Chuyện
của TÓC và
NGƯỜI
(Tác
giả: Nguyễn Bích Thủy)
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp
Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ
Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết
kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ
tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang
làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại
địa phương. Sau đây là bài Viết Về
Nước Mỹ thứ ba của cô.
Chẳng biết tự bao giờ
mái tóc đã nói lên giới tính, nhân cách, tôn giáo, địa vị
xã hội, tình trạng sức khỏe và cả xu thế thời
trang của một người. Mái tóc cũng đã góp phần
làm cho thế giới này trở nên nhiều màu sắc, thi vị,
trữ tình hơn qua văn thơ, nhạc họa, phim ảnh
để ca tụng một trong những vẻ đẹp
của phái nữ. Tóc và Người quả là một sự
kết hợp rất tài tình!
Bí ẩn của
tóc
Mỗi một sợi tóc tích lũy
trong nó tất cả những chất do máu và bạch huyết
đưa đến. Do đó tóc đã hàm chứa trong nó những
bí mật rất quan trọng giúp ích cho nghiên cứu khoa học
và pháp y. Sợi tóc sẽ cung cấp cho người thầy
thuốc những thông tin giúp cho việc điều trị
bên cạnh xét nghiệm máu và nước tiểu. Các nghiên cứu
cũng cho biết mỗi người có trung bình từ
100.000 cho đến 150.000 sợi tóc. Da đầu sản
sinh ra khoảng 3.000.000 sợi tóc trong một đời
người. Tóc mọc dài ra 0.35mm mỗi ngày và 12,8 cm mỗi
năm. Tóc của phụ nữ có "tuổi thọ"
cao hơm nam giới. Tóc rụng trung bình từ 20 cho đến
60 sợi mỗi ngày.
Sách sử đã ghi chép rằng mái
tóc của dân ta đã trải qua nhiều cuộc thăng
trầm thay đổi theo vận nước. Trước
khi bị nô lệ Bắc Phương thì người dân Việt
cũng bao phen để tóc và cạo đầu theo ý Vua. Kể
từ đời thuộc Minh cho đến gần cuối
thế kỷ 19 thì luật nước bắt buộc mọi
người dân trong xã hội nếu không phải là sư
sãi thì phải để tóc dài! Đến thời Pháp
đô hộ thì một cuộc "cách mạng" cắt
tóc ngắn và để răng trắng đã xảy ra, nó
thay đổi cả một ý thức hệ của người
Việt thời đó mà đi tiên phuông là xứ Trung kỳ.
Người Nghệ Tĩnh đầu tiên dám cắt bỏ
búi tóc của mình là Nguyễn Hoàng Chi, sau đó ở Quảng
Nam có Phan Chu Trinh, Phan Thúc Duyên, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc
Kháng .. rồi phong trào mới lan ra xứ Bắc Kỳ và
Nam kỳ. Có bài ca Húi Tóc như sau:
Tay trái cầm
lược.
Tay phải cầm
kéo
Húi hề! Húi
hề
Thăng thẳng
cho khéo
Bỏ cái ngu
này
Bỏ cái dại
này
Ăn ngay nói
thẳng
Học mới
từ đây
(Phan Khôi)
Trên thế giới có nhiều chủng
tộc với những màu da và màu tóc cũng khác nhau. Tôi
đang sống với cộng đồng người Mỹ
gốc Phi tại miền Nam Texas này. Do đặc tính của
gien di truyền nên họ có mái tóc đen cứng và xoăn
tít. Nếu không cắt sát thì tóc mọc dài ra có khuynh hướng
tạo thành một khối tròn và xù lên. Riêng đối với
phái nữ họ đã phải tốn rất nhiều tiền
bạc, công sức và cả thời gian để làm đẹp
cho mái tóc của mình. Một cựu người mẫu da
màu và cũng là người sáng lập ra chương trình
Americans Next Top Model cho biết mái tóc là điểm duy nhất
mà cô không hài lòng trên cơ thể. Báo chí cũng tiết lộ
rằng cô cảm thấy kém tự tin khi ai đó nhìn
được mái tóc thật của mình, điều này
đã ảnh hưởng đến cuộc đời
tình ái của cựu người mẫu lừng danh thế
giới không ít!
Thống kê đưa ra kết quả
trong vòng 50 năm trở lại đây thì số người
tóc vàng (blonde hair) giảm mạnh từ 49% xuống còn 14%.
Theo nhà Nhân Chủng Học người Đức Hans
Yurgons cho biết vì dân số những người tóc
đen trong khu vực Châu Á ngày một gia tăng và những
gia đình tóc vàng thuộc các nước Đức, Nga,
Scandinav .. tại Châu Âu thì ngày càng sanh con ít dần.
Lại thêm một định kiến
nữa cho rằng những người tóc vàng kém thông minh,
yếu đuối và ít khả năng thích ứng với
cuộc sống bằng những người tóc sậm
màu. Kết quả cuộc thăm dò tại Đức cũng
đưa ra kết quả đàn ông độ tuổi từ
18-49 chỉ chọn phụ nữ tóc vàng làm người
tình mà thôi!? Người ta cũng đề cập đến
trường hợp của hai nữ diễn viên Marilyn
Monroe và Brigitte Bardot, họ đều là những phụ nữ
tóc vàng đã làm khuynh đảo các đấng mày râu một
thời nhưng lại không được hạnh phúc
trong hôn nhân. Chính những điều vừa nêu đã khiến
mhiều người đưa đến kết luận
rằng màu tóc đã quyết định phần nào số
phận của người phụ nữ!? Tuy nhiên, ngày nay
phái đẹp hoàn toàn có thể "thay đổi vận
mệnh" mình qua bất kể những màu sắc của
tóc mà họ ưa thích!?!
Với thành tựu của khoa học
kỷ thuật, những tập đoàn khổng lồ trên
thế giới đã ra đời chỉ để sản
xuất những thứ làm đẹp cho tóc. Thị trường
hiện nay có hàng ngàn sản phẩm với mục đích
giúp cho tóc bóng mượt, mềm mại, óng ả và đủ
chủng loại rất phong phú. Rồi thì những sản
phẩm khác cũng "ăn theo" công nghệ làm đẹp
này như máy sấy tóc, máy duỗi tóc thẳng, máy uốn
tóc cong .. Những chuyên gia chăm sóc tóc không những chỉ
biết chải, bới, uốn, nhuộm, tếch tóc, nối
tóc đơn thuần mà họ còn phải biết thế mạnh
những đường nét trên mặt của người
phụ nữ để sáng tạo cho họ một kiểu
tóc thích hợp và gợi cảm nhất. Có thể nói
chưa bao giờ mái tóc của người phụ nữ
được thăng hoa như hiện nay!
Tóc xanh .. tuổi
trẻ
Ở thế kỷ trước
người phụ nữ Việt Nam thường làm đẹp
cho mái tóc bằng bồ kết, chanh, hương nhu, vỏ
bưởi theo cách truyền thống dân gian. Họ chỉ
biết chăm sóc tóc đơn giản thế thôi nhưng
cũng đủ làm điêu đứng biết bao đấng
nam nhi:
Một
thương tóc bỏ đuôi gà
Hai
thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba
thương má lúm đồng tiền,
Bốn
thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm
thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu
thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy
thương nết ở khôn ngoan,
Tám
thương ăn nói dịu dàng thêm xinh.
Chín
thương em ở một mình,
Mười
thương con mắt có tình với ai.
(Khuyết
danh)
Nét đẹp của mái tóc đã
được đặt lên hàng đầu trong "Mười
Thương" mà người xưa thường nói
"Cái răng cái tóc là góc con người". Khi hai người
yêu nhau, chàng trai đã tìm thấy cả bốn mùa trong mái
tóc người thương một cách vô cùng sinh động:
.. Mùa hè vui
đôi chân chắp cánh
Tóc mây hồng
cho mắt long lanh
Trời mùa
đông môi em thắp nắng
Tóc mây dài, chân
vui đường vắng
Rồi mùa
xuân cây thay áo mới
Tóc mây vàng cho
nắng thêm tươi
Rồi mùa thu
xôn xao lá úa
Tóc mây buồn
phủ kín tim tôi ..
(Phạm Thế
Mỹ - Tóc Mây)
Rồi khi đôi trai gái không thành thì
chàng trai đã ghi nhớ mãi mái tóc của người mình
yêu một cách thật lãng mạn và vô cùng cảm động:
Tóc mai sợi
vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng
đặng thương hoài ngàn năm.
(Ca dao, trong ca
khúc Phạm Duy - Tóc mai sợi vắn sợi dài)
Mái tóc đã là nguồn cảm hứng
của rất nhiều các nhạc sĩ, thi sĩ, họa
sĩ, văn sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, đạo diễn
.. và cả những nhà làm phim. Tại Việt Nam cũng
đã có hàng trăm bài thơ và ca khúc để tôn vinh mái
tóc của phái đẹp không sao kể hết, điều
này đã chứng tỏ rằng dù xưa hay nay, dù trong thời
bình hay lúc chiến tranh loạn lạc thì mái tóc của
người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn quyến rũ
dưới mọi góc nhìn của nam giới. Khuynh hướng
thời trang của Việt Nam luôn chịu ảnh hưởng
của Tây Phương và ngày nay là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật
Bản .. qua phim ảnh, báo chí và truyền thông. Đã từ
lâu những kiểu tóc và cách ăn mặc của các mệnh
phụ phu nhân hay minh tinh màn bạc nổi tiếng thế
giới đã trở thành kim chỉ nam định hướng
gu thời trang của nhiều người.
Vậy mà cho đến thế kỷ
21 này, tại nhiều đất nước Hồi giáo vẫn
còn có những phụ nữ phải trùm khăn kín từ
đầu đến chân bằng vải đen, thậm
chí nhiều nơi luật lệ khắt khe họ chỉ
có thể nhìn mọi sự vật xuyên qua hai mảng lưới
nhỏ nơi mắt. Mùa hè năm 2009 tôi có dịp đến
du lịch Tiệp Khắc tại thành phố Karlovy Vary kinh
đô điện ảnh của Châu Âu, tôi đã chứng kiến
cảnh các du khách đã đổ dồn ánh mắt vào hai
phụ nữ Hồi giáo với áo choàng đen trùm kín mít từ
đầu đến chân tại mỗi nơi mà họ
đi qua. Đây là lần đầu tiên tôi thấy bằng
chính mắt của mình mà không phải là trên TV hay trong phim ảnh
sách báo. Cảm giác đầu tiên của tôi là sợ! Tôi sợ
cái màu đen u ám đó, nó như là những bóng đen di
động, không ai có thể đoán được họ
là ai sau lớp vải đen đó! Họ là hai cô gái đẹp
tuyệt trần hay là bọn khủng bố sắp làm những
chuyện tày trời, điều này chắc chỉ có thánh
Allah mới biết được!? Đúng vậy chẳng
ai thấy được gương mặt họ, ánh mắt
họ biểu cảm như thế nào dưới lớp
vải đen sì kia, thật nguy hiểm khi tiếp xúc với
những người mà mình không thể nhận diện
được. Nhưng chỉ sau vài phút lấy được
bình tĩnh tôi lại cảm thấy thương hai người
phụ nữ kia, những người mà trong Kinh Koran
đã quy định rằng:
"Phụ nữ phải mặc
che kín toàn thân không được để lộ một
phần nào của thân thể trước mặt bất kỳ
một người đàn ông nào, bao gồm cả mặt
và tay". Nguyên văn tiếng Anh: "They dress up completely
without showing any part of their bodies, including face and hands to any
man"
Do vậy họ phải tuân theo luật
lệ khắt khe đó để chứng tỏ lòng tự
trọng và phẩm giá của người phụ nữ
trước đám đông!!! Vào ngày 11 tháng 4 năm 2011 một
đạo luật cấm phụ nữ Hồi giáo trùm kín
khăn che mặt khi ra đường được công
bố trên toàn lãnh thổ Pháp. Thủ tướng nước
này cho biết đây không phải là một đạo luật
kỳ thị, họ chỉ muốn đề cao cảnh
giác các phần tử khủng bố đang đe dọa
khắp nơi trên hành tinh. Ngoài ra luật còn phạt bất
kỳ ai sản xuất và buôn bán khăn che mặt từ một
đến hai năm tù và phạt tiền từ 30.000 đến
60.000 euro tùy theo mức độ vi phạm.
Hiện nay tại Mỹ, thỉnh
thoảng tôi vẫn gặp những người Phụ nữ
Hồi giáo ở các nơi công cộng bởi họ không thể
lẫn lộn với ai được cả. Dù họ cũng
mặc quần jean, áo kiểu đơn giản dài tay
nhưng người nào cũng mang một chiếc khăn
trùm kín tóc và cổ. Tuyệt nhiên không ai có thể đoán
được mái tóc của họ là ngắn hay dài, chiếc
cổ kia là cao hay thấp!? Tất cả những thứ
xa xỉ cần làm đẹp cho mái tóc trên cõi đời
dường như đã phải vẫy tay chào thua trước
những người phụ nữ này!
Nỗi buồn
.. tóc rụng!
Các cuộc nghiên cứu cho biết
nhiều nguyên nhân đưa đến rụng tóc như
làm việc quá sức, bị chấn thương, tuổi
dậy thì, thời kỳ mang thai, mãn kinh .. Phụ nữ và
nam giới đều có khả năng bị rụng tóc do
ảnh hưởng của stress và hói đầu ở nam
giới thường do di truyền. Ngày nay chứng bệnh
rụng tóc gần như đã trở thành căn bệnh của
thời đại. Một nhịp sống vội vã, máy
móc, ganh đua, đầy ô nhiễm trong không khí và đầy
hóa chất trong thức ăn nước uống đã dễ
dàng đưa đến rụng tóc. Ngày nay trên thị
trường cũng có hàng ngàn sản phẩm từ
Đông sang Tây, từ Âu sang Á để "cứu nguy"
cho mái tóc rụng. Rồi thì cả việc cấy tóc, trồng
tóc .. nhưng dường như cũng không giúp gì đáng kể
khi tóc đã "chẳng buồn" mọc trở lại.
Có lẽ điều này đã ảnh hưởng ít nhiều
đến thời trang tóc của phái mạnh suốt nhiều
thập niên qua. Tôi nhớ đến những mái tóc dài kiểu
Hippie của nam giới vào thập niên 70 hay 80, rồi mái
tóc "đầu đinh" của thập niên 90 của
thế kỷ trước và bây giờ là kiểu tóc
"húi cua" hay "model đầu trọc" đang
lan nhanh khắp toàn cầu!
Thời gian qua hãng tôi mới ra thông
báo qui định cho mọi người không được
đội mũ hay trùm khăn khi làm việc tại khu vực
sản xuất, họ chỉ được phép mang lưới
tóc và lưới râu do an toàn thực phẩm. Cũng chính vì
thế mà tôi đã có dịp phát hiện những cái đầu
trơn láng mà xưa nay được "dấu kỹ"
dưới những cái nón hay những lớp khăn. Nhìn
những mái đầu với phần da nhiều hơn phần
tóc đi ra đi vào với vẻ mặt đầy lúng
túng trong những ngày đầu "hạ nón" mà tôi
không khỏi chạnh lòng. Có thể cũng chính những
gương mặt này cách đây không lâu lắm đâu
đã từng làm rung động biết bao trái tim của
người khác phái với mái tóc dầy, rậm đầy
nam tính và điển trai. Nhưng giờ đây có lẽ họ
cũng đành phải bất lực với thời gian
khi soi mình trong gương!
Cũng như bao nhiêu người
đàn ông đã bị rụng gần hết tóc, cuối
cùng chồng tôi quyết định cạo phăng đi
mái tóc của mình để theo kịp "trào lưu" của
thế giới. Giờ thỉnh thoảng nhìn chồng mình
với cặp kính trắng và mảng đầu trơn
láng tôi chợt nhớ lại còn đâu nữa mái tóc mềm
bay bay đầy lãng tử của anh đã đến
đón tôi vào những chiều hò hẹn như chỉ mới
hôm nào đây thôi!!!
Lần đầu tiên thấy
"diện mạo mới" của chồng mình, tôi
đã nói nửa đùa nửa thật:
- Kể từ nay anh khỏe rồi,
chỉ còn lo ăn lo mặc không phải lo "chải chuốt
nữa!
Chồng tôi chỉ cười buồn
đáp:
- Tóc rụng thì không lo lắm, chỉ
sợ là mình cũng .. "sắp rụng" theo nó!
Thật vậy! Tóc rụng, mắt
mờ, da nhăn là tất cả những thông điệp
cho biết tuổi già đang sồng sộc kéo đến
với tốc độ tương đương với
cơn bão cấp bốn đang đổ bộ xuống
cuộc đời của mỗi người!
Tóc đã ..
không còn!
Thường có ba nguyên nhân khi một
người tự nguyện cắt bỏ mái tóc của
mình:
- Bệnh nhân bị ung thư
đang điều trị hóa chất.
- Người đang phát một thệ
nguyện.
- Hàng tăng sĩ Phật Giáo.
Điều trị ung thư thường
gây ra rụng tóc, nó có thể xảy ra khi hóa trị và xạ
trị do một số loại thuốc làm hại nang tóc
và thường diễn ra trong vòng hai tuần khi bắt
đầu điều trị nhưng rồi tóc có thể
mọc trở lại ngay sau đó. Ngày nay có rất nhiều
Tổ chức thiện nguyện nhận hiến tóc để
giúp đỡ những bệnh nhân cancer cho cả người
lớn lẫn trẻ em như American Cancer Society, Hair
Foundation hay Locks of Love ..
Trong hãng tôi có một anh chàng khoảng
ngoài ba mươi dáng người cao ốm, lầm lì ít
nói. Điều làm tôi chú ý nhất ở người thanh
niên trẻ này là mái tóc dài cột sau gáy: lúc thì dài như
"đạo sĩ" lúc thì ngắn như "nhà
binh", đặc biệt hơn nữa là trên một bàn
tay của anh ta bị thiếu mất ngón út. Dĩ nhiên tôi
và mọi người không được biết lý do và cũng
chẳng ai buồn hỏi đến những chuyện hết
sức tế nhị này! Cho đến một hôm tình cờ
tôi nghe vợ của anh, cũng làm chung với tôi, kể rằng
anh "nuôi" tóc dài để donate cho những trẻ em
bị ung thư, ngày xưa anh cũng từng bị cancer
và Bác sĩ buộc phải cắt đi ngón tay út để
tránh di căn. Cũng kể từ đó tôi đã bắt
đầu thay đổi cách suy nghĩ của mình khi
"đoán già, đoán non" một người nào đó
qua dáng vẻ bề ngoài của họ.
Nhớ lại lúc còn ở Việt
Nam, một buổi nọ lang thang vào ngôi chợ nhỏ gần
nhà tôi tình cờ gặp chị bán hàng quen với mái tóc
đã cạo sạch nhẵn được che dưới
lớp nón vải, tôi đã hoảng hốt hỏi chị
nguyên nhân vì sao nên nông nổi thì chị cười nói:
- Chồng chị lúc trước bị
bệnh nặng lắm Bác sĩ bảo sợ không qua khỏi,
chị lo quá chỉ biết van vái Phật Trời phò hộ.
Giờ thì ảnh đã hoàn toàn bình phục nên chị ăn
chay một năm và "xuống tóc" để thực
hiện lời phát nguyện của mình.
Vâng! Trong cuộc sống này có rất
nhiều người như chị phụ nữ kia. Một
khi người thân hay chính họ phải đương
đầu với những thách thức ngoài sức chịu
đựng thì con người có khuynh hướng chỉ còn
biết dựa vào sự mầu nhiệm của Ơn Trên
để sống và hy vọng. Đó là lý do tại sao dù
khoa học kỹ thuật ngày nay có tiến bộ cỡ
nào đi chăng nữa thì đức tin vẫn là điều
hết sức thiêng liêng, nó luôn tồn tại và song hành với
gần như mọi cư dân trên quả địa cầu
này suốt từ hàng nghìn năm qua.
Nếu không vì bệnh tật, không
vì phát nguyện, không vì chạy theo trào lưu thời trang
"đầu trọc" thì chắc khó ai có thể từ
bỏ mái tóc của mình ngoài hàng tăng sĩ Phật Giáo!
Điều này cũng nói lên ý niệm quyết tâm diệt
trừ ái nghiệp, tham, sân, si mà mỗi hành giả đang
muốn tìm về nẻo giác của mình. Tuy nhiên, ngày nay
đã có rất nhiều người lợi dụng cửa
thiền môn và sự nhẹ dạ của các tín đồ
Phật Giáo để mua danh trục lợi làm giàu cho túi
riêng! Dẫu biết rằng tín ngưỡng là điều
rất quý nhưng phải dựa trên nền tảng của
sự hiểu biết nếu không sẽ đưa đến
tình trạng mê tín hoặc cuồng tín; trong khi đường
lối tu hành của đạo Phật là dựa trên Từ
Bi và Trí Tuệ! Do vậy người Phật tử phải
hết sức cẩn thận, đừng lầm lẫn hễ
thấy ai "đầu tròn, áo vuông" thì cứ ngỡ
đó là bậc chơn tăng!
Tóc trắng
.. tuổi già!
Một mái tóc dẫu đẹp cách
mấy cũng có ngày phải ngả màu sương khói. Dù
là mái tóc của bậc Đế Vương hay của kẻ
bần dân rồi thì cũng đến lúc phải bạc
trắng theo thời gian. Đó là một quy luật bất
biến của muôn đời. Có đi gần hết
đoạn đường đời người ta mới
thấy thấm thía từng ca từ sau:
Bao nhiêu
năm làm kiếp con người.
Chợt một
chiều tóc trắng như vôi.
Lá úa trên cao rụng
đầy.
Cho trăm
năm vào chết một ngày
(Trịnh Công
Sơn - Cát Bụi)
Vào mùa hè 2012 nhân chuyến về
thăm nhà, thằng con trai của tôi đã tò mò muốn xem
"hình bà Ngoại hồi còn nhỏ", đó là nguyên
văn câu nói ngây thơ của nó! Tôi đã mất cả một
buổi ngồi lật lại từng tờ album cũ,
trong đó có những tấm hình cách đây trên 60 năm trong
ngăn tủ gia đình để chỉ cho nó "thời
con gái" của mẹ tôi với mái tóc dài đen mượt
khi thì "kẹp ba lá" lúc thì xõa nghiêng vai rất điệu
đà tha thướt. Mẹ tôi lên xe hoa năm 22 tuổi với
mái tóc ngắn uốn dợn rất hợp thời trang lúc
đó. Cũng như nhiều người con gái hiện
nay, sau khi sinh con xong mẹ tôi thường ra tiệm chụp
hình để ghi lại những khoảnh khắc đáng
nhớ trong đời mình như một kỷ niệm. Thời
của mẹ tôi trừ ở những vùng quê xa xôi thì
đa số phụ nữ đều mặc áo dài khi ra
đường, mẹ tôi lại là một nhà giáo nên hình ảnh
chiếc áo dài luôn gắn liền với bà ở mọi lúc
mọi nơi. Chính nhờ thế mà tôi có thể thấy
được sự thay đổi của từng kiểu
tóc, kiểu áo dài trong suốt quãng đời son trẻ của
mẹ mình qua những tấm hình khá sống động.
Mẹ tôi là một người phụ
nữ xinh đẹp và duyên dáng, mẹ tôi thích "làm mới
mình" bằng những kiểu tóc phù hợp với khuôn
mặt để tôn nét yêu kiều của bản thân. Tuy
nhiên, ba tôi lại thích nét đẹp cổ điển của
người phụ nữ Việt Nam qua mái tóc dài tha thướt;
nhưng rồi ông cũng phải đành "chịu
thua" vợ vì những kiểu tóc cắt cao tới gáy của
mẹ tôi cũng đầy thu hút!
Rồi thì biến cố đổi
đời xẩy ra, lúc ấy mẹ tôi chưa đầy
40, ở cái tuổi này bây giờ người phụ nữ
vẫn còn đầy sắc vóc nhưng thời cuộc
đã làm mẹ tôi vất vả lo toan và thay đổi rất
nhiều. Do kinh tế gia đình sa sút mẹ tôi cũng không
còn khả năng để chăm sóc mái tóc của mình
như xưa nữa nên mẹ đã để tóc dài trở
lại và búi to sau gáy. Lúc đó tóc của mẹ tôi vẫn
còn đen, dầy và óng mượt. Có lẽ ba tôi là người
vui mừng nhất khi thấy tóc mẹ ngày càng dài thêm ra.
Nhưng cho đến cuối thập niên 80 thì mẹ tôi bị
bệnh mất ngủ, rụng tóc nhiều nên bà đã cắt
ngắn và uốn trở lại. Tôi còn nhớ ba mình đã
không được vui suốt mấy hôm liền về quyết
định này của mẹ!
Vài năm sau đó tóc của mẹ
tôi bạc đi rất nhanh, mỗi khi thấy "muối
nhiều hơn tiêu" thì bà hay mua thuốc về tự
nhuộm tóc để kéo lại tuổi xuân cho "xứng
chồng, xứng vợ". Ba tôi thuộc típ người
"vô ưu", mẹ tôi thường nói thế, nên mặc
dù lớn tuổi hơn mẹ tôi nhưng tóc ông vẫn còn
đen và trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi
của mình! Nhưng rồi mẹ đã chẳng buồn
nhuộm tóc nữa kể từ khi ba tôi mất, tóc mẹ
giờ đã bạc gần hết, mỗi khi tóc ra dài mẹ
chỉ cắt đi cho đỡ vướng, đỡ rụng,
đỡ chăm sóc và đỡ "nặng đầu"!!!
Ở tuổi bát thập mẹ tôi đã thật sự chẳng
còn "hơi sức" để "màng" đến
mái tóc của mình nữa. Một giấc ngủ bình yên, một
sức khỏe ổn định là tất cả những
gì mẹ tôi quan tâm nhất hiện nay trước khi
"thân tứ đại trả về tứ đại";
như lời một bài hát nổi tiếng đã nói như
sau:
Hạt bụi
nào hóa kiếp thân tôi.
Để một
mai tôi về thành cát bụi
(Trịnh Công
Sơn - Cát Bụi)
Đời người suy cho cùng cũng
như là một vở kịch, một cuốn phim. Vở
kịch nào dù hay dù dở rồi cũng phải đến
hồi kết thúc, cuốn phim nào dù lôi cuốn hay nhàm chán
cách mấy thì cũng có lúc phải "the end!"
Mẹ già tóc
trắng như sương
Rưng
rưng tiễn bước con ra phi trường
Nơi đất
khách mịt mờ khuất nẻo
Nhớ mẹ
hiền khắc khoải trông theo.
(Nguyễn
Bích Thủy)
...
Nhìn những mái tóc xanh hôm nay một
ngày nào đó sẽ trở thành những mái đầu bạc
mà không khỏi ngậm ngùi cho sự ngắn ngủi của
kiếp nhân sinh. Cuộc sống này theo lời một
người nhạc sĩ tài hoa là "Đóa hoa Vô thường",
là "Ở trọ trần gian" hay chỉ là "Một
cõi đi về" ..
Vâng! Xin chúc cho những mái đầu
xanh hôm nay sẽ đạt đến tận cùng những
ước mơ, những hoài bão của họ để
góp phần làm đẹp cuộc đời này và thật
mong sao những mái tóc dù đã bạc trắng thời gian
nhưng xin hãy cứ an nhiên tự tại, sống vui sống
khỏe đầy thanh thản trên hành trình "đi về"
của mình.
Nguyễn Bích
Thủy
(Diễm
Trinh sưu tầm và chuyển)