NGƯỜI HÀNH KHẤT và CON CHÓ
(Vĩnh
Khanh)
***
Lão Chột trở mình thức giấc,
trên trán còn ướt đẫm mồ hôi. Trong giấc
chiêm bao vừa rồi lão thấy lại hình ảnh người
vợ hiền năm xưa đang ẵm đứa con từ
xa giơ tay vẫy vẫy. Lão thấy rõ ràng vợ con ngay
trước mặt mà sao chạy hoài không tới và cuối
cùng hình ảnh vợ con lão nhạt nhòa dần. Lão vừa
chạy vừa cất tiếng gọi tên vợ con thảm
thiết nhưng hình như bà ta không nghe và tiếp tục mờ
nhạt dần cho đến khi biến mất, cũng vừa
đúng lúc lão giật mình thức dậy. Không biết
đây là lần thứ mấy trong giấc chiêm bao lão
mơ thấy vợ con. Nằm thêm một lúc không thể
nào ngủ lại được, lão chống tay ngồi dậy
nhìn bâng quơ ra ngoài đường, đầu óc cố
nhớ lại hình ảnh thân yêu của vợ con trong giấc
mơ khi nãy, con mắt còn lại của lão hình như còn
đọng một giọt nước mắt. Giơ tay dụi
mắt lão ngửa người dựa lưng vào bờ
tường cửa hàng bách hoá, nơi lão chọn làm chỗ
ngủ mỗi đêm. Hình ảnh vợ con thỉnh thoảng
cứ hay về quấy phá trong giấc ngủ và chỉ có
điều này mới có thể làm sống lại tình cảm
trong con người khô cằn của lão.
Sau những giấc mơ như vậy,
hình ảnh trong quá khứ lại quay về khuấy động
tâm tư và làm đau lại vết thương lòng đã
liền da từ lâu của người ăn mày khốn khổ
này. Lão Chột trước đây cũng là một người
lành lặn và có vợ con như mọi người khác. Thời
VNCH, lão đi lính địa phương quân cấp bậc
binh nhất, đóng ở một quận lỵ thuộc tỉnh
Chương Thiện. Ngoại trừ những bữa phải
trực đêm, còn lại thì ngày ngày tới giờ xách súng
đi gác ở trước quận. Nhiệm vụ mở
cổng cho xe chạy ra chạy vô, gặp ông nào đeo lon sĩ
quan thì giơ tay chào kính cho đúng điệu nhà binh, thế
thôi. Hết giờ thì đổi gác đi về. Nói chung chỉ
là một thứ lính làm kiểng. Tại đây lão quen và lập
gia đình với một cô gái bán rau cải ở chợ.
Cuộc sống của hai vợ chồng thật bình dị
nhưng rất hạnh phúc, nhất là sau khi đứa con
trai kháu khỉnh của họ chào đời. Tuy nhiên sống
ở thời chiến tranh, mọi chuyện không ai có thể
biết trước được. Con trai vừa mới
ra đời không bao lâu thì một đêm cả nhà đang
say ngủ, đạn pháo kích rót vào ngay khu vợ chồng
lão đang ở. Kết quả tất cả người
thân của lão: Cha mẹ già, vợ và đứa bé sơ
sinh chết ngay tại chỗ. Còn riêng lão bị phỏng nặng
và nhiều thương tật khác trên cơ thể. Người
ta đưa lão vào bệnh viện cấp cứu sau một
đêm bị kẹt dưới căn nhà đổ nát. Các
bác sĩ đã tận tình cứu chữa và cứu sống
được mạng lão, nhưng thân người bị
co rút nhiều chỗ vì phỏng. Mắt trái bị mù và chân
phải tuy được lắp vào một thanh sắt
nhưng cũng bị khập khiễng suốt đời.
Lão đã như một người điên loạn sau tai nạn
thảm khốc và sự mất mát lớn lao này. Suốt
ngày cứ kêu gào nguyền rủa đất trời và chửi
bới cả những người đã cứu mình rằng
tại sao cứu sống lão làm gì, không để lão chết
theo gia đình vợ con .. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng
thương tâm.
Sau khi rời bệnh viện với
thân thể tàn tật, sức khoẻ yếu đuối.
Không còn ai là thân nhân. Số tiền chính phủ trợ cấp
tuy cũng đủ cho lão có thể làm vốn sinh sống
bằng cách mua bán tạp hóa nhỏ. Nhưng về lại
chốn cũ, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh cha mẹ,
vợ con đã chết thảm thiết, càng khiến lão
đau lòng thêm nên sinh tật uống rượu say sưa
suốt ngày .. Dần dần tiền bạc hết sạch,
lão bán luôn nền nhà, rời bỏ quận lỵ hiền
hoà, bỏ lại sau lưng những hình ảnh hạnh
phúc gia đình xa xưa .. Hành trang mang theo bên mình đơn
giản chỉ là nỗi đau thương chất ngất
.
Lý do dẫn dắt lão vào con
đường ăn xin kế tiếp đó, không khó
đoán cho lắm. Tiền bạc tiêu xài hết, thân thể
lại tật nguyền không ai muốn thuê mướn ..
Lão lang thang khắp nơi. Người ta thường thấy
lão la cà xin ăn ở các chợ búa, rồi trôi dạt
đến bắc Cần Thơ, bắc Mỹ Thuận ..
cuối cùng lưu lạc lên tận Saigon. Không ai biết
tên lão là gì. Nói cho cùng thì đâu ai để ý tới tên tuổi
một người ăn xin? Chỉ có mấy đứa
con nít thấy lão tật nguyền thỉnh thoảng trêu chọc
gọi là "Lão Chột". Riết rồi danh xưng
này nghiễm nhiên trở thành như một cái tên thực thụ
của lão. Nhiều khi đi xin cả ngày không ai cho gì cả.
Bụng đói meo, lão phải đến những quán ăn
chờ người ta ăn xong, vào chộp vội những
tô bát trên bàn vét chút thức ăn thừa mứa cho đỡ
đói, bị chủ quán thẳng tay xua đuổi,
đánh đập. Mỗi khi nhớ tới những lúc khốn
khó đó, nước mắt tự nhiên ứa ra trên con mắt
còn lại của lão.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xảy
ra ảnh hưởng đến toàn miền Nam nhưng
hình như không ảnh hưởng đến lão Chột
nhiều cho lắm. Đã là một người đi
ăn xin thì dù ở chế độ nào cũng có gì khác biệt
nhiều đâu?? Lúc thiên hạ ở khắp nơi bồng
bế nhau chạy nạn súng đạn, lão cũng vẫn
dửng dưng không lo lắng gì cả. Lão chỉ theo
đoàn dân tị nạn mục đích để xin ăn
thôi .. rồi cũng được cho vào khu tạm trú do
chính quyền VNCH dựng lên. Thật tình nói, mấy ngày giặc
giã này đâm ra lão lại được no đủ
hơn những ngày thường. Ngoài thực phẩm
được phát, lão còn được cả quần áo
và những đồ dùng khác nữa. Cho nên mặc ai lo âu gì
thì lo, lão cứ tỉnh bơ.
Cuộc đổi đời xảy
ra. Cộng Sản lên nắm chính quyền. Đối với
lão cũng chẳng có gì thay đổi. Ngày ngày lão cũng vẫn
phải đi ăn xin. Chế độ mới cũng chẳng
giúp được gì cho những người như lão hết.
Đối với bọn ăn xin như lão, mấy chữ
Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc .. gì gì đi nữa
thì cũng chỉ là những danh từ rỗng tuếch và
hoàn toàn vô nghĩa. Cuộc sống của lão dù ở chế
độ nào thì cũng thế. Thời VNCH lão cũng
đi ăn xin. Bây giờ Cộng Sản lên nắm chính quyền
thì lão cũng đi ăn xin chứ có khác gì đâu? Chế
độ nào cũng hô hào cho dữ, la cho to .. nhưng những
chuyện đó dành cho ai khác chứ không phải cho bọn
khốn khổ ăn mày như lão. Bởi vậy mỗi
ngày lão đi dưới cờ xí rộn ràng và những biểu
ngữ thật kêu nhưng lòng lão thật dửng dưng.
Đối với lão tất cả những thứ đó
đều là vô nghĩa!
Tuy nhiên đi ăn xin cũng đâu
phải là yên. Bọn hành khất như lão cứ bị
đuổi lên đuổi xuống hoài. Nhiều biểu ngữ
hô hào cho chiến dịch "Quyết tâm làm sạch
đường phố" treo khắp nơi và bọn
công an được lệnh thẳng tay xua đuổi những
người được coi như đang làm dơ bẩn
đường phố: Trong đó có những người
bán hàng rong bị xem là lấn chiếm lòng lề đường,
những kẻ tật nguyền ăn xin như lão thì bị
xem như là thành phần cặn bã, ăn bám xã hội .. chỉ
làm xấu bộ mặt thành phố chứ chẳng ích lợi
gì!. Như vậy hóa ra bọn ăn mày như lão đồng
nghĩa với một thứ rác rưới nào đó không
hơn không kém.
Có lúc bị xua đuổi quá, bụng
thì đói meo. Lão đã không còn dằn được lên tiếng
chưởi lại bọn công an, không sợ gì cả:
- "Tổ mẹ tụi bây. Tao
đi ăn mày lòng thương hại của bá tánh chứ
có mắc mớ gì tới mả mẹ tụi bây mà tụi
bây xua đuổi. Cấm không cho tao đi ăn xin thì phải
cho tao ăn cái gì chứ . Tụi bây chỉ biết đuổi
tao đi khơi khơi thì lấy gì tao ăn. Sao không bắn
một phát vô đầu cho tao chết mẹ luôn cho rồi.
Tổ mẹ tụi bây. "
Bọn công an thấy lão già ăn mày
liều mạng quá nên cũng giả vờ không nghe thấy.
Chỉ hù dọa cho lão bỏ đi. Những cảnh
như thế diễn đi diễn lại hoài. Hễ bị
công an đuổi đầu này, lão lại trốn chạy
đi đầu khác xin ăn tiếp. Cứ thế lão và
những người hành khất khác sống lây lất hết
ngày này qua ngày khác với một kiếp sống cơ cực
đáng thương.
Trời bỗng đổ mưa. Một
vài hạt mưa lất phất theo gió lùa vào tận nơi
lão chọn nằm ngủ như trêu chọc người
hành khất khốn khổ. Phía ngoài đường vẫn
vắng teo. Lão Chột ngoác miệng ra ngáp rồi ngó mông
mênh ra bên ngoài. Giờ này chắc cũng gần sáng rồi
chứ không ít. Ngồi lâu cảm thấy mỏi mệt,
lão lại nằm xuống lắng nghe tiếng mưa tí
tách êm tai, cố ngủ thêm một chút. Bỗng đâu
đó có tiếng kêu của một con chó con. Ban đầu
lão không để ý, nhưng càng lúc tiếng kêu của con
chó càng thảm thiết quá.
- "Chó nhà ai mà đi lạc vào giờ
này vậy??"
Lão Chột vừa lẩm bẩm vừa
ngồi dậy nhìn dáo dác hai bên vỉa hè. Không thấy gì cả!
Qua ánh đèn đường, hai dãy phố hoàn toàn vắng
vẻ. Lão đứng dậy, lấy cái nón rách trong túi vải
đội lên đầu và bước dọc theo vỉa
hè nơi có tiếng kêu của con vật vọng tới.
Lão chậm rãi đi tìm cẩn thận từng chỗ, thì
phát hiện một con chó con đứng nép vào góc tường
dưới mái hiên của một cửa hàng. Con vật
ướt mem đang run rẩy kêu rên những tiếng bi
thảm. Lão Chột vội ẵm con vật về, lau khô
lông và quấn vào người nó một miếng giẻ
rách. Sau đó lấy trong túi vải ra một mẩu bánh mì
nhỏ mà lão để dành lúc tối, nhai từng miếng
nát nhừ hết rồi đút cho con vật. Tội nghiệp!
Có lẽ nó đói lắm nên ăn ngon lành. Lão thì thầm nói
với con chó:
- "Con đi đâu mà bị lạc
cho khổ vầy hả?".
Con vật ăn xong liếm liếm
vào tay lão ra chiều thân thiết và biết ơn lão đã
săn sóc cho nó.
Tự nhiên một cảm giác ấm
áp vô hình dâng lên trong lòng người hành khất già. Từ bấy
lâu nay lão chỉ thui thủi một mình. Ai nấy đều
tránh né lão như tránh né một người bị bệnh
truyền nhiễm. Một vài đứa trẻ và thậm
chí đôi khi có cả người lớn thường hay
trêu chọc hoặc ném đá vào lão. Do thế mỗi ngày
ngoài việc phải lên tiếng xin xỏ lòng thương
hại của những người qua đường, còn
lại thì gần như lão không nói chuyện với ai, kể
cả những người hành khất khác. Những
đêm khuya trăn trở không ngủ được,
đôi lúc lão cảm thấy cô đơn vô cùng. Thà là có
người nào đó ghét bỏ, thù hận lão .. ít ra như
vậy người đó vẫn còn "nhớ", còn
"nghĩ" tới lão để mà ghét bỏ, thù hận.
Đàng này mọi người ai nấy đều "thờ
ơ" với lão. Sự hiện hữu hay không hiện
hữu của lão trên cõi đời này không ai thèm quan tâm.
Chao ôi! Cái cảm giác cô đơn đó mới đáng sợ
làm sao!!
Bỗng dưng bây giờ khi ẵm
con chó nhỏ vào lòng và nhìn nó liếm bàn tay của mình ra chiều
thân thiết, lão thấy an ủi và xúc động lắm.
Lâu lắm rồi lão không có được cảm giác thân
thiết này. Trong một thoáng, con vật nhỏ bé trong lòng
lão không còn là một con vật nữa. Mà đó là một
"con người", một sinh vật huyền diệu
ơn trên vừa ban xuống để an ủi lão. Con mắt
còn lại của lão nhấp nháy, rơi xuống một giọt
nước mắt hồi nào không hay. Lão nhìn con vật bằng
ánh mắt tràn đầy yêu thương, trong đó đang
lóe lên một tia lửa đủ sưởi ấm tâm hồn
từ lâu đã giá lạnh của lão.
- "Con ngoan, từ nay Ba sẽ
săn sóc cho con. Cha con mình có gì ăn nấy nghe con."
Lão vuốt ve trên đầu con chó một
cách trìu mến và thì thầm nói với con vật như
đang nói với đứa con bạc phước đã sớm
qua đời của lão. Con vật như cảm nhận
được sự thương yêu đùm bọc và cảm
thấy an toàn trong lòng của người hành khất già,
nên sau khi ăn no nó tựa cái đầu nhỏ xíu lên bàn
tay của lão và ngủ ngon lành. Nhìn con chó ngủ say sưa,
lòng lão thấy ấm áp hẳn lên:
- "Ngủ ngoan đi con. Từ
nay sẽ không ai ăn hiếp được con đâu. Ba
sẽ nuôi con đàng hoàng nghe."
Đặt nhẹ con vật lên tấm
giẻ rách, lão Chột ngồi yên lặng ngắm nhìn nó ngủ.
Từ lâu lắm rồi lão chưa hề thấy lòng mình
vui như vậy. Cơn mưa chấm dứt hồi nào
không biết. Bên ngoài trời đang sáng dần và trong lòng
lão Chột cũng đang hé lên ánh bình minh.
Lão Chột về tới khu phố
quen thuộc nơi lão chọn làm chỗ ngủ qua đêm
thì trời đã khuya lắm rồi. Hai bên đường,
những quán tiệm hầu như đã đóng cửa hết.
Lẽo đẽo theo sau là con chó Vàng trung thành. Nhìn dáng
đi xiêu vẹo của người hành khất và điệu
bộ của con chó, người ta cũng có thể
đoán được cả hai chủ tớ đều mệt
mỏi lắm. Mấy lúc gần đây lão Chột đã
tìm được một chỗ trú ẩn mới khá
hơn ở những vỉa hè trước đây. Đó là
một công trường xây cất lớn đang bị tạm
đình chỉ vì nghe đâu có sự tranh chấp gì đó giữa
chủ công trường và chính phủ. Đối với
Lão Chột thì có cần gì biết đến những chuyện
tranh chấp đó. Miễn kiếm được chỗ
an toàn tạm trú qua đêm là tốt lắm rồi. Để
vào được chỗ này mà không bị ai phát giác lão phải
về thật tối, vạch một lỗ hổng ở
hàng rào chui vào, lão chọn một góc khuất và kín đáo nhất
của một tòa nhà đang xây cất dở dang làm chỗ
ngủ mỗi đêm để tránh mưa gió. Chỗ ở
này quả thật lý tưởng cho những người
vô gia cư như lão. Lại có cả vòi nước đặt
sẵn nên lão và con chó có thể lén tắm rửa mà không ai
biết. Thật là tiện lợi.
Lão Chột cảm thấy khoan khoái
khi ngồi xuống dựa lưng vào vách tường toà
nhà. Con chó đến nằm sát bên chủ ngước đầu
lên chờ đợi. Lão lấy trong túi vải ra một ổ
bánh mì thịt đã mua trên đường về. Đây là
buổi ăn tối của người hành khất già và
con vật. Lão Chột vừa chậm rãi ăn, vừa thỉnh
thoảng bẻ một miếng đưa cho con chó. Ánh sáng
hiu hắt từ đèn đường bên ngoài hắt vào,
soi bóng lão Chột và con chó lên trên nền tường với
những cử động trông giống hệt như một
đoạn phim hoạt họa! Một người và một
vật lặng lẽ ăn. Thỉnh thoảng có tiếng
lão Chột nói chuyện với con chó như nói chuyện với
một người thật: "Xuỵt! xuỵt! Từ từ
con .. Nè ăn đi .. Giỏi! Giỏi! Mai có nhiều Ba cho
con nhiều hơn nghe .. Ngon không con .. Thôi! Hết rồi,
mai ăn tiếp. Bây giờ chuẩn bị đi ngủ
nghe .."
Lão với lấy cái bình nhựa
đựng nước trong góc, đổ một ít vào cái
bát cho con chó, rồi ngửa cổ uống mấy ngụm.
- "Thôi! No đủ rồi. Bây giờ
ngủ đi. Ba cũng mệt quá rồi!"
Lão xoa xoa đầu con chó rồi ngả
người nằm lên miếng carton lớn được
xé ra từ một thùng giấy. Sau một ngày lang thang ngoài
đường. Lão Chột cảm thấy khoan khoái vô cùng
khi nằm dài trên miếng carton. Con chó nằm bên cạnh liếm
liếm vào mặt chủ trong khi lão vỗ vỗ nhẹ
vào mình nó. Được một lúc cả hai rơi và giấc
ngủ.
Mới đó mà đã hơn một
năm rồi. Con chó nhỏ ngày nào bây giờ đã to lớn
với bộ lông vàng mượt mà rất đẹp. Cũng
vì màu lông của con chó mà lão Chột đặt tên con vật
là "Vàng". Kể từ hôm bắt gặp nó đi lạc,
lạnh cóng trong mưa. Mỗi ngày lão Chột dẫn nó theo
ăn xin. Những lúc xin được tiền hoặc thức
ăn đầy đủ thì "hai cha con" ăn no.
Còn hôm nào đi xin không được nhiều lão vẫn
để cho con vật ăn trước, còn dư lại
thì lão mới ăn, không thì lão chịu nhịn đói, uống
nước lạnh cho qua bữa đó, chứ không để
cho con vật bị đói. Lúc chưa tìm được chỗ
mới này, dù ở trong điều kiện khó khăn, ngay
cả lão ít khi có dịp được tắm rửa,
nhưng thỉnh thoảng lão dẫn con chó đi quanh khu chợ
Saigon, tìm đến những nơi có vòi nước xin mấy
thau nước tắm cho con chó.
Từ lúc có con Vàng, cuộc sống
của lão Chột hoàn toàn khác hẳn. Lão không còn cảm thấy
cô đơn và ít khi tỏ ra cáu kỉnh, bực dọc
như trước đây nữa. Những lúc không đi
xin, lão vừa chơi đùa với con chó vừa tập cho
nó nghe theo những mệnh lệnh làm nhiều trò để
tiêu khiển. Con vật rất thông minh nên chẳng bao lâu nó
đã biết nghe theo lời chủ làm được nhiều
trò ngoạn mục. Ban đầu lão chỉ nghĩ tập
con chó Vàng như là một thú tiêu khiển lúc rảnh rỗi.
Nhưng không ngờ với sự thông minh của con chó và
những màn nhào lộn, làm đủ trò của nó đã giúp
cho việc ăn xin của lão dễ dàng hơn nhiều.
Trên đường phố bây giờ lão không còn phải lê
la đi khắp nơi ngửa tay van xin tiền khách qua
đường nữa, mà chỉ cần kiếm một chỗ
đông người qua lại ngồi xuống đó điều
khiển con chó. Với những màn biểu diễn của
con vật khôn ngoan, người đi đường thích
thú đứng lại xem rất nhiều. Sau khi diễn
trò, con chó theo lệnh chủ đứng lên bằng hai chân
sau, hai chân trước bê một cái thau nhỏ đi vòng
vòng. Người đứng xem vỗ tay tán thưởng
và bỏ tiền vào cái thau khi con chó đến gần. Con
Vàng thậm chí còn biết sủa lên hai tiếng nhỏ như
cám ơn khi người ta bỏ tiền thưởng vào
thau nhựa càng làm cho mọi người thích thú thêm. Nhất
là những du khách ngoại quốc. Nhờ thế cuộc
sống của hai cha con lão Chột trở nên thoải mái
hơn nhiều so với lúc trước. Giờ đây mỗi
ngày lão Chột đã có thể mua được thức
ăn đầy đủ cho lão và con chó. Không còn phải
chịu cảnh đói khổ như trước nữa.
Đối với lão Chột, con Vàng giống như một
món quà quí báu do ơn trên ban xuống, vừa an ủi tinh thần
vừa giúp cho cuộc sống vật chất của lão dễ
thở hơn. Trước đây, lão đã từng ước
mơ chỉ cần làm sao ngày hai buổi có chút thực phẩm
ăn để không phải chịu đói nữa và có một
người nào đó nói chuyện an ủi lão những khi
cô đơn. Nếu được như vậy là đủ
rồi. Sự xuất hiện của con chó đã biến
ước mơ của lão thành sự thật. Đúng là Trời
Phật đã thương xót nên cuối cùng đã ban cho lão
con vật trung thành quí báu này.
Tuy vậy việc ăn xin không phải
lúc nào cũng thuận lợi mãi như ước mơ nhỏ
bé của người hành khất già khốn khổ. Càng
ngày chiến dịch làm đẹp thành phố của nhà
nước càng tỏ ra gắt gao hơn trước, nhất
là từ khi có những dịch vụ khai thác về nguồn
lợi du lịch. Hình ảnh những người ăn
xin rách rưới như lão Chột là hình ảnh xấu của
chính quyền đối với người ngoại quốc
và làm mất đi vẻ mỹ quan của thành phố.
Chính quyền cương quyết tống khứ hết những
hình ảnh xấu này ra khỏi đường phố có
người ngoại quốc thường hay lui tới.
Công an được lệnh xua đuổi thẳng tay việc
buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường và
tống khứ hết đám hành khất dơ bẩn ra khỏi
thành phố. Nhưng khổ thay chính quyền chỉ biết
xua đuổi mà không có kế hoạch giúp cho họ tự
sinh sống được, cho nên chuyện đâu rồi cũng
hoàn lại đấy. Công an cứ bắt, cứ xua đuổi.
Người bán hàng rong, người ăn xin vẫn trở
về lại những đường phố cũ để
kiếm sống.
Ngay cả ban đêm, công an có những
chiến dịch đột xuất lùng soát các đường
phố, bắt hết người vô gia cư ngủ ở
vỉa hè chở đi ra khỏi thành phố. Được
một thời gian, không có cách gì khác để sinh sống,
những người hành khất vô gia cư bị đuổi
bắt .. lần hồi rồi cũng tìm cách trở về
thành phố Saigon nơi họ còn có thể đi xin kiếm
miếng ăn qua ngày được.
Mới tuần trước nửa
đêm đang ngủ, nhờ con chó đánh hơi báo động
nên lão Chột thoát được một cuộc ruồng
bố của công an. Lão và con Vàng phải trốn chui nhủi
ở mấy ngõ hẻm khác nhau, đợi đến khi trời
sáng mới dám đi ra. Lão không lo gì cho bản thân mà chỉ
lo cho con chó. Hôm trước mấy tay công an đã hăm dọa
nếu bắt được lão và con chó ngủ lang thang ở
vỉa hè thì sẽ bắt nhốt lão, còn con chó thì sẽ bị
đưa đi sở thú y, nơi con chó chắc chắn sẽ
bị giết chết.
- "Nhảy! Nhảy! Nhảy
đi Vàng"
- "Lăn! Lăn! Cho Ba coi. Vàng!
Con giỏi quá! Lăn! Lăn đi con!"
- "Đứng lên! Đứng
lên! Vàng. Giỏi. Giỏi!" ..
Lão Chột ra lệnh và con chó làm theo
những mệnh lệnh đó một cách khéo léo. Khi thì nó
lăn tròn qua phải, rồi qua trái. Khi thì nó nhảy lên. Những
người đi đường đứng xem vỗ tay
tán thưởng. Một vài du khách ngoại quốc chụp
hình và quay phim con chó. Lão Chột hứng chí ra lệnh thêm cho
con vật làm trò. Khi diễn xong hết mọi trò, lão ra lệnh:
- " Đứng lên! Đứng
lên đi Vàng . Giỏi! Giỏi! "
- " Đi chào bà con đi con.
Đi chào bà con đi. Giỏi! Giỏi! "
Con chó nghe lệnh, đứng thẳng
người bằng hai chân sau, hai chân trước bê một
cái thau nhựa nhỏ đi vòng vòng. Khán giả vỗ tay
khen ngợi con vật thông minh và bỏ tiền vào thau nhựa.
Con chó sủa lên hai tiếng:"Gâu! Gâu!" nhỏ như
cám ơn càng làm cho khán giả đang xem thích thú. Nhiều
đứa con nít reo lên:
- "Con chó này khôn quá!"
Trong khi người đi đường
còn đang xem con chó làm trò và một vài du khách ngoại quốc
tiếp tục chụp hình thì hai tên công an bỗng từ
đâu rẽ đám đông tiến vào. Một tên chỉ
vào mặt lão Chột mắng:
- "Tại sao nói hoài mà mày cũng
còn đến đây ăn xin vậy! Mày muốn tao bắt
không?"
Lão Chột cũng không vừa, sừng
sộ lại:
- "Tui đi xin chứ có phạm
luật lệ gì mà đòi bắt? Ỷ làm công an rồi muốn
bắt ai thì bắt hả? Thằng này hỏng có ngán
đâu."
Tên Công an còn lại chỉ vào mặt
lão hầm hừ:
- "Mày còn muốn nói ngang phải
không? Muốn thì tao bắt liền cho coi."
Hắn quay qua chỉ con chó, nói tiếp:
- "Còn con chó này, sao mày không xiềng
nó lại? Tao kêu xe bắt chó tới bắt liền bây giờ?
Mày thả lỏng nó như vậy, rủi nó cắn người
ta sao mậy?
Gã công an quát vào mặt lão Chột
- "Dẹp chỗ này đi liền!
Tao nói lần này là lần chót đó nghe. Tụi tao còn bắt
gặp mày ở khu này là đứng có trách là tao không nói
trước đó."
Lão Chột bực tức lắm khi
thấy đám đông giải tán dần trước sự
xuất hiện của hai tên Công an. Ai mà không bực khi nồi
cơm của mình đang ăn bị người khác tới
đá đổ. Lão cự lại hai tên công an:
- "Tụi mày có giỏi thì bắn
vô đầu tao một viên chết mẹ cho rồi. Tao
đói khổ đi ăn xin chứ có làm gì mà tụi bây cứ
xua đuổi hoài .."
Con Vàng nhìn hai tên công an, nhe răng lên
tiếng gầm gừ trong cổ họng. Chỉ cần
hai tên công an đụng tới lão Chột hoặc lão ra dấu
hiệu là nó nhào vào "độp" hai tên này liền. Sợ
con chó làm ẩu sinh chuyện lớn, nên cuối cùng lão Chột
phải lên tiếng la nó và nhặt vội cái thau nhựa nhỏ
rồi ra lệnh con chó đi theo mình.
Hai tên công an còn nói vói theo:
- "Khôn hồn thì đừng
ăn xin ở đây nữa nghe mậy. Lần tới
không có chuyện để cho tụi bây đi dễ dàng vậy
đâu. Cái đồ gì đâu lì lợm không chịu
được."
Những chuyện bị đuổi
như thế này xảy ra gần như mỗi ngày. Có hôm
đang ăn xin thì có xe chở đầy công an bố ráp
và bắt những người buôn bán hàng rong, hành khất
trên lòng lề đường gây nên một cảnh náo nhiệt
cả một đoạn đường. Cũng may những
lần như vậy nhờ náo động ở phía trên và
mấy chị em gánh hàng rong chạy trốn công an thông báo lẫn
nhau, nên hai thấy trò lão nhanh chân trốn thoát được
hết.
Cả tuần vừa qua chiến dịch
đuổi bắt những người buôn bán hàng rong và
hành khất trên khắp đường phố quanh trung tâm
Saigon lại càng siết chặt hơn nhiều. Công an
đi tuần liên tục, nên lão Chột không kiếm ăn
được như trước. Khổ nỗi những
con đường chính này là nơi lão Chột dễ xin
được tiền vì nhiều người qua lại
và nhất là có nhiều du khách ngoại quốc. Ba ngày nay
hai cha con lão đói đến nỗi phải lục tìm
trong những đống rác chút ít thực phẩm thừa
mứa người ta đã vứt bỏ. Trước
đây người hành khất khốn khổ này đã từng
làm như vậy nhiều lần rồi. Lão chẳng màng lắm
đến bản thân lão. Nhưng bây giờ ngoài lão ra còn có
con Vàng nữa. Nhìn con vật thương yêu của mình
đói, lão đau lòng lắm nhưng không biết phải
làm sao. Lão đã thử đi xin ở những con đường
khác nhưng cả ngày chẳng kiếm chác gì khá cả!! Chỉ
có ở khu Nguyễn Huệ, Lê Lợi hoặc chung quanh chợ
Saigon là nơi dễ xin ăn nhất thì lại bị cấm
đoán, xua đuổi! Thiệt là bực bội!
Sáng hôm nay thức dậy. Lão vuốt
ve con vật và thầm thì với nó:
- "Con ráng nghe Vàng. Hôm nay cha con mình
ráng kiếm tiền rồi Ba sẽ mua cho con ăn no nghe.
Ba biết con đói mấy bữa nay rồi. Ba cũng vậy.
Thôi ráng nghe con."
Con vật ngoắc đuôi, liếm
liếm lên tay chủ và kêu lên những tiếng khe khẽ
như cảm thông với người chủ nghèo nàn của
mình. Lão Chột nhủ thầm:
- "Hôm nay bằng mọi giá mình phải
ra Saigon kiếm tiền. Bữa nay phải mua cái gì cho con
Vàng ăn no. Không thể để nó đói hoài như vầy
được."
Con mắt còn lại của lão sáng
lên biểu lộ sự cương quyết. Lão vỗ nhẹ
vào đầu con vật:
- "Bữa nay con ráng diễn trò
cho hay nghe con. Kiếm vừa đủ tiền là Ba sẽ
mua đồ ăn cho con ăn liền. Thôi bây giờ cha
con mình đi nghe."
Con vật kêu lên "ư ử"
khe khẽ và vẫy đuôi như dấu hiệu đã sẵn
sàng.
Lão Chột khập khiễng đang
đi sau con Vàng nhận tiền cho của khách bộ hành
sau một màn biểu diễn của con vật thì nghe tiếng
còi tu huýt vang lên và tiếng chân người rượt
đuổi nhau chạy thình thịch ở hai đầu
đường.
- Công an bố ráp. Chạy đi ! Chạy
đi. Có xe tới xúc nữa kìa.
Mấy người gánh hàng rong vừa
gánh hàng chạy vừa la lên báo động cho những
người khác. Lão Chột cũng hoảng hồn lên tiếng
gọi con Vàng chạy theo mình. Lần bố ráp này, công an
đã sắp đặt từ nhiều đoạn khác nhau
trên đường Lê Lợi cùng một lúc lùa vào chính giữa
nên những người mua gánh bán bưng ở vỉa hè và
những người hành khất trên con đường này
đa số đều bị kẹt hết. Một số
hành khất và người bán hàng rong đã bị công an bắt
được vứt lên xe cùng những thúng gánh ngổn
ngang. Nhiều món bánh trái của người bán bị xô
đẩy rơi vãi đầy đường. Tiếng
la hét, chửi rủa ầm ĩ .. náo động cả một
khoảng đường Lê Lợi, khiến người
dân đi đường và du khách ngoại quốc cũng
phải sợ hãi tránh né đi hết. Lão Chột lúng túng
không biết chạy ngả nào vì hai đầu đường
đều bị chặn hết. Có hai tên công an đang chạy
tới phía lão, tay chỉ trỏ la hét. Lão Chột lính quính gọi
con chó rồi chạy băng ngang qua bên kia đường.
Con chó phóng ngay theo sau.
- Rầm! kkéttt.
- Ối! Chết tôi rồi.
- Oẳng .. Oẳng .. Oẳng.
Tiếng kêu đau đớn của
lão Chột và con chó hòa theo tiếng la gọi thất thanh của
nhiều người đi đường cùng một lúc:
- Chết rồi! Xe đụng ông
già ăn mày và con chó rồi.
Sự việc xảy ra nhanh quá. Ngay
sau khi một chiếc xe vận tải đụng lão Chột
và con chó văng ra. Mấy chiếc xe gắn máy chạy gần
đó tránh không kịp nên cũng cán lên mình lão hành khất và
con vật đáng thương. Một vài người dừng
xe chạy lại. Có người la lên:
- "Ai có điện thoại gọi
dùm xe cứu thương đi."
Miệng lão Chột ứa đầy
máu. Lão nằm yên, không nhúc nhích gì được:
- "Vàng! Vàng! Con tôi đâu rồi"
Một người cúi sát xuống hỏi:
- "Ông nói gì? Tôi không nghe rõ."
Lão nắm tay người đi
đường, giọng thều thào ngắt quãng:
- "Con tôi .. đâu rồi? Làm
ơn .. đưa dùm .. con Vàng đến .. với tôi"
- "Con ông là ai. Tên gì? Nó ở
đâu?"
- "Nó là .. con Vàng. Con .. chó .. của
tôi"
- Miệng lão tiếp tục ứa
máu trong khi nói .
Con chó bị thương nặng nằm
dãy dụa cách đó khoảng chừng hai, ba bước
nhưng lão Chột không thể xoay người được
để nhìn nó. Lão nằm yên bất động, con mắt
còn lại mở trừng trừng như cố tìm kiếm
đâu đó hình ảnh con vật thân yêu. Lão nghe tiếng
con vật kêu la "Oẳng ..
Oẳng .. " gần đó mà lòng đau như cắt.
Tiếng kêu của con vật càng lúc càng yếu dần làm
lão càng bấn loạn thêm lên. Tuy không nhúc nhích được
và miệng trào đầy máu, nhưng lão Chột không cảm
thấy đau đớn. Đầu óc lão chỉ quan tâm tới
con chó. Với một giọng khàn đục, lần đầu
tiên người hành khất già cất tiếng van xin
người đi đường một điều không
phải là tiền bạc hoặc thức ăn:
- "Xin ông bà .. làm ơn làm phước
.. cho tôi gặp con tôi .. Tôi biết .. nó ở gần đây
.. Làm ơn .. bế nó .. lại dùm .. tôi. Xin ông bà .."
Lão vừa van xin, vừa mếu máo
khóc. Máu từ trong khoé miệng vẫn trào ra không ngớt.
Có tiếng một người nào
đó la lên:
- "Có ai gọi xe cứu
thương chưa? Trời ơi! Ông già bị
thương nặng quá!".
- "Rồi! Tôi đã gọi rồi.
Xe cấp cứu đang trên đường tới ngay bây
giờ."
Mấy gã công an bên kia đường
lúc này cũng đã chạy tới giải tán đám
đông. Một gã là công an khu vực ở đây và thường
hay xua đuổi đám bán hàng rong, hành khất cúi xuống
nhìn lão Chột. Trong ánh mắt gã công an lúc đó toát ra một
tia thương xót khác hẳn mọi ngày: Ánh mắt của
một con người đang nhìn đồng loại của
mình đang dãy chết! Gã ân hận lắm khi nhìn thấy
người hành khất đang nằm bất động
trong vũng máu. Lão Chột rên rỉ khi nhìn thấy gã công an
cúi xuống trước mặt mình:
- "Xin đừng .. đuổi
tôi! Để tôi .. gặp con tôi. Xin làm ơn .. đừng
đuổi cha con tôi nữa." Lão lại khóc. Giọt
nước mắt trào ra pha lẫn chút máu làm con mắt còn
lại nhạt nhòa.
Gã công an cúi xuống nói với lão Chột,
giọng pha chút nghẹn ngào đầy thành tâm:
- "Ông nằm yên đi. Xe cứu
thương sắp đến. Tôi xin lỗi. Ông chạy
làm chi cho khổ vậy. Tôi chỉ đuổi ông đi
thôi, cứ từ từ đi cũng đâu có sao. Chạy
làm chi vậy. Chẳng qua tôi chỉ làm bổn phận thôi
.. Xin ông tha lỗi cho tôi."
Không để ý gì tới lời của
gã công an, lão Chột cứ tiếp tục thều thào, van
xin:
- "Con Vàng .. của tôi đâu. Cho
tôi .. gặp con chó .. của tôi. Xin ông làm ơn .."
Con chó đang nằm hấp hối
gần đó, miệng trào máu, lưỡi thè dài ra. Nó không
còn kêu la " Oẳng Oẳng" được nữa mà
chỉ nằm yên đó, thỉnh thoảng toàn thân co giật
lên như bị điện giật. Đầu nó hướng
về lão Chột đang nằm. Nó nhìn thấy chủ, muốn
lết tới mà không làm được. Gã công an cúi xuống
bế con chó lên, đặt vào cánh tay người hành khất
khốn khổ. Con chó cố gắng rướn người
lên liếm liếm vào mặt chủ của mình. Trên thân thể
ỉu xìu của con vật sắp chết, người ta
thấy cái đuôi nó ve vẩy nhẹ như mừng rỡ
đã đến được bên chủ. Tuy không cử
động được, nhưng lão biết là gã công an
đã giúp đặt con chó vào lòng mình. Lão nhìn gã công an với
ánh mắt biết ơn. Mấy ngón tay vuốt nhẹ trên
lưng con vật:
- "Vàng .. Con ngoan .. Con yêu quí .. của
ba. Con có .. sao không?"
Con chó rên ư ử trong cổ họng
như cố trả lời chủ, tiếng rên yếu dần
.. yếu dần và cuối cùng đầu nó ngả qua một
bên. Nó đã chết! Lão Chột vẫn tiếp tục thì
thầm những câu gì không rõ. Con mắt còn lại mở trừng
trừng nhìn lên khoảng không trên cao như cố níu kéo một
bóng hình xa xôi nào đó. Bỗng lão thấy dáng vợ lão
đang ôm đứa con trai từ trên không giơ tay vẫy
vẫy. Hình ảnh giống như trong những giấc
mơ lão thường thấy. Lão cố gọi tên vợ
con mà sao không gọi được. Cổ họng bị
nghẹn cứng như có vật gì bít lại. Rồi lão thấy
hình ảnh của vợ con cứ khi ẩn khi hiện qua
những vật gì đang phe phẩy trên cao. Nước mắt
lão lại trào ra pha lẫn máu trong con mắt còn lại khiến
mọi vật trở thành đỏ dần, đỏ dần
.. trước khi tất cả thình lình phủ xuống một
màu đen sẫm ..
Trên cao những lá cờ đỏ vẫn
vô tư phe phẩy trong gió mát buổi sáng, xen lẫn mấy
tấm biểu ngữ với những giòng chữ thật
đẹp, kêu gọi mọi người thi đua thực
hiện Chiến Dịch Xóa Đói Giảm Nghèo!
VĨNH
KHANH
(Huôn
Trinh sưu tầm và chuyển)