Những Cánh Mai Trong Tách
Trà
(TRẦN MỘNG TÚ)
Hà
có cái thú thích tìm vào những
tiệm bán đồ cũ. Đi tới một
thành phố lạ, bao giờ Hà cũng liếc
nhìn bên đường xem có tiệm nào
kẻ cái bảng Antiques Store là nàng phải
tìm thời giờ ghé vào. Nàng thích
chạm tay vào những cái chén trà,
cái nón vải, cái áo len, cái dây
đeo cổ, cái khung hình hay bất cứ một
cái gì trong tiệm bán đồ cũ. Đối
với Hà mỗi vật thể đó nó cất
giấu cả một linh hồn thiêng liêng và
bí mật.
Đôi
khi cái mùi quần áo đã chạm
vào da thịt lâu năm treo trong tiệm, làm
nàng bị dị ứng, nhưng Hà cố bỏ
nó sang một bên để chỉ nghĩ và
tưởng tượng đến những hình
hài đã khoác nó lên người.
Cũng may, phần đông những tiệm đồ
cổ của tư nhân ở những thành phố
nhỏ nơi Hà đi du lịch qua họ ít
bán quần áo, chỉ những tiệm có
tính cách gây quỹ cho một charity nào
đó mới có thôi.
Hôm nay
đã cận tết lắm rồi, chỉ còn
năm hôm nữa tết đến mà hai vợ chồng
Hà còn lang thang ngao du ở Coeur d'alene, Idaho
cách nhà bảy, tám tiếng lái xe. Hai vợ
chồng chắc là phải thay nhau lái một mạch
về nhà, dừng lại ăn đường, đổ
xăng, thư giãn tay chân thôi, chứ
không ngủ qua đêm nữa. Còn về
nhà lo dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa
cho năm mới đang đến.
Hà
nói với chồng:
- Em vừa
nhìn thấy cái bảng hiệu bán đồ
cũ ở góc đường gần tiệm ăn,
anh cho em ghé vào xem một chút rồi hãy
ra xa lộ.
Đoàn
biết ý vợ, cười dễ dãi:
- Em
thích thì vào, nhưng xe của mình
không có chỗ cho em khênh cái gì to
tướng về nhà đâu đấy nhé.
Tuy nói
thế nhưng anh dư biết Hà chỉ thích
đặt tay lên mấy cái vật cũ kỹ nhỏ
bé, cầm lên để xuống, đứng tần
ngần một lúc, rồi thôi. Nàng hay mua
tách trà nhất, nàng đã có tới
gần ba mươi cái tách khác nhau mua ở
các tiệm đồ cũ rồi. Cái tủ
chén ở nhà đã hết chỗ cho
nàng chất thêm. Hà đã hứa nhiều
lần sẽ không mua nữa, nhưng vào xem
thì nhất định nàng phải vào mới
hài lòng.
Hà dặn
chồng ngồi ngoài xe đọc sách, "em
vào mười lăm phút, ra ngay".
Đoàn vui vẻ, ngả cái ghế thấp ra sau
một chút mang mấy cuốn tạp chí ra đọc,
đợi vợ.
Cái tiệm
Antique này không lớn lắm, nhưng chất
khá nhiều hàng. Hà cầm lên bỏ xuống
ngắm nghía đủ mọi thứ. Mỗi thứ
đẩy trí tưởng tượng nàng đi
thật xa hiện tại. Sợi dây đeo cổ
này chắc phải thuộc về một phụ nữ
giầu có nào từ vài chục năm về
trước. Những hạt đá đỏ thẫm
lấp lánh được gắn vào sợi
dây vàng rất mỹ thuật, tuy cái móc
đã mất mà giá khá cao trong một cửa
tiệm như thế này. Hà tưởng tượng
ra nó được đeo vào một chiếc cổ
mịn màng nõn nà như cổ con thiên
nga. Người phụ nữ đó bây giờ ở
đâu, nàng còn sống, da mồi, tóc bạc,
cổ nhăn nheo và đang ở trong một khu
nhà già hay nàng đã nằm ngủ
vùi trong lòng đất? Cái khăn quàng
cổ bằng nhung lam đã bạc màu, nhưng
đường ren gắn ở hai đầu khăn
thì không hề mất một sợi chỉ
nào. Ai choàng chiếc khăn này trong một
buổi dạ vũ nhỉ; đôi giầy bạc kia
nữa, chắc nó đi vào một bộ với
nhau nên người ta mới bày cạnh nhau.
Hà nhìn thấy ngay hình ảnh của người
con gái mới lớn, má đỏ môi hồng,
đang ngã vào vòng tay người
đàn ông nàng yêu trong một vòng
luân vũ. Ô, còn những khung hình
này nữa, có cái hình đã
tháo đi chỉ còn lại khung, cũ kỹ
và trầy trụa, có cái còn nguyên
hình của một cặp vợ chồng mặc quần
áo của thế kỷ có Nã Phá
Luân; rồi cái này, hình em bé
gái độ lên 10, với chú thích chụp
năm1911. Cả trăm năm rồi cơ à? Sao
cái hình lại lưu lạc tới đây.
Con cháu không giữ à?
Hà lan
man bước len lỏi giữa những kệ hàng,
cầm lên, bỏ xuống, thứ này thứ nọ,
ngắm nghía và tưỏng tượng. Cuối
cùng nàng cũng tới kệ bát đĩa.
Chẳng cái nào đủ bộ cả. Bát lớn,
bát nhỏ, đĩa và chén, ly thủy tinh nữa,
chủ tiệm cứ xếp đầy lên kệ chẳng
theo một thứ tự nào cả. Có những
cái mới tinh, chẳng có dấu vết gì
là đồ cổ Nhưng có những cái
trông lạ lắm. Hà cầm lên một
cái tách trà nhỏ, có cả đĩa
bên dưới. Hà ngắm nghía, lật
trước, lật sau, ngẫm nghĩ: "Tách
trà này chắc của Trung Quốc hay Việt Nam",
vì Hà tự nhiên thấy nó thân thuộc
quá, cả hai đều có men xanh thật nhạt
và vẽ một cành mai vàng rất mỹ thuật.
Trên tách trà, phía ngoài vẽ
nguyên một cành mai thếp vàng, phía
trong lòng tách vẽ hai bông mai rơi trong
tách, không có lá, nét vẽ tinh xảo
trông như hai bông mai đang nổi trên mặt
nước. Ở chiếc đĩa nhỏ kèm theo một
bông mai lớn trên một cạnh đĩa, đầy
đủ năm cánh với những đường
gân của cánh hoa. Hà tự nhiên thấy
rùng mình vì cái tinh xảo của những
cánh mai. Bỗng một giọng đàn ông cất
lên sau lưng làm nàng giật mình, tuy giọng
nói đó nhẹ nhàng.
- Bà
nên mua cái tách này, nó đợi
bà đến mang nó về đấy.
Hà quay hẳn
người lại. Trước mặt nàng là một
người đàn ông Á Châu, mặc
dù cách phát âm tiếng Anh của ông
khá giống như người bản xứ. Ông
trạc ngoài sáu mươi, tóc bạc,
hơi gầy, trông khá tươm tất, nhưng
buồn buồn ở hai con mắt. Hà chưa kịp
nói gì thì ông ta đã nói tiếp:
- Cái
tách này ở trong một bộ sáu cái,
hai cái lớn, bốn cái nhỏ, có ấm nữa.
Nhưng do chiến tranh, cái thì mất, cái
thì vỡ, cái ấm thì phải bán lúc
cần tiền mua thuốc cho con. Khi hết chiến tranh,
hết tù đầy, trở về, chỉ sót lại
được có một cái nhỏ, may còn cả
đĩa. Chủ nhân quý nó lắm, nhưng
khi ông ta mất đi, con cái mang vật dụng của
ông đem cho, nó cũng bị vứt chung trong
đó. May mà không bị sứt mẻ
gì.
Hà
lơ đãng không để ý lắm đến
lời ông kể lể, nàng còn mải
chú ý nhìn giá tiền ghi, thấy hai
mươi đồng. Nàng nghĩ thầm, mọi khi
mình mua những cái tách lẻ ở tiệm
đồ cũ như thế này, thì giá cao
lắm cũng chỉ khoảng mười lăm đồng
thôi.
Như
đoán được ý nghĩ của Hà,
người đàn ông nói:
- Tôi biết
là giá cao, nhưng tôi cứ để như
thế cố ý không muốn ai mua, để chờ
bà. Tôi sẽ hạ xuống mười lăm
đồng thôi. Bà cứ lấy đi.
Hà vẫn
cầm cái tách cái đĩa bằng cả
hai tay. Nàng thấy nó đẹp quá, nếu
ông chủ tiệm muốn bán hai mươi đồng
thì nàng vẫn mua. Nàng nói:
- Cám
ơn ông, chắc chắn là tôi mua rồi.
Tôi thích sưu tầm tách trà lạ
và đẹp. Cái tách trà này
tôi nghĩ là đẹp nhất trong số
tách tôi có ở nhà.
Người
đàn ông mỉm cười, nói xã giao
mà như thật:
- Tôi biết
hôm nay bà sẽ ghé qua đây, tôi
đợi suốt từ sáng đến giờ để
trao nó cho bà, vì bà biết nhìn ra
cái giá trị của nó. Trao được
nó cho bà tôi rất yên tâm.
Người
đàn ông nói xong, rút cái bút
trên túi áo ra, sửa lại giá tiền của
cái chén, rồi lại nói:
- Chắc
ông nhà đang chờ bà ngoài xe. Chúc
bà về nhà bình an. Bà còn về lo
sửa soạn đón năm mới. Năm nay bà
có cái tách mai vàng cho chén trà
đầu năm, sẽ may mắn nguyên năm.
- Vâng,
cám ơn ông, chắc ông cũng ăn Tết
phải không? Ông là người Hoa hay người
Việt.
Người
đàn ông chỉ mỉm cười, không trả
lời câu hỏi của Hà, đưa tay chỉ
nàng ra chỗ quầy tính tiền.
Hà
có cảm tưởng ông chủ tiệm này
như một người mà nàng đã biết
từ lâu lắm rồi. Nàng cố tìm trong
trí nhớ xem ông ta có phải là bạn
của cha mẹ mình không? Chắc là
không? Vì cha mẹ Hà đã mất
trên hai mươi năm rồi và khi mất
cũng bằng trạc tuổi ông này bây giờ,
thì làm sao mà họ là bạn với nhau
được. Còn nữa, ông này chắc
gì là người Việt. Cách phát
âm tiếng Anh của ông ấy cho Hà biết
ông ấy không phải đồng trang lứa với
cha mẹ nàng.
Hà đặt
chiếc tách trà lên quầy tính tiền,
cô thâu ngân tóc vàng nhìn giá tiền
trên cái tách trà, hơi cau mày lại.
Cô nói trống không:
- Lạ nhỉ,
cái tách trà này, ông chủ tôi
đề giá là mười lăm đồng,
nhưng khi nào tôi ra thu dọn, lau bụi tôi cứ
thấy bị sửa lại là hai mươi đồng.
Vì giá cao nên chẳng ai mua. Bây giờ
bà mang ra đây nó lại trở về
giá mười lăm đồng.
Hà
cười nói:
- Số
tôi may, hôm nay chính ông chủ thấy
tôi cũng là người Á Đông
nên ông bớt cho tôi năm đồng, ông
ấy lấy bút mới sửa tức thì đấy.
Cô
thâu ngân tròn mắt:
- Ở
đây làm gì có người Á
Đông nào. Chủ tiệm là người Mỹ,
tôi cũng là người Mỹ, hơn nữa
ngày hôm nay chỉ có mình tôi ở
đây, ông chủ bận không ra được.
Bà có đùa cho vui không đấy?
Hà nghe lạnh
buốt sau lưng. Nàng quay đầu lại, cố
nhìn về phía kệ để bát
đĩa, tuyệt nhiên không có bóng một
ai, sát sau lưng kệ là bức tường
ngang, chẳng có cánh cửa nào. Thế
người đàn ông đó ở
đâu ra? Nàng im lặng hấp tấp trả tiền
rồi đi như chạy ra xe.
Suốt
trên đường về nhà, Đoàn lái
xe, ngưng lại, nghỉ giải lao. Hà cứ im lặng,
chỉ trả lời những khi Đoàn hỏi
làm Đoàn phải ngạc nhiên tưởng
Hà bệnh.
- Em sao vậy,
em bệnh à?
- Không,
em không sao cả.
Hà
nói dối. Nàng đang hoang mang không biết
cái ông Á Đông nói chuyện về
cái tách trà hoa mai ở đâu ra. Tiệm
chỉ có bốn bức tường, không phải
là một cái nhà ở, nơi đó
không có thêm gian nào ngoài gian bán
hàng. Mà sao ông ấy lại sửa giá tới,
sửa giá lui để chờ nàng tới mua. Sao
ông biết nàng sẽ tới.
Bỗng
Hà thấy đau quặn ruột, nàng nghĩ ra rồi.
Ông ấy là người Việt Nam. Ông ấy
đã đi qua chiến tranh, qua mất mát, qua
tù đầy, qua Mỹ và qua đời rồi.
Cái
tách trà này trước đây là của
gia đình ông. Ông muốn trao cho một
người biết trân quý nó. Hà ôm
chặt cái gói giấy vào lòng, nước
mắt ràn rụa.
Nàng
đã nói chuyện với một hồn ma, một
cái hồn tha hương thất lạc tìm về
quá khứ trong những ngày cuối năm.
Đêm
ba mươi, Hà thắp nhang, pha trà để
lên bàn thờ cha mẹ xong, nàng mang cái
tách hoa mai vàng ra, cầm lên ngắm
nghía. Hà thấy lòng nàng nao nao xúc
động, nghĩ đến người đàn
ông Á Đông trong tiệm đồ cũ.
Ông có thật hay không? Hay nàng chỉ
tưởng tượng ra vào những ngày cuối
năm âm lịch, những ngày mà hồn
nàng chao đảo nhất.
Nàng
xót xa lan man nghĩ tới những người
đàn ông Việt Nam đã đi qua chiến
tranh, qua tù đầy, qua một nước khác
không phải quê hương mình để sống
nốt những ngày còn lại rồi qua đời
ở quê người. Toàn là những vượt
qua thống khổ, ngậm ngùi.
Nàng
rót trà vào cái tách hoa mai, cúi xuống,
nói nho nhỏ:
- Xin mời
ông ngụm trà đầu năm trong cái
tách mai vàng gia bảo này.
Hà đợi
cho tàn hết một tuần nhang, mở cửa ra
trước hiên nhà, cầm tách trà
rót xuống mặt đất tân niên.
Những
cánh mai trong tách như theo nhau trôi vào
lòng đất.
TRẦN MỘNG TÚ
Giao Thừa Giáp Ngọ 2014
(Trịnh Gia sưu
tầm
và chuyển)