Tình
tang ... tình tình
(Nguyên
Nhung)
Thế là ông ấy về,
con bạn đến báo tin để chúng
tôi cùng ra phi trường đón ông
chú nó từ Mỹ về thăm nhà. Tôi
cũng không ngạc nhiên lắm trước tin
này, vì trong lá thư viết cho tôi
ông có nói cho biết như thế. Qua sự
giới thiệu cuả Mai, bạn cuả tôi và cũng
là cháu cuả ông, ông về Việt Nam kỳ
này là để tìm ý trung nhân.
Trong hình, ông có vẻ
tráng kiện và chưa già lắm so với
tuổi, đàn ông ngoài sáu mươi
đâu đã gọi là già, bây giờ
người ta còn bảo tuổi bảy mươi mới
là bắt đầu tuổi xuân cho những
người sống lâu trăm tuổi. Ý ẹ,
chẳng biết người giàu sống lâu ra sao,
riêng người nghèo lỡ như trời cho sống
dai, con cháu khổ quá lấy ai nâng giấc
lúc tuổi già mà ham sống. Ông sống
ở nước ngoài, được ở điều
kiện tốt, nom còn phong độ lắm.
Ðúng là "người
tốt vì lụa, luá tốt vì phân",
ba tôi cũng chỉ mới sáu mươi mà
mắt mũi nom đã hom hem lắm rồi.
Cả nhà bạn tôi
nôn nao chờ, ai cũng ăn mặc như ngày hội.
Tôi đơn giản trong chiếc áo lụa
màu hoàng yến, mớ tóc mây đen
nhánh thả xuống bờ vai thon, một chút son
phấn cũng làm tôi rực rỡ hẳn
lên. Tôi biết ông thích như thế, khi
muốn tìm một người con gái Việt Nam
thuần tuý Á Ðông.
Khi chuyến bay cuả ông sắp
đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt,
tự nhiên tôi hồi hộp quá. Nào
có gì đâu mà sợ, nhưng tôi ngại
mình sẽ có những cử chỉ quê
muà, luộm thuộm trước mắt ông, một
người Việt sống ở Mỹ đã
lâu, chắc hẳn
phong cách khác xa với kẻ ở quê
nhà. Cả nhà Mai uà tới đón
ông, ai cũng ríu rít, tôi khép nép
đứng đằng sau chờ đợi. Sau cái
ôm hôn và xiết tay từng người trong
gia đình, Mai đẩy ông tới trước mặt
tôi. Thật lịch sự, ông nghiêng đầu
chào, nụ cười tươi, đôi mắt
kính gọng vàng lấp lánh, ông ôm
vai tôi, vỗ nhẹ, không có vẻ suồng
sã mà rất thân tình, như đã
quen nhau từ kiếp trước.
Cả nhà tíu tít đẩy
những chiếc va ly nặng trĩu, những thùng giấy
đầy quà ông mua về làm quà cho
thân nhân, trong ấy là những chiếc quần
" bò "
chính gốc dân chăn bò miền Texas,
áo sơ-mi, váy dài váy ngắn đủ
kiểu , (sau này tôi mới biết toàn những
quần áo cũ ông thu lượm được
của các con), tất cả đều toát ra một
mùi thơm dễ chịu, cả người ông cũng
thế. Những ngày sau đó là ngày vui
của gia đình Mai, tôi là người
ngoài độc nhất tham dự. Những bữa
ăn linh đình trong các nhà hàng lớn
ở Sài Gòn, những chuyến du ngoạn
Ðà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, lần đầu
tiên trong đời, tôi được đi xa thoải
mái với những tiện nghi chỉ dành cho
thành phần giàu có. Mọi người tranh
nhau vây lấy ông, bao nhiêu câu hỏi
tíu tít về cuộc sống ở nước
ngoài, những con mắt thèm thuồng nhìn sự
no đủ cuả ông toát ra từ nước da
hồng hào, bộ quần áo mặc trên
người cho đến đôi giày đi dưới
chân, cái gì cũng lịch sự, thơm tho,
sạch sẽ.
Sau những lúc bận rộn với
gia đình, ông dành thì giờ để
gặp tôi, khi thì có Mai, lúc không, ai cũng phải ngầm
hiểu lý do ông về
thăm quê nhà lần này là để
tìm người "nâng khăn sửa
ví". Trong đám người nhà của
Mai, gần như ai cũng xem tôi là một
thành viên trong gia đình, tuy vẫn ngấm ngầm
đâu đó sự ganh tỵ khi thấy ông
đặc biệt chú ý đến tôi.
Tôi vẫn xưng hô chú cháu, cho đến
khi ông đề cập thẳng đến mục
đích cuả chuyến về, rồi xưng anh với
tôi thì vấn đề đã thực sự
có vẻ nghiêm trọng.
Hai mưoi hai tuổi, đã
đôi lần hẹn hò với bạn trai đồng
trang lứa, tôi có xôn xao suy nghĩ đến
hình ảnh người đàn ông cuả
đời mình, nhưng chưa hề nghĩ đến
chuyện lấy chồng, vì đám trẻ
chúng tôi bây giờ, sau bao khó khăn cuả
cuộc sống, chúng tôi không quá ngây
thơ để hấp tấp về làm vợ một
anh chàng với viễn ảnh hai quả tim vàng,
một lu nước lạnh. Ðột ngột quá,
dù tôi biết thế nào cũng có chuyện
đó, nhưng ông và tôi gặp nhau vỏn
vẹn chỉ mới hai tuần, thư từ được
dăm lá, ông nói bên kia khá bận cho
những chương trình lớn, bởi vậy
không có thời gian để tìm hiểu
lâu hơn. Ông kể chuyện nước Mỹ, một
thế giới văn minh, con người được
thừa hưởng tất cả những ưu
đãi cuả vật chất, điều ấy
thì tôi thực sự mơ ước. Ông
có ba người con, hai trai một gái nhưng
đã tự lập, lũ nhỏ ảnh hưởng
nền giáo dục cuả Mỹ không thích
làm phiền cha mẹ, mà cha mẹ cũng
không có quyền làm phiền con cái. Nay vợ
ông đã ra người thiên cổ, ông
hoàn toàn độc lập, nếu lấy ông
tôi sẽ không bị ai quấy rầy cả.
Hồi hộp nhất là
hôm ông ngỏ ý đến chơi nhà cho
biết, và để gặp bố mẹ tôi về
việc muốn cưới tôi làm vợ. Ông
đã đánh tan mặc cảm con gái
nhà nghèo trong một ngõ hẻm đa số
là dân lao động, thôi thì vải
vóc, nước hoa, phấn sáp cho mẹ tôi
và mấy chị em gái, quần áo đắt
tiền, kẹo chocolate cho
thằng em trai, rồi thuốc thơm, rượu "xịn"
cho ba tôi. Mỗi lần đến lại một lần
quà nhìn cứ ngộp con mắt, cả nhà
không ai dám dùng, chỉ để dành ngắm
cho sướng mắt.
Khó nhất là vấn đề
xưng hô, ông xêm xêm tuổi mẹ, gần
bằng tuổi ba, gọi bằng gì cho phải. Cuối
cùng thì ba mẹ tôi gọi ông bằng
"anh", còn ông cung kính dùng hai chữ
"ông bà". Thế là ổn nhất, ai muốn
hiểu sao cũng được, "anh" cũng
có nghiã là bạn đồng trang lứa,
mà cũng có nghiã thân mật hơn
là con cháu trong nhà. Mọi người đều
hoan hỉ như trúng số, riêng tôi vẫn
ngại ngần chưa dám gọi ông bằng anh,
chỉ nói trống không.
Ba tôi ngỏ ý băn
khoăn cho sự chênh lệch tuổi tác,
nhưng vốn từ xưa đến nay, ông là
người "ba phải" ai nói sao cũng ừ,
ai bảo sao cũng gật, vợ con là trên hết.
Mẹ con cũng dẫn nhau đi coi tuổi, nhưng thời
buổi này có tuổi nào ngon lành bằng
viễn ảnh được lấy chồng xa,
Ðài Loan, Ðại Hàn, Nhật Bổn, Hồng
Kông, què chân cụt tay vẫn còn có
giá, huống gì một Việt Kiều từ Mỹ
về thơm như nước hoa thì trách
nào con gái không bổ nhào vào lấy chồng xa. Cái
câu ca dao:
"
Có con mà gả chồng gần , Có bát
canh cần nó cũng đem cho..."
Câu ca dao ấy xưa rồi,
bây giờ người ta đổi lại cho hợp
thời:
"
Có con mà gả chồng xa ,Lâu lâu lại có
đô la gửi về."
Mẹ con bàn bạc mất mấy
ngày, khoản tuổi tác được thông
qua khi quan niệm tình yêu làm gì có
biên giới, đám trẻ bây giờ văn
minh tiến bộ có quan niệm cởi mở hơn,
"thứ nhất muối
tiêu, thứ nhì Việt Kiều ...", người
lớn thì tính toán, "nhất vàng, nhì đô, thứ ba
là nhà cửa". Tính chán thì cả
nhà đi đến quyết định như
là tôi có dịp đi hợp tác nước
ngoài, vừa có tiền giúp đỡ gia
đình, lại được làm vợ một
người giàu có. Cứ cho là tôi hy
sinh cho cha mẹ được nhờ, huống gì
ông cũng rất có "mẽ" một người
ăn học, ví như nàng Kiều phải
bán mình chuộc cha, đấy chỉ là một
cách nói, chứ tôi thấy cũng ham lắm,
hy sinh vì tiền có vinh dự gì mà khoe.
Ðám cưới được
tổ chức gấp rút vào tuần lễ thứ
ba ông ở Việt Nam, như một đám cưới
chạy tang. Ba mẹ tôi không mời bao nhiêu
người, dù ông bảo không đáng
gì cái khoản ăn uống đó. Còn
lạ gì đám họ hàng nhà tôi,
thấy có tiền thì họ bò đến
ngay, nhưng cứ vừa ăn vừa móc méo,
mai miả cái cọc cạch tuổi tác cuả
đôi trẻ. Mẹ tôi thì cho rằng con
ưng đâu thời gả đó, quý hồ
chàng rể biết lo, tôi có phận nhờ.
Tôi cười thầm trong bụng mà không
nói ra, sáu mươi chứ còn bé bỏng
gì lại không biết lo, có cuả ăn cuả
để như thế đâu phải người khờ
khạo.
Tôi trở thành đàn
bà sau những ngày trăng mật ngắn ngủi
trong một khách sạn hạng trung ở Vũng
Tàu, ông nói cần phải tiết kiệm
để lo cho tương
lai. Ông đúng là người
đàn ông biết lo xa, lấy ông rồi
tôi mới biết ông tiêu pha khá thận
trọng, nếu không vì một mục
đích nào đó phải tiêu. Chuyện
ái ân quá mới mẻ, chưa đằm thắm
để tôi có được cái ngây ngất
trong những ngày trăng mật, như những cảnh
thơ mộng vẫn được tả trong tiểu
thuyết. Cảnh vợ chồng cọc cạch như
đôi đũa lệch khiến đôi khi
tôi nhìn ông như bậc cha chú, tuy vậy
lúc ngồi trong xe du lịch đời mới, trong những
cửa hàng sang trọng có người hầu hạ,
tôi cũng thấy đời lên hương, tự
mãn trong lòng, chỉ đôi khi dạo trên
đường phố, nhìn bọn "trai thanh
gái lịch" dung dăng dung dẻ với nhau,
tôi lại thấy tiêng tiếc cái tuổi
thanh xuân của
mình. Phần ông lại hay cho tôi nhiều lời
khuyên, đôi khi tôi có cảm tưởng
mình "vớ" phải một ông cố vấn . . .
Giấy tờ đã làm
xong, trước khi về nước ông đã nhờ
luật sư chuẩn bị mọi thứ đầy
đủ, có lẽ nếu không lấy tôi
ông cũng lấy một người nào
đó, ông chu đáo thật, nhưng
tính toán cũng kỹ ghê. Ðứa con
gái vừa ra đời như tôi nhìn ông
bằng đôi mắt kính nể, tất cả ở ông
là sự trang trọng
và sạch sẽ, tôi chưa bao giờ thấy
có một thứ tình yêu sạch sẽ,
tươm tất đến thế.
Trước khi ông ra đi, buổi
tối ngồi gần bên ông, tôi chưa thấy
mình có đủ cái buồn cho sự chia ly
cuả tình nghĩa vợ chồng, bên tai đầy
ắp những lời ông dặn dò dành cho
người ở lại. Ông mua cho tôi một chiếc
xe "hơi bị cũ" để đi học Anh
văn, ông bảo đi xe mới không tốt
vì dễ bị bọn bất lương dòm
ngó. Cũng đúng thôi, Sài Gòn thời
buổi nhiễu nhương, đa số không
công ăn việc làm, người lương thiện
cũng dễ sinh đạo tặc vì đói, chỉ
có cán bộ nhà nước là no, hoặc
những nhà có nguồn viện trợ đô
la tận nước ngoài là ấm.
Nhà tôi nghèo, ba tôi
là một nhân viên tuỳ phái trong một
trường Tiểu Học, lương không đủ
một bữa ăn chơi của Việt kiều. Mẹ
tôi may hàng gia công kiếm từng đồng,
chị em tôi đưá nào cũng ngược
xuôi vất vả mà vẫn chưa đủ
ăn. Ông cho tôi tháng hai trăm, vừa
đóng tiền học vưà giúp đỡ
gia đình, tôi có muốn đua đòi cũng
chẳng được. Gia đình Mai có nhiệm
vụ theo dõi tôi,
ba mẹ tôi cũng biết con gái "ván
đã đóng thuyền" nên cũng hết
mực gìn giữ, thằng em trai có bổn phận
đưa đón chị đi học, chẳng biết
ông anh rể dặn dò ra sao mà nó cũng
nhiều lần " lên lớp " với tôi khi
thấy tôi vui với bạn bè trang lứa. Tuổi
còn trẻ, tôi cố ru ngủ mình với
cái viễn ảnh huy hoàng một ngày theo chồng
sang bên kia, nhưng vẫn không thể quên
được đám bạn trẻ vui nhộn đồng
trang lứa. Tôi như con chim sơn ca bị giam
hãm trong cái lồng vàng son vật chất,
không còn niềm vui cất tiếng hót
líu lo để làm đẹp cuộc đời.
Lụi hụi rồi cũng đến
ngày đi, bạn bè ai cũng bảo tôi
trúng số độc đắc. Bơ vơ một
mình với mớ Anh văn ít ỏi, tôi
xách va ly sang Mỹ, không ai quen biết để hỏi
han, lúc gặp ông nơi phi trường, tôi
khóc như mưa, khóc như Chiêu Quân cống Hồ.
Chắc ông ngạc nhiên đến mừng rỡ
khi tưởng tôi tủi thân vì nhớ
ông, nhìn cảnh đưa đón chỉ
trơ trụi có hai người, thêm bầu trời
xám xịt cuả muà Ðông xứ lạ,
tôi lại nhớ cái đông đảo cuả
gia đình , bạn bè ở quê hương,
vì thế mà không làm sao cầm được
nước mắt.
Ông xin nghỉ hai tuần
"vacation" để ở nhà vui vầy với
cô vợ mới. Thôi thì ngày quấn
quýt, đêm nâng niu, hai người nhốt
kín nhau trong căn nhà đóng kín cửa,
xung quanh toàn hàng xóm Mỹ. Mệt bã
người vì chuyến bay xuyên lục địa,
tôi ngủ li bì, mặc ông muốn vầy
vò sao cũng được. Chừng mở mắt ra
thấy cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng
văn minh, cái xe hơi nào đối với
tôi cũng êm ái hết, mắt cứ hoa
lên vì ánh đèn toả sáng trong những
nhà chọc trời, ánh đèn xe cộ chấp
chới nối dài như nẻo về thiên thai.
Khi ông phải đi làm
tôi mới biết buồn. Cứ tưởng ông
làm gì lớn lắm trong xã hội, hoá
ra ông chỉ là nhân viên cho một
hãng Bảo Hiểm, hèn gì ai ông cũng
quen. Còn lại một mình trong căn nhà vắng
lặng, tôi rụt rè không dám đụng
đến một thứ gì, chỉ sợ hư hỏng
đổ vỡ.
Trước hôm lễ Giáng
Sinh, lũ con ông về thăm bố, nhân tiện
ngó mặt tôi một phát. Ðứa lớn
còn hơn cả tuổi tôi, giống hệt bố
ngày trẻ tuổi trong những tấm hình, nghe
nói đang là kỹ sư cho một công ty dầu
hỏa, hai đứa nhỏ đang học đại học.
Tôi là cái đích cho sáu con mắt ấy
dán vào, chúng thấy tôi ngồ ngộ ở
cái vẻ khép nép, rụt rè, tại
chân ướt chân ráo chứ có ngày
tôi sẽ cho chúng biết tay. Tưởng vậy
thôi, nghe chúng nói chuyện với nhau bằng
tiếng Anh, tôi ngồi như "vịt nghe sấm",
chẳng hiểu gì, thằng con lớn còn
nói được tiếng Việt, thấy tôi buồn
hỏi tôi có muốn đi "shopping",
tôi thấy ông cau mày khó chịu. Khi biết
tôi suốt ngày đóng cửa ở trong
nhà, sợ cả "ma sống lẫn ma chết",
chúng nó cùng rú lên " Oh, my God!
", như phát hiện tôi mắc bệnh
tâm thần, lại nhìn "Daddy" với một
vẻ trách móc.
Buồn cười nhất là
lúc còn ở Việt Nam, ông viết thư về
bắt tôi phải chăm lo việc học, nhắc nhở
thằng em chở chị đến trường. Từ
lúc sang đây, tôi không nghe ông đả
động gì đến sự học, chuyện tập
lái xe ông cũng lờ đi, chợ buá, sắm
sửa, tiệc tùng đã có ông kè
kè bên cạnh. Ông nói nước Mỹ
không được giữ tiền mặt trong
túi, cho nên tôi chỉ có vài chục
để dành từ lúc rời Việt Nam sang
đây, đi chợ hay đi "mall", ông
dùng "credit card" để trả, muốn cắt
xén chút đỉnh tiền chợ gửi về
nhà cũng khó, mà mở miệng hỏi
ông chuyện gửi tiền về gia đình
tôi cũng ngại, còn ông thì không
nghe nhắc nhở gì đến ba mẹ tôi
bên ấy nữa.
Có một chuyện tôi
khó quên được, vừa buồn cười
mà cũng tủi thân, đấy là cái
hôm ông dẫn tôi đi "shopping" mua mấy
món cần dùng, tình cờ gặp gia
đình một người quen. Bà kia thấy
ông đi với tôi chưa gì đã khen ầm
lên là con gái xinh quá, học hành tới
đâu, cậu con trai đi theo mẹ cứ mắt la
mày lét liếc tôi hoài. Xứ này
các cậu tìm vợ hơi khó, cho nên cha
mẹ cứ thấy
đám nào hay hay lại dòm ngó cho lũ
con trai ế vợ. Hôm ấy ông ngượng
quá, đến độ quên không giới thiệu
tôi là gì của ông, vội vàng dắt
tôi về, từ đấy không còn hứng dẫn
cô vợ trẻ đi đâu nữa. Biết
tôi buồn chắc ông cũng hiểu, nhưng bản
tính ích kỷ cuả đàn ông vẫn
thắng, tôi chỉ là con búp bê, để
mình ông ngắm vuốt, nâng niu, rồi lại
đem cất vào tủ kính.
Cái lần ông thật sự
nổi giận là lần thằng con lớn ông gạ
gẫm dạy tôi lái xe. Tôi thích mê
lên ấy chứ, nhưng chưa gì ông
đã quát ầm lên, thằng con mở banh mắt
nhìn cha như con quái vật, rồi nhún vai bỏ
đi. Từ đấy nó không đến nữa,
nhưng những lúc ông vắng nhà, nó vẫn
gọi phôn thăm
tôi, nói đủ thứ chuyện đời, cả
hai đứa cười rúc rích. Có lúc
tôi đã từng ao ước, giá ông
đem tiền mà đổi được cái thân
xác trẻ trung, căng đầy nhựa sống ấy
có phải tôi hạnh phúc biết bao
nhiêu.
Càng giận dữ, càng
ghen tuông, càng mệt mỏi ông lại
càng mau già đi một cách thảm hại,
không chống đỡ được. Ông
đã dùng đồng tiền để lột
trần thân thể tôi, thì tôi cũng nhờ
thời gian làm tách bạch cái già nua,
lão hoá trên từng phân vuông da thịt
ông. Những món tôi thích ăn và
ăn một cách ngon lành thì ông không
"xực" được, phần ông sợ
trăm thứ "bà dằn" có trong thực
phẩm, muối, mỡ, đường cái nào
ông cũng kiêng, ăn uống khủng khỉnh
như một nhà quý phái. Bộ máy
đã đến lúc rệu rã, có tu bổ
thì cũng ì ạch chạy, chứ sao bằng
cái bắp thịt cuồn cuộn, cái dáng
đi vững chãi cuả thằng con trời
đánh kia.
Ðêm nào ông cũng trằn
trọc khó ngủ, mà hễ ngủ lại
ngáy o o như lò rèn kéo bễ, bộ phận
hô hấp cũng lủng củng mất rồi. Lắm
lúc bất chợt thức giấc, ngắm nghiá
khuôn mặt ông nhăn nhó những nét buồn phiền,
lòng tôi não nề đến phát
khóc. Chưa kể những lúc ông cố gắng
đi đứng hùng dũng như một thanh
niên ba mươi tuổi, một người già
cố làm cho mình trẻ, trông vừa buồn
cười lại vừa lố bịch. Thỉnh thoảng
vào muà hè, ông cũng dẫn tôi
đi tắm biển, đỏm dáng với chiếc
áo sơ mi chim cò. Vùng này bãi biển
chỉ toàn Mễ, Mỹ trắng và Mỹ
đen, có thấy thì họ cũng cho là bố
con dẫn nhau đi nghỉ mát, bao nhiêu con mắt
cứ dán chặt vào thân hình mảnh
mai, hấp dẫn của tôi mà chiêm ngưỡng . .
. .
Ngày dài rồi lại
đêm thâu, tôi sống quạnh quẽ trong
căn nhà vắng lặng, các thứ cây
lá rậm rạp quanh nhà càng làm tôi
sợ nổi da gà, một nước Mỹ trên
phim ảnh đẹp như tranh vẽ, bây giờ buồn
chán đến tê tái cả lòng. Những
lúc ông đi làm, tôi thờ thẫn ra
sân chăm sóc mấy chậu kiểng, trồng mấy
liếp rau cho qua đi thời gian trống trải.
Nhà bên cạnh có hai ông bà Mỹ
già hay ra sân ngồi sưởi nắng, khi thấy
tôi họ thường "Hello" cười
thân thiện nhưng chẳng nói năng gì,
chắc họ lạ lùng khi thấy tôi còn trẻ
mà cứ quanh quẩn vào ra trên khoảng
sân ấy.
Mãi một hôm, tôi
đánh bạo đứng ven bờ rào nhìn
ông bà hàng xóm, bà già nhìn
tôi cười móm mém, cặp mắt xanh biếc
hiền hậu. Bà hỏi tôi có phải
nhà chỉ có hai bố con. Trời ơi là
trời, trời đang nắng chan hoà mà bỗng
tối sầm lại, tôi đứng ngây người
mặc cho hai dòng nước mắt tuôn như
mưa, bà hàng xóm " sorry " rối
rít, chắc bà tưởng mẹ tôi
đã chết, nhà chỉ còn mỗi hai bố
con.
Thế này thì làm sao
tôi chịu nổi, có lẽ tôi phải nhờ
thằng con ông ấy giúp tôi ra khỏi căn
nhà này càng sớm càng tốt. Chưa
bao giờ tôi căm giận ông đến thế,
ông có quyền gì mà cầm giữ, huỷ
hoại tuổi trẻ cuả tôi theo cái già
cỗi cuả con người ông. Nếu cứ cho rằng
ông có một vẻ đẹp tâm hồn,
thì ông hẳn nhiên không có. Ông
đã mua tuổi trẻ tôi bằng tiền,
mà tôi đã dại khờ tưởng rằng
tiền sẽ mang lại hạnh phúc, huống
gì đồng tiền ông bỏ ra đâu
có xứng đáng với những gì tôi
phải trả: tuổi trẻ, trinh tiết và hạnh
phúc cuả tuổi xuân.
NGUYÊN
NHUNG
(Huon
Trinh sưu tầm và chuyển)