm bà dì ruột rồi.

-À, chú còn nhớ mấy đứa kia không? Cả bọn đang chia nhau tìm nhà chú. Nhờ Liên gọi về Việt Nam mới biết địa chỉ của chú, nhưng địa chỉ không chính xác lắm.

Huệ  chạy về phía ngã tư. Lát sau cả bọn cùng đến.

-Hi, chú ! Hi, chú !

Tôi nói:

-Ai cũng trắng trẻo, đẹp đẽ,  không cách gì nhận ra ngay được. Huệ thì biết rồi.  Còn đây là Đôn, Đức, Liên hả ? Hai người có tóc nhuộm  xanh đỏ này  là Tuân và Thành phải không ?  Còn đây là ai, không nhớ.

Huệ nói:

-Loan Hải Phòng.

-Cháu sorry chú nhá ! -Loan e thẹn nói.

-Thôi, tất cả vào nhà đi. "Thành thật khai báo" hết đi ! Lâu nay làm gì, ở đâu ?

 

Cả bọn cho biết trong 7 người chỉ có Liên, Đức, Huệ tương đối học hành đến nơi đến chốn.  Cả ba đã tốt nghiệp cao đẳng.  Đôn, Tuân, Loan, Thành bỏ học đi làm nail, đã có tiệm riêng. Đặc biệt Huệ tốt nghiệp về ngành báo chí, đã có quốc tịch Mỹ. Đức nói:

-Đã 6 năm tụi cháu không ăn cái Tết Viêt Nam nào cho ra hồn. Tụi cháu rủ nhau qua Cali ăn Tết và thăm chú thiếm.

Huệ nói:

-By the way, để ... đọc báo nữa. Chỗ cháu chẳng có một tờ báo Việt Nam nào cho ra hồn, toàn quảng cáo.

-Báo ở đây cũng đăng nhiều quảng cáo quá, lại sặc mùi chính trị -Thành nói.

Bạn tôi nhìn Thành, có vẻ mất cảm tình, lên tiếng:

- Báo quảng cáo còn hơn báo nói láo. Anh bạn có nghe câu này không ? "Nếu ta đến một nước nào đó và đọc thấy báo đăng toàn tin tức tốt, thì ắt là những người tốt ở đó đang bị nhốt trong tù."

Tuân nhún vai nói:

-Chắc chú muốn nói Việt Nam hả ? Bây giờ đổi mới rồi. Tin tức gì cũng trung thực cả. Mấy vụ tham nhũng, buôn bán ma tuý...

-Chỉ đăng những "hiện tượng" thôi, hiện tượng xấu, còn bản chất vẫn tốt. - Bạn tôi cười mỉa mai.

Hình như Huệ thấy không khí trong phòng có vẻ căng nên nói qua chuyện khác:

-Lâu nay có học sinh qua nhiều không chú ?

-Bây giờ từ Việt Nam xin du học Mỹ rất khó, có lẽ vì nhiều du học sinh Việt Nam ở lại Mỹ. Mà bây giờ Mỹ chỉ  cấp visa cho sinh viên xin học chuyên ngành.

Buổi gặp mặt kéo dài gần một tiếng đồng hồ rồi chấm dứt trong không khí không mấy thân tình như lúc đầu, cũng chẳng hẹn nhau bao giờ gặp lạị

 

Tối hôm đó tôi gọi điện thoại  chúc Tết ông anh họ tôi, rồi nói:

- À, anh có nhớ 7 du học sinh đầu tiên không ?

-Mà sao hở chú ?

-Một phần nào tụi nó đã được Mỹ "giải phóng" như anh nói, nhưng  tụi nó không "giống như  mình" đâu.

-Chú nói gì tôi không hiểu.

-Thôi, một lần nữa chúc anh chị được mọi sự như ý trong năm mới. Bye !

 

 

Bồ Tùng Ma

 

(Bai Chuyen)

 

 

website counter