ÐÓA
HOA CHO TÌNH YÊU
Thời niên thiếu,
tôi có đọc ở đâu đó một
câu chuyện về hoa và ngày lễ Tình
Yêu. Trong một lớp học
mẫu giáo, nhân ngày lễ Tình Yêu,
trong lớp nhiều học sinh đã đem hoa, kẹo
và quà cho cô giáo. Riêng một em nhỏ
nhà nghèo đã không có tiền mua hoa
hay quà, em mặc cảm lủi thủi đứng
riêng một mình. Em đã đi quanh sân,
trong ý nghĩ non nớt, muốn tìm một
món gì đó để tặng cô
giáo của em. Mắt em sáng lên khi nhìn thấy
trong thùng rác một bó hoa đã héo
tàn mà ai đó đã vứt bỏ. Em mừng
rỡ nhặt lên, hối hả chạy vào lớp,
rụt rè đưa cao bó hoa tàn lên tặng
cô giáo. Cả lớp trông thấy bó hoa
cùng cười ồ lên trong khi em bé xấu
hổ nước mắt ràn rụa. Nhưng cô
giáo đã ôm bó hoa cũng như em
bé vào lòng, mắt cô cũng ngấn lệ.
Khi cả lớp đã im lặng, cô giáo
nói với các em học sinh:
“Trong đời cô, đây là bó
hoa đẹp nhất mà cô đã nhận
được.”
Thật tình tôi đã quên mất
ngày Valentine. Bằng chứng là tối ngày
14 tháng 2, tôi đã không nhớ
đây là một ngày lễ lớn của
nước Mỹ, lại dại dột mời một
người bạn ở tiểu bang miền đông về
đi dùng cơm tối. Từ 6 giờ 30 tối,
tôi đã lái xe tới ba nhà hàng
nhưng không chỗ nào chen chân lọt, với
một dãy dài người đứng đợi
ở ngoài trời trong khi thời tiết khá lạnh.
Cuối cùng thì chúng tôi phải chọn
một nhà hàng Tàu để giải quyết
bao tử, ở đó khách khứa còn lơ
thơ, vì không ai muốn mời bạn bè hay
người yêu đi dùng bữa tối ngày
Valentine trong một khung cảnh không lấy gì
làm ấm cúng và cũng chẳng
“romantic” tí nào.
Nhưng chúng ta muốn “lãng mạn”
sao được khi đang ngồi ăn dưới
ánh đèn cầy, với ly rượu vang
trên tay mà tiếp viên nhà hàng qua lại,
chỉ muốn tống khứ lượt khách
này đi để mở cửa mời lượt
khách khác. “Romantic” sao nổi khi bao
nhiêu người khách đang đứng lố nhố
trước cửa nhà hàng, liếc qua cửa
kính để trông có khách bàn
nào đang xỉa răng, gọi nhà hàng
tính tiền, chuẩn bị đứng dậy để
nghe gọi tên mình vào điền chỗ?
Biết bao nhiêu ngày đẹp trời khác
để có thể mời người yêu đi
dùng một bữa cơm tối, sao lại phải
chen chúc xếp hàng để chờ vào cửa,
đứng chực ở sau lưng người khác vừa
ăn xong đứng dậy, để ngồi xuống một
cái ghế còn ấm chỗ và trước một
cái bàn vừa được lau vội vàng,
có khi còn vướng vất mùi hóa chất
nồng nặc. Công việc đó phải
chăng là một công việc phải làm cho
xong, làm lấy lệ, không thể không
có được. Nếu không có một bữa
ăn vào ngày Valentine thì tình yêu mất
hết ý nghĩa chăng?
Sau lễ Giáng Sinh ngày Mother’s Day,
ngày thứ ba tuần lễ vừa rồi là một
ngày lễ lớn. Theo National Retail Federation, nước
Mỹ đã tiêu $13.7 tỷ cho ngày lễ
Tình Yêu để mua sắm quà cáp cho vợ
chồng hay người yêu của mình. Ðã
có 36 triệu chiếc hộp đựng chocolate mang
hình trái tim màu đỏ, và 180 triệu
đóa hồng đã được bán ra. Cũng
theo con số thống kê trên 56% phần trăm mua
hoa hồng, 23% hoa đủ loại, 10% mua hoa cẩm
chướng và 11% cho các thứ hoa khác.
Có 22,700 tiệm hoa trên nước Mỹ
đã tất bật từ ba ngày hôm trước
để sắp đặt, đơm kết hoa, và
trong ngày lễ, từ sớm tinh mơ tới xế
trưa, không có nghỉ ngơi, ăn uống
để giao hoa, và hầu hết ai cũng muốn
nhận hoa trước 12 giờ sáng.
Phái nam tiêu nhiều tiền hơn phụ nữ
trong ngày lễ. Trung bình các ông tốn
$128 trong khi quí bà chỉ tốn $74. Vào
năm 2001, trung bình người ta chỉ xài
$82.60, nhưng đến năm 2006, phải xài tới
$100.89, không biết càng ngày tình yêu
càng được tôn vinh hay là vì
giá cả càng ngày càng đắt đỏ
hơn. Về phía quí ông có 71% đưa
vợ hay bồ đi ăn tối ở nhà hàng,
65% mua hoa tặng, 52% có kim cương hay nữ trang
để tặng nàng. Quí nương có tới
61% rủ bạn trai hay đãi chồng một bữa
ăn tối ở ngoài, và đương
nhiên không mua hoa hay hột xoàn để tặng
người yêu, nhưng 53% mua băng nhạc hay
sách và 42% mua kẹo làm quà.
Những người làm thương mãi ở
Mỹ quả đã thành công vượt bực
với những quảng cáo cho các ngày lễ
lớn, để người tiêu thụ không ngần
ngại dốc túi tiền đi mua sắm và
văn hóa Mỹ có mãnh lực làm
điên đảo nhiều quốc gia, ngay cả những
quốc gia bài Mỹ. Cứ thấy các hình ảnh
lễ Valentine ở các quốc gia Cộng Sản
như Trung Quốc, Việt Nam mới thấy cơn sốt
văn hóa Mỹ đã lây lan nhanh chóng
như thế nào. Ngay cả cái thời miền
Nam mang tiếng là lệ thuộc Mỹ, chúng ta
không hề thấy Halloween, Valentine tràn ngập phố
phường như hôm nay.
Theo bản thống kê trên về lễ
Tình Yêu thì hình như tình yêu
càng ngày càng phai nhạt, xuống dốc theo
tuổi tác. Lớp tuổi 25-30 đã tốn $96
cho ngày lễ này, trong khi quí ông bà lớn
tuổi 55-65 chỉ tiêu có $59. Ôi quả tim của
chúng ta vào tới tuổi trên 60 cũng
đã bắt đầu đập chậm lại,
không còn sôi nổi như những ngày
còn trai trẻ thuở trước. Ngoài tình
yêu ra chúng ta còn có quá nhiều bạn
đồng hành như cao máu, cao mỡ, tiểu
đường. tim mạch, dạ dày, thấp khớp
và cả nỗi buồn của tuổi già.
Chúng ta không còn cả nỗi vui mừng với
quả tim rộn ràng của tuổi thanh xuân,
tình yêu hầu như có phần nào phai
nhạt. Tiếng Em, tiếng Anh đã biến
thành tiếng “Má Nó – Ba Nó”
rồi tiếng “Bà Ngoại, Ông Ngoại
ơi!” lúc nào không hay. Tôi biết nhiều
ông bà đã ngủ riêng ra từ mười,
hai mươi năm nay. Rồi chúng ta mỗi
ngày một xa nhau, hai chữ “Tình
Yêu” không còn là cái gì nghe
âu yếm, quen thân nữa mà như một thứ
gì xa lạ, ngỡ ngàng chưa hề gặp mặt
hay chung sống.
Như em bé tội nghiệp trong câu chuyện
trên, không có nổi một đóa hoa
để tặng cô giáo trong ngày lễ của
Tình Yêu, tôi cũng không có nổi một
hạt kim cương bé nhỏ để đeo
vào ngón tay già nua, héo úa của em,
hay nhớ để mua cho em một đóa hồng,
nhưng làm sao chúng ta sống tử tế với
nhau đến cuối cuộc đời, để
lúc ra đi không có gì phải tiếc nuối
hay ân hận về những điều đã
ăn ở “không phải” với nhau .. ???
Valentine 2010/Xuân Canh Dần
2010
HOÀNG HIẾU
(DIEM TRINH sưu tầm và
chuyển)