Cái Vòng Luẩn
Quẩn
(PHƯƠNG LAN)
Tác giả là một dược
sĩ, cư dân Chino Hills, California. Bà là nhà văn
có 3 tác phẩm đã xuất bản: "Tiếng
Dương Cầm," truyện dài; "Anh Mới
Biết Yêu Lần Đầu", tập truyện;
"Còn Chờ Một Kiếp Sau", tập truyện.
Đồng thời, cũng là một nữ cầm thủ
dương cầm, có 2 CD độc tấu nhạc cổ
điển và tân nhạc đã phát
hành. Trong năm 2006, Phương Lan là tác giả
được bình chọn vào danh sách chung kết.
Buổi sáng, tôi tới bệnh viện
sóm, đi một vòng để thăm các bệnh
nhân. Bước vào phòng số 13, thấy
bà ta đang nằm lơ mơ, tưởng bà
còn ngủ, tôi đằng hắng rồi mới lên tiếng:
- Chào bà Mei ! Sáng nay bà khỏe chứ
?
Bà ta mở choàng mắt, mệt nhọc
đáp:
- Tệ hơn hôm
qua bác sĩ ạ, vẫn ói muốn lộn
cả ruột gan ra ngoài, bây giờ người
tôi lại bừng bừng, hình như đang sốt.
Tôi chau mày, bước lại gần để
quan sát, mắt tôi chợt dừng lại nơi
cái giường trống ở bên cạnh, chiều
hôm qua, người ta đã đem bệnh
nhân nằm trên cái giường này
vào nhà xác rồi. Bà Mary được
nhập viện từ bốn tháng nay vì bệnh
ung thư phổi ở thời kỳ thứ tư, kể
cũng lạ, bà ta
không hút thuốc cũng không ngửi phải
khói thuốc, thế mà bị ung thư phối mới
kỳ, khoa học còn nhiều cái chưa giải
thích được. Bà Mary đã trải qua
một cuộc giải phẫu để cắt bỏ
lá phổi bị ung thư, sau đó thì
chemo, chạy điện đủ thứ. Thật
không hiểu nổi tại sao bị ngần ấy
chuyện mà bà ta trông không có vẻ
tệ hại tí nào, bà vẫn đi lại,
nói năng vui vẻ như người bình
thưòng. Bà là cái mốc để
bà Mei bám vào mà hy vong, sự ra đi bất
thình lình của bà gây sửng sốt
và thương nhớ cho những người chung
quanh, không những chỉ các bác sĩ, y
tá mà cả những
bệnh nhân khác nữa vì bà ta vốn
là một ngưới tử tế, tốt bụng,
hay giúp đỡ kẻ khác, bà lại
có tính khôi hài và hay nói
đùa. Sáng nay, khi mới bước vào
phòng, tôi vẫn mường tượng
được nghe tiếng chào hỏi đon đả
của bà trước
khi tôi kịp mở lời thăm bệnh, bây giờ
thì bà đã ra đi vĩnh viễn rồi,
cái giường chưa có người thay thế.
Tôi thở dài, gỡ cái bảng
thân nhiệt treo ở đầu giường của
bà Mei ra quan sát, nhiệt độ chỉ lên
xuống ở trong khoảng giữa 99 và 101 độ
F, không cao lắm, chưa đến mức phải lo
ngại. Bà Mei mới nhập viện được
có hai ngày vì bệnh ung thư gan, bà
là người Trung Hoa, có một đời chồng
trước đã chết vì một tai nạn
giao thông. Trước đây, hồi còn ở
Hồng Kông, bà làm chủ nhiều cơ sở
kinh doanh, buôn bán lớn, mười năm trước
khi Hồng Kông được trao trả cho Trung cộng, bà khôn ngoan
bán hết nhà cửa, bất động sản
và cả các cơ sở thương mại, gom
góp vốn liếng được mấy chục triệu,
qua Mỹ lập nghiệp Tại đây, bà gặp
ông Woòng là một người đồng
hương. hai người hạp nhau và kết
thành vợ chồng mặc dù ông trẻ hơn bà tới 15
tuổi. Cuộc hôn
nhân xem ra có vẻ êm đềm không
sóng gió nếu không có bệnh tật
chen vào.
Sáu tháng trước, bà đến phòng mạch của
tôi xin khám bệnh với triệu chứng đau
nhâm nhẩm nơi bụng, trông bà không
có vẻ gì là một người đang bị
bệnh nặng, chỉ trừ cặp mắt hơi
có vẻ mệt mỏi, trông bà vẫn
béo tốt, khỏe mạnh. Đi bên cạnh
bà là một người đàn ông trẻ
tuổi, ăn mặc lịch sự chải chuốt, thoạt
nhìn tôi cứ tưởng là em hoặc
cháu, nhưng bà giới thiệu đó
là chồng bà tên Woòng, bà vui vẻ
nói:
- Tuy vậy xin
bác sĩ cứ gọi tên tôi là Mei,
tôi thích thế hơn, Mei phát âm như
là May nghĩa là tháng Năm tượng
trưng cho mùa hè, mà mùa hè thì
lúc nào cũng rực rỡ, tôi thế
nào cũng gặp may mắn.
Tôi thì nghĩ khác, tôi cho rằng
bà ta không thích được gọi là
bà Woòng vì ông này quá trẻ so với
bà, bà sợ người ta có ý so
sánh, có lẽ bà hơi ngượng vì
sự chệnh lệch tuổi
tác đó, ông Woòng trái lại
rất tự nhiên không tỏ ra có chút mặc
cảm nào cả. Tôi khám bệnh rất kỹ cho bà, hỏi
về căn nguyên của bệnh, những bệnh sử
trong gia đình, rồi cho làm một lô thử
nghiệm. Năm ngày sau, tôi mời cả hai vợ
chồng đến và cho biết kết quả:
- Hơi có vấn đề rồi đây.
Tôi nói và chỉ cho họ thấy một
khối hình tròn to bằng quả trứng
gà trên tấm hình chụp ultra sound ở vùng bụng rồi
tiếp tục:
- Đây là một cái bướu.
Bà Mei hơi giật mình, ngước cặp
mắt lo lắng nhìn tôi khẽ hỏi:
- Có phải ung thư không, bác sĩ ?
- Không thể biết chắc được bởi
vì việc định bệnh còn tùy thuộc
vào nhiều kết quả thử nghiệm khác.
Ông Woòng nhổm hẳn người lên
khỏi ghế, nét mặt căng thẳng nhưng
không có vẻ sợ hãi, hình như
cái tin bất ngờ này đem đến cho
ông một sự ngạc nhiên quá sức
tưởng tượng, một biến cố lớn lao
ông chưa bao giờ dự liệu tới, ông hỏi
giọng nóng nảy:
- Nhưng bác sĩ đã nhìn thấy một
khối u ở trong bụng vợ tôi rồi mà ?
bình thường đâu có ai có bướu
ở trong bụng ?
- Biết vậy rồi, nhưng bướu cũng
có thứ lành, thứ độc.
- Nghĩa là cái bướu đó
có thể là ung thư, cũng có thể
không phải ung thư ?
- Đúng vậy, ultra sound chỉ cho thấy một khối u ở
vùng có lá gan, còn muốn biết chấc
có phải ung thư hay không thì phải
làm biopsy mới
rõ được.
Và rồi tôi giải thích cho cả hai
vợ chồng cùng hiểu rõ:
- Trước hết phải làm CT scan để
xác định rõ vị trí và kích
thước của khối u, sau đó tôi sẽ
dùng kim để hút lấy một ít tế
bào ở đó đem đi thử nghiệm
- Nghĩa là bác sĩ sẽ dùng một
kim dài đâm xuyên qua bụng của vợ
tôi tới khối u ?
Ông ta nói một cách thản nhiên,
không để ý gì đến sắc mặt
đang trở nên tái xám của vợ.
Tôi ái ngại cố trấn an bà ta:
- Đúng vậy, nhưng không sao
đâu bà đừng
lo vì chúng tôi sẽ gây mê và
bà sẽ không cảm thấy đau đớn
gì cả cho tới khi tỉnh dậy.
- Nhà tôi có phải nhập viện
không, bác sĩ ?
- Có chứ, nhưng chỉ một ngày
thôi. Thử nghiệm này phải được
làm ở nhà thương và nên làm
càng sớm càng tốt. Bây giờ thì
ông bà có thể về được rồi,
thu xếp việc nhà xong, nhớ gọi cho tôi
để lấy hẹn.
Bà Mei chậm rãi đứng lên, cố
làm ra vẻ bình tĩnh nhưng nét mặt thất
thần và những ngón tay bám trên
thành ghế thì run lẩy bẩy. Ông chồng
trái lại, vẫn bình tĩnh như không
có việc gì xảy ra, một cách lịch sự,
ông đưa tay cho bà vịn. Đưa vợ ra
ngoài xong, ông quay trở vào nói riêng với
tôi:
- Có phải bác sĩ nghi rằng vợ
tôi đang bị ung thư,
phải không ?
- Tôi không dám quả quyết gì vội.
- Có trường hợp nào như vậy
mà không phải ung thư không ?
- Cũng có.
- Tôi thì nghĩ rằng nhà tôi
đã bị ung thư rồi.
- Sao ông lại đoan chắc như thế ?
- Nhìn thái độ của bác sĩ
tôi biết, tuy không nói ra vì sợ
nhà tôi buồn, à quên sợ chúng tôi buồn,
nhưng trong đầu của bác sĩ cũng
đang nghĩ như tôi là bà ấy quả
thật là đã bị ung thư
Tôi bực mình:
- Tôi không thích nghe ông đoán
mò. Ông muốn cho vợ ông bị ung thư lắm
à ? Tại sao ông cứ hỏi tôi mãi
câu đó ?
- Việc ấy là do trời sắp đặt
chứ nào phải là do mình muốn hay
không muốn. Tôi chỉ muốn sớm biết sự thật để
còn lo liệu công việc và nhất là
để chuẩn bị tinh thần.
Ông nói với giọng cố làm ra vẻ
buồn rầu, nhưng ánh mắt lại biểu lộ
khác hẳn, nó lấp
lánh một niềm vui kín đáo, tôi thấy rõ ràng ông
đang dấu giếm những toan tính bí mật
có liên quan đến vợ ông. Tôi ngồi
thẳng người lên:
- Nếu chẳng may như vậy, tôi sẽ
làm hết cách để cứu bà ấy.
- Dĩ nhiên ! Đó là bổn phận của ông.
Nói xong ông ta đứng dậy chào
để ra về sau khi nháy mắt nhìn tôi
như chế riễu.
*
Khoảng gần hai tháng sau, họ mới trở
lại và tôi cho bà Mei một cái hẹn
ngay ngày đầu tuần
tới. Bà Mei được nhập viện từ
chiều hôm trước, hôm đó bà mặc
một bộ quần áo thể thao màu vàng
nhạt, mái tóc chỉ mới điểm
loáng thoáng vài sợi bạc được
cột lại bằng một giải lụa màu
đen, trông bà mập lùn nhưng khỏe mạnh.
Bà nhận bộ quần áo màu xanh của bệnh
viện, ngắm nghía một lúc rồi mỉm
cười:
- Hy vọng tôi sẽ không phải mặc
nó lâu.
Bà ngưng lại một giây, nhìn
tôi với ánh mắt vui vẻ rồi mới tiếp
tục:
- Mấy hôm nay bụng tôi đã hết
đau rồi bác sĩ
ạ.
Bà nói với vẻ lạc quan, tôi
không biết phải trả lời như thế
nào, cứ để cho bà lạc quan vì lạc
quan cũng làm tăng thêm sức sống. Nhưng
ông chồng bà đã làm tắt ngay nguồn
hy vọng mong manh đó, ông Woòng nhìn vợ
với vẻ mặt nghiêm nghị:
- Tôi cho rằng mình sẽ phải mặc
nó lâu dài đó vì tôi biết
mình sẽ phải nằm lại bệnh viện
để trị bệnh, cái bướu đó
mà không phải ung thư thì thật là
chuyện khó tin !
Thế là tắt ngấm nguồn vui sống,
bà khẽ chớp mắt, nét mặt buồn hẳn
lại. Tôi nhìn ông Woòng bằng cặp mắt
trách móc, ông ta nhìn lại tôi một
cách thách thức:
- Để rồi bác sĩ xem, tôi nói
có sai đâu.
Tôi lắc đầu ngao ngán, cứ
cái điệu này, ông ta sẽ giết vợ
nhanh hơn là căn bệnh sẽ giết bà.
Tôi ném cho ông ta một cái nhìn cảnh
cáo rồi quay đi sau khi dặn cô y tá
đưa hai người đến phòng hành
chánh để làm thủ tục nhập viện. Ở
đây mỗi phòng chỉ có hai giường,
bà Mei được xếp chung phòng với
bà Mary. Một lúc sau khi tôi trở lại
phòng để khám bệnh cho bà Mary thì
hai bà đã thân nhau lắm. Bà Mary tốt
bụng lăng xăng chỉ cho bà Mei cách xử dụng
điện thoại, TV và cách bấm chuông gọi
y tá, bà ở bệnh viện lâu rồi nên thông thạo
mọi thứ.
Cô y tá mỉm cười vui vẻ:
- Bà Mary đã làm nhiệm vụ của
tôi rồi đó, tôi không có gì
phải chỉ dẫn thêm nữa.
Cô đặt khay đồ ăn xuống
bàn và nói với bà Mei:
- Sau bữa cơm chiều nay, bà sẽ
không được ăn uống gì nữa cho tới
sau khi làm xong thử nghiệm vào sáng
ngày mai
- Tôi nhớ rồi và tôi sẽ làm
theo lời cô dặn. Cám ơn cô.
Sau đó mọi người đều rời
khỏi phòng, ông Woòng về nhà, còn
tôi đi thăm các bệnh nhân khác.
Đúng như những lời độc địa
của ông Woòng, kết quả biopsy cho thấy
cái bướu là bướu ung thư, tuy
chưa di căn, nhưng vì bướu đã
khá lón, nên cần được chữa trị
ngay để đề phòng có thể lan sang những
cơ quan khác. Cầm kết quả thử nghiệm ở
trong tay, tôi đi đến phòng khám bệnh
thì đã thấy ông Woòng chờ sẵn
ở đó với vẻ nôn nóng. Vừa
nhìn thấy tôi, ông hỏi ngay:
- Thế nào ? Bác sĩ đã có kết
quả thử nghiệm rồi phải không ạ ?
Tôi gật đầu nhưng không nói
gì thêm, thái độ đó làm
ông ta hiểu ngay, hấp tấp nói:
- Vợ tôi bị ung thư phải không ?
Tôi thở dài buồn bã:
- Đúng vậy, cái bướu là bướu
độc.
Nói xong, tôi im lặng chờ đợi, nghề
bác sĩ ngại nhất là lúc phải đối
diện với bệnh nhân hoặc thân nhân của
người bệnh để báo một kết quả
xấu, tôi hồi hộp nhìn người chồng
của bệnh nhân đang đứng ở trước
mặt, chờ đợi những phản ứng
thông thường như là khóc lóc, giận
dữ, than trời trách đất, thậm chí
có khi tới ngất xỉu ... Nhưng không, không có
gì hết, ông Woòng vẫn bình tĩnh
như thường, làm như người mới biết
tin bị ung thư không có liên hệ gì với
ông cả, ông
đứng đó im lìm, nét mặt lạnh
tanh cố che dấu một niềm cảm xúc
khó hiểu, nhưng chắc
chắn không phải là một cảm xúc bi
thương tuyệt vọng hoặc buồn rầu
đau đớn. Không,
không có gì cả, không cả một tiếng
thở dài buồn bã, ông nhìn ra cửa sổ một
lúc rồi mới hỏi:
- Bác sĩ đã báo tin cho vợ
tôi biết chưa ?
- Chưa nói gì hết, tôi mới nhận
được giấy báo cáo của phòng
thí nghiệm pathology sáng nay.
Ông ta hấp háy cặp mắt:
- Bác sĩ
có muốn tự tôi nói ra cho vợ tôi biết
không ?
Tôi lắc đầu, nghĩ đến những
lời nói không khéo léo của ông ta
có thể làm cho bệnh nhân sợ hãi
nên vội vàng từ chối:
- Không cần, để tôi báo tin cho
bà ấy và giải thích về cách trị
liệu luôn thể.
- Thôi được, nhờ bác sĩ vậy.
Nói xong, ông ta chào tôi và bước
ra cửa, vừa đi vừa
huýt sáo một điệu nhạc Trung Hoa.
Tôi nhìn theo dáng dấp trẻ trung cũa
ông ta mà không khỏi thắc mắc, tình
vợ chồng của họ có cái gì
không được ổn, có bao giờ một
người chồng mới biết vợ bị mắc bệnh
ung thư mà vẫn thản nhiên không một
chút lo lắng sợ hãi, vẫn điềm tĩnh
huýt sáo. Hình như ông ta còn có
vẻ khoan khoái vì đã đoán
đúng và điều mà ông ta đang
mong đợi đang xảy đến. Tự nhiên
tôi cảm thấy một
chút bất bình dùm cho bà Mei. Khi tôi
bước vào phòng của bà ta thì
ông Woòng không có ở trong đó,
có thể ông ta vừa đi khỏi, có thể
ông ta chưa hề vào thăm vợ sáng nay,
chỉ ghé tôi hỏi xong kết quả rồi
đi luôn.
Bà Mei đón nhận hung tin vơi một
thái độ chịu đựng thật can đảm,
nhưng tôi biết bà bị xúc động rất
mạnh, người bà run lên, môi mím chặt
cố ngăn một tiếng nấc, mắt bà mở
trừng trừng nhìn lên trần nhà và nét
mặt lạnh như đông đá. Tôi nghĩ
thầm phải chi lúc này có mặt người
chồng, bây giờ là lúc bà cần sự
có mặt của ông hơn bao giờ hết để
dựa vào ông mà khóc, để
ông quàng vòng
tay che chở quanh người bà mà dỗ
dành, an ủi ...
Rõ ràng là ông đã biết, thế
mà không hiểu tại sao ông không vào
đây để an ủi vợ ?
Bây giờ bản án tử hình
đã tuyên bố xong, tôi chờ cho cơn
xúc động của bà qua đi rồi mới
tiếp tục:
- Cái bướu là ung thư nhưng
chưa lan đến các cơ quan khác, tình
trạng chưa đến nỗi nguy hiểm, bà
đừng lo lắng quá.
- Thế có phải giải phẫu để cắt
bỏ nó đi không, bác sĩ ?
Bà Mei thều thào hỏi như người
sắp tắt hơi, tôi lắc đầu:
- Không mổ được vì chỗ
đó có nhiều mạch máu lắm,
nhưng chúng tôi sẽ có cách để
làm cho nó co lại và hết hoạt động.
- Nghĩa là phải dùng thuốc ? Tôi
muốn nói đến Chemo hay radiation ?
- Đúng vậy, tùy theo trường hợp,
chúng tôi sẽ liệu định một
phương pháp điều trị thích hợp với
tình trạng của từng người.
Im lặng một lúc rồ tiếng bà Mei cất
lên nhẹ như hơi thở:
- Tôi muốn biết tôi còn sống
được bao lâu nữa, bác sĩ ?
Tôi nhăn mặt, cuộc đời của
người thầy thuốc đã bao nhiêu lần
phải nghe những câu hỏi đau lòng
tương tự, tôi quay mặt đi chỗ
khác tránh nhìn vào mặt bà rồi mới
chậm rãi trả lời:
- Thật khó mà nói đích
xác được, bởi vì mỗi trường
hợp một khác, cũng còn tùy sự
đáp ứng của cơ thể đối với
các phương pháp trị liệu và nhất
là sự hợp tác của bệnh nhân.
- Tôi sẽ không bỏ cuộc đâu,
bác sĩ !
Bà Mei nói một cách quả quyết,
hai tay bà nắm lại, ý chí muốn sống
bừng lên đôi mắt, bà nhìn tôi
một cách tin tưởng rồi mới tiếp tục:
- Tôi muốn được bắt đầu
ngay từ bây giờ.
- Tốt lắm, phải ngăn chận trước
khi cái bướu phát triển lan qua những
cơ quan khác, vì vậy để càng
lâu càng khó trị. Bà cần bao lâu thì giờ
để thu xếp việc nhà ?
- Chúng tôi đã sắp xếp xong
xuôi mọi việc trước khi nhập viện.
Ngay sau khi đến phòng mạch của bác sĩ
lần thứ hai, được bác sĩ cho biết
tôi có rủi ro có thể bị ung thư,
chúng tôi đã thu xếp, lo toan mọi thứ,
mất nhiều thì giớ lắm, vì thế chắc
bác sĩ không lấy làm lạ tại sao
mãi tới hai tháng sau chúng mới trở lại
?
- Thật thế à ?
- Vâng, thật ! Biết bao nhiêu là việc
cần phải thanh toán cho xong như là bán hết các cổ phần,
trái phiếu, sang nhượng các cơ sở
kinh doanh, chuyển tiền trong ngân hàng và ...
cả chúc thư nữa.
- Cả chúc thư ?
- Vâng ! Ông nhà tôi tính vốn cẩn
thận lại hay lo xa, ông ấy muốn mọi việc
phải được thu xếp ổn thỏa trước
khi tôi nhập viện vì biết đâu
tôi không còn tỉnh
táo nữa.
- Ông ấy nói vậy thật à ?
- Nhà tôi nói là để phòng
hờ thôi, nhưng vì ông ấy đã
tiên đoán đúng nhiều việc nên
tôi phải tin.
Tôi nhìn bà Mei với một vẻ
thương xót và rủa thầm người chồng
vô lương tâm.
*
Chín giờ sáng hôm sau, bà Mei bắt
đầu nhận đợt Chemo đầu tiên.
Bà nằm yên trong khi cô y tá đâm kim
vào mạch máu đặt đường dây
nước biển dùng để pha thuốc, bà
ngước cặp mắt u buồn nhìn ông
Woòng đang đứng cạnh giường, ông
ta cũng nhìn lại bà với một vẻ
thương hại. Khi những giọt thuốc đầu
tiên được truyền vào cơ thể,
tôi thấy bà hơi rùng mình, hai bàn
tay nắm chặt lại như để lấy thêm
can đảm. Tôi nhìn ông Woòng, ông ta
vẫn đứng im thay vì dỗ dành hoặc an ủi
vợ. Tôi vội
vã đặt tay lên vai bà, vỗ về:
- Bà cứ nhắm mắt lại nghỉ
ngơi, đừng lo lắng gì cả, chỉ độ
hai tiếng đồng hồ là xong thôi.
Rồi tôi quay qua người chồng, dặn
dò:
- Trong khi truyền thuốc, có thể bà ấy
sẽ bị chóng mặt hoặc buồn nôn,
đó cũng là bình thường thôi, chỉ
khi nào thấy khó thở thì mới gọi y
tá. Bây giờ thì ông có thể
nói chuyện gì vui vui cho bà ấy quên
đi.
Ông Woòng gật đầu, bà Mei cố
mỉm một nụ cười:
- Bác sĩ đừng lo, tôi sẽ không
sao đâu. Tôi sẽ cố gắng chịu đựng
miễn sao khỏi bệnh.
- Bà can đảm lắm, rất tốt, hy vọng
bà sẽ mau lành bệnh.
Bà Mei nhìn tôi với một vẻ biết
ơn, trong mắt bà, tôi lại thấy loé
lên những tia hy vọng.
Sáng hôm sau, tôi trở lại thăm bệnh,
bà Mei trông có vẻ mệt mỏi và mắt
có quầng thâm, chắc đêm qua bà
không ngủ được. Hồ sơ ghi bệnh cho
biết bà chỉ bị chóng mặt chứ
không ói mửa. Tôi vui vẻ:
- Tốt lắm, cơ thể của bà
không phản ứng mạnh, chắc là hợp thuốc
rồi đó.
Bà Mei nhìn tôi với vẻ tò mò:
- Nếu như không chịu thuốc thì phải
làm thế nào,
bác sĩ ?
Tôi chưa kịp trả lời thì bà
Mary ở giường bên cạnh đã xen
vào đáp:
- Phải tìm thuốc khác. Chỉ tốn
thì giờ, như tôi nè, phải hai, ba lần
mới tìm được thuốc thích hợp.
- Nếu vậy thì tôi còn là may mắn
đó.
Bà Mei nói đùa, cả tôi và
bà Mary cùng cười. Tôi biết bà
Mary đã nhiệt
tâm cộng tác với các bác sĩ trong
cuộc chiến đấu với bệnh tật, đồng tâm hiệp lực
đẩy lui những bước tiến của tử thần,
bà đặt hết tin tưởng vào khoa học,
vào sự trị liệu và vào tôi. Tuy mới
chỉ là bước đầu và còn
quá sớm để có thể nói lên một
kết quả chiến thắng dù nhỏ nhặt,
nhưng tôi không nỡ phá tan niềm hy vọng
vừa mới nhen nhúm đó. Tôi dơ
ngón tay cái lên chúc may mắn và
nói:
- Bà phải hoàn tất đợt Chemo
đầu là ba ngày, sau đó bà
được về nhà nghỉ ngơi ba tuần.
Khi bà trở lại tái khám, tôi sẽ
cho chụp lại Xray
để xem cái bướu có teo đi không.
Bà Mary cũng nói:
- Chúc bà may mắn.
Cô y tá vừa vào phòng sửa soạn
cho đợt truyền thuốc ngày thứ hai, kết
quả không có biểu hiện gì
đáng kể. Ngày thứ ba cũng không
có phản ứng mạnh, bà Mei chỉ bị
ói mửa có một lần. Chiều hôm
đó, tôi vào thăm lúc bà đang sửa
soạn ra về, bà Mei hôm nay trông tươi
tỉnh khác thường, bà mặc áo mới
màu xanh, trang điểm đẹp đẽ chờ
chồng tới đón. Thấy tôi vào,
bà chỉ chiếc xe lăn để bên cạnh
giường, vui vẻ nói:
- Cô y tá nói lát nữa sẽ
đưa tôi ra cửa bằng chiếc xe này. Xin
bác sĩ cho đẹp đi dùm, tôi
đâu cần tới nó, tôi vẫn đi lại
bình thường mà, bác sĩ biết đấy.
- Đó là qui lệ của bệnh viện,
nhưng nếu bà không muốn thì không bắt
buộc, tôi sẽ bảo y tá đem đi.
- Cám ơn bác sĩ.
Tôi dặn dò:
- Bà về nhà nghỉ ngơi và nhớ
trở lại tái khám đúng hẹn.
- Tôi sẽ không quên đâu, bác
sĩ.
Tôi chào bà ta và bước ra khỏi
phòng. Bên ngoài, trời đã tắt nắng,
cảnh vật trở nên nhá nhem, tranh tối tranh
sáng, những ngọn đèn đường
đã bắt đầu bật lên. Buổi chiều
bệnh viện thật là vắng vẻ, những
hành lang dài hun hút vắng bóng người
qua lại vì đã hết giờ thăm bệnh.
Tôi vào phòng thay áo, sửa soạn ra về.
Tôi vừa khép cửa phòng thì chợt
nghe tiếng chân đi vội vã trên hành
lang và ông Woòng xuất hiện đang đi về
phía phòng của bà Mei, Thấy tôi,
ông ta dừng lại vui vẻ nói:
- Bác sĩ sắp về đó à ?
Hôm nay nhà tôi được xuất viện,
phải không ?
- Phải, bà ấy đang đợi ông ở
trong phòng.
Và tôi dặn thêm:
- Ông nhớ ba tuần sau phải đưa
bà ấy trở lại tái khám và bắt
đầu trị liệu đợt hai.
- Tại sao phải mất thì giờ làm vậy,
bác sĩ ? Tôi không tin Chemo sẽ giúp cho vợ
tôi khỏi bệnh.
Tôi cau mày nhìn ông ta với một vẻ
bất bình:
- Tôi mong ông sẽ không nói những
lời đó với vợ ông. Thật là
tàn nhẫn nếu dập tắt đi nguồn hy vọng
cuối cùng của bà ta.
- Tôi chỉ nói lên một sự thật
thôi. Bác sĩ cũng biết như tôi
là cho tới bây giờ, khoa học vẫn bó
tay trước bệnh ung thư.
- Tuy chưa tìm ra thuốc trị dứt hẳn,
nhưng khoa học có thể kéo dài thêm
đời sống của bệnh nhân thêm ít
lâu.
- Thôi được tôi chịu thua, cứ
để cho bác sĩ giúp bà ấy sống
thêm ít lâu nữa.
Nói xong, ông ta nheo mắt nhìn tôi
cười tủm tỉm làm như vừa rồi chỉ
là câu nói đùa:
- Bác sĩ yên tâm, tôi sẽ đưa
vợ tôi đến khám đúng hẹn.
Bây giờ tôi phải vào đưa bà ấy
về. Chào bác sĩ, lái xe cẩn thận
nhé
Tôi nhìn theo ông ta vừa đi vừa
xoay xoay chùm chìa khóa trong tay tiến về
phòng của vợ, nghĩ thầm không biết
bà Mei có thể giữ vững tinh thần sau khi
trở về nhà phải chung sống với người
chồng như ông không ?
Ba tuần sau, y hẹn họ trở lại, tôi
cho chụp Xray và rút máu để thử
nghiệm. Kết quả Xray cho thấy cái bướu
đã nhỏ đi chỉ còn một nửa, kết
quả thử máu cho thấy cũng có tiến
triển khả quan: Alpha Feto Protein giảm đi chút
ít, những thử nghiệm về chức năng của
gan như LDH, SGOT, SGPT, ALK, Total Bilirubin tuy còn cao
nhưng giảm đi khá nhiều so với lần
trước. Tôi báo tin cho hai vợ chồng
bà Mei biết kết quả, mắt bà Mei
sáng lên với vẻ vui mừng, bà hớn hở
nhìn chồng như muốn khoe khoang thành quả,
muốn ông san sẻ niềm vui, nhưng ông Woòng chỉ nhếch
mép cười nhạt nhẽo, hình như
ông không vui khi nghe kết quả tốt. Chẳng lẽ
ông không muốn cho vợ khỏi bệnh ? Ông
nhìn tôi với cặp mắt hoài nghi và
nói như mỉa mai:
- Bác sĩ có nghĩ rằng rồi
đây với những đợt trị liệu kế
tiếp, cái bướu sẽ hoàn toàn biến
mất ?
- Biết đâu mà nói trước,
nhưng được tới đâu hay tới
đó.
- Để từ từ mình ạ.
Bà Mei nói và âu yếm nhìn chồng
như thầm cám ơn thái độ lo lắng
của ông mà bà tưởng rằng đang sốt
ruột muốn bà mau dứt bệnh. Ôi
đáng thương cho bà Mei, bà đã lầm
rồi mà không biết đấy cũng như
khi xưa bà đã lầm khi quyết định
bằng lòng làm vợ ông ta, nhìn ánh
mắt của ông, tôi hiểu ông đang suy
tính những gì ở trong đầu.
Ông Woòng vòng tay ôm ngang lưng vợ
nhưng mắt thì nhìn đi chỗ khác,
ông thì thầm như nói với chính
mình
- Mình nói phải,
chúng ta phải kiên nhẫn.
Lần trị liệu đợt hai và đợt
ba cũng có kết quả tốt, cái bướu
co nhỏ thêm một chút nữa, nhưng không
nhiều như lần đầu. Tuy ít nhưng cũng
là dấu hiệu tốt, mọi người đều
vui mừng chỉ trừ ông Woòng vẫn giữ
thái độ im lặng khó hiểu.
Đợt trị liệu thứ tư không
suông sẻ như ba lần đầu, bà Mei
có vẻ mệt nhiều vì ói mửa liên
miên, bà kêu chóng mặt và đi đứng
run rẩy, tuy vậy bà vẫn từ chối ngồi
xe lăn . Qua ngày thứ ba, bà phấn chấn hẳn
lên khi được
chồng đón về nhà.
Lần tái khám thứ năm, tôi vô
cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bà , mới
cách có một tháng mà trông bà
như già đi cả chục tuổi, da mặt
vàng khè và có nhiều nếp nhăn,
tóc bà rụng gần hết chỉ còn
lơ thơ có vài mảng, nhiều chỗ để
lộ cả da đầu, mắt bà mất hết vẻ
tinh anh trông lờ đờ mệt mỏi. Bà
không còn nói cười vui vẻ như
trước, bà thay đổi nhiều quá
và gầy đi trông thấy. Hình chụp
quang tuyến cho thấy cái bướu lại trở
về nguyên kích thước cũ và lượng
T. Bil trong máu lên tới mức báo động,
triệu chứng của tắc mật. Bà mệt mỏi
ngồi dựa vào thành ghế trong phòng
đợi trong lúc ông Woòng sốt ruột cứ
đi qua đi lại nhiều lần. Khi tôi ra
báo tin kết quả thử nghiệm, ông
nhìn tôi bằng cặp mắt đắc thắng
như ngụ ý muốn nói:
- Đấy tôi nói có sai đâu ?
Bác sĩ là kẻ chiến bại rồi.
Bà Mei nhìn tôi với vẻ cầu cứu
và hỏi giọng lo lắng:
- Tôi mệt lắm rồi. Bây giờ phải
làm thế nào bác sĩ ?
- Tôi sẽ cho đổi thuốc khác
và làm thêm
radiation.
Qua ngày thứ hai của đợt trị liệu
mới thì xảy ra một biến cố đau
lòng làm tăng thêm nỗi tuyệt vọng của
bà Mei: người bạn vẫn chung phòng với bà
là bà Mary đã đột ngột qua đời,
bà ta chết thật lặng lẽ, không có dấu
hiệu báo trước. Mới hôm kia, bà Mary
kêu khó thở và phải dùng bình
dưỡng khí, khó thở là triệu chứng
thông thường của những người bị
ung thư phổi, bà Mary đã nhiều lần phải
thở bằng dưỡng khí rồi mấy
ngày sau hết mệt lại đi đứng như
thường. Lần này cũng vậy nên chẳng
ai chú ý, tối hôm đó bà than mệt
bỏ không xem TV và đi ngủ sớm, sáng
hôm sau lúc cô y tá đi phát thuốc thì thấy
bình dưỡng khí không còn nổi bong
bóng, bà Mary đã ngưng thở từ hồi
nào.
Cái chết của bà Mary làm bà Mei
xúc động rất nhiều, khi người ta phủ
khăn trắng lên người bà Mary và
đem bà ra khỏi phòng, bà Mei nhìn theo với
cặp mắt lạc thần, không đấu nổi
vẻ tuyệt vọng hiện lên nét mặt. Lần
Chemo hôm đó, bà vật vã, vừa
ói mửa vừa nóng sốt, phải cố gắng
lắm, bà nới qua được ngày thứ
ba, lần này xuát viện, bà phải
dùng xe lăn.
Mấy lần trị liệu tiếp theo cũng
không khá hơn, bà Mei bị xuống cân rất
nhiều vì không ăn uống gì được
cả. Tôi bàn với các bác sĩ
oncologist khác nên giữ bà ở lại bệnh
viện để tiện việc chăm sóc. Cái
bướu đã bắt đầu lớn trở lại
và lớn rất nhanh, bụng bà chương to
lên như người đang có thai trong khi tay
chân bà teo tóp lại, bà Mei bây giờ
trông giống như một bộ xương biết
đi, hai mắt lõm sâu và đầu trọc lóc
không còn một sợi tóc . Ông Woòng
mua tặng vợ một bộ tóc giả nhưng
bà ít khi dùng tới, bà chỉ đội
tóc giả mỗi khi ông vào thăm, mà dạo
này ông ít khi vào lắm, ông phó mặc
vợ cho các nhân viên của nhà
thương, lâu lâu mới ghé bệnh viện
một lần, ông đem cho bà vài thứ cần
dùng rồi lại đi ngay. Nghe đâu ông mới
có nhân tình, bà Mei hình như cũng
biết nhưng chỉ làm thinh, bà còn hơi sức
đâu mà ghen nữa,
bà nằm liệt trên giường, mọi việc
ăn uống, tiêu tiểu đều cần người
giúp. Những cơn đau làm bà rên rỉ
không ngừng, chúng tôi phải cho chích
Morphine để bà đỡ đau đớn,
Morphine làm bà lơ mơ nửa thức nửa ngủ,
những lúc tỉnh táo, bà hay kể về
quê bà có dòng
sông Dương Tử nước xanh trong, về
ngôi nhà thời thơ
ấu, về đứa con gái nhỏ
đã chết cùng với cha nó trong một
tai nạn xe hơi cách đây hơn 20 năm.
Bà nói bà sắp được gặp lại
hai người ma bà thương yêu nhất, tuyệt
nhiên bà không bao giờ đả động
gì đến ông Woòng cả.
Càng ngày, sức khỏe của bà Mei
càng trở nên tệ hại, thuốc men chỉ có tác dụng rất ít, cả Radiation cũng vậy,
không đủ để ngăn chận sự sinh sản
rất nhanh của các tế bào ung thư, hậu
quả của thuốc làm bà ngất ngư. Sợ
bà kiệt sức, chúng tôi phải ngưng trị
liệu và cố gắng
giúp bà dễ chịu và bớt đau đớn
được chừng nào hay chừng đó.
Cái bướu ung thư không có gì kềm
chế nên tự do tung hoành lan tràn qua các cơ
quan khác không thể kiểm soát được,
ruột gan của bà dính với nhau thành một
chùm, ấn vào bụng thấy cứng như
đá, mọi việc ăn uống, bài tiết
đều phải dùng những ống thông,
bà nằm thoi thóp trên giường trông
giống như một cái xác chưa chôn.
Hai tháng sau khi nhập viện, bà Mei qua đời trong
khi ông Woòng đang đi du hí với tình
nhân ở Las Vegas.
Lúc đó vào khoảng hơn 11 giờ
trưa là giờ giải
lao của các bác sĩ, tôi ngồi trong
văn phòng riêng vừa ăn vừa đọc một
tờ tạp chí, thình lình đèn đỏ
bật lên và tiếng loa báo động "
CODE BLUE ở phòng số 13 ",
tôi là người chạy tới đầu
tiên và thấy bà Mei đang vật vã
không thở được, mồ hôi toát ra
đầm đìa. Tôi biết là không xong
rồi, vội vã làm hô hấp nhân tạo
và cho chích thuốc hồi sinh, nhưng mọi cấp
cứu đều vô hiệu quả, bà Mei mặt tím bầm, miệng
sùi bọt có lẫn máu, bà cố
ngáp ngáp vài cái rồi nấc lên một
tiếng trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt
cặp mắt vẫn mở trừng của bà,
còn cô y tá thì thở dài, cúi xuống
nói nhỏ vào tai bà như dỗ dành:
- Thôi ngủ yên đi bà Mei ! từ nay
bà đã hết đau khổ rồi đó.
Ông Woòng được điện thoại
báo tin thì vội vã về ngay , ông nhìn xác vợ mà
không nhỏ được một giọt nước
mắt . Tôi ngần ngừ
rất lâu trước khi cầm bút ký tên
vào tờ giấy chứng nhận khai tử:
"Bà Chu Mei Woòng 59 tuổi, chết ngày ...
tháng ... năm ... vì bệnh ung thư gan "
Sau đám tang bà Mei khoảng chừng một
tháng, ông Woòng trở lại bệnh viện
để xin một bản sao giấy khai tử của vợ.
Gặp ông trên hành lang, tôi nói nửa
đùa nửa thật:
- Chúc mừng ông bây giờ sắp
là triệu phú rồi, chắc ông đang lo
giấy tờ để hưởng gia tài của
bà ấy ?
- Đúng vậy !
Ông Woòng gật đầu ngay, môi nở
một nụ cười mãn nguyện, thế rồi
không chần chờ để tôi kịp nói
thêm vài câu mai mỉa nữa, ông vội
vàng giải thích:
- Bác sĩ đã hiểu phần nào
câu chuyện rồi, thôi cũng chẳng cần giấu
diếm. Tôi
đã hy sinh tuổi trẻ và cuộc đời
tươi đẹp của tôi để lấy
bà ta , một người đàn bà goá
vừa già vừa xấu. Mười lăm năm qua tôi đã quên mình để chỉ
nghĩ đến hạnh phúc của bà ấy, 15 năm dài lắm mà cuộc
đời đâu có là bao, tôi phải
được đền bù xứng đáng chứ ?
bác sĩ nghĩ xem có đúng không ?
đó là một cuộc đánh đổi công
bằng.
Tôi thở dài, nhìn ra sân nắng
ngoài kia, trời mới vào thu, lá cây ngả
màu vàng rơi lả tả theo mỗi cơn
gió, chim chóc nhảy chuyền trên cành,
có hai con chim đang rỉa lông cho nhau rồi đột
nhiên cùng bay vút đi, tôi nhìn theo chúng
một lúc rồi mới quay sang ông Woòng:
- Ông nói đã đã đem hạnh
phúc cho bà ấy, nhưng sự thực có
đúng như thế không ? Ông có nghĩ
rằng bà ấy hạnh phúc khi sống với
ông không ?
- Tôi không cần biết, nhưng 15 năm
qua tôi vẫn ép mình sống bên bà ấy,
cố gắng làm thoả mãn tất cả mọi
ước muốn của bà ấy, tôi chẳng
có giây phút nào được sống
riêng cho mình cả. Lại nữa tôi
đâu có gây ra cái chết của bà
ta ? đối với pháp luật, tôi không
làm điều gì sai trái cả.
- Phải, đối với pháp luật ông
hoàn toàn vô tội, nhưng đối với
lương tâm ... ông có lương tâm chứ
? Làm gì mà phải vội vã thế ?
đàng nào bà ấy cũng sẽ chết, nếu
không buồn phiền, cùng lắm bà ấy cũng
chỉ sống thên được dăm ba tháng.
Sao không để cho bà ấy chết một
cách thanh thản sung sướng vì tưởng rằng
vẫn còn tình yêu của ông ?
Ông Woòng gãi đầu, hấp háy
cặp mắt cận thị sau làn kính trắng
một lúc rồi mới chậm rãi nói:
- Bác sĩ không biết đó thôi,
cứ phải đóng kịch mãi cũng khổ
lắm, mà tôi thì đã hết kiên
nhẫn rồi.
*
Bẵng đi một thời gian dài không gặp
mặt, một hôm tôi nhận được thiệp
mời đi đự đám cưới của
ông Woòng với lời ghi chú:
" Thế nào bác sĩ cũng tới
nhé ? Tôi mong lắm, tôi muốn bác sĩ
cùng chia xẻ niềm hân hoan với tôi
và chúc mừng cho hạnh phúc thực sự
của đời tôi "
Đám cưới vĩ đại chưa từng
thấy, tiệc cưới được tổ chức
tại một khách sạn sang trọng nhất của
thành phố New
Port Coast
với gần hai ngàn thực khách và hơn
hai trăm bồi bàn.
Khách sạn nằm trên đỉnh một
ngọn đồi trông ra biển xanh dạt dào
những sóng và những hàng dừa trồng
thành từng hàng thẳng tắp trên bờ.
Trong khách sạn, cả một rừng hoa tươi
được trang hoàng khắp nơi, nhiều nhất
ở trong phòng đãi tiệc, một tấm thảm
màu đỏ được trải dài từ cổng
cho tới phòng khánh tiết. Một ban nhạc
đại hoà tấu vơi 20 nhạc sĩ và
đủ thứ nhạc
cụ đang tấu tên những khúc nhạc vui
tươi để chào mừng quan khách,
chú rể Woòng cặp tay cô dâu tiến
vào trong tiếng vỗ tay vang dội, mọi người
đứng cả lên để hoan hô. Tôi
nhìn sững chú rể, mới chưa đầy
ba năm mà ông đã thay đổi rất
nhiều, ông mập gần gấp đôi lúc
trước, mái tóc lốm đốm hoa dâm,
mặt đầy nếp nhăn và cái cầm
thì đã có nọng. Thật ra với
cái tuổi 46 cũng
chưa lấy gì
làm già lắm, nhưng thân hình phì nộn
đã lấy đi của ông cái vẻ trẻ
trung năm xưa và
trông ông hình như không được
khoẻ.Tôi chú ý đến tướng đi
thỉnh thoảng hay bị giựt giựt, đôi
bàn tay hơi run với những móng tay tím
tái, tự hỏi không biết ông ta đang mắc
bệnh Parkinson hay bệnh đau tim ? Ông Woòng thở
phì phò có vẻ mệt nhọc, một
ngày quá bận rộn chắc làm ông
khó thở.
Bây giờ thì hai người đã trao
đổi xong nhẫn cưới và chú rể
Wơòng đang từ từ kéo tấm voan che mặt
cô dâu lên. Tôi hơi bất ngờ trước
đáng dấp quá trẻ của cô dâu mới,
cô ta chỉ trạc 22,
23 tuổi, người mảnh mai, khuôn mặt
hình trái soan đẹp sắc sảo, đôi
mắt sâu lông mi cong, gò má cao như phụ
nữ tây phương, mái tóc óng ả
cuốn thành những lọn quăn để
xõa xuống vai, và đôi môi xinh mọng.
Cô dâu đứng cạnh chú rể trông
như hai cha con, tôi nhìn sự chênh lệch
đó mà không khỏi thắc mắc tự hỏi
vì sao một cô gái trẻ trung xinh đẹp
như vậy lại bằng lòng làm vợ một người
đàn ông phì nộn, goá vợ, tuổi
đáng cha chú, lại đang mang bệnh ? Một
câu trả lời đến trong đầu thật
rõ rệt: chỉ vì ông ta là một triệu
phú !
A ha! lại là một
cuộc đánh đổi công bằng ! nhưng lần
này, ông Woòng đã đổi vai.
Tôi mỉm cười, cảnh xưa lại
tái diễn, đúng là một cái
vòng luẩn quẩn. Nhìn nét mặt lanh lợi
và đôi mắt sắc như dao cau của
cô dâu trẻ, tôi không khỏi lo thầm
dùm cho ông Woòng . Cẩn thận đấy
ông bạn ! không khéo lần này chính
ông mới là người bị thua thiệt.
PHƯƠNG LAN
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)