MỘT NGÀY KHÁC MỌI NGÀY
(Trần Mộng Tú)
Không phải ngày nào thức dậy, ta cũng
có một ngày giống nhau đợi ta trước
mặt. Như những người đang ở tuổi
đi làm, có một thời khóa biểu nhất
định từ thứ hai đến thứ sáu.
Sáng dậy mấy giờ phải ra khỏi giường,
nằm uốn éo như con mèo ngái ngủ
được mấy phút, vệ sinh, ăn sáng
hay không ăn sáng; uống ngay một ly cà
phê pha lấy, hay dậy sớm
hơn nửa tiếng pha bình trà nhâm nhi một
chung nhỏ, rồi mới ra khỏi nhà. Người
trẻ hơn có thể hấp tấp sửa soạn,
chạy vù xuống nhà xe, lái đến
Starbucks, mua một ly, vừa uống vừa lái xe
đến sở. Công việc ở sở năm
ngày như nhau hay mỗi ngày một khác nhau,
cũng vẫn là việc sở. Sáng đi chiều
về, thế thôi.
Người
đã tuổi hưu trí, mấy giờ ra khỏi
nhà đi tập thể dục, đến Gym hay
hội cao niên, giờ nào ngồi vào ghế
trước máy điện tử, đọc
báo, viết thư. Hay chẳng cần giờ giấc
nào; ăn, ngủ, thức tùy theo nhu cầu
thân thể đòi hỏi, thúc giục. Nửa
đêm thức dậy, đọc mấy trang
sách, uống ly sữa ấm, rồi lại vào
giường. Cứ thế ngày qua, ngày qua,
tháng qua, rồi năm qua, ta tưởng như chẳng
có gì thay đổi. Một ngày như mọi
ngày.
Nhưng
có thật thế không?
Những
người sống ở vùng Tây Bắc Mỹ, nếu
buổi sáng dậy thấy hai bàn chân hơi
lành lạnh, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy
những chùm lá bắt đầu ửng
vàng, biết ngay là mùa thu đang đến.
Thế là có một khoảng thời gian hơn
hai tháng thức, ngủ với thu. Trong đầu
hình dung ra những bức tranh toàn mầu
vàng, cam, đỏ; những bức tranh có từng
đàn cá Hồi (Salmon) bụng đầy trứng
đang rủ nhau từ biển trở về suối
(creek) để sanh đẻ. Rồi đàn cá
nòng nọc đó, được nuôi cho lớn
hơn một chút, đánh dấu trên mình,
thả ra biển, sang năm chúng lại thành
cá mẹ, quay về. Mùa thu với cá Hồi
là lễ hội “Về Nguồn”,
là mùa phục sinh của loài cá
này. Người Tây Bắc còn tuổi đi
làm (cuối tuần thế nào cũng phải bỏ
ra một vài giờ) hay người ở tuổi
hưu trí, đều hân hoan đi dưới
mưa thu, dưới nắng mật ong, đi dưới
những cơn gió bất chợt kéo đến
trận mưa lá đỏ, rồi những hạt
mưa lãng mạn cứ lộp độp trên
nóc dù, như tiếng gõ cửa của
người thân quen. Buổi sáng thức dậy,
khăn áo thật ấm, xỏ chân vào giầy đã
nghe tim đập nồng nàn theo hơi thu thở. Mở
cửa ra để hưởng ân huệ của đất
trời. Nhìn qua bên kia hồ, những cây phong
vàng úa, pha nâu, pha đỏ chen chúc với
thông xanh như một bức-gấm-thất-thể
được ai đó tung ra phủ kín cả ngọn
đồi. Đi bộ trong mùa thu, hai tay giấu
túi áo, ngước mắt nhìn đám
khói sương mơ hồ vắt ngang mỏm
núi như tấm khăn san mỏng trên cổ,
đang phất phơ theo cơn gió nhẹ, khẽ khẽ
đọc một câu thơ mùa thu của Tản
Đà, không còn gì hạnh phúc
hơn nữa:
Trận
gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc lá
sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng
trông.
Rồi
lá thu rụng kín mặt đường như những
dòng sông nhỏ mầu vàng pha sắc đỏ
len lỏi vào thành phố, những cây bắt
đầu trơ lá, giơ những cánh tay khẳng
khiu lên cao như muốn với tới bầu trời
xám đục. Mùa đông đang đến
từng bước một. Buổi sáng ra khỏi
giường, chén trà bắt buộc thành một
thói quen đầu tiên. Khói nhẹ nhàng
bốc lên ngang mặt một mùi hương mộc
mạc, làm mờ đôi mắt nhưng vô
cùng quyến rũ. Chiếc tách nhỏ thân
ái ôm lọt trong hai lòng bàn tay, vừa uống
vừa nghe thời gian hình như đang chăng trong
gan ruột mình bằng một sợi chỉ rất
mơ hồ. Ra khỏi nhà phải có thêm
khăn quàng ấm, có thêm găng cho mười
ngón tay gầy, giầy cao cổ đế bằng cho
bước đi vững chắc. Mùa đông
trên cao của bầu trời, mùa đông dưới
thấp của đời người đi song song với
nhau, núi trước mặt tuyết bắt đầu
phủ, tóc trên đầu có sợi điểm
sương. Cứ thế, ngày mưa nhỏ ra khỏi
nhà, ngày mưa to đốt lò sưởi,
rót một ly rượu nho vơi vơi, đọc một
bài thơ Đường, chữ quên, chữ nhớ,
của mấy ông thi sĩ Trung Hoa; hoặc một
câu thơ của tác giả nào ở tận
nước Ba Tư xa lắc xa lơ, nhớ lơ mơ
trong đầu. Nhớ thơ, không nhớ rõ
tên tác giả, nhưng chắc thơ hay.
Ai nói một
ngày như mọi ngày được nhỉ ?
Có
một buổi sáng của thứ ba hay thứ năm,
mùa hè thì phải , ngày mưa hay nắng
không nhớ rõ, vừa lái xe qua khúc
quành của con dốc xuống phố, đang lơ
mơ với một câu lục bát điên
điên của Bùi Giáng:
Anh về từ cuối nguyệt hoa
Nhìn em như mộng mị xa xa dần
Em đi sương bóng vô ngần
Nhìn anh như ngó một lần
người điên.
Bỗng
nghe một tiếng “rầm”, người dội
về phía sau, bật lại phía trước,
không mạnh đến nỗi ngực đập
vào tay lái, nhưng cũng đủ chao đi, hoảng
vía. Xe mình bị ai đó tông vào?
Không, chính mình lạc tay lái tông
vào cái cột điên thoại ở bên
đường, đầu xe dúm một góc. Gọi
ai bây giờ, có cần làm biên bản
không?
Thất
thần đến mấy ngày hôm sau, không
dám lái xe ra đường. Khi bắt đầu
lái xe lại, nhìn thấy cột đèn, hay
cột điện thoại có ngay cái cảm
tưởng sắp tông vào. Lúc nào cũng
mơ hồ như sắp sửa nghe một tiếng rầm.
Cái ám ảnh “thơ và tiếng rầm”
này ở với mình lâu lắm.
Ai nói một
ngày như mọi ngày được nhỉ?
Có
đêm vừa vào giường, thiêm thiếp
ngủ, nghe ai nói sáng mai đổi giờ, sớm
hơn một tiếng. Như vậy có nghĩa
là xuân đã về. Buổi sáng thức
dậy, nhìn qua cửa sổ cái cành cây
gầy như cánh tay gầy kia bỗng phủ
kín những mầm xanh biếc rất bé. Chỉ
cần một hai cơn nắng ấm áp lóe
lên, những mầm bé xíu đó sẽ nở
ra thành chùm lá xanh ngọc, trong vắt, tinh
khiết đến rùng mình. Rồi những
cánh hoa đào, hoa mận, hoa mai mong manh từ từ
nở ra cho ta biết bao hình ảnh đẹp. Người
Nhật ví hoa anh đào mầu trắng tượng
trưng cho vẻ đẹp thanh cao của tâm hồn,
mầu hồng là tình yêu của người
phụ nữ, nhưng hoa mận đỏ được
dành cho vẻ đẹp thân thể, sức
khỏe và tình dục của nàng.
Hoa
xuân tung những đám mây hồng, mây trắng
trước cửa, trong vườn mỗi nhà,
công viên, sân trường, phố thị, cho ta
cái cảm tưởng đời sống mình
được chúc phúc bởi trời. Cái
âm hưởng “Vang vang trời vào
xuân” chưa thưởng thức hết, bỗng
một buổi trưa mưa xuân lác đác,
tiếng điện thoại reo. Một người bạn
báo tin người bạn khác vừa khám
phá ra bị ung thư, người bạn khác nữa
vừa qua đời. Những cánh hoa tự nhiên
lã chã rơi xuống thành những giọt lệ
mầu xám giữa bầu trời mùa xuân.
Từ
đó cứ mỗi lần xuân về, hoa nở,
nghe tiếng reo của đường giây điện
thoại, tim lại đập thấp thỏm trong bộ
ngực gầy.
Ai nói, một
ngày như mọi ngày được nhỉ?
Hoặc
có một ngày, không rõ tháng,
không rõ mùa, một ngày không biết
nắng hay mưa, ta ngồi trước màn ảnh nhỏ,
nhận được những bức hình của thủa
rất xa xưa. Hình ảnh của Mùa Hè
Đỏ Lửa, Mậu Thân, của An Lộc, Mỹ
Lai, của 30 tháng 4, của ngày 9-11, của
sóng thần Tsunami, của bão miền Trung, của
mưa lũ Hà Nội, của Thương Phế
Binh, của Nghĩa Trang Quân Đội….........như
những cuốn phim được chiếu lại nhiều
lần. Giữa tắt máy và mở máy
thêm bao nhiêu điều khác biệt: tin
Hoàng Sa, Trường Sa mất, tin gái Việt chết
ở Đại Hàn, trẻ em Việt bán đi ở
Cam Bốt. Linh Mục bị tù, Thượng tọa bị
bắt……....... Chưa hết đâu, ai
đó còn gửi cho những bài viết
làm đau lòng nhau, những bài viết của
người cùng một phía, cùng yêu
thương tôn trọng một mầu cờ, đọc
lên lặng người đi vì xấu hổ, những
bài viết làm ngỡ ngàng, hoang mang, đến
nỗi đôi khi không muốn là chính
mình nữa. Lá cờ vá trong hình của
nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh hình
như chỉ tuột một đường may, lá cờ quốc gia ở
hải ngoại bị giành giật quá, mỗi
người nắm trên tay một mảnh, theo
chính nghĩa của riêng mình, nên
không ai chịu buông ra, làm sao chắp, vá
lại bây giờ ? Một ngày như thế,
làm nhức nhối thịt da, làm ngơ ngáo
hồn trí.
Ai nói, một
ngày như mọi ngày được nhỉ?
Ước
chi được là một chiếc lá thu, một
cánh hoa xuân, một giọt mưa mùa hạ,
một cơn gió mùa đông; mong manh,
bình thản, sống hết mình trong mỗi khoảnh
khắc hiện diện với đời bằng bất
cứ công việc tầm thường nào Thượng
Đế trao cho.
Mặc
dù không ngày nào giống nhau cả.
TRẦN
MỘNG TÚ
(Kiều Diễm
sưu tầm và chuyển)