TUYẾT ƠI !
(Tác Giả: Lưu Vỹ Bửu)
1.
Có lẽ những
ai ở xứ sở nhiệt đới, Việt Nam chẳng
hạn, đều ao ước một lần được
nhìn tận mắt tuyết rơi, giơ tay hứng bông tuyết,
nhìn tuyết tan chầm chậm thành dòng rồi chảy xuống
theo kẽ tay. Đọc trong sách, xem trên phim thấy hình ảnh
những bông tuyết bay bay trong gió quả là tuyệt đẹp.
Nếu có một cô gái (hay anh chàng) nào đó "từng
bước, từng bước thầm" trong tuyết,
lòng lại nghe dâng lên nỗi cô đơn, lẻ loi
nhưng đẹp - đẹp một cách não nùng. Và nếu
đó lại là cảnh chàng và nàng dìu nhau trong tuyết thì
lòng lại nao nao, ước ao sao mình trở thành một nhân vật trong đó. Cảm
xúc lãng mạn không chỉ ở tuổi trẻ mà ngay các bậc
qua thời thanh xuân đã lâu cũng thấy bừng bừng
sống dậy.
Anh bạn tôi là một
nhà văn nổi tiếng, từng "than thở":
"Đi Tây đi Mỹ nhiều lần nhưng chưa lần
nào gặp được cảnh tuyết rơi". Anh kể,
có lần nghe dự báo sắp có tuyết, anh quyết định
thay đổi chương trình, ráng ở lại chờ
xem cảnh tuyết rơi. Chờ mãi cũng không thấy
(dự báo mà). Đến lúc phải đi thì tuyết
rơi thật. Tuyết thì ai chẳng biết, nói gì anh,
nhưng cảnh thật vẫn hấp dẫn hơn trong
sách, trên phim. Và, cũng muốn biết cảm giác của
mình thế nào khi tuyết rơi xuống tay, lọt vào cổ
áo.
Mà đâu chỉ có
anh bạn ở Việt Nam "tặc lưỡi" nuối
tiếc, một vài người bạn của tôi định
cư ở Mỹ ngót nghét hai chục năm, cứ loanh
quanh tiểu bang California, bận bịu cơm áo, cũng
chưa một lần đi xa để ngắm nhìn cảnh
tuyết rơi. Nghe tôi tả oán, than lạnh, các anh
"ước ao": "Sướng
vậy mà than nỗi gì! Đây thèm một lần nhìn tuyết
rơi mà không biết bao giờ mới toại nguyện.
Đã vậy, ở đây nắng nóng muốn chảy cả
mỡ ..". Thì ra, cái sướng của
người này lắm khi là cái khổ của kẻ khác;
cái chán của nơi này lại là cái mong chờ ở
nơi kia ..
2.
Ngày xưa, không hiểu
duyên cớ gì mà bài hát Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng,
nhạc Phạm Duy) cứ "ám ảnh" hoài trong trí nhớ.
Chẳng biết có phải do Paris lãng mạn hay vì cảnh
chia tay trên "ga Lyon đèn vàng" quá đẹp đến
độ tôi ngây ngô, từng mong mỏi rằng, nếu vì
lý do nào đó phải chia tay nhau thì xin được chia
tay trên sân ga giữa mùa tuyết rơi. "Tuyết rơi mỏng manh buồn;
Ga Lyon đèn vàng; Cầm tay em muốn khóc; Nói chi cũng muộn
màng ..". Hình ảnh nào cũng gợi lên nỗi
sầu ly biệt: Tuyết mỏng manh rơi như muốn
níu trời đất lại, không nỡ để người
rời nhau. Đèn ở ga vàng vọt, chưa đi đã gợi
nhớ thương nên bịn rịn quyến luyến,
lòng tê tái, nói bao nhiêu lời cho đủ? Đã vậy, nhìn
cảnh "Tuyết rơi phủ con tàu; Trong
toa em lạnh đầy; Làm sao em không rét; Cho ấm mộng
đêm này .." thì tâm trạng càng thêm
não nề, yêu thương càng thêm sâu nặng cho người
ở lại. Nghĩ lại, nếu hôm "tiễn em về
xứ mẹ" diễn ra lúc bình minh hay giữa nắng
nóng thì có lẽ .. không có bài thơ này. Tuyết như một
chất xúc tác để sự chia xa thêm nặng trĩu
trong lòng.
Cũng vì ca khúc này
mà lần đầu tiên chạm mặt với tuyết,
tôi như trẻ nhỏ được quà. Mặc cho gió lạnh,
tôi lao ra giữa trời, ngửa mặt hứng bông tuyết,
nghe cảm giác lạnh lạnh buồn buồn khắp
người. Nắm tuyết mịn màng trong tay, nhúm một
chút tuyết cho vào miệng, giẫm lên tuyết lạo xạo,
.. tôi làm tất cả (ngoại trừ nằm lăn trên
tuyết như sau này tôi thấy mấy đứa trẻ
người Mễ lấy tấm nhựa làm ván trượt
tuyết, té lăn lông lốc từ trên cao xuống) để
cảm nhận một cách đầy đủ về tuyết.
Chăm chú nhìn từng bông tuyết nằm trên cây đang dần
đóng băng hay ngắm những mái nhà tuyết phủ trắng
xóa tôi nhận ra rằng, cái màu trắng của tuyết quả
là tinh khôi nhưng thật .. lạnh lùng. Nó gợi lên cảnh
tiễn biệt và cô đơn.
3.
Sự háo hức
khi lần đầu gặp tuyết, sống chung với
tuyết không mất đi trong tôi. Bây giờ vẫn vậy
nhưng sự thi vị thì giảm đi theo từng ngày, từng
giờ tuyết rơi. Hoa hồng mới nở lúc nào cũng
rực rỡ, đẹp đẽ nhưng khi từng cánh
hoa bắt đầu héo úa thì mới thảm não làm sao. Tuyết
cũng vậy!
Sự thi vị do
tuyết mang lại mất đi trước hết là khi
sáng mai ra, đi làm sớm và đôi giày mang từ quê nhà qua
đã lên tiếng cho sự thiếu cẩn trọng của
tôi bằng một cú trượt đau điếng khi giẫm
lên lớp tuyết đã đông thành đá từ bao giờ.
Sự ê ẩm chưa kịp hết thì "bài học"
thứ hai lại đến khi tôi lùi xe ra đường.
Con đường êm ái hôm qua đã biến thành sân trượt
patin và chiếc xe tôi cầm lái như con ngựa bất
kham, lúc thì quay tít mù bánh mà chẳng chịu chạy; lúc thì
tôi muốn quẹo phải, xe thì thích sang trái; gặp
đèn đỏ, tôi thắng thì xe chẳng chịu dừng,
cứ tiếp tục lăn về phía trước. Kinh
nghiệm chạy xe giữa trời tuyết rơi và lúc
đường đông đá của tôi là con số không to
tướng nên trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống
dưới 20°F mà tôi mồ hôi lại rịn rịn trên
trán.
Đó là những
con đường "lô-cồ". Lên tới freeway thì
đỡ hơn. Xe xúc tuyết đã dọn sạch tuyết
trên đường nên xe cộ đi lại dễ dàng. Vậy
nhưng, nhìn những đống tuyết bên đường,
sự thi vị của tuyết tiếp tục mất
đi trong tôi. Nghe nói, ở tiểu bang này, trước
đây người ta rải muối để chống
đông đá, sau này sợ muối làm rỉ sét gầm xe và
hình như cũng do ngân sách quá eo hẹp nên người ta
dùng cát rải dày một lớp trên tuyết rồi cho xe ủi
vào hai bên đường. Thế là những bông tuyết trắng
xóa, mềm mại, lãng mạn đã biến thành một
đống hỗn hợp xám xịt, ố vàng dơ bẩn.
Đã vậy, những đống tuyết đó người
ta lại "quên" dọn dẹp, để lưu cữu
cho đến khi trời nóng lên, tan dần ..
Năm nay, tuyết
rơi sớm hơn mọi năm. Ngồi trong quán cà phê
Panera nhìn ra, những bông tuyết bay bay trong gió, lòng tôi lại
háo hức như ngày đầu và dâng lên nỗi nhớ quê
da diết.
Lan man, tôi chợt
nhớ đến cô Sáu chè và thím Bảy. Cô Sáu bán chè từ
lâu lắm, khi tôi còn là cậu bé lên năm, đã thấy cô
gánh chè đi bán. Chè cô nấu thật ngon nhất là chè đậu
ván, chè đậu xanh đánh. Cô dùng vải áo giáp của nhà
binh, may thành chiếc túi, bỏ đá cục vào rồi dùng
một chiếc chày đập cho đá vỡ vụn ra. Dù
cô đã gắng hết sức nhưng đá vẫn còn lổn
nhổn nên ly chè đậu xanh đánh mất ngon đi ít
nhiều. Còn thím Bảy, hàng xóm của gia đình tôi, thì
"hiện đại" hơn một chút. Thím dùng cái
bào của ông thợ mộc, lật ngửa lưỡi dao
lên, đặt cục đá vào mà bào. Đá bào của thím Bảy
đỡ hơn đá đập của cô Sáu nhưng ly
chè rất ngon của thím cũng giảm đi hương
vị. Tâm hồn ăn uống của tôi trỗi dậy
giữa trời tuyết thật vô duyên nhưng biết làm
sao được! Tôi ao ước có ly chè của cô Sáu hay
của thím Bảy để rồi đưa tay ra hứng
lấy những bông tuyết ngoài kia, bỏ vào khuấy thật
đều. Tôi sẽ múc từng muỗng nhỏ,
đưa vào miệng, ngậm thật lâu để nghe tuyết
tan ra. Mùi đậu xanh thơm nồng, ngọt ngào giữa
cái lành lạnh và mịn màng của tuyết.
Ly chè nhất định
sẽ ngon tuyệt, tuyết ơi!
LƯU VỸ BỬU
(T.T.K.D sưu tầm và chuyển)