Có một chuyện tình như
thế không?
(Nguyễn
Xuân Hoàng)
Sáng nay, mở computer tôi thấy
một mail lạ. Thường thì tôi vẫn
delete hoặc cho vào spam ngay những mail không biết
xuất xứ, nhưng mail này khiến tôi dừng
lại vì dòng chữ trên ô subject: XIN DUNG
DELETE MAIL CUA K. Mail của K.? K. là ai? Tôi có một
người bạn tên K. Nhưng bạn tôi
đã “ra đi” vào những ngày cuối
của cuộc chiến tại Sài Gòn. K.
nào? Tôi bấm chuột, kéo xuống. Đọc.
Gửi
ông H.
Tôi
gửi thư này theo lời yêu cầu của
bà Huyền, thân mẫu của anh K. bạn của
ông. Tôi là cháu của bác Huyền.
Trong một dịp tình cờ tôi vô tình
nhắc đến tên ông qua một bài viết
của ông trên trang mạng điện tử,
bác hỏi tôi có phải ông ngày
xưa ở Nha Trang không? Và ông có phải
là bạn cùng lớp của K. con trai bác
không? Nếu ông đúng là người bạn
của K., bác tôi muốn biết tin tức của
ông. Bác tôi hiện sống ở Hà Nội.
Năm nay bác Huyền tôi đã 88 tuổi. Rất
mong được thư ông.
PXL
Tôi không quen ông PXL,
nhưng tôi có biết ông là một
nhà nghiên cứu văn học trong nước. Thỉnh
thoảng tôi cũng có dịp đọc bài
của ông. Đây là lần đầu
tiên tôi đọc thư ông. Tôi sẽ trả
lời thư ông L. Và chắc chắn tôi sẽ
liên lạc với Mẹ Huyền. Đúng bà
là mẹ của K. bạn học thời nhỏ của
tôi, và bà cũng là Mẹ của
tôi, như Mẹ tôi cũng từng là Mẹ
của K. Tôi muốn kể cho ông PXL biết
đôi điều về K. và ... tôi. Tôi
muốn tặng bài viết này cho Mẹ Huyền
của chúng tôi.
1.
Không biết điều gì
đã kéo chúng tôi lại gần nhau, mặc
dù hai chúng tôi khác nhau về nhiều
phương diện. K. đẹp trai, con một, dân
“bắc-kỳ-di-cư”. Còn tôi, dân
địa phương, mặt mũi không giống ai,
nhà lại đông “dân cư”. Cũng
như nhiều gia đình di cư khác, lúc
đầu nhà của K. ở trên một khu
nhà tạm ở dưới Cầu Đá, Nha
Trang, trước khi dọn đến một căn
nhà gần thành phố hơn.
Những ngày mới bước
vào lớp, K. được xếp ngồi ở
bàn đầu, sát bên tôi. Bọn ma cũ
luôn bắt nạt ma mới. Và K. luôn luôn
là nạn nhân của mấy tay ngồi cuối lớp.
Chính tôi lúc đầu cũng không ưa
K., nhưng ngồi bên nhau lâu chúng tôi dần
dà thích nhau. Tôi hỏi “cậu có cần
tôi nói chuyện với chúng nó để
cho cậu yên không?” K. nói “cám
ơn cậu, không cần đâu. Cậu để
tôi tự giải quyết.” Và K. đã
giải quyết cách nào tôi không biết,
chỉ thấy sau đó, không đứa nào
chọc phá “bắc-kỳ-cá-rô-cây”
K. nữa.
Cái khác nhau lớn nhất
giữa K. và tôi là chuyện học. Tôi
thích toán và luôn luôn đạt điểm
cao về môn này, trong khi K. chỉ ưa chuyện
văn chương. Có lần thầy Phan N. dạy
môn Văn trong khi trả bài luận, đã
làm cả lớp ngạc nhiên khi nói:
“Tôi muốn giới thiệu với các em, một
nhà văn trong lớp chúng ta: Phạm Thế K.
Bài luận của K. không chỉ là một
bài luận mà là một truyện ngắn, một
truyện ngắn đặc sắc.” Thầy nhắc
đi nhắc lại “một truyện ngắn đặc
sắc” mà thầy được đọc từ
bài viết của một học sinh từ mấy chục
năm đi dạy đến nay. Và thầy
đã làm copy phát cho cả lớp cùng
đọc.
Bài viết nói về
ngày K. giã từ Hà Nội. K. nhắc đến
bạn bè thầy cô, khí hậu thời tiết,
tình cảm của một đứa trẻ trước
một chuyến đi sẽ là mãi mãi.
Hà Nội trong trí nhớ của một cậu
bé 14 tuổi. K. nói đến một cô
bé học cùng lớp đã khóc khi chia
tay vì gia đình của cô quyết định
ở lại. Còn mẹ K. là một phụ nữ
xinh đẹp, bà giống như chị của K.
hơn là mẹ. K. còn có ông chú
là một nhạc sĩ nổi tiếng. Những chiều
cuối tuần, bọn tôi thường kéo nhau ra
bờ biển nghe ban nhạc của những người
di cư chơi các ca khúc của ông.
Đó những bài nhạc luôn luôn nhắc
về một Hà Nội đã xa, một Hà Nội
trong trí nhớ. Những ca từ thấp thoáng
trong bài luận của K.
Mẹ K. yêu thương tôi
như yêu thương K. Nhờ bà, tôi biết
bún chả Hà Nội, canh giò thì
là, những món
ăn đặc biệt Bắc Kỳ mà trước
đó tôi chưa hề được ăn. Về
phần mẹ tôi, bà cũng đặc biệt
thương K. và bà luôn đem K. ra để
làm tấm gương cho tôi soi.
"Học hành như thằng
K. mới là học, chớ đâu như mày.
Học trò gì mà không bao giờ có một
cuốn tập cầm tay." Có lần bà
nói với K., “con nhớ nhắc nhở nó học
hành dùm cho mẹ. Mẹ lo cho tương lai
nó quá." Bà giống mẹ của K. gọi
bọn tôi là con và xưng mình là mẹ.
Thật ra, tôi biết, mẹ tôi chỉ nói thế
chứ trong lớp tôi chỉ kém môn Văn chứ
các môn khác tôi đâu có thua đứa
nào.
Trong khi đó thì mẹ của
K. cũng thường nhắc: "Con nhớ bảo vệ
K. nhé. Đừng để đứa nào hiếp
đáp K. nhé. Con nhé!" Bà nói thế
thì tôi nghe thế chớ thật tình K.
không hiếp đáp người khác thì
thôi chớ làm gì có chuyện người
khác hiếp đáp K. Điều đặc biệt
là hai bà mẹ của chúng tôi chưa hề
một lần gặp nhau.
Năm 1956, gia đình K. dọn
vào Sài Gòn, vì bố của K. nhận
được một chức khá lớn trong
chính phủ. Hôm tiễn K. ra ga xe lửa, mẹ K.
ôm tôi nói: “Con có muốn vào
Sài gòn sống với K. và mẹ
không?” Tôi không biết nói sao. Vào
Sài Gòn ở với K. thì được,
nhưng tôi sẽ đi học ở đâu?
Trường nào sẽ nhận tôi? Nhưng K.
vào Sài Gòn được ít lâu
thì ông anh tôi từ Ban Mê Thuột cũng
được đổi về Sài Gòn làm
việc ở Quân Khu Thủ Đô. Anh biên
thư về nhà xin phép mẹ cho "nó
vào trong này để con dạy dỗ nó,
theo dõi chuyện học hành của nó, kẻo
nó trở thành bọn đầu đường
xó chợ mất.”
Thế là K. và tôi lại
gặp nhau. K. ở Chu Văn An học ban C. Tôi
vào Petrus Ký học ban B. K. học ban C vì giỏi
sinh ngữ, và văn. Tôi theo ban toán và thật
tình tôi không ưa chuyện thi phú “vớ
vẩn” như tôi vẫn thường nói với
K.. Năm Đệ Nhất, K. đã có truyện
và thơ đăng báo Hiện Đại của
thi sĩ Nguyên Sa. Còn tôi, không có
gì kéo tôi ra khỏi những định
lý, định đề, những con số và những
bài toán khó và …
K. và tôi cuối tuần
nào cũng gặp nhau. Mẹ của K. thường hỏi:
Tuần này cả nhà ăn gì nào?
Bún chả nhé? Có bữa bà nhắc K.
hôm nay mẹ có món canh giò thì
là đấy, gọi bạn con đến đi.
Trong đầu tôi lúc
đó ngoài Euclid, Riemann, Lobatchewsky ra, bao giờ
tôi cũng có ý nghĩ là phải
làm sao cho trái đất này rung lên,
làm sao có thể đi sâu xuống tận
cùng dưới đáy đại dương,
làm sao bay lên những vì sao, làm sao?
Có lúc tôi nghĩ chiến tranh là cần
thiết. “Si vis pacem, para bellum.” “Muốn
hoà bình phải có chiến tranh.” Tôi
ghét những giọt nước mắt. Tôi khinh bỉ
sự đau khổ. Còn K.? “Đau khổ là
một thứ tình cảm cần thiết. Bất cứ
sự đau khổ nào cũng làm cho người
ta lớn lên. Chỉ có hạnh phúc làm
người ta nhỏ lại."
Tôi mơ ước mình sẽ
trở thành nhà khoa học, và những
phát minh của tôi sẽ biến đổi cả
thế giới này. Tôi muốn khám phá những
bí ẩn của vũ trụ, trong khi K. chỉ muốn
khám phá những bí mật của tâm hồn.
Có lúc tôi nghĩ ước gì mình
có thể chế tạo được chiếc
máy "làm ra những nụ cười". K.
thì bảo tôi "cậu là người
tưởng tượng giỏi sao không viết
văn đi, còn khoa học ấy à, có
ghê gớm đến đâu đi nữa cũng
chẳng giải quyết nổi được chuyện
con người đâu. Thế kỷ này không
có Albert Einstein thì thế kỷ khác cũng sẽ
có thôi, chứ thế kỷ này mà
không có Nguyễn Du thì chưa chắc gì
thế kỷ khác sẽ có."
Chúng tôi càng lớn
lên càng thấy mình quá khác biệt
nhau, nhưng không hiểu sao chúng tôi bao giờ
cũng tìm đến nhau trong những lúc
khó khăn nhất. Chúng tôi biết rằng mỗi
người chỉ là một nửa của người
kia. Phải có một nửa kia, chúng tôi mới
hoàn toàn là một con người.
2.
Sau khi tốt nghiệp trung học,
mặc dù là con một, K. nhất định thi
vào Võ Bị Ðà Lạt, còn tôi
thì vào Văn Khoa, ban Triết. Có vẻ
như mỗi đứa chúng tôi vẫn đang
đi tìm cái mà chúng tôi thiếu hồi
thời học trung học. Ra trường K. đi
Không Quân, tôi vẫn còn được
đi học nhờ nhà tôi có cả hai
ông anh đều đi lính.
Chúng tôi đang đi
tréo đường nhau, nhưng cái khoảng
cách giữa chúng tôi dường như bỗng
thu ngắn lại. K. khoẻ mạnh hơn, vững
chãi hơn. Cái vẻ yếu đuối ngày
xưa không còn nữa. Còn tôi thì bắt
đầu quan tâm tới thế giới chữ nghĩa,
văn chương. Khoảng cách giữa hai chúng
tôi biến mất dần nhờ con đường
mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
K. yêu một người
Trưng Vương, còn tôi làm công việc
đi theo bạn đến "chầu" một cô
gái ở con đường đầy bóng
mát để bạn tôi yên chí lấy
tinh thần "nhìn người yêu hững hờ
bước đi, mắt không hề ngoảnh lại".
Đó là chữ nghĩa của K. khi viết về
N., người mà K. yêu.
Phải nói N. là một
cô gái đẹp lạ lùng. Từ cổng
trường túa ra, giữa những chiếc áo
dài trắng toát, N. nổi bật lên như một
ngôi sao. Mái tóc ngắn chải kiểu con
trai, hai con mắt to và đen, đôi môi
hơi dầy, nhưng chiếc răng khểnh làm cho
khuôn mặt của N. trở nên quyến rũ mời
gọi. Lần đầu tiên theo K. "chầu
N.", K. vỗ vai tôi chỉ người thiếu nữ
xinh đẹp kia và hỏi “cậu thấy con
bé đó thế nào?” “Thế
nào là thế nào?” Ngay lúc
đó, tôi thấy K. đứng bất động
nhìn N. đi qua, đi qua như một người lạ
mặt. Cho đến khi N. bước lên chiếc xe
có tài xế đón, K. mới chịu chở
tôi ra về.
N. có biết là K. yêu
cô không, tôi không biết. Điều duy nhất
tôi biết đó là chưa bao giờ tôi
thấy N. dừng chân nói với K. một lời
nào.
Gần một năm trời, theo K.
chầu N. ở đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm, tôi khám phá ra mình không
có người yêu. Không phải vì
tôi không muốn yêu ai, nhưng nếu có
muốn thì chắc cũng chả có ai yêu
mình. Em gái tôi bảo anh học chi cái
môn triết học, gàn ơi là gàn,
nói năng chẳng ai hiểu ra làm sao cả,
đứa con gái nào ngu lắm mới yêu anh.
K. bảo "này, cậu bỏ dùm tôi ra khỏi
cái đầu rắc rối của cậu mấy
ông Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger, Emmanuel Kant, và
Nít Niết đi,... cho con nhờ tí. Không biết
tình yêu à. Thế thì sống để
làm gì nhỉ?"
Có lần tôi hỏi K.
"Này ông, cứ đứng nhìn người
ta như vầy mãi sao? Muốn gì thì
nói đi chớ, bạn." K. bảo "cần
gì nói, cứ đứng nhìn thế này
là nói rồi. Bây giờ đến lượt
cô ấy phải nói chứ tại sao tớ phải
nói nhỉ?" K. cười: “Mỗi người
đàn bà là một bí ẩn: một giọng
nói, một cử chỉ, một niềm im lặng.”
Tôi hỏi K. ai đã nói thế? K. bảo
thì cái lão Le Petit Prince đã nói thế.
K. gần như thuộc nằm lòng những câu của
St. Exupéry trong cuốn Le Petit Prince. Tôi hiểu tại
sao anh chọn binh chủng Không Quân. Có lần
K. nói K. mơ ước được sống
và chết như St. Ex. Sống như một nhà
văn, chết như một phi công. Thời gian
đó ở Sài Gòn, người ta vẫn hay
nói một câu rất thời thượng của
St. Ex: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau
mà cùng nhìn về một hướng.”
Mối tình thầm lặng ấy
của K. kéo dài bao lâu, tôi không nhớ.
Có thời gian K. đổi đi Cần Thơ, rồi
ra Nha Trang. Sau đó là Đà Nẵng và
mất liên lạc. Còn tôi, sau chín tuần
ở Quang Trung, chuyển qua Thủ Đức. Ra Vùng
Một chiến thuật. Bị thương nhẹ trong một
vụ đụng độ, rồi may mắn được
trở lại Sài gòn. Đơn vị 3 Quản
trị. Tôi trở lại nhà trường.
Tôi vẫn chưa có người
yêu.
3.
Nhiều năm sau, gặp lại K.
tại quán Cái Chùa Sài Gòn,
chúng tôi đã không còn trẻ nữa.
Mẹ tôi đã qua đời. Mười ba anh chị
em trong gia đình tôi đã ly tán. Hai
ông anh tôi một chết mặt trận
Đông Hà, một là thương phế binh.
Bà chị tôi lấy chồng bỏ quê
hương đi xa. Tôi hỏi K. "lâu nay
có gặp N. không, cô ấy bây giờ ra
sao?" K. cười: "Có, thỉnh thoảng
chúng tôi có gặp nhau ... Cô ấy
đã lập gia đình." "Thế những
điều ông định nói với cô ấy
đã nói được chưa?"
"Chưa. Vả lại, nếu nói thì nói
trước khi người ta lấy chồng, chứ
bây giờ còn nói gì."
Đó là lần sau
cùng tôi gặp K. Bởi vì anh đã chết
trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh
Việt Nam. Người ta đưa xác K. về
nhà anh ở Phú Nhuận trong những ngày
tháng Ba, Bảy Lăm, những ngày mở
màn cho một Sài Gòn bắt đầu hỗn
loạn. Suốt mấy ngày liền, tôi ở
nhà K., ngồi bên quan tài anh. Mẹ K. già
sụm thấy rõ. Cụ ôm tôi khóc,
gào lên; "Con ơi là con. Sao con bỏ mẹ
mà đi thế này!" Bức ảnh của K.
rọi lớn đặt trên bàn thờ.
Đôi mắt sáng. Nụ cười buồn. Một
khuôn mặt "bô" trai. Những người sĩ
quan đứng bên quan tài anh đổi phiên
nhau.
Sáng ngày động quan, bất
ngờ tôi thấy một thiếu phụ bước
vào. Chiếc áo dài màu trắng, hai con mắt
to và đen, chiếc răng khểnh. N. đến
trước mặt tôi chào hỏi như một
người quen đã lâu không gặp. Tôi
đưa cho chị cây nhang. N. chắp hai tay
đưa cao lên trán, đứng lặng hồi
lâu. Tôi có cảm tưởng là lâu lắm.
Và khi chị bỏ tay xuống xá mấy xá
trước khi quỳ lạy trước quan tài K.
Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt
của chị. Những giọt nước mắt lặng
lẽ chảy dài trên một khuôn mặt xanh
xao. Tôi thấy như mình đang đứng với
K. ngày nào trên con đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm đầy bóng mát, nhìn xéo qua cổng
trường Trưng Vương. Con đường cắt
đôi, một bên là Thảo Cầm Viên
và một bên là ngôi trường của
N. Và người thiếu nữ với mái
tóc cắt ngắn, hai con mắt to và đen, chiếc
răng khểnh đang bước đi, đầu
ngoái lại nhìn chúng tôi với một nụ
cười buồn. Tôi nhớ câu của St. Ex
có lần K. nói: “C’est tellement
mystérieux, le pays des larmes.”
Mối tình ấy có thật
không hay chỉ là trong trí tưởng của
tôi?
NGUYỄN
XUÂN HOÀNG
* Antoine de
Saint-Exupéry, [1900-1944] nhà văn phi công
Pháp, tác giả Courrier Sud [1929], Vol de Nuit [1931],
Terre des Hommes [1939], Le Petit Prince [1943], …
(VU
CONG HIEN sưu tầm, Toan Lat chuyển)