ĐI
HÁI BÒN
BON
(Cung Diễm)
Sàng đầu
lưu Bắc phiến
Giang thượng
lạc Nam Trân
TÚ QUỲ
Nói đến bòn
bon, lẽ ra phải nói rằng bòn bon thuộc họ nào và
tên khoa học gọi là gì thì mới đúng bài bản
nhưng lại nghĩ rằng đã có những nhà thực
vật học làm cái việc ấy nên cái khoản mà mình không
rành hay nói đúng hơn là không biết thì cứ "dựa
cột" là chắc ăn.
Người Quảng
Nam ít ai gọi là bòn bon mà đa số đều gọi là lòn bon, ngay
trong câu hát ru em từ thế hệ này đến thế hệ
khác cũng cứ:
À ơi lụt nguồn trôi trái Lòn bon
Cha thác mẹ còn nên chịu chữ mồ
côi.
Cây bòn bon không phải
riêng ở Quảng Nam mới có mà trong miền Nam cũng rải
rác ở miệt Tây Ninh nhưng có điều trái bòn bon
trong Nam nhỏ mà lại chua tuy không đến nỗi chua
"lét" nhưng so với bòn bon Quảng Nam thì thua xa. Quảng
Nam có hai nơi có loại quả này là vùng rừng thuộc
huyện Đại Lộc và huyện Quế Sơn, tuy
nhiên cây bòn bon ở Quế Sơn chỉ có một ít gần
các nơi người Thượng ở như Làng Da và
Làng Rô. Ở miệt này cứ đến mùa bòn bon là dân các
làng như Dùi Chiêng, Bình Yên, Phú Gia cứ mang muối, rựa
vào đổi bòn bon đem về ăn hoặc bán. Bòn bon ra
trái từng chuỗi chứ không từng chùm như nho, khi
chín có màu vàng nhạt như mỡ gà nom rất đẹp.
Quả có từng múi, mỗi múi mang một hột bên trong.
Hạt bòn bon rất đắng nên khi ăn ta chỉ nhấp
nhấp để thưởng thức cái mùi vị
thơm ngọt của bòn bon rồi nuốt luôn cả hột
bởi vì không tách riêng được múi với hạt.
Đặc biệt ở làng Dùi Chiêng có nhiều người
đã đem cây bòn bon về trồng ở vườn nhà
cùng với các loại cây ăn trái khác. Nổi tiếng nhất
là vườn bòn bon của bà Bát Lợi, nhờ chăm sóc,
cây xum xuê, cho nhiều quả và ngọt không kém mấy so với
bòn bon rừng.
Nếu so với
bòn bon Đại Lộc thì Quế Sơn chẳng thấm
vào đâu. Đại Lộc từ ngã sông Con đi lên có nhiều
cây bòn bon mọc thành rừng và nổi tiếng ngon. Nếu
Hưng Yên có nhãn ngon để "tiến" vua - gọi
là nhãn tiến = thì quả Nam Trân của Quảng Nam cũng
chẳng chịu nhường. Tương truyền rằng
khi Đức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn tức vua
Gia Long khi còn chống với Tây Sơn đã có lần nhờ
trái bòn bon của Đại Lộc để đỡ
đói trên bước đường bôn tẩu. Các ông bà
già lão còn nói rằng trong múi của trái bòn bon có một vết
bấm đó là vết móng tay của vua khi xưa. Lúc còn bé,
mỗi lần ăn bòn bon là tôi cố tìm cho được
cái vết ấy để rồi vênh mặt lên kể cho
mấy thằng bạn hàng xóm về cái "hiểu biết"
của mình. Quả là .. trẻ con.
Như đã nói
trên, bòn bon Đại Lộc mọc thành rừng, dân chúng
không được vào ra trừ dịp vào hái trái khi bòn bon
đã chín. Để bảo vệ khi còn Pháp thuộc - huyện
sở tại chọn một người tại địa
phương làm chức Quản Viên để coi sóc. Mỗi
năm khi đến mùa hái quả Quản Viên hái một ít
mang trình quan huyện sở tại, huyện lại
đưa về Tỉnh để xem xét, việc làm này gọi
là "chạy kiểu". Khi quan Tỉnh thấy bòn bon
đã thu hoạch được thì thông sức cho địa
phương chọn hái những loại ngon, ngọt, lớn
trái đóng vào những giỏ lớn mang ra Huế dâng Vua.
Xong việc này, huyện địa phương báo cho Quản
Viên biết là thông sức cho xã biết ngày giờ nhập
viên để hái quả. Khi được thông báo, dân chúng
ai muốn đi hái thì chuẩn bị cơm ghe bè bạn,
ngược sông Con để đến nơi ấn định
mà Quản Viên đã cho biết. Sông Con là một nhánh sông nhỏ
chảy xuống từ Thượng nguồn huyện
Thượng Đức và gặp sông Thu Bồn ở Giao
Thủy để cùng đổ ra cửa Đại Chiêm.
Đã là sông Con nên càng về thượng nguồn càng hẹp
dần. Tất cả những ghe thuyền đi hái bòn bon
đều dừng lại ở thác Trưởng để
đợi lệnh nhập viên, Thác Trưởng không chảy
xiết lắm và có một loại cây mọc dưới
nước gọi là Rì ngang qua sông từ bờ này đến
bờ kia. Có nhiều đàn khỉ cứ nương theo
cây rì để qua sông kiếm ăn, do đó dân địa
phương mới gọi là Thác Trưởng, thậm chí
còn gọi là thác ông Trưởng chỉ vì muốn tránh tiếng
khỉ nên gọi né đi. Sở dĩ như thế vì giống
họ nhà khỉ vốn liếng thoắng, tọc mạch
phá phách nên dân quanh vùng không dám gọi đích danh. Khi không có
người trong thuyền, họ hàng nhà khỉ rủ nhau
vào lục lạo từ niêu cơm, trả cá, thức gì
ăn được thì chúng giành giựt nhau chí chóe, cái gì
không bỏ vào mồm được như con dao, cái rựa
.. chúng bèn quăng tung cả xuống sông. "Ông Trưởng".
Té ra những loại chuyện phá hại nồi cơm chén
mắm của dân chúng đều được dân chúng tôn
bằng Ông cả. Ông Cọp, ông Voi, ông Trưởng, ông Tí,
ông Sói .. và còn rất nhiều "ông" khác nữa.
Những người
đi hái bòn bon đều chuẩn bị gồng gánh và một
cái "xà lắc" còn gọi là cái "gùi" mang sau
lưng để đựng khi leo lên cây. Vào giờ Dần,
khoảng từ 4 đến 6 giờ sáng, ngày đã định,
Viên Quản Viên cho đánh một hồi lại ba dùi trống
lớn, tan hồi trống, mọi người ùa nhau vào
vườn đề mong vớ được những
cây sai quả. Có điều không phải tất cả
đều là cây bòn bon mà còn có các loại cây khác mọc chen
vào. Vào cái giờ ấy, giờ Dần, trời chưa tờ
mờ mà rừng cây lại rậm rạp thì cứ kể
như là còn tối như om, nên mọi người sờ
soạng và ôm đại một gốc để choán phần
rồi chờ sáng rõ mới trèo lên để hái. Vui nhất
là những người chưa có kinh nghiệm cứ ôm
khư khư một gốc cây đến khi sáng ra xem lại
thì chẳng phải là cây bòn bon mà lại là một cây rừng
khác. Người có kinh nghiệm khi ôm gốc cây lúc trời
còn tối đều gặm vỏ cây nếm thử để
xem có đúng là cây bòn bon hay không, nếu chẳng phải thì
lập tức tìm một cây khác. Người dân Quảng
Nam vốn ăn chắc mặc bền, tính bộc trực
có răng nói rứa nhưng rất tốt bụng, có
điều khi tranh luận điều gì thì "phe ta"
nhất định phải cho ra ngô ra khoai mới chịu.
Quảng Nam hay cãi là thế. Những người không may vớ
phải những cây không phải là bòn bon dĩ nhiên là không
hái được để mang về thì được
bà con chia cho mỗi người một ít nên không đến
nỗi phải đi không về rồi.
Thế rồi tại
các chợ như Ái Nghĩa, Quảng Huế, Phú Thuận,
Phường Đông .. đều có bòn bon do các người
đi hái được mang về bán. Lại có người
không đi hái được thì bỏ tiền mua sỉ
để xuôi về Hội An trước là bán kiếm lời
sau lại có dịp thưởng thức một vài tô Cao Lầu,
Hoành Thánh, hai món nổi tiếng của Faifo hoặc ít ra cũng
"làm" một bụng "mì ghe" - mì bán trên sông -
để nghe giọng rao ngọt lịm của cô hàng: A ..
a .. a .. i .. mì .. hô .. ô .. ông.
Đây là chuyện
đi hái bòn bon vào những năm xưa dễ chừng non
nửa thế kỷ, còn về sau này thì không còn như thế
nữa. Thời cuộc thay đổi, rừng núi cũng
đổi thay, lớp người trẻ nghe kể lại
cứ há mồm, vểnh tai như nghe một Chuyện Cổ
Tích. Hiện thời, bòn bon Đại Lộc vẫn còn
nhưng không tú mậu như thuở xa xưa. Cây cằn cỗi,
trái nhỏ đi, đến mùa quả chín, chính quyền
địa phương cho đấu thầu, ai đấu
được thì vào rừng thu hoạch rồi lại mang
đi Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Hội An để
bán kiếm lời và cũng kiếm một số bòn bon hoặc
để cho bạn bè, biếu xén và cũng để cho
con cháu ăn tóp tép .. vui mồm.
CUNG DIỄM
(Rose KD sưu tầm và chuyển)