Người
không nhận tội
(Duy Nhân)
1.
Tôi
biết anh khi cùng đến trình diện “ học
tập ” tại trường Pétrus Ký
ngày 24 tháng 6 năm 1975. Anh sinh năm 1942, tốt
nghiệp khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt.
Sau khi ra trường anh bị động viên
khóa 9/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, rồi
được biệt phái làm việc ở Kỹ
Thương Ngân Hàng, tức Ngân hàng
Quân Đội ở đường Nguyễn Huệ,
Sài Gòn. Anh là một thanh niên khỏe mạnh,
to cao, chưa lập gia đình. Vì cận thị
nên lúc nào cũng mang kính trắng.
Trông anh ai cũng dễ nhận ra anh là một
trí thức giàu tiềm năng, nhiều nghị
lực. Anh có người chú ruột là kỹ
sư làm bộ trưởng bộ công nghiệp
nhẹ của chế độ Cộng Sản Bắc Việt.
Sở dĩ tôi biết nhiều về anh là do khi
bị đưa vào trại tập trung ở
Thành Ông Năm , Hốc Môn, cũng như khi
ra Phú Quốc tôi lúc nào cũng được
“ biên chế ” cùng tổ , đội với
anh, chỗ nằm cũng sát bên anh, vì người
ta căn cứ theo thứ tự A, B, C của tên mỗi
người khi lập danh sách. Tên anh rất lạ
và dễ nhớ : Kha Tư Giáo.
Khi mới
vào trại tập trung, ngoài giờ lao động
khổ nhọc, các “ cải tạo viên “
còn phải học mười (10) bài chánh trị.
Sau mỗi bài học là những buổi thảo
luận trong tổ, đội. Mỗi ngưởi phải
viết “ bài thu hoạch ” những gì mình “ tiếp thu ”
được sau những bài giảng của
cán bộ tuyên truyền, được gọi
là giáo viên. Sau bài học đầu
tiên đề tài thảo luận đưa ra
là mọi người phải “ liên hệ bản
thân ”, xác định mình là người
có tội với nhân dân, với “
cách mạng ”. Người cầm súng
thì giết bao nhiêu cách mạng trong từng
trận đánh. Bác sĩ thì chữa trị
cho binh sĩ lành bệnh để đánh
phá cách mạng như thế nào. Người
làm ngân hàng ( như tôi và anh Kha
Tư Giáo ) thì có tội phục vụ cho nền
tài chánh, dùng tiền nuôi dưỡng chiến
tranh. Cảnh sát thì đàn áp nhân
dân ra làm sao, vân vân…Trại của
chúng tôi đa số là sĩ quan biệt
phái. Họ nói biệt phái là phái
làm công tác đặc biệt. Thí dụ
giáo viên biệt phái là những người
lãnh lương hai đầu, một bên là
quân đội, một bên là giáo dục,
được phái về dạy học để
đánh rớt học sinh, buộc học sinh phải
đi lính, biệt phái ngân hàng là sĩ
quan được đưa về làm công
tác ngân hàng, kiếm thêm thu nhập cho
người lính để có thêm sức cầm
súng. Do đó, sĩ quan biệt phái là
những người có tội rất nặng với
cách mạng và nhân dân hơn những
người khác. Anh KTG thì cho rằng anh và
các bạn anh không ai là người có tội.
Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cầm
súng chống lại bộ đội Bắc Việt
và quân nằm vùng là để tự vệ
mà không hề chống lại nhân dân,
đồng bào ruột thịt trong Nam cũng như
ngoài Bắc. Riêng bản thân anh, sanh ra và
lớn lên ở miền Nam, học hành và
làm công tác chuyên môn ngân hàng
để sống và phục vụ cho đất
nước thì sao gọi là có tội. Lập
trường anh Giáo không đáp ứng
yêu cầu của Việt Cộng. Đó là tấn
thảm kịch của anh. Anh bị bắt làm kiểm
điểm liên tục còn những người
khác thì cũng bị bắt phải “
giúp đỡ ” anh nhìn thấy được
tội lỗi của mình để được
cách mạng và nhân dân khoan hồng.
Càng kiểm điểm anh càng thấy mình
là người vô tội. Bài viết lúc
đầu thì dài, về sau chỉ còn bốn
chữ thật to chiếm hết trang giấy : TÔI
KHÔNG CÓ TỘI. Việt Cộng hỏi, anh trả
lời những gì cần phải nói anh nói
hết rồi. Bạn bè trong đội thấy anh giữ
lập trường như thế thì rất nguy hiểm
cho anh mà bạn bè cũng khổ. Vì sau giờ
lao động cực nhọc đáng lẽ được
nghỉ ngơi, lại phải ngồi kiểm điểm
với anh đến mỏi mệt, chán chường.
Nhiều người trách anh sao không biết
“ nín thở qua sông ”, họ khuyên anh cứ viết
đại vào giấy là mình có tội
một cách chung chung, miễn là thực tế
không làm gì hại nước, hại dân
là được. Anh bảo như vậy là mắc
lừa Cộng Sản và lương tâm không
cho phép.
Khi tất
cả cán bộ ở trại đều bất lực
thì cán bộ cao cấp từ Sài Gòn
được cử xuống. Những người
này tỏ ta có tay nghề hơn. Nghe đâu
là sư trưởng VĐG từng là thành
viên của phái đoàn đàm phán Bắc
Việt tham dự hội nghị Paris năm 1973, cùng
với một đại tá chánh ủy sư
đoàn ( ?). Họ không trấn áp anh mà
tỏ ra lắng nghe và chịu đối thọai.
Anh Giáo đã chứng tỏ bản lĩnh của
mình bằng những câu hỏi đặt ra
mà họ không trả lời được.
Ngược lại, anh còn phản công, vạch trần
tội ác của họ. Từ vai một người
tù, một tội nhân anh trờ thành một
công tố viên trước tòa, luận tội
Việt Cộng. Bằng một giọng đầm ấm và trầm tĩnh, anh
Giáo nói :
-
Chúng tôi là những người sanh ra và
lớn lên ở miền Nam. Nhờ hạt gạo của
đồng bào miền Nam nuôi lớn và
trưởng thành từ nền văn hóa và
giáo dục khoa học, nhân bản và khai
phóng. Chúng tôi có lý tưởng của
chúng tôi cũng như các anh có lý
tưởng của các anh. Lý tưởng của
các anh là dùng bạo lực để lật
đổ chánh phủ hợp hiến, hợp
pháp Việt Nam Cộng Hòa để bành trướng
chủ nghĩa Cộng sản. Lý tưởng của
chúng tôi là bảo vệ Tự Do, Dân Chủ.
Các anh từ miền Bắc vào xâm lăng miền
Nam, buộc lòng
dân quân miền Nam phải cầm súng tự
vệ. Chúng tôi có câu “ giặc đến
nhà đàn bà phải đánh”. Chẳng
lẽ một công dân cầm súng chống lại
kẻ thù để bảo vệ bà con mình,
gia đình mình, tổ quốc mình thì
có tội ?
Hai
cán bộ Việt Cộng im lặng, chỉ gật gật
cái đầu. Một lúc sau, viên đại
tá chính ủy lên tiếng :
-
Các anh chỉ là tay sai đế quốc Mỹ. Ở
đâu có Mỹ, có bom đạn Mỹ
thì chúng tôi đánh. Đất nước
Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam
là một …
Anh
Giáo ngắt lời :
-
Sông có thể cạn, núi có thể
mòn, song chân lý đó không bao giờ
thay đổi, chớ gì ? Các anh chỉ biết
lặp lại mà không biết gì về quốc
tế công pháp. Tôi nhắc lại, hiệp
định Genève năm 1954 mà các anh
đã ký ngày 20/7/1954 quy định từ vĩ
tuyến 17 trở ra là nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa, từ vĩ tuyến 17 trở
vào là nước Việt Nam Cộng Hòa của
chúng tôi, được Liên Hiệp Quốc
và quốc tế công nhận.
Tên
sư trưởng phản ứng :
-
Các anh là công cụ Đế quốc Mỹ
âm mưu chia cắt vĩnh viễn đất nước.
Còn chúng tôi đánh Mỹ là để
thống nhất đất nước, mang lại Độc
Lập cho Tổ Quốc, Tự Do, Hạnh Phúc cho
đồng bào.
Anh KTG
:
-
Nên nhớ, các anh mới là người
âm mưu cùng thực dân Pháp chia cắt
đất nước bằng hiệp định
Genève năm 1954. Chúng tôi không hề
ký vào hiệp định đó. Đồng
minh chúng tôi không phải chỉ có Mỹ
mà có Đại Hàn, Phi Luật Tân,
Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi và tất
cả quốc gia yêu chuộng hòa bình
trên thế giới. Các anh mới là tay sai
Liên Xô và Trung Cộng. Chủ nghĩa Cộng
Sản chủ trương bành trướng, xâm
lược, nhuộm đỏ toàn thế giới chớ
không riêng gì Việt Nam.
Tên
sư trưởng :
-
Người Cộng Sản làm cách mạng
là để giải phóng các dân tộc
khỏi áp bức, bóc lột mà đầu sỏ
là đế quốc Mỹ để mang lại
công bằng xã hội, ấm no, hạnh phúc
cho mọi người.
-
Tôi thiết nghĩ những người cần
được giải phóng là nhân dân miền
Bắc đang thiếu Tự Do, Dân Chủ, đang sống
đời lầm than cơ cực. Chúng tôi
không cần các anh giải phóng.
Bất
ngờ, tên đại tá chánh ủy đập
tay xuống bàn cái rầm. Ly nước trước
mặt hắn ngã đổ tung tóe :
-
Quân phản động !
Anh KTG
vẫn giữ điềm tĩnh và im lặng. Thời
gian trôi qua nặng nề. Tên sư trưởng dịu
giọng :
-
Các anh ôm chân đế quốc, bị đầu
độc bởi vật chất xa hoa và văn
hóa đồi trụy của chủ nghĩa tư bản
thối tha nên không nhìn thấy tội lỗi
của mình.
Bằng
một giọng ôn tồn mà cương quyết,
anh Giáo trả lời :
-
Chúng tôi là người Việt quốc gia,
không theo chủ nghĩa nào cả. Chủ nghĩa
chỉ là lý thuyết, là giáo điều
do con người đặt ra để phục vụ cho
những mục tiêu chánh trị nhất định
trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Đến lúc nào đó nó sẽ bị
đào thải do không theo kịp sự tiến
hóa không ngừng của xã hội. Còn chủ
nghĩa Cộng Sản chỉ là chủ nghĩa ngoại
lai, duy vật và sai lầm khi chủ trương
vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ
quốc, đi ngược lại bản chất con
người, ngược lại truyền thống duy
tâm , trọng đạo và nền văn hóa
cổ truyền của người Việt. Nó
quá tàn nhẫn và sai lầm khi chủ
trương đấu tranh giai cấp bằng chuyên
chính vô sản. Tôi cho rằng nó sẽ
không tồn tại lâu dài.
Thấy
hai tên Việt Cộng vẫn im lặng, anh Giáo
nói tiếp :
- Trong
thời gian Tết Mậu Thân năm 1968 các anh
đã đồng ý hưu chiến để
đồng bào an tâm vui đón ba ngày lễ
cổ truyền của dân tộc. Vậy mà
các anh lại tấn công vào các
đô thị miền Nam, gieo rắc kinh hoàng, chết
chóc cho người dân vô tội. Khi các
anh rút lui khỏi Huế lại nhẫn tâm
sát hại, chôn sống hàng ngàn dân
lành. Các anh ký hiệp định Paris năm
1973 để chấm dứt chiến tranh và lập lại
hòa bình ở Việt Nam. Lúc nào các
anh cũng giương cao ngọn cờ chống Mỹ cứu
nước như chánh nghĩa đấu tranh của
mình, nhưng khi Mỹ rút đi rồi thì
các anh dốc toàn lực đánh chiếm miền
Nam. Vậy mà các anh nói được
là hòa bình, hòa giải dân tộc !
Nói
tới đây anh Giáo ngừng lại trong giây
phút, rồi bất ngờ anh chỉ tay về
phía hai cán bộ Việt Cộng :
- Vậy
thì giữa chúng tôi và các anh, ai mới
là người có tội ?
Bấy
giờ thì hai tên Việt Cộng giận run,
nét mặt đanh lại, xám ngắt. Chúng
không trả lời câu hỏi của anh Giáo
mà đuổi anh ra khỏi phòng.
Bằng
đủ mọi cách đấu tranh buộc anh
Giáo nhận tội không kết quả, bọn Việt
Cộng để cho phong trào lắng xuống. Ai cũng
hồi hộp, lo lắng, không biết điều
gì sẽ xảy đến cho anh KTG. Việt Cộng
có thể mang anh ra bắn công khai về tội phản
động như họ đã từng làm ở
trại này mà anh Giáo cũng như mọi
người trong trại đều biết. Thời gian
này anh Giáo cho biết các em của anh đi học
tập cùng đợt đã được
ông chú bảo lãnh về hết, trong
đó có người em ở trại kế
bên, chỉ cách nhau một hàng rào
dây thép gai. Ngày hai anh em chia tay nhau bên
hàng rào, anh Giáo dặn em hãy về lo cho
mẹ và gia đình và đừng lo gì
cho anh, chắc là lâu lắm anh mới được
về. Phần anh vẫn vui vẻ sống cùng anh em với
tinh thần bình thản, một đôi khi còn
tiếu lâm, khôi hài nữa. Anh thường hay hát những
bài như Hà Nội, Niềm tin và Hy vọng,
Anh lính quân bưu vui tính …Tôi hỏi
sao không hát những bản nhạc của
mình, anh nói hãy cố giữ nội quy của
họ để họ không nói được
mình. Anh Giáo là thế, lúc nào cũng
tự trọng. Mười bài học chánh trị
rồi cũng qua. Chúng tôi có nhiều giờ
rảnh hơn vì lúc này không còn phải
ngồi hàng giờ để thảo luận và
“ giúp đỡ ” anh Giáo nữa. Nghĩ
lại,Việt Cộng dùng từ cũng ngộ,
như từ
“giúp đỡ ” được
dùng trong trường hợp này. Chúng
tôi xét thấy chẳng có ai đủ tư
cách để giúp đỡ anh Giáo, ngược
lại rất nể trọng anh và được anh
giúp đỡ rất nhiều .
Vào
những buổi chiều sau khi cơm nước xong, anh
và tôi thường hay đi bách bộ dưới
tàng những cây sứ có hoa màu trắng,
tỏa hương thơm ngát. Chúng tôi
thường trao đổi với nhau về chuyện
ngân hàng và những vấn đề mà
cả hai cùng quan tâm.Thấy anh nhặt rất nhiều
bông sứ, tôi hỏi :
- Chi vậy
?
- Mai mốt
về tặng người yêu - Anh trả lời.
- Chắc
là cô bạn rất thích hoa này ?
-
Vì nó trắng tinh khiết và thơm dịu
dàng.
- Sợ
tới chừng đó nó sẽ phai màu đi
- Tôi e ngại.
-
Không sao. Dù hoa có phai màu nhưng chắc
sẽ giữ được tình cảm của
mình trong đó !
- Anh
lãng mạn quá - Tôi nhận xét.
Anh
Giáo cười để lộ hai cái răng khểnh
và một đồng tiền dưới khóe miệng
bên phải. Trông anh dễ thương hơn bao giờ
hết !
Có
lần trong lúc trò chuyện anh nói hiện nay
anh ghét nhất là cái khẩu hiệu “
Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội
”. Bản thân chủ nghĩa xã hội
không ra gì thì làm sao mà yêu cho
được. Theo anh Giáo, yêu nước là
yêu nước. Không thể và không
nên gán ghép nước Việt Nam với bất
cứ một chủ nghĩa nào, dù là Chủ
Nghĩa Xã Hội, Cộng Sản hay Tư Bản. Nếu những chủ nghĩa này sụp
đổ thì không yêu nước nữa hay
sao ?
2.
Đêm
21 tháng 6 năm 1976 chúng tôi được chở
bằng Motolova đến Tân Cảng xuống tàu
há mồm 503 ra Phú Quốc. Chuyến đi thật
kinh hoàng như địa ngục trần gian mà
con người có thể tưởng tượng
được. Hàng ngàn người bị dồn
trên con tàu đóng kín cửa. Ăn uống,
ói mửa, tiểu tiện chỉ có một chỗ,
cho vào thùng phuy. Khi tàu cặp bến Phú
Quốc có nhiều tù nhân bị xỉu, những
người còn lại đều kiệt sức.
Tù nhân phải dùng chính những
thùng phuy này để nấu cháo ăn ngay
trong đêm. Cho tới hôm nay là ba muơi bốn
năm, hình ảnh hãi hùng này vẫn
còn ám ảnh tôi. Tôi ghi vào nhật
ký :
Đau đớn
thay những linh hồn cháy lửa
Suốt
đêm ngày tắm rửa với mồ hôi
Với cao tay
quờ quạng chút hơi người
Miệng
gào thét những âm thanh khiếp đảm
Ở
Phú Quốc ngoài việc trồng rau để
“ cải thiện ” bữa ăn, việc lên rừng
đốn củi là công tác thường
xuyên và cực nhọc nhất. Nhiều anh em nghe
lời Việt Cộng, đi tìm vác những
cây to để chứng tỏ mình là người
“ tiến bộ ”. Anh Giáo thì không.
Lúc nào anh cũng ung dung, tự tại. Anh chỉ
tìm vác những cây vừa sức mình.
Khi thấy cần phải nghỉ thì anh dừng lại
nghỉ, mặc cho bọn vệ binh ôm súng canh giữ
cho tới lúc hết mệt anh mới đứng
lên đi tiếp. Anh khuyên anh em phải biết giữ
gìn sức khỏe vì thời gian “ học tập”
hãy còn dài. Giờ đây ngồi ghi lại
những dòng này, cảnh tượng của
năm nào lại hiện ra trước mặt : Trong
một buổi chiều ảm đạm, gió thổi
ào ào. Một bên là biển, một
bên là rừng.
Đoàn tù cả trăm người,
dài hơn cây số, xếp hàng đôi,
áo quần lôi thôi lếch thếch, vai
vác những thân cây nặng nề, mồ
hôi lã chã, chậm chạp lê bước
trên những con dốc ngoằn ngoèo, trơn trợt.
Nhiều người té lên té xuống. Hai
bên và phía sau là những tên vệ
binh ôm súng AK thúc giục.Tới đầu một
con dốc, anh Giáo đặt thân cây xuống,
ngồi trên đó nghỉ mệt. Khi một ngừời
không đi nổi thì cả đoàn phải dừng
lại chờ. Điều này bọn cai tù Việt
Cộng không muốn. Tên chỉ huy đến chỗ
anh Giáo bắt phải đứng lên đi tiếp.
Anh Giáo trả lời mệt quá nên phải
nghỉ. Tên cán bộ không chịụ Thế
là cuộc đấu trí bắt đầu. Đến
khi đuối lý, tên cán bộ rút khẩu
K 54 ra khỏi vỏ. Cả đoàn tù hồi hộp.
Cả khu rừng như nín thở. Tên cán bộ
đến bên anh , nghiêm sắc mặt :
- Anh
có đứng lên không ?
-
Tôi còn mệt.
- Anh
không chấp hành lệnh phải không ?
-
Tôi đã nói là tôi còn mệt.
Bao giờ hết mệt tôi sẽ đi.
Tên
cán bộ hướng khẩu K54 về phía anh
Giáo :
- Anh
không đứng lên tôi bắn.
Anh
Giáo vẫn ngồi bất động, lạnh
lùng đáp :
- Anh cứ
bắn đi !
Tên
cán bộ Việt Cộng bóp cò. Hai tiếng
nổ chát chúa vang động cả khu rừng.
Một bầy chim bay lên tán loạn, kêu quang
quác … Nhiều người tù gục xuống,
ôm ngực :
- Lạy
Chúa tôi.
Sự
việc diễn ra chỉ trong vài giây ngắn ngủi
nhưng đã nói lên tất cả nét bi
hùng của cuộc chiến sau “ Hòa bình
” mà kẻ có vũ khí trong tay
đã thua, đồng thời tính chất anh
hùng của người chiến sĩ Quân lực
Việt Nam Cộng Hòa trong hoàn cảnh sa cơ thất
thế vẫn sáng ngời, chói lọi. Người
tù đã thắng ! Không biết vì sợ
hãi hay run tay mà đường đạn nhắm
vào anh Giáo đã đi trượt một
bên tai, làm bể nát phần thân cây
mà anh Giáo đang ngồi trên đó.
Tôi thì sửng sốt, bàng hoàng, tưởng
như mình vừa trải qua một giấc mơ, vừa
chứng kiến một cảnh chỉ có thể xảy
ra trên màn ảnh, truyền hình !
Anh
Giáo thường hay kể truyện Tam Quốc, truyện
Thần Điêu Đại Hiệp, truyện Tây Du
Ký cho chúng tôi nghe. Hết truyện Tàu
đến truyện tiếu lâm, làm cho đời
sống tù tội bớt căng thẳng. Sau một
thời gian ở Phú Quốc, Việt Cộng nhiều
lần cho họp liên trại, phát động lại
chiến dịch đấu tranh bắt anh Giáo nhận
tội, nhưng rồi không thể nào lay chuyển
được tư tưởng của anh.
Riêng
đám tù binh chúng tôi bấy giờ rất
thoải mái chớ không còn căng thẳng
như lúc ở Hốc Môn. Người ta chỉ
tổ chức đấu tranh với anh Giáo cho
có lệ. Những lần như thế chúng
tôi khỏi phải lên rừng vác củi,
được nghỉ lao động, lại thích hơn.
Nhưng
thời khắc định mệnh đã tới ! Một
hôm trong lúc xếp hàng điểm danh cuối
ngày, cán bộ Việt Cộng ra lệnh cho anh
Giáo phải bỏ kính ra. Anh trình bày
vì cận thị từ lâu nên không bỏ
ra được. Chỉ chờ có thế, chúng
ra lệnh nhốt anh vào cũi sắt làm bằng
dây thép gai, thứ mà chúng ta hay gọi
là chuồng cọp, diện tích rất hẹp, nằm
không được mà ngồi cũng không
được. Chuồng cọp để giữa trời
, không có mái che mưa che nắng. Ngay từ
năm 1930, khi thành lập đảng Cộng Sản,
họ đã có chính sách “ Trí,
Phú, Địa, Hào, đào tận gốc bốc
tận rễ ”. Anh KTG là một trí thức mặc
dầu thua trận vẫn cương quyết giữ vững
lập trường chống Cộng và quyết
tâm bảo vệ chánh nghĩa Quốc Gia thì
sẽ bị tiêu diệt là điều khó
tránh khỏi. Tiến sĩ toán ĐXH, cá
nhân tôi và biết bao anh em khác cùng
đội cũng mang kính trắng giống như anh
KTG mà không hề bị làm khó dễ.
Điều này được giải thích
như thế nào đây ? Mỗi ngày Việt
Cộng chỉ cho anh Giáo nửa chén cơm lạt.
Anh lại tuyệt thực để đấu tranh
và phản đối chính sách dã man
và sự trả thù hèn hạ của
chúng. Ngoài tuyệt thực, anh Giáo còn
dùng lời ca, tiếng hát để làm vũ
khí đấu tranh. Bài hát anh Giáo sử
dụng là bài Đêm Nguyện Cầu, trong
đó có những câu :
“
Con tim chân chính không bao giờ biết đến
nói dối…
Nghẹn ngào cho non nước
tôi, trăm ngàn ưu phiền…”
Có
lẽ trong giờ phút đó, anh Giáo biết
rằng mình đã ở vào thế hoàn
toàn tuyệt vọng và chỉ có thể nguyện
cầu mà thôi. Đây là lần đầu
tiên mà có lẽ cũng là duy nhất
trong đời, tôi nhìn thấy một người
hát bằng tất cả linh hồn như vậy. Anh
Giáo thường cất tiếng hát của
mình vào những đêm khuya thanh vắng. Giọng
hát của anh bay vào không gian, vào từng
lán, trại, có lúc thật cảm xúc,
có lúc nghe rợn người như âm thanh
phát ra từ cõi chết. Nhiều người
nghe anh hát thì ngủ không được, nhiều
người đang ngủ thì bừng tỉnh dậy
và khóc nức nở. Bài Đêm Nguyện
Cầu là của Lê-Minh-Bằng. Anh Bằng năm
nay vẫn còn sống ở Mỹ, chắc anh
không ngờ sáng tác của anh lại có
người sử dụng trong hoàn cảnh đắng
cay như vậy. Giờ đây mỗi lần nghe lại
bài hát này tôi không cầm được
nước mắt vì nhớ tới người bạn
của mình. Lời ca của anh Giáo rồi
thì cũng yếu dần và tôi không nhớ
cho đến khi nào thì tắt lịm. Anh bị
xuống sức rất nhanh. Từ một thanh niên khỏe
mạnh cao hơn một thước bảy, chỉ trong
vòng một tháng anh chỉ còn là một
bộ xương, duy có đôi mắt là
còn tinh anh, sáng ngời, khiến cho nhiều
người không dám nhìn thẳng vào mắt
anh, nhất là cán bộ Việt Cộng.
Ngày
20 tháng 6 năm 1977 Việt Cộng cho di chuyển một
số tù nhân từ Phú Quốc về Long
Giao, Long Khánh. Anh Giáo di chuyển đợt đầu,
tôi thì đi đợt kế tiếp. Trong
lúc di chuyển, anh Giáo bị còng tay,
lúc nào cũng có vệ binh ôm súng
canh chừng. Ngay khi về tới Long Giao tôi vội
đi tìm anh Giáo. Khi gặp được anh
thì anh đang hấp hối. Tôi nắm tay anh,
bàn tay lạnh ngắt.
Lời nói cuối cùng anh nhắn lại với
tôi là khi nào được về thì
nói tất cả sự thật cho gia đình anh
biết. Tôi hỏi địa chỉ ở đâu
thì anh thều thào trong hơi thở rất yếu.
Hình như anh thốt ra hai chữ Huyền Trân.
Sau này khi đi lao động tình cờ tôi gặp
được nấm mộ của anh, phủ đầy
cỏ dại ở một góc sân banh hoang vắng.
Trên mộ có tấm bảng gỗ nhỏ có
đề tên anh, nét chữ nhạt nhòa.
3.
Tôi
được tha về cuối năm 1977. Mặc dầu
phải đương đầu với biết bao
khó khăn trong đời sống hàng ngày
đối với một người vừa mới ra
tù, tôi vẫn để tâm đi tìm gia
đình anh Kha Tư Giáo. Theo quyết định
ra trại, tôi chỉ được tạm trú ở
nhà một tháng, sau đó phải chịu sự
điều động của địa phương
đi “Kinh Tế
Mới ”. Nhờ may mắn, tôi xin được
giấy chứng nhận là thuộc diện sử dụng
vào công việc của thành phố. Từ
đó tôi xin được việc làm
và dần dần ổn định được
đời sống. Tôi đã tìm khắp mọi
nẻo đường, từ Sài Gòn vô Chợ
Lớn, Bà Chiểu, Phú Nhuận, nhất là
đường Huyền Trân Công Chúa,
đường có hai chữ Huyền Trân mà
tôi đã nghe anh Giáo thốt ra trong lúc
lâm chung. Nhưng con đường này toàn
là biệt thự, có vẻ là công sở
hơn là nhà tư nhân. Tôi cứ đi
qua, đi lại con đường này không biết
bao nhiêu lần. Khi tôi vào hỏi đều nhận
được cái lắc đầu của chủ
nhà. Cũng có lần tôi cầu may lên
Thành Ủy Sài Gòn ở đường
Trương Định , quận Ba để hỏi
thăm về đồng chí KVC, Bộ Trưởng Bộ
Công Nghiệp Nhẹ nhưng tôi không qua
được cổng bảo vệ vì khi được
hỏi quan hệ như thế nào với đồng
chí bộ trưởng thì tôi trả lời
quanh co mà không chứng minh được gì
cả.
Trong
suốt hai mươi năm ở Sài Gòn
không tìm được gia đình anh
Giáo thì tôi được người em vợ
bảo lãnh đi Mỹ, định cư ở Chicago
vào cuối năm 1997. Sang Mỹ tôi vẫn
tìm cách thực hiện nguyện vọng cuối
cùng của người bạn quá cố. Tôi
cố gắng dò hỏi trong số bạn bè
mà tôi liên lạc được xem có ai
biết gia đình họ Kha ở đâu
không. Một lần nữa tôi không có tin
vui. Điều tôi làm được là cuối
tháng 12 năm 2001 tôi viết lại câu chuyện
về anh Kha Tư Giáo, đặt tựa đề
Người Không Nhận Tội và gửi cho tờ
Việt Báo ở California, mục “ Viết về
nước Mỹ ”. Tôi chọn mục này
vì đây là diễn đàn có số
độc giả rất lớn, ở khắp nơi trên thế
giới, biết đâu gia đình anh Giáo sẽ
đọc được. Hy vọng của tôi rất
mong manh vì bài của tôi không nói
gì về nước Mỹ mà chỉ viết về
người bạn của mình đã ngã gục
trong tù Cộng Sản. Vậy mà không ngờ,
bài viết cũng được chọn đăng
và được phổ biến trên hệ thống
thông tin toàn cầu. Tôi lại hồi hộp
chờ đợi bài viết của mình đến
với gia đình anh
KTG. Ngày 23 tháng 1 năm 2002 tôi nhận
được email của Ban Chủ Nhiệm Việt
Báo chuyển cho cùng với bức điện
thư của anh KTC, em của anh KTG gửi từ Autin,
Texas, báo tin gia đình anh đã đọc
được bài viết của tôi. Bức
điện thư ngắn ngủi nhưng đã
gây cho tôi một cảm xúc mạnh, một niềm
vui lớn. Bạn hãy tưởng tượng cũng
biết được là tôi hạnh phúc
như thế nào khi nỗi niềm đã
được giải tỏa, khi ước mơ 25
năm đã thực hiện được, nhất
là ước mơ đó là của người
quá cố, nên có tính cách linh
thiêng.
Chiều
chủ nhật 27 tháng 1 năm 2002, tôi đang ở
nhà thì nhận được điện thọai
từ Texas :
- Hello
! Tôi là KHT, em ruột anh Kha Tư Giáo. Xin lỗi
có phải …
-
Tôi, Duy Nhân đây.
-
Chào anh Duy Nhân ! Có phải anh là tác
giả bài viết Người Không Nhân Tội
?
-
Tôi đây chị.
-
Hân hạnh được nói chuyện với
anh. Gia đình tôi đọc được
bài viết của anh trên Internet. Không ngờ
sự thật như vậy..
Tới
đây thì tiếng nói đứt quãng.
Tôi nghe được cả sự nghẹn ngào
bên kia đầu dây. Chị HT quá xúc
động. Tôi cũng vậy. Tôi giữ
được im lặng trong một phút, rồi
nói :
-
Đây là giây phút mà tôi chờ
đợi suốt hai mươi lăm năm nay.
- Gia
đình chúng tôi cám ơn anh nhiều lắm.
-
Tôi chỉ làm nhiệm vụ đối với
anh Giáo, một người bạn của tôi.
-
Bài viết của anh nói lên được
nhiều điều. Qua đó, gia đình tôi
hiểu rõ sự thật về anh Giáo, về Cộng
Sản mà nhiều cán bộ cao cấp theo Cộng
Sản suốt đời cũng không hiểu
được.
Tôi
lại nghe tiếng nức nở bên kia đầu
dây. Chị HT lại khóc. Sau đó chị kể
cho tôi nghe những sự kiện tiếp theo cái
chết của anh Giáo. Chín tháng sau khi anh
Giáo chết thì Việt Cộng mới báo
tin về gia đình, Họ có hoàn lại cho
gia đình một số vật dụng cá
nhân, trong đó có cặp kính trắng.
Bây giờ tới phiên tôi đau lòng
và xót xa khi nghe nhắc tới cặp kính trắng.
Đó là chứng tích của sự trả
thù hèn mọn và một chính sách
sai lầm đối với trí thức, đối với
người thuộc chế độ cũ mà
tôi là nhân chứng từ đầu tới cuối.
Khi gia đình nhận được giấy báo
tử của anh Giáo thì mẹ và các em
đi gặp cán bộ có chức quyền để
hỏi tin tức. Họ nói anh Giáo nhịn ăn
cho tới chết. Mẹ anh hỏi lý do gì khiến
anh Giáo phải tuyệt thực, anh Giáo có tội
gì phải biệt giam, đề nghị cho xin bản
án hoặc biên bản về cái chết của
anh Giáo. Việt Cộng không trả lời. Mặc
dầu uất ức nhưng mẹ anh cố kềm nước
mắt không bật khóc trước mặt Việt
Cộng. Đến khi mẹ anh Giáo đề nghị
được dẫn đi tìm mộ thì bọn
Việt Cộng lại tỏ ra khó chịu và
đòi hối lộ. Cuối cùng, bà và
các em phải đi tìm một mình và dĩ
nhiên là không
thể nào tìm được ! Vì quá
đau buồn, mẹ anh Giáo qua đời sau
đó ít lâu. Khi tôi nhắc đến
tên Huyền Trân thì chị nói đó
không phải là tên đường mà
là tên của chị. Có lẽ trong lúc
lâm chung anh Giáo gọi tên chị mà
tôi tưởng là tên đường. Chị
HT nói cho tới bây giờ gia đình chị
không ai biết anh Giáo nằm ở đâu.
Tôi thì biết rất rõ. Ngôi mộ quay
đề về hướng Đông ở một
góc sân banh. Trên mộ có xuất hiện
một cây hoa dại có bông rất lạ.
Ngày xưa mỗi lần đi lao động về
ngang qua ngôi mộ tôi đều bứt vài
bông đem về cắm trong lọ mà tưởng
tượng anh Giáo như còn sống. Anh
Giáo đã chết một cách vô danh
mà anh hùng như loài hoa kia đã dũng
cảm vươn lên giữa khô cằn và gai
góc.
Sau chị
HT thì anh KTH, em kế anh Giáo từ bên
Pháp đã liên lạc với tôi bằng
thư và nói chuyện qua điện thọaị
Anh cho biết rõ hơn về tính tình ngay thẳng,
cương trực của anh Giáo. Anh H tỏ ra rất
hãnh diện và tự hào về người
anh của mình, đã chọn cái chết
mà không phải ai cũng làm được.
Anh đã thanh thản đi vào trang sử bi
hùng của Quân Lực VNCH và dân tộc.
Anh Kha
Tư Giáo ơi ! Ở một nơi nào
đó chắc là anh đã mãn nguyện
vì ước muốn sau cùng của anh
đã được thực hiện, dầu có
muộn màng. Bài mà tôi viết về anh
người ta đã lấy dựng thành kịch
(1), cho phổ biến, trình chiếu khắp nơi
mà không xin phép tác giả. Thôi
thì hãy ngậm cười mà tha thứ cho họ,
tha thứ tất cả. Tha thứ cho những kẻ
đã hành hạ anh, những kẻ bỏ
đói anh, tha thứ luôn cho cái chuồng cọp
nhốt anh đêm ngày và cái còng sắt
siết chặt tay anh rướm máu ! Bây giờ
đã là ba mươi bốn năm, vậy
mà tôi tưởng như mới ngày
nào… Lịch sử vẫn đang ghi nhận những
sự thay đổi, những bước tiếp diễn
lạnh lùng của nó. Có những điều
anh nhận định, anh mong mỏi bây giờ
đã là sự thật, ngoại trừ Tự Do
và Hạnh Phúc cho mọi người. Gia
đình anh có nhiều thay đổi : Mẹ anh
đã qua đời, ông chú anh cũng
đã ra đi. Người ta dùng tên chú
anh để đặt tên một con đường
nhỏ ở Thủ Đức nhưng lại viết sai
chính tả ! Anh còn lại những người
thân nhưng đã phân tán mỗi người
mỗi ngả. Có người còn ở Việt
Nam, có người ở Pháp, ở Mỹ…
Tôi vẫn đang liên lạc với họ, vẫn
nghe tiếng họ nói mà chưa một lần gặp
mặt. Vậy mà cảm thấy như đã
thân quen tự thuở nào. Về phần tôi,
khi nào điều kiện cho phép tôi sẽ về
lại Việt Nam. Tôi sẽ đi tìm ngôi mộ
của anh, sẽ thắp lên đó một
nén hương và trồng bên cạnh
đó một cây sứ có bông màu trắng.
DUY NHÂN
GHI CHÚ :
(1)
Bài viết Người Không Nhận Tội
đã được Trung Tâm Băng Nhạc Asia
dàn dựng với cùng tựa đề, do Ban kịch
Sống – Túy Hồng trình diễn trong cuốn
Asia số 36 ( chủ đề Người Lính )
tưởng niệm 27
năm tháng 4 đen (30/4/1975 – 30/4/ 2002). Bài
này được viết lại tháng 4 năm
2010 để tưởng niệm 35 năm ngày mất
nước.
(VÔ
TÂM sưu tầm, .. Vương Hai & TSL chuyển)