Tháng
Tư Nghiệt Ngã
(Phạm
Hồng Ân)
Trước
1975, tác giả là một sĩ quan hải
quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975,
ông trở thành người tù chính trị.
Và sau cùng, định cư tại Hoa Kỳ theo
diện H.O. Từng là một nhà thơ quân
đội có tiếng, ông cũng tham dự nhiều
sinh hoạt cộng đồng tại San Diego và
đã có bài tham dự Viết Về Nước
Mỹ ngay từ những năm đầu tiên. Sau
đây là hồi ức mới nhất của
ông, về cuộc di tản trên biển hãi
hùng tháng Tư 1975 từ Đà Nẵng
vào miền Nam., và chuyện đổi đời
khi Saigon sụp đổ, chuyện đời đổi
khi tác giả và gia đình định cư
tại Hoa Kỳ.
***
1975. Bể thảm mênh mông
Tháng Tư nghiệt ngã, mịt
mùng tai ương. Biển nhấp nhô sóng bạc
đầu. Những lượn sóng tưởng chừng
vô tận, từ ngoài khơi sùng sục tới,
cuốn hút tất cả, đập tan mọi thứ.
Tôi ngồi trên HQ231, thượng phiên con
tàu trong sóng nước chập chùng.
Vùng II duyên hải náo
loạn. Dân và lính đua nhau di tản về
phía Nam trên những Dương Vận Hạm, Hải
Vận Hạm ... Không còn chỗ chen chân
trên Hạm, họ dùng cả những ghe
đánh cá, những ghe chở lương thực
trên sông, chất đầy ắp người, nổ
máy lạch tạch lủi về phía Nam, như hối
hả trốn chạy một cơn đại dịch
đang hoành hành. Tiếng la khóc vang dội
khắp mặt biển, hòa cùng với tiếng
rít của gió, tiếng đập của
sóng ... tạo thành một khung cảnh bi thảm
của tử thần. Nhiều ghe đang chạy chợt
vỡ tung từng mảnh, vì không thể kham nổi
sức tải quá trọng lượng. Nhiều ghe
đâm vào nhau trong sương mù, người
ta rớt xuống biển, lôi kéo nhau chìm nghỉm
xuống lòng đại dương. Những chiếc
Dương Vận Hạm đầy nghẹt người,
chen chúc, giành giựt nhau từng chỗ để
lọt chân. Một số người tuyệt vọng
bám sau lái tàu, bị chân vịt quẫy
nước cuốn hút vào, chém đứt
thân thể, máu phọt lên mặt nước,
đỏ lòm. Đám quân tháo chạy
lơ láo, có kẻ tuyệt vọng điên
cuồng tách rời khỏi hàng ngũ, rồ dại
nả súng xối xả vào thường dân
trên tàu, chỉ bởi lý do không ai chịu
nhường chỗ cho chúng lên tàu.
HQ231 chúng tôi có nhiệm
vụ hộ tống và bảo vệ các
Dương Vận Hạm. Trong khi các Dương Vận
Hạm này làm công tác di tản dân
và lính, thoát khỏi vùng địch sắp
chiếm đóng. Điều đau đớn, với
nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ,
nhưng chúng tôi không được quyền
bắn một viên đạn nào. Mọi tình
huống xảy ra đều báo cáo về thượng
cấp. Nhiệm sở tác chiến sẵn sàng
24/24, các ổ trọng pháo trên tàu
lăm le nạp đạn, quay nòng súng trực
chỉ về phía địch, rồi ... cũng để
làm "cảnh",
cũng để "màu mè hoa lá
cành". Thượng cấp không ban lệnh KHAI
HỎA, chỉ ban lệnh RÚT LUI. RÚT LUI một
cách kinh hoàng.
Quốc lộ 1, ban đêm, T.54
của Bắc Việt rọi đèn pha, ung dung tiến
vào Nam như chốn không người. Thỉnh
thoảng, chúng dừng lại vài giờ, quay
đại bác ra biển, khạc một hơi về
phía tàu chúng tôi. Suốt ngày, MIG.21 Bắc
Việt dàn đội hình quả trám, bay vần
vũ trên bầu trời. Chúng lượn thật
thấp quanh các chiến hạm, chầm chậm nhởn
nhơ qua những ổ phòng không lạnh tanh,
như khiêu khích, thách thức.
Buổi tối, biển bắt
đầu hung hăng, bạo tàn hơn. Nó rầm
rập tung xối xả hàng hàng cột nước
ngất cao, vây phủ từng chiến hạm. Giữa
những mịt mùng ghê rợn đó, một
ghe dân trọng tải khá lớn đâm sầm
vào chiếc Wec khổng lồ. Chiếc ghe thoáng
chốc tan tành từng mảng, hàng trăm
thường dân rơi lả tả xuống nước.
Đoàn tàu đang đi, dừng lại, báo
động. Các chiến hạm rải đều ra,
khoanh vùng. Thủy thủ xôn xao chuẩn bị
áo phao, cấp tốc cứu vớt.
Tờ mờ sáng, tầm
nhìn xa chưa được 10 mét, đèn
pha trên boong tàu soi rõ mồn một vùng
biển tang thương. Công tác nhân đạo
... vẫn tiếp tục. Thủy thủ đều mệt
nhoài, quân phục đã sũng ướt, cứ
thiết tha dầm mình trong giá lạnh để
di chuyển từng thi hài lên tàu. Bây giờ,
nồng độ muối đậm đặc của
trùng dương mặn mòi, bắt đầu
đẩy vọt những tử thi đã chìm
dưới đáy biển đêm qua lên mặt
nước. Họ trôi lờ đờ, dật dờ
một cách đau lòng. Hình ảnh
thương tâm nhất, đập vào tâm
trí chúng tôi dấu ấn khó nhạt
nhòa : xác người đàn bà ôm
con cứng ngắc trong lòng, trôi lềnh bềnh
dưới nước. Bà bị sợi dây thừng
dài quấn quanh cổ, đầu dây phía kia
dính vào mảnh ván ghe, kéo nhau lều bều
theo sóng. Còn đứa bé như nhắm nghiền
mắt vô tư, hồn nhiên ngậm bầu
vú mẹ đang căng rữa , trần trụi.
Thượng sĩ nội vụ vuốt
mắt, cầu nguyện siêu thoát cho mỗi linh hồn
bạc phước. Ông đem bình hoa nylon từ
phòng ăn sĩ quan lên đặt trước
các thi hài, trịnh trọng thực hiện
các nghi lễ cổ truyền. Trên boong tàu,
tôi và các sĩ quan đồng nghiệp chụm
đầu nhau đặt dấu hỏi, chiếc ghe xấu
số có thực sự rủi ro bị tai nạn thảm
khốc trong đêm tối không ? Xác phụ nữ
đều đồng loạt lõa lồ, trần truồng
như nhộng - phải chăng bọn thảo khấu
nào đó đang diễn trò cướp
bóc, hãm hiếp ... trên chiếc ghe oan nghiệt
này ?
Đoàn tàu uể oải
giữ đội hình quả trám, rã rời
xuôi nam. Mig.21 không gầm gừ với chúng
tôi nữa, có lẽ lũ nó đã tấp
xuống một phi trường vừa bỏ ngỏ, uống
rượu ăn mừng một chiến thắng kỳ
quặc nhất lịch sử. Trên bờ, T.54 vẫn
sùng sục tiến vào các thành phố,
nghe hơi giặc từ xa, dân chúng nháo
nhào chạy tán loạn. Họ sợ diễn lại
cảnh giết người tập thể ở Huế, hồi
tết Mậu Thân năm xưa.
Buổi trưa, nắng gay gắt.
Mặt trời rớt những mảng sáng chói
lòa trên lưng chiến hạm. Dẫu vậy,
gió biển luôn gào thét từng hồi.
Sóng chụm đầu nhau, quẫy nước,
nâng bổng con tàu ngửa nghiêng suốt hải
trình. Ngoài khơi, hai chiếc Wec đang tìm
cách cặp vào nhau, tiếp tế lương thực.
Lúc thủy thủ vừa chuẩn bị cột
dây, hai con tàu chợt ngã ngang theo sóng, va
chạm liên hồi. Tai ương lại đổ ập
xuống ... Cứ mỗi lượn sóng nhồi, hữu
hạm chiếc này đập chát chúa
vào tả hạm chiếc kia nghe rối bời gan ruột.
Hạm Trưởng thét vào máy điện
đàm, cố gắng chỉ huy tách hai chiếc
tàu ra, nhưng chúng giống như thỏi nam
châm có sức hút mãnh liệt, không
thể kéo rời. Sự va chạm khủng khiếp
làm tan nát một khoảng dài thành
tàu. Các đồ vật trên boong, đổ
văng tung toé xuống biển.
Buổi chiều, mặt biển tối
đen,khắc sâu bóng dáng tử thần..
Vài xác chết đã trương sình, lững
lờ trôi rải rác đó đây.
Tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ của
Đoàn Như Khuê:
Bể
thảm mênh mông sóng lút trời
Khách
trần chèo một lá thuyền chơi
Thuyền
ai ngược gió, ai xuôi gió
Coi lại
cùng trong bể thảm thôi!
Tiếng đạn pháo
đì đùng từ T.54 của vixi kéo
tôi về thực tại. Kẻ thù đã tấn
công chiếc Dương Vận Hạm nhân đạo,
đang cố châu mũi vào Cam Ranh để
rước dân và lính. Một quầng
khói đen bốc ra dày đặc từ
đài chỉ huy Dương Vận Hạm - chiến
hữu của ta vừa gục ngã trên đó
...
Tại phi trường Cam Ranh,
đoàn trực thăng khoảng vài chục chiếc
hối hả bốc lên. Họ bay thẳng ra biển,
nối đuôi nhau lặng lẽ, trong tư thế
rút lui.
Cuối cùng, HQ231 về tới
Vũng Tàu, sau chuyến hải hành rời
rã tận cùng. Chưa kịp lăn đùng
ra ngủ một giấc cho đã, chúng tôi lại
được lệnh ra Tạm Trú Hạm nhận
lương thực và nhiên liệu gấp, rồi
ngược dòng Mékongvề án ngữ tại
Tân Châu.
Chợ Vàm là một trong
chợ xã của Tân Châu. Nó nằm
bên dòng Mékong thơ mộng, dáng dấp
hiền lành như cô gái quê chất
phác. Chợ chỉ lưa thưa dăm ba gian hàng
nhỏ, vài quán cà phê, và ít xe
giải khát lưu động. Ở đây,
không khí hoàn toàn yên tĩnh. Chưa
có dấu vết của chiến tranh lan tới.
Vừa tìm chỗ neo tàu an
toàn, Hạm Trưởng vội vã xách
hành lý, nhảy tọt xuống chiếc giang
đỉnh đang chờ sẵn, hấp tấp rời
tàu. Đám sĩ quan lao nhao, vài vị
phóng bừa theo, xin được tháp tùng về
Sài Gòn. Trong khi đó, thủy thủ ùa
ta từ các phòng, đứng dài dài
trên boong tàu, la ó vang rân một góc trời.
Buổi tối, vài nhóm thủy
thủ lên bờ từ ban chiều, lục tục
kéo về tàu. Mùi rượu bay nồng nặc,
bay quanh quất lên trên các khuôn mặt
đỏ gay. Họ gọi sĩ quan ra cật vấn. Họ
chửi thề, giằng co, đánh nhau túi bụi,
gây huyên náo toàn chiến hạm.
Sáng 30 tháng Tư, tôi
đau khổ trút bỏ bộ quân phục,
tháo tung cặp lon trung úy, cúi đầu xuống
dòng sông, lặng lẽ rời tàu.
* Đổi
đời
Tháng năm, gia đình
tôi thất lạc nhau. Tôi chỉ gặp lại vợ
và đứa con trai 5 tháng tuổi, tá
túc tạm thời trong căn nhà Bà Nội vợ.
Má tôi ở trại gia binh Biên Hòa với
người anh Biệt Động Quân. Khi quân
đội tan hàng, không biết trôi giạt về
đâu ? Người anh cả thuộc sư
đoàn II bộ binh đã mất tích ở
Quảng Ngãi vào tháng Ba, trong trận di tản
kinh hoàng.
Tôi về Sài Gòn,
tìm Má tôi khắp nơi. Dò la tông
tích từ những người tản cư miền
đông lên, nhưng không có kết quả.
Thành phố nhộn nhịp ngày xưa, nay im
lìm như bãi tha ma. Lao nhao có vài
đám đông bu quanh bọn cộng sản Bắc
Việt, tỏ vẻ nịnh bợ, hoặc ngả ngớn
cợt đùa. Ngoài đường, rác rến
tràn ngập. Có chỗ, quân phục, quân
trang, ba lô ... chồng chất lên nhau. Giấy
má rải đầy. Những đám lửa nhỏ
còn bốc khói, khét lẹt. Các cơ
quan hành chánh cũ trống hoác. Những tầng
lầu bỏ hoang. Vợ lính, con lính, cùng
dân chúng tản cư ... chui nhau vào
đó lánh nạn.
Tôi gặp Má tôi ở
trại tạm cư trên đường Công
Lý. Má ốm yếu, gầy gò như que
tăm. Chiến tranh kết thúc đã để
lại trong Má một nỗi đau đớn,
quá khủng khiếp. Bốn đứa con đi
lính, cho tới hôm nay ... vẫn chưa trở về
đầy đủ. Căn nhà ở khu gia binh bị
cộng sản tịch thu. Tương lai tối đen
trước mặt. Uất ức, Má ôm tôi
khóc mùi mẫn trên chiếc chiếu rách
tả tơi, trải tạm bên góc thang lầu
đầy tàn thuốc.
Ngày sau, thằng em Biệt
Động Quân tử thủ ở Buôn Mê Thuột
trở về với bộ quần áo rách
bươm, thân thể hôi như cú. Chúng
tôi lại ôm nhau, khóc ròng, mừng mừng
tủi tủi ... Chúng tôi bàn nhau đưa
Má về Chương Thiện. Vì ở
đó còn người chị bà con, có
thể tạm nương náu qua ngày.
Cuối cùng, các anh và
các em tôi còn lại, kẻ trước
người sau ... khăn gói vào tù. Ngày
vào tù, vợ tôi chưa đầy 21 tuổi.
Nàng bồng đứa con trai duy nhất vừa
được 5 tháng, tiễn tôi đến tận
trại tù. Chúng tôi không khóc
được. Hình như nước mắt
đã cạn khô từ những tháng trước.
Đứng trước cánh cổng nhà giam
âm u như địa ngục, tôi nhìn
nàng, nhìn con .. đành giao phó mình
cho số Trời.
* Và
Đời Đổi
Chỉ không đầy 24 tiếng
đồng hồ, từ Việt Nam qua Mỹ, gia
đình tôi đã thay đổi một
cách trọn vẹn. Túp lều ngai ngái
phân trâu, mái dột cột xiêu, một thời
che nắng che mưa cho vợ chồng tôi - thoáng
chốc, bị đẩy lùi về quá khứ.
Nó được thay thế bởi một apartment
sáng sủa, đầy đủ tiện nghi - mà
chúng tôi phải rón rén bước
đi, khi đặt chân lên tấm thảm mềm
mại.
Hành trang mang theo gồm cái
túi xách cỏn con, bên trong đựng
vài bộ đồ nhăn nhúm, ít cuốn
Anh văn lỗ chỗ dấu mọt gặm, dăm đồ
dùng linh tinh làm ở trại cải tạo ... Giờ
đây, chỉ có nước vứt đi.
Vì nhà thờ mới đem cho chúng tôi một
thùng đồ to tổ bố. Trong đó, vừa
có quần áo hợp thời trang, vừa có
những vật dụng cần thiết, đủ phong
phú cho cuộc sống hiện tại.
Cách đây không
lâu, tôi còn lóc cóc bán vé số
khắp hang cùng ngõ hẻm. Buổi tối, trời
mưa, còn quơ đại chiếc áo rách
tả tơi, lật đật đốt ngọn
đèn chong mờ mờ ảo ảo, lội xuống
ruộng đầy đỉa vắt, bắt từng con
nhái bầu ..." kiếm cơm " cho một
ngày sắp tới. Vậy mà, bây giờ, ngồi
chễm chệ trên xe huê kỳ của vị
Giáo Sĩ (sponsor), đi đến từng cơ quan,
bắt tay từng người sang trọng.
Vợ tôi hả hê, tủm
tỉm cười suốt ngày. Nàng thích nhất
cái tủ lạnh đầy ắp thức ăn.
Nào gà, nào thịt, tôm, cua, rau, hành,
trái cây ... lỉnh kỉnh - do vị sponsor
đã hào phóng, khéo léo đặt
vào. Mới đó, ở Việt Nam, nàng còn
lui cui ra vườn hái rau cải trời, rồi nhảy
đùng xuống ao vớt tép rong, mong nấu
được nồi canh lõm bõm cho chồng, cho
con.
Thằng con tôi dễ ghét
hơn. Cậu nằm dài trên sofa, lăn qua lộn
lại, khoan khoái tận hưởng những giây
phút thần tiên, hiếm hoi nhất trong đời.
Năm dài tháng rộng
trôi qua, tôi chưa hề thấy mặt tên cảnh
sát hay công an khu vực nào quấy rầy. Cũng
chưa có ai đến gõ cửa xét giấy
hoặc hỏi hộ khẩu bao giờ. Nhớ lại, ở
Việt Nam, hàng tuần tôi phải lặn lội
lên đồn công an trình diện. Muốn ra khỏi
xã, phải có giấy phép đi đường,
phải cầu cạnh xin xỏ đủ điều. Mỗi
ngày, các " nhóc " du kích cứ thay
nhau đến nhà " thăm viếng ", cho đến
khi ... rượu cạn bầu, bao rỗng thuốc ... mới
thôi.
Vợ tôi đang apply vào một
hãng điện tử Poway. Nàng vừa lấy xong
bằng căn bản về Electronic Assembly. Trong khi chờ
đợi công việc, nàng tạm đi cắt
chỉ ở hiệu may gần nhà. Sáng làm,
chiều đã rinh về một máy cassette mới
toanh. Cái máy mà nàng ước mơ từ
hồi còn nơi quê nhà. Mười mấy
năm quần quật với ruộng đồng, cấy
mướn gặt thuê, nàng vẫn chưa dư
ra chút khoản tiền để mua được
nó.
Điều thích thú nhất
của nàng, ở đây, phụ nữ được
tôn lên hàng đầu: "lady first". Thực
ra, VC cũng có khẩu hiệu đưa phụ nữ
lên bình đẳng với nam giới: "nam nữ
bình quyền". Nhưng, đó chỉ là cớ
để đẩy người đàn bà ra chiến
trường: tải thương, vác đạn ...
Đưa người đàn bà gánh lấy
trách nhiệm nặng nề hơn người
đàn ông : vừa nuôi chồng trong trại cải
tạo, vừa nuôi con nơi quê nhà. Vợ
tôi đã sống qua những chuỗi ngày
đau đớn đó. Có lần, nàng bị
kiệt lực vì " làm nhiều, ăn ít
" - đến nỗi trụy tim, suýt chết
trên đồng ruộng.
Kẻ làm băn khoăn
và bận tâm nhất trong gia đình tôi,
là thằng con. 12
năm học trò của cậu ngập chìm trong
bóng tối. 12 năm dưới mái trường
XHCN, người ta chỉ lếu láo dạy "
Bác và Đảng ", lao động là vinh
quang, cùng những điều " lấp biển
vá trời " khác. Người ta cố bôi
xóa hình ảnh CHA MẸ, một hình ảnh
thiêng liêng nhất trong cuộc sống con người.
Thời đó, bọn "nhóc" - trạc tuổi
con tôi - thường hay ngâm nga câu này, sau
mỗi lần say lúy túy:
Công
cha như rượu đầy chai
Nghĩa
mẹ như vịt xé phay... làm mồi.
Nền giáo dục XHCN
đã làm trì độn trí tuệ,
làm thui chột tài năng của đứa trẻ
... nên khi sang Mỹ, thằng con tôi không đủ
khả năng tiếp tục học hành. Cậu
chán nản, bỏ nhà, lang thang khắp nơi. Cuối
cùng, cậu chọn nghề nail, lò mò qua
Chicago sinh sống.
Nếu ở xã hội ta, đạo
đức là đạo lý của đức hạnh,
là giềng mối, là khuôn vàng thước
ngọc để hậu thế đi theo. Sau 1975, đạo
đức này bị đổi ngược thành
đạo đức cách mạng - lộng giả
thành chân, kinh khiếp nhất trần gian
...Thì ở Mỹ, đạo đức là điều
phải lẽ hay bàng bạc trong chốn học
đường, trong các tôn giáo. Nhà thờ,
chùa chiền, đền đài ... đầy dẫy
trên đất Mỹ. Và dĩ nhiên, đạo
nào cũng khuyên con người nên làm THIỆN,
diệt ÁC. Công cha nghĩa mẹ được
nhắc nhở hàng năm qua các ngày lễ:
Mother's day, Father's day... Thậm chí, có cả
ngày Grandparent nữa. Và ngày lễ Thanksgiving:
tạ ơn Trời, tạ ơn đời, tạ ơn
người, tạ ơn các bậc tiền nhân
đã có công xây dựng nên nước
Mỹ.
Có lẽ, Chúa đã
đổi đời, đã tái sinh gia
đình tôi, đã cho chúng tôi một
chỗ đứng ấm áp trong xứ sở thần
tiên này. Tên bán vé số hèn mọn
ngày nào, mụ đàn bà lọ lem cấy
thuê gặt mướn năm xưa, kể cả thằng
nhỏ lang thang bụi đời - luôn tủi hổ
vì cái lý lịch Ngụy Quân của ba
nó ... Ngày hôm nay, tất cả đều trở
thành những con người hữu ích cho
xã hội Mỹ.
Tục ngữ La Tinh (Latin proverb)
có câu: "Where liberty
is, there is my country". Ở đâu có tự do, ở
đó là tổ quốc tôi. Ngày
nay, gia đình thằng con tôi đã có một
cơ ngơi vững vàng. Chúng tôi có
thêm những đứa cháu nội kháu khỉnh:
Phạm Tammy, Phạm Cindy, Phạm An Golden ... Và điều
đặc biệt nhất, cứ mỗi năm đến
ngày 30 tháng Tư, chúng tôi dọn một
mâm cơm, cầu nguyện và tưởng tiếc
đến những chiến sĩ vị quốc vong
thân, những người đã cống hiến
cuộc đời, đã hy sinh một thời tuổi
trẻ cho đất nước Việt Nam ...
PHẠM
HỒNG ÂN
(Bai
Chuyen)