XỨ CÂY
(Tản văn Nguyễn
Ngọc Tư)
Qua sông là tới. Xứ
cây.
Tháng Hai, vài thứ
cây bên đường vào mùa lẫm liệt. Chôm chôm chín
như thắp lửa suốt cành. Gòn đang ra trái, chỉ
trái và trái, trụi trơ lá hoa. Mấy cây còng già trăm
năm tuổi trước trường dòng vắt nhựa
nuôi thêm mùa bông nữa. Và bàng đỏ loang trên từng tầng
lá, thanh thản như người già biết trước
thời khắc lìa đời, chậm rãi thay áo lụa
điều chờ cơn gió nào tới đón đi.
Xứ cây, những
ngôi nhà không còn cố chen nhau khoe mặt như ở bên kia
sông, giờ tụi mình đang ở thế giới khác, nhà
nào cũng ẩn hiện nấp ló giữa vườn. Nhiều
ngôi nhà cận lộ quá, cố xoay sở một giàn bông giấy,
bụi lài dây, để giấu mình được chút nào
hay chút ấy. Sạp che bên đường bán kẹo bánh
cho học trò, cũng trồng bụi bông dừa cạn.
Hai bên đường không cây thì cũng hoa, biển hiệu
mua bán toàn bán mua giống cây ăn trái, hoa kiểng, xơ dừa,
phân rơm. Khách lỡ đường ăn chôm chôm, vú sữa,
uống nước dừa trừ cơm, nghe nói cứ
ăn vầy hoài không da mặt đẹp thì lòng đẹp,
chay tịnh mà. Bạn ngồi đuôi xe đùa, cũng có
khi người xứ cây toàn ăn hoa cỏ, đi suốt
từ xế tới giờ không thấy quán thịt cầy,
sạp thịt heo nào. Nhìn đâu cũng hoa và cây, những
vườn dừa kiêu hãnh khuấy mây.
Cả trong câu chuyện
bạn bè xứ này, quanh quanh lại về cây cỏ. Hoa trà
ông bứng cho tôi bữa đó, đã trổ bông đợt
đầu tiên. Độ rày cây bưởi da xanh bên nhà bà
già đổ bịnh, tự dưng quéo ngọn, xót ruột
quá. Hai công vườn sắp tới không biết trồng
gì thay cho giống mận An Phước, trái bán được
giá nhưng phải phun dày thuốc sâu, không tốt cho sức
khỏe tụi nhỏ. Đám vú sữa hôm trước em tới
đang trổ bông oằn nhánh, giờ thương lái
đã vô hái sạch rồi sao, thời gian trời ơi nó
là thứ chi mà chớp mắt đã xa.
Rượu của
bữa nhậu xứ cây, không ngâm hoa mai thì ngâm ổi, dây mỏ
quạ, rau đắng đất. Cũng nấu từ lúa
đồng lúa bãi, nhưng trong hơi men ngấm mùi hoa trái.
Chút ngọt nào bả lả vương ở họng, làm dịu
đằm cái nóng rực của rượu cay. Bạn kể
rượu ngâm cao sơn dương, rắn hổ mang
bành, tai gấu cũng nhiều, nhưng thường là
trong nhà quan với nhà giàu. "Không phải
mình nghèo, nhưng rượu đó uống riết sợ
tanh lòng. Mắt con bìm bịp đỏ au ngó mình từ trong
hũ rượu, mà mình vỗ đùi khen ngon, thì có gì đó
không phải lắm", bạn nói. Nhắc mới nhớ, họ còn
ngâm những con khỉ con, tay chân nguyên lông lá, ngồi thu lu
trong hũ, mắt mở trừng rưng rức, như hỏi
trời bao lâu nữa mới thành người, để ngất
ngư say với thứ rượu ngâm xác con vật khác.
Chuyện tới đây cuộc nhậu chuyển sang buồn,
không biết tại con khỉ ngâm hay vì cái tin nhắn của
bạn phương Bắc vừa đổ vào điện
thoại "ê thím, vác
ba lô đi chùa Hương nhậu thịt rừng chơi". Ngay
lúc ấy rất muốn khoe mình đang ở xứ cây, ở
đây có ông bạn già mấy tháng nay cứ ngẩn ngơ
tiếc mớ bưởi ổi trồng ngoài sân bị
đốn bỏ cho nhà nước mở đường.
Mảnh sân biến mất, phố ngoạm vào gần tới
hàng ba, nhưng không nghe tiếc đất, chỉ
thương cây vừa ra ba mùa trái. Con người biết
cúi xuống thương xót một cái cây, thì chắc là không
lòng dạ nào làm chuyện ác, tụi mình nghĩ. Một kiểu
nghĩ hơi cảm tính, bằng chứng là cảnh sát ở
xứ cây cũng làm hoài không hết chuyện. Nhưng có thứ
mát lành để tưới cho hy vọng, cũng hay.
Chuyến về xe
nặng quà, lỉnh kỉnh trái này kẹo nọ còn có hai
cây chuối kiểng. Đi xứ cây mà không mang cây về, cũng
tiếc. Dọc đường hóng chuyện, nghe kể mấy
anh làm chương trình Thực hành sản xuất nông nghiệp
tốt kêu trời vì ở xứ cây khó kiếm một khu
đất không vướng mồ mả bà con chôn rải
rác trong vườn. Phong tục tập quán chưa vội
bàn, nhưng biết đâu người cũng muốn gửi
nắm xương tàn tan vào đất, để nuôi cây.
Lúc qua sông, tụi
mình biết chắc vài ba bữa nữa, thể nào bạn
xứ cây cũng gọi, để hỏi hai cây chuối
sao rồi, sống nổi không. Những cuộc gọi từ
giờ không thuần nói chuyện văn chương, nỗi
buồn và cái chết, sẽ có thêm cái bông chuối đầu
tiên vừa bung cánh đầu tiên.
NGUYỄN NGỌC TƯ
(Xíu Muội Rạch Giá sưu tầm và
chuyển)