SU'U TÂ`M 6

Home | CÚ'U TRO*. !!! | CÚ'U TRO*. [tt] | CÚ'U TRO'. 1 | CÚ'U TRO'. 2 | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 22 | VA(N 23 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | NHA.C & HÌNH A?NH | VA(N VUI | VA(N VUI [tt]

VA(N 8

Trăng thu

 

 

Trăng thu

(Phan)

 

 

Trăng trước còn ngồi với cái nóng hừng hực của sân gạch, mái che. Trăng này đã trải xuống mái che, sân gạch thứ ánh sáng bàng bạc của trăng thu, lành lạnh. Chao ôi ! Thu về rồi đó sao ? Trăng trước còn ngồi với ông bạn già đáng tuổi cha, ăn nhậu gì đâu có nhớ. Chỉ nhớ mang về lúc nửa đêm, những khắc khoải trong lòng một người già đã làm hoang mang lòng trẻ: "Quê hương là gì ?"

 

Còn nhớ hôm đó, tôi không trả lời liền vì sợ hồ đồ với người lớn tuổi đã không phải, hồ đồ với quê hương càng không phải. Về nhà ngồi nghĩ lung: Một người tài cao học rộng như ông; vinh nhục trong đời đã từng trải như ông; hạnh phúc và khổ đau của ông cũng từng trải dài theo năm tháng .. không có sức mà viết thành sách. Tôi cho là thái độ hoài nghi - một biểu hiện của tuổi già. Rồi tôi nghĩ tiếp thì không tin mình nữa, ông già muốn thử lòng con cháu: Có quê hương không ? Tôi biết trả lời sao cho vừa lòng ông; không thẹn lòng tôi ? (Ông T.Vấn "Bước thời gian" vừa ghé Dallas nhậu với tôi mà quên hỏi. Tiếc cũng muộn rồi.)

 

Đã một tuần trăng đi qua, tôi vẫn không trả lời nổi câu hỏi: "Quê hương là gì ?" Tôi có quê hương không ? Quê hương của những tư tưởng lớn là sông dài, núi cao mà mỹ từ gọi là "Giang sơn gấm vóc" thì tôi đây không có. Quê hương của tôi thấp bé như chính cuộc đời tôi vậy. Quê hương khô khốc với vầng trăng Trung thu soi bóng mình ên, soi miếng báng Trung thu "bỏ thì thương mà vương thì tội". Nhưng ông bạn - điếc không sợ súng, đã "vờ" lệnh cấm trên tinh thần "cái gì cấm thì quý", đem từ Việt Nam về đây. Cũng chỗ thân tình mới cho tôi một cái để nghe; để ngửi .. mùi Trung thu quê xa. Nhưng hỡi ơi ! Tình ơi .. mùi chuột chết. Ly trà xanh thì ngon nhưng không mang hương vị quê nhà vì "Made in Taiwan". Thêm một Trung thu lặng lẽ nơi này. Tôi ngồi nhớ cố hương. Tự hỏi quê hương trong tôi còn hay mất ? Còn gì, mất gì sau những năm tháng xa như người xé lịch chung thân. Quê hương trong tay với miếng bánh Trung thu buồn bã, khô xảm. Quê hương chỉ còn trong hoài niệm mỗi độ giao mùa thôi sao ? Quê hương tôi đâu đây trong từng nỗi nhớ:

 

.. một gốc dừa hoang bên giòng nước vô danh. Năm đó tôi mười lăm, mười bảy. Anh lớn tôi nói với tôi: "Mày đi học rồi về nhà, đừng đi chơi xa để bất cứ lúc nào người ta gọi thì lên đường". Tôi đi học về cứ luẩn quẩn quanh nhà, ra bờ sông ngồi một mình tư lự. Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm, cắm được cái rễ cái vô bờ đất, chỗ bãi rác. Nếu tôi gặp trái dừa khô trước khi anh tôi nói chuyện vượt biên thì tôi đã nhổ lên, chặt ra để lấy cái mộng dừa bên trong to như quả ổi, hơi hôi hôi xà bông nhưng ăn giòn giòn, béo béo cũng đỡ buồn miệng trong tuổi háu ăn. Nhưng hôm đó tôi ngồi nhìn trái dừa khô đã nẩy mầm mà tưởng tượng ra một đời người, đời tôi. Trái dừa kết từ hoa dừa, tôi được cha mẹ sinh ra. Một đêm mưa gió bão bùng, trái dừa khô như tôi đã lớn. Trái dừa rời thân cây dừa như tôi rời xa mẹ và gia đình. Trái dừa trôi trên giòng vô định, tôi trên chiếc thuyền vượt biên cũng không phương hướng. Trái dừa may mắn qua được những đôi mắt tinh tường của những người đi săn bịch ny-lon trên sông nước, tôi may mắn thoát được những đôi mắt cũng tinh tường của lực lượng biên phòng, những người hải tặc biển Đông và thần sóng, thần gió .. Trái dừa cắm được cái rễ vô một chân trời mới, tôi đến được một đất nước xa lạ. Trái dừa mọc thành cây rồi lớn mạnh, ra hoa kết trái. Tôi dần dà ổn định, lấy vợ sanh con. Cây dừa hết tuổi thọ, gục chết trên bãi rác. Tôi chết âm thầm ở quê xa với người vợ ngoại quốc và những đứa con lai. Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm có linh hồn, tôi không nhổ nó lên để thỏa mãn tính tham ăn mà còn dùng cái uy của một thằng phá làng phá xóm có tiếng, nay lớn rồi - tha cho bà con cô bác. Tôi ra lệnh cho đàn em thò lò mũi xanh không được đụng đến cây dừa. Cây dừa có bảo kê lớn mạnh, ra hoa kết trái. Tôi thì không đi được nhiều chuyến nên về ngồi dưới gốc dừa mà nghe cô đơn. (Những năm 77-78, tôi chỉ nghĩ được tới đó là hết.)

 

Mấy chục năm rồi. Thấy cây dừa tôi nhớ đến xóm nghèo, tuổi trẻ của tôi nên computer của tôi luôn luôn để background hình ba cây dừa trên hoang đảo. Cây dừa là quê hương tôi đó sao ? Tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho ông bạn già thương tôi như con ông. Hôm gia đình tôi đi nghỉ hè. Lúc đến thăm Pittsburgh Zoo bên Pennsylvinia, vợ tôi đứng nhìn bụi chuối trong khu vườn thực vật châu Á thật lâu, tôi đến bên xạo sự, vợ tôi nói: "Thấy bụi chuối, em nhớ nhà bà Nội tụi nhỏ quá ! .." Quê hương là bụi chuối trong tâm tư người vợ; trong suy nghĩ người chồng: Quê hương mình cũng đang rách bươm như những tàu lá chuối sau trận gió đêm qua. Em thấy không ?! Đó. Đã hai mươi năm "tình không biên giới" nhưng suy nghĩ vẫn là của riêng. Ai cũng có một quê hương cất kỹ trong tiềm thức và sẵn sàng bật ra tiếng nấc hay nụ cười; tiếng lòng với hiện tại gợi nhớ.

 

Vậy. Quê hương là gì đây ? Tôi đi giao hàng trong trường trung học, đám học trò ngồi dựa lưng vào tường, có con bé rắn mắt nằm xuống sân trường, gác hai bàn chân trắng nõn lên vách tường. Tôi chợt nhớ đôi bàn chân cũng trắng nõn của cô bạn học thời trung học, lần đó bị kiến cắn. Nó la làng, khóc bù lu bù loa. Không có dầu xanh, dầu đỏ, dầu khuynh diệp gì ráo. Tôi nói với nó: "trong nước miếng của mình có thuốc sát trùng". Vậy là nó mút ngón tay cho ướt nước miếng rồi thoa lên những vết kiến cắn, nhưng không chấp nhận nước miếng của tôi vì nước miếng con trai ưa quên đánh răng - dơ lắm ! Quê hương trong tôi là đôi bàn chân con gái - trắng nõn. Nghèo dữ vậy sao ?

 

Tôi đi làm đầu tắt mặt tối, có khi cả tháng, cả năm tôi không nhớ gì đến quê hương. Tối về đến nhà, thấy vợ tôi chong đèn với một đống bills - sẵn đợi cơm chồng. Cái kính chưa quen của người mới đeo kính, cái máy tính gõ lọc cọc để cân đối chi thu trong một gia đình là hình ảnh người-mẹ-Việt-Nam, là quê hương tôi đây. Ánh đèn bàn ăn trong một gia đình Việt Nam nếu đem phân chất sẽ rất nhiều mùi nước mắm và tiếp theo là đừng đem phân chất một mùi hương .. cứ để cho tình theo cảm xúc thì thơm hết. Chắc nhờ vậy mà ấm áp hơn những gia đình không nổi lửa. Những gia đình ăn bữa cơm tối bằng thức ăn nhanh (fast-food) gọi nhà hàng order vài món, họ đưa tới nhà. Ăn vội để còn thời giờ N-joy đủ thứ trên đời trong kỷ nguyên wireless.

 

Sáng ngày nghỉ, vợ tôi ngồi gội đầu với nồi bồ kết nấu y như mẹ tôi mấy mươi năm trước. Những chai dầu gội đầu đắt tiền mà người thân, bạn bè cho tặng trong những dịp lễ lộc thì lặng lẽ đem cho để khỏi buồn lòng người tặng - cũng là hình ảnh quê hương. Quê hương trong một gia đình người tỵ nạn ắp lẩm nếu ta nhìn ra quê hương trong tình thâm, nghĩa trọng. Có nhà Việt Nam nào trên nước Mỹ không có bộ sơn mài "mai lan cúc trúc" hay "ngư tiều canh mục" .. đều chiếm lĩnh một vị trí trang trọng trong phòng khách. Quê hương thiêng liêng đến con người mặc nhiên trang trọng - không suy nghĩ nữa. Hình ảnh quê hương trong căn phòng khách của một gia đình tỵ nạn thường được treo ngang hàng với Chúa, Phật rồi mới tới Ông bà cha mẹ, tới hình ảnh vợ chồng chủ nhà rồi mới tới hình ảnh gia đình con cái, bạn bè .. thể hiện tính kính lão phương Đông.

 

Nếu ngồi nhớ ra, hoài niệm về quê cũ thì phong phú lắm ! Từng hình ảnh thân quen khuất trong tiềm thức sống lại với lòng truy nguyên. Quê hương tôi ẩn hiện trong giấc ngủ mà ai đó gọi là mơ. Con nhỏ em thằng bạn học, bạn trong xóm. Nó nhỏ hơn tôi hai, ba tuổi, thấy mặt tôi là nó rủ đi hái khế. Nó đè vai tôi xuống để ngồi lên cổ tôi là hái tới trái khế. Hay thiệt. Một hôm nó hái xong trái khế rồi la làng, thất thanh: "cổ anh chảy máu .." nhưng cổ tôi không có vết trầy xước nào. Em tôi thành thiếu nữ trong sự ngờ nghệch của cả hai, nghĩ lại thấy thương vô cùng. Tôi đi chặt cây trúc, cột vào đầu trúc cây căm xe đạp bẻ cong hình lưỡi câu. Từ đó, em chọn trái, tôi móc và giật xuống chứ em không trèo lên cổ anh ngồi nữa. Em căng vạt áo và chọn vị trí rơi của quả khế. Tôi giật quả khế rớt giữa mặt em, em đau quá nên kéo luôn vạt áo lên che mặt, khóc. Tôi bàng hoàng với lần đầu tiên thấy được cái áo ngực đang mặc trên thân thể chứ không phải máng sau cánh cửa một phòng ngủ nào đó. Ngộ thiệt. Tôi hát vu vơ .. Quê hương là chùm khế ngọt / cho con trèo hái mỗi ngày ..  từ bao giờ và đến bao giờ ? Quê hương trong mơ của tôi cũng không có gì to lớn, hay ho. Tôi nghèo nhưng không túng tình quê hương. Quê hương chỉ có vậy cho nên không dám nói.

 

Một hôm qua phố lạ. Lòng tôi trống huơ với người bản xứ .. đi ào ào cho kịp những nghĩ suy. Tôi lang thang qua phố phường không quen mà nhớ Tự Do và những tiệm bán tranh, những tiệm bán áo dài thêu, vẽ .. một thời chắt chiu từng đồng lương dạy học để mua tặng cho một nửa của mình - mới chỉ là hy vọng thôi chứ chưa là thiệt bao giờ. Tôi đứng lại với bức tranh nông thôn châu Á chứ không dám chắc là Việt Nam. Năm, bảy người phụ nữ đang cấy lúa trên đồng. Tôi gặp lại quê tôi giữa những người xa lạ và khung cảnh rực rỡ - văn minh của một khu thương mại trên nước Mỹ. Lòng tôi trào dâng cảm giác nhớ nhà.

 

Rồi mới vài hôm đây thôi, nghe một anh bạn trang lứa với tôi kể lể về mối tình câm của anh. Anh yêu gì mà ác đời, đi yêu bà chị lớn hơn anh ba, bốn tuổi. Đêm nào cũng viết những lá thơ tỏ tình diễm lệ đến không còn tiền mua giấy viết. Rồi thất tình khi chị có bồ. Rồi hy vọng khi chị hát "chuyện hợp tan". Rồi thất tình tập cuối khi chị lấy chồng. Rồi nắm bắt cơ hội cuối cùng khi chồng chị vượt biên .. đã không may. Nhưng anh bạn tôi đã thả hết những những lá thơ tình theo năm tháng xuống sông Thanh Đa vì vợ mình, vợ nhà, đâu có lỗi gì đâu ? Anh tóm lại chuyện tình câm của tuổi trẻ của anh nghe ngộ lắm. Quê hương trong tôi chỉ còn là những những lá thơ tình chưa bao giờ gởi. Tôi nghe xong mà mừng. Mừng vì ngoài mình ra cũng có những con người mà tình tự quê hương nhỏ nhặt, tầm thường đến tội nghiệp. Nhưng nhìn ở một góc cạnh khác thì vợ anh ấy chính là quê hương, anh đã và đang sống với vợ như sống trên quê hương dù anh bạn và quê hương qua hình ảnh người vợ, đang sống trên đất khách. Hề gì. chúng ta đi mang theo Quê hương - bên mình là đủ.

 

Không biết những điều tôi viết ra đây, ông bạn già có cho là câu trả lời của hậu sinh. Nếu không được chấp nhận thì tôi đành chịu chứ quê hương không phải là chuyện có thể nói láo cho vui. Nói xạo lấy tiếng. Quê hương là chùm khế ngọt/ cho con trèo hái mỗi ngày .. Quê hương là cầu tre nhỏ/ mẹ về nón lá nghiêng che .. Quê hương là con diều biếc/ tuổi thơ con hát trên đồng .. Nhưng quê hương của những con diều đứt dây, diều băng thì nghèo nàn và buồn lắm. Không có mẹ về nón lá nghiêng che để được quà, được mẹ lau giọt mồ hôi chạy chơi bằng vạt áo Người.

 

Mấy câu văn xuôi dạo nọ, gởi ông bạn già.

 

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu ?

Nhìn mây tôi đáp: trên địa cầu

đây ! hương thoảng còn vương lại

Cây dừa, trái khế… những đêm thâu

 

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu ?

Từ Ải Nam Quan tới Cà Mau

Biển Đông dài, ba ngàn cây số

Đang mất dần vô tay lũ giặc Tàu

 

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu ?

Nơi có cầu tre, điệu ví dầu

Lời ru của mẹ ngàn năm trước

Ấm lòng con trẻ tới muôn sau

 

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu ?

Nơi sẽ về thôi lúc bạc đầu

Chiều vương khói rạ bờ sông vắng

Cánh cò mỏi mệt đậu lưng trâu

 

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?

Nơi khắp hành tinh đang nguyện cầu

Càng xa quê quán càng bi thống

Tiếng lòng uất nghẹn đến thiên thâu

 

 

Phan

 

(Bai Chuyen)

 

website counter