Niềm
Đau Ơi, Ngủ Yên!
(Tác giả
: Triều
Phong)
Tác
giả tên thật Trần Phương Ngôn, cho biết
ông là thuyền nhân trên chiếc tàu
vào loại lớn nhất, chở 246 người, con
số đông nhất trong một chuyến vượt
biển. Tác giả cũng đã sống ở trại
tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười
một năm và chỉ mới định cư tại
Hoa Kỳ từ 2004. Hiện hành nghề Nail tại tiểu
bang South Carolina và cũng đang theo học ở
trường Trident Technical College. Bài viết là một
chuyện tình thuyền nhân nơi trại tị nạn
Palawan-Philippines.
* * *
Trong
lịch sử vượt biển của Thuyền
Nhân Việt Nam tới trại tị nạn
Palawan-Philippines, có lẽ tàu của tôi
là lớn và chở đông người nhất,
bởi tàu của tôi dài tới mười
chín mét chở hai trăm bốn mươi
sáu người gồm đủ cả nam phụ
lão ấu, tấp đảo El Nido vào ngày Bốn
tháng Sáu năm 1989 khiến cho đảo này
trở nên nhộn nhịp, ồn ào suốt
ngày đêm trong khoảng thời gian chúng
tôi lưu lại đó vì vậy chúng
tôi được gọi là người của
Group 246 El Nido.
Tôi
còn nhớ ngày ấy dân chúng và
chính quyền trên đảo đã hoảng hồn
khi đưa "cào cào" (*) ra để
đón chúng tôi vào bờ vì số
người cứ liên tục từ các hầm
tàu chui lên mãi khiến họ vô cùng
vất vả để vận chuyển. Do người
quá đông nên Cao Uỷ Tị Nạn Liên
Hiệp Quốc thường được gọi tắt
là UNHCR (The United Nations High Commissioner for Refugees)
đã phải phối hợp với chính quyền
địa phương cho chúng tôi ở tạm
trong một ngôi trường tiểu học và họ
rất khó khăn để đếm chính
xác con số thuyền nhân của tàu vì
người ta cứ đi lung tung không thể nào
kiểm soát được. Đầu tiên họ
tổng kết có hai trăm năm mươi tám
người cả thảy, dần dà con số
này thụt xuống từ từ cho đến cuối
cùng là còn lại hai trăm bốn
mươi bảy người. Lúc đó ai
cũng tưởng thế là xong và yên
chí là tàu mình chở từng ấy người
nhưng khi về tới trại tị nạn PFAC (The
Philippine First Asylum Camp) sau cả tháng trời làm
giấy tờ, làm ID .. thì mọi người mới
té ngửa ra là chỉ có hai trăm bốn
mươi sáu mà thôi! Bởi chỉ tới
khi Cao Ủy cho nhân viên Ban An Ninh đi lùng sục
tìm một người bị mất tích thì
mới phát giác ra anh Nguyễn Văn Giàu
còn có thêm một tên khác nữa
là Trần Văn Sang. Anh bảo anh khai thế để
được lãnh hai phần lương thực cho
chắc ăn!
El
Nido là một đảo lớn, đẹp nằm
cách thủ phủ Puerto Princesa của tỉnh Palawan
hai trăm ba mươi tám cây số tức khoảng
một trăm bốn mươi tám dặm về
hướng Đông Bắc với hai mùa mưa nắng.
Người dân ở đây hiền hòa, hiếu
khách, có một đời sống thanh bình
đa số theo nông nghiệp, ngư nghiệp và
du lịch. Họ đã giúp đỡ, tiếp
đón người tị nạn chúng tôi hết
sức niềm nở và chân tình cho đến
ngày chúng tôi rời đi.
Ngày
đầu tiên đến trại chúng tôi
được đưa vào barrack. Đây là
những ngày chật vật, khốn khổ về vấn
đề vệ sinh và ăn ngủ do số người
quá đông. Mỗi lần cần phải xài
nhà cầu là cả một cực hình với
tôi vì phân và nước tiểu
đã tràn đầy ra tới bên ngoài
không thể bước vào trong được.
Sáng
sớm một hôm tôi thấy một người
đàn ông tây phưong dẫn theo một
toán An Ninh Việt Nam vô barrack đi thẳng tới
nhà cầu. Ông ta mở toang cánh cửa mặc
cho mùi hôi thúi xông lên và ruồi
muỗi bay loạn xạ ra ngoài, đưa tay chỉ
vào đó ông la hét dữ dội. Rồi
tôi thấy mấy người an ninh đi ra giếng
múc nước vào cùng ông ta rửa dọn
nhà cầu! Thờì đó tiếng Anh
tôi chỉ biết bập bẹ nên chẳng hiểu
ông ta nói gì nhưng nhìn dáng vẻ
giận dữ của ông ta tôi vô cùng xấu
hổ cho sự ăn ở kém văn minh và thiếu
ý thức của người Việt mình. Tuy
nhiên suy cho cùng thì barrack nhỏ so với số
người quá đông như vậy và lại
giữ người ta quá lâu nên vấn đề
mất vệ sinh là chuyện không tránh khỏi
mà thôi. Lúc đó do tin đóng cửa
đảo trong vùng Đông Nam Á khiến ai
cũng cố gằng tìm cách vượt
thoát lần cuối cùng, hơn nữa chính
phủ Việt Nam biết rằng rồi ra họ sẽ bị
trả về dù có tới được
các đảo nên chẳng thèm chận bắt
chi nữa. Đó là hai nguyên nhân
chính làm cho dân số vượt biên
nơi các trại tị nạn Đông Nam Á
đột ngột tăng vọt. Chỉ tính
riêng trại PFAC không thôi, thời điểm ấy
dân tị nạn trong trại đã hơn mười
ngàn người. Đó là một con số kỷ
lục chưa bao giờ có ở đây từ
ngày thành lập trại tị nạn đến
giờ. Sự quá tải này đưa đến
nhiều vấn nạn khó khăn đau đầu
cho Cao Uỷ, chính quyền sở tại lẫn
người tị nạn. Nhưng dẫu sao tôi vẫn
cảm kích hành động lo lắng cho dân tị
nạn ấy của ông nên lân la tìm hiểu
thì mới biết đó là Cao Uỷ Trưởng
của trại, Ông Jan Top Christensen, người Đan
Mạch (Denmark.)
Đối
với tôi chờ đợi là một cực
hình nên những ngày sống tại
đây thật là dài và khủng khiếp!
Lần này vì chỉ đi có một
mình nên dù mừng là đã thoát
khỏi chế độ cộng sản nhưng tôi vẫn
không tránh khỏi cảm giác buồn bã
do nỗi cô đơn tràn ngập. Nhiều
hôm tôi đứng lặng hằng giờ
ngoài sân barrack trong một góc dưới
bóng râm mát nào đó và
đưa mắt nhìn mọi người, mọi vật
một cách bỡ ngỡ, đầy lạ lẫm.
Cũng như quê tôi, nhà ở Phi cũng
được lợp bằng lá dừa. Trên
gác thì cửa sổ được trổ qua
nóc nhà và dùng một cây (que) nhỏ
để chống lên khi mở. Trời mưa
thì chỉ cần lấy cây chống ra, hạ cửa
xuống thì chỉ còn thấy một mái
lá bằng phẳng, thật đơn giản!
Group
của tôi có một cặp trai gái lúc
nào cũng quấn quít bên nhau không rời
nửa bước. Họ luôn nắm tay hoặc
ôm nhau một cách tình tứ, thỉnh thoảng
họ đưa nhau vào chỗ vắng và hôn
nhau nồng nàn say đắm. Người thanh
niên trạc tuổi tôi, người con gái nhỏ
hơn độ vài tuổi. Cả hai đều
đẹp tựa Phan An, Tống Ngọc. Thật là xứng
đôi vừa lứa! Sau này tôi được
biết người con trai tên Trung còn cô
gái là Hương. Cả hai đều có cha
là trung tá của Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đang học tập cải tạo ngoài Bắc.
Họ quen nhau qua các chuyến đi thăm nuôi rồi
yêu nhau. Hai gia đình sau đấy đã
đính ước chuyện vợ chồng cho cả
hai và quyết định cho họ đi vượt
biên để mong đổi phận "con Ngụy."
Thảo nào mà cả hai chẳng thương nhau
là thế!
Trong
lúc đó thì tại cửa và ở
trong ngoài hàng rào của barrack lúc
nào cũng có người đứng, ngồi,
trò chuyện rôm rả. Mỗi khi có tàu
tấp đảo và được đưa về
đây thì bà con ở các khu thường
kéo nhau tới để tìm thân nhân hay bạn
bè rồi bảo lãnh về ở chung nhà với
mình. Từ đây mới có câu chuyện
khôi hài thường được truyền miệng
trong trại về việc "bốc nhân đạo!"
Do
có một số người, phần lớn là
thanh niên cũng hay la cà ở barrack mỗi khi
có người tới rồi lựa những cô
gái trẻ đẹp, dễ thương .. để
giúp đỡ bằng cách bằng lòng nhận
họ về nhà mình. Người nào có
nhà nhận về thì được Ban Kế Hoạch
chấp thuận ngay còn không nếu để họ
phân chia thì nhằm khi vào nhà quá
đông hoặc quá phức tạp thì rất
phiền, rất là khó sống. Sự giúp
đỡ ban đầu lại có hậu ý lợi
dụng về sau ấy khiến cho cụm từ
"lên barrack bốc nhân đạo" bị hiểu
theo một ý nghĩa không tốt từ
đó.
Suốt
cả tuần trong barrack, cuối cùng chúng
tôi được chia ra ngoài khu. Tôi với thằng
Phong và cha con anh Quá được chia vào
Nhà 5 Khu 8. Trước khi đi mọi người nhận
được một ít đồ trợ cấp
xã hội do CADP (The Center Assistance for Displaced Persons) cấp
phát mà lúc đó mọi người cứ
tưởng là của cơ quan này nhưng kỳ
thực là của Cao Ủy ký thác công việc
này cho văn phòng CADP giúp đỡ mà
thôi!
Vì
danh sách sắp theo họ nên tôi còn nhớ
rõ hôm đó tôi cùng cô Trần Thị
Đủ nhận được một số đồ
cho hai người như một cái xô đỏ,
hai tấm đắp chiều ngang khoảng năm tấc
dài chừng chín tấc, hai cái chén nhựa,
hai bàn chải đánh răng và một
dây kem đánh răng Colgate màu đỏ
có khoảng chừng năm bảy tép gì
đó, một đôi đũa tre và một
cái khăn lông tắm loại lớn và hai
đôi dép Nhật (chỉ mang độ một tuần
là sẽ xẹp và mỏng như tờ giấy.)
Hai anh em tôi dẫn nhau ra cây cổ thụ to
lâu đời ở gần đó của Khu 7
để chia. Vật dụng nào có hai thứ
đểu chia được dễ dàng duy có
đôi đũa, khăn lông tắm và
cái xô thì không biết chia thế
nào? Ngày đó mới tấp đảo, mọi
thứ đều cần nên thật là khó xử.
Đủ khá xinh, nước da trắng trẻo,
người cũng như tên gọi lại nghe
đâu có họ hàng với chủ tàu
nên trong khi tôi còn lúng túng thì
Đủ nhỏ nhẹ lên tiếng:
-
Em tính vầy anh xem được không nha.
Thôi anh lấy cái khăn, đôi đũa cho
em xin cái xô. Em sẽ đưa anh thêm 15 pesos nữa
được không?
Thật
ra thì Đủ đã tính toán trước
rồi. Thời ấy trong hoàn cảnh đó ai
cũng cần cái xô nhất là phụ nữ
vì cái xô rất hữu dụng dùng
được cho mọi thứ. Nghe Đủ nói
tôi nghĩ thầm trong bụng "dẫu gì
người ta cũng là đàn bà con
gái cần cái xô đó hơn, mình
so đo và nhận tiền làm gì dù
lúc này tôi đang rất cần tiền."
Tuy nhiên tôi chưa kịp mở lời thì
lúc ấy chú Trần Như Bân chung group với
chúng tôi đi ngang nghe thế liền ngừng lại
bày vẽ:
-
Trời ơi dễ ợt, có gì mà tụi
mày chia hoài hổng được vậy. Để
tao tính cho, này nhé cái xô dùng
để múc nước cho hai đứa tắm. Tắm
thì con Đủ tắm trước mày tắm
sau. Khăn thì nó lau trước mày lau sau.
Đôi đũa hai đứa ăn chung. That's it!
Có gì mà lo quá.
Phán
xong một câu "xanh dờn" ông cười
ha hả ra vẻ khoái chí bỏ đi mất.
Để lại Đủ mặt đỏ như đu
đủ chín cây trông thật dễ
thương, còn tôi sượng cứng người
nhất thời ú ớ chả biết làm sao.
Nhưng rồi tôi cũng nhường Đủ
cái xô mà không nhận thêm tiền, từ
đó cho đến các ngày về sau đi
đâu nếu chúng tôi đụng mặt nhau
Đủ đều chào vui vẻ nhưng có phần
thẹn thùng, bẽn lẽn, không tự nhiên.
Hay đôi lúc đi nhận lương thực, gặp
Đủ thì nàng thường nhường cho
tôi phần cá hay thịt của mình với
lý do hết sức đơn giản là "em
không biết ăn cái này" chứ kỳ
thực ra thì Đủ thuộc thành phần
có tiền trong trại còn tôi thì "con
mồ côi" làm gì có tiền mà
mua thực phẩm ngoài?
Tháng
ngày lang thang trong trai đợi chờ Thanh Lọc
xác định tư cách tị nạn, thỉnh
thoảng tôi gặp Trung và Hương, chúng
tôi hay ghé lại ngồi dưới cây me
trước văn phòng Cao Uỷ tán gẫu
và nghe ngóng tình hình, tin tức thời sự
nóng bỏng về Chương Trình Thanh Lọc
vì nơi này lúc nào cũng tập trung
đông đảo dân tị nạn. Ôi
thì thôi đủ thứ tin gà, tin vịt hay
tin đồn thổi được tung ra như cựu
quân nhân Việt Nam Cộng Hòa sẽ
được thanh lọc trước, con cựu quân
nhân cũng được ưu tiên giúp đỡ,
ai có giấy tờ bị đuổi đi Vùng
Kinh Tế Mới hay bị đánh Tư Sản chắc
chắn sẽ đậu ..v.v.và v.v.. nghe riết rồi
bị khủng hoảng tinh thần và "phát mệt!"
Trước
tình trạng quá nguy ngập của tiến
trình thanh lọc lúc ấy, Ban Đại Diện
Nhiệm Kỳ thứ 29 của trại đã phối
hợp với một số ban ngành đoàn thể
lựa chọn một số người trí thức
hoặc có khả năng để giúp đỡ
các người không có kiến thức hay
không hiểu thế nào là nhân quyền
căn bản mà Liên Hiệp Quốc đã
công nhận .. thành lập Ban Hướng Dẫn
Thanh Lọc để giúp đỡ đồng
bào khai báo hồ sơ "tiền thanh lọc."
Haloween
năm 1989, lần đầu tiên được biết,
được sống và được tham dự Lễ
Hội Hoá Trang của thế giới tự do thật
là vui. Tất cả các thiện nguyện
viên từ ngoại quốc tới Việt Nam của mọi
ban ngành đoàn thể đều giả quỷ
ma, mặc những áo quần vằn vện với
khuôn mặt biến hóa dị dạng tham gia diễn
hành hay tham dự buổi văn nghệ do Cao Uỷ tổ
chức tại Sân Khấu Trung Tâm vô cùng
nhộn nhịp! Ba Thiện Nguyện Viên của cơ
quan IOM (The International Organization for Migrants) là bác
sĩ Sabine, người Bi (Belgium) và bác sĩ Cory,
người Phi, cùng cô Racheal, người Mỹ,
thì hoá trang thành các thiên thần với
trang phục thật lộng lẫy khiến cho lễ hội
thêm phần hấp dẫn. Riêng nhà tôi, mấy
anh em PA (tức là mấy người tới trước
khi đảo đóng cửa, đương nhiên
được quyền tị nạn, chỉ chờ các
nước phương tây phỏng vấn và
đưa đi định cư) dù nghèo áo
quần đã rách rưới cũng ráng
xé thêm cho tơi tả để mặc vào rồi
lôi tôi đi nghêu ngao khắp trại. Thỉnh
thoảng chúng tôi lại thấy mấy em trai
"unaccompanied minors (trẻ em đơn hành)"
kéo theo một đống xoong nồi mà
chúng khéo cột dính thành một
chùm còn tay thì cầm nắp đập
vào nhau kêu loảng xoảng vừa đi vừa
hét "trick or treat!" với khuôn mặt
trét đầy lọ nghẹ nom thật buồn
cười. Trong cảnh rộn ràng tấp nập của
ngày lễ tôi thấy Trung và Hương
cũng có mặt khi tới Sân Khấu Trung
Tâm. Nhìn cả hai âu yếm đứng ôm
lấy nhau tựa lưng vào cột bóng rổ
để xem văn nghệ tôi thấy họ thật
hạnh phúc làm sao! Và đây cũng
là lần đầu tiên tôi nghe Teacher Andrew của
trường HTC (The Holy Trinity College) ca bài
"Hello" vô cùng xuất sắc. Phải
công nhận rằng trong vùng Châu Á
thì có lẽ người Phi ca nhạc Mỹ
là hay nhất bởi họ được học tiếng
Anh từ hồi ở tiểu học nên hơn 95%
người Phi đều biết tiếng Anh và xử
dụng tiếng Anh để giao thiệp với ngoại
quốc! Bây giờ dù ở bất cứ
đâu, sống trong hoàn cảnh nào tôi vẫn
không quên được ngày tháng
đó và quả thật đó là khoảng
thời gian vui, đẹp nhất của quãng đời
tị nạn!
Thu
tàn lá vàng lặng lẽ rơi, đông
tới trời se sắt lạnh, mới đó
mà đã hết năm. Để bớt buồn
và đỡ phải suy nghĩ, âu lo, ngoài giờ
học Anh Văn chính thức ra tôi còn học
dự thính các lớp khác kể cả phải
đứng ngoài vỉa hè. Tôi cũng
vào cả những lớp của HTC tuy nhiên
không được nhận vì lúc ấy HTC
chỉ dành cho minor mà thôi! Nhưng tôi
không có khiếu sinh ngữ hay sao ấy vì học
nhiều mà vẫn dở. Tôi nhớ có mấy
em nhỏ group tôi ngày tấp đảo không
biết một chữ tiếng Anh nhưng chỉ sau ba
năm học đã có đứa làm
thông dịch cho văn phòng Cao Ủy! Rõ
ràng là cây được trồng trên
đất tốt sẽ tăng trưởng nhanh, người
sống ở môi trường thuận lợi sẽ dễ
phát triển tài năng hơn!
Lúc
này tôi không có tiền nên ngoài cuốn
tập được CADP phát cho vào đầu
khoá học tôi thường lượm các tờ
giấy trắng còn dùng được của
anh em trong nhà đóng lại từng xấp để
viết. Quần dài thì chỉ có hai cái
của người ta đi định cư bỏ lại,
tôi lấy mặc đại để đi học.
Áo thì nhiều hơn bởi mặc chung với
anh em trong nhà. Chỉ có một cái khổ
là dép thì không có dư và
cũng chẳng mượn được ai vì ai
cũng cần mang, đường sá bên trại
thì lởm chởm đá do xứ đảo
mà dép của tôi lại mòn và mỏng
nên mỗi khi đi rất là đau chân.
Ngày
lại ngày qua chỉ có một lon cá hộp
nhỏ cho hai người với đu đủ, rau muống
với một ít thịt heo mà mỡ nhiều
hơn thịt, hôm nào lãnh phải thịt heo
nọc thì kể như đành ăn cơm với
nước mắm vậy bởi thịt heo nọc rất
hôi khi nấu lên, hay có bữa cầm cái
cánh gà bé bằng hai ngón tay mà
ngán ngẩm nhưng vẫn chờ đợi và
hy vọng!
Rồi
điều không mong đợi đến cũng
đã đến và đó là bất hạnh
đầu tiên không chỉ của riêng tôi
mà của đa số đồng bào trong trại
vì tôi đã "bị đá!" Sau khi
được phỏng vấn thanh lọc để
xác định tư cách tị nạn chừng
sáu tháng sau người lánh cư bắt
đầu nhận kết quả. Việc bác
đơn tị nạn hàng loạt mà mọi
người gọi nôm na là "bị
đá" khiến cho chuyện nhận kết quả
trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng của
trại. Sự ban phát quyền tị nạn tùy
tiện, hiểu biết sai lệch hoặc hạn chế
về chế độ cộng sản ở Việt Nam của
phỏng vấn viên nước sở tại khiến
cho chuyện thanh lọc người tị nạn trở
nên bi hài. Không có tiêu chuẩn hay
thước đo nào nói lên được
chuẩn mực của vấn đề thanh lọc. Kẻ
đậu người rớt khó ai nói được
mình tài giỏi hơn ai, tuy thế mặc cảm
"bị đá" làm cho lắm người tủi
hổ, cảm thấy thua thiệt hay ngu dốt là
điều không tránh khỏi!
Nhiều
người quá sợ hãi sẽ bị trả về
Việt Nam đã trở nên khùng điên,
trại bắt đầu xuất hiện vô số kẻ
bị tâm thần ngày tối cứ lang thang
như người điên hết dạo công
viên đến bãi biển. Ngày phát kết
quả thanh lọc được gọi là ngày
xổ số, ai đậu được ví như
trúng số vì cho đó là sự hên
xui. Nói thế để thấy cái "The
Comprehensive Plan of Action" tức CPA (Chương Trình
Thanh Lọc Toàn Diện) này nó thiếu
sót và bất công đến cỡ nào!
Đấy
là chưa nói tới cá tính của
các phỏng vấn viên hay cảm xúc buồn
vui từng ngày của họ nữa. Hoặc trường
hợp của một số cựu quân nhân bị
đá "te tua" bởi bà phỏng vấn
viên Teano chẳng hạn. Những ngày đầu
tới trại chuẩn bị cho việc phỏng vấn,
bà có tiếp xúc với một số thiện
nguyện viên người Việt của văn
phòng Cao Ủy. Đa số các thiện nguyện
viên này là cựu quân nhân quân lực
Việt Nam Cộng Hòa và bà tỏ ra rất
có cảm tình với họ vì theo lời
bà nói thì chồng bà cũng là cựu
quân nhân, thế là họ sắp xếp hồ
sơ để các ông cựu quân nhân
được bà Teano phỏng vấn với hy vọng
bà dễ dàng thông cảm cho hoàn cảnh
người lính thì vấn đề thanh lọc
có nhiều cơ may hơn nhưng khi kết quả xồ
ra thì hầu hết đều bị bác quyền
tị nạn. Mọi người khi ấy mới
"tá hỏa tam tinh" và tìm hiểu
thì được biết rằng bà vừa bị
chồng li dị, từ đó bà thù hận
mấy ông cựu quân nhân. Chuyện chồng
bà là cựu quân nhân chỉ là một
cái bẫy bà giăng ra để rửa mối
căm hận dù là mấy người cựu
quân nhân Việt Nam này chẳng dính
dáng gì đến chồng bà cả! Từ
đó danh từ "sát thủ Teano với
cú đá liên hoàn" ra đời ở
PFAC. Thật là oan uổng!
Và
chuyện tống tình, tống tiền của nhân
viên di trú nước sở tại với người
lánh cư rồi chuyện giữa Naoko Obi, cô gái
người Nhật tốt nghiệp luật khoa ở
Đại Học Cambridge thay thế Jan Top Christensen,
làm Cao Ủy Trưởng thời thanh lọc
đã xung đột dữ dội với các
nhân viên di trú sở tại trong việc cấp
phát quyền tị nạn cho người lánh
cư nữa. Vì Cao Uỷ có đưa ra một
chỉ tiêu ban đầu là cấp chừng 10% quyền
tị nạn trên tổng số người nhưng
khi thấy các nhân viên di trú Phi ban
phát nhiều quá, cô Naoko phản đối,
tìm cách chận lại. Có trường hợp
bị nghi ngờ, cô gọi lên văn phòng
và đích thân tìm hiểu, phỏng vấn
lại. Việc này đã chạm tự ái,
danh dự quốc gia của Philippines vì theo CPA
thì thanh lọc và cấp quyền tị nạn
đã được uỷ thác cho nước chủ
nhà. Cao Uỷ chỉ giữ vai trò giám
sát và có 1% Mandate cho những trường hợp
nào xét thấy oan ức, sai sót mà
thôi. Do đó hành động của cô Naoko
khiến cho người Phi không chấp nhận
được nên để phản đối việc
cô Naoko phỏng vấn lại và huỷ bỏ sự
công nhận quyền tị nạn của họ đối
với người lánh cư họ đã
hè nhau cho tị nạn cả một tàu họ vừa
phỏng vấn đâu cũng cỡ gần bốn chục
người mà lâu quá tôi không
còn nhớ là group nào. Thành thử
có thể nói thanh lọc là một xui xẻo
của người này nhưng lại hên với
người khác không chừng. Tuy nhiên từ
dó Naoko được dân chúng gọi với
một cái tên không mấy thiện cảm lắm
dù cô ta rất đẹp và luôn luôn
tỏ ra lịch sự với mọi người, bà
"No OK!"
Một
bất ngờ đã xảy ra cho group tôi là
trong số những người bị đá thì
có cả Hương nhưng Trung thì lại đậu.
Đúng là ông Trời đã khéo
trêu người khiến cho đôi uyên
ương bây giờ giống như Ngưu Lang Chức
Nữ!
Vì
nghe theo lời của Ban Hướng Dẫn Thanh Lọc
nên Trung và Hương đã không khai vợ
chồng do đó mỗi người có một hồ
sơ riêng với tự tin vững vàng vì cả
hai đều có "back ground" mạnh. Nhưng chẳng
hiểu Hương khai thế nào mà lại bị
người nhân viên di trú "denied" với
lời lẽ như sau "tôi hoàn toàn tin những
gì cô ấ nói là sự thật vì
có giấy tờ chứng minh đầy đủ,
tuy nhiên cô ấy vẫn sống được suốt
mưòi mấy năm sau 1975 mà không bị
nguy hiểm đến tính mạng nên tôi tin
là cô ấy có thể tiếp tục sống
được ở quê hương của cô ấy.
Do đó cô không hội đủ một trong
các tiêu chuẩn của tị nạn để
được hưởng quy chế tị nạn!"
Đọc
lời phê trên hẳn các bạn cũng thấy
có nhiều vấn đề cần phải nói
đến, thế là tranh cãi, bàn tán nổ
ra khắp nơi trong trại. Những câu hỏi
được đưa ra như tiêu chuẩn tị
nạn là gì? Thế thì bị ngược
đãi, bị chỉ định nơi cư
trú, không được tự do thờ phượng
.. đâu phải là các bằng chứng để
xin tị nạn? Sao lại có mâu thuẫn giữa
Liên Hiệp Quốc và nước sở tại
trong tiêu chuẩn chọn lựa tị nạn thế?
Con trung tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
đi cải tạo (tù) cả chục năm mà
còn bị đá thì con những người
dân bình thường khai sao đây? Làm sao
chứng minh được là mình bị nguy hiểm
đến tính mạng sau 1975 đến phải bỏ
trốn khi lúc ấy mình chỉ là một
đứa nhỏ? Đau đầu, đau óc, nhiều
kẻ chưa thanh lọc đã bị khủng hoảng
tinh thần và khùng rồi.
Thời
kỳ này là thời kỳ "cơn sốt"
thanh lọc lên đến cao độ, vì ở tất
cả các trại tị nạn số người bị
đá, bị ăn "cánh gà" rất
nhiều. Các cuộc biểu tình chống thanh lọc
bất công, chống cưỡng bức hồi
hương bắt đầu nổ ra. Ở Mỹ, Canada
và những xứ tự do khác nhiều cộng
đồng Việt Nam đã lên tiếng, trao thỉnh
nguyện thư tới Cao Uỷ Tị Nạn tới
chính phủ sở tại yêu cầu tái xem
xét lại tiêu chuẩn thanh lọc tị nạn ..
Các anh chị em sinh viên học sinh khắp nơi,
các văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ cũng
tích cực đem sức mình ra hỗ trợ
đồng bào ruột thịt đang bị kẹt
bên các đảo bằng những hình thức
như walk-a-thon, đêm không ngủ, đêm
văn nghệ ca hát gây quỹ. Mạnh mẽ
hơn họ còn lập ra các cơ quan pháp
lý với nhiều luật sư Việt Nam cũng
như ngoại quốc đầy nhiệt huyết, tham
gia làm thiện nguyện và cử họ sang tận
trại tị nạn giúp lo kháng cáo cho đồng
bào như BP SOS (The Boat People SOS) do anh Nguyễn
Đình Thắng làm giám đốc hay JRS
(Jesus for Refugee Services) ở Palawan chẳng hạn. Tuy
nhiên phải công nhận rằng Cao Uỷ và
thế giới tự do đã thành công trong
chuyện ngăn chặn làn sóng vượt
biên bởi từ đó con số người ra
đi giảm hẳn và chấm dứt luôn
vì ở Việt Nam mọi người đã biết
khó khăn của chương trình thanh lọc
nên chẳng còn ai dám đi nữa!
Trong
khi đó ở trại tị nạn PFAC, trước
tình cảnh nguy nan ấy nhiều người
đành phải lật ngửa con bài tẩy,
"quyết đấu trận cuối cùng" của
mình như trường hợp chị Phấn chẳng
hạn. Chị chỉ có một tay! Khi còn ở
El Nido chị nói với tôi là ở Việt
Nam chị bán nước mía và bất cẩn
bị máy nước mía cán lấy bàn
tay đến nỗi phải cưa mất gần cả
cánh tay. Về PFAC, sau gần hai năm chờ đọi
chi "đậu" thanh lọc rồi chuyển trại
lên Bataan đi định cư trước sự ngạc
nhiên và thán phục của mọi người.
Một
thời gian sau người thông dịch cho chị mới
tiết lộ rằng ngày ấy chị khai với
người phỏng vấn rằng chị là
liên lạc viên của một tổ chức phục
quốc nào đó. Việc bại lộ, chị
bị bắt, bị đánh đập tra tấn
dã man mà không được cứu chữa
đến phải bị cưa mất một cánh
tay! Tuy nhiên cái tài ở đây là chẳng
hiểu chị nói thế nào, thuyết phục
làm sao mà nhân viên phỏng vấn tin
và ban cho chị quy chế tị nạn và
cái giấy ra trại của chị là do một
người trong trại làm với thủ thuật
đơn sơ nhưng rất hiệu quả. Giấy
thì kêu thân nhân ở bên nhà gửi
qua rồi dùng nước trà phun nhẹ và
phơi nắng cho tờ giấy cũ đi, tìm hiểu
để đánh máy các chi tiết như ở
trại nào, ai là trưởng trại thời
gian đó, ai ký giấy ra trại .. và cuối
cùng là mộc (con dấu) thì được
làm bằng củ khoai lang! Đang khi đó một
anh chàng khác khai vì ba anh ta là thiếu
tá Thủy Quân Lục Chiển, tử trận
tháng Ba năm1975, gia đình bị đuổi
đi Kinh Tế Mới nhưng đã không đi
nên bị cộng sản gây khó khăn cho cuộc
sống, anh ta bị bắt đi Thanh Niên Xung Phong, anh
phải trốn, sống chui rúc như chuột,
không hộ khẩu .. lại bị đá vì
không có giấy tờ chứng minh. Anh ta lập luận
rằng có chính quyền nào đàn
áp dân chúng mà để lại giấy tờ
chứng minh không? Nhưng người phỏng vấn
viên lắc đầu từ chối và nói rằng
nếu nói như anh thì ai chả nói
được? Vô cùng phức tạp và rắc
rối chuyện thanh lọc vậy!
Khai
mà không có giấy tờ chứng minh thì
bị đá nhưng có giấy tờ mà giấy
tờ thật đàng hoàng cũng bị
đá tuy nhiên giấy tờ dỏm thì lại
đậu thì quả thật chẳng biết
đâu mà rờ. Từ đó người ta
kháo nhau rằng thanh lọc tị nạn chỉ
là một cuộc thi "nói dóc." Ai
nói dóc giỏi thì đậu và trớ
trêu thay một số thành viên của Ban
Hướng Dẫn Thanh Lọc cũng bị đá rồi
người chuyên làm giấy tờ giả cho mọi
người cũng bị đá luôn! Oan nghiệt,
oan nghiệt!
Thời
gian này tôi đã chuyển xuống Khu Một,
và quá buồn nhiều khi không nén nổi
sự chán chường. Lắm hôm tôi bỏ
học ngồi hằng giờ đâu đó
trước cửa nhà hay lang thang ra biển hoặc
vườn dừa mà chẳng thiết làm
gì nữa cả. Một chiều tôi ngồi
trên chiếc ghế đóng thật cao dùng
để coi phim ngoài Sân Khấu Trung Tâm
thì một số lớp Anh Văn của CADP hết
giờ học. Tan trường, kẻ về người
lại đến lớp tấp nập lên xuống Bất
ngờ Đủ xuất hiện từ hướng dưới
lò Bánh Mì của CADP và đi về
phía tôi. Tôi hơi lúng túng và mặc
cảm thua cuộc vì tôi nghe tin Đủ đậu
thanh lọc mấy tuần qua rồi.
Ngừng
lại trước mặt tôi, Đủ ấp
úng:
-
Anh .. khỏe .. không?
Nghe
Đủ hỏi thế tôi hiểu nàng biết
rõ kết quả thanh lọc của tôi, tôi
hít lấy một hơi dài nhảy xuống
đất, dựa tay vào thành ghế cười
gượng gạo:
-
Cũng Ok, cám ơn em. Em thì sao? Mới học ra
hả?
Đủ
nhìn tôi chăm chú như dò xét:
-
Em bình thường. Nghe nói .. anh .. anh ..
-
Kệ nó em, số phận mà biết làm sao
hơn? Chúc mừng em nha! Tôi ngắt lời
nàng.
-
Dạ, bây giờ anh tính thế nào?
Tôi
nhún vai:
-
Biết tính gì bây giờ nữa em. Thì
cũng lo làm kháng cáo vậy thôi chứ
chắc không mấy hy vọng.
Đủ
bỗng đổi giọng xăng xái hẳn lên:
-
Hay là .. anh ghép hộ đi. Em nghe nói ai bị
đá mà ghép hộ vợ chồng với
người đậu sẽ rất có nhiều hy vọng
trong đợt kháng cáo đó anh.
-
Anh cũng nghe thế, nhưng hình như là phải
mất bốn năm bảy ngàn đô lận, anh
đâu có tiền.
-
Thì .. thì .. tìm ai quen đó anh,
đâu nhất thiết phải là có tiền
mới được đâu.
-
Em nói chơi hoài, nhiều người có tiền
còn tìm chưa ra người đồng ý
ghép hộ chứ nói gì người như
anh. Có "cái cọng" không thì
làm sao? Hổng phải dễ đâu em!
Giọng
Đủ chợt trầm xuống:
-
Anh hỏi thăm thử xem, em nghĩ anh kiếm được
đó.
Nói
xong, Đủ vội vã chào tôi ra về
nhưng không bỏ đi ngay. Nàng nhìn tôi
thật lâu như muốn nói thêm gì đó
rồi tần ngần cúi chào thêm lần nữa.
Sau này tôi kể lại cho anh em trong nhà chuyện
đó, ai cũng mừng và đều khuyên
tôi nên gặp Đủ vì nàng
đã mớm ý, mở cho tôi một sinh lộ.
Tuy nhiên vì danh dự tự ái, những cục
xương khó nuốt của một thằng
đàn ông, tôi đã im lặng và trả
giá gần mười một năm ở lại
vì cái cục xương này!
*
"Ngày mai em
đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn
liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng
đêm khuya .. Ngày mai em đi, đồi núi
nghiêng nghiêng đợi chờ .. Ngày mai em
đi, biển nhớ tên em gọi về .. Ngày
mai em đi, cồn đá rêu phong rủ buồn ..!"
. Từ tờ mờ sáng tiếng Saxophone nức nở
trong nhạc phẩm Biển Nhớ của Trịnh
Công Sơn văng vẳng phát ra khắp trại từ
các loa của Ban Truyền Thông đã làm
lòng dạ mọi người chợt chùng xuống.
Hôm nay là ngày chuyển trại. Trong nhà
tôi tất cả đã thức dậy. Người
đi thì ồn ào, cười nói huyên
thuyên, náo nức chuẩn bị khiêng đồ
đạc được đóng trong các
thùng thuốc Winston hay những chiếc vali cũ
mèm ra trước hiên nhà, kẻ ở
thì ngồi bó gối lơ đãng theo
làn khói thuốc gặm nhấm nỗi buồn
thân phận. Khi trời sáng tỏ người
người ở các khu lũ lượt kéo nhau
ra Cổng Mười Hai, nơi chia tay buồn nhiều
hơn vui. Những cái xiết tay thật chặt, những
ôm hôn nồng ấm, những ánh mắt
lưu luyến, những lời chúc phúc, những
an ủi, những .. tiếng khóc nức nở vang
lên khắp mọi nơi đến não nùng
trong cái nóng gắt của nắng càng
lúc càng lên cao.
Lẫn
trong dòng người áo quần sặc sỡ,
tôi đứng lặng yên, tâm trạng đầy
chán chường. Lẽ ra tôi không đến
đây bữa nay nhưng vì thằng em quá
thân, đi chung group lên đường đi định
cư nên tôi phải tới tiễn nó. Khi thằng
nhỏ ra khỏi cổng là tôi vội vã về
ngay. Tôi không muốn nấn ná lại
đây lâu hơn, nhưng từ trong đám
đông đang đứng chụp hình kỷ niệm,
Đủ chợt tách ra chặn lấy tôi:
-
Anh! Nàng gọi nhỏ.
-
Ơ, em chuyển trại hôm nay hả? Tôi hỏi
khi thấy thẻ chuyển trại RS (Refugee Status) của
cơ quan IOM lủng lẳng trên ngực áo
nàng.
-
Dạ. Nhà anh .. số mấy?
-
14 Khu Một!
Đủ
hít lấy một hơi thật dài nhìn thẳng
vào mắt tôi nói một mạch:
-
Em sẽ viết thư cho anh. Em lên Bataan cũng phải
ở lại đó mấy tháng. Chuyện hôm
nọ em bàn với anh thì bất cứ lúc
nào anh cần cứ cho em hay. Em sẽ giúp anh nếu
anh muốn nhưng càng sớm càng tốt. Anh suy
nghĩ cho kỹ đi. Thôi anh ở lại gìn giữ
sức khoẻ nha. Chúc anh may mắn!
-
Cám .. ơn .. em. Bảo trọng!
Tôi
lúng búng trả lời trong miệng, cúi
đầu bước đi vội vàng khi nhận thấy
giọng Đủ chợt ngẹn ngào. Và
cách đó không bao xa, mặt Hương đẫm
lệ, dàn dụa nước mắt giữa
đám đông. Trung thì ôm lấy
Hương cười như mếu trước các
câu nói khôi hài của bạn bè.
Vừa
đi vừa nghĩ ngợi, băn khoăn tràn ngập
tâm tư, tôi tự hỏi lấy mình "rồi
mai tôi cũng sẽ ra đi, chẳng thể ở
mãi chốn này được dù là
không biết sẽ đi đâu? Tuy nhiên tới
khi ấy ai sẽ là người tiễn đưa
tôi?" Chỉ mới nghĩ tới chừng
đó thôi thì cả một cảm giác
ê chề. Lúc đi gần tới vòi nước
Khu 3, tiếng nhạc xập xình từ trong quán
René vang to ra tận bên ngoài "Hey, if we can't
solve any problems and why do we lose so my tears .. Every time you go away ..
everytime you go away ..!" qua giọng ca mạnh
và truyền cảm của Paul Young trong bản nhạc
"Every time you go away" khiến tôi tê tái.
Quang cảnh trại tị nạn trước mắt bỗng
nhạt nhòa. Những kẻ đưa tiễn cũng
đang lần lượt trở về. Lê thê, thất
thểu!
*
Hai
cha con tôi lẽo đẽo theo sau, vợ tôi cứ
đi tới đi lui lựa chọn tiệm ăn khiến
tôi sốt cả ruột vì không còn bao
nhiêu thời gian để trở về Mỹ nữa.
Thằng con thì đói, mặt bí xị
như "bánh bao chiều" dưới thời tiết
nóng, gắt, của phố Tàu ở Canada. Cuối
cùng chúng tôi vào đại quán Anh
Đào!
Dù
đã quá trưa nhưng quán vẫn còn
một số thực khách. Chúng tôi chọn lấy
một bàn phía trong gần counter. Bồi bàn
là một em trai nhanh nhẩu mang thực đơn chạy
ra. Tính sẵn trong bụng khi còn bên
ngoài nên tôi chỉ liếc sơ qua các
món ăn và chọn ngay phần của mình
đoạn đảo mắt khắp tiệm một
vòng. Cạnh bên một người trung niên cỡ
tôi với hai đứa nhỏ mà tôi
đoán chừng đứa con gái lớn năm
nay cũng ngoài mười tuổi, thằng con trai
thì chắc nhỏ hơn con tôi một tí
và cô gái kia nếu là vợ ông ta
thì quả có hơi chênh lệch vì
cô ấy chỉ trạc độ ngoài ba
mươi thôi.
Khi
người đàn ông ngẩng đầu
nhìn lên, tôi thấy ngờ ngợ quen mà
nhất thời không nhớ ở đâu. Chợt
người đàn ông cất tiếng hối
thúc cô gái:
-
Lẹ lẹ đi em, ticket đậu xe sắp hết giờ
rồi đó.
-
Nghe ba nói không con? Hai đứa ăn mau đi
đặng về. Người thiếu phụ lên tiếng
nói với hai đứa nhỏ.
Người
đàn ông nhìn đồng hồ rồi
ngó ra ngoài làu bàu:
-
Giờ này chạy về tới DC (Whashington DC) chắc
cũng mất bảy, tám tiếng!
Tôi
nhíu mày, bóp trán nghĩ ngợi mông
lung. Gương mặt người đàn ông
đã quen, giọng nói lại càng quen hơn
mà chẳng biết đã gặp ở nơi
nào? Tôi lục lạo ký ức, mớ
hình ảnh ngày cũ lộn xộn trong đầu
chẳng biết đâu mà mò. Lúc người
ta bưng thức ăn đến, mùi phở thơm
lừng lôi tôi ra khỏi vùng dĩ vãng tối
tăm thì gia đình bên cạnh đã rời
khỏi quán tự lúc nào rồi.
Sau
hơn hai giờ kẹt xe trong phố chúng tôi mới
tới được biên giới Mỹ và Canada.
Theo GPS thì chúng tôi phải qua Detroit của
Michigan rồi về Toledo và phải theo hướng
I-75 S để tới Dayton-Ohio. Dự trù sẽ đến
nhà lúc 12 giờ đêm nay, vậy là
còn tới sáu tiếng lái xe nữa.
Không mệt nhưng hơi buồn ngủ vì mấy
ngày nay đi nhiều về khuya tôi ngồi
thư giãn, buông thõng người, thả xe
trôi theo dòng xe đang đợi qua trạm trước
mặt. Có cả thảy tới gần cả chục
trạm kiểm soát mà vẫn kẹt cứng
vì số lượng người đổ qua Mỹ
quá nhiều. Và đường vô Mỹ
thì khi nào cũng bị xem xét gắt gao
hơn. Tuy nhiên các xe trước hàng tôi
chờ đợi được kiểm soát
tương đối dễ dàng nên có phần
nhanh hẳn lên. Thấy họ chỉ trình giấy
tờ rồi vài phút sau được cho đi
tôi thầm tiếc mình đã quá cẩn
thận và nghe theo lời khuyên của mọi
người mà không dám mua gì cả.
Hình ảnh màu vàng tươi của
xoài mà chỉ có mười đô một
thùng hay mãng cầu (trái Na) nở gai thơm
tho, ngọt ngào, mười đồng ba trái dọc
theo phố Tàu lúc xế chiều làm tôi
tiếc nuối. Nhưng tôi đã lầm! Bởi
tôi cứ tưởng xuất trình passport cho
người lính biên phòng là xong nào
ngờ ông ta hỏi lung tung như qua Canda làm
gì? đến đâu? ở đâu? đi bao
nhiêu ngày? bây giờ về đâu? có
mang trái cây, thịt hay rau cải gì không ..?
khiến hai vơ chồng tôi ú ớ trả lời
không giống nhau nên ông ta bước ra khỏi
chỗ ngồi, yêu cầu tôi tắt máy xe, ở
yên trong đó, đoạn ông đi ra mở cửa
sau xe lên kiểm soát. Đến chừng ấy
tôi mới thấy quyết định không mua
gì cả hồi chiều của vợ tôi là
đúng. Hú hồn!
Hai
tay mân mê tay lái (Steering), đầu óc lan
man, tôi thả hồn thơ thẩn theo đám
mây ngũ sắc đang trôi lơ lửng, mặt
trời to tròn đỏ ửng như cái
thúng nhuộm tím một góc trời.
Hoàng hôn đang xuống dần, trời chiều
thật đẹp. Tôi tà tà trên xa lộ
thênh thang sau khi ra khỏi trạm được một
lúc rồi bỗng nhiên trong đầu chợt
lóe lên hình ảnh một người.
Tôi buột miệng thảng thốt:
-
Ô, thằng Trung!
-
Ai? Trung nào? Vợ tôi ngó tôi, ngạc
nhiên hỏi.
Hình
ảnh người đàn ông trong quán hồi
trưa và Trung với Hương ngày nào
luôn âu yếm, tay trong tay dzung dzăng dzung dzẻ
ôm nhau đi tới đi lui bên trại tị nạn
hiện ra trong tâm trí tôi. Cả một trời
tị nạn với những hình ảnh ngày
xưa lần lượt kéo về. Tôi chép
miệng nhủ thầm "không biết bây giờ
cô ấy ra sao?" Tội nghiệp! Đời thật
nghiệt ngã! Thương nhau là thế! Yêu
nhau là thế mà cuối cùng lại chẳng
lấy được nhau mới thật là kỳ!
Hai mươi năm hơn đã trôi qua! Nghĩ tới
đó tự nhiên tôi cảm thấy đau. Một
nỗi đau vô hình xoáy mạnh vào tim.
Thôi,
niềm đau ơi! Xin hãy ngủ yên!
"Every time you go,
you take a piece of me with you! Every time you go, you take a piece of me with
you!" lại văng vẳng đâu
đây!
TRIỀU
PHONG
(TPN)
Ghi
chú:
-
Ghe "cào cào": Tên tiếng Phi là
Bangka. Cào cào là một loại ghe nhỏ, mỗi
bên có gắn thêm một thanh tre dài song
song với ghe và được nối vào ghe bằng
các thanh ngang, nhỏ, ngắn cũng bằng tre,
trông như cánh con cào cào, cho khỏi lật
hoặc chìm mà người Phi dùng để
chạy ven biển.
(Rose
Trịnh sưu
tầm và chuyển)