CÁM ƠN, DẪU SAO!
(CAO THOẠI CHÂU)
Hôm nay Tết
đang ở trước thềm nhà. Bến tàu,
bến xe, phi trường đầy cứng những con
người xa xứ trở về háo hức mang theo
những gì tốt nhất cho nơi đến.
Nơi đến thì ngong ngóng, mong mình
là người đầu tiên nhìn thấy
người về trong phút giây trùng
phùng. Tại các thành phố, phút đầu
tiên ấy có tín hiệu là một chiếc
taxi ghé vào lề, ngắn gọn mà
đơn điệu, muốn tưng bừng phải
là từ ngoài cổng xa, thậm chí trên
bờ đê thấp thoáng bóng đứa con,
người chồng, cha bỏ quê đi xa vì
mưu sinh. Họ về, bỏ lại sau lưng cảm
giác căng thẳng nơi xưởng máy, tất
bật đường phố, và chìm vào
êm ả của quê nhà. Vì thế cái
tết của quê nhà nên có thêm
vài giọt nước mắt cho đậm
đà ngày đoàn tụ.
Hết một
năm, sẽ là những hy vọng sang giêng
và, không thể thiếu lời cám ơn ..
Với một
người vô tích sự như mình thì
lời cám ơn đầu tiên phải dành
cho tiếng Việt, thứ ngôn ngữ mẹ đẻ
trải dài trong 395 bài viết dài ngắn
mang dấu thời gian Quý Tỵ, gói ghém những
tâm trạng nhiều khi buồn đấy và vui
cũng đấy. Cái đáng quý là tất
cả đều bắt nguồn từ đất
này, bằng tiếng mẹ như những thân
cây, thảm cỏ mọc lên từ đất
quê hương ngày ngày vẫn đặt
bàn chân lên nó, không phải trở về
vì đâu có đi xa.
Tạm đủ
sống theo chất lượng Việt Nam và sống
ở quê nhà, không phải nói bằng ngoại
ngữ, không phải giao tiếp bằng văn
hóa nước ngoài là một hạnh
phúc. Cũng là một sự thú vị khi
sáng sáng ghé vào lề mua một gói
xôi, có nếp, có dừa, có đường
có đậu và gói bằng lá chuối,
thứ giấy màu xanh của vùng nhiệt đới!
Mỗi lần mua đều đòi cái muỗng
làm bằng bẹ lá dừa, thứ kim loại
xanh từ bản chất, không han rỉ cũng của
vùng nhiệt đới! Mang gói ấy vào
quán cà phê wifi có lần bị nhìn
nhưng đâu có sao, bị nhìn thì
nhìn lại nhẹ nhàng, ngọt ngào
thách thức! Đất nước này còn
vô số thứ phải đẩy đi theo chiều
ngược với thời gian, phải để lại
vỉa hè tương tự một túi rác.
Đó là những thứ dỏm, giả,
láo, những thứ động cỡn, tàn
ác, cướp bóc .. tràn lan trong mọi tầng
lớp xã hội chứ không phải xôi
gói bằng lá chuối. Thề rằng ngày
nào còn ăn xôi sẽ chi ăn xôi
gói lá chuối, muỗng là khúc lá dừa,
thề đấy!
Không thể giải mã được
vì sao hàng chục triệu người đổ
mồ hôi sôi nước mắt còng lưng
cày ải trên đất, trên nền xi
măng, trên giấy, trên bàn cấp cứu của
các bệnh viện .. thì lại có hàng
trăm ngàn tỉ đồng trôi theo đường
cống đen ngòm của những kẻ gọi
là đồng bào mà thực ra là đồng
loại với thú rừng! Cám ơn đất
nước nhiều tai ương vẫn có nhiều
trái tim hiền lương vốn là gen của
ông cha bốn ngàn năm truyền lại đang
phải ngày ngày chạm mặt với bọn
côn đồ dã thú hai chân.
Cám
ơn những người bất hạnh. Dường
như Tạo hóa không giàu có sự
công bằng. Dẫu sao thì mình cũng
không khiếm khuyết những thứ bên
ngoài trong khi biết bao người lúng túng
trên xe lăn, lúng túng khi nói trước
người khác, và biết bao người nửa
đêm thức giấc thấy đang ở gầm cầu,
bến xe, công viên .. mà quặn lòng
vì những mất mát không có gì
bù đắp nổi. Nhà văn nào
đó của Sài Gòn trước 1975
đã viết và mình nhớ là "Tôi viết
trong khi những người khác chết".
Phải nói gì khi giả sử mình có một
mối tình yêu trong lúc vô số người
bị từ chối, bị mất cái thứ
quý báu vô giá này? Càng phải
nghĩ đến những người một đời
nín thinh trong cảnh đồng sàng dị mộng.
Xin cám ơn tất cả vì Tạo hóa
đôi khi cũng vụng bàn tay, cũng không
đủ công bằng!
Cám
ơn mấy đứa con thành người, dù
không thành đạt chi nhiều ngoài cuộc
sống của người lương thiện giữa một
xã hội nhiều bất lương tiềm ẩn.
Làm sao quên lời cám ơn bạn bè, một
năm mang lại, chứng kiến, chia sẻ niềm vui nỗi
buồn kiểu tắt lửa tối đèn của
những người sống trong đường hầm
mà ánh sáng thì chưa ở dất chui
lên! Cám ơn bốn đứa cháu, hai
hàng nội chất lượng tốt, hai hàng
ngoại khỏi nói về chất lượng,
phát triển sớm về trí tuệ như bao trẻ
con ở cái xứ này là nơi để
ông nội-ngoại nhập bầy làm chim líu
lo sau những phút giây thừ người ra
vì bế tắc không
biết phải làm gì.
Câu cuối
cùng dành cho người "Tóc vẫn xanh thơm hồn thiếu
phụ / Đi tìm trời đất ẩn trong nhau /
Thiên lý gian nan tự bắc cây cầu /
Trái tim làm nhịp cho bàn tay vịn".
CAO THOẠI CHÂU
(Xíu Muội
Rạch
Giá sưu
tầm
và chuyển)