Người Cuối
Cùng
(T.Vấn)
Ở đây ta có dăm người
bạn
Phúc tự tâm, không lý
đến đời
Ở đây ta có dăm pho
sách
Và một dòng sông, mấy
cụm mây ..
(Tô Thùy Yên)
1.
Họ có tất cả là 14
người, cùng sinh năm 1920, trong cùng một
thành phố, Wichita. Lớn lên với nhau ở
cùng một khu phố nghèo, cùng chia sẻ với
nhau những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ
ấu, cùng học với nhau một trường từ
Tiểu Học, rồi Trung học và cùng tốt
nghiệp năm 1937. Rời ghế nhà trường
trung học, những chàng trai 18 tuổi còn
đang không biết phải hướng tương
lai mình về đâu, không biết phải
làm gì để chứng tỏ mình là
những thanh niên cường tráng, đầy ắp
nhựa sống nhưng họ đã sớm nghĩ
đến những bất trắc của cuộc sống,
của ngày mai đang rộng mở ngoài kia với
bao nhiêu đe dọa. Và họ quyết
định dựa vào nhau để cùng bước
chân vào tương lai. Sau khi đã trải
qua bao nhiêu năm bên nhau ở cùng một khu
phố, ở cùng một mái trường, họ
có quá nhiều điều chung
khiến khó có ai trong số 14 người ấy
nghĩ đến một ngày họ không còn
có nhau. Thế là họ mượn
ý kiến của những cựu binh thế chiến
thứ nhất (WW I) để gọi nhau bằng cái
tên "The Last
Man's Club". Một "bản
hiến chương" của nhóm ra đời.
Điều 1: Mỗi năm sẽ có một buổi
gặp mặt mọi người cho đến khi
không có ai sống còn để tham dự. Điều
2: tất cả mọi thành viên còn sống
phải tham dự, dù ở bất cứ nơi
đâu. Nếu không thể tham dự được,
phải thông báo cho nhau biết lý do. Điều
3: Nơi gặp mặt nhất thiết phải là
thành phố Wichita, nơi họ sinh ra và lớn
lên, và thời điểm phài là thời
điểm linh thiêng và ý nghĩa nhất,
ngày 29 tháng 12 hàng năm. Các điều
khoản tiếp theo quy định những
họat động trong buổi gặp mặt, việc tu
sửa bản Hiến chương phải hội đủ
ít nhất 3 phần tư số thành viên
còn sống. Cuối cùng, bản Hiến
Chương được ký đúng ngày 29
tháng 12 năm 1937 với chữ ký của 14
thành viên của nhóm.
Đến nay đã 70 năm từ ngày
nhóm được thành lập, và chỉ
còn một người duy nhất sống sót,
Người Cuối Cùng như cái tên gọi
của nhóm 14 người. Kẻ may mắn - hay
không may mắn - ấy, năm nay đã 87 tuổi.
Ông già tóc bạc, da mồi ngồi trầm
ngâm trước những kỷ vật của bạn
bè để lại: bản hiến chương
được lồng trong khung gỗ cũ đã
lên nước có thủ bút của 14 người
bạn thuở niên thiếu, tập kỷ yếu
đầy những hình ảnh kỷ niệm của
70 năm, trong đó 13 người kia đã lần
lượt theo nhau bước ra khỏi trần thế,
và chai Champagne phủ đầy bụi bậm của
thời gian. Theo quy định, dù muốn
hay không muốn, ông - người cuối cùng
sống sót - phải mở chai champagne ấy. Ông
già ngần ngại, tay cầm chai
rượu thổi nhẹ lớp bụi bám chung quanh
chai như thổi đi những vui buồn của
quá khứ. Ông sợ hớp rượu
đắng ngắt sẽ làm ông nghẹt thở
vì đau đớn. Nhắm mắt lại,
ông hồi tưởng đến người đầu
tiên trong số 14 người chết vì tai nạn
trong lúc đang tập lái máy bay trên
vùng trời Wichita ngày 24-05-1941. Báo chí hồi
ấy cho rằng đó thực ra là một vụ
tự sát. Trong 3 bức thư để
lại của người quá cố, có một bức
được viết để gởi cho Nhóm 14
người bạn. Dù chết, anh bạn
ấy đã giữ đúng lời hứa ghi
trong bản Hiến Chương. Người thứ hai ra
đi không lâu sau đó vì bệnh tật.
Dù vậy, 12 người còn lại
vẫn hội ngộ hàng năm như đã
ước hẹn. Họ thức đêm, uống
rượu, hút thuốc, kể cho nhau nghe những
câu chuyện của cuộc đời mình
và hôm sau chia tay tại buổi
ăn sáng ở một nơi quen thuộc trong
thành phố.
Chiến tranh thế giới lần thứ
II bùng nổ. Nước Mỹ chính thức tham chiến.
12 người bạn, như bao người trai thời loạn
khác, bước vào chiến trận với
ý thức rõ ràng rằng từ nay số phận
của họ sẽ thay đổi lớn lao.
Quy định hội ngộ hàng năm
của bản hiến chương đành tạm
gác qua một bên.
Năm 1946, chiến tranh chấm dứt. The Last Man's Club tụ họp
trở lại, không mất một người
nào dù có kẻ bị thương tích
trong chiến trận. Không hứa hẹn
với nhau, nhưng họ chỉ kể về những
ngày tháng binh lửa một lần duy nhất
trong buổi hội ngộ đầu tiên sau chiến
tranh. Từ đó, không ai trong số
họ nhắc lại những ngày tháng ấy một
nửa lời. Thời cực thịnh của
nhóm có lúc bao gồm luật sư, chuyên
viên địa ốc, chủ đại lý
bán xe Cadillac, kỹ sư, và
đủ loại nghề nghiệp khác trong xã hội.
Trong số đó có một người
là chủ tiệm rượu, và người
này được giao nhiệm vụ bảo quản
chai Champagne dành cho người
Cuối Cùng của Nhóm.
Năm 1955, những bà vợ của
họ cương quyết không chịu ngồi
nhà để chỉ cho những ông chồng gặp
nhau nữa. Dù
được mời hay không được mời,
họ muốn là người của nhóm với
tư cách là vợ của những thành
viên. Khi chính thức tham dự sinh họat
của nhóm hàng năm, những bà vợ của
họ mới biết những người bạn này
đã nâng đỡ nhau trong đời sống
như thế nào. Và họ
hãnh diện về những người chồng của
mình. Điều đẹp nhất,
ở họ, không một ai trong số những người
bạn ly dị. Họ tận tụy
với đời sống hôn nhân của mình
như chính họ đã tận tụy với
nhau trong tư cách những người bạn
thân.
Thời gian qua đi. Họ đã
thành ông nội, ông ngoại. Có người sức khỏe suy sụp
vì bệnh tật, vì tuổi tác. Có người qua đời. Đến
tuổi về hưu, những người sống
sót quay trở lại sinh sống ở Wichita để được gần
gũi nhau hơn. Những
bà vợ của họ cũng đã ra đi hết.
Ngay đến ông già Người Cuối
Cùng cũng đã góa bụa từ 4 năm
nay.
The Last Man cầm lấy chai champagne, rồi
lại khẽ khàng để xuống bàn, im lặng. Ông đưa tay
đỡ gọng kính lão nặng nề đang
trễ xuống sống mũi hay một cử chỉ cố
che dấu đôi dòng lệ già nua hiếm hoi
đang muốn chảy ra khỏi hốc mắt sâu
như hố thẳm thời gian. Hồi tưởng lại
70 năm những lần gặp mặt, âm thanh rộn
ràng của chai Champagne được mở làm
ông thêm yêu đời bao nhiêu thì
bây giờ, cầm chai Champagne cuối cùng phần
thưởng dành cho người cuối cùng,
ông già lại sợ phải nghe cái âm
thanh réo rắt ấy của kỷ niệm.
Ông biết, chẳng bao lâu nữa, ông sẽ
đi theo những người bạn
thân quý của mình. Một quyết
định nhanh chóng. Chai Champagne sẽ ở bên cạnh
ông lúc ông nằm trong quan tài. Vả
lại, khi nhóm 14 người chỉ còn lại
có một mình ông, thì dù ông
có quyết định thay đổi một điều
gì từ bản hiến chương nguyên thủy,
cũng đều là hợp lệ.
2.
Tôi đọc câu chuyện
có thật ấy trên đường trở về
từ Dallas,
sau một cuộc gặp gỡ hàng năm với những
người bạn học cùng trường ở
Đà Lạt hơn 30 năm xưa. Đã 18 năm nay, kể từ khi
gặp lại nhau trên mảnh đất lưu vong xứ
người, những người bạn cũ chúng
tôi đã tụ họp nhau dưới một
tiêu chí
"Chúng ta mất hết chỉ
còn có nhau".
18 năm, 18 cuộc hội ngộ, với quyết tâm
vượt qua mọi trở ngại để chỉ
tìm đến nhau, cho nhau chút tình bằng hữu,
với cũng chỉ một ngày hẹn: Dịp lễ
Lao Động Hoa Kỳ đầu tháng 9 hàng
năm. Những người vợ của chúng
tôi cũng đã cùng với chồng chia sẻ
mọi kỷ niệm ngọt ngào của tình bằng
hữu, chia sẻ những ngày tháng thăng trầm
của cuộc đời cũng như đã từng
cùng với chúng tôi nhỏ những giọt lệ
tiễn đưa những người bạn vắn số
bước lên toa tàu thời gian đi về
nơi miên viễn. Rồi cũng sẽ đến
ngày chỉ còn một người cuối
cùng, The Last Man. Trong số những bạn hữu của
18 lần gặp mặt hàng năm, ai sẽ may mắn
(không may mắn) là người cuối cùng. Ẩn số của thời gian ấy chẳng ai
nao nức đi tìm. Rồi thì cũng sẽ
như ông già 87 tuổi của thành phố Wichita ngồi ngậm
ngùi bên những kỷ vật bạn bè
mà ước gì mình không phải là
Người Cuối Cùng. Cái lẽ
tử biệt sinh ly của kiếp người nào ai
tránh khỏi. Nhưng có một
điều ông già ở Wichita không hề hối tiếc.
Ông, cũng như những người bạn
đã qua đời, đã sống trọn vẹn
với nhau như những ngày đầu tiên 70
năm về trước, cũng với trái tim trong
sáng nhất, không giận hờn, không ganh tị,
không đố kỵ dù có người
thành công, kẻ thất bại trong cuộc sống
đời thường. 70 năm, khỏang
thời gian đủ dài để đo hết
được chiều sâu tấm lòng những
người bạn. Và ông tin rằng, chỉ
một thời gian không lâu nữa đây,
ông sẽ nằm xuống với trái tim thật thanh thản, như những
người bạn ông đã thanh thản ra
đi. Vì một điều thật đơn giản,
họ đã sống
trọn vẹn với nhau bằng tấm lòng người
bạn.
Câu chuyện thật đẹp. Đẹp như những
câu chuyện trong cổ tích tôi được
nghe từ những ngày còn thơ ấu. Bất giác tôi nhớ đến câu
hát được nghe đây đó nhiều
lần. Sống ở
trên đời, cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không
? Để gió cuốn đi, để gió
cuốn đi .. Bởi vì cuối
cùng, có lẽ không ai thoát ra khỏi
vòng tử sinh sống chết của đất trời.
Nhưng dẫu cho thân phận làm người hữu
hạn, nhưng tấm lòng con người có thể trải
ra đến vô cùng, không một biên giới nào có thể
ngăn lại được.
Con đường xuyên bang hun hút trước
mặt. Âm vang tiếng nói cười của bạn
hữu lần họp mặt vừa chia tay vẫn còn
vang vang bên tai tôi, cả cái váng vất của
đêm hôm trước thức gần hết
đêm như sợ giấc ngủ làm ngắn
hơn khoảng thời gian gặp gỡ vốn ngắn
ngủi, tôi thấy mình thật hạnh phúc.
Bất giác, tôi ao ước được
là The Last Man, như ông già 87 tuổi sống
cùng thành phố, trong nhóm bạn hữu của
mình. Dù có phải chịu đựng nỗi
đau xót mà một người bạn nhạc sĩ
của tôi đã diễn tả thật buốt
lòng:
Chiều buồn, ngồi bên ly
rượu
Bên hiên nắng chiếu lung linh
Bóng ta, dài theo
bóng nắng
Và chỉ một bóng ta
thôi
Cầm đàn tay
hờ hững rơi
Âm thanh nghe quá khô khan
Còn đâu giọng hát
thân quen
Và đâu năm tháng nhạc
hoa
Ta cất tiếng ca, giọng ca
già như cổ thụ
Mơ tiếng vỗ tay,
không còn một tiếng vỗ tay
Ly cũng thấy buồn
Thèm nghe tiếng thủy tinh reo
Ly bỗng cô đơn
Ly đầy rồi ly lại vơi
Rượu đã cạn rồi,
buồn sao chưa dứt
Bạn bè ơi, sao sớm bỏ
ta đi
Ngoài sân, con chó gìa chợt
thức
Buông tiếng ngáp dài trả
lời ta
(Cô Đơn - Trần L Việt)
Lúc ấy, dù biết rằng chỉ
có "bóng ta dài theo
bóng nắng, và chỉ một bóng ta
thôi", Nhưng tôi vẫn muốn được
là người chứng kiến và ghi lại một
trong những điều tốt đẹp nhất của
con người: TÌNH BẰNG HỮU.
T.Vấn
Dallas-Wichita
Tháng
9-2007
(Bai Chuyen)