TUYẾT
VÀ NHỮNG CÁNH CHIM
(Trần
Mộng Tú)
Tôi đứng
bên trong khung cửa kính nhìn ra ngoài vườn
sau nhà, một đàn năm sáu con chim ngực
đỏ ở đâu bay đến nhẩy nhót
trên bụi cây sau vườn, tung hất những
đám tuyết đang bám trên cành.
Đó là những con chim Robin, ở quê
nhà, chúng có tên là chim chào
mào. Chúng làm cho khung cảnh tĩnh mịch
yên ả trong tuyết bỗng sinh động hẳn
lên với mầu sắc của những cái ức
nâu đỏ nổi bật trong mầu tuyết trắng.
Mỗi khi chúng chuyền cành này sang cành
khác, với một cái nhún rất nhẹ
làm tuyết tung chùm bụi trắng lên,
tôi nhìn thấy cái ức mầu đỏ
như một vệt mầu vẩy vào khung vải
căng bằng tuyết sau lưng chúng. Đẹp
ơi là đẹp ! Không biết chúng
có nhặt được con sâu mùa
đông nào trong những lùm cây lạnh
giá đó ? Chim Robin vùng tây bắc Mỹ
xuất hiện mùa đông, từ tháng mười
một cho đến tháng ba dương lịch.
Có một vài loại chim ở
vùng tây bắc Mỹ vào vườn sau,
tôi đã thuộc tên, sau khi tìm hiểu về
chúng:
Chim Townsend’s Warber, mình
tròn bằng nắm tay đứa trẻ lên ba,
lông chúng có hai mầu đen và vàng
cũng là chim mùa đông, vào vườn
sau nhà tôi vào dịp tháng ba. Cùng
vào tháng ba với chúng có những con
Black-capped Chickadee, đầu đen tròn, hai má trắng,
mình cũng tròn xoay, mầu xám, to bằng một
quả chanh. Tôi hay bắt gặp chúng trên
cành đào vào dịp cây đang ra hoa.
Chim Pine Siskin có mầu nâu
giống chim sẻ quê nhà thường đến
vào tháng mười một đến tháng
hai, nhưng thỉnh thoảng chúng hay đáo qua,
đáo lại vào bất cứ lúc nào
trong năm.
Những
con Rufous Hummingbird mới thật đáng yêu,
chúng nhỏ xíu mà đập cánh
liên hồi. Thượng Đế hay thật,
làm thế nào mà Ngài không cho nó
nghỉ đến một giây, ngay cả khi nó
cúi xuống uống nước trên một
cái lõm đá, hai cánh nó cũng
đập đến chóng mặt người đứng
ngắm. Chúng là chim mùa hè, tháng
năm chúng tới.
Rồi còn anh chàng Blue Jay nữa,
anh này gọi là “tốt mã dẻ
cùi” chỉ được cái bộ lông
xanh biếc, óng ả, nhưng không biết
hót, khi anh hót, nghe như tiếng chim lợn ở
quê nhà kêu, chán lắm ! Thế mà anh
lại đến vào mùa thu, là mùa
thơ mộng và lãng mạn nhất.
Còn nhiều nữa
nhưng tôi không thuộc hết tên và cũng
tại vì chúng chỉ ghé qua vườn
nhà tôi như khách du lịch, làm sao
mà nhớ mặt được. Tôi cũng
có treo trên cành cây những hộp hạt
giống cho chúng tới ăn, có treo nhà chim
cho chúng vào đẻ trứng. Đôi ba khi
được nhìn cảnh chim trống tha mồi về
cho chim mái ấp trứng, cảm động như
đời sống loài người. Đặc biệt
có cặp Hummingbird, chúng không vào cái
nhà nhỏ tôi treo mà chúng tìm ra
được một cái lỗ hổng nhỏ giữa
hai bức tường (tường ngoài và tường
trong của căn nhà). Chúng cứ hàng
năm đến, rồi đi, coi như một cái
motel, chúng hài lòng nhất.
Những con chim không thuộc về
mùa đông, bây giờ chúng trốn tuyết
phương nao ?
Cơn mưa tuyết đầu
tiên của mùa đông năm nay trút xuống
thành phố Seattle 4 inches, ngưng mấy tiếng, tiếp
tục rơi, bây giờ cái lan can trước
nhà đã được 12 inches. Năm nay tuyết
xuống liên tiếp trong một tuần, có thể
còn kéo dài hơn nữa. Khu nhà tôi ở
sát hồ, nên ấm hơn những người
bên kia dẫy núi, họ ở cao hơn và tuyết
rơi hầu như vô định.Tôi không biết
ở những khu đó tuyết cao thế nào rồi.
Nhìn tuyết thổi
xuống từng cơn phủ kín cảnh vật một
mầu trắng toát thấy đẹp đến
rùng mình. Trên truyền hình người
phát ngôn viên khăn áo mặc sù
sì, găng tay, nón nỉ, đứng cầm chiếc
máy mi-cô ngay giữa xa lộ, tuyết thổi trắng
xóa phủ lên anh, anh đứng tường
trình tai nạn xe cộ trong cái vòng tròn
tuyết xoay quanh mình. Sau lưng anh là những chiếc
xe đâm chúi đầu vào nhau trông rất
thân thiện; có chiếc lăn quay như muốn
ăn vạ với đất trời, trong khi đó
từng đàn bướm tuyết vẫn tung bay trong
bầu trời xám pha hồng. Kinh nghiệm của những
người sống ở nơi có tuyết, khi
nhìn thấy bầu trời pha hồng, yên tĩnh,
khô, chính là lúc chờ đợi tuyết
sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào, hoặc
tiếp tục rơi. Những vùng trên cao,
cách nơi tôi ở khoảng nửa tiếng
lái xe về hướng bắc, tuyết dầy đến
không nhắc được chân lên mỗi
bước đi.
Sợ nhất là sau khi tuyết
rơi, trời khô và độ lạnh xuống
thấp. Mọi nẻo đường sẽ đông
cứng lại, một lớp đá trong suốt trải
bên trên, (gọi là black ice) không nhìn
thấy vì mầu đen của nhựa đường
bên dưới, chân bước hay bánh xe
cán lên nguy hiểm như nhau. Tuyết rơi nhiều
quá làm nặng trĩu, gẫy xuống những
cành thông, cành phong; có cành rơi nửa
chừng, như cánh tay gẫy không muốn rời
xa thân thể. Có bụi cây như được
cho vào tủ đá, những chùm lá
chín nhũn như được luộc trong nước
sôi. Những con sóc và những con thỏ hoang
biến mất. Chúng đang trốn tuyết trong một
hốc đá nào ?
Những
người vô gia cư ở trọ qua đêm ở
đâu trong những ngày tuyết xuống ? Những
chiếc ghế đá công viên chắc cô
đơn và lạnh hơn hết, vì nhớ những
người vô gia cư không đến ngả
lưng. Khu Shelter chắc chắn đông hơn mọi
khi. Không biết chăn có đủ không
? Khu Tent City thì
có lẽ không cầm cự nổi với những
trận tuyết như thế này. Những chiếc lều
gió thốc hai đầu và những cái cột
nhỏ cắm trên nền tuyết cứng làm sao
đứng vững. Những gầm cầu xa lộ, những
đêm tuyết xuống vô cùng, có phải
là nơi trú ẩn cho họ không ?
Có một số những
giáo đường sẽ mở những khu nhà
họp ra cho người vô gia cư vào tạm
trú. Thức ăn cũng được mang đến
hâm nóng và tình người gói trong
những chiếc túi ngủ sẽ được tung
ra.
Mùa đông, tuyết xuống,
những câu hỏi về người vô gia cư
đầy hoang mang và buồn bã cho những ai
quan tâm đến họ.
Nhưng tuyết không phải chỉ
mang đến khó khăn và tai họa.Tuyết
còn đem theo vẻ đẹp thiên nhiên diễm
tuyệt, khó tả lắm.
Tôi nhớ một năm
nào đó, lâu lắm rồi, vào một ngày đầu
đông, khoảng thời gian xế trưa, tôi
đang lái xe ngoài đường, nhìn
lên bầu trời thấy một vòng âm u tĩnh
lặng, pha hồng. Biết là tuyết sắp
rơi, cố lái nhanh về nhưng không kịp.
Một đám tuyết lông ngỗng tung xuống từ
trời, tuyết bay quay cuồng trong không gian trước
mặt, lao vào kính xe, tan ngay, cứ lớp
này đến lớp khác. Tôi chưa bao giờ
nhìn thấy một vẻ đẹp nào tinh khiết
và hoàn mỹ đến như vậy. Tôi bỗng
không còn muốn về nhà nữa, lái xe
chầm chậm lại để hưởng hết
cái đẹp của đất trời. Có
lúc tuyết rơi mau, thấy như ngàn lông
ngỗng tung trong gió, có lúc rơi chậm
hơn một chút như chập vào nhau, giống
như cặp cánh thiên thần, có lúc tuyết
hối hả đập vào kính xe trước mặt
thấy như một đàn thiêu thân
cánh trắng đang lao mình vào phía
đèn xe để tìm ánh sáng; có
lúc ùa xuống như ngàn con bướm trắng
rủ nhau sà xuống cánh đồng hoa. Chao
ôi, là đẹp !
Tuyết rơi xuống ban
đêm, màu trắng sáng rực lên như
mầu sáng của trăng. Đã có nhiều
lần trong mùa đông tôi tỉnh dậy, xuống
bếp uống nước nhìn ra ngoài sân, thấy
sáng quá tưởng gặp đêm trăng,
(trăng ít đến vùng tây bắc vào
mùa đông lắm) hóa ra ngoài sân
đã lát một lớp tuyết mỏng tự
bao giờ. Cái óng ánh của tuyết dễ
nhầm với ánh sáng trăng vì cả hai
cùng có cái ánh sáng thanh cao và
lóng lánh như nhau.
Tôi nhớ đến một
câu chuyện có chữ “tuyết,” thật
tuyệt vời, chuyện học thời trung học:
Ông Mạc Đĩnh Chi đi sứ
sang Tàu, đúng vào dịp người hậu
phi của vua Nguyên mất. Chắc muốn thử
tài vị Sứ nhược tiểu; trong tang lễ,
người Nguyên đưa cho Chánh sứ An Nam
bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc.
Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy
viết có 4 chữ "Nhất”. Ông bình
bĩnh, xuất khẩu ngay thành bài điếu
văn:
Thanh thiên nhất
đóa vân
Hồng lô nhất
điểm tuyết
Ngọc uyển nhất
chi hoa
Dao trì nhất
phiến nguyệt
Y ! Vân
tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !
*
Trên trời
xanh một bông hoa mây
Trong lò lửa
một giọt tuyết điểm
Vườn thượng
uyển hoa duy một đóa
Giữa mặt hồ
một vầng trăng đơn.
Hỡi ơi !
Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết
(1)
Cả bốn
câu thơ đều có chữ nhất (một) trong
đó. Và cái điểm “tuyết”
trong lò lửa hồng thì làm sao giữ
được. Không ai có thể làm
được bài “Điếu” hay hơn với
một chữ “nhất” như thế này !
Nhà Nguyên chắc chắn phải kính nể Sứ
An Nam.
Cái đẹp mong manh của tuyết còn
được ví với lời nói ngọt
ngào dễ tan đi. Khi chàng nói, lời
chàng dùng thật mềm mại ! Nhẹ
nhàng quá, giống như tuyết lông ngỗng
vậy, nó tan ngay khi nó vừa rơi xuống. (2)
Như vậy ta không nên tin ở những anh
chàng nói khéo, lời nói của anh tan
nhanh như tuyết lông ngỗng vậy.
Nhưng lông ngỗng của
Mỵ Châu, rắc đường cho Trọng Thủy
tìm nàng là lông ngỗng của lòng
chung thủy của một tình yêu đích thực.
Người đời sau khi nhìn tuyết lông ngỗng
bay bỗng nhớ ra mối tình này, tưởng
tượng ra một tình yêu khác.
Chàng tung trong
gió tuyết lông ngỗng
em nhặt vào
may áo Mỵ Châu
em quên rắc
tuyết trên đường hẹn
nên kiếp
này ta lạc mất nhau. (3)
Tuyết
rơi, tuyết rơi , tuyết sẽ rơi vào những
mùa đông, năm này sang năm khác; từ
trời xuống đất, có ngàn cánh tuyết
bay xuống rồi tan đi, nhưng trong lòng người đôi khi
có một giọt tuyết không bao giờ tan
được.
Xô khung cửa
hẹp bước ra
trăm con bướm
trắng bay sa xuống lòng
cánh nào gẫy
vụn bên song
cánh nào gẫy
giữa mênh mông mái hồn. (4)
tmt
Những ngày tuyết
rơi cuối năm 2008.
Ghi chú:
· 1.
tmt dịch thơ Mạc Đĩnh Chi
· 2.
When he spoke, what tender words he used! So softly, that like flakes of
feathered snow, they melted as they fell.” John Dryden - British Poet
· 3.
Thơ - Tuyết Mỵ Châu- tmt
· 4.
Thơ-Bướm Tuyết - tmt
Tác
giả: Trần Mộng Tú
(Diễm
Xưa sưu tầm và chuyển)