8 hạng .. NGỰA !!!
Trong thời
buổi ngày nay, nếu bị ví với ngựa
thì thật là đau khổ, nhất là đối
với những chúng sanh chưa sạch phiền
não, còn đầy đủ hỷ, nộ,
ái, ố và kiêu hãnh như chúng ta chẳng
hạn. Vậy mà, nào đã hết
đâu, Đức Phật còn chia hạng người
bất trị trên thành tám loại,
tương ứng với tám hạng người hung
dữ. Đó là những tôn giả nào,
khi được bạn bè nhắc nhở và
phê bình, chỉ cho khuyết điểm trong
các cuộc họp mặt, lại tỏ thái
độ bất mãn chống đối .. thay vì
tri ân người chỉ dạy và cố gắng
sửa đổi, như sau:
1. Hạng
người ưa cãi, chối bai bải được
coi như giống con ngựa dữ bị tra hàm thiếc
và roi mà vẫn hục hặc không chịu
bước đi.
2. Hạng
người cứ đứng lầm lì, không
thèm ừ hử, xác định xem khuyết
điểm vừa nêu là đúng hay sai, giống
như con ngựa dữ dựa vào hai bên gọng
xe, không chịu đi.
3. Hạng
người thích trả đũa, bới móc trở
lại lỗi lầm của người cử tội
mình, giống như con ngựa dữ ngã
nhào xuống đất, trầy đầu gối,
làm gãy gọng xe.
4. Hạng
người chê bai người cử tội mình,
cho là ngu dốt, không xứng đáng để
mắt tới, như con ngựa dữ chạy thụt lui
không chịu tiến bước.
5. Hạng
người đem lòng oán hận, thù vặt
người chỉ lỗi mình, như con ngựa chạy
bừa, bất kể đường xấu, làm cho
xe hư bánh gãy trục.
6. Hạng
người không sợ lầm lỗi, chẳng biết
ngán ai, bỏ cuộc họp ra ngoài, giống
như con ngựa dữ bất kể nài và roi,
ngậm hàm thiếc chạy càn vô
phương cứu chữa.
7. Hạng
người tỏ thái độ giận dữ, khoa
tay múa chân, la hét và thốt ra lời
thô ác .. giống như con ngựa dữ dựng
ngược hai chân và sùi bọt mép.
8. Hạng
người bướng bỉnh không muốn ai đụng
chạm đến mình, nên khi bị phê
bình liền cởi áo vứt ra trước cuộc
họp, lớn tiếng dọa từ bỏ đoàn
thể để .. để vạ cho người
xây dựng mình.
(Theo Vinayapitaka)
Nhưng nếu
cố gắng .. hạ hỏa và dẹp đi
chút đỉnh tự ái, bình tâm
nhìn lại, chúng ta phải xấu hổ mà
thú nhận rằng, tám chú ngựa hung
hăng trên đều có đủ mặt, đứng
lấp ló trong các ngõ ngách của
tâm thức mỗi người. Chỉ cần mất
bình tĩnh một chút là ta sẽ lâm
vào tình trạng: "Cũng như ngựa dữ không
cương, tất đưa người cỡi thẳng
xuống hố sâu" (Kinh Di Giáo).
Những tội phạm hình sự nhan nhản
trên các trang thông tin đại chúng đều
thuộc vào loại người ngồi nhằm xe thổ
mộ có ngựa bị .. đứt dây
cương kiểu này. Và không phải
là chuyện khi khổng khi không mà Đức
Phật đã ví sự xáo động, bất
tịnh của tâm thức loài người với
khỉ và ngựa, mà danh từ chuyên môn
gọi là "tâm viên ý mã".
Còn hơn thế nữa, vó câu của chú ngựa
ý (ý mã)
này đã dong ruổi đường xa
trên những đôi hia bảy dặm, không
có phút giây nào ngơi nghỉ: băng
ngàn vượt suối, tung vó khắp mười
phương thế giới, bay bổng lên trời,
chui tọt xuống đất, lăn vào quá khứ,
vươn mình đến tương lai .. Nhốt
được chú ngựa hoang đàng này
vào chuồng, tra hàm thiếc, dùng roi gậy
điều phục là việc làm suốt cả
đời người chủ những người con Phật,
dù ở tận thâm sơn cùng cốc hay giữa
phố thị kinh kỳ. Cuộc chiến đấu thật
là gian khổ vì nài và thú
đôi khi chỉ là một, nó đòi hỏi
một công lực thâm hậu, như lời
xác định của Đức Đạo Sư: "Người nào
ngăn được cơn giận dữ nổi lên
như dừng được chiếc xe đang chạy
ngon trớn mới thật là kẻ chế ngự giỏi.
Ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ
mà thôi" (Pháp Cú, câu 222).
Khó khăn đấy, nhưng không phải
là bất khả, vì trong hai nghìn năm lịch
sử, đã có biết bao trang dũng sĩ chiến
thắng trở về, như lời tán dương của
Đức Đạo Sư:
Tinh cần giữa
phóng dật
Tỉnh thức giữa
quần mê
Bậc trí
như tuấn mã
Bỏ xa con ngựa
què.
(Pháp Cú ố
câu 29)
THANH YÊN
(Nguyen9Tuan sưu
tầm, Kim Oanh chuyển)