Hà Nội về đêm
(Tác Giả : Trần Mộng
Tú)
Từ chập choạng
hoàng hôn, Hà Nội đã khoác
lên đầu một chiếc khăn voan mỏng
màu xám, Hà Nội hình như chậm lại
ở một chút này, nhưng lại hối hả
ở một chút khác. Từ tấm khăn voan
nhìn ra hay đứng ở ngoài nhìn vào,
Hà Nội về đêm giống như một
bài thơ dài, cắt ra từng đoạn.
Có đoạn sắt se lòng, có đoạn
mơ hồ như tranh thủy mạc, có đoạn
như sông Lô lờ lững chảy, có đoạn
như sông Hồng lúc cạn đáy.
Khi xe của những
người đi làm theo giờ giấc cố định
đã đậu ở giữa phòng khách của
mỗi gia đình, sau cánh cửa đóng,
là thời điểm của những người
có tiền đi ăn ngoài, đi chơi buổi
tối. Xe ít đi và người đi bộ nhiều
hơn.
Hà Nội
đang sửa soạn cho một năm đi qua, một
năm sắp đến, nên đèn mở
sáng choang trên phố đêm Hà Nội.
Đặc biệt khu phố cổ là nơi du
khách tụ họp rất đông. Đối với
tôi, không phố nào đẹp bằng phố
Hàng Mã dù ban ngày hay về đêm.
Cái màu đỏ rực đến căng mạch
máu ấy, nhuộm hồng lên tất cả
làn da của ai khi bước vào khu phố
đó. Đỏ nhang, đỏ đèn lồng, đỏ
chân nến, đỏ phong bao, đỏ câu đối.
Chỗ nào cũng toàn màu đỏ. Đỏ
rực rỡ, đỏ nồng nàn, đỏ như
bài thơ tình, đỏ như ly rượu
cưới, đỏ như áo trạng nguyên,
đỏ như áo cô dâu đứng trước
bàn thờ gia tiên. Chao ôi, màu đỏ! Đến Hàng Mã rồi,
đêm về giấc ngủ của tôi, giấc
mơ của tôi cũng toàn màu đỏ.
Người Hà Nội đến Hàng Mã
để mua nhang đèn, vàng hương đi trả
lễ. Đầu năm xin lễ, vay vốn ở
chùa nào, thì cuối năm phải mang
vàng hương đến tạ lễ ở
chùa đó. Ôi, cái phong tục tập
quán đó, mới đáng yêu,
đáng quý làm sao!
Hà Nội cuối
tuần, phố cổ có “chợ
đêm”. Một cái chợ chẳng bán một
thứ gì ra hồn, và hàng nào cũng
“Made in China”; từ cái quần jeans cho đến
khăn quàng cổ, cái bút chì kẻ
lông mày cho đến đôi giầy cao
gót kiểu mới nhất; tất cả đều
đi qua cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng
Sơn (cửa khẩu hữu nghị Việt-Trung)
vào bày ở đây. Thỉnh thoảng cũng
có những cái áo len đan vội của một
bà mẹ nào đó mang ra bán, hay mấy
đồ sứ Bát Tràng của người
bán lẻ, chiếm một cái quầy nhỏ
khiêm nhường. Hàng chè, hàng bánh
cũng bày chen chúc trên lề đường.
Cuối năm lại là dịp sắm Tết,
nên hàng Tết về nhiều hơn, có thể
đẹp hơn và may ra rẻ hơn. Chợ
đêm vì thế kẹt cứng người, phần
đông là thanh niên thiếu nữ đang ở
tuổi hẹn hò và du khách cũng chen
chân trong đó. Người đi ngắm nhiều
hơn người mua.
Tôi là một
người lang thang trong cái chợ đêm
đó; tôi ngắm người du khách ngoại
quốc đang mua một cái khẩu trang của Việt
Nam bày bán chung với những chiếc khăn
quàng cổ của Trung Quốc. Bà đưa
khăn lên ngang miệng, thử tới thử lui, rồi
tìm cách trả giá, cuối cùng tôi
thấy bà đưa 2 Mỹ kim, người bán
và người mua cùng hài lòng; ngắm
cô bán hàng đang đứng giữa đống
quần jeans dưới đất, cô cầm hai ba
cái tung lên cho khách nhìn rõ, dưới
chân cô có miếng bìa cạc tông
xé vội ra ở một cái thùng nào
đó, viết nguệch ngoạc bằng mực
đen: “Đồng
giá 50,000/1 quần.” (Khoảng 3 Mỹ kim),
các cô cậu chen nhau cúi xuống đống
quần, cầm lên, bỏ xuống. Lựa mãi vẫn
không ưng ý. Một bà mẹ tóc trắng
phau ngồi bán chè đậu xanh, cái
gánh của bà chỏng chơ vài cái
chén nhỏ một bên, nồi chè một
bên; lâu lắm mới thấy một người
kéo ghế ngồi xuống với bà. Hai người
mù dắt nhau (chắc người đi trước
sáng hơn một chút) chen vào giữa
đám đông, xin tiền. Thỉnh thoảng ở
cuối dãy quầy hàng là một ngã ba,
vẫn có một vài anh xe gắn máy
không giữ luật cấm, xé lẻ lách
vào, chạy vọt một cái không coi ai ra
gì. Có người kêu lên: Chắc lại
con “đại gia” đấy, có tông phải
ai cũng không sao đâu.
Chúng tôi rủ
nhau, tối nay đi ăn lục-tào-xá,
chí-mà-phù của một nghệ sĩ ưu
tú ở phố Hàng Giày. Từ khách sạn
ở phố Hàng Mành, đi bộ khoảng
năm ngã tư thôi, nên chúng tôi tản
bộ. Em tôi, người Hà Nội giới thiệu.
Chỗ này, lần trước chị về, ăn rồi,
nhớ không? Có phải cái lối đi
vào ngõ, đen thui, tường bám đầy
khói và dầu vừng (mè) không?
Đúng rồi đó chị, vừa được
giới thiệu lên truyền hình đấy
nhé.
Tháng Chạp,
Hà Nội lạnh, người Hà Nội co ro
trong áo len, áo dạ, người ở xa đến
từ xứ lạnh, thêm cái áo khoác
ngoài dày hơn một chút, coi như đủ
ấm rồi. Chúng tôi thong dong đi bộ.
Tôi nhận ra
chỗ ăn chè lần trước, cũng vẫn những
cái bàn thấp, những cái ghế thấp,
ngồi chen chúc nhau, giấy ăn nho nhỏ trăng
trắng, vứt đầy mặt đất đen
ngòm. Khách ăn toàn người trẻ, thỉnh
thoảng mới có du khách già như
chúng tôi ghé vào. Ở ngay lối
vào, vẫn hai người, một nam, một nữ cũng
rất trẻ, người nam vừa kiểm soát, vừa
phục vụ, người nữ thu tiền.
Hai cái nồi
sôi sùng sục; nồi chí-mà-phù,
đang bắn những mảng vừng đen tung dán
lên tường thành những lớp keo dầy,
đen, bóng lưởng; nồi lục-tào-xá
cũng không kém, từng tảng màu vàng
nhớp nhúa bắn tung tóe trên miệng nồi,
rơi xuống đất, giẫm lê ra lối đi.
Cái quán
chè nóng hổi ban đêm này được
người Hà Nội đặt tên cho là:
“Nhem nhuốc, nhếch nhác, bẩn thỉu”,
nghe ra rất xứng đáng. Chúng tôi ngồi
vào gọi mấy chén chè, tôi bị
người phục vụ, làm đổ nguyên một
chén chí-mà-phù vào áo, may áo
cũng mầu đen. Chẳng nghe thấy tiếng xin lỗi
nào cả, chỉ được cô bé ngồi
sau lưng lấy mấy miếng giấy lau hộ.
Cám ơn cô, ít ra cũng có một
người Hà Nội lịch sự. Có lẽ bị
chè đổ vào áo, tôi ăn không thấy
ngon như lần trước, và nhìn cả
cái quán, thấy nhếch nhác, bẩn hơn
lần trước nhiều. Chúng tôi ăn vội,
để nhường chỗ cho một đám
người trẻ khác đang kéo vào, rồi
đi ra lang thang thả bộ.
Hà Nội ban
đêm hình như có một cái gì
khang khác. Hai năm trước tôi chưa thấy,
hay có rồi mà tôi không nhìn thấy.
Trên vỉa hè của phố hàng Bồ
(góc Lương văn Can,) thay vì chỗ xếp
xe gắn máy, tôi thấy có nhiều chiếc
chiếu cũ được trải ra. Trên một
vài chiếc thấy đã có người ngồi;
đó là những người rất trẻ, quần
jeans, áo da, hay áo nỉ. Họ ngồi chung quanh một
cái điã nhỏ có mấy con mực nướng,
vài chai bia. Ở một cái chiếu khác, một
tốp người lớn tuổi hơn một chút,
có đĩa cánh gà, rượu trắng,
và có một cỗ bài Tây (bài
cào). Ở cái chiếu sát cạnh chỉ
có đôi trai gái trẻ, đang ngồi
ôm nhau rủ rỉ, trước mặt họ thấy
có mỗi cái ấm trà với hai cái
tách; trà chưa rót ra. Họ chưa thưởng
thức trà vội, họ còn đang chụm
đầu, thưởng thức nhau. Sau lưng mấy
cái chiếu này, là những ngôi nhà:
có nhà tư nhân, cánh cửa đóng
kín; có nhà hàng, nhấp nhánh
đèn mầu, lấp ló quầy rượu,
văng vẳng điệu nhạc Jazz, bài hát
“When I First Saw You” của: Eyen, Tom Lee, Krieger, Henry D;
lời hát vừa đủ bay ra, thả rơi
vào những chiếc chiếu bên ngoài vỉa
hè: When I first saw you, I said oh my,
that’s my dream, that’s my dream? I need a dream to make me strong,
you are the only reason I had to go on. Tôi dừng lại,
nghiêng tai nghe tiếng hát. Những người
đang ngồi trên những chiếc chiếu trải
trên vỉa hè, trong bóng tối kia, chắc mỗi
người đều có một lý do để
mơ giấc mơ của mình.
Có người
bạn chở tôi trên xe gắn máy ra tận
khu Cầu Giấy để xem chợ đêm của
rau và trái cây. Chợ đêm ở
đây họp đến gần sáng, ở một
góc không có đèn đường, mặt
người nhờ nhờ như ở cõi âm,
không nhìn tỏ mặt nhau. Người đi mua
phải dùng đèn pin để lựa hàng.
Phần đông là những người ở
quê lên, mua sỉ ở chợ đêm Dịch Vọng
(Cầu Giấy) rồi gánh vào trong thành phố
bán lẻ lại ngay sáng hôm sau. Tôi
đã có lần thức dậy từ 5 giờ
sáng, đứng trên căn gác nhà em
tôi ở đường Hòa Mã, gần chợ
Hôm, nhìn xuống con phố vắng, chờ trong
sương sớm; những cái bóng bé nhỏ
của những phụ nữ từ các cửa
ngõ thành phố gánh những gánh rau xanh,
những gánh hoa đủ màu, kĩu kịt
vào trong nội thành, rẽ ra nhiều hướng
khác nhau.Và tôi được chờ, người
đi về phía chợ Hôm để bán.
Cái nhọc nhằn của những người phụ
nữ lẻ loi gánh cả trách nhiệm gia
đình trên đôi vai gầy guộc, vừa
đẹp, vừa cảm động, làm tôi
liên tưởng đến câu thơ:
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ
cực
Cho lòng cô gái Việt Nam
tươi.
( Hồ Dzếnh)
Chưa hết
đâu, Hà Nội càng khuya càng nhìn
rõ cái nhọc nhằn của phụ nữ. Phần
đông phu quét đường, phu hốt rác
ban đêm là phụ nữ. Họ làm việc
trong thầm lặng. Khẩu trang che ngang miệng, chổi
cầm tay, vừa đi vừa đẩy cái xe
cút-kít, họ cúi xuống lề đường
nhặt từng gói rác trong những căn
nhà hai bên phố vứt ra, họ đi vòng
những gốc cây quét đống rác ai
đó vừa đổ vội cuối ngày.
Đôi khi họ nhặt lên một bó hoa
tàn, đứng tiếc rẻ, ngắm nghía một
chút, lưỡng lự một chút, rồi mới
bỏ vào thùng xe. Có bao giờ họ nhận
được một bó hoa tươi không nhỉ
?
Trong đêm
khuya khoắt đó thỉnh thoảng có một
đoàn xe gắn máy rú lên như những
con thú, phóng điên cuồng qua mặt những
người phu rác, rồi mất hút, để
lại một đám khói khét lẹt và
những tiếng động dội trong lồng ngực họ,
nghe như tiếng dội của thời đạn bom
ngày cũ. Họ nhìn lên ngơ ngác,
đất nước thanh bình, thịnh vượng
lâu lắm rồi mà!
Họ cúi xuống,
làm cho nốt đêm nay.
Và cuối
cùng, bỗng dưng tôi thấy, ở trong những
con hẻm mơ hồ nào đó, ở sau một
gốc cây lấp khuất nào đó hay từ
một công viên tối om; bước ra những
cô gái trẻ lắm, họ trang phục khác
mọi người, bước đi của họ cũng
xiêu xiêu, thỉnh thoảng có một đốm
lửa đỏ trên môi họ. Họ đi
đâu, về đâu, mất hút ở một
góc rẽ nào, tôi không đoán
được, Nhưng chắc họ cũng phải
đi bán, đi mua một cái gì đó
để kiếm sống cho nguyên ngày mai. Họ
là những cô gái chỉ biết kiếm sống
khi bóng đêm đổ xuống. Đốm lửa
trên môi có giữ họ ấm được
suốt đêm nay?
Tôi đi trong
Hà Nội về đêm, ngước mặt
nhìn những vì sao nho nhỏ lấp lánh
trên bầu trời, cúi mặt nhìn xuống
những vỉa hè chỗ lành, chỗ vỡ toang
hoang trên mặt đất. Biết là mình
đang đi giữa quê hương; một chút
vui, một chút buồn, một chút bâng
khuâng. Hơn ba mươi năm rồi đấy nhỉ!
Bỗng thấy thèm đọc một câu thơ:
Em về đi giữa đêm Hà
Nội
phố cổ mơ hồ bước
chân ai
tiếng chổi người phu đang
quét lá
sao em nghe như tiếng thở dài.
(Thơ-TMT)
Về
thăm quê 1/2010
TRẦN MỘNG TÚ
(Diễm Xưa sưu tầm
và chuyển)