NƯỚC
CŨ MƠ
NGUỒN
(Tản văn: Nguyễn
Ngọc Tư)
Người
ta dành cả thời trẻ loay hoay với câu hỏi
ta sẽ đi đâu, rồi cả buổi già bận
bịu với chuyện ta đến từ đâu.
Câu này tôi tả ba tôi, vừa khít với
chuyến đi Đức Phổ của ông với bao
nhiêu bồn chồn, háo hức.
Không thể
nói chính xác chuyến đi ngàn cây số
ấy đã chuẩn bị từ nửa năm
trước hay năm mươi, một trăm năm
trước, ý tưởng ủ từ ba tôi hay từ
ông nội, ông cố tôi. Chỉ biết
cái quê xứ xa xôi ấy đã phập
phù trên môi của những người cha
trong cuộc chuyện trò trên cánh võng
đưa cọt kẹt lúc nửa đêm,
trên mảnh ruộng vừa được khai
phá, hay trong những lời trăn trối cuối
cùng. "Ông bà mình ra đi từ
đó, nhớ !", họ dặn
dò những đứa con. Đời này qua đời
khác, tên của những người trong dòng
tộc, tên làng tên xứ .. đã mai một
rơi rớt dần, đến đời ba tôi
thì chỉ còn bốn chữ Đức Phổ,
Quảng Ngãi. Ba tôi nói phải đi tìm
gốc gác một chuyến, giờ không làm tới
lúc già yếu hút gió không kêu
thì ai làm.
Cùng thằng
cháu gọi bằng cậu cũng không còn trẻ,
ba tôi hăm hở trèo lên chuyến xe
đò đi miền Trung, thông tin cả hai có
được vỏn vẹn là cái huyện ấy
nằm ngay trên đường cái. Ba tôi
cũng phải đến hơn chục lần qua lại
ngang nơi đó trong những lần đi công
tác ở Hà Nội, chắc cũng từng
nhìn cảnh vật bồi hồi, nhưng ông
chưa từng ghé lại. Hồi ấy ông phải
đuổi theo câu hỏi mình đi đâu
đây. Giờ cái thời gian dư dả của
tuổi già này lại là thứ thời gian
sắp cạn, ông già quay lại để lục
lọi từng tấc đất của cái chấm
nhỏ nhoi trên bản đồ kia, mong tìm lại
vài nhánh họ hàng xa vợi, thắp nhang
lên những nấm mộ tổ tiên.
Tôi sẽ
mãi nhớ bộ điệu, gương mặt,
ánh mắt của ba tôi buổi chiều ông trở
về sau chuyến đi ấy. Thứ thần thái của
một người đã mãn nguyện, mọi thứ
đều cất chung tiếng nói : "như vầy
có chết cũng thỏa rồi ..". Túi
áo bên ngực trái long ra tờ giấy ghi
tên cụ tổ viết bằng Hán tự mà
ba tôi sao chép lại từ một gia phả,
như là bằng chứng phả hệ. Ngay cả khi
kể lại "cái xứ gì tìm không
ra cái quán cà phê, thèm chết cha
..", giọng điệu đó
cũng chẳng tỏ bày thái độ không
hài lòng. Không người nhàn rỗi ngồi
ngắm suông phố phường. Mộ toàn bằng
đất cát nằm thấp là đà.
Người ở đó nói chuyện khó
nghe, phải nhìn miệng mà đoán, gặp
ai nói nhanh thì đúng là trong tai có
âm thanh như chim hót. Kể và kể, hai
ông già cố giấu nỗi tự hào thầm
kín chúng ta đến từ cái vùng
đất nghèo, nhưng độc đáo.
Kẻ
xách người mang nào đường phèn
nào tỏi nào bánh trái Đức Phổ,
thứ bánh mà miền Tây đã biến
thể mềm mại hơn, xốp và béo hơn
: bánh bông lan. Làm rõ ra cái ngờ ngợ
bánh bông lan xứ mình cũng có tổ
tông. Chèn đét ơi, tưa tải nảy
ra khỏi môi trầu của mấy bà già
quê có phải từ trời đất ơi,
tơi tả trại âm theo giọng Quảng mà
ra, những thị thiềng, chóa lóa, đi
dìa .. Từ ngữ tụi viết lách miền
Tây hay dùng, anh em ngoài Trung đọc cũng
hay ngớ ra đây chính là những từ
mà ông bà mình xưa cũng nói.
Ở miền
tây, có một câu hỏi thường
xuyên được đặt ra nhưng cũng
thường nhận được lời đáp
không thấu đáo là gốc anh (chị) ở
đâu. Bởi sau cái gốc Sóc Trăng của
một người họ Vương còn có
cái gốc Minh Hương. Họ Mạc ở
Cái Nước gốc Hà Tiên, nhưng sau
Hà Tiên là một hành trình người
Trung Hoa vượt biển. Gốc Bạc Liêu của
họ Nguyễn nào đó trôi dạt từ
miệt sông Gianh, sông Hiếu. Cùng với những
cuộc chiến là những lần cải họ, di
cư. Lấy quê nội ghi vào lý lịch của
mình ở phần quê quán, tôi thường
thấy đằng sau hai chữ Đầm Dơi là
những miền gió cát xa xôi mà mình
chưa từng đặt chân tới. Lịch sử của
vùng đất hoang sơ này được viết
bởi những người khai phá, cùng với
địa hình chung quanh là biển hết
đường để đi nên miền Tây
như cái túi chứa người tứ xứ.
Câu ca dao "đến đây thì ở lại
đây" rất hay bị bẻ chỉa ngầm, chừng
nào tốt cỏ xanh cây ờ mà ngu sao về
? Đất như vầy, tôm cá như vầy, thời
tiết thuận hòa như vầy bói không ra
gió bão, sống đã đời vầy
còn về đâu nữa ?
Làm
và chơi, người ta có nhớ tiếc
này nọ thì cũng bỏ qua, chỉ tuổi
già đến bỗng nhận ra ai cũng phải
làm một chuyến về đất. Bắt đầu
dọn dẹp một chỗ nằm. Bắt đầu nhớ
ra cha ông mình hình như nằm nơi nào
đó xa lắm. Bắt đầu nghĩ không biết
họ nằm kiểu nào, tộc họ ở
đó có còn ai không. Vậy là
hình thành những cuộc về, dù là về
trong ý nghĩ của một người nằm bệnh.
Là tôi hình dung vậy.
Mỗi
cái đám giỗ ở nhà là mỗi lần gặp
được một vài gương mặt mới,
do một phần nỗ lực kết nối của ba
tôi. Lần gần nhất, bọn trẻ chúng
tôi chào hỏi mấy ông già ở
Vĩnh Long xuống. Ba tôi nghẹn ngào, ông
già tóc búi củ tỏi trưởng
đoàn bên kia cũng khóc. Họ đi cả
xe, già trẻ mười mấy người,
không phải ai cũng xúc động, cũng sốt
sắng cái mối thâm tình họ hàng mới
nối lại này. Có thể vì họ
còn trẻ, như tôi, cố chiều chuộng những
ông già và che giấu phần nào hờ hững,
"mấy người lạ hoắc này là
bà con với mình sao, để làm gì
?".
Ít nhiều
tôi cũng tò mò cái cảm giác bịn
rịn với họ hàng xa, mà một mai thời
gian sẽ tặng kèm theo với tuổi già, nếu
tôi không bị rơi vào ngoại lệ. Thứ
tình cảm mà ba tôi đang có, phải
đợi. Lại nhớ ông ngoại tôi, chiến
tranh xong chèo xuồng từ Cà Mau về Hà
Tiên, hành trình men theo sông nước
ròng rã. Lại nhớ bà bạn già
thoát ly gia đình kể từ khi làm mẹ
đơn thân, suốt quãng chơi với nhau gần
như bà không kể chuyện nhà. Vài
năm trở lại đây bà bỗng thường
nhắc tới anh chị em mình, bảo chút nữa
chạy đi ăn cơm với chị Chín, vài
hôm nữa đi thăm chị Ba. Những bà
già chẳng còn mấy thời gian nữa. Thứ
thâm tình ấy lúc trẻ chắc bà coi
nhẹ như không.
Cái
câu hỏi ta đến từ đâu còn lửng
lơ trên những ngả đường miền
Tây rất lâu. Ở con cháu của những
người Trung khẩn hoang giờ nghe giọng Quảng
như ngoại ngữ; con cháu những người Bắc
di cư đã đổi thế nhé thành dzậy
hén, rỗi thành quởn rất sành. Và
con cháu của những cô gái Việt
cùng quân nhân Pháp, Mỹ đã từng
tham chiến ở Việt Nam bỗng ngờ ngợ xuất
xứ màu mắt lạ. Và cả những đứa
trẻ lai Hàn Quốc, Đài Loan trên những
chuyến xe đường dài về miền Tây,
tụi nó cũng đang không ngớt hỏi sắp
tới nhà ngoại chưa.
Cái
dòng máu bạt mạng giang hồ của những
người đã từng sẵn sàng bỏ lại
hết : quê xứ, mồ mả người thân
.. dấn thân vào những vùng đất mịt
mờ, dòng máu ấy truyền mấy chục
đời vẫn chưa lợt lạt bao nhiêu.
NGUYỄN
NGỌC TƯ
(Thanh Long sưu tầm và chuyển)