SU'U TÂ`M 13

Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | SUY NGÂM~ 7 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | LINKS | CHUYÊ.N LA. | THÚ VI. | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8

TA.P GHI [tt]

 

 

CUỐI NĂM VỀ QUÊ

(Trần Mộng Tú)

 

Tôi đứng nhìn chiếc vòng đai Carousel đang quay vòng tròn, mang hành lý ra cho hành khách của  chuyến bay từ Taipei thả xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Mặc dù, tiếng Việt trên chuyến du hành bắt đầu nghe được nhiều nhất ở trạm chuyển tiếp Taipei, nhưng tại đây, mới đúng hoàn toàn bắt đầu thế giới của người Việt Nam. Hình ảnh rõ nét nhất là hành lý. Tôi đi xa khá nhiều lần, đến những thành phố khác nhau, nhưng chưa tới một phi trường nào có hành lý thả  xuống cái vòng tròn Carousel giống như những hành lý thả xuống Việt Nam. Những chiếc thùng to hết cỡ giới hạn và nặng chắc cũng đến mức cuối của sức nặng cho phép, thường là thùng cạc-tông, băng keo vải mầu xám, chằng ngang, chằng dọc, tên họ Nguyễn, họ Trần, hay họ Lê, viết bằng bút nỉ đen cả bốn mặt thùng. Tôi biết trong đó là: quần áo, kẹo, bánh, phấn son, thuốc gội đầu, thuốc bổ, thuốc bệnh, sữa bột, v.v, và tất cả tình thương của người gói, người gửi, ép vào trong thùng. Tôi nhớ lại cảnh đi mua thêm, đi thu xếp những thứ tích trữ từ lâu, gói ghém, cân đo nặng, nhẹ, cho vào thùng. Thỉnh thoảng lại có người bạn đến gửi một gói nhỏ cho thêm vào đó. Cái thùng cứ mỗi ngày một to thêm, và phải lấy bớt ra, cân đi, cân lại, cho chính xác. Nếu người ta có thể gói một bát mây, một ly nước mưa, hay một chén không khí của vùng trời Âu Mỹ về cho thân nhân quê nhà, chắc người ta sẽ chẳng đắn đo gì. Tôi cũng đang đứng chờ lấy ra, một trong những chiếc thùng đó.

 

 Những chiếc thùng bị xây xát, có khi bị rách góc, méo mó đến tội nghiệp, trông giống  như người lính trở về từ mặt trận, nhầu nhĩ tang thương ! Tôi bỗng thấy giữa những chiếc thùng này với chiến tranh đã đi qua hình như có một gạch nối rất mơ hồ.

 

 Sau khi khám xét, hỏi han, mang nhiều, mang ít, chiếc thùng được chở ra phía ngoài. Thân nhân đang chờ đón với bao nỗi hân hoan, được người, được của. Chiếc thùng mang về một địa chỉ nào đó, được mở tung ra, giữa những tiếng cười vui, cặp mắt sáng rỡ. Anh được ra đi trong chương trình H.O. trở về thăm nhà, anh nhìn thân nhân mở thùng quà, khác chi nhìn xuống chính thân phận mình đang được mở ra. Anh khác thùng quà ở chỗ, cái xây xát anh gói ở bên trong và cái ngọt ngào, tốt đẹp anh sơn phết bên ngoài. Anh tha hồ muốn bỏ bao nhiêu buồn tủi, hạnh phúc, tình thương vào thùng quà, không cần cân đo nặng, nhẹ. Anh gói tất cả vào bên trong, miễn sao cái thùng thân thể anh, những cái băng vải không xây xát để anh được nhìn như một tặng phẩm tương đối tươm tất là anh vui rồi.

 

Không biết đến bao giờ, người trở về mới hết mang theo những chiếc thùng “dâu bể” như thế nữa.

 

Tôi được một độc giả chưa gặp mặt bao giờ, chị đến từ email và chở tôi trên chiếc Honda của chị nguyên một ngày. Chị mang đến cho tôi một chiếc mũ an toàn còn mới tinh, chị mới mua cho khách phương xa, và một bao có hai cái khẩu trang bằng giấy mỏng (loại đeo một lần, vứt đi), chị mở ra, đội nón, đeo cái khẩu trang che miệng, che mũi cho tôi. Chị nói, đi xe ôm cho biết, cứ nhắm mắt lại. Nhưng tôi mở mắt, và tôi thỉnh thoảng la lên một tiếng, làm chị giật mình. Trước tiên chị cho ăn phở, ngay tại đầu ngõ, chỗ nhà cháu tôi. Đây là tiệm phở bán cho du khách và người khá giả, giá đến $37,000 đồng một tô nhỏ, tiệm bình dân giá $10,000 đồng đến $20,000 đồng. Tiệm phở tên HÙNG, chủ nhân từ Oregon bên Mỹ về kinh doanh. Người giầu lại giầu thêm. Tôi chưa kịp đổi tiền, chị phải đãi tôi xuất ăn sáng, hơi cao với giá chị vẫn thường trả. Phở khá sạch sẽ và ngon, khách ra vào tấp nập. Đĩa rau sống xanh mướt với ngò gai, húng rũi, húng quế hào sảng để giữa bàn, như vừa được hái ở vườn vào, đĩa ớt cay hai mầu cam nhạt và đỏ, thái mỏng, để bên cạnh những miếng chanh cốm, cắt đôi trông vừa nồng nàn, vừa thiết tha mời mọc ! Tất cả như muốn nói đến cái khác biệt của phở Mỹ, phở Việt rất rõ rệt. Đặc biệt tiệm phở này, từ nhân viên múc phở, nhúng bánh, đến chạy bàn, đều rất trẻ. Cô cậu nào cũng từ 18 đến 25 tuổi là cao nhất.

 

Sau ăn sáng, địa điểm đầu tiên tôi nhờ chị đưa đi mua sách, chị biết tiệm sách có giảm giá 30%. Loay hoay hơn một tiếng trong hiệu sách, tôi mua được hơn mười cuốn, phần đông là sách dịch từ văn bản Trung Hoa. Mua hai cuốn Căn Phòng Riêng (A room of One’s Own) của Virginia Woolf do nhà văn hải ngoại Trịnh Y Thư dịch, nxb Tri Thức VN in, sẽ mang về làm quà cho hai người bạn văn: Thơ Thơ và Nguyễn Tường Thiết.

 

Chúng tôi ngưng xe lại ở giữa đường để uống nước dừa cho qua cơn khát. Cái xe bán nước nhỏ của chị hàng nước, dựng ở một gốc cây me già, sát lề đường. Khói xe, bụi đất cứ việc bay bám đầy chị. Chị có nón lá, khẩu trang che chở được phần nào hay phần đó. Cái bàn nhỏ, hai cái ghế nhựa nhỏ, đang có hai người đàn ông ngồi, một người uống trà, người kia uống bia. Nắng trên trời như đàn bướm trắng sà xuống đậu trên hai khuôn mặt màu bánh mật. Chị bạn mới của tôi trả giá, chọn dừa, chê cùi dừa già, cùi dừa non mãi; còn tôi nao nức hỏi chuyện bán mua của chị hàng nước. Chị cho biết những trái dừa khách uống xong, chị bán lại cho những người làm mứt, họ lựa những quả có cùi già về cậy ra, sên đường bán cho hàng tết. Cùi dừa mua hôm nay, có thể hai ba hôm sau mới bắt đầu làm (cần thu gom đủ số dừa) nên chắc chắn dừa sẽ bị mốc và ôi. Người làm mứt sẽ ngâm thuốc tẩy cho sạch, trước khi sên đường, rồi cho mầu xanh, đỏ. Ba ngày tết bán món gì mà không được. Ai cũng cần có một chút ngọt ngào trong nhà cho ngọt quanh năm. Người Việt ở quê nhà, bao tử, ruột già chắc đã quen với độc tố và hóa chất, nên số bị ngộ độc không làm hốt hoảng số chưa bị.

 

Những người dân quê ở xứ dừa Bến Tre, chắc cũng buồn lòng vì những trái dừa tươi ngon của họ bị dân thành phố làm cho mang tiếng một cách oan ức. Phải chăng những cô gái Bến Tre nổi tiếng với làn da trắng như cơm dừa, cũng đang bị điêu đứng vì chính cái nhan sắc mình có hay không ?

 

Dù không nóng khủng khiếp như tháng bảy, tháng tám, thời tiết Sài Gòn vào gần tết được cho là mát, cũng đủ làm người đến từ xứ của gió, mưa Seattle bị đổ mồ hôi nhớp nháp.

 

Sáng sớm ngày thứ hai ở Sài Gòn, Frank rủ đi bộ . Ngày hôm qua anh đã tìm đường trong thành phố một mình rồi. Áo vải mỏng dài tay, quần ngắn, giầy vải, kính râm, nón vải, chúng tôi bắt đầu hòa mình vào Sài Gòn buổi sáng.

 

Từ nhà người cháu, ở đường Nguyễn Trãi, Frank hướng dẫn tôi ra công viên có tên là: “Công Viên 23 tháng 9”, anh nói, ngày đó là ngày kỷ niệm “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, sau hỏi lại, mới biết ngày đó là ngày Nam Bộ Kháng Chiến (23 tháng 9 năm 1945).

 

Tôi đi theo Frank, mỗi lần phải băng qua đường, tôi nắm chặt tay anh, đi băng qua đầu những chiếc xe lớn nhỏ (nhiều nhất là xe gắn máy) tôi cứ nhắm mắt đi theo, không dám nhìn, vì nếu nhìn sẽ thấy tất cả xe cộ đang cùng một lúc, tông vào mình.

 

Trước khi đến công viên, chúng tôi ghé nhà thờ Huyện Sĩ, viếng Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ, núi Đức Mẹ Lộ Đức, tượng Thánh Giuse và tượng thánh tử đạo Gấm, đứng chung cùng với khoảng hơn mười chiếc xe hơi Nhật, Mỹ và rất nhiều xe gắn máy xếp hàng như một bãi đậu. Tôi không biết vì sân nhà thờ rộng, nên cho thuê làm chỗ đậu xe để kiếm lợi tức hay nhà thờ bắt buộc phải nhường một phần đất cho thành phố xử dụng. Tôi vào quỳ trong nhà thờ, cầu xin cùng Thiên Chúa, cho đất nước mình, một ngày một tốt đẹp hơn, cho dân mình ai cũng được no cơm, ấm áo.

 

Công viên khá lớn, được thành lập từ sau 1975, trên nền của nhà ga xe lửa bị phá đi, và rời về quận Ba. (Ga xe lửa này xây từ thế kỷ 19). Chiều dài công viên kéo suốt chiều dọc của đường Phạm Ngũ Lão, chiều ngang là khoảng cách ở giữa của hai con đường song song Lê Lai và Phạm Ngũ Lão. Công viên trải dài từ Công Trường Quách Thị Trang (chợ Bến Thành) đến chợ Thái Bình, đường Nguyễn Trãi thì ngừng. (Chắc gặp phải bài Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi.)

 

Sáng thứ bẩy nên công viên không đông, Frank nói, ngày hôm qua đông hơn, tuy nhiên cũng vẫn có người đến tập thể dục ở những dụng cụ được đặt chung quanh vòng ngoài của công viên. Tôi còn thấy, ở phía trong công viên, một nhóm người đang tập khiêu vũ theo âm nhạc trên một nền gạch được xây cao hơn và có mái. (Tôi nhớ, mấy năm trước, khi sang Hồng Kông, tôi thấy rất nhiều công viên có chỗ dậy khiêu vũ giống thế này). Những hàng cây trong công viên, thân thẳng với những tán lá khá dầy, đang nghiêng xuống nhìn hai người lạ mới tới. Hòa trong tiếng nhạc dập dình, tiếng bước chân của chúng tôi trở nên e ngại, rụt rè.

 

Chúng tôi đi hết chiều dài của công viên, băng qua mấy ngã tư nữa, đến trạm xe bus ở bên hông chợ Bến Thành. Khói xe tuy không nhìn thấy, nhưng hình như bám vào tóc và quần áo rất nhanh, giơ cánh tay áo lên ngửi thấy mùi khen khét; tiếng máy xe nổ liên hồi, làm rung cả một vùng không gian. Khói xe và tiếng còi xe là hai thứ làm nên buổi sáng Sài Gòn. Frank dắt tôi lấy xe bus số 11 trở lại đường Nguyễn Trãi.

 

 Sài Gòn bây giờ cao ốc mọc nhanh hơn nấm, nếu gọi những ngôi nhà bề ngang bốn thước, bề dài sáu thước, sáu, bẩy từng lầu là cao ốc, thì chỗ nào cũng thấy một cao ốc đang xây chen vào giữa những cửa hàng đã mở. Khách sạn, thì giữa trung tâm thành phố coi như đường nào cũng có một, hai cái. Du khách da trắng không nhiều lắm (chắc không phải dịp hè) nhưng Việt Kiều khá nhiều, phần đông là người lớn tuổi vế ăn tết. Cứ thấy cách họ đi đứng, ăn mặc sẽ nhận ra ngay. Một số ít, quần áo vải, giầy vải, một tay cầm chai nước khư khư, một tay ôm cái túi vải sát vào ngực, một số nhiều hơn diện quá so với với những người chung quanh.

 

Sài Gòn với những cô gái mặc áo dài, tiếp tân trong những khác sạn, hay những nhà hàng đắt tiền; Sài Gòn với áo bà ba, nón lá của những người tất tả ngược xuôi hàng gánh, hàng bưng trên khắp mọi ngả đường; Sài Gòn với những nón sắt, khẩu trang, váy ngắn, chân dài thì ít, váy dài chân ngắn nhiều hơn; Sài Gòn với những ngôi chùa xây mãi không xong, (còn đợi đóng góp nước ngoài tiếp tục gửi về) với những nhà thờ đồ sộ được xây trong những xóm đạo ngỡ không thể nào cáng đáng nổi (cũng tiền của tín hữu nước ngoài); Sài Gòn với những cửa hàng bán những sản phẩm nhập cảng, không biết bán cho ai ? Vì du khách nước ngoài, những người có tiền, không ai đến Viết Nam để mua những cái ví xách tay mấy mười mấy ngàn mỹ kim; Sài Gòn các cửa tiệm ở trung tâm thành phố, các ngôi nhà to, đẹp trên những con phố đắt tiền hoàn toàn do những người nói giọng “Hà Nội mới” làm chủ; Sài Gòn với những cụ già xác xơ, ốm yếu, chạy theo du khách bán vé số ngoài đường; với những em bé, quắt queo,đen đủi không kịp lớn theo tuổi, ngay trong giờ đáng nhẽ phải ở trường học, lại lang thang bán áo thun, bán nón vải, hoặc ăn xin.

 

Và cũng chỉ có Sài Gòn ra đường buổi sáng, mới gặp được người cha chở cả một gia đình trên chiếc xe gắn máy: Cậu bé lên ba, quàng chiếc túi nhỏ ngồi trên cùng, người cha cầm tay lái, cô bé lên bẩy mặc đồng phục học sinh ngồi ép sát vào cha, và cuối cùng là người mẹ. Bà ngồi hai chân quặp hai bên hông và trong lòng bà hình như có một cái bọc nhỏ, nhìn kỹ khi xe bị chậm lại để quẹo một khúc quành, không phải cái bọc đâu, bà mẹ đang cho một em bé sơ sanh bú. Bà cho con bú trên đường ra chợ, ngay trên xe gắn máy, lạ lùng và kinh hoàng !

 

Sài Gòn nhìn và ngẫm nghĩ mãi, không biết tả thế nào cho đúng. Nó giống như một nồi lẩu thập cẩm, sôi bập bềnh những thực phẩm trong đó, không nhìn rõ được những gì, cho cái muỗng vào, có thể may mắn múc được miếng khả dĩ lành; nhưng không may, cũng rất dễ vớt được một miếng ăn vào trúng độc. Cái nồi lẩu đó do đầu bếp nào sửa soạn, đặt ra giữa bàn ăn ? Không rõ, nhưng tất cả những người ngồi chung quanh đó đều ăn, không ăn thì đói.

 

Sài Gòn, những cây me già ngày xưa vẫn đứng đó, tình yêu tuổi trẻ của chúng ta vẫn đứng đó. Công viên Lê Văn Tám (tên một nhân vật được phong tặng làm anh hùng, bây giờ được chính người kể chuyện là Trần Huy Liệu thú nhận là chỉ bịa ra để tuyên truyền) trăm măn sau cũng không thể nào xóa được những vết tích của những nấm mộ xưa. Ai đó tưởng rằng có thể xóa nhòa tất cả, nhưng không, đám mây năm nào vẫn trôi trên bầu trời cũ. Nắng chấp choáng, hai bàn chân chập vào nhau, tôi rưng rưng bước.

 

tmt

8 tháng 1 năm 2010

 

Tác giả: Trần Mộng Tú

 

(Kiều Diễm sưu tầm và chuyển)

 

 

website counter