BUỔI TRƯA TRONG TIỆM
SÁCH
(NGUYÊN
NHUNG)
Ông Nguyễn rất thích đọc
sách. Hồi niên thiếu, hễ vào thư viện
hay đi đâu, ông
ngấu nghiến bất cứ cuốn gì vớ
được. Học hành chẳng bao nhiêu,
nhưng không ít thì nhiều nhờ đọc
sách, kiến thức cũng được mở
mang. Mở như thế nào không biết, nhưng
hễ ai nói tới chuyện gì ông cũng
có khả năng góp vào được
đôi câu cho có chuyện. Còn những
chuyện vượt quá sự hiểu biết,
ông nói lấp lửng ra điều "văn
chương, chữ nghiã " vốn vẫn có
những lắt léo bí ẩn không giải
thích được bằng lời, mà nếu muốn
hiểu thì mỗi người lại hiểu một
cách, không ai giống ai.
Cũng đúng thôi, ai muốn hiểu sao
thì hiểu, tuỳ theo sự tiếp nhận của
người đọc. Cho nên ông ít khi
góp ý hay bàn cãi về một tác phẩm,
vì không khéo thì lộ cái dốt cuả
mình ra, mà có khi lại bị đánh
giá là người kém hiểu biết. Tốt
nhất, "biết thì thưa thốt, không biết
dựa cột mà nghe",
đó là ý nghĩ của ông, của
giới chỉ thích đọc mà không biết
viết. Còn giới nhà văn với nhau thì
mỗi người một cõi, mỗi người
là một thượng đế trong cõi thi
văn của họ, nhân vật sung sướng hay hạnh
phúc, xấu xí hay đau khổ , tha hồ
được trí tưởng tượng của họ
cho khóc cho cười, cho chết cho sống. Người
đời thường nói đùa với nhau
" văn mình vợ người", hay "hai
cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ" chả biết
có đúng không ? nhưng đa số tác
giả thích đọc sách của mình ,
đọc đi đọc lại mãi không
chán. Đứa con tinh thần mà, con mình dẫu
không đẹp thì mình vẫn thương,
huống gì nó được vắt từ tim
óc .
Ông chỉ là một độc giả của
các nhà văn, nhà thơ, thành thử
ông "trung dung chính đạo", hễ
thích văn ai thì ông cũng cố dè sẻn
chút tiền tiêu vặt để mua cuốn
sách cuả họ. Giá được nhiều
người có lòng như ông thì
đâu có câu : "văn chương hạ
giới rẻ như bèo". Mấy lần ông
định viết thư cho một tác giả
mà ông ái mộ, (nhưng sách in ra chẳng
bán được bao nhiêu), với câu an ủi
rằng sách vở thì có nhiều loại
khác nhau, mà người đọc thì cũng
nhiều loại khác nhau. Có cuốn vừa in xong
còn nóng hổi, ngày ra mắt sách ì
xèo người tới tham dự, nhưng xét về
giá trị văn chương vẫn không là
sách quý, chẳng qua " nhất thân nhì
thế " đó thôi. Giới nhà binh đọc
sách thì phải có súng nổ, có
đại bác, có xung phong, phi cơ bay lên bay
xuống mới thành chuyện. Giới tù tội
thì bắt buộc phải có đói, có
rét, bị kỷ luật nằm trong "chuồng
bò", gánh rau, gánh phân , khổ đến
tận cùng bằng số. Riêng chuyện tình
cảm xã hội là chung của mọi người,
mỗi người mỗi kiểu khác nhau, thành
thử ít có
tác giả nào hoàn toàn được
ái mộ trăm phần trăm, hay bị chê bai
trăm phần trăm, vậy nếu đã là
"nghiệp" thì cứ an tâm mà viết.
Suốt một tuần ở nhà, ông vẫn
có thói quen ra phố vào ngày chủ nhật.
Cái thú đi loanh quanh các tiệm buôn,
ghé vào chợ mua vài món cần thiết,
ghé ăn tô phở để lấy tờ
báo, thế là "nhất cử lưỡng tiện",
được cả món ăn vật chất lẫn
món ăn tinh thần, mà chỉ mất có một
lần tiền. Sau đó thế nào ông cũng
ghé tiệm sách, nghe nói có vài cuốn
sách vừa ra mắt độc giả, đọc quảng
cáo thấy cũng hay hay, nhưng số tiền
giá sách khiến
ông băn khoăn, vì chỉ còn đúng
mười lăm tiền trong túi. Phải tính
toán tiền bạc cho văn chương chữ
nghiã cuả các nhà văn như vậy,
ông cũng cảm thấy hổ thẹn trong lòng,
nhưng khổ nỗi tờ báo cho không ở
các chợ hay các tiệm ăn, vẫn quyến rũ
hơn vì có đủ mục trong đó.
Trước tiên những tin tức cập nhật hằng
ngày, hằng tuần xảy ra trên thế giới,
ngoài nước trong nước vẫn làm
người đọc thích thú theo dõi, sau
đó mới rà rà qua mấy mục tử
vi, mẹo vặt, chuyện trong nhà ngoài phố,
tình ái của các ca sĩ, tài tử
đang lên. Cuối cùng thì mới tới mục
thi văn, nhưng món ăn tinh thần này phải
có thì giờ nhẩn nha, không vội vã
để ngốn ngấu ngay được.
Những người bận rộn không có
thì giờ mó máy tới sách vở khá nhiều, cuộc sống
bên này có mỗi hai ngày cuối tuần
thì phải dành cho đám cưới,
đám ma, shopping, đi nhà thờ, đi chợ,
thế là hết. Còn những vị tuổi
nhàng nhàng chưa già không trẻ như
ông lại có thú đọc sách thấy
cũng hiếm, nhất là khi bỏ tiền mua một
cuốn sách, tác giả đã đăng
nhão nhề mấy lượt trên các tạp
chí biếu không, ông lại thấy lưỡng
lự. Có khi đi chợ ông nhặt luôn
được mấy số báo, tuần sau ông lại
thấy bài ấy ở trong một tờ báo
khác, tự nhiên ông khó chịu, như bị
ăn hoài một món ăn, dẫu ngon tới
đâu vẫn cảm thấy như không còn
háo hức như lúc được ăn lần
đầu tiên.
Ông nhớ hồi còn trẻ, thời cực
thịnh của ngành báo chí, sách vở ở
quê nhà. Báo cũng phải mua mà sách
cũng phải mua, không thấy ai cho không biếu
không như bây giờ. Những chiều thứ Bảy,
những sáng chủ nhật tiệm sách
đông nghẹt đám sinh viên, học sinh, những
cặp tình nhân ríu rít đi có
đôi có cặp vào lựa sách, rồi
tấp qua Rex xem phim thật không có buổi chiều
nào thơ mộng bằng.
Giáo khoa, nghiên cứu, tự điển, tiểu
thuyết, thi tập bán chạy như tôm
tươi. Bây giờ nhìn thấy vẻ eo
xèo của những tiệm sách, vẫn trăm
hoa đua nở mà khách thưởng hoa thì
thưa thớt ông lại thấy ngậm ngùi. Tuy
thế, ông vẫn có
cái thú tạt vào tiệm sách để
ngắm nghiá những cuốn sách phẳng phiu
đầy màu sắc, bày đầy trên những
chiếc kệ gỗ cũng
rất hấp dẫn, như đi xem tài tử giai
nhân trảy hội ngày Xuân, chưa kể
mùi thơm của giấy cũng quyến rũ
không thua gì nước hoa. Rồi khi đọc những
tác phẩm mình thích, thì đúng
là đang hít thở cái hương hoa của
văn chương vào tim óc. Giới nhà
văn , nhà thơ bói đâu ra được
một độc giả như ông, để mà
cảm tạ một người vô danh có
lòng với văn chương sách vở.
* * *
Khi ông bước
vào tiệm sách trời cũng đã xế
trưa, ông chủ tiệm đầu hoa râm,
đeo đôi kính lão đang ngồi chăm
chú với cái máy điện toán.
Ông ta liếc nhìn khách, nở một nụ
cười xã giao nhạt thếch rồi lại cắm
cúi làm việc. Hình như thế giới của
tiệm sách là thế giới của im lặng,
khách cứ vào rồi ra, chả ai hỏi ai, chỉ khi
nào tìm được cuốn sách, hay tạp
chí muốn mua, họ đến quầy tính tiền
rồi đi, chứ ít khi nghe tiếng chuyện
trò như ở những quán ăn.
Bà vợ ông chủ có vẻ hiếu
khách hơn, lẽo
đẽo theo khách với một nụ cười
tươi như hoa để cầu may, vì từ
sáng đến giờ bà chưa bán
được cuốn sách nào. Ngó bề
ngoài, bà đánh giá thành phần
khách, kiên nhẫn đi theo để chỉ dẫn.
Bà chỉ một dãy những sách mới
được trưng trên kệ gỗ, nhưng thấy
khách liếc mắt qua nhìn sơ với vẻ hờ
hững, bà bèn đi về phiá ông chồng
lúc này cũng đang ngồi ngó ra ngoài
sân nắng, nhổ râu. Chả biết làm
gì thì ông ta cứ vặt râu cho đỡ
buồn, rồi lại
ngáp. Bên ngoài
nắng đã lên cao, mới giờ này
mà sao cơn buồn ngủ làm ông ta díu
cả mắt.
Khách lại thưa thớt, chỉ loe hoe
vài người đi tới đi lui, cầm hết cuốn
này lên rồi lại đặt cuốn kia xuống,
băn khoăn, lưỡng lự . Bà vợ
đã đi vào nhà hâm bữa cơm trưa,
ông chủ tiệm cứ ngáp ngắn ngáp
dài, chắc ông ta đang mong có tay bạn
nào rảnh rang, ghé qua đấu láo cho qua
cơn buồn ngủ.
Chỉ có mỗi người khách la
cà lâu nhất
là ông trong tiệm, đi đi lại lại
mà chưa biết sẽ mua cuốn nàọ
Trước tiên , ông vẫn có thói quen
đánh giá cuốn sách qua tên tuổi
tác giả, rồi ngắm nghiá cái bià
sách để thưởng thức trước khi
"chọn mặt gửi tiền". Ông lại
có thói quen gần giống hầu hết những
người đi mua sách, gì thì gì cũng
phải xem qua tiểu sử và hình ảnh của
tác giả.
Có nhiều người nay đã lên
lão làng, lại cho in tấm hình còn trẻ măng, oai
phong lẫm lẫm trong bộ chinh y thuở mới hai
mươi tuổi. Có ông lại nhờ hoạ sĩ vẽ hộ theo trường
phái lập thể, ngó qua rất trừu tượng.
Có cô văn sĩ
hình khá đẹp, trông như nữ
sinh mười tám tuổi. Chuyện này khiến
ông cứ phải cười hoài một
mình, vì chính ông đã tương
tư một nhà văn nữ chỉ vì tấm
hình ở ngoài bìa sách, lại mê
tít giọng văn ngọt
ngào của cô ta, ông cứ ao ước
được gặp để xem dung nhan thần tượng.
Nhưng khi tình cờ gặp người trong mộng
bằng xương bằng thịt, ông đâm vỡ
mộng, giận mình và thề rằng không
bao giờ đi tìm một tác giả nào nữa,
kể cả đàn ông cũng như đàn
bà.
Đấy là phần hình ảnh, còn
tiểu sử thì vô số những lời khen tặng
đã được in đầy ở bià sau, không bỏ
phí một ô vuông nào. Ông thích
đọc tiểu sử tác giả y như trẻ
con học bài sử ký, vì nó có ghi
rõ năm rõ tháng và sinh quán cuả
tác giả, cùng những trường học
và bằng cấp đã đạt được
trong đời người. Cái này quan trọng lắm,
đó là bảo chứng rõ ràng nhất để
đánh giá một cây bút có tầm
cỡ và trình độ. Hầu hết cuốn
sách nào cũng có tiểu sử của
tác giả, không vắn thì dài, chỉ
có những tác giả tầm thường
không xuất thân từ trường lớp
nào, ngoài tấm hình trơn tru không thấy
có phần tiểu sử.
Phần này có nhiều kiểu khác nhau,
có tác giả thì viết tiểu sử
rõ ràng theo thói quen làm lý lịch hay
khai hộ khẩu thời xã hội chủ nghiã,
có lẽ bị ám ảnh phải thật
thà khai báo chăng ? Có ông cẩn thận
hơn, khai rõ cả thuở hàn vi cho tới hồi
cực thịnh, quan quyền, tù tội đầy
đủ, khiến nguyên một mảnh bià sau
đặc kín những chữ.
Ông cứ vừa đọc vưà tủm tỉm
cười, khi tình cờ đọc những cái
tiểu sử chả ăn
nhậu gì tới tác phẩm, nhưng đó là nghệ
thuật quảng cáo của mỗi người.
Bây giờ đứng trước một rừng những cuốn sách
còn phẳng lì, trơn láng bìa giấy cứng,
ông bắt đầu chọn lựa một cuốn
sách có giá trị mà lại vừa vặn
với túi tiền của mình nữa. Khó
quá đi thôi, cuốn nào cũng xứng
đáng với công sức cuả tác giả,
đủ loại từ biên khảo, dịch thuật
hay phóng tác, lịch sử, dã sử, hồi
ký và sáng tác. Hồi ký chiếm
đa số trong hàng hàng lớp lớp những
cuốn sách trong tiệm, hầu như mỗi
tác giả là một vùng trời khác
nhau, nhất là những hồi ký về
chính trị hay lịch sử, thì cũng một
thời kỳ ấy mà mỗi vị lại kể một
khác, tuỳ theo góc cạnh và chỗ đứng
của họ. Còn truyện dịch, ông chưa thấy
ai qua mặt được dịch giả dịch tác phẩm "
Bố Già" ở thập niên sáu
mươi, đọc hấp dẫn từng câu, từng
chữ. Ông không chịu nổi lối phóng
tác truyện nước người ra nước
mình, vì tư tưởng giữa hai nền
văn hoá khác nhau, bối cảnh và ngôn
ngữ , lối suy nghĩ hoàn toàn khác,
nó chõi nhau đến độ ngớ ngẩn.
Chỉ có sáng tác là dễ viết nhất,
vì nó chả đụng chạm tới ai, chuyện
là chuyện đời thì nó giống nhau, ai
cũng tưởng tượng ra được, chỉ
cần sắp xếp sao cho có tình có
lý.
Có nên tin vào lời TỰA hay bài
giới thiệu trong những cuốn sách không nhỉ
? Sách là món ăn tinh thần thì cũng
phải " ăn " mới biết ngon hay dở,
còn cứ liếc qua mấy trang đầu thì chưa
ăn thua, bởi vì có những tác phẩm
càng đọc càng thấm, càng thấy
cái sâu sắc của truyện. Băn khoăn mãi mà chưa dứt
khoát mua cuốn nào, vì chỉ có mười
lăm đồng trong túi, ông đã nghe
có tiếng cười nói tíu tít cuả
một đám nhơ nhỡ đi theo một bà sồn
sồn bước vào tiệm. Ông chủ tiệm
đang ngồi gõ lạch cạch cái
còm-piu-tơ, nhướng
mắt lên nhìn, bà vợ lại đon đả
mời khách. Tự nhiên ông cũng mừng
giùm cho người chủ tiệm , và mừng
cho nền văn hoá Việt Nam vẫn còn tồn
tại được, bởi những lớp trẻ
đang lớn lên ở xứ người vẫn
còn tha thiết tới sách vở. Khách
đây là một bà sồn sồn với hai
cô tre trẻ, chắc là ba mẹ con, thêm một
anh thanh niên ngó bộ
dạng là người yêu cuả cô con
gái lớn. Bà chủ
tiệm lại đon đả mời:
"Bà và cô cần loại sách
nào ?"
Hai nguời đàn bà toe toét cười.
Cô gái hỏi:
"Có sách xem tử vi và so tuổi
không hở bác ?"
Hoá ra cô bé sắp lấy chồng,
cô cần so tuổi để coi ngày làm
đám hỏi đám cưới. Gì chứ
thứ này rất sẵn, bà chủ mau mắn dẫn
ba người đến chỗ để đầy những
sách tử vi, lịch
Đông Phương và bói toán. Cô chụp
ngay lấy cuốn có bàn tay bên ngoài cuốn
sách, rồi reo lên như tìm được
tri kỷ:
"Đây rồi ! " Cô nũng nịu gọi
anh thanh niên:
" Anh nè, đưa tay đây em xem. Nắm
chặt tay lại coi
nào. Hai đường chỉ nhé, thế
là tới hai lần vợ, thôi em chả lấy
anh đâu."
Gã thanh niên càu nhàu, lườm
cô gái:
" Chúng nó chỉ viết nhảm, thế
mà cũng tin".
Bà mẹ đã lựa xong cuốn tử vi
đẩu số, rồi bà nhìn quanh quẩn,
nói trống không:
"Có cuốn
"Con ma vú dài" không ?"
Bà chủ tiệm
kiên nhẫn:
"Sách đó
của ai hở bà ?"
Cô con gái vội
kéo tay mẹ, giọng hơi mắc cở:
" Không có cuốn
đó đâu má. Đó là phim bộ
Hồng Kông mà, má phải qua tiệm
Video."
Rồi bốn người
kéo nhau ra quầy tính tiền, cô con gái
còn mua thêm một cuốn tiểu thuyết diễm tình "Mười
đêm không ngủ " nữa. Họ kéo nhau
đi, chỉ còn lại ông là người
khách duy nhất trong tiệm, với bao nhiêu cuốn
sách đẹp phây phây đang chờ ông
chọn về làm bạn.
Ông cầm hết cuốn
này lên, rồi lại đặt cuốn kia xuống,
giá có tiền thì ông bưng về hết
để khỏi phụ lòng anh em cầm bút. Vốn
đa cảm, ông ứa nước mắt khi nghĩ
đến cái nghề mà thiên hạ cứ bảo
là bạc bẽo, thầm phục sự can đảm
của các nhà văn, nhà thơ. Thời buổi
khó khăn, bỏ bao nhiêu công sức để
vắt óc vắt tim viết được một cuốn
sách, bỏ mấy ngàn đồng để in,
để rồi thu vào từng chục bạc với
nỗi vui sướng vẫn có người mua
sách, đọc sách cuả mình. Họ
đâu có cái can đảm hay trâng
tráo để tự khen ngợi văn chương cuả
mình theo kiểu :
"Phở ngon không cần bột ngọt, đầy
đủ mùi vị hấp dẫn", vì văn
chương khi được in thành truyện,
đã cho ra đời để đến tay người
đọc, là nó đã thuộc về
đám đông, và chỉ được
đánh giá bởi độc giả mà
thôi.
Những cuốn
sách trên kệ gỗ cứ đập vào mắt
ông những hàng tựa thật nổi, thật
đẹp. Có những tác phẩm đồ sộ
dầy hằng bốn trăm trang nằm im lặng như
một nấm mộ đẹp, ông nhìn thấy
đã mấy năm rồi mà vẫn còn
trên kệ sách. Có những tác phẩm
khiêm nhượng hơn , với bìa màu trang
trí lộng lẫy, buồn
so như cô gái có nhan sắc mà duyên
phận lại hẩm hiu. Vốn đa cảm, ông hay
lẩn thẩn nghĩ chuyện này ra chuyện kia, với
cái đà này thì mong gì mươi,
mười lăm năm nữa, liệu rằng những
đám già thích đọc sách như
ông tiêu diêu miền cực lạc, còn ai
đọc nữa để bảo tồn Văn hoá
Việt.
Thỉnh thoảng lại
có người ghé vào mua cái CD vài
đồng bạc, hay tờ tạp chí hai đồng.
Nhà văn với nhà
báo là hàng xóm của nhau, cùng
chịu chung số phận
một trời lận đận. Nhưng có những
tạp chí hay nhật trình, lấy được
nhiều quảng cáo thì họ sống nhờ
vào đó, còn mấy tờ ít quảng
cáo chỉ trông cậy vào độc giả
xa gần thì thê thảm hơn, ít ra gia
đình họ phải có nền kinh tế vững
vàng, báo bổ chỉ là thứ nghiệp
chướng mà vợ con họ phải ghé vai
vào gánh vác. Chưa kể trăm thứ
"tiền oan nghiệp chướng" khiến
đã có người mai mỉa : "ghét ai
thì cứ xúi người ấy làm
báo". Nhà văn đã khốn khổ
vì sách, nhà báo cũng khốn khổ
vì báo, sách báo đưa qua tiệm
sách thì kể như tung lá đi bốn
phương Trời mười phương Phật,
sách đã chu du mười phương tám
hướng nhưng tiền in ấn thì hiếm
như "lá rụng về cội".
Óc tưởng tượng khiến
ông nghĩ xa hơn. Mai mốt đây nếu Trời
cho ông sống lâu trăm tuổi, vẫn yêu
thích văn chương, nhưng mắt mũi mờ
mịt có thấy gì đâu mà đọc.
Ông chủ tiệm và bà chủ tiệm, những
người chọn nghề
bán sách làm nghề cao quý để gần
gũi văn chương,
sách vở, chắc khó lòng tìm được
người để nối tiếp nghề nghiệp cao
quý này. Và, những tiệm sách Việt
Nam cứ từ từ biến mất hẳn ở hải
ngoại. Một nhà văn nổi tiếng đã từng than thở
với ông:
" Viết chỉ
vì cái nghiệp, lại là cái nghiệp
khổ, " đã mang lấy nghiệp vào
thân, cũng đừng trách cứ trời gần trời
xa". Bỏ một số
vốn kha khá để ra một tác phẩm, vừa
bán vừa cho, chỉ mong gỡ lại vốn, để
khi nào có dịp lại có tiền làm cuốn
khác. Đó là kinh nghiệm "lấy ngắn
nuôi dài", trả bớt cái nghiệp khổ
để kiếp sau khỏi vướng vào nghiệp
cầm bút."
* * *
Cuối cùng ông
cũng phải rời tiệm sách, vì ngoài
kia nắng đã nghiêng vai chiếu cái nắng
chói chang vào cửa tiệm. Thấy ông kề
cà lâu quá mà chưa chọn được
cuốn sách nào, ông chủ tiệm nhìn
ông với cái nhìn thiếu thiện cảm,
làm như ông là kẻ đang ăn cắp chữ
nghiã không bằng.
Ông thò tay
vào túi, mười lăm đồng chỉ mua
được có một cuốn mà cuốn
nào ông cũng muốn mua. Ông thương
quá những hình ảnh tác giả trang trọng
ở bià sau cuốn sách, ông thương
quá những dòng chữ đều đặn viết
bằng những đam mê và khắc khoải của
nhiều đêm không ngủ, những ray rứt, những
nghĩ suy trăn trở của
tác giả đã gửi gấm hồn mình
qua nhân vật cuả truyện, để rồi nằm
chơ vơ trên kệ sách mờ dần với lớp bụi thời gian.
Với mười
lăm đồng quả chưa xứng đáng cho
công lao của những người vắt tim óc ra thành chữ kia,
nhưng biết làm sao bây giờ. Ông ngần
ngừ mãi rồi chọn một cuốn cuả
nhà văn nữ, chỉ vì tội nghiệp
tác giả không có phần tiểu sử ở
mặt bìa sau.
Nguyên Nhung
(Bai chuyen)