Niệm Và Suy Tư
(HÀ KIM)
Tác giả Hà Kim sinh năm 1950, giáo
viên tại Việt Nam, theo chồng định cư ở
Mỹ diện HO năm 1995. Hiện cư ngụ tại
thành phố San Jose (Bắc Calif).
Bà đã góp nhiều bài viết về
nước Mỹ có nội dung nhẹ nhàng
mà đằm thắm, duyên dáng. Bài gần
nhất, từ ba năm trước đây -
"Coronary, tình xót sa đưa", kể về
ông chồng được thông tim tại bệnh
viện Mỹ. Bài mới viết, kèm thư cho
biết "Hà Kim vừa vượt qua lằn ranh
"Sống-Chết", đã thay gan và đang
phục hồi. Hy vọng sớm đủ sức lực
và tinh thần để viết và gởi
bài tham dự tiếp tục." Việt Báo
và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ
chúc mừng Hà Kim hồi phục và mong
bà vui khỏe.
*
San Jose, ngày .. tháng .. năm 2006
Kính thầy,
Em rất cảm động khi nhận được
2 tấm ảnh "Họp mặt tân niên về
trường xưa" và dòng thăm hỏi của
thầy. Em cũng vui mừng được tin thầy
cô khỏe mạnh và vẫn là bóng
mát dịu êm để các em bay về
núp bóng càng lúc càng đông hơn.
Chắc ai cũng biết rằng tuổi trẻ
luôn hướng tới tương lai, tuổi
già luôn hoài niệm về quá khứ. Em
không thoát ra khỏi thông lệ đó
dù em .. chưa già lắm đâu thầy
ơi ! Hai tấm ảnh màu tuyệt đẹp
làm gợi nhớ cho em rất nhiều, rất nhiều
về những ngày xưa thân ái. Hơn bốn
mươi năm về trước cũng sân trường
này, các em tóc xõa bờ vai, vành
nón nghiêng che, mắt môi cười rất
ngây thơ. Vậy mà sáng nào đến
trường cũng bắt gặp các anh tinh nghịch
đứng dàn chào từ cổng vào.
Và thầy lúc đó còn rất trẻ,
nhưng dưới mắt các em, đó là
Ông Hiệu trưởng oai nghiêm và ..
đáng sợ, thấy dáng thầy từ xa
là các em quay mặt đàng sau trốn mất.
Thầy có biết không ? Còn bây giờ ngậm
ngùi nhìn tấm ảnh .. các em đã
là mệnh phụ đẫy đà, các anh ..
bụng phệ, tóc điểm bạc phong
sương. Thay vào nét nghiêm nghị
đáng xa ngày nào, thầy bây giờ ..
hiền lành hơn, đôn hậu hơn, dễ gần
gũi để các em không sợ nữa, tíu
tít vây quanh chuyện trò. Bây giờ, chắc
tụi em đã thành nhân cả rồi, thầy
không cần mặt nghiêm đe nẹt nữa, phải
không thầy ?
Thầy hỏi em "Không biết lúc
này, em được thật khỏe hay chưa
?".
Thưa thầy, nay trông em ngoài tươi, hồng
hào nhưng bên trong còn héo lắm. Thầy
chắc chưa tường tận về cơn bệnh của
em. Trên đời không hiểu còn có ai
kém may mắn bằng em, khoảng cùng một thời
gian mà vướng phải hai căn bịnh nan y.
Đầu năm 2005, em làm việc bình thường,
không triệu chứng gì báo trước,
ngoài ăn kém ngon, hay mệt mỏi, em nghĩ tại
mình đi cày mệt quá. Ở Bắc Calif
có phong trào "khám ruột già để sống thọ"
cho người dân 50 tuổi trở lên. Em làm hẹn, vào bịnh viện
để bác sĩ kiểm tra. Không ngờ trong
quá trình soi ruột, bác sĩ phát hiện
có một bướu nhỏ, ông cắt luôn rồi
gởi đi sinh thiết. Như bị tuyên bố tử
hình, em choáng váng muốn ngưng thở khi
nghe ông thông báo là bướu cancer, cần
phải giải phẫu gấp. Sau khi làm một số
xét nghiệm cần thiết như thử máu, chụp
hình vùng bụng .. Em lên ca giải phẫu khoảng
4 tiếng. Bác sĩ cắt khúc ruột nơi
có bướu khoảng hơn một gang tay. Em nằm
viện 4 ngày. Có lẽ đây là lần
đầu tiên em bị khủng hoảng tinh thần,
trầm trọng nhất về cơn đau. Cơ thể
em đau lắm và cử động rất khó
khăn.
Tưởng mình gục ngã trước khi
.. trời sáng rồi ! Nhưng em đã mạnh dạn
vượt qua đươc nhờ sự săn sóc
tận tình ở bịnh viện, sự chăm lo,
thương yêu từ người thân. Và nhất
là khi em tình cờ đọc được
bài phóng sự về các thương phế
binh từ chiến trường sôi động Iraq.
Các thương phế binh này đã mất
mát một phần cơ thể và còn trải
qua vài chục lần giải phẫu đau đớn
nữa. Vậy mà khi tỉnh dậy, họ
đã biết phấn đấu hết mình
và còn lạc quan vạch ra hướng đi cho
tương lai nữa. Em đã được vực
dậy và tự an ủi: "mình chỉ qua một
lần phẫu thuật, chuyện nhỏ thôi mà
.. Nhưng không là chuyện nhỏ thầy ạ !
Như lời tuyên đoán của bác sĩ:
"lần giải phẫu này không biết
cái gan của bà có chịu nổi không,
vì lá gan đã suy yếu mấy năm nay rồi.
Và em cũng là người kém may. Người
ta chỉ có một siêu vi khuẩn B hay C trong gan
mà thôi. Còn em có cả hai. Năm năm về
trước, em đã chích loạt thuốc
liên tục 12 tháng mới diệt được
siêu vi C. Và tiếp tục uống thuốc mỗi
ngày để khống chế cho virus B ngủ yên
(vì chưa có thuốc diệt nó). Thế
là sau 8 ngày xuất viện, lá gan của em
không làm việc nổi nữa, nhiều chức
năng suy kiệt. Nước trong cơ thể không
thải hồi ra ngoài mà giữ lại trong bụng.
Em không thể ăn và di chuyển nổi. Lại
nhập viện thêm 5 ngày để bác sĩ
rút 4 litters nước từ bụng ra. Em bị sụt
cân liên tục, mất đi gần 30 lbs, người
run rẩy đi không nổi, tiếng nói yếu
xìu hết hơi. Em lại than và rên dữ lắm.
Con gái em đã thương yêu và động
viên: "Mẹ đừng suy sụp quá như vậy,
làm cả nhà đau lòng sụp theo. Mẹ
hãy nghĩ rồi sẽ vượt qua, Mẹ sẽ
khỏe mạnh như xưa". Một lần nữa em
gượng dậy được. Dù còn rất
gầy nhưng sức khỏe em phục hồi từ từ.
Công ty em làm việc không cho nghỉ quá 4
tháng, em phải trở lại làm việc.
Và thưa thầy, số phận chưa mỉm cười
với em. Do thường xuyên được kiểm
tra qua thử máu và chụp hình mà
tháng 3 năm 2006 bác sĩ phát hiện
lá gan của em có một cái bướu nhỏ.
Do em vừa mới hồi phục và gan đã suy
yếu nên bác sĩ không chọn giải
pháp cắt bỏ được. Mà qua
phương pháp nội soi, đưa thuốc
vào diệt các mạch máu nuôi để
bướu teo lại và triệt tiêu. Thuốc chỉ
làm em khó chịu như khi chích ngừa cảm
cúm một tuần rồi thôi. Sau 7 tháng
thì bướu này biến mất. Dù vậy
trong thời gian này, theo lời khuyên bác sĩ,
em tiến hành hoàn tất hồ sơ xin thay gan tại
bịnh viện Stanford-1 trong vài bịnh viện
có phương tiện điều trị tốt nhất
nước Mỹ và trên thế giới.
Đây là biện pháp sau cùng, con
đường sống duy nhất mà em phải chấp
nhận khi lá gan không còn khả năng điều
trị nữa.
Và hình như với những cú sốc
liên tục xảy ra-qua đi-và chịu đựng,
giờ đây em bình tâm hơn, luôn cầu
nguyện và phấn đấu hết mình trong việc
theo dõi, tiếp tục điều trị bịnh.
Thầy hỏi: "Việc
làm em ra sao ?"
Thưa thầy, nghe em
kể nãy giờ, chắc thầy sẽ bảo: "Thôi
rồi, chắc em thua cuộc rồi". Nhưng
không, em chưa là người bỏ cuộc
đâu thầy ơi ! Qua những đợt điều
trị, vừa phục hồi là em đi
làm-toàn thời gian, 40 giờ mỗi tuần.
Người thân của em cứ bảo: "Chắc
em .. điên điên rồi, bịnh như vậy,
thừa chết, thiếu sống, cần gì phải
đi làm nữa."
Thú thật với
thầy, em không còn gánh nặng gia
đình nữa, mọi thứ đã có chồng
con em chi lo, em cũng có thể xin lãnh một
ít tiền bệnh để xài vặt (trong số
tiền em đã đóng thuế hơn 10 năm
đi làm), nhưng em không muốn là người
bỏ cuộc - đi
làm như một vận động cơ thể
và được giao tiếp với xã hội
là một hạnh phúc tuyệt vời của em. Điều
quan trọng hơn hết là em muốn
bình thường hóa mọi sinh hoạt trong gia đình, cả bản
thân em - hãy quên đi căn bịnh hiểm
nghèo mà lạc quan vui sống. Hiện nay, em sống
khỏe, hồng hào - đi làm vui vẻ lắm !
Vậy xin thầy cho em lời khuyên "em nên nghỉ
việc hay tiếp tục đi làm ?"
Thầy hỏi em:
"Có viết cho Đặc san trường một
bài được không ?"
Thưa thầy, hơn
40 năm về trước, thầy Ngọc đã cho
điểm bài nghị văn cuối năm của em
hạng nhất với lời nhận xét hóm hỉnh:
"Em viết văn hay, sâu sắc trong bình luận
mà chữ xấu quá ! Ráng viết chữ
đẹp thì trong tương lai có thể
làm .. văn sĩ". Nhận xét của Thầy
đã chắp cánh cho em có mộng làm
văn sĩ. Mấy năm trước em cũng thường
xuyên viết truyện dự thi trên tờ Việt
Báo - nuôi ảo mộng có ngày thực sự
làm văn sĩ .. nổi tiếng .. xuất bản mỗi
đầu sách được triệu đô
(như các nữ văn sĩ ở Mỹ). Bỗng chốc
- 2 năm nay - ngòi bút em phải bẻ ngang.
Vì em nghĩ - mọi người đã lo toan quá
nhiều cho cuộc sống - bài viết của em phải
sinh động, dí dỏm, hài hước một
chút để đem niềm vui đến mọi
người, mà bây giờ với cơn đau
này, lời văn em sẽ buồn thảm lắm.
Nên xin thầy cho em hẹn lại vào những
đặc san kế tiếp, lúc em có thể viết
vui hơn ! A, mà bây giờ nếu đọc
thơ này, thầy chấm giải, thấy.. đọc
được, có những triết lý vụn
có thể áp dụng cho những bóng xế
đường tà, thầy trao cho ban biên tập
lên khuôn vào đặc san trường lần
này - lưỡng tiện thầy há !
Em cám ơn thầy
đã đọc .. không nghỉ lá thư
dài này - dành thì giờ quý báu
để xót thương, chia xẻ những tâm
cảm của em.
Cuối thư, em
kính chúc thầy cô dồi dào sức khỏe,
thân tâm an lạc.
Học
trò cũ của thầy,
HÀ
KIM
(Sưu Tầm
Liên Mạng chuyển)